Sự ảnh hưởng của tiếng Việt tới quá trình cải thiện việc học tiếng Anh (Phần 1)

Nghiên cứu sự can thiệp của tiếng mẹ đẻ trong cải thiện việc học tiếng Anh và giúp cho người học tránh khỏi những lỗi cơ bản
su anh huong cua tieng viet toi qua trinh cai thien viec hoc tieng anh phan 1

Khó có thể từ chối vai trò của tiếng mẹ đẻ trong quy trình tiếp nhận một ngôn ngữ thứ hai. Hiển nhiên, tiếng mẹ đẻ là nền tảng cho hầu như tất cả các khái niệm về thế giới quan của người học, và từ những kiến thức sẵn có này mà người học ngoại ngữ tìm kiếm những từ, những cách diễn đạt tương ứng với chúng trong ngôn ngữ đích. Nói cách khác, trong quy trình học một ngôn ngữ thứ hai, người học vẫn cần dựa vào tiếng mẹ đẻ tới một mức độ ít nhiều. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: không có ngôn ngữ nào hoàn toàn chuyển hoá êm mượt sang một ngôn ngữ khác. Chính vì vậy nên sự can thiệp của tiếng mẹ đẻ trong quá trình cải thiện việc học tiếng Anh có thể gây cản trở cho người học trong một số trường hợp. 

Bài viết học thuật này được thực hiện với mục đích nhằm nghiên cứu sự can thiệp của tiếng mẹ đẻ trong việc học ngoại ngữ, giúp cho người học nhận thức được cũng như là tránh khỏi những lỗi cơ bản được gây ra do quán tính. Phạm vi nghiên cứu của bài viết sẽ được giới hạn để tập trung chủ yếu về sự ảnh hưởng của tiếng Việt đối với việc học tiếng Anh.

Một lời giải thích khoa học – khái niệm Interlanguage và Language Transfer

Interlanguague – Trong quá trình học ngoại ngữ, người học theo bản năng sẽ thiết lập một ngôn ngữ trung gian – đây là một hệ thống ngôn ngữ gần như khác hẳn tiếng mẹ đẻ của họ nhưng lại chưa đạt được độ chính xác với ngôn ngữ đích trong cách sử dụng. Ngôn ngữ trung gian đóng vai trò như là một câu nối giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ đích. 

Ngôn ngữ trung gian có quá trình phát triển của nó tuỳ theo quá trình học của riêng mỗi người. Nói cách khác, ngôn ngữ trung gian là một phiên bản của ngôn ngữ đích đang được sỡ hữu bởi người học ở giai đoạn hiện thời. Mỗi một giai đoạn là một phiên bản mới và các phiên bản này ngày sẽ càng tịnh tiến tới gần ngôn ngữ đích nhưng hiếm khi là ngôn ngữ đích 100%. 

Trong quá trình học ngoại ngữ, thông qua ngôn ngữ trung gian này, người học sẽ áp dụng và chuyển hoá dần những kiến thức được hình thành sẵn có từ tiếng mẹ đẻ qua sang một ngôn ngữ thứ hai. Khái niệm này được gọi là “sự chuyển di ngôn ngữ” – Language transfer. 

su-anh-huong-cua-tieng-viet-toi-qua-trinh-cai-thien-viec-hoc-tieng-anh-phan-1-language-transfer

Sự chuyển di ngôn ngữ xảy ra tương đối tự nhiên bởi vì người học cần dùng những tài nguyên ngôn ngữ sẵn có để tạo lập ngôn ngữ trung gian và những nguồn tài nguyên đó đều xuất phát từ tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, sự chuyển di ngôn ngữ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai. 

Khi hai ngôn ngữ giao thoa nhau ở ngôn ngữ trung gian, sự chuyển di ngôn ngữ có thể xảy ra theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực.

Sự chuyển di tích cực (Positive language transfer) 

Khi mà những cấu trúc, cách diễn đạt của cả hai ngôn ngữ tương đồng với nhau hoặc giống nhau, sự can thiệp ngôn ngữ đến từ tiếng mẹ đẻ có thể dẫn đến việc sản xuất ra một ngôn ngữ chính xác – khái niệm này được gọi là sự chuyển di tích cực (positive language transfer): trong đó, nghĩa đúng được thể hiện bởi một cách diễn đạt trong một ngôn ngữ được coi là phù hợp và được chấp nhận bởi người bản xứ của ngôn ngữ kia. 

Sự chuyển di tiêu cực (Negative language transfer)

Sự chuyển di tiêu cực được hiểu là việc áp dụng không thích hợp những phương tiện, cấu trúc, quy tắc trong tiếng mẹ đẻ vào quá trình học ngoại ngữ, làm cho việc sử dụng ngôn ngữ đó bi sai lệch khác với chuẩn ngôn ngữ đích (target norms). 

Hiện tượng chuyển di này có lí do sâu xa từ sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Chuyển di tiêu cực được thể hiện ở mọi cấp độ và bình diện ngôn ngữ.

Chuyển di tiêu cực thường được các nhà giáo dục và ngôn ngữ học quan tâm hơn là chuyển di tích cực, vì đây mới là loại chuyển di gây ra nhiều vấn chủ yếu trong việc học ngoại ngữ và giao tiếp của người bản ngữ. Cụ thể đối với sự chuyển di từ tiếng Việt sang tiếng Anh, sự sai lệch này trở nên rõ ràng hơn ở những giai đoạn đầu của người bản ngữ trong quá trình học, khi người học cố gắng chuyển hoá những tài nguyên từ tiếng Việt qua tiếng Anh bằng phương pháp dịch từng từ một. Hướng tiếp cận này sẽ dễ sinh ra nhiêu sai lệch do sự khác nhau và thiếu tương đồng giữa hai ngôn ngữ. 

Đọc thêm: Hiểu rõ một số cụm từ tiếng Anh bằng phép hoán dụ (metonymy)

Cải thiện việc học tiếng Anh qua những lỗi phổ biến của người học Việt

Có một thuật ngữ khá phổ biến hiện nay trong giới học tiếng Anh của người Việt được gọi là “Vietlish” – một sự pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt, được hiểu là cách dùng tiếng Anh đặc trưng của người Việt. 

Theo một góc nhìn khoa học, Vietlish chính là ngôn ngữ trung gian của người Việt trong quá trình tiếp nhận và sử dụng tiếng Anh. Thông qua Vietlish, ta có thể thấy rằng sự chuyển di tiêu cực xảy ra ở hầu hết các trình độ, và những sự lệch chuẩn xảy ra chủ yếu ở khía cạnh cú pháp và từ vựng. 

Khía cạnh từ vựng (Lexical level)

Dạng số nhiều của danh từ: người học thường mắc phải lỗi thêm s/es vào đuôi danh từ để thể hiện dạng số nhiều của nó trong khi một vài danh từ có dạng số nhiều là một từ riêng biệt trong tiếng Anh (child, children), hoặc đơn thuần là không có dạng số nhiều vì chúng là danh từ không đếm được (Information). Người học thường có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi cách nói có từ “các, những” trong tiếng Việt, và từ đó thêm s/es vào trong tiếng Anh. 

su-anh-huong-cua-tieng-viet-toi-qua-trinh-cai-thien-viec-hoc-tieng-anh-phan-1-danh-tu-khong-dem-duoc

Lựa chọn từ (collocation) không phù hợp: với những cụm từ nối liền nhau, người học có xu hướng tìm từ tiếng Anh tương đồng cho từng từ riêng lẻ trong cụm, rồi sau đó sẽ ráp chúng lại với nhau. Điều này dẫn đến những cách diễn đạt lệch chuẩn của ngôn ngữ đích. Ví dụ: người Việt thường có một cách diễn đạt như: “học hỏi kiến thức”; nếu người học chuyển đổi cụm này sang tiếng Anh theo cách dịch từng từ một thì họ sẽ có khuynh hướng cao tạo ra một cụm như “learn knowledge”. Tuy nhiên, theo cách dùng của người bản địa, danh từ “knowledge” hầu như không được gắn với động từ “learn”, mà thường đi kèm với những động từ khác như là “acquire” hoặc là “gain”. 

