5 lỗi thừa/thiếu động từ mà người mới học tiếng Anh hay mắc phải
Key takeaways
5 lỗi ngữ pháp về thừa/thiếu động từ:
Thiếu động từ “to be”
Thừa động từ “to be”
Thiếu động từ thường trong câu có mệnh đề quan hệ / mệnh đề danh từ / mệnh đề trạng ngữ
Thừa động từ thường do sử dụng các động từ liền nhau mà không thay đổi cấu trúc động từ
Thiếu động từ “to be” khi 1 chủ ngữ có 2 động từ.
Trong quá trình học ngữ pháp tiếng Anh cơ bản, nhiều học sinh thường mắc phải các lỗi ngữ pháp thừa/thiếu động từ trong câu hoặc trong mệnh đề, khiến câu văn trở nên sai ngữ pháp và có thể gây khó hiểu. Đây là lỗi điển hình của rất nhiều người bắt đầu học hoặc xây lại gốc tiếng Anh.
Bài viết này sẽ nêu ra 5 lỗi thừa/thiếu động từ điển hình dẫn đến mắc lỗi ngữ pháp, đồng thời đưa ví dụ cụ thể cho từng lỗi sai và cách khắc phục các lỗi đó. Bài tập vận dụng ở cuối bài viết giúp người học củng cố hơn những kiến thức được trình bày trong bài.
5 lỗi ngữ pháp thừa/thiếu động từ cần tránh
Cần lưu ý:
Bất kì một câu nào trong tiếng Anh (trừ các câu cảm thán đặc biệt) cũng chứa ít nhất một mệnh đề.
Một mệnh đề có 2 thành phần bắt buộc là chủ ngữ và động từ.
Mỗi chủ ngữ cần có ít nhất một động từ chính, nếu câu có bao nhiêu chủ ngữ thì cần bấy nhiêu động từ chính. Nếu hai chủ ngữ cùng thực hiện một hành động thì chỉ xem như là một cụm chủ ngữ chứ không phải là hai chủ ngữ.

1. Thiếu động từ “to be”
Lỗi thiếu động từ “to be” thường gặp phải trong những câu hoặc mệnh đề chỉ có chủ ngữ và tính từ hoặc danh từ.
Ví dụ khi cần dịch câu: “Cô ấy rất xinh đẹp” sang tiếng Anh, lỗi sai thường thấy ở một số người là: “She very beautiful”, trong khi câu đúng phải là “She is very beautiful.”
Cách khắc phục lỗi ngữ pháp này:
Khi đặt câu, cần lưu ý câu của mình có động từ thường hay không (là các động từ khác ngoài động từ “to be” như: go, dance, live, stay, like, hate,...)
Nếu câu không cần dùng động từ thường, tức là cần dùng động từ “to be” (thường là câu có vị ngữ là danh từ hoặc tính từ)
Ví dụ về những câu không có động từ thường thì sẽ dùng động từ “to be”:
Tôi năm nay 30 tuổi. => I’m 30 years old.
Mẹ tôi đã rất già. => My mom is very old.
Cô ấy xinh đẹp hơn tôi. => She is more beautiful than me.
Bố cô ấy là bác sĩ. => My dad is a doctor.
Anh ấy đang ở Paris. => He is in Paris.
Tôi rất vui vì bạn đến. => I am so glad that you come.
2. Thừa động từ “to be”
Lỗi thừa động từ “to be” thường bị mắc khi người học đặt câu trong thì hiện tại / quá khứ đơn, khi trong câu đã có động từ thường mà vẫn thêm động từ “to be”.
Ví dụ khi cần dịch câu: “Tôi có 2 chú chó và 1 chú mèo” thì một số người dịch là “I am have 2 dogs and 1 cat” trong khi câu đúng phải là “I have 2 dogs and 1 cat.”
Cách khắc phục lỗi ngữ pháp này:
Khi đặt câu, KHÔNG dùng đồng thời cả động từ thường và động từ “to be” liền nhau
Ngoại lệ 1: Khi câu được đặt ở dạng bị động thì sau chủ ngữ là động từ “to be” rồi đến dạng quá khứ phân từ của động từ thường. Ví dụ: I was given a new bike yesterday. (Hôm qua tôi được tặng một chiếc xe đạp mới.)
Ngoại lệ 2: Khi câu được đặt ở thì tiếp diễn chỉ hành động đang diễn ra thì sau chủ ngữ là động từ “to be” rồi đến dạng động từ thường có đuôi “ing”.
Ví dụ: I am playing badminton. (Tôi đang chơi cầu lông)
3. Thiếu động từ thường trong câu có mệnh đề quan hệ / mệnh đề danh từ / mệnh đề trạng ngữ
Lỗi này thường xảy ra khi người học đặt một câu phức, tức là câu có nhiều hơn 1 mệnh đề. Những câu này thường là câu có mệnh đề quan hệ, mệnh đề danh từ.
Ví dụ, khi cần dịch câu: “Sự thật là nhiều người ở Việt Nam chưa biết sử dụng máy tính” thì một số người học đặt câu là “The fact that many people in Viet Nam don't know how to use computer”.
Khi phân tích câu này, “The fact that” thường được dịch sang tiếng Việt là “Sự thật là”, vì vậy mà người học đã dịch sang câu văn như trên mà không nhận ra lỗi của mình.
Lỗi ở đây là cả mệnh đề “The fact that many people in VietNam don't know how to use computer” được gọi là một mệnh đề danh từ, tức là nó chỉ đóng vai trò như một danh từ trong câu mà thôi. Mệnh đề này có thể đứng ở đầu câu làm chủ ngữ hoặc ở sau động từ chính để làm tân ngữ hoặc bổ ngữ, và câu trên chưa có động từ chính.
Vậy cách diễn đạt đúng là:
The truth is that many people in Viet Nam don't know how to use computers.
It’s the truth/fact that many people in Viet Nam don't know how to use computers.
Một ví dụ khác, khi cần dịch câu: “Cô gái đó tôi đã gặp ngày hôm qua”, lỗi sai thường thấy ở học sinh là việc đặt câu: “That girl who I met yesterday”. ở câu này, “that girl” là chủ ngữ, “who I met yesterday” là mệnh đề quan hệ bổ nghĩa cho “that girl”, như vậy câu này chưa có động từ chính.
Những cách diễn đạt đúng là:
That is the girl who I met yesterday.
That girl is the person who I met yesterday.
I met that girl yesterday.
Cách khắc phục lỗi ngữ pháp này:
Cần hiểu bản chất chức năng của các loại mệnh đề quan hệ, mệnh đề danh từ, mệnh đề trạng ngữ trong câu
Mệnh đề quan hệ dùng để bổ sung thông tin cho một danh từ / cụm danh từ / mệnh đề nào đó trong câu. Như vậy nó là một thành phần riêng biệt đi ngay sau đối tượng nó bổ nghĩa. Động từ trong mệnh đề quan hệ không được tính là động từ chính trong câu.
Mệnh đề danh từ đóng vai trò như một danh từ trong câu, vì vậy động từ của mệnh đề danh từ cũng không được tính là động từ chính trong câu.
Mệnh đề trạng ngữ đóng vai trò là trạng ngữ của câu để bổ sung thêm thông tin cho câu, nó không phải mệnh đề chính nên chủ ngữ và động từ của nó không phải chủ ngữ và động từ chính trong câu.
4. Thừa động từ thường do sử dụng các động từ liền nhau mà không thay đổi cấu trúc động từ
Đây là lỗi người học tiếng Anh thường mắc khi chưa nắm chắc kiến thức về bổ ngữ của động từ mà chỉ đơn giản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh theo thứ tự.
Ví dụ, khi dịch câu “Tôi tránh cãi nhau với hàng xóm láng giềng” thì học sinh sẽ đặt câu như sau: “I avoid argue with neighbors” trong khi câu đúng phải là “I avoid arguing with my neighbors.”
Cách khắc phục lỗi ngữ pháp này:
Khi người học muốn dùng 2 động từ thường cạnh nhau, cần lưu ý các quy tắc về việc dùng động từ làm bổ ngữ cho động từ. Có 3 dạng động từ làm bổ ngữ cho động từ là V + to V, V + V-ing, V + sb + to V
Ví dụ:
1. I want to participate in this contest. (Tôi muốn tham gia kì thi này.)
2. I prefer reading books than watching movies. (Tôi thích đọc sách hơn xem phim)
3. My parents allow me to hang out with friends. (Bố mẹ cho tôi đi chơi với các bạn.)
Trường hợp ngoại lệ: 3 động từ make, help, let sẽ được theo sau bởi sb + V (trong đó help có thể vừa kết hợp được với cả V hoặc to V).
Ví dụ:
1. My friends make me become happy. (Các bạn tôi làm tôi rất vui.)
2. My brother helps me (to) prepare the meal. (Em trai tôi giúp tôi chuẩn bị bữa ăn.)
3. I let my dog play with the ball. (Tôi để chú chó của mình chơi với trái bóng.)
5. Thiếu động từ “to be” khi 1 chủ ngữ có 2 động từ
Học sinh thường mắc lỗi này khi trong câu có 1 chủ ngữ và 2 vị ngữ, trong đó vị ngữ phía sau không có động từ chính.
Ví dụ, khi cần dịch câu: “Cô ấy nhận được món quà tôi tặng và rất ngạc nhiên về điều đó”, một số học sinh đặt câu như sau: “She received the gift that I gave and surprised at that” trong khi câu đúng phải là “She received the gift that I gave and was surprised at that.”
Cách khắc phục lỗi ngữ pháp này:
Khi câu có 2 vị ngữ cùng 1 chủ ngữ, cả 2 vị ngữ này phải có động từ
Khi ở vị ngữ 2 không có động từ thường mà chỉ có tính từ hoặc danh từ, người học cần sử dụng động từ “to be”

Bài tập vận dụng
Tìm và sửa các lỗi sai ở những câu sau.
I will go in for that competition and proud of myself for doing so.
At 10a.m yesterday my mom preparing dinner.
I don’t want make you to feel sad.
After I met him who I promised to study English hard.
Children who play sports frequently.
I continue go to university instead of finding a job immediately.
I will support you do assignments if you help me this time.
The fact that I don’t know how to cook.
Last month I was had an important test.
Her hair so beautiful that I just want to behold it for so long.
Last week I bitten by a dog but now I have recovered.
Lily had an accident and she in the hospital now.
Đáp án gợi ý
I will go in for that competition and proud of myself for doing so. => be proud
At 10a.m yesterday my mom preparing dinner. => was preparing
I don’t want make you to feel sad. => to make you feel
After I met him who I promised to study English hard. => Câu này mới chỉ có mệnh đề trạng ngữ là “Sau khi tôi gặp anh ấy người mà tôi đã hứa sẽ học tiếng Anh chăm chỉ” chứ chưa có mệnh đề chính, vì vậy cần thêm mệnh đề chính
Children who play sports frequently. => Câu này mới chỉ có mệnh đề quan hệ, nghĩa là “Những đứa trẻ mà chơi thể thao thường xuyên” chứ chưa có động từ chính, vì vậy cần thêm động từ chính
I continue go to university instead of finding a job immediately. => to go hoặc going
I will support you do assignments if you help me this time. => to do
The fact that I don’t know how to cook. => Câu này mới chỉ có mệnh đề danh từ, nghĩa là “Sự thật rằng tôi không biết nấu ăn” chứ chưa có động từ chính, vì vậy cần thêm động từ chính
Last month I was had an important test. => bỏ was
Her hair so beautiful that I just want to behold it for so long. => is so beautiful
Last week I bitten by a dog but now I have recovered. => was bitten
Lily had an accident and she in the hospital now. => she is
Cùng chủ đề:
Tổng kết
Bài viết này đã chỉ ra 5 lỗi thừa/thiếu động từ phổ biến, thường mắc phải bởi những người bắt đầu học ngữ pháp tiếng Anh. Tác giả đưa ra những ví dụ về các lỗi sai cũng như cách khắc phục những lỗi sai đó kèm bài tập vận dụng để củng cố kiến thức. Hi vọng qua bài viết này, người học sẽ nhận diện được lỗi ngữ pháp này để cải thiện kĩ năng ngôn ngữ của mình hơn nữa.
Nếu người học mong muốn nâng cao kiến thức ngữ pháp tiếng Anh một cách có hệ thống, Sách Giải Thích Ngữ Pháp Tiếng Anh Mai Lan Hương kèm Bài tập & Đáp án là tài liệu hữu ích. Cuốn sách cung cấp lý thuyết chi tiết về các chủ điểm ngữ pháp quan trọng, đi kèm bài tập thực hành và đáp án giúp người học tự đánh giá và củng cố kiến thức.
Tác giả: Vũ Thanh Thảo
Bình luận - Hỏi đáp