Banner background

Cách khắc phục Mù thoáng qua (Change Blindness) trong dạng bài Inference - Digital SAT Reading

Bài viết gợi ý cách loại bỏ Mù thoáng qua (Change Blindness) để nâng cao kết quả Inference dSAT cho các thí sinh đang gặp khó khăn với dạng bài này.
cach khac phuc mu thoang qua change blindness trong dang bai inference digital sat reading

Key takeaways

  • Change Blindness đề cập đến khó khăn của con người trong việc nhận thấy những khác biệt giữa hai hình ảnh xuất hiện gần nhau, đặc biệt khi có sự gián đoạn ở giữa.

  • Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng này là do con người chỉ có thể chú ý vào một số chi tiết nhất định, và vì thế bỏ lỡ một số yếu tố khác.

  • Khi làm dạng câu hỏi Inference, thí sinh cũng có thể gặp phải hiện tượng này. Sự chú ý của thí sinh đang được đặt ở một số chi tiết hay từ khoá cụ thể, và vì vậy, có thể không nhận ra sự thay đổi rất nhỏ dẫn đến đáp án bẫy. 

  • Cách khắc phục Change Blindness trong Digital SAT Reading: hình thành các ý phụ, hình thành mối liên hệ giữa các ý phụ và suy ra kết luận, so sánh thông tin giữa văn bản và các đáp án sai.

Dạng bài Inference trong Digital SAT Reading kiểm tra khả năng kết nối thông tin và tạo ra lập luận hợp lý của thí sinh, với yêu cầu chính là lựa chọn đáp án để hoàn thiện một văn bản. Nhiều thí sinh gặp trở ngại khi dễ bị nhầm lẫn giữa các đáp án tương đồng, khó tìm ra các ý nghĩa ẩn hay mối liên hệ ngầm mà cần tư duy sâu.

Trong bài viết này, tác giả sẽ cung cấp thông tin về cách khắc phục Change Blindness - một nguyên nhân thường gặp dẫn đến các trở ngại trên, và cách mà thí sinh có thể giải quyết để đạt kết quả tốt hơn trong dạng bài Inference.

Định nghĩa Change Blindness (Mù thoáng qua)

Change Blindness (Mù thoáng qua)

Change Blindness (Mù thoáng qua) đề cập đến khó khăn của con người trong việc nhận thấy những khác biệt nhỏ hoặc lớn giữa hai hình ảnh xuất hiện gần hay liền kề nhau, đặc biệt khi có sự gián đoạn ở giữa như khoảng trống ngắn hoặc cái chớp mắt [1]. Một trong những nguyên nhân xảy ra hiện tượng này, theo hai nhà nghiên cứu Daniel Simons và Daniel Levin [2], là do sự hạn chế trong khả năng chú ý buộc chúng ta phải chọn chủ thể để duy trì tập trung thay vì tập trung vào tất cả mọi thứ xung quanh. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể chú ý vào một số chi tiết nhất định mà chúng ta cho là quan trọng, và vì thế bỏ lỡ một số yếu tố khác.

Mối liên hệ giữa Change Blindness và dạng câu hỏi Inference

Khi làm SAT Reading, thí sinh cũng gặp một khó khăn tương tự như trong hiện tượng Mù thoáng qua, đó là không thể chú ý vào mọi chi tiết trong văn bản vì áp lực thời gian và khả năng đọc hiểu các văn bản dài còn hạn chế. Vì vậy, thí sinh thường sẽ cố gắng tóm gọn ý chính theo từ khoá và tìm các từ khoá đó ở một trong bốn đáp án bên dưới. Sự chú ý của thí sinh lúc này đang được đặt ở các từ khoá thể hiện thông tin mà thí sinh cho là quan trọng, và vì vậy, có thể không nhận ra sự thay đổi rất nhỏ dẫn đến đáp án bẫy.

Lấy ví dụ như câu hỏi Inference sau:

Dạng câu hỏi Inference

Trong quá trình đọc văn bản này, ý chính sẽ xoay quanh việc con số ghi nhận đa dạng sinh học của Marta Coll và đồng nghiệp lớn hơn rất nhiều so với con số của Carlo Bianchi và Carla Morri. Hai lý do dẫn đến điều này là mô tả các động vật không xương sống mới qua từ khoá “new invertebrate species” và mức độ không chắc chắn về cách đánh giá vi sinh vật theo loài qua các từ khoá như “morphological variation” hay “uncertainty about how to evaluate microorganisms.”

Khi phần đầu câu cuối đã chỉ ra rằng cả hai bản điều tra đều ghi nhận con số giống nhau về các loài có xương sống, thực vật và tảo, thí sinh có thể đưa ra dự đoán rằng phần còn lại sẽ nêu lên nguyên do cho điểm khác biệt giữa hai con số.

Nhiều người học đã khoanh A vì đáp án này có thông tin trùng khớp với một trong hai lý do dẫn đến sự khác biệt là sự xuất hiện của các loài không xương sống mới, đặc biệt qua từ khoá “invertebrate species.” Ở đây, người học đã dành nhiều sự chú ý cho việc tìm ra sự xuất hiện của một trong hai lý do trên, và vì thế đã vô tình bỏ qua một chi tiết, dù nhỏ, nhưng rất quan trọng khiến cho đáp án này thực chất là đáp án sai: largely (phần lớn). Chi tiết này khiến đáp án ngược với mô tả trong bài đọc là “a difference only partly attributable to the description of new invertebrate species in the interim” (sự khác biệt chỉ một phần là do sự mô tả các loài động vật không xương sống mới).

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với đáp án D. Đáp án này có thông tin trùng khớp với lý do thứ hai, được thể hiện qua “the absence of clarity” = “uncertainty” hay “how to differentiate among species of microorganisms” = “how to evaluate microorganisms” khiến cho thí sinh nhầm lẫn rằng đây là đáp án đúng. Nhưng đáp án này có một chi tiết nhỏ bị sai so với văn bản, đó là Coll và đồng nghiệp không hề đánh giá thấp số loài vi sinh vật; ngược lại, điều tra của họ ghi nhận tới 17000 loài, lớn hơn gần gấp 2 so với Bianchi và Morri.

Như vậy, người đọc biết rằng cần tìm lý do cho sự khác biệt, và họ tập trung tìm kiếm các từ khoá lớn thể hiện ý tưởng đó mà không nhận ra một sự chi tiết nhỏ đã được thay đổi, như từ “only partly” thành “largely”. Một số yếu tố khác khiến người học phân tâm là cái chớp mắt hay áp lực thời gian trong bài thi Digital SAT, càng làm cho người học dễ mắc phải hiện tượng Mù thoáng qua và từ đó chưa có kết quả như mong muốn.

Cách khắc phục Change Blindness trong dạng bài Inference

Change Blindness trong dạng bài Inference

Hình thành các ý phụ thay vì chỉ ghi nhớ từ khoá

Khi dạng bài Inference chủ yếu xoay quanh việc tạo ra lập luận hợp lý, thí sinh có thể chia các lập luận thành hai phần cơ bản: Tiền đề và Kết luận. 

  • Tiền đề là những sự kiện hay bằng chứng vững chắc làm cơ sở cho kết luận. Đây là những thông tin mà văn bản cung cấp cho thí sinh. 

  • Kết luận là tuyên bố tổng thể mà tác giả muốn đưa ra, dựa vào tiền đề đã có. Đây là đáp án mà thí sinh cần lựa chọn. 

Với Digital SAT Reading nói chung và dạng câu hỏi Inference nói riêng, điều quan trọng là thí sinh cần có khả năng diễn đạt lại ý tưởng bằng ngôn ngữ của mình, đặc biệt là khi tiền đề gồm rất nhiều thông tin nhỏ và khó ghi nhớ. Trong quá trình luyện tập, thí sinh có thể hình thành các ý phụ (bullet points) để không bỏ lỡ các chi tiết nhỏ, đồng thời hiểu sâu hơn về nội dung và liên kết các ý tưởng một cách tốt hơn. Việc chỉ gạch chân từ khoá đôi khi sẽ khiến thí sinh quá chú trọng vào các từ đó, trong khi hình thành ý phụ vẫn sẽ hàm chứa các từ này nhưng toàn diện hơn về mặt ý tưởng. 

Ví dụ với câu hỏi Inference ở trên, thí sinh có thể hình thành các ý phụ như sau: 

  • Ý 1: Marta Coll và đồng nghiệp có con số lớn hơn Bianchi và Morri 

  • Ý 2: Một phần nhỏ là do các loài không xương sống mới 

  • Ý 3: Lý do khác là sự biến đổi hình thái của vi sinh vật chưa được hiểu rõ 

  • Ý 4: Quyết định của các nhà nghiên cứu sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả 

Như vậy, 4 ý phụ trên là tiền đề mà thí sinh có. 

Suy nghĩ về mối liên hệ giữa các ý phụ và suy ra kết luận

Nếu như ý phụ 2 và 3 có vai trò giải thích sự khác biệt về con số ở ý 1, vậy thì mối liên kết giữa ý 3 và 4 là gì? Thí sinh nên đặt các câu hỏi như vậy để dễ dàng suy ra kết luận. Khi sự biến đổi hình thái chưa được hiểu rõ và không có cơ sở chắc chắn nào cho việc các loài vi sinh vật sẽ được quy về một loài ra sao, tức là các nhà nghiên cứu có thể dựa trên kiến thức và lập trường của riêng họ để đưa ra quyết định.

Nếu con số ghi nhận các loài có xương sống, thực vật và tảo giữa hai cuộc điều tra đều giống nhau, thì sự khác biệt lớn (sau khi loại ra sự khác biệt nhỏ hơn từ ý 2) có thể sẽ do mỗi nhóm nghiên cứu lại có một nhận thức khác nhau về sự khác biệt hình thái của vi sinh vật (liên kết ý 1, 3, 4): có nhóm cho rằng sự khác biệt này đủ lớn để trở thành dấu hiệu của nhiều loài vi sinh vật khác nhau, lại có nhóm cho rằng sự khác biệt này vẫn chỉ mang ý nghĩa là những biến thể trong cùng một loài.

Với quá trình suy luận này, đáp án chính xác sẽ là B. Đáp án này nhất quán với các thông tin được đưa ra trong văn bản và được suy ra hợp lý từ các mối liên hệ giữa các ý phụ.

So sánh các đáp án sai và thông tin trong văn bản

Một cách để thực hành loại bỏ hiện tượng Change Blindness trong quá trình làm bài chính là so sánh, tìm ra điểm khác biệt, thường là nhỏ nhất, giữa các đáp án sai và nội dung văn bản, giống như những gì tác giả bài viết đã phân tích với hai đáp án A và D. 

Đáp án C sẽ có sự khác biệt lớn hơn, khi con số thấp hơn của Bianchi và Morri không đồng nghĩa với việc họ ít nhạy cảm hơn với mức độ biến đổi hình thái của vi sinh vật, khi chưa có một tiêu chuẩn chung nào để phân loại và đánh giá những sự khác biệt này (ý 3). 

Đọc thêm: Cải thiện kỹ năng phân tích và so sánh văn bản trong SAT Reading Cross-text connections

Bài tập vận dụng

Thí sinh có thể thực hành loại bỏ Change Blindness với các câu hỏi sau:

Câu hỏi 1

Câu hỏi 2

Câu hỏi 3

Gợi ý cách giải

Câu hỏi 1:

Hình thành các ý tưởng phụ:

  • Ý 1: Tất cả các loài động vật đều ngủ và giấc ngủ có những lợi ích lớn đã được công nhận 

  • Ý 2: Tuy nhiên, ngủ sâu hàng giờ liền khiến động vật dễ bị tổn thương

  • Ý 3: Một số nhà khoa học cho rằng những lợi ích đã biết của giấc ngủ dường như không đủ để giải thích tại sao nó lại phổ biến như thế

Ý 1 đưa ra một nhận thức phổ biến về giấc ngủ và những lợi ích mà nó đem lại, và ý 2 trình bày một ý tưởng mới, khác biệt hơn về khuyết điểm của giấc ngủ sâu. Nếu như ngủ sâu khiến động vật dễ bị tổn thương hơn, đáng ra, chúng sẽ không lựa chọn tiến hoá để ngủ hàng giờ liền, nhưng chúng đã tiến hóa theo cách đó. Từ sự thật này, những nhà khoa học cho rằng những lợi ích đã biết (tăng cường trí nhớ, chữa bệnh) có thể không giải thích đầy đủ sự phổ biến của một hành vi có vẻ nguy hiểm (ngủ sâu kéo dài). Vì thế, kết luận có thể là giấc ngủ còn những lợi ích khác chưa được khám phá ra, và những lợi ích này đủ lớn để động vật đánh đổi, gánh lấy rủi ro của giấc ngủ sâu kéo dài.

So sánh các đáp án sai với văn bản:

Đáp án A có từ “widespreadness” chỉ sự phổ biến của giấc ngủ, và dù chi tiết này có liên quan một phần đến lập luận của các nhà khoa học (những lợi ích đã biết không đủ để giải thích sự phổ biến của giấc ngủ), đây chỉ là một chi tiết nhỏ, và khi xét ý nghĩa cả đáp án thì văn bản lại không nhắc tới phép so sánh rằng sự phổ biến hay chức năng của giấc ngủ quan trọng hơn.

Nếu chỉ nhìn qua, đáp án C có thể là đáp án đúng vì giấc ngủ trong văn bản cũng được đề cập như một điều đem đến lợi ích (tăng cường trí nhớ hay chữa bệnh) nhưng sau đó lại được phát hiện là có thể gây tổn thương cho động vật. Hiện tượng Mù thoáng qua có thể xảy ra nếu thí sinh không chú ý đến “many traits” (nhiều đặc điểm), trong khi văn bản chỉ nhắc đến duy nhất một đặc điểm là giấc ngủ sâu.

Đáp án D cũng có thể gây nhầm lẫn tương tự với đáp án C, khi có từ khoá như “evolutionary standpoint” và đề cập đến ý tưởng rằng chức năng của nhiều đặc điểm còn khó hiểu. Nhưng đáp án lại nhắc nhắc tới “most traits”, và việc có chức năng khó hiểu không giải thích được tại sao giấc ngủ sâu lại tồn tại và phổ biến.

Câu hỏi 2:

Hình thành các ý tưởng phụ:

  • Ý 1: Nắng nóng gay gắt giúp cây trồng phát triển nhanh nhưng cũng vì thế mà dễ héo và chết

  • Ý 2: Người Sumer đã sử dụng nước sông để trồng trọt

  • Ý 3: Phương pháp đó hiệu quả đến mức có thể thu hoạch nhiều cây trồng hơn mức cần thiết trong một mùa

Liên kết các ý tưởng:

Ý 1 đưa ra nguyên nhân tại sao người Sumer cần nước sông để trồng trọt: vừa để tận dụng lợi ích của thời tiết nắng nóng (cây phát triển nhanh) vừa giảm thiểu hạn chế của nó (dùng nước sông để cung cấp độ ẩm, khiến cây ít có nguy cơ bị héo hơn). Ý 3 nói về hiệu quả của việc sử dụng nước sông là có thể thu hoạch nhiều cây trồng hơn mức cần thiết trong một mùa. Vì thế, kết luận có thể sẽ liên quan tới số cây được thu hoạch thừa đó, khi họ có thể để dành sử dụng sau.

Đáp án đúng là D.

So sánh các đáp án sai với văn bản:

Đáp án A có ý tưởng về những ngày nóng nhất của mỗi mùa, tương tự với ý tưởng là thời tiết nắng nóng gay gắt trong văn bản đã giúp cây trồng phát triển nhanh, nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến việc người Sumer chỉ thu hoạch vào những ngày này, còn mùa lạnh thì không. Như vậy, chi tiết bị thay đổi ở đây là thêm “only”, chỉ sự giới hạn về thời điểm thu hoạch, không được ủng hộ trong văn bản.

Nếu đọc thoáng qua thì có thể nhầm lẫn rằng B là đáp án đúng, nhưng thực chất không phải. Mục đích của người Sumer không phải là bảo vệ mùa màng khỏi mặt trời; trái lại, sức nóng từ mặt trời khiến cho cây trồng phát triển tốt hơn. Họ tìm cách giữ cho đất không bị khô cằn do khí hậu nóng và khô hạn, mà vẫn tận dụng được lợi thế từ ánh nắng.

Đáp án C có nhắc tới thời gian trùng khớp với văn bản là 4000 BCE, nhưng hoạt động lại khác nhau: văn bản nói rằng văn minh Sumer được thành lập, trong khi đáp án lại đề cập rằng đây là khoảng thời gian người Sumer bắt đầu trồng trọt.

Câu hỏi 3:

Hình thành các ý tưởng phụ:

  • Ý 1: Các miệng hố có hình dạng bất thường của Sao Hoả có thể được gây ra bởi các vụ nổ núi lửa lớn

  • Ý 2: Tìm ra tàn dư của tro bụi, có thể là kết quả của một vụ phun trào núi lửa lớn ở Arabia Terra

  • Ý 3: Xói mòn và các sự kiện tái tạo bề mặt trong quá khứ có thể đã làm biến đổi bề mặt hành tinh

Liên kết các ý tưởng:

Ý 1 đưa ra giả thuyết về bề mặt Sao Hoả của các nhà thiên văn học, trong khi ý 2 thể hiện kết quả của cuộc tìm kiếm ở một địa điểm trên Sao Hoả mà có thể là dẫn chứng ủng hộ cho giả thuyết đó. Ý 3 đã cẩn thận đưa ra một khả năng khác so với giả thuyết trước đó. Như vậy, kết luận có thể sẽ liên quan tới việc sự hình thành bề mặt Sao Hoả không hoàn toàn phản ánh hay là kết quả của riêng một nguyên nhân ở câu đầu (các vụ núi lửa lớn), bởi còn phải cân nhắc cả những khả năng được trình bày ở ý 3.

Đáp án đúng là A.

So sánh các đáp án sai với văn bản:

Đáp án B có các từ khoá liên quan như “eruptions from Mars's volcanoes” hay “massive”, nhưng lại mang ý tưởng trái ngược. Những bằng chứng về tro tàn ở độ dày và số lượng lớn đã cho thấy rằng chúng có thể là kết quả của một vụ phun trào núi lửa lớn.

Đáp án C có các thông tin liên quan như “ash” hay “volcanoes”, nhưng trong văn bản chỉ nhắc tới tro tàn như kết quả của một vụ phun trào núi lửa lớn - “a massive volcanic eruption” thay vì “multiple.” Thí sinh có thể bị nhầm lẫn đáp án nếu không đọc kĩ và bị áp lực thời gian.

Đáp án D cũng mô tả hiện tượng Change Blindness. Ý tưởng cần điền vào chỗ trống là bên cạnh phun trào núi lửa thì còn có các khả năng khác như xói mòn và các sự kiện tái tạo bề mặt gây ra các miệng hố, tức là không hoàn toàn phủ nhận nguyên nhân phun trào núi lửa. Nhưng đáp án này lại phủ nhận bằng từ “necessarily”, ý chỉ các miệng hố được tìm thấy ở vùng Arabia Terra nhất thiết phải được tạo ra bởi các sự kiện khác chứ không phải do núi lửa phun trào.

Tổng kết

Bài viết trên đã giới thiệu cho người học về hiện tượng Change Blindness trong dạng bài Inference Digital SAT Reading và đưa ra một số cách giải quyết để thí sinh có thể luyện tập.

Bài viết không phủ nhận vai trò của việc xác định và tìm đáp án theo từ khoá, nhưng chỉ dựa vào từ khoá thôi là chưa đủ để đạt hiệu quả cao với SAT Reading nói chung và dạng câu hỏi Inference nói riêng. Thí sinh có thể lồng ghép từ khoá vào trong việc hình thành các ý phụ, để vừa đảm bảo sự ngắn gọn nhưng vẫn duy trì được khả năng hiểu sâu để liên kết tiền đề và xâu chuỗi thông tin đến kết luận logic.

Bên cạnh đó, hiện tượng này không xuất hiện ở tất cả các đáp án, vì không phải đáp án nào cũng gần đúng với thông tin trong bài và chỉ khác một hoặc một vài chi tiết nhỏ. Có những đáp án thể hiện thông tin không liên quan hoặc không được ủng hộ bởi văn bản. Dù vậy, việc nhận biết được cách khắc phục Change Blindness sẽ trang bị cho thí sinh một công cụ hữu hiệu để phân tích, so sánh các đáp án một cách khách quan, từ đó tự tin hơn trong việc đối mặt với những câu hỏi khó.

Tìm hiểu thêm:

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...