Từ vựng đóng một vai trò chủ đạo trong Tiếng Anh, đặc biệt trong bài thi IELTS, để nâng cao band điểm, thí sinh cần có một vốn từ phong phú và sử dụng linh hoạt. Tuy nhiên, việc học từ vựng từ trước tới nay luôn là vấn đề “khó nhằn” đối với người học, bởi sự đa dạng về nghĩa, cách phát âm,…Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu tới người đọc một phương pháp học từ vựng độc đáo và hiệu quả hơn so với những cách học “truyền thống”: Mind-map.
Key takeaways:
Sơ đồ tư duy là một phương pháp học được nghiên cứu vào cuối những năm 60 của thế kỉ XX; bởi tác gia, nhà tâm lý học Tony Buzan (1942-2019). Cơ chế hoạt động của phương pháp này khai thác thế mạnh của hai bán cầu não, tối ưu hóa trong việc tiếp nhận dữ liệu của con người.
Ba ưu điểm nổi bật của Mind-map đó là: “Nâng cao hiệu quả làm việc”, Kích thích óc sáng tạo – tư duy” và “Giúp ghi nhớ thông tin nhanh hơn”
Năm nguyên tắc cốt lõi cần đảm bảo khi tạo ra một Sơ đồ tư duy: Xác định ý chính – Thêm các nhánh chính – Chọn lọc từ khóa – Sử dụng màu sắc khác nhau – Kết hợp cùng hình ảnh minh họa.
Có ba bước để tạo ra một Mind-map trong việc học từ vựng: Chọn chủ đề từ vựng – Tạo khung sơ đồ - Hoàn thiện. Ngoài việc vẽ sơ đồ trên giấy, hiện nay người học có thể dễ dàng tạo Mind-map thông qua nhiều trang web, công cụ online.
Phương pháp Mind map là gì?
Nguồn gốc và cơ chế hoạt động:
Sơ đồ tư duy (Mind-map) được nghiên cứu và phát minh bởi Tony Buzan (1942 – 2019), vào cuối những năm 60 thế kỉ XX. Theo Tony, đây là kỹ thuật xử lý thông tin bằng việc kích thích hai bán cầu não cùng hoạt động, cụ thể là tạo ra những sơ đồ tư duy. So với cách ghi chép truyền thống, phương pháp trên tận dụng được khả năng ghi nhớ của não; giúp người học tư duy, nắm bắt và xâu chuỗi các thông tin đơn lẻ với nhau. Mind-map đã dần trở nên phổ biến, không chỉ trong môi trường sư phạm mà còn trong nhiều khía cạnh cuộc sống, bởi tính ứng dụng, linh hoạt và đạt hiệu quả cao.
Ưu điểm của việc sử dụng Mind map:
Nâng cao hiệu quả làm việc
Sơ đồ tư duy là một “trợ thủ” đắc lực giúp tăng hiệu suất trong học tập cũng như công việc. Đặc biệt trong điều kiện thời gian hạn chế, việc sử dụng phương pháp này sẽ hỗ trợ phác thảo những ý tưởng, lên kế hoạch một cách khoa học, xâu chuỗi vấn đề trong các mối liên hệ nhất định.
Kích thích óc sáng tạo và tư duy
Việc vẽ ra một Mind-map giúp con người phát triển sự sáng tạo, suy nghĩ logic, khả năng sắp xếp và chọn lọc thông tin sao cho hợp lý nhất.
Giúp ghi nhớ thông tin nhanh hơn
Bằng việc sử dụng màu sắc, hình ảnh sinh động kết hợp cùng những từ khóa ngắn gọn, Sơ đồ tư duy sẽ tạo điều kiện để tiếp cận và nắm bắt thông tin nhanh hơn, cải thiện năng lực ghi nhớ.
Những nguyên tắc để tạo ra một Mind map
Để có một Mind-map đúng và hoàn chỉnh, người học cần lưu ý tới năm nguyên tắc cơ bản dưới đây:
Lựa chọn rõ ý chủ đạo thể hiện cho vấn đề cần triển khai và đặt ở vị trí trung tâm.
Thêm các nhánh chính thể hiện các từ khóa quan trọng, nối từ hình ảnh trung tâm và sử dụng các đường cong đậm và dày để làm nổi bật.
Chọn lọc các từ khóa then chốt để nắm bắt và tiếp nhận thông tin nhanh chóng.
Mỗi nhánh sử dụng một màu khác nhau để phân loại dữ liệu, đánh dấu và tổng hợp nội dung tốt hơn.
Kết hợp sử dụng các hình ảnh minh họa để truyền tải dữ liệu hiệu quả hơn.
Đọc thêm:
Ứng dụng phương pháp Mind map vào việc học từ vựng
Học từ vựng không giới hạn ở những cách truyền thống, người học cần chủ động tìm kiếm một phương pháp thông minh, phù hợp với bản thân. Việc ứng dụng Mind-map vào quá trình trau dồi vốn từ sẽ giúp học sinh phát triển khả năng tư duy logic, cũng như ghi nhớ từ vựng lâu hơn qua sự kết nối các nhóm từ.
Các bước để tạo một Mind map từ vựng:
Bước 1: Chọn một chủ đề / trường từ vựng cần học
Hãy chọn ra một topic từ vựng trong sách, hoặc từ một số nguồn online để học. Một gợi ý về nguồn từ vựng mà bạn đọc có thể tham khảo là:
Understanding Vocab for IELTS Speaking: Understanding Vocab for IELTS Speaking - 2nd Edition (zim.vn)
Understanding Vocab for IELTS Writing: Understanding Vocab for IELTS Writing – 2nd Edition (zim.vn)
Cả hai đầu sách trên đều cung cấp những từ và cụm từ hay về 16 chủ đề thường gặp trong phần thi IELTS Speaking - Writing 2 năm gần đây.
Bước 2: Tham khảo và phác họa khung sơ đồ
Một sơ đồ tư duy cần phải chi tiết, rõ ràng và linh hoạt sử dụng được ở nhiều trường hợp. Ở bước này, hãy xác định một khung sơ đồ thật hợp lý, áp dụng cho nhiều chủ đề từ vựng khác nhau. Người học có thể sáng tạo Sơ đồ của chính bản thân, hoặc có thể tham khảo một số mẫu trên Google, Pinterest,..
Bước 3: Hoàn thiện
Trong bước cuối cùng, người học cần hoàn thiện Sơ đồ từ vựng của mình bằng việc tra nghĩa, synonyms, cách phát âm, ví dụ,… Đừng quên kết hợp với hình ảnh minh họa để tăng tính hiệu quả cho Mind-map của mình nhé!
Công cụ để vẽ Mind map
Bên cạnh việc sử dụng giấy – bút – màu để vẽ, giờ đây có rất nhiều cách để người học có thể tạo ra Sơ đồ tư duy. Dưới đây là một vài gợi ý:
Phần mềm MindMeister – nhiều chức năng, được đánh giá cao bởi nhiều chuyên gia :
Phần mềm X-mind – thích hợp trong việc phát triển ý tưởng hoặc quản lý dự án:
Phần mềm Mindomo – cho phép vẽ và chia sẻ sơ đồ tới nhiều người:
Mind mapping, concept mapping, outlining and Gantt Charts (mindomo.com)
Phần mềm Edraw Mindmap – miễn phí sử dụng, bao gồm cả những template tích hợp sẵn dành cho người dùng:
Ví dụ minh họa
Để giúp người học hiểu rõ quy trình tạo ra một Sơ đồ học từ vựng, tác giả sẽ đưa ra một ví dụ mô phỏng các bước làm một cách cụ thể:
Bước 1: Chọn một chủ đề / trường từ vựng cần học:
Nguồn từ vựng: Understanding Vocab for IELTS Speaking: Understanding Vocab for IELTS Speaking - 2nd Edition (zim.vn)
Chủ đề: Study (Học tập)
Chọn lọc ra những từ mới cần học.
Bước 2: Tham khảo và phác họa khung sơ đồ
Ở đây, tác giả sẽ sử dụng trang web MindMeister để thiết kế, bạn đọc sẽ tùy theo thói quen và sở thích để lựa chọn cho mình hướng làm phù hợp. Người học cần liệt kê những mục cần học (loại từ, nghĩa, ví dụ, cách phát âm,..) để từ đó xây dựng một khung hợp lý và linh hoạt sử dụng. Dưới đây là hình phác họa một khung sơ đồ:
Bước 3: Hoàn thiện
Ở bước cuối cùng này, hãy bắt đầu hoàn thiện Sơ đồ từ vựng và đặc biệt phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Xác định ý chính – Thêm các nhánh chính – Chọn lọc từ khóa – Sử dụng màu sắc khác nhau – Kết hợp cùng hình ảnh, ký hiệu minh họa.
Tổng kết
Tựu chung lại, Mind map là một công cụ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của não bộ, giúp người học ghi nhớ tổng hợp thông tin dưới dạng sơ đồ có phân nhánh. Việc áp dụng phương pháp này vào quá trình học từ vựng là một ý tưởng độc đáo, tối ưu hóa việc mở rộng vốn từ, đồng thời có thể học được nhiều cấu trúc khác nhau cùng một lúc.
Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp