Mối quan hệ giữa tư duy phân kì – tư duy hội tụ
Ở phần này, người viết sẽ đề câp đến mối quan hệ giữa hai loại hình tư duy: Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ.
Mối quan hệ giữa tư duy phân kì và tư duy hội tụ
Ở phần này, người viết sẽ đề câp đến mối quan hệ giữa hai loại hình tư duy: Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ.
Theo Wikipedia: “Tư duy hội tụ là một thuật ngữ do Joy Paul Guilford đặt ra và trái nghĩa với “Tư duy phân kì”.
Mối quan hệ giữa tư duy phân kì và tư duy hội tụ
Tư duy hội tụ là tư duy tập trung vào câu trả lời, là khả năng đưa ra câu trả lời “đúng” cho các câu hỏi chuẩn mực không đòi hỏi sự sáng tạo, ví dụ như trong hầu hết các nhiệm vụ ở trường và trong các bài kiểm tra trắc nghiệm tiêu chuẩn về trí thông minh.” Mục đích của Tư duy hội tụ là tìm ra câu trả lời duy nhất (tốt nhất, hoặc thường là đúng nhất) và có cơ sở cho một vấn đề. Một số đặc điểm chính của Tư duy hội tụ có thể kể đến như: nhấn mạnh tốc độ, sự chính xác và logic; tập trung vào việc nhận ra, áp dụng và tích lũy các kiến thức cũ. Ngoài ra, trong Tư duy hội tụ, các câu trả lời chỉ có thể Đúng hoặc Sai, không mập mờ. (Arthur Cropley, 2006)
So sánh Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ
So sánh Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ
| Tư duy phân kì | Tư duy hội tụ |
Định nghĩa | Là khả năng tạo ra những giải pháp tiềm năng khác nhau cho một vấn đề. | Là khả năng đưa ra câu trả lời “đúng” cho một câu hỏi, vấn đề. |
Mục đích | Tạo ra nhiều ý tưởng, nhiều cách tiếp cận khác nhau để tìm ra những giải pháp tiềm năng khác nhau, từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về các khía cạnh khác nhau của vấn đề. ⇒ Nhấn mạnh số lượng thay vì chất lượng. | Tìm ra câu trả lời duy nhất (tốt nhất, hoặc thường là đúng nhất) và có cơ sở cho một vấn đề. ⇒ Nhấn mạnh chất lượng thay vì số lượng. |
Đặc điểm | Diễn ra một cách tự do, tự phát, phi tuyến tính Đề cao tính sáng tạo, các ý tưởng hay giải pháp mới. Không có ý tưởng, câu trả lời nào được cho là Đúng/ Sai. | Nhấn mạnh tốc độ, sự chính xác và logic. Tập trung vào việc nhận ra, áp dụng và tích lũy các kiến thức cũ. Mọi ý tưởng, câu trả lời chỉ có thể Đúng hoặc sai, không mập mờ. |
Ưu điểm | Giúp con người có cái nhìn sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của vấn đề. | Giúp tìm ra câu trả lời đúng nhất/ tốt nhất cho một vấn đề. |
Nhược điểm | Một số ý tưởng, giải pháp sẽ không hiệu quả hoặc không khả thi, mạo hiểm. | Câu trả lời/ Giải pháp nhiều khả năng sẽ không mang tính mới và tính sáng tạo. |
Kết luận: Từ bảng so sánh trên, có thể thấy được Tư duy phân kỳ và Tư duy hội tụ là hai quá trình đối lập nhau, song điều đó không có nghĩa chúng không thể kết hợp với nhau. Thực tế, sự đối lập trong bảng trên cho thấy chúng hoàn toàn có thể kết hợp, bổ khuyết cho nhau để tạo nên những phương pháp xử lý vấn đề hoàn chỉnh và sáng tạo.
Kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ trong việc giải quyết vấn đề
Khi giải quyết vấn đề, Tư duy phân kì sẽ được sử dụng để tạo ra số lượng giải pháp tiềm năng khác nhau nhiều nhất có thể. Sau đó, người giải quyết vấn đề sẽ sử dụng Tư duy hội tụ để đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả của các ý tưởng, nhằm mục đích thu hẹp lại dần dần phạm vi của giải pháp, và cuối cùng đưa ra giải pháp tối ưu.
