Banner background

Kỹ năng viết và sự khác biệt giữa người học L1 và người học L2

Bài viết phân tích sự những khác biệt trong kỹ năng viết giữa người học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
ky nang viet va su khac biet giua nguoi hoc l1 va nguoi hoc l2

Key takeaways

  • Người viết L1 thường có thể viết tự nhiên hơn, trong khi người viết L2 gặp khó khăn về ngữ pháp, từ vựng và tính mạch lạc.

  • Người học L2 là người Việt thường sai về thì, trật tự từ và từ vựng.

  • Cải thiện bằng cách mở rộng vốn từ, luyện viết thường xuyên và nhận phản hồi.

  • Lập dàn ý trước khi viết giúp tổ chức ý tưởng logic hơn.

Viết là một trong những kỹ năng ngôn ngữ quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình học ngoại ngữ. Không giống như kỹ năng nói, viết đòi hỏi người học phải có khả năng tổ chức tư duy, sử dụng chính xác ngữ pháp, từ vựng, và đồng thời đáp ứng các yêu cầu về thể loại và văn phong. Sự khác biệt giữa người học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ (L1) và người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (L2) trong kỹ năng viết không chỉ phản ánh trình độ ngôn ngữ, mà còn thể hiện sự khác biệt về văn hóa, cách tư duy và quá trình học tập. Bài viết này nhằm phân tích những điểm khác biệt cốt lõi giữa hai nhóm người học, đặc biệt tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng viết học thuật, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học viết trong bối cảnh dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Định nghĩa L1 và L2

L1 (“first language”) là ngôn ngữ mà một cá nhân học từ nhỏ và sử dụng một cách tự nhiên trong giao tiếp hàng ngày. Ngược lại, L2 (“second language”) được học sau ngôn ngữ mẹ đẻ, thường thông qua giáo dục chính quy hoặc tiếp xúc có điều kiện. Theo Ken Hyland [1], viết là một kỹ năng phức tạp yêu cầu sự kết hợp giữa kiến thức ngôn ngữ, chiến lược học tập và tư duy phê phán, do đó người học L1 và L2 thường có những khác biệt đáng kể trong quá trình phát triển kỹ năng này.

So sánh ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thứ hai
So sánh L1 và L2: Ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thứ hai.

Sự khác biệt giữa L1 và L2 nói chung

Người học L1 hàng ngày được tiếp xúc với ngôn ngữ qua nhiều tình huống khác nhau, giúp họ hình thành trực giác về ngữ âm, ngữ pháp và cách sử dụng ngôn ngữ. Ngược lại, người học L2 thường phải học ngôn ngữ trong bối cảnh giáo dục có hệ thống, nên họ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ngữ mẹ đẻ, gây ra hiện tượng chuyển giao ngôn ngữ (language transfer). Theo Schmitt & Rodgers [2], quá trình tiếp nhận L2 bị giới hạn bởi tần suất tiếp xúc, phạm vi sử dụng và động lực cá nhân.

Hơn nữa, L1 được tiếp thu theo cách tự nhiên, không thông qua giảng dạy có chủ đích, trong khi L2 thường được học thông qua sách vở, lớp học hoặc môi trường học thuật. Điều này khiến người học L2 có xu hướng tập trung vào ngữ pháp và từ vựng theo cách quy tắc hơn là sử dụng linh hoạt trong thực tế.

Xem thêm: Tác động của ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) trong việc học từ vựng ngoại ngữ

Sự khác biệt giữa L1 và L2 trong kỹ năng viết

Kỹ Năng Viết L1 và L2

Quy trình viết (Writing Process)

Người học L1 thường tiếp cận viết một cách trực quan, sử dụng các chiến lược như phác thảo ý tưởng sơ bộ, viết nháp, chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết một cách tự nhiên. Họ ít khi cần suy nghĩ nhiều về ngữ pháp hay từ vựng vì các yếu tố này đã được thẩm thấu một cách tự nhiên qua nhiều năm sử dụng ngôn ngữ.

Ngược lại, người học L2 phải dành nhiều thời gian để dịch ý tưởng từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang tiếng Anh, xem xét ngữ pháp và lựa chọn từ vựng phù hợp. Matsuda & Silva [3] nhấn mạnh rằng người viết L2 phải đối mặt với "gánh nặng nhận thức" (cognitive load) lớn hơn, do họ không chỉ phải tập trung vào nội dung mà còn phải kiểm soát các yếu tố ngôn ngữ.

Ngoài ra, trong khi người viết L1 có thể viết một cách tự nhiên và chỉnh sửa sau, người học L2 thường có xu hướng viết từng câu một cách cẩn trọng ngay từ đầu, dẫn đến bài viết có thể thiếu tính liên kết hoặc mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Từ vựng và ngữ pháp (Vocabularies and Grammar)

Người viết L2 có xu hướng dựa vào các cấu trúc từ ngữ của L1, gây ra những lỗi sai do chuyển giao ngôn ngữ. Một ví dụ phổ biến là việc sử dụng trực tiếp cấu trúc câu từ tiếng mẹ đẻ mà không phù hợp với quy tắc ngữ pháp tiếng Anh. Theo Hyland [4], một trong những thách thức lớn nhất đối với người viết L2 là việc sử dụng thì động từ chính xác, đặc biệt là trong các văn bản học thuật.

Chàng Trai Đọc Sách Say Mê

Ví dụ, người học có L1 là tiếng Việt có thể mắc lỗi khi sử dụng thì trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt, không có sự phân biệt rõ ràng giữa các thì như trong tiếng Anh, dẫn đến việc người học có thể viết câu như:

  • Yesterday, I go to school. thay vì Yesterday, I went to school. (Hôm qua, tôi đi học.)

  • She eat breakfast every morning. thay vì She eats breakfast every morning. (Cô ấy ăn sáng mỗi ngày.)

Ngoài ra, do sự khác biệt về trật tự từ, người học tiếng Việt có thể viết câu không tự nhiên theo cách sắp xếp của tiếng Anh, chẳng hạn:

  • I very like this book. thay vì I really like this book. (Tôi rất thích cuốn sách này.)

  • He is a teacher very good. thay vì He is a very good teacher. (Anh ấy là một giáo viên giỏi.)

Hơn nữa, vốn từ vựng của người học L2 thường bị hạn chế hơn so với người học L1, khiến họ có xu hướng lặp lại các từ ngữ quen thuộc và kém phong phú hơn. Ví dụ, thay vì sử dụng các từ đồng nghĩa phong phú như immense, enormous, tremendous để thay thế cho big, người học L2 có thể chỉ lặp lại từ big nhiều lần trong bài viết.

Điều này có thể làm cho bài viết của họ trở nên đơn điệu và thiếu sự tinh tế cần thiết trong văn phong học thuật. Để khắc phục điều này, người học cần mở rộng vốn từ vựng bằng cách đọc nhiều tài liệu học thuật và ghi nhớ cách sử dụng từ ngữ trong ngữ cảnh phù hợp.

Cách tổ chức văn bản (Text Organization)

Người học L1 có khả năng tự nhiên hơn trong việc xây dựng một bài viết mạch lạc, với ý tưởng được triển khai rõ ràng và mạch lạc. Điều này là do họ đã quen thuộc với cách tổ chức thông tin trong văn bản từ khi còn nhỏ. Họ có thể sử dụng các chiến lược như lập luận, so sánh, và phân tích mà không gặp nhiều khó khăn.

Ngược lại, người học L2 có thể gặp khó khăn do khác biệt văn hóa trong việc sắp xếp thông tin. Kaplan [5] chỉ ra rằng người viết có xu hướng tuân theo mô hình tư duy của ngôn ngữ mẹ đẻ. Người học từ các nền văn hóa phương Đông có thể thích sử dụng cách diễn đạt gián tiếp, trong khi phong cách viết học thuật tiếng Anh thường đòi hỏi sự trực tiếp và rõ ràng hơn. Cụ thể hơn, người học tiếng Việt thường có xu hướng dẫn dắt lòng vòng, mở đầu bằng những ý chung chung, hoặc đưa ra các thành ngữ, tục ngữ, trước khi đi vào luận điểm chính. Điều này có thể khiến người đọc bản ngữ cảm thấy thiếu trực tiếp và mất kiên nhẫn vì không thấy rõ mục tiêu của bài viết từ đầu. Ví dụ, thay vì viết thẳng luận điểm như "Technology has transformed the way students learn" (Công nghệ đã thay đổi cách học của học sinh), người học Việt có thể mở đầu bằng một đoạn nói về sự phát triển của xã hội, vai trò của tri thức, rồi mới dẫn đến công nghệ.

Ngoài ra, người học L2 thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các công cụ liên kết như từ nối, đại từ chỉ định hoặc cấu trúc ngữ pháp phức tạp để tạo sự liền mạch trong bài viết. Điều này dẫn đến việc bài viết của họ có thể trở nên rời rạc hoặc khó hiểu đối với người đọc bản ngữ.

Nhận thức về người đọc và ngữ cảnh (Reader Awareness and Context)

Một yếu tố quan trọng khác là cách người viết L1 và L2 cân nhắc đến đối tượng độc giả. Người viết L1 thường có khả năng điều chỉnh phong cách viết theo đối tượng mục tiêu (người đọc) một cách tự nhiên (ví dụ như khi viết email liên quan đến công việc cần dùng văn phong trang trọng), trong khi người viết L2 có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn giọng điệu, mức độ trang trọng và cách sử dụng các phương tiện tu từ để tạo sự thuyết phục.

Canale và Swain [6] đưa ra bốn khía cạnh quan trọng trong năng lực giao tiếp mà một người viết cần có:

  • Năng lực ngữ pháp (grammatical competence): Kiến thức về ngữ pháp, từ vựng và hệ thống ngôn ngữ.

  • Năng lực diễn ngôn (diễn đạt) (discourse competence): Khả năng nắm vững thể loại văn bản và các mô thức tu từ tạo nên chúng.

  • Năng lực ngôn ngữ-xã hội (sociolinguistic competence): Khả năng sử dụng ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh, hiểu độc giả và áp dụng phong cách viết phù hợp.

  • Năng lực chiến lược (strategic competence): Khả năng sử dụng các chiến lược khác nhau để duy trì sự mạch lạc trong văn bản.

Những yếu tố này giúp người viết hiểu cách điều chỉnh bài viết để đáp ứng nhu cầu của độc giả và đạt được mục tiêu giao tiếp mong muốn. Người học L2, do thiếu kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh thực tế, thường gặp khó khăn trong việc vận dụng các khía cạnh này một cách hiệu quả, dẫn đến bài viết kém tự nhiên và ít phù hợp với chuẩn mực học thuật của tiếng Anh.

Giải pháp để cải thiện kỹ năng viết của người học L2

Để khắc phục những khó khăn trong kỹ năng viết, người học L2 có thể áp dụng một số chiến lược sau:

  1. Tăng cường tiếp xúc với văn bản học thuật: Đọc nhiều bài viết mẫu giúp người học làm quen với cấu trúc văn bản, cách triển khai ý tưởng và cách sử dụng từ vựng một cách hiệu quả.

  2. Luyện tập viết thường xuyên: Viết nhật ký, bài luận hoặc tham gia các diễn đàn học thuật bằng tiếng Anh giúp người học nâng cao khả năng biểu đạt ý tưởng một cách rõ ràng và mạch lạc.

  3. Nhận phản hồi từ giáo viên và bạn học: Nhận xét từ người khác giúp người học nhận diện lỗi sai và cải thiện bài viết theo hướng phù hợp với chuẩn mực học thuật.

  4. Sử dụng công cụ hỗ trợ ngôn ngữ: Các phần mềm như Grammarly, Hemingway Editor hoặc các công cụ kiểm tra ngữ pháp giúp người học nhận diện lỗi sai và cải thiện độ chính xác trong bài viết.

  5. Học cách lập kế hoạch trước khi viết: Sử dụng dàn ý (outline) giúp người học sắp xếp ý tưởng một cách logic, tránh lặp ý hoặc viết lan man.

  6. Phát triển vốn từ vựng học thuật: Ghi chú và học các từ vựng theo chủ đề, sử dụng chúng trong bài viết để mở rộng khả năng diễn đạt.

  7. Chú trọng đến liên kết giữa các ý tưởng: Sử dụng từ nối (cohesive devices) để giúp bài viết trở nên mạch lạc và dễ hiểu hơn.

Học tập vui vẻ tại nhà

Những chiến lược này không chỉ giúp người học L2 cải thiện khả năng viết mà còn giúp họ tiếp cận gần hơn với chuẩn mực viết của người bản ngữ, góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp trong môi trường học thuật và công việc sau này. Sự khác biệt giữa người học L1 và L2 trong kỹ năng viết không chỉ được quyết định bởi khả năng ngôn ngữ, mà còn bởi tư duy, văn hóa và quá trình tiếp nhận ngôn ngữ. Việc giáo dục viết cho người học L2 cần chú trọng tới việc giảm gánh nặng nhận thức, cung cấp hướng dẫn rõ ràng và tạo điều kiện cho họ thực hành viết trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Bằng cách hỗ trợ người học thông qua các chiến lược như cung cấp phản hồi chi tiết, sử dụng bài mẫu và khuyến khích thực hành liên tục, giáo viên có thể giúp người học L2 phát triển kỹ năng viết hiệu quả hơn.

Đọc tiếp: Mối quan hệ giữa ngôn ngữ mẹ đẻ L1 và học ngữ pháp L2

Kết luận

Sự khác biệt giữa người học L1 và L2 trong kỹ năng viết không chỉ được quyết định bởi khả năng ngôn ngữ, mà còn bởi tư duy, văn hóa và quá trình tiếp nhận ngôn ngữ. Việc giáo dục viết cho người học L2 cần chú trọng tới việc giảm gánh nặng nhận thức (cognitive load), cung cấp hướng dẫn rõ ràng và tạo điều kiện cho họ thực hành viết trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Bằng cách hỗ trợ người học thông qua các chiến lược như cung cấp phản hồi chi tiết, sử dụng bài mẫu và khuyến khích thực hành liên tục, giáo viên có thể giúp người học L2 phát triển kỹ năng viết hiệu quả hơn.

Nếu người học mong muốn nâng cao kỹ năng tiếng Anh với chương trình học được thiết kế riêng, ZIM Academy là lựa chọn phù hợp. Với phương pháp cá nhân hóa, ZIM giúp học viên tối ưu thời gian học và chi phí, đồng thời cung cấp tài nguyên học tập phong phú và bài giảng trọng tâm, dễ hiểu. Liên hệ ngay hotline 1900-2833 nhánh số 1 để được tư vấn chi tiết.

Tham vấn chuyên môn
Võ Thị Hoài MinhVõ Thị Hoài Minh
GV
Tốt nghiệp Đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Điểm chứng chỉ: TOEIC LR 990/990, TOEIC SW 360/400. Có 8 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy tiếng Anh (từ năm 2016). Trong thời gian làm việc tại ZIM, đã và hiện đang giảng dạy và tham gia các dự án nghiên cứu và thiết kế chương trình học TOEIC, TAGT, sản xuất đề thi thử và viết các đầu sách về TOEIC. Triết lý giáo dục chú trọng vào việc nhận diện và phát huy năng lực của mỗi học viên, khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của họ để từ đó có thể hỗ trợ họ đạt mục tiêu mà họ muốn. Tôi hướng đến tạo một không gian học tập thân thiện và cởi mở, nhưng cũng duy trì tính kỷ luật và sự tổ chức. Phương pháp giảng dạy của tôi là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của vấn đề để áp dụng linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...