Reggio Emilia: Cách ứng dụng phương pháp trong lớp học tiếng Anh
Key takeaways
Phương pháp Reggio Emilia là một triết lý giáo dục bắt nguồn từ thị trấn Reggio Emilia, Ý, sau Thế chiến thứ hai. Đây là một phương pháp tập trung vào trẻ em, nhấn mạnh vai trò của sự sáng tạo, tò mò và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế. chủ yếu áp dụng cho trẻ nhỏ trong độ tuổi mầm non (0-6 tuổi).
Phương pháp dạy học đóng một phần quan trọng trong việc phát triển của trẻ em. Bài viết sẽ giới thiệu chi tiết một phương pháp mới, Reggio Emilia, đặc biệt là cách áp dụng trong lớp học tiếng Anh.
Phương pháp Reggio Emilia là gì?
Phương pháp Reggio Emilia là một triết lý giáo dục bắt nguồn từ thị trấn Reggio Emilia, Ý, sau Thế chiến thứ hai. Đây là một phương pháp tập trung vào phát triển trẻ em, nhấn mạnh vai trò của sự sáng tạo, tò mò và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế.
Phương pháp này coi trẻ em là những cá nhân giàu tiềm năng, có khả năng tự học và khám phá thế giới xung quanh thông qua tiếp xúc với môi trường và các mối quan hệ. [1]
Phương pháp Reggio Emilia phù hợp cho trẻ ở độ tuổi nào?
Phương pháp Reggio Emilia chủ yếu áp dụng cho trẻ nhỏ trong độ tuổi mầm non, chuẩn bị cho lớp tiểu học (2-6 tuổi). Tuy nhiên, các nguyên tắc của phương pháp này cũng có thể được điều chỉnh để phù hợp với trẻ lớn hơn trong các bối cảnh giáo dục khác nhau.
Đặc điểm và nguyên tắc của phương pháp Reggio Emilia
Phương pháp Reggio Emilia có những đặc điểm nổi bật dưới đây [2]:
Chương trình giảng dạy nổi bật (Emergent curriculum):
Chương trình giảng dạy không cố định mà được xây dựng dựa trên sở thích của trẻ, ý kiến của gia đình và các quan sát của giáo viên. Giáo viên thường xuyên họp để chia sẻ ghi chú và lên kế hoạch về các dự án phù hợp.
Dự án học tập sâu sắc (In-depth projects):
Phương pháp Reggio Emilia sử dụng dự án như cách học chính. Trẻ được hướng dẫn lựa chọn chủ đề nghiên cứu và khám phá, từ đó phát triển sự sáng tạo và hiểu biết sâu sắc. Dự án có thể kéo dài vài tuần hoặc cả năm học.
Phát triển biểu đạt đa dạng (Representational development):
Trẻ có thể trình bày ý tưởng và kiến thức thông qua nhiều hình thức như in ấn, nghệ thuật, múa, âm nhạc, kịch rối, và vật liệu thiên nhiên. Điều này giúp tôn trọng sự khác biệt cá nhân và khuyến khích trẻ phát huy thế mạnh của mình.
Sự hợp tác (Collaboration):
Phương pháp Reggio Emilia thúc đẩy sự hợp tác giữa trẻ em, giáo viên và phụ huynh. Trẻ được khuyến khích tham gia vào việc quyết định nội dung học tập, tạo môi trường tôn trọng và xây dựng sự tự tin. Giáo viên thường khuyến khích các học sinh trong lớp trao đổi với nhau thông qua các hoạt động nhóm.
Phương pháp Reggio Emilia được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi sau [3]:
Trẻ em là trung tâm: Trẻ em được xem là những người học khá chủ động, có khả năng tự định hướng và khám phá kiến thức thông qua việc tương tác với môi trường và con người.
Vai trò của giáo viên: Giáo viên đóng vai trò mới là người hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ, ngoài vai trò truyền thống là người truyền dạy kiến thức.
Môi trường học tập: Môi trường được coi là "người thầy thứ ba," được tận dụng hiệu quả để khuyến khích sự tò mò, sáng tạo và giao tiếp. Các không gian học tập thường bao gồm nhiều tài nguyên đa dạng và phong phú để trẻ tự do khám phá.
Ưu nhược điểm của phương pháp Reggio Emilia
Ưu điểm:
Khuyến khích sáng tạo: Trẻ được tự do khám phá và sáng tạo thông qua các dự án thực tế, trải nghiệm thế giới xung quanh.
Phát triển kỹ năng xã hội: Việc làm việc theo nhóm và hợp tác giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Cá nhân hóa: Phương pháp này tôn trọng sự khác biệt của từng trẻ, khuyến khích mỗi trẻ phát triển theo nhịp độ riêng phù hợp.
Môi trường học tập phong phú: Môi trường được thiết kế sáng tạo, kích thích sự tò mò và học hỏi của trẻ.
Nhược điểm:
Yêu cầu cao với giáo viên: Giáo viên cần được đào tạo chuyên sâu để có thể áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tự học , tự nghiên cứu cũng gây khó khăn về thời gian, sức lực cho người dạy.
Khó đánh giá: Phương pháp này không có hệ thống đánh giá tiêu chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc đo lường sự tiến bộ của trẻ. Thay vì tập trung vào những bài kiểm tra đánh giá tổng kết, phương pháp này chú trọng vào quá trình học của học sinh.
Phương pháp Reggio Emilia là một cách tiếp cận đầy cảm hứng và sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc áp dụng cần cân nhắc đến điều kiện thực tế và sự sẵn sàng của đội ngũ giáo viên cũng như phụ huynh.
Sự khác nhau giữa phương pháp giáo dục Reggio Emilia và Montessori
Về triết lý:
Reggio Emilia nhấn mạnh vào sự sáng tạo, học hỏi qua dự án và tương tác xã hội.
Montessori tập trung vào việc học qua các tài liệu giáo dục được chuẩn bị trước và phát triển kỹ năng độc lập.
Về vai trò của giáo viên:
Trong Reggio Emilia, giáo viên là người đồng hành và tạo điều kiện.
Trong Montessori, giáo viên đóng vai trò quan sát và hướng dẫn.
Về môi trường học tập:
Reggio Emilia: Môi trường linh hoạt, sáng tạo, tùy chỉnh theo ý tưởng của trẻ.
Montessori: Môi trường có cấu trúc rõ ràng, các tài liệu học tập chuẩn hóa.
Về phương pháp học:
Reggio Emilia: Dựa vào các dự án nhóm và sự hợp tác.
Montessori: Học tập cá nhân hóa, theo nhịp độ riêng của mỗi trẻ.
Cách áp dụng phương pháp Reggio Emilia vào giáo dục trẻ
Tạo môi trường học tập linh hoạt: Sử dụng không gian mở với nhiều tài liệu và đồ chơi sáng tạo để khuyến khích trẻ khám phá, tìm tòi.
Ghi nhận quá trình học tập: Sử dụng ảnh chụp, video, và ghi chú chi tiết để tài liệu hóa sự phát triển của trẻ.
Khuyến khích học qua dự án: Xây dựng các dự án theo sở thích và câu hỏi của trẻ, cho phép trẻ nhỏ tự nghiên cứu và tìm hiểu.
Tăng cường hợp tác: Tạo cơ hội để trẻ làm việc, trao đổi và học hỏi lẫn nhau thông qua các hoạt động nhóm đa dạng.
Ví dụ ứng dụng phương pháp Reggio Emilia
Ứng dụng phương pháp Reggio Emilia tại nhà cho ba mẹ
Khuyến khích sự tò mò: Cha mẹ có thể tạo không gian với các vật liệu như giấy, bút màu, đất sét để trẻ tự do sáng tạo.
Thực hiện dự án nhỏ: Cùng trẻ khám phá các chủ đề như thiên nhiên, khoa học qua các hoạt động như trồng cây, làm thí nghiệm đơn giản.
Ghi lại quá trình: Chụp ảnh và trò chuyện với trẻ về những gì chúng đã làm, giúp chúng tự nhìn nhận sự tiến bộ của mình.
Ứng dụng phương pháp Reggio Emilia tại lớp học tiếng Anh cho giáo viên
Dạy qua dự án: Giáo viên có thể xây dựng các dự án như "Khám phá thế giới động vật," nơi trẻ học từ vựng và cấu trúc câu thông qua việc làm các bài tập nhóm.
Sử dụng môi trường sáng tạo: Tạo ra các góc học tập với sách, hình ảnh, và đồ chơi liên quan đến bài học tiếng Anh.
Khuyến khích giao tiếp: Tạo cơ hội để trẻ thảo luận, kể chuyện hoặc diễn kịch bằng tiếng Anh, tăng cường kỹ năng ngôn ngữ thông qua thực hành thực tế.
Xem thêm:
Phương pháp ESA - Tối ưu quá trình dạy và học từ vựng
Active learning là gì? Cách ứng dụng các phương pháp học tập tích cực
Phương pháp Simon: Cách tiếp cận hiệu quả trong học tiếng Anh
Tổng kết
Bài viết trên ZIM đã giới thiệu về phương pháp Reggio Emilia gồm những đặc điểm và nguyên tắc cốt lõi, ưu nhược điểm cũng như cách áp dụng trong giáo dục, nhằm giúp giúp thầy cô tối ưu hóa các tiết dạy trên lớp của mình, cũng như giúp phụ huynh có những định hướng phát triển khả năng ngôn ngữ phù hợp cho con tại nhà.
Người học có thể cải thiện giao tiếp của mình qua khóa học Tiếng Anh Giao tiếp tại ZIM Academy. Khóa học đã giúp nhiều người có thể nói được tiếng Anh trôi chảy.
Nguồn tham khảo
“The Reggio Emilia approach.” The Education Hub, theeducationhub.org.nz/the-reggio-emilia-approach. Accessed 6 January 2025.
“What Is Reggio Emilia? Your Guide to This Child-Driven Approach.” Rasmussen University, www.rasmussen.edu/degrees/education/blog/what-is-reggio-emilia. Accessed 6 January 2025.
“NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA HƯỚNG TIẾP CẬN REGGIO EMILIA TRONG GIÁO DỤC MẦM NON VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT.” Tạp chí Giáo dục, tcgd.tapchigiaoduc.edu.vn/index.php/tapchi/article/view/2037. Accessed 6 January 2025.
Bình luận - Hỏi đáp