Các phương pháp tăng tốc độ đọc nhanh trong IELTS Reading

Giới thiệu các phương pháp đọc nhanh trong quá trình tự học thường ngày và mở rộng để ứng dụng các phương pháp trong việc tăng tốc độ đọc bài thi IELTS Reading.
cac phuong phap tang toc do doc nhanh trong ielts reading

Kỹ năng Đọc trở thành một trong những kỹ năng căn bản khi con người sống trong thời đại với lượng thông tin khổng lồ được cập nhật liên tục từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt đối với độc giả của ZIM là những học sinh, sinh viên, hoặc những người đi làm luôn có nhu cầu đọc để tiếp thu kiến thức mới mỗi ngày. Hiểu được áp lực khi phải đọc nhiều tài liệu của độc giả, người viết muốn giới thiệu các phương pháp đọc nhanh trong quá trình tự học thường ngày. Từ đó, tác giả sẽ mở rộng để ứng dụng các phương pháp này trong việc tăng tốc độ đọc bài thi IELTS Reading.

Phương pháp đọc nhanh nói chung

Định nghĩa về đọc nhanh

Phương pháp đọc nhanh mà tác giả đề cập trong bài viết không chỉ đơn giản là việc tăng số lượng từ đọc được trong một thời gian nhất định. Kỹ năng đọc nhanh ở đây chỉ về lượng thông tin mà người đọc có thể nhớ được sau khi đọc. Trung bình một người trưởng thành được học giáo dục phổ thông sẽ đọc với tốc độ 200 - 250 từ một phút (theo nghiên cứu của Brysbaert, M. vào năm 2019). Đây là tốc độ được tính khi mọi người đọc thầm (đọc nhẩm). Ngược lại, việc đọc thành tiếng luôn cần nhiều thời gian hơn để thông tin tạo thành một mạch hoàn chỉnh trong não bộ trước khi chúng được phát âm. Do đó, bài viết này đưa ra các thông tin và phương pháp đọc đối với việc đọc nhẩm - cách đọc phổ biến với hầu hết tất cả độc giả.

Dựa vào định nghĩa của kỹ năng đọc nhanh, tác giả rút ra hai hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ đọc bao gồm khả năng nhìn và nhận thông tin. Đầu tiên là khả năng nhìn lượng thông tin, điều này liên quan đến sự chuyển động của mắt khi đọc. Thứ hai là khả năng nhận lượng thông tin, điều này liên quan đến sự ghi nhớ. 

Bài viết này tác giả sẽ tập trung phân tích sự di chuyển của mắt khi đọc để từ đó đưa ra các phương pháp tăng lượng thông tin tiếp thu. Về khả năng nhận thông tin, người đọc có thể tham khảo bài viết: Phương pháp gợi nhớ từ vựng đã học – Retrieval Practice

Chuyển động của mắt khi đọc

phuong-phap-doc-nhanh-chuyen-dong-mat

Rất nhiều người cho rằng mắt sẽ luôn di chuyển theo từng từ khi đọc nhưng đây là một hiểu lầm lớn. Thực tế, mắt của người đọc thường không cố định di chuyển ngang theo từng từ trong bài, mà thay vào đó, mắt của người đọc sẽ đôi lúc di chuyển dọc giữa các dòng và đôi khi di chuyển ngược lại nội dung phía trước. Đây chính là sự khác biệt lớn giữa người đọc nhanh và người đọc chậm. Cụ thể, người đọc nhanh sẽ duy trì sự di chuyển mắt theo sự liền mạch của thông tin. Ngược lại, người đọc chậm sẽ liên tục di chuyển mắt lộn xộn trong quá trình đọc. Vì vậy, nếu tìm ra được nguyên nhân khiến mắt di chuyển không theo trật tự, từ đó đưa ra phương pháp khắc phục, người đọc có thể tăng tốc độ đọc và tăng lượng thông tin tiếp thu khi đọc.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc di chuyển mắt không cố định khi đọc. Thứ nhất, người đọc dành nhiều thời gian cho từng từ hoặc một nhóm từ nhỏ trong khi đọc mà không nắm được nội dung tổng quan của bài viết, điều này làm xáo trộn việc hiểu tổng thể về nội dung đọc. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc chuyển mắt không đều đến từ việc người đọc không có hứng thú và thấy khó tập trung để đọc hiểu thông tin trong văn bản.

Các phương pháp đọc nhanh 

Dựa vào hai nguyên nhân chính dẫn đến việc di chuyển mắt không đều khi đọc, tác giả gợi ý hai phương pháp để khắc phục.

Phân khúc khi đọc (Chunking)

Trước tiên, độc giả cần hiểu những người có kĩ năng đọc nhanh sẽ có cách di chuyển mắt cố định và hiệu quả. Tuy nhiên, việc di chuyển mắt cố định này không phải đọc từng từ trong văn bản, mà thay vào đó người đọc sẽ đọc rất nhiều từ trong một phân khúc. Nói cách khác, họ chỉ nhìn vào từng phân khúc trong thời gian ngắn và tiếp tục đọc và rất hiếm khi họ di chuyển mắt để đọc nhóm từ phía trước. Điều này giúp giảm khối lượng công việc mà mắt người đọc phải làm, đồng thời cũng làm tăng khối lượng thông tin có thể lấy được trong một thời gian nhất định. Lý thuyết nền tảng cho việc này được chứng minh bởi nhiều nhà khoa học rằng miễn là các chữ cái đầu tiên và cuối cùng ở đúng vị trí, bộ não con người vẫn có thể hiểu được sự sắp xếp của các chữ cái khác trong từ vì bộ não sẽ đặt từng mảnh vào vị trí một cách phù hợp. Do đó, người đọc nên di chuyển mắt theo các phân khúc thay vì từng từ trong văn bản.

Những cụm phân khúc người đọc có thể phân tách khi đọc bài bao gồm cụm chủ vị, cụm giới từ, cụm liên từ, và các dấu trong câu.

Ví dụ: 

Bước 1: Bấm đồng hồ để đo thời gian đọc và hiểu câu dưới đây

phuong-phap-doc-nhanh-dong-ho-bam-gio

“Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hoá Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú, và trống đồng Đông Sơn đa dạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp văn hoa.”

Bước 2: Phân khúc các thành phần trong câu theo lý thuyết ở mục 3.1

“Niềm tự hào chính đáng của chúng ta // trong nền văn hoá Đông Sơn // chính là bộ sưu tập trống đồng // hết sức phong phú, // và trống đồng Đông Sơn đa dạng // không chỉ về hình dáng, // kích thước // mà cả về phong cách trang trí, // sắp xếp văn hoa.”

Bước 3: Đọc theo phân khúc và bấm đồng hồ để so sánh thời gian lúc ban đầu

Tạo kết nối khi đọc (Connections)

Một trong những nguyên nhân khiến người đọc không thể giữ sự di chuyển mắt theo dòng văn bản là do sự thiếu hứng thú, dẫn đến việc thiếu tập trung. Việc này có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách người đọc lựa chọn những nội dung phù hợp với sở thích và vùng kiến thức quan tâm. Tuy nhiên, đôi khi việc học trên trường hoặc công việc ở công ty sẽ yêu cầu độc giả phải đọc những nội dung mới không trùng với sở thích của bản thân. Điều này gây cản trở lớn đến tốc độ đọc và nắm thông tin. Do đó, người viết đưa ra phương pháp để tăng hứng thú cho người đọc kể cả khi gặp chủ đề lạ có tên gọi là tạo kết nối (connections).

Bài nghiên cứu của Keene và Zimmerman (1997) kết luận rằng học sinh hiểu tốt hơn khi đọc nếu họ tạo ra ba loại kết nối sau:

  • Kết nối giữa văn bản với bản thân: Đây là kiểu kết nối mang tính chất cá nhân khi mà người đọc liên kết nội dung đang đọc với trải nghiệm trong quá khứ.

Ví dụ: Khi đọc văn bản, người đọc đưa ra nhận định “Câu chuyện này khiến tôi nhớ lại một kỳ nghỉ cùng gia đình ở đảo Phú Quốc.”

  • Kết nối giữa văn bản với văn bản: Người đọc có được cái nhìn sâu sắc trong quá trình đọc bằng cách suy nghĩ về cách thông tin họ đang đọc kết nối với văn bản quen thuộc khác. 

Ví dụ: Khi đọc văn bản, người đọc đưa ra nhận định “Nhân vật này có cùng một vấn đề mà tôi đã đọc trong một câu chuyện năm ngoái.” 

  • Kết nối giữa văn bản với thế giới: Đây là kiểu kết nối rộng lớn nhất khi mà người đọc tạo ra sự liên kết giữa nội dung đang đọc với những điều đang xảy ra trong thế giới xung quanh họ. 

Ví dụ: Khi đọc văn bản, người đọc đưa ra nhận định “Tôi đã xem một chương trình trên truyền hình nói về những điều được mô tả trong bài báo này.”

Tác dụng của phương pháp tạo kết nối được nhấn mạnh trong sách “I read but I don’t get it” của Cris Tovani. Cụ thể, khi người đọc có thể tạo ra sự liên kết giữa văn bản đang đọc với chính bản thân, trải nghiệm cuộc sống của mình, sự hứng thú sẽ tăng lên. Điều này sẽ kéo theo sự tập trung và giúp người đọc không bị xao nhãng hay bị nhàm chán khi đọc các văn bản dài hoặc các văn bản liên quan đến chủ đề có vẻ không hấp dẫn.  

Phương pháp đọc nhanh trong IELTS Reading

Bài đọc IELTS Reading

Trước khi bắt đầu ôn luyện IELTS Reading, hiểu biết rõ về bài thi này là điều cần thiết để thí sinh có một cái nhìn tổng quan về nội dung bài thi cũng như cách thức tính điểm và các phương pháp học tập để nâng cao band điểm hiệu quả. 

  • Thời gian thi: 60 phút

  • Số câu hỏi: 40 câu

  • Số phần thi: 3 bài đọc 

  • Số từ: 900 - 1000 từ trong một bài đọc

Tức là người đọc sẽ cần phải đọc khoảng 3000 từ và trả lời 40 câu hỏi về những nội dung đã đọc dưới áp lực thời gian là 60 phút. IELTS Reading chứa rất nhiều dạng câu hỏi khác nhau, với mỗi dạng câu hỏi đề thi muốn kiểm tra một khía cạnh cụ thể trong kỹ năng đọc của thí sinh. Vì vậy, để hoàn thành tốt bài thi này, người đọc phải nắm được những dạng câu hỏi và cách trả lời cho từng dạng bằng cách tham khảo bài viết IELTS Reading Academic.

Tuy nhiên, bản chất của IELTS Reading là một bài thi đọc, nên việc đầu tiên người đọc cần phải có kỹ năng đọc hiệu quả. Cụ thể là người đọc cần tăng lượng thông tin đọc trong thời gian nhất định, dựa 

Các phương pháp đọc nhanh trong IELTS

Dựa vào hai phương pháp đọc nhanh ứng dụng trong việc đọc hàng ngày, tác giả sẽ mở rộng ra để ứng dụng cách đọc đó trong trong bài thi IELTS Reading.

Phân khúc khi đọc (Chunking)

Đây là kỹ năng di chuyển mắt theo các cụm từ trong văn bản, thay vì đọc theo từng từ. Điều này sẽ giúp tăng lượng thông tin mắt tiếp nhận trong một khoảng thời gian. Kỹ năng này dễ dàng áp dụng trong việc đọc ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt, bởi người đọc đã nắm vững các thành phần và cấu trúc câu tiếng Việt. Trong khi đó đối với bài thi IELTS, ngôn ngữ cần tiếp nhận là tiếng Anh. Để áp dụng được phương pháp phân khúc (chunking), người đọc cần có nền tảng cơ bản về ngữ pháp tiếng Anh. Do đó, người đọc có thể tìm hiểu thêm về nội dung này trong bài viết Các cấu trúc câu phổ biến trong tiếng Anh.

Tạo kết nối khi đọc (Connections)

Để vận dụng phương pháp này trong bài thi IELTS Reading, người đọc nên tự đặt câu hỏi trong đầu cho bản thân trong quá trình đọc văn bản mới để tạo nên các loại kết nối.

  • Các câu hỏi giúp xây dựng sự kết nối giữa văn bản với bản thân

Điều tôi đang đọc làm tôi liên tưởng đến điều gì tôi đã từng trải qua trong cuộc sống?

Điều tôi đang đọc giống/khác thế nào với cuộc sống của tôi?

Điều tôi đang đọc có từng xảy ra trong đời tôi?

Cảm xúc của tôi như thế nào đối với điều tôi đang đọc?

  • Các câu hỏi giúp xây dựng sự kết nối giữa văn bản với văn bản

Điều tôi đang đọc khiến tôi nhớ đến điều gì trong một cuốn sách khác mà tôi đã đọc?

Văn bản này giống/khác với những điều mà tôi đã đọc trước đây như thế nào?

Tôi đã đọc về một cái gì đó như thế này trước đây chưa?

  • Các câu hỏi giúp xây dựng sự kết nối giữa văn bản với thế giới

Điều tôi đang đọc khiến tôi nhớ đến điều gì trong thế giới xung quanh tôi?

Điều tôi đang đọc giống/khác như thế nào với những điều xảy ra trong thế giới xung quanh tôi?

Điều tôi đang đọc liên quan thế nào đến thế giới xung quanh tôi?

Tổng kết

Trong bài viết trên, tác giả đã phân tích về khái niệm đọc nhanh, và cách nguyên nhân cản trở tốc độ của người đọc. Từ đó, tác giả đưa ra các phương pháp để khắc phục cũng như tăng tốc độ đọc đối với các văn bản mà người đọc phải tiếp xúc hàng ngày. Dựa vào những thông tin tổng quan đó, tác giả đưa ra cách ứng dụng của phương pháp đọc nhanh vào bài thi IELTS với hi vọng người học có thêm phương pháp để luyện thi IELTS, đặc biệt là IELTS Reading hiệu quả.

Trịnh Thị Thu Trang


Tham khảo thêm khóa học IELTS online để được trải nghiệm quá trình học tập theo nhu cầu cá nhân và giải đáp những khó khăn gặp phải.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu