Phương pháp Top-down và Bottom-up trong Nghe tiếng Anh
Trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và học tiếng Anh nói riêng, kĩ năng nghe đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi quá trình này không chỉ cho phép người đọc tiếp nhận thông tin dưới dạng âm thanh mà còn giúp họ tích lũy, bắt chước những nội dung đã nghe nhằm hỗ trợ hoạt động nói và tái tạo ngôn ngữ sau này. Do đó, người học cần chú trọng tới kỹ năng nghe cũng như áp dụng những chiến lược luyện tập nghe hiệu quả. Trong bài nghiên cứu này, tác giả sẽ đi sâu tìm hiểu về cách tiếp cận top-down and bottom-up khi nghe tiếng Anh cũng như cách ứng dụng để cải thiện khả năng nghe thông qua hai phương pháp nêu trên.
Nghe từ trên xuống (Top-down)
Top-down hay nghe từ trên xuống là phương pháp nghe mà người học sử dụng kiến thức nền về một vấn đề nào đó để hiểu ý nghĩa của những thông tin xuất hiện trong bài nghe. Kiến thức nền bao gồm context (ngữ cảnh, hoàn cảnh hoặc chủ đề của bài nghe) hoặc co-text (những từ xuất hiện trước hoặc sau một từ cụ thể trong đoạn nghe, giúp người học xác định được ý nghĩa của từ đó). Chẳng hạn, trong một cuộc trò chuyện với một người bạn về chủ đề “bài kiểm tra”, khi đã biết được cuộc hội thoại xoay quanh vấn đề gì, kiến thức của người học về vấn đề đó (trong trường hợp này là chủ đề giáo dục, thi cử) sẽ được sử dụng để khoanh vùng từ vựng liên quan cũng như dự đoán những thông tin có thể xuất hiện.
Đây là một kỹ thuật nghe rất quan trọng trong quá trình giao tiếp tiếng Anh, bởi ngay cả những người học tiếng Anh lâu năm cũng không thể biết được tất cả các từ vựng trong ngôn ngữ này. Sử dụng cách tiếp cận “top-down” cho phép người học liên hệ tới những kiến thức đã biết về chủ đề đang nghe để dự đoán ý nghĩa của những từ vựng họ không biết và việc tiếp nhận thông tin không bị đứt quãng.
Cách tiếp cận này phù hợp với người học tiếng Anh ở trình độ trung cấp trở lên khi đã có một lượng từ vựng nhất định. Nguyên nhân là vì nếu năng lực nghe hiểu của người học bị giới hạn trong một vài từ cơ bản, ngay cả khi họ đã có một số hiểu biết nhất định về chủ đề được nhắc đến, những kiến nền đó cũng không thể giúp người học hiểu được nội dung của bài nghe. Vì vậy, bên cạnh cách tiếp cận “top-down”, bài viết còn đề cập đến cách tiếp “bottom-up” ở phần sau để bổ trợ khả năng nghe cho những người ở trình độ bắt đầu.
Để áp dụng cách tiếp cận “top-down”, trong quá trình nghe người học nên chú ý tới một số từ khóa quan trọng xuất hiện trong bài nghe mang thông tin giúp họ xác định được vấn đề được nhắc đến. Hãy cùng xem một ví dụ cụ thể, sau đây là transcript của một bài nghe trích từ Cambridge IELTS 10:
Những từ được gạch chân trong đoạn trên là những “key word” hay những từ khóa quan trọng mang thông tin giúp người nghe xác định được đối tượng mà bài đang nhắc tới. Ví dụ:
Purpose (mục đích); protect dolphins (bảo vệ cá heo); around the world (trên thế giới); raise people’s awareness (nâng cao nhận thức của con người); problems (vấn đề); marine creatures are suffering (sinh vật biển đang phải đối mặt); started ten years ago (bắt đầu mười năm trước); animal charities (trung tâm bảo hộ động vật); in education (trong lĩnh vực giáo dục); visted schools (thăm các trường học); talk to children and young peope (trò chuyện với trẻ em và những người trẻ).
Như vậy, qua một vài từ khóa nêu trên người học có thể biết được chủ đề mà đoạn này nói tới là về bảo tồn thiên nhiên, cụ thể hơn là về một trung tâm bảo hộ động vật có mục địch giáo dục ý thức của người dân. Điểm hay của phương pháp nghe từ trên xuống là không yêu cầu người học phải nghe hiểu từng từ một trong bài nghe mà vẫn nắm bắt được một phần thông điệp được nhắc tới.
Nghe từ dưới lên (Bottom-up)
Ngược lại với cách tiếp cận “top-down”, kỹ thuật “bottom-up hay nghe từ dưới lên đòi hỏi người học phải “giải mã” hay nghe hiểu được những đơn vị thông tin nhỏ nhất, chẳng hạn như nhận diện các âm, phân biệt từ vựng, phát hiện những cấu trúc ngữ pháp từ đó dẫn tới sản phẩm cuối cùng của quá trình nghe là hiểu được ý nghĩa của thông điệp.
Chẳng hạn trong câu “Tomorrow, my uncle John will come over to visit us”, quá trình nghe sẽ bắt đầu bằng việc người học tiếp nhận âm thanh của mỗi từ đơn trong câu “tomorrow”, “my”, “uncle” …; sau đó họ sẽ nhận diện ý nghĩa của các âm mà mình nghe được để phân biệt từ đó với các từ khác, chẳng hạn /təˈmɒrəʊ/ là trạng từ chỉ thời gian, có nghĩa là ngày mai…; quá trình nghe – giải mã sẽ diễn ra liên tục như vậy đến khi người học hiểu được nội dung của bài nghe.
Phương pháp nghe từ dưới lên phù hợp với những người bắt đầu học nghe. Nguyên nhân là do lượng từ vựng giới hạn, chưa cho phép họ tự động xử lý những gì mình đang nghe và hiểu được thông điệp của bài. Do đó, người học cần phải dựa vào những yếu tố của ngôn ngữ như âm thanh, ngữ pháp, từ vựng, … và rồi xử lý những đơn vị thông tin đó thành một thông điệp có nghĩa.
Một số dạng bài tập liên quan đến phương pháp nghe từ dưới lên là:
Xác định vị trí, địa điểm trên bản đồ/ biểu đồ
Hãy cùng xem một ví dụ sử dụng cách tiếp cận “bottom-up” khi nghe tiếng anh:
Đây là một bài nghe trích trừ cuốn IELTS Cambridge 10. Thay vì nghe để lấy thông tin chung và hiểu một cách khái quát nội dung nghe như trong cách tiếp cận “top-down”, người học cần phải chú ý đến những thông tin chi tiết để trả lời câu hỏi. Lần này, họ phải giải mã những âm thanh đã nghe, xác định đó là từ nào. Khả năng “bóc tách” những đơn vị thông tin nhỏ từ bài nghe đóng vai trò rất cần thiết khi làm những dạng bài tập như trên. Để luyện tập kỹ thuật “bottom-up”, người học có thể sử dụng phương pháp nghe-chép chỉnh tả. Trong quá trình này, khi tiếp nhận âm thanh, người học phải tư duy nhanh chóng để nhận diện, phân biệt những từ nào đang được nhắc đến, đồng thời ghi các âm đó ra dưới dạng chữ viết. Đây là một phương pháp luyện nghe tiếng Anh hiệu quả, trong dài hạn có thể giúp người học ngoại ngữ rèn luyện tốc độ xử lý thông tin cũng như xác định được các từ xuất hiện trong quá trình nghe.
Tổng kết
Top-down and Bottom-up là những cách tiếp cận quan trọng mà người học cần luyện tập thành thạo để giúp họ hiểu được thông tin dưới dạng âm thanh. Tuy nhiên, tùy vào mục đích nghe (nghe để hiểu chủ đề chung hay nghe để lấy thông tin chi tiết) hoặc năng lực của người học (trình độ trung cấp, cao cấp hay người mới bắt đầu học), người học cần chọn một trong hai cách tiếp cận này sao cho phù hợp với hoàn cảnh nghe tiếng Anh của bản thân. Sự kết hợp giữa hai phương pháp nghe trên sẽ giúp họ cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh hiệu quả.
Chu Minh Thùy
Lộ trình ôn luyện IELTS cụ thể và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp người học đạt được điểm cao. Học thử khóa học luyện thi IELTS tại ZIM để trải nghiệm hôm nay.
Bình luận - Hỏi đáp