Banner background

Xác định manh mối ngữ cảnh trong quá trình đọc để phát triển từ vựng

Từ vựng đóng vai trò quan trọng trong việc đọc hiểu tài liệu nói chung và bài thi IELTS Reading nói riêng, do đó, việc trau dồi vốn từ vựng thường xuyên là rất cần thiết. Tuy nhiên đối với nhiều đối tượng người học, quá trình học từ vựng vẫn chưa thật sự hiệu quả vì phương pháp sử dụng còn chưa phù hợp. Bài viết này sẽ giới thiệu đến người học cách suy luận nghĩa của các từ chưa biết trong khi đọc dựa trên manh mối ngữ cảnh, từ đó phát triển vốn từ vựng một cách tối ưu hơn.
xac dinh manh moi ngu canh trong qua trinh doc de phat trien tu vung

Key takeaways

Thách thức đối với việc học từ vựng trong Tiếng Anh và trong bài thi IELTS Reading

  • Lượng từ vựng khổng lồ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau

  • Phương pháp học từ vựng truyền thống kém hiệu quả

  • Thiếu thời gian học tập

Lợi ích của việc học từ vựng thông qua manh mối ngữ cảnh:

  • Phát triển vốn từ vựng

  • Giúp người học tiếp thu từ vựng một cách tự nhiên và biết cách sử dụng chính xác

  • Tăng mức độ đọc hiểu

Cách xác định manh mối ngữ cảnh để suy luận nghĩa của từ mới 

  • Bước 1: Xác định từ loại của từ vựng lạ

  • Bước 2: Gạch chân hoặc tô đậm các manh mối ngữ cảnh để dự đoán nghĩa của từ

    Các loại manh mối ngữ cảnh gồm có: manh mối định nghĩa (Definition), manh mối từ đồng nghĩa (Synonym), manh mối ví dụ (Example), manh mối từ trái nghĩa (Antonym).

  • Bước 3: Kiểm tra nghĩa của từ vựng

Vai trò của từ vựng trong quá trình đọc 

Tầm quan trọng của từ vựng đối với việc đọc hiểu (reading comprehension) đã được nghiên cứu rộng rãi và chứng minh bởi nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Cụ thể, Chen (2009) kết luận rằng độ rộng của trường từ vựng là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định đến khả năng đọc hiểu ngôn ngữ thứ hai, trong khi đó theo Laufer và Ravenhorst - Kalovski (2010), người học cần nắm đến 98% lượng từ vựng của bài đọc, tương đương 8,000 đến 9,000 họ từ (word families) để có thể hiểu rõ một văn bản.

Vai trò của từ vựng đối với bài thi IELTS Reading cũng không phải là ngoại lệ, bởi tất cả các bài đọc đều xuất phát từ các nguồn đọc bản xứ như báo, bài nghiên cứu. Do đó, để có thể tối ưu điểm số bài thi IELTS Reading, người học không chỉ cần trau dồi kiến thức từ vựng của bản thân mà còn cần nắm rõ ngữ nghĩa chính xác của từ khi sử dụng trong các bối cảnh khác nhau.

Thách thức đối với việc học từ vựng trong Tiếng Anh và trong bài thi IELTS Reading

image-alt

Mặc dù hiểu được ý nghĩa của việc học từ vựng, tuy nhiên việc tiếp thu của nhiều người học vẫn không được hiệu quả do một số thách thức như sau.

  • Bài thi IELTS Reading sử dụng lượng từ vựng khổng lồ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả từ đồng nghĩa và các thành ngữ. Vì vậy, để xây dựng nền tảng từ vựng cần thiết cần nhiều thời gian, và việc này có thể gây khó khăn cho nhiều đối tượng người học, đặc biệt là những người bận rộn.

  • Người học học từ vựng theo phương pháp truyền thống như học thuộc lòng, học theo danh sách từ đơn lẻ mà không có ví dụ hay ngữ cảnh, tập trung vào số lượng từ vựng học được thay vì thật sự tìm hiểu những từ được học,... Trong lâu dài, do lượng kiến thức lớn gây áp lực nhưng không hiệu quả, người học dễ trở nên mất hứng thú và chán nản.

  • Vì tính chất công việc/học tập bận rộn nên trong quá trình học thiếu sự lặp lại (repetition) khiến người học không nhớ được từ vựng trong lâu dài. Do đó, sau mỗi lần học và làm bài tập, người học mất nhiều thời gian để tra nghĩa lại từ đầu.

Tham khảo thêm: Cách kết hợp Spaced Repetition với Contextual learning trong việc học tiếng Anh

Tổng quan về manh mối ngữ cảnh (Context Clue)

image-alt

Định nghĩa manh mối ngữ cảnh (context clue)

Manh mối ngữ cảnh (Context Clues) là những gợi ý trong câu hoặc đoạn văn mà người đọc có thể sử dụng để suy đoán nghĩa của từ mới hoặc từ không quen thuộc. Trong đó, manh mối ngữ cảnh có thể được chia làm hai loại là manh mối theo ngữ cảnh địa phương (local contextual clues) và manh mối theo ngữ cảnh toàn cầu (global contextual clues) (Çetinavcı, 2014). 

  • Manh mối theo ngữ cảnh địa phương (local contextual clues) là những manh mối nằm trong câu chứa từ khóa, hay nói cách khác, là những manh mối nằm gần từ vựng lạ. Ví dụ, trong câu: ”Typhoon Vera killed or injured 28 people and crippled the seaport city of Kellung”. (Bão Vera làm 28 người thiệt mạng hoặc bị thương và làm tê liệt thành phố cảng Kellung). Giả sử người học đã biết nghĩa của những từ quen thuộc và không biết nghĩa từ “crippled” nhưng nhờ hiểu được bão (typhoon) có thể gây tổn hại tới một địa điểm nên có thể suy luận rằng “crippled” có thể hiểu là phá hủy, hay gây thiệt hại (Clarke và Nation, 1980).

  • Manh mối theo ngữ cảnh toàn cầu (global contextual clues) là những manh mối không xác định được vị trí gần những từ lạ. Trong trường hợp này, việc xác định nghĩa của những từ không quen thuộc chỉ được thực hiện bằng cách phân tích các manh mối trong toàn bộ văn bản.

Lợi ích của việc học từ vựng thông qua manh mối ngữ cảnh (context clues)

image-alt

  • Phát triển vốn từ vựng: người học có thể tăng vốn từ vựng nhanh chóng thông qua các manh mối ngữ cảnh và tiết kiệm thời gian thay vì tra từng từ vựng đơn lẻ để có thể đọc hiểu toàn bài dễ gây chán nản.

  • Giúp người học tiếp thu từ vựng một cách tự nhiên và biết cách sử dụng chính xác: vì từ vựng được đặt trong một ngữ cảnh cụ thể cùng những thành phần khác trong câu/đoạn nên người học có thể ghi nhớ từ vựng lâu hơn và sử dụng chính xác từ vựng với bối cảnh phù hợp.

  • Tăng mức độ đọc hiểu: trong quá trình suy luận nghĩa những từ vựng lạ, người học sẽ cần đọc kỹ những thành phần khác của câu cũng như của bài để xác định manh mối. Khi đó, nội dung bài đọc sẽ được ghi nhớ và hiểu sâu hơn.

Tham khảo thêm: 4 sai lầm thường gặp khi học từ vựng tiếng Anh và phương pháp học hiệu quả

Cách xác định manh mối ngữ cảnh để suy luận nghĩa của từ mới 

image-alt

Bước 1: Xác định từ loại của từ vựng lạ

Người học cần xác định xem từ vựng mới là danh từ, tính từ, trạng từ hay động từ. Việc này có thể được thực hiện bằng cách dựa vào những từ đứng trước hay đứng sau từ vựng hoặc dựa vào các loại tiền tố, hậu tố.

Chẳng hạn, trong câu “ The landscape was monotonous.” (Cảnh vật rất nhàm chán), vì từ “monotonous” đứng sau động từ to be và có đuôi -ous (đuôi phổ biến với tính từ) nên người học có thể suy đoán được đây là một tính từ. Thông qua việc xác định loại từ, người học sẽ hình dung rõ hơn về từ vựng, giúp đưa ra những phán đoán phù hợp về mặt ngữ nghĩa về sau.

Bước 2: Gạch chân hoặc tô đậm các manh mối ngữ cảnh để dự đoán nghĩa của từ

image-alt

Các dạng manh mối ngữ cảnh:

  • Manh mối định nghĩa (Definition)

Từ vựng mới có thể được định nghĩa hoặc được giải thích đầy đủ trong câu hoặc trong câu tiếp theo. Các manh mối để định nghĩa thường được bắt đầu bằng các mệnh đề quan hệ, các từ như “mean, like,...” (nghĩa là, giống như,...) hay các loại dấu câu mang tính chất bổ sung ý nghĩa như dấu ngoặc đơn, dấu dấu gạch ngang, dấu phẩy,...

Ví dụ:

- Unlike mammals, which give birth to live young, many reptiles are oviparous. This means they lay eggs, and the young hatch outside of the mother's body. (Không giống như động vật có vú sinh con non, nhiều loài bò sát sinh sản bằng trứng. Điều này có nghĩa là chúng đẻ trứng và con non nở ra bên ngoài cơ thể mẹ.).

Câu trên đưa ra định nghĩa của từ “oviparous” bằng cách mô tả đặc điểm đẻ trứng, từ đó làm rõ nghĩa cho người đọc.

- The arboretum, a place where trees and plants are grown for scientific and educational purposes, was the perfect setting for the botany class field trip. (Vườn ươm, nơi cây cối được trồng cho mục đích khoa học và giáo dục, là bối cảnh hoàn hảo cho chuyến đi thực tế của lớp thực vật học.)

Trong câu này, định nghĩa của "arboretum" được cung cấp trực tiếp trong chính câu chưa từ vựng, sau dấu phẩy. Định nghĩa này thích rằng vườn ươm là nơi trồng cây và thực vật cho mục đích khoa học và giáo dục. Điều này giúp người đọc hiểu rõ vườn ươm là gì mà không cần phải tra từ.

  • Manh mối từ đồng nghĩa (Synonym)

Nghĩa của từ vựng mới có thể được xác định vì nó được diễn đạt bằng những từ ngữ, cách diễn đạt khác đồng nghĩa.

Ví dụ:

- The children were elated after receiving their holiday gifts, just as they were joyful during their birthday celebrations. (Các em vui mừng khi nhận được quà ngày lễ cũng như vui mừng trong lễ kỷ niệm sinh nhật của mình)

Từ "elated" được sử dụng trong tình huống các em nhận được quà, tương tự như tình huống các em cảm thấy "joyful" (vui vẻ) trong lễ kỷ niệm sinh nhật của mình. Từ đồng nghĩa “joyful” giúp người đọc hiểu “elated” có nghĩa là rất vui vẻ hoặc vui mừng khôn xiết.

  • Manh mối ví dụ (Example)

Đôi khi, một từ mà người đọc gặp sẽ có ví dụ kèm theo để làm rõ nghĩa của nó. Manh mối ví dụ thường có thể nhận viết khi có những từ như “for instance/for example” (ví dụ là), “such as/like” (như là), “including” (bao gồm),...

Ví dụ:

- Mammalian animals, such as elephants, lions, and whales, inhabit a variety of ecosystems around the world.(Các động vật có vú như voi, sư tử và cá voi sinh sống ở nhiều hệ sinh thái khác nhau trên khắp thế giới.)

Ở câu trên, người đọc có thể suy luận rằng từ “ mammalian” là tính từ chỉ tính chất chung của các loại động vật ví dụ sau đó, nên có thể suy luận ra nghĩa là động vật có vú.

  • Manh mối từ trái nghĩa (Antonym)

Manh mối từ trái nghĩa chỉ những từ mang ý nghĩa trái ngược với từ vựng mới mà người học đang suy luận nghĩa. Một số dấu hiệu nhận biết manh mối có thể là những từ “but, yet” (nhưng), “however” (tuy nhiên), “though/although/even though” (mặc dù),...

Ví dụ:

- Despite his usual eagerness to participate, that day he was incredibly reluctant to join the discussion.(Bất chấp sự háo hức tham gia thường ngày của anh ấy, ngày hôm đó anh ấy lại vô cùng miễn cưỡng khi tham gia cuộc thảo luận.)

Hai từ "eagerness" (háo hức) và "reluctant" (miễn cưỡng) là những từ trái nghĩa. Việc sử dụng "reluctant" trong câu này trái ngược với "eagerness" và giúp suy ra rằng người đó thường rất nhiệt tình nhưng ngày hôm đó lại do dự một cách bất thường.

Bước 3: Kiểm tra nghĩa của từ vựng

image-alt

 Sau khi đã suy luận nghĩa của từ vựng thông qua các manh mối ngữ cảnh, người học cần ghép từ vào câu ban đầu để đảm bảo ý nghĩa của câu và suy đoán của bản thân là phù hợp.

Tham khảo thêm: Gốc từ là gì và cách dùng gốc từ để đoán từ vựng trong IELTS Reading.

Tổng kết

Bài viết trên giới thiệu đến người đọc cách suy luận nghĩa của những từ vựng mới trong quá trình đọc để có thể tiếp thu và phát triển vốn từ vựng của bản thân, từ đó, tối ưu khả năng đọc hiểu của bản thân cũng như nâng cao điểm số trong bài thi IELTS Reading. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ phù hợp hơn với các nhóm đối tượng đã có kiến thức nền về các điểm ngữ pháp cơ bản như loại từ và đã có một lượng từ vựng căn bản nhất định để có thể nhận biết các dấu hiệu manh mối ngữ cảnh. Do đó, người học cần xác định chính xác năng lực và kiến thức của bản thân để có thể tận dụng phương pháp này hiệu quả hơn.


Trích nguồn tham khảo

  • Çetinavcı, Berrin Manga. "Contextual factors in guessing word meaning from context in a foreign language." Procedia-Social and Behavioral Sciences 116 (2014): 2670-2674.

  • Chen, Kuang Yu. An Explanatory Mixed Methods Study of EFL College Students' Vocabulary Knowledge, Syntactic Knowledge and Reading Comprehension. ProQuest LLC. 789 East Eisenhower Parkway, PO Box 1346, Ann Arbor, MI 48106, 2009.

  • Clarke, David F., and IS Paul Nation. "Guessing the meanings of words from context: Strategy and techniques." System 8.3 (1980): 211-220.

  • Laufer, Batia, and Geke C. Ravenhorst-Kalovski. "Lexical threshold revisited: Lexical text coverage, learners’ vocabulary size and reading comprehension." (2010).

  • Susoy, Zafer, and Seray Tanyer. "The role of vocabulary vs. syntactic knowledge in L2 reading comprehension." Eurasian Journal of Applied Linguistics 5.1 (2019): 113-130.

Tác giả: Đào Quỳnh Như

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...