Phương pháp Mnemonic: Hiệu quả và cách áp dụng đối với việc ghi nhớ từ vựng

Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích phương pháp Mnemonic, hiệu quả của nó đối với việc ghi nhớ từ vựng và hướng dẫn cách áp dụng phương pháp này vào quá trình học để đạt được kết quả tối ưu nhất.
author
ZIM Academy
28/05/2022
phuong phap mnemonic hieu qua va cach ap dung doi voi viec ghi nho tu vung

 “Without grammar very little can be conveyed, without vocabulary nothing can be conveyed.” (Không có ngữ pháp, ý tưởng rất khó để có thể truyền tải, nhưng không có từ vựng thì không có gì để truyền tải cả.) (David WIlkins). Vốn từ có thể xem là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ của một người. Bởi lẽ, sự thiếu thốn từ vựng sẽ khiến người học gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin (thông qua việc nghe và đọc), đồng thời, gây hiện tượng “bí” trong việc diễn đạt ý tưởng khi nói và viết. Theo Nation (2006, trích từ nghiên cứu của Vanlee, 2013), khoảng 6000-8000 từ là con số cần thiết để người học Tiếng Anh có thể thành thạo ngôn ngữ này. Tuy nhiên, việc lưu trữ một khối lượng lớn từ vựng như vậy là một thách thức vô cùng lớn. Để cải thiện khả năng ghi nhớ, việc áp dụng các “phương pháp học từ vựng” là điều thiết yếu. Việc học từ vựng một cách có phương pháp được cho là “không chỉ giúp người học khám phá và khắc sâu nghĩa của từ, mà còn tạo động lực thúc đẩy người học học tập một cách độc lập” (Amiryousefi & Ketabi, 2011). Và một trong những phương pháp được sử dụng để tăng khả năng hồi tưởng kể từ thời Hy Lạp cổ đại chính là phương pháp Mnemonic /nɪˈmɑː.nɪk/ (ghi nhớ mẹo). Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích phương pháp ghi nhớ mẹo là gì, hiệu quả của nó đối với việc ghi nhớ từ vựng và hướng dẫn cách áp dụng phương pháp này vào quá trình học để đạt được kết quả tối ưu nhất.

Key takeaways

1. Phương pháp Mnemonic 

  • Định nghĩa: là những kỹ thuật bằng lời nói hoặc hình ảnh, được sử dụng để giúp người học ghi nhớ và hồi tưởng thông tin dễ dàng

  • Ví dụ: /es/ được phát âm là “iz” ở các từ có âm cuối /x/; /o/; /s/; /sh/; /ch/; /z/ hay “Ông Sáu Chạy Xe SH Zởm”

2. Hiệu quả của phương pháp Mnemonic đối với việc ghi nhớ từ vựng

  • Ghi nhớ từ vựng nhanh hơn và lâu hơn

  • Rèn luyện sự sáng tạo của não bộ, tiếp thu từ mới nhanh hơn

3. Cách áp dụng phương pháp Mnemonic khi học từ vựng

  • Sử dụng bản đồ Loci: liên kết vật muốn ghi nhớ với một địa điểm quen thuộc và thường xuyên tiếp xúc. 

  • Liên kết hệ thống bằng câu chuyện và hình ảnh: tạo nên một câu chuyện hoặc các hình ảnh kết nối các phần thông tin cần nhớ lại với nhau.

Giới thiệu về phương pháp Mnemonic

Phương pháp Mnemonic là những kỹ thuật bằng lời nói hoặc hình ảnh, được sử dụng để giúp người học ghi nhớ và hồi tưởng thông tin dễ dàng (Solso, 1995, trích từ nghiên cứu của Pillai, 2004)

Cụ thể hơn, một Mnemonic có thể là một cụm từ, một hình ảnh, một bài hát ngắn hoặc một cái gì đó khá dễ nhớ, dễ thuộc, liên quan chặt chẽ hoặc gần gũi với kiến thức mới cần tiếp nhận, để khi nhắc tới Mnemonic đó, người học có thể liên tưởng tới thứ mình cần ghi nhớ một cách nhanh chóng. Ví dụ, để ghi nhớ các danh từ cần thêm /es/ cho dạng số nhiều gồm các âm cuối: /x/; /o/; /s/; /sh/; /ch/; /z/, người học có thể sắp xếp và viết lại thành câu “Ông Sáu Chạy Xe SH Zởm”.

Phương pháp này không chỉ hiệu quả đối với việc giúp người đọc ghi nhớ các thông tin trong cuộc sống hàng ngày, mà còn có thể áp dụng trong tất cả các môn học. Đặc biệt, hiệu quả của Mnemonic đã được chứng minh trong khi học một ngôn ngữ, nhất là đối với việc ghi nhớ từ vựng. 

Hiệu quả của phương pháp Mnemonic đối với việc ghi nhớ từ vựng

Ghi nhớ từ vựng nhanh hơn và lâu hơn

Theo Levin (1992) phương pháp Mnemonic giúp người học tăng hiệu quả ghi nhớ từ vựng tới 290% cho các thông tin cần sử dụng ngay, và tăng 246% đối với các từ vựng cần ghi nhớ lâu dài.

Lý giải cho ảnh hưởng vượt trội này, các nhà nghiên cứu giáo dục, tâm lý và khoa học thần kinh nhận thức chỉ ra rằng, việc liên kết với các kiến thức đã biết nâng cao khả năng ghi nhớ các kiến thức mới liên quan, hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho các giai đoạn của quá trình ghi nhớ, bao gồm tiếp nhận, xử lý và khắc sâu kiến thức, từ đó việc nhớ lại để sử dụng kiến thức trong các trường hợp cần thiết có thể diễn ra dễ dàng hơn. (Van và cộng sự, 2018). 

Tạo niềm vui trong việc học, thúc đẩy động lực học từ vựng

Người học có xu hướng yêu thích tính tự chủ của việc sử dụng âm thanh, hình ảnh, câu văn, hay bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu để tạo nên mối liên kết với những kiến thức đang tiếp nhận (Chan, 2000, trích từ nghiên cứu của Azmi và cộng sự, 2016). Sự độc lập ấy không chỉ giúp người học phát triển tính logic và sáng tạo của mình, mà còn khiến quá trình học trở nên đa dạng, sống động, mới mẻ. Sự mới mẻ kích thích người học không ngừng tìm tòi, tạo hứng thú trong khi học, từ đó duy trì động lực học tập. Nói cách khác, người học “tận hưởng quá trình học khi sử dụng phương pháp Mnemonic để học từ vựng” (Azmi và cộng sự, 2016). Những người học đó đã làm như thế nào?

Cách áp dụng phương pháp Mnemonic khi học từ vựng

Sử dụng bản đồ Loci 

Định nghĩa: Loci /ˈloʊ.saɪ/ là dạng số nhiều của “locus” /ˈloʊ.kəs/,  có nghĩa là địa điểm hoặc nơi chốn. Phương pháp này sẽ giúp người học ghi nhớ bằng cách liên kết vật muốn ghi nhớ với một địa điểm quen thuộc và thường xuyên tiếp xúc. 

phuong-phap-mnemonic-hieu-qua-va-cach-ap-dung-doi-voi-viec-ghi-nho-tu-vung-loci

Ví dụ: 

  • 4 từ cần học: piercing cold (lạnh cắt da cắt thịt) - murky (bẩn, đục ngầu) - swan (thiên nga) - pour (đổ ra)

  • Bối cảnh: Hành lang => Nhà tắm 

  • Sơ đồ Loci: Tưởng tượng đang đi trên hành lang. Dọc lối đi không khí lạnh cắt da cắt thịt (piercing cold). Bước vào nhà tắm. bồn tắm là hồ chứa đầy nước bẩn (murky water), chú vịt đồ chơi là một chú thiên nga đen (black swan) ở giữa lòng hồ.  Nước từ vòi hoa sen tuôn (pour) ra làm ngập cả căn phòng.

Nghe khá kỳ quặc nhưng đó là cách nhớ trừu tượng của phương pháp ghi nhớ này. Đó cũng là cách mà nhà thơ Simonides (tác giả của phương pháp Loci), sau khi sống sót khỏi sự sụp đổ bất ngờ của tòa nhà nơi ông được mời đến ăn tối, nhận diện những nạn nhân xấu số trong bữa ăn dù họ đã bị đống đổ nát tòa nhà làm cho biến dạng hoàn toàn. Ông làm được điều này bằng cách nhớ lại vị trí ngồi của từng vị khách. Từ đó ông nhận ra rằng việc ghi nhớ một thứ gì đó bằng cách liên hệ nó với hình ảnh của một địa điểm trong tâm trí là hoàn toàn khả thi. 

 Cách áp dụng: 

phuong-phap-mnemonic-hieu-qua-va-cach-ap-dung-doi-voi-viec-ghi-nho-tu-vung-so-do-loci

  • Nên bắt đầu với một số lượng từ nhỏ (VD: 3-5 từ), gắn liền với một không gian hẹp (VD: từ cửa ra vào tới phòng khách) để tạo cảm giác nhẹ nhàng, khả thi, tránh bị choáng ngợp. Tiếp theo, vẽ sơ đồ không gian đó lên giấy và điền từ cần học vào vị trí dự định. Cứ thế, dần dần tăng số từ cần học lên và mở rộng không gian hơn. 

  • Nên áp dụng phương pháp Loci với những địa điểm thân quen, tiếp xúc nhiều để dễ dàng hình dung và ôn tập từ vựng. 

  • Nên tập hợp các tấm Bản đồ Loci tự thiết kế vào túi đựng. Việc này giúp người học hệ thống những từ vựng đã học, đồng thời tạo cảm giác tự hào hay “cảm giác thành tựu” (sense of achievement), thúc đẩy người học kiên trì tiếp tục hành trình chinh phục từ vựng Tiếng Anh của mình.

Đối tượng phù hợp: 

  • Người có tư duy không gian

  • Người có ý định trau dồi vốn từ vựng theo phương châm “chậm mà chắc”

Liên kết hệ thống bằng câu chuyện và hình ảnh

Định nghĩa: Phương pháp “liên kết hệ thống” còn được gọi là "chaining" (móc xích) bao gồm tạo nên một câu chuyện hoặc các hình ảnh kết nối các phần thông tin người học cần nhớ lại với nhau. Mỗi tình tiết của câu chuyện, mỗi hình ảnh dẫn bạn đến tình tiết, hình ảnh tiếp theo.

Ví dụ: 

  • 4 từ cần học: Trim (cắt) - tread (giẫm) - cockroach (con gián) - drained (kiệt sức)

  • Câu chuyện: Orgy đang cắt cỏ (trim grass) thì ba chú gián (cockroaches) chạy ra lấy đồ ăn Orgy vừa order. Orgy rượt chúng quanh nhà, giẫm (tread) lên cả vườn cỏ. Cuối cùng thì Orgy không cần cắt nữa vì cỏ đã bị giẫm rạp hết dưới chân. Tuy vậy, cả 4 nhân vật đều kiệt sức (drained) nên không thể nuốt nổi đồ ăn nữa. 

phuong-phap-mnemonic-hieu-qua-va-cach-ap-dung-doi-voi-viec-ghi-nho-tu-vung-orgy

Trong khi viết nên câu chuyện này, những hình ảnh đã được tạo nên trong trí tưởng tượng của người học. Đặc biệt với những ai đã xem bộ phim “Orgy và những chú gián”, những hình ảnh hiện lên sẽ vô cùng sinh động.

Cách áp dụng: 

  • Mỗi câu văn trong câu chuyện nên chứa một tình tiết, hình ảnh cụ thể, gắn với 1-2 từ vựng. Có như vậy người học mới có thể xâu chuỗi các tình tiết, hình ảnh lại với nhau một cách logic và ghi nhớ chúng dễ dàng hơn. 

  • Nên chọn những mẩu chuyện có liên quan tới những thứ người học quen thuộc, hoặc đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc (cuốn sách, bộ phim, cảnh tượng, kỷ niệm,...). Như mẩu chuyện đề cập ở trên có thể sẽ khắc sâu trong trí nhớ của người đã từng xem bộ phim “Orgy và những chú gián” hơn là những người chưa từng.

  • Nên tạo những câu chuyện, hình ảnh mang yếu tố thú vị (ngược đời, kỳ quặc, phép thuật, hài hước,...) vì chúng sẽ khiến thông tin dễ nhớ hơn.

  • Nên viết tất cả các câu chuyện tự sáng tác vào một quyển vở. 

Đối tượng phù hợp:

  • Người có tư duy hình ảnh 

  • Người có xu hướng tiếp nhận thông tin chủ yếu qua thị giác (Visual learner)

  • Người cần học nhồi (cram) từ vựng để chuẩn bị cho các kỳ thi

  • Người có ý định trau dồi vốn từ vựng theo phương châm “chậm mà chắc”

Lưu ý khi áp dụng phương pháp Mnemonic

Hiệu quả của Phương pháp Mnemonic đối với việc học từ vựng đã được khoa học chứng minh, tuy nhiên, để phương pháp phát huy hiệu quả tối đa, người học cần lưu ý:

  • Kết hợp đồng thời các phương pháp ghi nhớ khác: phương pháp “Lặp lại ngắt quãng”,  phương pháp “Active recall”,...

  • Thực hành luyện tập cách phát âm chuẩn của từ vựng (vì phương pháp Mnemonic chỉ giúp người học ghi nhớ cách viết và nghĩa của từ). Người học có thể luyện phát âm bằng cách đọc thành tiếng các từ vựng trên bản đồ và trong câu chuyện của mình.

Tổng kết

Từ vựng là một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất khi học một ngôn ngữ, bao gồm cả Tiếng Anh. Có nhiều phương pháp để nâng cao khả năng ghi nhớ từ vựng của người học, trong số đó, hiệu quả của phương pháp Mnemonic đối với việc học từ vựng Tiếng Anh đã được chứng minh qua nhiều nhiều nghiên cứu. Không chỉ giúp người học Ghi nhớ từ vựng nhanh hơn, lưu trữ từ vựng lâu hơn và truy xuất từ vựng kịp thời cho các trường hợp cần thiết, mà phương pháp này còn thúc đẩy và duy trì động lực học tập cho người học. Để có thể tận dụng những lợi ích của phương pháp này, người học nên bắt đầu ứng dụng nó vào việc học từ vựng của bản thân, thông qua 2 phương pháp “bản đồ Loci” và “Liên kết hệ thống bằng câu chuyện và hình ảnh”. 

Hy vọng qua bài viết này của tác giả người đọc có thể áp dụng để có thể cải thiện vốn từ vựng của bản thân.

Trịnh Thị Bảo Ngọc

Bạn cần chứng chỉ Vstep để được xét tuyển đầu vào, xét tốt nghiệp, xét học bổng hay bổ sung hồ sơ cho giáo viên, công viên chức? Đạt mục tiêu với khóa học luyện thi Vstep ngay hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu