Phương pháp gợi nhớ từ vựng đã học – Retrieval Practice
Trong khi bài viết Các kỹ thuật tiếp nhận và ghi nhớ từ vựng của tác giả Trần Ngọc Minh An đã đưa ra phương pháp giúp người đọc tiếp nhận và ghi nhớ thông tin, bài viết ngày này của tác giả Trịnh Thị Thu Trang sẽ bổ sung lý thuyết nền tảng về cách não bộ truy xuất (Retrieval Practice) thông tin. Đồng thời, tác giả sẽ hướng dẫn người đọc cách để có thể sử dụng những từ vựng đã học thuộc một cách hiệu quả.
Nhắc lại những nội dung trong bài viết trước: khi thông tin xuất hiện, não bộ con người cần xử lý để tiếp nhận các thông tin đó bằng quá trình mã hóa. Với mỗi loại thông tin, não bộ sẽ xử lý bằng các mã hóa khác nhau, ví dụ khi nhìn thấy một hình ảnh, não bộ sẽ xử lý bằng dạng mã hóa hình ảnh để đưa thông tin về hình ảnh đó vào trong tâm trí.
Ngoài ra, những loại thông tin tổng hợp khác có thể được tiếp nhận và xử lý qua một hay nhiều loại mã hóa khác nhau, gồm mã hoá âm thanh, mã hóa ngữ nghĩa, mã hoá xúc giác.
Sau đó, những thông tin đã được mã hóa này sẽ chuyển sang phần lưu trữ trong hệ thống ghi nhớ – hệ thống chứa ba giai đoạn: trí nhớ tạm thời (sensory memory), trí nhớ ngắn hạn (short-term memory), và trí nhớ dài hạn (long-term memory).
Dựa vào hai lý thuyết căn bản này, tác giả Trần Ngọc Minh An đã giới thiệu hai phương pháp ứng dụng trong việc học từ vựng mới:
Ghi nhớ từ vựng với Spaced Repetition Technique (Kỹ thuật lặp lại ngắt quãng)
Ghi nhớ từ vựng với Mnemonics (Kỹ thuật tạo mối liên hệ với thông tin gần gũi sẵn có)
Cách não bộ gợi nhớ thông tin
Cách lưu trữ thông tin của não bộ con người không giống với máy tính. Tức là, trong khi những thông tin được lưu trữ trên máy tính sẽ được giữ nguyên vẹn và đáng tin cậy, thì bộ nhớ của con người có thể bị mai một và cần được tái tạo liên tục.
Đây là lý do vì sao dù người học có cách nhớ từ vựng hiệu quả nhưng nếu những thông tin về từ vựng này không được củng cố liên tục và đúng cách sẽ dẫn đến việc chúng bị lãng quên.
Lý thuyết này được chứng minh bằng khám phá vào cuối thế kỷ 19 của nhà tâm lý học người Anh, Hermann Ebbinghaus về Đường cong Lãng quên (Forgetting Curve). Ông đã chỉ ra rằng khả năng ghi nhớ thông tin giảm dần theo thời gian.
Khi người đọc mới tiếp nhận thông tin mới, khả năng ghi nhớ thông tin đó là 100%. Tuy nhiên, nếu không có sự tiếp cận lại, ôn tập lại thông tin đó phù hợp, người đọc sẽ nhanh chóng quên đi nhiều phần thông tin đã học.
Đây chính là lý do khiến nhiều người học tiếng Anh không thể nhớ ra hay vận dụng những từ đã học. Đồng thời, ông cũng tìm ra rằng nếu có sự luyện tập, nhắc lại, thông tin sẽ được lưu trữ mạnh và lâu dài hơn.
Sau khi hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì ôn luyện từ vựng, người đọc cần biết những phương pháp hiệu quả giúp bộ não có thể truy xuất thông tin hiệu quả.
Đọc thêm: Cải thiện tiếng Anh thông qua phương pháp học thụ động
Phương pháp gợi nhớ thông tin hiệu quả
Quá trình người học gợi nhắc lại thông tin cũ được gọi là “retrieval” (truy xuất thông tin). Có 2 cách truy xuất thông tin: nhớ lại (recall) và nhận diện (recognize).
Khi người đọc nhận diện (recognize) thông tin, người đọc có những gợi ý để giúp người đọc truy xuất lại thông tin đã được lưu trữ. Ví dụ, người đọc có thể dễ dàng nhận diện từ mới đã học khi bắt gặp trong một văn bản nào đó.
Nhưng nhớ lại (recall) thông tin đã lưu trữ mà không có bất kỳ gợi ý nào lại khó khăn hơn rất nhiều. Và một trong những lý do chính người học tiếng Anh dễ dàng quên từ vựng đã học là do không thể truy xuất thông tin.
Từ đó có thể rút ra kết luận rằng việc đọc lại bài hay viết lại từ vựng nhiều lần không giúp người học có thể gợi nhớ lại thông tin hiệu quả bằng cách nhớ lại thông tin mà không có hoặc ít gợi ý cho trước.
Lý thuyết này được chứng minh bởi một nghiên cứu của Henry Roediger, III và Jeffery Karpicke tại trường đại học Washington vào năm 2006.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một phương pháp có tên gọi là Retrieval Practice. Đây là một chiến lược giúp người học ghi nhớ lại thông tin có chủ đích và kiểm tra được khả năng ghi nhớ của bản thân.
“Retrieval Practice” (thực hành truy xuất) làm cho việc học trở nên thử thách hơn, bởi vì việc truy xuất thông tin này đòi hỏi nỗ lực trí óc. Dù việc ôn tập này chậm hơn, tốn nhiều công sức, nhưng sẽ dẫn đến sự hiệu quả trong việc học tập lâu dài. Ngược lại, các chiến lược nhanh, dễ dàng chỉ dẫn đến kết quả trong thời gian ngắn.
Các cách ứng dụng phương pháp “Retrieval Practice” trong việc học từ vựng
Sử dụng Flashcard
Người học có thể sử dụng Flashcard giấy bằng những sản phẩm được bán trên thị trường, hoặc tự thiết kế để phù hợp và đạt hiệu quả cao cho bản thân theo cách hướng dẫn ở đây: Cách thiết kế Flashcard học từ vựng hiệu quả.
Sử dụng ứng dụng Quizlet
Bắt nguồn từ cách học Flashcard đơn thuần, ứng dụng Quizlet giờ đây đã đưa cho người học thêm nhiều cách ôn tập từ vựng dựa trên phương pháp “Retrieval Practice”.
Ví dụ, người học ôn lại từ vựng bằng nhiều dạng câu hỏi khác nhau, bao gồm: trắc nghiệm, điền từ, và nối đáp án với từng cấp độ khó khác nhau. Điều này giúp nâng cao độ khó của mỗi lần ôn tập từ vựng, và giúp cho việc gợi nhớ từ vựng đạt hiệu quả hơn.
Tổng kết
Trong bài viết trên, tác giả đã phân tích cách não bộ con người gợi nhớ thông tin, từ đó đưa ra những nguyên nhân vì sao một số người học không thể sử dụng từ vựng đã học. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra phương pháp để giúp người đọc có thể gợi nhớ những từ vựng đã học một cách hiệu quả, và hai ứng dụng thực tế để người học có thể áp dụng phương pháp này.
Trịnh Thị Thu Trang
Đọc thêm: Học từ vựng tiếng Anh bằng phương pháp truy hồi kiến thức
Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp