Tư duy phản biện trong bài thi IELTS cùng phương pháp Socrates
Key takeaways
Những lợi ích của Phương pháp Socrates trong việc học ngôn ngữ và chuẩn bị cho bài thi IELTS.
Áp dụng Phương pháp Socrates vào quá trình chuẩn bị ôn thi IELTS với bốn kỹ năng cụ thể: đọc, viết, nói, nghe.
Chiến lược áp dụng Phương pháp Socrates vào bối cảnh lớp học IELTS cho các giáo viên.
Bên cạnh khả năng ngôn ngữ, IELTS còn yêu cầu thí sinh có tư duy phản biện để phân tích, đánh giá và trình bày ý kiến một cách logic. Phương pháp Socrates - dựa trên kỹ thuật đặt câu hỏi và phản biện liên tục - có thể giúp nâng cao khả năng lập luận và tư duy sâu sắc. Khi áp dụng vào kỹ năng Writing và Speaking, phương pháp này giúp câu trả lời trở nên rõ ràng, chặt chẽ và mạch lạc hơn.
Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về IELTS và hướng dẫn cách vận dụng tư duy phản biện kết hợp phương pháp Socrates để nâng cao điểm số.
Sơ lược về kì thi IELTS
IELTS, hay International English Language Testing System, là một trong những kì thi kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Anh được đông đảo học sinh và người học ngôn ngữ Tiếng Anh ưu tiên lựa chọn trong những năm gần đây. Chứng chỉ IELTS được xem như tấm vé ưu tiên giúp các học sinh THPT được xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tấm bằng IELTS cũng là minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất trong việc các du học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong môi trường quốc tế, tạo điều kiện giúp những cá nhân có nhu cầu được cho phép định cư và làm việc tại quốc gia sở tại.
Tư duy Phản biện và Phương pháp Socrates
Tư duy Phản biện
Tư duy phản biện (Critical thinking) là kỹ năng bao gồm ba thành phần chính: phân tích, đánh giá và kết luận. Việc sử dụng kỹ năng Tư duy phản biện vào bài thi IELTS, đặc biệt đối với hai kỹ năng đầu ra là Viết và Nghe, giúp người học có thể phân tích các luận điểm, đánh giá tính khách quan và xác thực của các luận cứ, và đưa ra một kết luận có tính bao quát và tổng hợp về những luận điểm và luận cứ được trình bày. Chính vì vậy, kỹ năng Tư duy phản biện giúp bài Viết và bài Nói mạch lạc, chặt chẽ, cụ thể, sâu sắc và đa chiều.
Đọc thêm về tư duy phản biện và các kỹ năng liên quan: Tư duy phản biện trong IELTS Writing và các thiên kiến phổ biến
Phương pháp Socrates
Phương pháp Socrates, mang tên của triết học gia cổ đại nổi tiếng Socrates (470–399 BCE), là một phương thức thảo luận (đối thoại) giữa hai chủ thể với mục đích tìm ra lỗ hổng trong tư duy và lập luận thông qua một chuỗi các câu hỏi và trả lời liên tiếp. Cụ thể, người hỏi sẽ đưa ra những câu hỏi phản biện song song, và người được hỏi sẽ dần nhận ra những lỗ hổng, thiếu sót hoặc thiếu chặt chẽ trong tư duy và lập luận của mình sau mỗi câu trả lời (The Information Architects of Encyclopaedia Britannica, 2025) [1].
Thông qua việc luyện tập thường xuyên, các lợi ích mà Phương pháp Socrates đem lại bao gồm cải thiện khả năng phân tích, khuyến khích sự tương tác và tham gia vào những cuộc hội thoại mang tính chất phát triển tư duy, và thúc đẩy lối lập luận dựa trên lý lẽ khách quan. Như vậy, mục đích cuối cùng của cuộc thảo luận là giúp con người xây dựng và phát triển tư duy lập luận chặt chẽ, khách quan và đa chiều hơn. Đó cũng chính là lý do vì sao Phương pháp Socrates là một công cụ bổ trợ hiệu quả trong việc phát triển Tư duy phản biện của người học ngôn ngữ.
Ứng dụng Phương pháp Socrates vào chuẩn bị cho kì thi IELTS
Kỹ năng đọc hiểu (Reading)
Đặt câu hỏi để dự đoán nội dung bài đọc
Trong bối cảnh áp lực về thời gian trong phòng thi, để có thể hoàn thành 3 bài đọc trong vòng 60 phút không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt đối với người học chưa có chiến thuật làm bài hiệu quả. Chính vì vậy, áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi nhằm dự đoán nội dung bài đọc sẽ giúp người học đẩy nhanh tốc độ đọc hiểu và hoàn thành bài đọc một cách hiệu quả, chính xác.
Cụ thể, có 3 thành phần chính cần được chú ý bao gồm: Tiêu đề, câu chủ đề, và các từ khóa nổi bật.
Tiêu đề: Dựa vào tiêu đề, người học có thể sơ bộ nắm được các thông tin liên quan đến chủ đề chính của bài đọc. Các câu hỏi nên đặt ra bao gồm:
Chủ đề chính của bài là gì?
Đã có kiến thức cơ bản liên quan đến quan đến chủ đề này hay chưa?
Câu chủ đề (Luận điểm): Phần này thường xuất hiện ở câu đầu tiên (diễn dịch) và câu cuối (quy nạp) của mỗi đoạn. Nắm được câu chủ đề có nghĩa là người đọc sẽ nắm được nội dung chính của mỗi đoạn và cách mà mỗi đoạn văn được liên kết với nhau trong bài. Các đoạn thường được liên kết bằng câu cuối của đoạn trước và câu đầu tiên của đoạn kế tiếp.
Câu đầu tiên đem đến thông tin gì?
Câu cuối đoạn có tóm tắt lại thông tin gì đáng lưu ý hay không?
Câu cuối đoạn có liên kết với đoạn kế tiếp hay không?
Từ khóa nổi bật: Các từ khóa nổi bật bao gồm thông tin không thể thay thế (số năm/mốc thời gian/tên), thông tin thể hiện sự so sánh hoặc nhân quả, và từ khóa lặp đi lặp lại.
Có thông tin hoặc số liệu liên quan tới họ tên và mốc thời gian hay không? Thông tin này giúp người đọc nhanh chóng định vị được các thông tin cần thiết liên quan tới số liệu nổi bật.
Có từ khóa nào thể hiện sự so sánh (although, however, in contrast, but) hoặc nhân quả (therefore, so, as a result, consequently) hay không?
Có từ khóa nào xuất hiện xuyên suốt bài đọc? Từ khóa này có thể là từ khóa chủ đề hay không?
Đặt câu hỏi để làm chủ các dạng bài khó nhằn trong phần đọc hiểu
Theo Trinh Doan Thi Nguyen, Huan Buu Nguyen (2023) [2], việc đặt câu hỏi phù hợp sẽ giúp người học phát triển kỹ năng Tư duy Phản biện bằng cách tham gia vào quá trình bàn luận, phân tích, và đánh giá thông tin. Mặt khác, kỹ năng Tư duy Phản biện cũng yêu cầu người học phải không ngừng tự đặt câu hỏi để tránh việc hiểu một cách nông cạn, thiếu chiều sâu.
Theo hệ thống phân loại của Richard Paul (1990) [3], có 5 loại câu hỏi có thể được vận dụng vào luyện tập đọc hiểu:
1. Câu hỏi làm sáng tỏ: Câu hỏi được đặt ra nhằm thu thập thêm thông tin chưa được nhắc đến hoặc chưa rõ ràng cho vấn đề được đặt ra.
Ví dụ:
Tại sao người này lại nói như vậy?
Điều này có nghĩa là gì?
Bạn có thể giải thích thêm/ hoặc đưa thêm một ví dụ cụ thể hay không?
2. Câu hỏi thăm dò những giả thiết: Câu hỏi được đặt ra nhằm điều tra và đánh giá tính xác thực của một hay nhiều giả thiết.
Ví dụ:
Trong trường hợp này, tại sao bạn nghĩ rằng điều này được xác thực là đúng?
Liệu còn giả thiết nào khác liên quan đến vấn đề này hay không?
3. Câu hỏi thăm dò lý lẽ, lập luận và bằng chứng: Câu hỏi được đặt ra nhằm tìm ra những thông tin được xem như lý lẽ, minh chứng, hoặc nguyên nhân của một vấn đề nào đó.
Ví dụ:
Bạn có bằng chứng nào để bảo vệ/ủng hộ cho quan điểm này không?
Làm sao mà bạn biết?
Bạn bảo vệ quan điểm của mình bằng cách nào?
4. Câu hỏi thăm dò quan điểm/ ý kiến riêng: Câu hỏi này được đưa ra nhằm thăm dò quan điểm hoặc sự nhìn nhận và đánh giá của tác giả đối với sự vật, hoặc hiện tượng nào đó.
Ví dụ:
Bạn có vẻ ưu ái A, tại sao bạn lại ưu tiên A hơn B?
Liệu còn quan điểm nào về vấn đề này mà chúng ta chưa nhìn thấy không?
Cái nhìn chung của bạn về vấn đề này là tích cực hay tiêu cực?
5. Câu hỏi về kết quả/ tác động: Câu hỏi này được đặt ra nhằm suy luận những kết quả/hậu quả có thể xảy ra sau một hành động.
Ví dụ:
Điều đó có chắc chắn xảy ra không, hay tất cả chỉ là phỏng đoán?
Hậu quả có thể xảy ra là gì?
Để nắm rõ hơn mục tiêu của từng loại câu hỏi, hãy tham khảo cách ứng dụng kỹ năng tự đặt câu hỏi vào giải quyết các dạng bài đọc hiểu: Kỹ thuật tự đặt câu hỏi trong bài đọc IELTS để cải thiện khả năng đọc hiểu
Kỹ năng viết (Writing)
Theo Jo‐Ling Chang, Hsiu‐Ting Hung, ya-ting Yang (2023) [4], việc áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates đã cho thấy hiệu quả tích cực trong kỹ năng viết luận bằng tiếng Anh của người học. Điều này đạt được một cách tối ưu khi có sự kết hợp giữa việc hướng dẫn người học phát triển ý tưởng thông qua lời nói và trực quan hóa ý tưởng bằng hình ảnh.
Bakir, Afeeq Busyra (2023) [5] cũng đã khẳng định rằng sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kỹ năng Tư duy Phản biện trong quá trình học Viết với những chủ đề cụ thể.
Đối với kỹ năng Viết (Writing), việc áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates cần đảm bảo đem lại những lợi ích sau: hiểu được chủ đề bài viết, tìm ra ý tưởng, xây dựng hệ thống luận điểm, và hỗ trợ luận điểm bằng các luận cứ và ví dụ.
Hiểu được yêu cầu bài viết
Đề bài đang yêu cầu mình viết theo dạng bài nào (Đồng ý hay không đồng ý, phân tích mặt lợi và mặt hại, hoặc phân tích cả 2 quan điểm và đưa ra quan điểm cá nhân)?
Chủ đề chính đang được nhắc đến và cần bàn luận là gì?
Những khía cạnh cụ thể nào cần được nhắc đến và phân tích trong bài văn?
Tìm ra ý tưởng/luận điểm cho bài viết
Quan điểm/ lập trường của bản thân trong bài viết là gì?
Làm sao để bảo vệ/ ủng hộ cho luận điểm vừa nêu ra?
Ví dụ thực tế/ thực tiễn nào có thể được sử dụng?
Trong trường hợp có luận điểm phản bác:
Luận điểm được nêu lên có thể bị bác bỏ bằng cách nào?
Nếu luận điểm có thể bị bác bỏ thì sẽ giải quyết luận điểm đó như thế nào?
Xây dựng hệ thống luận điểm
Mở bài: Lập trường và hệ thống luận điểm sẽ được triển khai như thế nào?
Thân bài: Cấu trúc bài văn bên dưới chỉ để tham khảo.
Thân đoạn 1:
Thứ tự của các luận điểm nên được sắp xếp như thế nào?
Luận điểm sẽ được pháp triển như thế nào?
Có bao nhiêu luận cứ ủng hộ cho luận điểm?
Cần viết câu kết đoạn như thế nào?
Thân đoạn 2:
Thứ tự của các luận điểm nên được sắp xếp như thế nào?
Luận điểm sẽ được pháp triển như thế nào?
Có bao nhiêu luận cứ ủng hộ cho luận điểm?
Cần viết câu kết đoạn như thế nào?
Thân đoạn 3: Phản đề (nếu có)
Luận điểm được phản biện là gì? Tại sao?
Phản biện như thế nào? Có chứng cứ cụ thể hay không?
Kết bài:
Lập trường của người viết là gì?
Các luận điểm chính nào cần được tóm tắt?
Có luận điểm mở rộng hay không?
Kỹ năng nói (Speaking)
Kurt S. Candilas (2021) [6] đã chứng minh và khẳng định rằng việc áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates vào quá trình luyện tập nói, thông qua một nhóm các câu hỏi có tính lên kết về nội dung, rõ ràng và cụ thể, sẽ giúp người học phát triển kỹ năng Tư duy Phản biện. Người học có thể nói tốt hơn và hiệu quả hơn.
Việc áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates vào kỹ năng Speaking cho bài thi IELTS cần đảm bảo các đầu ra bao gồm:
Người học có thể mở rộng ý tưởng và luận điểm khi nói.
Người học phát triển kỹ năng tranh luận và đưa ra lý lẽ thuyết phục.
Người học duy trì sự mạch lạc và tính chặt chẽ trong luận điểm và ý tưởng.
Người học tránh lặp vào bẫy: câu trả lời quá ngắn, câu trả lời thiếu tính hợp lý, câu trả lời bị dài dòng, lặp lại ý tưởng, câu trả lời không được phát triển đầy đủ.
Mở rộng câu trả lời bằng câu hỏi mở (Open-ended question)
Câu hỏi mở là những câu hỏi thường bắt đầu bằng “Why”, “How”, với mục đích khuyến khích người nói trả lời với nội dung chi tiết và sâu sắc hơn, thay vì “có” hoặc “không”.
Các câu hỏi mở hữu dụng trong phần này bao gồm:
Bạn cảm nhận như thế này về điều này?
Tại sao bạn lại có cảm xúc/ cảm nhận/ suy nghĩ như vậy?
Bạn có thể đưa ra ví dụ cụ thể hơn không?
Bạn có thể so sánh điều này với điều khác tương tự hay không?
Phát triển kỹ năng lập luận thông qua thảo luận và tranh luận
Đối với phần 3 (Part 3) của bài thi IELTS Speaking, người học phải trả lời câu hỏi một cách cụ thể và chi tiết, đảm bảo lập trường rõ ràng, luận điểm hợp lý và thuyết phục, ví dụ trực quan và thực tế, cấu trúc bài nói được sắp xếp hợp lý và dễ dàng theo dõi.
Các câu hỏi hữu dụng trong phần này bao gồm:
Quan điểm của bạn về vấn đề này là gì? Đồng ý hay không đồng ý?
Tại sao bạn lại có quan điểm như vậy?
Bạn có thể đưa ra một ví dụ hay không?
Bạn có đưa ra luận điểm bác nào hay không?
Kết luận của bạn cho vấn đề này là gì?
Cải thiện tính mạch lạc và chặt chẽ của bài nói
Dưới áp lực thời gian và điểm số, người học có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp các ý tưởng và luận điểm dẫn đến mất đi sự mạch lạc trong bài nói. Để giải quyết vấn đề này, việc tự đặt câu hỏi xuyên suốt quá trình bài thi diễn ra sẽ là một phương án hiệu quả.
Các câu hỏi phù hợp để cải thiện sự mạch lạc và chặt chẽ của bài nói:
Quan điểm của bạn về vấn đề này là gì?
Ý tưởng/ Luận điểm chính của bạn là gì?
Như thế nào để luận điểm này có thể được cụ thể và rõ ràng hơn?
Có ví dụ trực quan và thực tế để hỗ trợ triển khai luận điểm hay không?
Còn luận điểm nào khác hay không? Nếu có, nên sử dụng từ nối gì để chuyển ý?
Kết luận cho vấn đề này là gì? Những luận điểm nào cần được tóm tắt ở phần kết luận?
Kỹ năng nghe hiểu (Listening)
Áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates trong kỹ năng Nghe hiểu cũng có những điểm tương đồng trong cách vận dụng với bài Đọc hiểu. Trên thực tế, kỹ năng đặt câu hỏi sẽ giúp người học tạm thời dự đoán được chủ đề, nội dung bài nói, những chi tiết quan trọng và đánh giá được thái độ của người nói trong bài nghe. Biết cách đặt câu hỏi, quá trình nghe hiểu sẽ trở nên chủ động, giúp người học hiểu được những thông tin phức tạp hơn.
Dự đoán nội dung trước khi nghe
Trước khi chính thức nghe, người học cần dự đoán các thông tin bao gồm: chủ đề, các từ khóa quan trọng và loại từ cần được điền.
Các câu hỏi hữu dụng trong giai đoạn này:
Dựa vào đề bài và câu hỏi, nội dung chính của bài nghe là gì?
Các thông tin nào cần được nghe?
Có từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hoặc cách diễn giải nào khác cho đáp án hay không?
Loại thông tin cần được điền là gì? Có thể điền tối đa bao nhiêu số/ chữ?
Đánh giá quan điểm và thái độ của người nói trong bài nghe
Các đoạn hội thoại ở phần 3 và phần 4 thường bao gồm quan điểm và thái độ của người nói, người học cần chuẩn bị sẵn các câu hỏi liên quan để xác định nhanh chóng những thông tin nổi bật cần được chú ý.
Các câu hỏi hữu dụng trong giai đoạn này:
Quan điểm chính của người nói là gì?
Quan điểm đó có sắc thái như thế nào? (Tiêu cực, tích cực, trung lập)?
Có sự so sánh hoặc có hai quan điểm đối lập hay không? Nếu có, có nghe được liên từ cụ thể hay không?
Người nói có đang đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác hay không?
Người nói có chắc chắn với quan điểm của họ hay không? Nếu có, từ khóa nào cho thấy điều đó?
Chiến lược thực tiễn giúp giáo viên áp dụng Phương pháp Socrates vào lớp học IELTS
Việc áp dụng Phương pháp Socrates vào lớp học sẽ thay đổi phụ thuộc vào tính chất lớp học, số lượng người học, thời gian học tập và phong cách giảng dạy của giáo viên.
Bước 1: Giai đoạn chuẩn bị
Đối với kỹ năng đọc và nghe hiểu, người học cần có thời gian đọc lướt (skim và scan) các nội dung chính để nắm được thông tin cơ bản.
Đối với kỹ năng nói và viết, giáo viên cần cung cấp người học một nhóm các từ vựng thuộc chủ đề học và hướng dẫn cụ thể cách sử dụng từ vựng trong bối cảnh hợp lý.
Ví dụ:
Chủ đề học Nói ngày hôm nay là Thể thao (Sports).
Giáo viên cung cấp cho người học một bảng hoặc danh sách từ vựng và cấu trúc liên quan đến chủ đề Thể thao và hướng dẫn cách sử dụng từ vựng đúng ngữ cảnh. Yêu cầu mỗi học viên thực hành sử dụng từ vựng bằng cách viết một câu mới cho mỗi từ.
Bước 2: Giai đoạn hướng dẫn thực hành
Sau khi đã làm quen với tài liệu, giáo viên hướng dẫn người học trả lời những câu hỏi cơ bản liên quan đến chủ đề, nội dung, và cấu trúc bài làm. Sau đó, giáo viên sẽ tiếp tục cung cấp những câu hỏi sâu hơn liên quan đến nội dung bài học nhưng chưa yêu cầu Tư duy Phản biện cao.
Ví dụ:
Ở kỹ năng Đọc hiểu, các câu hỏi ở giai đoạn này sẽ liên quan đến luận điểm chính của một đoạn văn. Giáo viên sẽ hướng dẫn người học cách tìm ra luận điểm chính trong một đoạn và xác định mối liên kết giữa hai đoạn văn khác nhau.
Ở kỹ năng Nói, giáo viên bắt đầu hỏi người học những câu hỏi cơ bản liên quan đến chủ đề Thể thao (Sports) như:
Do you like sports? Why?
Do you play sports?
What sports do you play?
What sport would you like to try in the future?
Sau khi người học đã làm quen với các câu hỏi dự đoán, giáo viên bắt đầu thực hiện giai đoạn thảo luận chuyên sâu. Ở giai đoạn này, giáo viên sẽ lần lượt hỏi hỏi các câu hỏi “làm sáng tỏ”, câu hỏi “thăm dò lý lẽ, lập luận và bằng chứng” (Tham khảo nội dung thuộc phần Kỹ năng Đọc hiểu) để người học vận dụng kỹ năng Tư duy Phản biện ở mức độ cao hơn.
Trong giai đoạn này, kỹ thuật Scaffolding sẽ đóng vai trò rất quan trọng, giúp giáo viên dễ dàng hướng dẫn và kiểm soát quá trình thu nạp thông tin của người học.
Tham khảo cách áp dụng phương pháp Scaffolding vào việc học tiếng Anh: Scaffolding (Phương pháp giàn giáo) | Áp dụng vào học tiếng Anh
Bước 3: Giai đoạn tổng hợp
Ở giai đoạn này, người học đã làm quen với cấu trúc bài thi cũng như có thể chủ động trả lời các câu hỏi. Giáo viên cần tạo các bài tập hoặc hoạt động liên quan để người học có thể chủ động trả lời câu hỏi, tự đánh giá và sửa chữa câu trả lời của mình dựa trên bộ câu hỏi Socrates.
Ví dụ: Người học tự trả lời câu hỏi Part 3 của bài thi nói. Sau khi trả lời, giáo viên sẽ yêu cầu người học tự đánh giá câu trả lời của mình và sửa chữa câu trả lời dựa trên những câu hỏi Socrates được cung cấp.
Bước 3: Giai đoạn kiểm tra và đánh giá
Ở giai đoạn này, giáo viên yêu cầu người học thực hành trả lời các câu hỏi dưới áp lực thời gian thực tế. Trong quá trình trả lời câu hỏi, giáo viên đánh giá kết quả học tập của người học.
Sau khi kết thúc câu trả lời, giáo viên yêu cầu người học tự đánh giá câu trả lời của mình cũng như nghe nhận xét từ các người học khác trong lớp học. Giáo viên sẽ tiếp tục nhận xét và chỉnh sửa câu trả lời của người học. Tất cả đều xoay quanh bộ câu hỏi Socrates nhằm đảm bảo tính liên kết và mạch lạc xuyên suốt.
Tổng kết
Phương pháp đặt câu hỏi Socrates là một trong những công cụ hữu dụng giúp người học ngôn ngữ, đặc biệt là người học đang chuẩn bị cho bài thi IELTS, có thể phát triển kỹ năng tư duy phản biện một cách hiệu quả.
Việc áp dụng linh hoạt và thuần thục kỹ thuật đặt câu hỏi Socrates vào các kỹ năng như đọc hiểu và nghe hiểu sẽ giúp người học dự đoán chủ đề, nội dung, và các thông tin nổi bật, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm và lựa chọn thông tin chính xác trong bài đọc và nghe. Bên cạnh đó, đối với kỹ năng viết và nói, người học có thể xác định rõ ràng quan điểm cá nhân, xây dựng luận điểm hợp lý và chặt chẽ, góp phần khiến cho bài nói được mở rộng nhưng cũng không kém phần chi tiết và sâu sắc.
Cuối cùng, phương pháp Socrates không chỉ hữu dụng trong việc ôn thi IELTS, người học có thể vận dụng kỹ năng đặt câu hỏi Socrates vào việc học ngôn ngữ cũng như những lĩnh vực quan trọng khác. Thực tế, mục tiêu cuối cùng của việc áp dụng phương pháp Socrates là giúp người học phát triển và rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, đem lại sự tự tin và hiệu quả trong giao tiếp cũng như trong công việc.
Nếu người học mong muốn nâng cao kỹ năng tiếng Anh học thuật và IELTS thông qua phương pháp giảng dạy hiệu quả, hệ thống giáo dục ZIM là lựa chọn phù hợp. Với chương trình đào tạo được xây dựng bài bản, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, ZIM mang đến giải pháp học tập tối ưu cho từng cá nhân. Ngoài ra, học viên có thể tiếp cận nguồn tài liệu chất lượng nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng làm bài thi. Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập zim.vn hoặc liên hệ hotline 1900-2833 (nhánh số 1).
Nguồn tham khảo
“Socratic method.” Encyclopedia Britannica, www.britannica.com/facts/Socratic-method. Accessed 27 February 2025.
“THE EFFECTS OF QUESTIONING AS PRE-READING ACTIVITY ON EFL GRADE 12 STUDENTS’ CRITICAL THINKING IN READING CLASSES IN KIEN GIANG, VIETNAM.” European Journal of English Language Teaching, Accessed 27 February 2025.
“Critical Thinking: What Every Person Needs To Survive in a Changing World.” NASSP Bulletin, doi.org/10.1177/019263659107553325. Accessed 27 February 2025.
“Effects of an annotation‐supported Socratic questioning approach on students' argumentative writing performance and critical thinking skills in flipped language classrooms.” Journal of Computer Assisted Learning, Accessed 27 February 2025.
“Impact of “Socratic Cues” on Young Learners’ Reasoning Abilities of Graphic Novels Through Writing Comprehension.” The English Teacher, Accessed 27 February 2025.
“Developing English-Speaking Skills through Socratic Questioning in Online Synchronous Learning.” AsiaCALL Online Journal, Accessed 27 February 2025.
Bình luận - Hỏi đáp