Khía cạnh cú pháp (Lexical level) 

Lỗi run-on sentence:  

Người học có khuynh hướng viết nhiều mệnh đề trong một câu mà giữa các mệnh đề chỉ được ngăn cách bởi dấu phẩy, thay vì là một từ nối. Điều này là một phần do người học còn bị ảnh hưởng bởi cách viết một câu có nhiều vế trong tiếng Việt, phần còn lại có thể do họ chưa nắm bắt được rõ quy luật ngữ pháp về các mệnh đề độc lập trong cùng một câu.

Lỗi câu gãy (fragment sentence): 

Lỗi này thường xảy ra khi người học ráp đủ các từ để câu có nghĩa, nhưng về mặt cấu trúc thì câu lại không đáp ứng đủ các thành phần theo cấu trúc mệnh đề (chính-phụ), câu đơn, câu phức, câu ghép. 

Ví dụ:

  • Tất cả bởi vì tôi xui -> All because I’m unlucky (mệnh đề phụ không thể đứng độc lập như vậy)

  • Trong thành phố có nhiều trung tâm mua sắm -> In the city has many shopping malls (khi đặt giới từ “in” ngay trước cụm danh từ “the city”, nguyên cụm này sẽ trở thành một thành phần phụ, và vì vậy câu này mất đi chủ ngữ) 

Lỗi thể động động từ:

Trong cách nói tiếng Việt, người học có khuynh hướng thêm từ “bị” hoặc “được” vào trước các động từ. Do ảnh hưởng này, khi chuyển đổi những động từ như vậy sang tiếng Anh, người đọc sẽ có khuynh hướng để những động từ ở thể bị động, kể cả đối với những nội động từ (intransitive verb), như là happen hoặc là những động từ chỉ được dùng ở thể chủ động, như là become. 

Ví dụ:

  • Sự thay đổi này được xảy ra vào nằm 1991 -> This change was happened in 1999

  • Anh ta bị trở thành nạn nhân của những trò đùa của cô ta -> He is become the victim of her games

Lỗi về sự hoà hợp giữa chủ ngữ và động từ (Subject – Verb agreement) 

Tiếng Anh là một loại ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ biến thể, tức là các động từ trong ngôn ngữ này sẽ thay đổi hình dạng của chúng để có thể diễn đạt chính xác ý nghĩa về mặt thời gian (thông qua việc chia thì), và để tương ứng đối với chủ thể của hành động (chủ ngữ số ít đi với động từ số ít, chủ ngữ số nhiều đi với động từ dạng số nhiều).

Ngược lại, tiếng Việt, về bản chất lại là một loại ngôn ngữ cách thể, hay còn được gọi là ngôn ngữ đơn lập – các động từ sẽ giữ nguyên thể của chúng và không thay đổi, mà thay vào đó sẽ được kết hợp thêm với những từ khác để thể hiện chính xác nghĩa.

Chính do sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt như trên, các phương thức ngữ pháp dùng để biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp của hai ngôn ngữ này sẽ khác nhau. Sự khác biệt này, kèm theo sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ, khiến cho người học Việt thường mắc phải những lỗi sai ngữ pháp liên quan đến việc quên chia động từ.  

Sự sai lệch này có thể được thấy rõ nhất là trong kỹ năng Speaking, khi phải tả về một hiện tượng xảy ra trong quá khứ, những người học chưa quen thường sẽ theo bản năng để động từ ở thì hiện tại đơn thay vì chia về các thì quá khứ.  

Lỗi về động từ “be”

Thiếu động từ “be”

su-anh-huong-cua-tieng-viet-toi-qua-trinh-cai-thien-viec-hoc-tieng-anh-phan-1-thieu-dong-tu-be

Động từ to-be là một dạng động từ được dùng với tần suất cao trong tiếng Anh, và thường được dùng đi kèm với tính từ theo sau để tả tính chất của một sự vật, sự việc hoặc con người. Mặc dù trong tiếng Việt cũng có dạng tương ứng của “be” là từ “là”, nhưng theo cách sử dụng tiếng Việt phổ biến, người nói thường giản lược bớt từ “là” khi miêu tả về tính chất, đặc điểm. Lấy một câu như sau trong tiếng Việt làm ví dụ: “Anh ta khá thẳng thắn”; từ câu này, nếu dịch sang tiếng Anh, vài người học sẽ có khuynh hướng quên mất động từ “be”: “He quite straightforward”. Điều này dẫn đến một câu thiếu động từ chính và do đó là một câu gãy. 

Thêm động từ “be” không cần thiết

Lỗi này cũng do ảnh hưởng của việc dùng từ “là” một cách không cần thiết trong tiếng Việt. Ví dụ: Cô ta rất là yêu thương gia đình mình. Đối với câu này, chữ “là” thật sự gần như không đóng một vai trò thiết yếu nào trong câu, ngoài việc tạo một chút sự nhấn mạnh về hành động “yêu thương”. Tuy nhiên, nếu người học hình dung một câu như vậy trong tiếng Việt trước rồi sau đó thử dịch nó sang tiếng Anh, sẽ có khả năng họ sẽ giữ từ “là” chuyển nó thành “be”. Kết quả là một câu như sau: She is very loves her family. Theo quy luật ngữ pháp trong tiếng Anh, một câu như vậy là sai. Điều này là bởi vì theo cấu trúc mệnh đề, trong một câu chỉ có duy nhất một động từ chính ứng với chủ thể chính. Lẫn động từ “be” và các động từ thường (lẫn nội động từ và ngoại động từ) đều có thể đóng vai trò là động từ chính trong câu, và vì vậy nên đặt hai động từ này ngay kế nhau như trên sẽ khiến câu bị sai về mặt ngữ pháp. 

Lỗi thừa từ nối 

Đây là một lỗi dễ bị mắc phải bởi người học chủ yếu do cách nói thừa từ trong tiếng Việt. Cụ thể hơn, trong tiếng Việt, người nói sẽ thường dùng cả “mặc dù” và “nhưng” trong cùng một câu hai vế (ví dụ: “Mặc dù trời mưa, nhưng tôi vẫn đi học”), hoặc là ghép “bởi vì” và “nên” (ví dụ: Bởi vì anh ta đẹp trai, nên nhiều người thích anh ta. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, chỉ cần một từ nối là đủ cho việc diễn đạt – đã có “although” thì không có “but”, đã có “because” thì không cần thêm “so”, và ngược lại.

su-anh-huong-cua-tieng-viet-toi-qua-trinh-cai-thien-viec-hoc-tieng-anh-phan-1-vi-du

Lỗi sử dụng giới từ

Trong tiếng Anh, các từ, cụm từ thường được quy định đi kèm theo một giới từ nhất định, hoặc là có những ngoại động từ (transitive verb) mà không cần giới từ theo sau. Người học bị ảnh hưởng bởi tiếng Việt sẽ có khuynh hướng chọn sai giới từ, hoặc là thêm giới từ vào một cách cần thiết.

Ví dụ:

  • bàn về một thứ gì đó -> discuss about sth trong khi động từ “discuss” không cần phải đi kèm giới từ

  • có ảnh hưởng đến -> has influence to trong khi cách diễn đạt đúng là “has influence on”. 

Lỗi thiếu mạo từ 

Ba mạo từ “a”, “an” và ‘the” trong tiếng Anh còn chưa được sử dụng chính xác, hoặc trong nhiều trường hợp là không xuất hiện trước danh từ. Điều này có thể là do trong tiếng Việt không có khái niệm nào tương ứng với khái niệm mạo từ. Thay vào đó, trong tiếng Việt, tồn tại rất nhiều lượng từ và phân loại danh từ, như: cái, con, chiếc, miếng, đứa, những, các, v.v. Sự chênh lệch này có thể khiến cho người học bị bối rối trong việc sử dụng mạo từ.    

Đọc thêm: Cách sửa lỗi Run-ons trong Tiếng Anh

Cách hạn chế sự ảnh hưởng của tiếng Việt để cải thiện việc học tiếng Anh tránh sai lệch

Nhận thức được sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ lên cách tiếp nhận và sử dụng tiếng Anh chỉ mới là bước đầu tiên trong việc hạn chế sự chuyển di tiêu cực. 

Người học cần phải tích cực trau dồi thêm kiến thức về từ vựng và ngữ pháp trong tiếng Anh để có sử dụng ngôn ngữ này gần chuẩn nhất. Ngoài ra, người học cần phải thường xuyên luyện tập tiếng Anh để nó có thể trở thành gần như một bản năng thứ hai nhằm hạn chế sự can thiệp bởi tiếng mẹ đẻ. 

Dựa trên những sai lệch đã được liệt kê ở trên, được chia ra thành mảng từ vựng và cú pháp, tác giả gợi ý cho độc giả cách để khắc phục những sai lệch như sau: 

Cải thiện việc học tiếng Anh về mặt ngữ pháp

Người học nên hiểu và nắm rõ cấu trúc mệnh đề (SV), cũng như là các cấu trúc câu phức, câu ghép để có thể tránh khỏi những lỗi về sự hoà thuận chủ ngữ – động từ, lỗi câu run-on và câu gãy, v.v. 

Ngoài ra, người học nên tìm hiểu thêm về các cấu trúc cụm danh từ (noun clause), sự bổ trợ động từ (verb complementation) để hạn chế sai những lỗi diễn đạt ngữ pháp nhỏ trong câu. 

Cải thiện việc học tiếng Anh về mặt từ vựng

Việc học và sử dụng chính xác từ vựng là một quá trình dài. Chính vì vậy, một hướng tiếp cận việc học từ vựng đúng là điều cần thiết cho việc học, sử dụng và trau dồi tiếng Anh lâu dài. Người học nên tập cách sử dụng từ điển Anh-Anh để có thể hiểu những tầng nghĩa, và những cách diễn đạt cụ thể để thể hiện tầng ngữ nhất định đó của một từ. Người học có thể tham khảo những từ điển Anh – Anh đáng tin cậy: 

  • Cambridge’s Learner Dictionary 

  • Oxford’s Advanced Learner Dictionary

  • Merriam-Webster Dictionary (có thể được sử dụng trực tiếp trang web www.merriam-webster.com

Ngoài ra, người học cũng nên học từ vựng theo ngữ cảnh thay vì chỉ học từng từ riêng lẻ để có thể hiểu rõ hơn những trường hợp phù hợp sử dụng một từ, cụm từ nhất định. Người học có thể thực hành điều này qua việc sử dụng từ điển Anh-Anh như trên, hoặc đọc các bài báo, bài viết học thuật trong tiếng Anh, hoặc là qua việc sử dụng những công cụ như là Ludwig. 

Đọc thêm: Học từ vựng qua phương pháp Contextualization và Decontextualization (P.1)

Tổng kết

Việc dựa vào và sử dụng những nguồn tài nguyên sẵn có trong tiếng mẹ đẻ gần như là không thể tránh khỏi trong quá trình học ngoại ngữ của bất kì một người nào, đặc biệt khi người học đang tiếp thu và giao tiếp ngoại ngữ trong một môi trường phi bản ngữ. Do đó, người học trước tiên cần nhận thức được những sự vay mượn từ ngôn ngữ mẹ đẻ, cũng như là sự can thiệp mang tính tiêu cực của nó để có thể cải thiện việc học tiếng Anh theo một chiều hướng đúng đắn hơn. 

Đọc thêm: 4 lỗi sai thường gặp khi sử dụng đại từ trong Tiếng Anh

Nguyễn Văn Đăng Duy

Bạn ước mơ du học, định cư, thăng tiến trong công việc hay đơn giản là muốn cải thiện khả năng tiếng Anh. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học luyện thi IELTS hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu