Nguyên tắc lựa chọn sử dụng giữa thể bị động và thể chủ động trong văn viết học thuật
Ngày nay, viết học thuật (academic writing) không chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu và học thuật chuyên sâu, mà còn là một thể loại văn viết được yêu cầu trong các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế, chẳng hạn như IELTS. Vì thế, ngoài việc cải thiện năng lực ngôn ngữ và nắm bắt các tiêu chí đánh giá của bài thi IELTS, người học cần lưu ý đến những tính chất của văn viết học thuật, từ đó rèn luyện những kỹ thuật cần thiết để áp dụng vào bài viết.
Thể bị động (passive voice) là một trong những cấu trúc được sử dụng phổ biến trong văn viết học thuật, nhờ những hiệu quả về mặt văn phong mà nó đem lại. Tuy nhiên, ngoài việc ứng dụng linh hoạt thể bị động trong bài viết học thuật, người viết cũng không nên bỏ qua thể chủ động (active voice) cùng các giá trị sử dụng của nó. Việc hiểu rõ bản chất của hai thể nói trên, cũng như lựa chọn cấu trúc phù hợp với ngữ cảnh và ý đồ truyền đạt sẽ giúp người viết đảm bảo được hiệu quả truyền đạt, tính rõ ràng và minh bạch của văn bản, đồng thời giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được nội dung truyền đạt trong văn bản. Bài viết này sẽ phân tích và bàn luận các nhận định được tác giả Joseph M. William bàn luận trong sách Style: toward clarity and grace về các nguyên tắc trong cách dùng câu bị động và câu chủ động sao cho hiệu quả. Từ đó tổng kết những lưu ý cần thiết khi áp dụng kỹ thuật này vào các bài viết học thuật trong bài thi IELTS Writing.
Về các nguyên tắc trong cách dùng câu bị động và câu chủ động
Theo tác giả Joseph M. W., người viết cần trả lời được các câu hỏi sau đây để xác định ý đồ truyền đạt của mình và có cách dùng câu bị động, câu chủ động hiệu quả.
Người đọc có cần biết người thực hiện hành động là ai không?
Nếu câu trả lời là có, người viết cần sử dụng thể chủ động để đề cập đến chủ thể thực hiện hành động và nhấn mạnh vai trò của chủ thể này. Ngược lại, khi đích đến của hành động, hay khách thể bị hành động tác động lên quan trọng hơn, thể bị động cần được áp dụng nhằm tập trung sự chú ý của người đọc vào các thành phần chính yếu này hoặc loại bỏ đi các thông tin không cần thiết. So sánh hai câu dưới đây:
(1) A team of Scottish scientists discovered this type of protein five year ago.
(2) This type of protein was discovered five year ago (by a team of Scottish scientists).
Trong khi câu (1) thể hiện rõ chủ thể thực hiện hành động (a team of scientists) và hướng sự chú ý của người đọc vào chủ thể này, câu (2) nhấn mạnh vào hành động (discovered) và đích đến của hành động (this type of protein). Cụm từ “by a team of Scottish scientists” cũng có thể được lược bỏ nếu nó không có giá trị thông tin đối với người đọc.
Trong một số trường hợp, người viết không biết rõ chủ thể thực hiện hay chịu trách nhiệm cho hành động. Để giải quyết tình huống này, người viết có thể sử dụng thể bị động để tránh đề cập đến nội dung này trong bài viết. Ví dụ,
(1) Somebody has intentionally destroyed all the evidence.
(2) All the evidence has been intentionally destroyed.
Trong câu (1), chủ thể thực hiện hành động không rõ ràng (somebody) nên cần được loại bỏ. Đối với câu bắt đầu bằng các đại từ không xác định như people, someone/ somebody, everyone/ everybody, no one/nobody, người viết nên chuyển câu sử dụng câu bị động để loại bỏ các đại từ này, chuyển trọng tâm của câu sang các thành phần chứa giá trị thông tin, giúp câu văn trở nên ngắn gọn và cô đọng hơn, đồng thời giảm bớt tính chủ quan thể hiện trong nét nghĩa của các đại từ này.
Các chủ ngữ có liên kết nhất quán với nhau không?
Đối với câu hỏi này, người viết cần xét đến khía cạnh liên kết và nhất quán của văn bản, kiểm tra văn bản đã viết xem các chủ ngữ của các câu trong văn bản có đồng nhất với nhau hay không. Dưới đây là một đoạn văn với tất cả các mệnh đề trong đoạn đều ở thể bị động:
It is believed that knowledge related to the current state of environment should be imparted to students in Biology class. This action is needed so that the awareness of environmental protection can be raised among youngsters. Lesson plans should be developed beforehand so that useful information about how to keep the environment clean can be conveyed in an interesting way.
Trong đoạn văn trên, các mệnh đề ở dạng bị động nối tiếp nhau, kèm theo đó là việc đặt các cụm danh từ trừu tượng dài làm chủ ngữ, khiến cho các câu văn trở nên rườm rà và khó hiểu. Người viết liên tục trình bày các nội dung mới thông qua chủ ngữ của câu.
Ngoài ra, chủ ngữ của câu đứng trước không có bất kỳ mối liên hệ nào với chủ ngữ của câu đứng sau. Điều này khiến người đọc liên tục phải tư duy và đổi hướng tư duy để liên kết các mảng thông tin rời rạc với nhau và nắm được nội dung được truyền tải trong các câu. Tuy nhiên, tình trạng này đã được cải thiện khi người viết chuyển các câu trong đoạn văn trên sang thể chủ động như dưới đây:
People believe that teachers should impart knowledge related to the current state of the environment to students in Biology class. We need this action so that we can raise awareness of environmental protection among youngsters. Teachers should develop lesson plans so that they can convey useful information about how to keep the environment clean in an interesting way.
Trong đoạn văn (2), người viết đã bổ sung thêm các chủ thể thực hiện hành động cho từng câu văn, giúp người đọc dễ hình dung được mối quan hệ giữa các chủ thể. So với đoạn (1), nội dung đoạn này được người viết biểu đạt một cách trực tiếp, cô đọng và ít phức tạp hơn. Ngoài ra, các câu này đều tuân theo nguyên tắc cơ bản về một bài viết rõ ràng. Cũng trong chương 2 của sách, tác giả Joseph M. W. đã tóm tắt nguyên tắc này như sau: “Người đọc sẽ cảm thấy một văn bản rõ ràng và minh bạch khi
chủ ngữ của câu chỉ đích danh một đối tượng nào đó, và
động từ theo sau chủ ngữ này là hành động chủ chốt của đối tượng được nhắc đến.”
Nhờ đó, thông tin được biểu đạt theo chiều “thuận”, giúp người đọc nắm bắt được nội dung của đoạn văn một cách dễ dàng.
Nếu các chủ ngữ đã đồng nhất với nhau, các chủ ngữ này đã được sử dụng hợp lý chưa?
Sau khi đã đảm bảo về tính đồng nhất giữa các chủ ngữ trong văn bản, người viết cần xác định xem mình đang đứng ở góc độ nào để nhìn nhận sự việc để có sự lựa chọn phù hợp trong cách dùng câu bị động và câu chủ động. So sánh hai đoạn văn sau:
A passer-by found a suspicious suitcase at the bus stop. He saw the suitcase lying abandoned next to a tree. The passer-by did not open the suitcase on the way to the police station. Just when a policeman was opening the suitcase, a man came rushing in. He claimed that the suitcase was his.
A suspicious suitcase was found at the bus stop by a passer-by. It was seen lying abandoned next to a tree. It was not opened by a passer-by on the way to the police station. Just when it was being opened by the policeman, a man came rushing in. He claimed that the suitcase was his.
Đoạn văn (1) được viết dưới góc nhìn của người qua đường (passer-by) và mô tả những hành động của người này bằng thể chủ động. Mặt khác, ở đoạn văn (2), người viết đứng dưới góc độ của chiếc vali (suitcase) để mô tả các trạng thái của nó, từ lúc được tìm thấy đến lúc được đem trả lại cho chủ. Lúc này, hầu hết các câu trong đoạn văn được viết ở thể bị động.
Như vậy, ngoài việc xem xét về mục đích truyền đạt của người viết và tính nhất quán của các chủ ngữ trong đoạn văn, việc lựa chọn giữa thể chủ động và thể bị động còn phụ thuộc vào góc độ nhìn nhận vấn đề của người viết.
Tổng kết
Bài viết đã giới thiệu đến người đọc các nguyên tắc về trong cách dùng câu bị động và câu chủ động được tác giả Joseph M. Williams đề cập trong cuốn “Style: toward clarity and grace”. Thông qua việc phân tích các nguyên tắc và các ví dụ minh hoạ, tác giả giúp người đọc hình thành một cái nhìn tổng quan hơn về thể chủ động và thể bị động, nhờ đó người đọc có thể chọn lọc và áp dụng cấu trúc phù hợp vào viết học thuật.
Nhờ hiểu về cách dùng câu bị động và câu chủ động, người đọc có thể hạn chế việc lạm dụng thể bị động, chuyển đổi linh hoạt giữa hai thể và chọn lọc thể phù hợp với ngữ cảnh hoặc mục đích truyền đạt trong các kỳ thi ngoại ngữ quốc tế sau này.
Nguyễn Lưu Minh Tâm
Bình luận - Hỏi đáp