Lối giải quyết vấn đề dựa trên sự kết hợp của Tư duy phân kì và hội tụ này đã được đề cập đến bởi nhiều học giả và nhà nghiên cứu:
Guilford (1959) đã đưa ra cách giải quyết vấn đề với 4 bước:
Kết hợp của Tư duy phân kì và hội tụ
Bước 1: Nhận ra vấn đề cần được giải quyết.
Bước 2: Suy nghĩ các ý tưởng, giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề.
Bước 3: Đánh giá tiềm năng của các ý tưởng, giải pháp.
Bước 4: Đưa ra một kết luận phù hợp dẫn đến hướng giải quyết vấn đề.
Trong quá trình trên, có sự kết hợp của cả Tư duy phân kì và hội tụ, cụ thể như sau:
Bước | 1 | 2 | 3 | 4 |
Mô tả | Nhận ra vấn đề cần được giải quyết. | Suy nghĩ các ý tưởng, giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. | Đánh giá tiềm năng của các ý tưởng, giải pháp. | Đưa ra một kết luận phù hợp dẫn đến hướng giải quyết vấn đề. |
Tóm tắt quá trình | Phát hiện vấn đề | Sản sinh ý tưởng | Đánh giá ý tưởng | Khẳng định giải pháp |
Tư duy | Tư duy hội tụ | Tư duy phân kì | Tư duy hội tụ | Tư duy hội tụ |
Horenstein (2002) cũng đã nghiên cứu về các bước trong quá trình xử lý vấn đề. Theo nghiên cứu của ông, quá trình xử lý vấn đề gồm 2 bước: Tổng hợp sáng tạo (1) và Phân tích logic (2). Trong đó, bước (1) tương tự như quá trình Tư duy phân kì, còn bước (2) có nhiều điểm tương đồng với quá trình Tư duy hội tụ.
Ví dụ về việc kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ trong việc giải quyết vấn đề:
Học sinh A nhận thấy vấn đề của mình là việc học từ vựng Tiếng Anh. Bạn suy nghĩ và lên danh sách các phương pháp mình có thể sử dụng để học từ vựng như dưới đây. Quá trình suy nghĩ nhằm nảy sinh các giải pháp khác nhau này chính là Tư duy phân kì.
Sau khi lên danh sách những phương pháp học tiềm năng, học sinh A phân tích và đánh giá từng phương pháp để chọn cách học phù hợp nhất cho mình:
Chép từ và nghĩa tiếng Việt vào vở: Cách học này học sinh A đã thử nhiều năm nhưng không thấy hiệu quả nên bạn loại phương án này.
Ôn lại hàng ngày: Học sinh A có rất nhiều bài tập các môn khác phải hoàn thành, vì vậy, bạn không thể dành thời gian mỗi ngày để học từ vựng Tiếng Anh. Do đó, bạn loại phương án này.
Sáng tác truyện, bài thơ, bài hát: Học sinh A tự thấy mình không có đủ tính sáng tạo để áp dụng cách học này. Do đó, bạn tiếp tục loại phương án này.
Học qua Flashcards: Học sinh A tìm được một ứng dụng học từ vựng qua Flashcards trên điện thoại và rất hứng thú với cách học này. Bạn quyết định chọn lựa cho mình phương pháp học qua Flashcards.
Quá trình phân tích, đánh giá từng giải pháp tiềm năng, sau đó đi đến hướng giải quyết cuối cùng chính là Tư duy hội tụ.
Như vậy, học sinh A trong ví dụ đã thành công trong việc kết hợp hai quá trình: Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ để giải quyết vấn đề học từ vựng của mình.
Tổng kết
Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ là hai phương thức tư duy vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Chúng tuy đối lập, song lại có thể kết hợp, bổ khuyết cho nhau để tạo nên những cách xử lý vấn đề tối ưu. Qua bài viết này, tác giả hi vọng đã giúp người đọc tìm hiểu thêm về Tư duy phân kì, Tư duy hội tụ, mối quan hệ giữa hai loại hình tư duy này cũng như cách kết hợp chúng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Lê Hiền Trang
Bạn muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp