Lỗi sai về động từ người học trình độ 3.5 - 4.5 thường mắc phải

Bài viết cung cấp các lỗi sai liên quan đến động từ mà người học ở trình độ 3.5-4.5 thường hay gặp phải và cách khắc phục.
author
Nguyễn Văn Hoàn
14/09/2023
loi sai ve dong tu nguoi hoc trinh do 35 45 thuong mac phai

Đối với người học ở trình độ bắt đầu (beginner), việc viết câu đúng cấu trúc gồm đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ vẫn còn là một khó khăn. Đối với người Việt Nam, do sự khác biệt về cấu trúc câu trong tiếng Anh và tiếng Việt, đặc biệt ở động từ trong câu - động từ trong câu tiếng Anh có sự phức tạp hơn so với tiếng Việt do chúng phụ thuộc vào chủ ngữ. Vì vậy, người học ở trình độ cơ bản thường gặp một số vấn đề liên quan đến sử dụng động từ trong câu tiếng Anh. Trong bài viết này, tác giả sẽ chỉ ra một số lỗi phổ biến về động từ trong câu và gợi ý một số giải pháp để người học khắc phục những lỗi sai này. 

Key takeaways

Khác với động từ trong tiếng Việt - luôn không thay đổi dạng thức, dạng động từ trong tiếng Anh sẽ thay đổi phụ thuộc vào chủ ngữ và thời gian hành động diễn ra trong câu. 

Các lỗi sai liên quan đến động từ mà người mới học thường mắc bao gồm:

  • Thường sử dụng kết hợp động từ to be và động từ thường. Để sửa lỗi này, người học cần xác định chính xác loại động từ chính trong câu. 

  • Chia động từ số nhiều với mọi chủ ngữ. Để sửa lỗi này, người học cần xác định chính xác chủ ngữ là số ít hay số nhiều và sử dụng đúng cấu trúc động từ tương ứng với chủ ngữ và thời gian trong câu. 

  • Lỗi sai với động từ khuyết thiếu. Đối với động từ khuyết thiếu, người học chú ý luôn sử dụng động từ nguyên thể theo sau. 

  • Sai cấu trúc động từ trong các thì tiếp diễn. Với lỗi sai này, người học cần lưu tâm dạng đúng của động từ trong các thì tiếp diễn: be + V-ing.

  • Động từ nguyên thể làm chủ ngữ trong câu. Trong tiếng Anh, khi động từ làm chủ ngữ của câu, chúng được đưa về dạng danh động từ: V-ing và động từ chính trong câu luôn chia số ít. 

  • Câu thiếu động từ, đặc biệt khi câu tiếng Việt chỉ chứa tính từ và không có động từ. Với các câu như vậy trong tiếng Việt, khi dịch sang tiếng Anh, người học cần bổ sung động từ tobe tương ứng theo đúng chủ ngữ và thì của động từ trong câu. 

  • Động từ luôn chia ở thì hiện tại đơn. Điều này là do người học ở trình độ bắt đầu thấy khó khăn và phức tạp, thậm chí chưa nhớ được dạng thức của động từ ở các thì khác nhau. Để khắc phục lỗi này, đầu tiên, người học cần xác định đúng thì trong câu và sử dụng từ điển để tra cứu dạng đúng của động từ với thì tương ứng. 

Động từ trong tiếng Anh 

Định nghĩa 

Theo từ điển Cambridge, động từ là loại từ miêu tả hành động hoặc sự trải nghiệm do chủ thể thực hiện. 

Ví dụ: 

I visited my grandfather last weekend. (Tôi thăm ông bà tôi vào cuối tuần trước.)

Trong câu trên, động từ “visit” diễn tả hành động “ghé nhà ông bà và thăm hỏi ông bà” do chủ thể “I” (tôi) - chủ ngữ trong câu thực hiện. 

Các yếu tố ảnh hưởng tới động từ trong câu 

Khác với tiếng Việt, động từ trong tiếng Anh bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Người học cần nắm rõ được các yếu tố này nhằm hiểu rõ bản chất về sự khác biệt trong dạng của động từ ở từng tình huống/ngữ cảnh khác nhau trong câu. 

yếu tố ảnh hưởng tới động từ trong câu

Động từ bị ảnh hưởng bởi “Chủ ngữ” của câu 

Chủ ngữ là thành phần đầu tiên có ảnh hưởng trực tiếp tới dạng của động từ trong câu. Trong tiếng Anh, chủ ngữ thường gặp bao gồm: đại từ nhân xưng, danh từ hoặc cụm danh từ. Để dùng đúng động từ khi kết hợp với các chủ ngữ này, người học cần xác định chủ ngữ này là số ít, không đếm được hay số nhiều. 

Dưới đây là một số quy tắc cơ bản để chia động từ thường ( Verb) theo chủ ngữ trong tiếng Anh ( ở thì hiện tại đơn).

-Chủ ngữ số ít (Singular Subject):

  • Chủ ngữ là "I" (tôi): Sử dụng động từ nguyên thể (base form). Ví dụ: I study at the library. ( tôi học ở thư viện)

  • Chủ ngữ là "he", "she", "it" (anh ấy, cô ấy, nó) hoặc danh từ số ít: Sử dụng động từ + "s" hoặc "es" (đối với động từ kết thúc bằng "o", "s", "x", "sh", "ch"). Ví dụ: She eats breakfast every morning. (Cô ấy ăn sáng mỗi sáng)

-Chủ ngữ số nhiều (Plural Subject):

  • Chủ ngữ là "we", "you", "they" (chúng tôi, bạn, họ) hoặc bất kỳ danh từ số nhiều nào khác: Sử dụng động từ nguyên thể (base form). Ví dụ: We like watching movies. (Chúng tôi thích xem phim),

    Dogs bark loudly. (Những con chó sủa to)

-Động từ không đổi theo chủ ngữ:

  • Một số động từ như "can", "may", "should", "must" không thay đổi dựa trên chủ ngữ và cần một động từ theo sau ở thể nguyên mẫu . Ví dụ: "He can swim." (Anh ấy có thể bơi.)

Ngoài ra trong tiếng Anh còn có động từ “tobe” và cũng được chia theo chủ ngữ trong quy tắc dưới đây ( ở thì hiện tại đơn) :

Sử dụng “is” (cho chủ ngữ He, She, It, và danh từ số ít ):

  • Ví dụ:

    • He is a teacher. (Anh ấy là một giáo viên)

    • She is a doctor. (Cô ấy là bác sĩ)

    • This dog is beautiful. (Con chó này thật đẹp)

Sử dụng “am” (cho chủ ngữ I - Tôi):

  • Ví dụ: I am a student. (Tôi là một học sinh)

Sử dụng “are” (cho chủ ngữ we, you, they, và danh từ số nhiều):

  • Ví dụ:

    • We are friends. (Chúng tôi là bạn)

    • You are engineers. (Bạn là kỹ sư)

    • Those houses are beautiful. (Những ngôi nhà kia thật đẹp )

Khi sử dụng động từ "to be" trong câu, người học nên chú ý đến chủ ngữ để chọn đúng hình thức chia động từ. Điều này giúp người học tránh sai sót ngữ pháp và biểu đạt ý muốn một cách chính xác trong tiếng Anh.

Động từ bị ảnh hưởng bởi hời gian xảy ra hành động

Dưới đây là một số các thay đổi của động từ dựa vào thời gian xảy ra

→Hiện tại đơn (Present Simple): ( Thời gian xảy ra hành động ở hiện tại)

  • Cấu trúc: S + V

  • Công thức chia động từ: V (nguyên thể) thêm -s/-es cho chủ ngữ he, she, it.

  • Giải thích: Trong thì hiện tại đơn, động từ chia theo nguyên thể với tất cả các chủ ngữ ngoại trừ he, she, it. Khi chủ ngữ là he, she, it, ta thêm -s, -es vào động từ .

  • Ví dụ: She reads books every day.

→Hiện tại tiếp diễn (Present Continuous): ( Thời gian xảy ra hành động ở hiện tại)

  • Cấu trúc: S + tobe (am/is/are) + V-ing

  • Công thức chia động từ: V (nguyên thể) + -ing.

  • Giải thích: Trong thì hiện tại tiếp diễn, động từ chia theo dạng V-ing cho tất cả các chủ ngữ.

  • Ví dụ: They are playing soccer in the park.

→ Tương lai đơn (Simple Future):( Thời gian xảy ra hành động ở tương lai)

  • Cấu trúc: S + will + V (nguyên thể)

  • Công thức chia động từ: will + V (nguyên thể).

  • Giải thích: Thì tương lai đơn thường được sử dụng để diễn tả những hành động hoặc sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai một cách dự đoán hoặc theo kế hoạch.

  • Ví dụ: I will visit my grandparents next weekend.

→ Quá khứ đơn (Past Simple) :( Thời gian xảy ra hành động ở quá khứ)

  • Cấu trúc: S + V2 (quá khứ đơn)

  • Công thức chia động từ: V thêm -ed/-d/-ied cho một số động từ có quy tắc (regular verb) và bất quy tắc (irregular verb) sẽ được chi dạng quá khứ phân từ V2. (Tham khảo tại đây) .

  • Ví dụ: They watched a movie last night.

→ Quá khứ tiếp diễn (Past Continuous): ( Thời gian xảy ra hành động ở quá khứ và chỉ hành động đang diễn ra)

  • Cấu trúc: S + tobe (was/were) + V-ing

  • Công thức chia động từ: was/were + V-ing.

  • Giải thích: Trong thì quá khứ tiếp diễn, ta sử dụng tobe ở quá khứ kèm theo dạng V-ing của động từ để biểu thị hành động đang diễn ra tại một thời điểm trong quá khứ.

  • Ví dụ: I was reading a book when the phone rang.

→ Hiện tại hoàn thành (Present Perfect): ( Thời gian xảy ra hành động ở quá khứ và có liên quan đến hiện tại)

  • Cấu trúc: S + have/has + V3 (quá khứ phân từ)

  • Công thức chia động từ: have/has + V3.

  • Giải thích: Trong thì hiện tại hoàn thành, ta sử dụng have/has kèm theo quá khứ phân từ của động từ để biểu thị hành động đã hoàn thành ở một thời điểm trong quá khứ và vẫn còn liên quan đến hiện tại.

  • Ví dụ: He has finished his homework.

Trên đây và một số các trường hợp điển hình động từ sẽ được thay đổi dựa vào mốc thời gian xảy ra hành động hay nói các khác là các thì trong câu. Việc hiểu và áp dụng đúng cách chia động từ theo thì khác nhau sẽ giúp người học sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và truyền đạt ý nghĩa một cách rõ ràng trong giao tiếp tiếng Anh. ( Tham khảo thêm tất các các thì trong tiếng Anh tại đây)

Các lỗi sai thường gặp ở trình độ bắt đầu 

image-alt

Lỗi sai sử dụng động từ to be kết hợp với động từ nguyên thể 

Ở trình độ mới bắt đầu, người học thường hiểu nhầm rằng câu đúng trong tiếng Anh sẽ có động từ bao gồm cả động từ to be và động từ thường.

Ví dụ 1:

Lỗi sai: He is work at a university.

Sửa lỗi: He works at a university.

Phân tích và giải thích: Cách sử dụng động từ to be và động từ thường như trên không chính xác do chúng tuân theo cấu trúc của bất kỳ thì nào trong tiếng Anh. Trong tiếng Anh, động từ "to be" (is/am/are) thường được sử dụng để chỉ trạng thái hoặc tình trạng hiện tại của chủ ngữ, và không cần phải kết hợp với động từ nguyên thể khác. Trong trường hợp này, "work" là một động từ chỉ hành động và đang mô tả một sự thật , nên ta chỉ cần sử dụng nó riêng lẻ để diễn đạt ý nghĩa rằng "He làm việc tại một trường đại học." Để sửa lỗi này, ta chỉ cần sử dụng động từ "work" trong dạng cơ bản, và chia theo chủ ngữ ngôi số 3 số ít là “he” sẽ là "works," để diễn đạt hành động của chủ ngữ hiện tại.

Ngoài ra, người học nên chú ý cách sử dụng của động từ to be khi chúng làm động từ chính trong câu: 

Khi động từ "to be" (is, am, are) được sử dụng trong câu, nó thường được kết hợp với các loại từ khác để tạo thành cấu trúc hoàn chỉnh. Dưới đây là các loại từ mà người học thường thấy đi kèm với động từ "to be".

  1. To be + Tính từ (Adjective):

    • Động từ "to be" thường kết hợp với tính từ để mô tả tính chất hoặc tình trạng của chủ thể.

    • Ví dụ: She is happy. (Cô ấy vui vẻ.)

    • Trong trường hợp sử dụng tính từ phủ định, thêm "not" sau động từ "to be".

    • Ví dụ: He is not hungry. (Anh ấy không đói.)

  2. To be + Danh từ (Noun):

    • Động từ "to be" có thể kết hợp với danh từ để chỉ tên hoặc xác định người, vật, địa điểm, v.v.

    • Ví dụ: I am a teacher. (Tôi là một giáo viên.)

    • Trong trường hợp sử dụng danh từ số nhiều, sử dụng "are" thay vì "is" hoặc "am".

    • Ví dụ: They are students. (Họ là học sinh.)

  3. To be + Cụm danh từ (Noun Phrase):

    • Cụm danh từ là một nhóm từ bao gồm danh từ và các từ bổ sung như tính từ, đại từ, giới từ.

    • Ví dụ: The book on the table is interesting. (Cuốn sách trên bàn là thú vị.)

  4. Giới từ (Preposition) và cụm giới từ:

    • Động từ "to be" thường kết hợp với giới từ và cụm giới từ để xác định vị trí, thời gian, cách thức.

    • Ví dụ: She is at home. (Cô ấy ở nhà.)

    • Ví dụ: The party is on Saturday. (Buổi tiệc là vào thứ Bảy.)

  5. Trạng từ (Adverb):

    • Một số trường hợp, "to be" có thể kết hợp với trạng từ để bổ sung thông tin về cách thức, tần suất, mức độ.

    • Ví dụ: They are always late. (Họ luôn đến muộn.)

    • Ví dụ: He is very tired. (Anh ấy rất mệt.)

Lỗi sai chia động từ số nhiều ở mọi trường hợp

Lỗi phổ biến tiếp theo ở trình độ Foundation đó là chia động từ số nhiều cả khi chủ ngữ là số ít hoặc số nhiều khi câu ở thì hiện tại đơn: 

Ví dụ: He work very hard everyday. 

Trong câu trên, chủ ngữ “he” là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít, tuy nhiên, động từ “work” trong câu lại chưa được thêm “s”. 

Để khắc phục lỗi này, người học cần xem xét chủ ngữ trong câu là số ít/số nhiều như sau: 

  • Đại từ nhân xưng ngôi thứ 3 số ít (he/she/it); danh từ số ít đếm được hoặc danh từ không đếm được => sử dụng động từ số ít 

  • Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (I) và ngôi thứ hai (we/you/they); danh từ số nhiều đếm được => sử dụng động từ số nhiều.

Lỗi sai với động từ khuyết thiếu

Đối với người học ở trình độ bắt đầu, động từ khuyết thiếu (modal verb) và cách sử dụng của chúng có thể là một khái niệm còn xa lạ do trong tiếng Việt có sự khác biệt lớn. Trước hết, động từ khuyết thiếu là động từ dùng để diễn tả khả năng của một hành động. Một số động từ khuyết thiếu thường gặp bao gồm: can, could, should, may, might, must. 

Với nhóm từ này, người học ở trình độ này có thể mắc hai lỗi như sau: 

Động từ khuyết thiếu đứng một mình

Một lỗi phổ biến mà người mới học tiếng Anh thường mắc phải khi sử dụng động từ khuyết thiếu (modal verb) là không kèm theo một động từ thường (base verb) để chỉ hành động phía sau. Dưới đây là một ví dụ minh họa cho lỗi này:

Ví dụ: 

Tiếng Việt: Họ có thể bơi được 50m. 

Tiếng Anh: They can 50m.

Một số ít người học thường bỏ qua động từ “bơi” do hiểu nhầm “can” đã bao hàm nghĩa của từ “bơi” trong câu. Để khắc phục lỗi này, người học chú ý, động từ khuyết thiếu không thể đứng một mình mà theo sau nó cần có một động từ nguyên thể. Vì vậy, câu trên có thể sửa như sau: They can swim 50m. 

Động từ theo sau động từ khuyết thiếu thường thêm “s/es” hoặc “to V”

Lỗi sai khi sử dụng động từ khuyết thiếu (modal verb) thường gặp là việc thêm "s/es" hoặc "to V" sau động từ khuyết thiếu, gây ra sự không phù hợp với cấu trúc ngữ pháp. Dưới đây là một giới thiệu chi tiết về lỗi này:

Ví dụ: 

Tiếng Việt: Cô ấy nên gọi cho tôi. 

Tiếng Anh: She should to call me. 

Hoặc: She should calls me. 

Lỗi sai: Trong cả hai trường hợp câu người học đưa ra đều có lỗi về việc sử dụng động từ sau "should." Trong tiếng Anh, khi sử dụng động từ khuyết thiếu (modal verb) như "should," chúng ta sử dụng động từ nguyên thể (base form) của động từ mà không cần thêm "to" hoặc hình thức thêm "s/es" cho ngôi thứ ba số ít.

Cách sửa lỗi:

  1. She should to call me.

    • Câu chỉnh sửa: She should call me.

  2. She should calls me.

    • Câu chỉnh sửa: She should call me.

Ngoài ra dưới đây là một số quy tắc quan trọng khi sử dụng các modal verb như bao gồm: "can," "could," "may," "might," "will," "would,"…. trong câu:

  1. Không thay đổi dạng của động từ:

    • Modal verbs không thay đổi dạng theo thì, ngôi, hay số. Chúng luôn đi kèm với động từ nguyên thể (base form) của động từ thường. Ví dụ: "can eat," "will go," "should study."

  2. Cấu trúc chủ từ và động từ:

    • Chủ ngữ + Modal Verb + Động từ nguyên thể + ...

    • Ví dụ: "She can sing," "We should study."

  3. Modal verbs không cần "to":

    • Modal verbs không được theo sau bởi "to." Điều này khác với các động từ khác, ví dụ: "want to go," "like to eat."

  4. Modal verbs không có dạng hiện tại đơn thứ ba:

    • Trong hiện tại đơn thứ ba, modal verbs sử dụng là "he/she/it" + "modal verb." Không thêm "s/es" vào modal verb. Ví dụ: "He can swim," "She may come."

  5. Phủ định và nghi vấn:

    • Để tạo câu phủ định, đặt "not" sau modal verb. Ví dụ: "I cannot swim."

    • Để tạo câu nghi vấn, đặt modal verb trước chủ ngữ. Ví dụ: "Can you swim?"

  6. Động từ "have to" và "need to":

    • "Have to" và "need to" không phải là modal verbs, nhưng cũng thể hiện khả năng, nghĩa vụ, yêu cầu, tương tự như modal verbs.

    • Ví dụ: "I have to go to work," "She needs to finish her homework."

  7. Modal verbs trong câu điều kiện (conditional sentences):

    • Modal verbs thường được sử dụng trong cấu trúc điều kiện (conditional sentences) để diễn tả các tình huống giả định và kết quả.

    • Ví dụ: "If I had more time, I could finish the project."

Lỗi sai cấu trúc động từ trong hiện tại tiếp diễn 

Một lỗi khá phổ biến khác liên quan đến động từ đó là người học ở trình độ này thường sai cấu trúc động từ trong thì hiện tại tiếp diễn. Trước tiên, người học cần nắm được cấu trúc đúng của động từ ở các thì tiếp diễn: “be + V-ing”. 

Có hai lỗi thường gặp ở trường hợp này như sau: 

Thiếu động từ tobe trong hiện tại tiếp diễn:

Ví dụ: My sister doing homework now. 

Ví dụ người học đưa ra "My sister doing homework now" chứa một lỗi về ngữ pháp. Để sửa lỗi này, chúng ta cần điều chỉnh cấu trúc câu sao cho đúng với quy tắc ngữ pháp. Dưới đây là cách sử dụng ngữ pháp đúng cho ví dụ này:

Câu sửa: "My sister is doing homework now."

Phân tích: Câu này thiếu động từ "is" sau chủ ngữ "My sister." Điều này là cần thiết để tạo ra cấu trúc đúng của câu. Để diễn tả một hành động đang diễn ra vào lúc hiện tại, chúng ta cần sử dụng cấu trúc "be + V-ing." Trong trường hợp này, động từ "do" cần được biến đổi thành "doing."

Động từ sau “to be” ở dạng nguyên thể trong hiện tại tiếp diễn

Ví dụ: My sister is do homework now. 

Phân tích lỗi: "is do" không phải là cấu trúc đúng. Để thể hiện hành động đang diễn ra vào lúc hiện tại, chúng ta cần sử dụng "is doing." "do" cần được chuyển thành "doing" để đúng cấu trúc ngữ pháp.

Cách sửa: Câu đã sửa: "My sister is doing homework now."

Lỗi thiếu chủ ngữ và dùng động từ nguyên thể như chủ ngữ

Khi dịch/viết các câu tiếng Anh thường bắt đầu bằng “việc” hoặc động từ trong tiếng Việt, người học thường dùng động từ nguyên thể làm chủ ngữ trong câu. 

Ví dụ: 

Tiếng Việt: Việc ăn tối muộn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của mọi người. 

Tiếng Anh: Have dinner late negatively affects people’s health. 

Tiếng Việt: Đọc sách là thói quen hàng ngày của tôi. 

Tiếng Anh: Read books is my daily habit. 

Các câu dịch trên là sai vì khi động từ làm chủ ngữ trong câu, người học cần thêm đuôi “ing” cho các động từ đó để biến chúng thành danh động từ - có thể coi nó tương tự như danh từ vì danh từ có thể làm chủ ngữ. Ngoài ra, người học cần lưu ý, với các câu có chủ ngữ bắt đầu bằng V-ing, động từ trong câu luôn là động từ số ít

Do đó, các câu dịch trên sửa đúng sẽ là: 

→ Having dinner late negatively affects people’s health. 

→ Reading books is my daily habit. 

Lỗi sai thiếu động từ tobe

Một lỗi về động từ điển hình mà người Việt thường mắc khi viết câu trong tiếng Anh đó là với các câu tiếng Việt không có động từ thì khi dịch sang tiếng Anh, người học thường thiếu động từ. 

Ví dụ: 

Tiếng Việt: Quyển sách này rất hay. 

Tiếng Anh: This book interesting. 

Câu tiếng Anh trên chưa chính xác vì nó thiếu động từ - một thành phần chính trong câu. Để tránh lỗi này, người học chú ý nguyên tắc sau: Khi câu tiếng Việt có tính từ và thiếu động từ => bổ sung động từ “to be” khi dịch sang câu tiếng Anh và chú ý chia động từ phù hợp với chủ ngữ.

Như vậy, câu tiếng Anh trên sửa đúng là: This book is interesting. 

Lỗi sai thì của động từ

Đối với người mới học, một số người học thường cảm thấy phức tạp khi phải thay đổi dạng của động từ theo thì, do vậy, các thí sinh thường có xu hướng sử dụng dạng động từ ở thì hiện tại đối với tất cả các thì. 

Ví dụ: Yesterday, I watch movies in the cinema. 

Trong ví dụ trên, động từ “watch” chưa chính xác do nó không thể hiện được hành động này đã xảy ra trong quá khứ. Để khắc phục lỗi sai này, trước hết, người học cần dựa vào trạng ngữ thời gian hoặc ngữ cảnh của câu để xác định đúng thì của động từ. Sau đó, người học có thể sử dụng từ điển để tra cứu dạng đúng tương ứng ở từng thì của động từ đó. 

Ví dụ với động từ “watch” trong ví dụ trên. Do có trạng từ “yesterday” nên hành động này thuộc về quá khứ nên động từ “watch” cần sử dụng dạng của nó ở quá khứ. Người học có thể tiến hành tra cứu theo từ điển Oxford ở mục Verb Form.

Khi tra cứu từ “watch”, người học chọn mục “Verb form” và tìm vào “past simple” (thì quá khứ đơn) để biết được dạng đúng của động từ “watch” ở thì này là “watched”. Tương tự, với thì hiện tại đơn, người học dò mục “present simple”; các thì hoàn thành ở mục “past participle” và các thì tiếp diễn ở mục “-ing form”. 

image-alt

Bài tập vận dụng 

Tìm và sửa lỗi sai về động từ trong các câu sau (nếu có)

  1. He should wears raincoats. 

  2. People are trying to protect the environment. 

  3. Sleep early helps us to maintain good health. 

  4. We preparing for the next exam now. 

  5. Money are important. 

  6. He is go to school by bus everyday. 

  7. Using too much social media make people become lazy. 

  8. Children can make their own decisions. 

  9. Today, the weather nice. 

  10. I travel to Nha Trang beach last weekend. 

  11. He could spoke three different languages. 

  12.  So far, people have have many great inventions. 

ĐÁP ÁN VÀ GIẢI THÍCH: 

  1. Lỗi sai: “wears” sửa thành “wear” vì động từ theo sau động từ khuyết thiếu “should”. 

  2. Không có lỗi sai vì câu này đã sử dụng đúng cấu trúc động từ của thì hiện tại tiếp diễn: are trying (be + V-ing) 

  3. Lỗi sai “sleep” vì động từ đứng đầu câu làm chủ ngữ cần sử dụng dạng V-ing: Sleeping. 

  4. Lỗi sai: thiếu động từ tobe trong thì hiện tại tiếp diễn. Trong câu này, trạng từ “now” cho thấy đây là thì hiện tại tiếp diễn, do vậy, cấu trúc đúng của động từ: be + V-ing. Câu này cần bổ sung động từ “are” vì chủ ngữ là “we” (đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều).

  5. Lỗi sai “are” vì chủ ngữ “money” là danh từ không đếm được, do vậy, động từ đúng là “is”. 

  6. Lỗi sai: động từ tobe kết hợp với động từ thường. Để sửa lại, người học loại bỏ động từ “is” và chuyển động từ “go” thành “goes” do chủ ngữ là “he” (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít.) 

  7. Lỗi sai “make”. Khi chủ ngữ là danh động từ - động từ V-ing thì động từ trong câu luôn chia số ít, do vậy động từ đúng là “makes”. 

  8. Không có lỗi sai, sau động từ khuyết thiếu “can” là động từ nguyên thể “make”. 

  9. Lỗi sai: câu thiếu động từ. Câu này có tính từ “nice” do vậy, động từ “is” cần được bổ sung.

  10. Lỗi sai: travel. Câu có trạng từ “last weekend” cho thấy đây là thì quá khứ đơn, do vậy, động từ cần chia ở thì quá khứ như sau: “traveled”. 

  11. Lỗi sai: “spoke”. Câu có động từ khuyết thiếu “could” do vậy, động từ theo sau ở dạng nguyên thể “speak”. 

  12. Lỗi sai “have” (ở vị trí số 2). Câu có trạng từ “so far” cho thấy đây là thì hiện tại hoàn thành, do vậy cấu trúc động từ đúng là: have/has + P2 (động từ phân từ), do vậy, động từ “have” cần chuyển thành “had”. 

Tổng kết

Trong quá trình học tiếng Anh ở mức độ từ 3.5 đến 4.5, việc sử dụng động từ đúng là một thách thức quan trọng. Khác với tiếng Việt, động từ trong tiếng Anh thay đổi dạng thức tùy thuộc vào chủ ngữ và thời gian của hành động trong câu. Trong quá trình học, người học thường mắc một loạt lỗi phổ biến liên quan đến động từ:

Một số lỗi thường gặp bao gồm việc kết hợp động từ "to be" với động từ thường, chia sai động từ theo chủ ngữ, sai cấu trúc động từ trong các thì tiếp diễn, và để động từ nguyên thể làm chủ ngữ của câu. Các lỗi này thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về cách sử dụng và chia động từ trong các tình huống khác nhau. Một vấn đề khác thường gặp là việc thiếu động từ trong câu do sự khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Thêm vào đó, lỗi khi động từ luôn chia ở thì hiện tại đơn cũng sẽ hay gặp phải. Để khắc phục lỗi này, người học cần xác định đúng thì trong câu và sử dụng tài liệu học để tra cứu dạng đúng của động từ.

Tóm lại, việc hiểu rõ cấu trúc ngữ pháp và thường xuyên thực hành là quan trọng để cải thiện khả năng sử dụng động từ đúng và tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh. Đồng thời, hãy luôn tìm kiếm cơ hội học hỏi qua các tài liệu, tham gia lớp học, và không ngừng hoàn thiện từng bước để trở thành người sử dụng động từ thành thạo.


Work cited

Berta. (2021, April 28). Common English grammar mistakes | Oxford International English. Oxford International English Schools. https://www.oxfordinternationalenglish.com/common-english-grammar-mistakes/

Grammarly. (2023). Modal Verbs: Definition & Usage Examples | Grammarly Blog. Modal Verbs: Definition & Usage Examples | Grammarly Blog. https://www.grammarly.com/blog/modal-verbs/

Verbs and verb phrases: typical errors. (2023). In Cambridge Grammar. https://dictionary.cambridge.org/grammar/british-grammar/verbs-and-verb-phrases-typical-errors

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu