Cách ứng dụng Mô hình VARK trong việc học IELTS

Bài viết giới thiệu khái niệm mô hình VARK về phong cách học tập, đồng thời gợi ý một cách học phù hợp với từng phong cách trong mô hình này.
cach ung dung mo hinh vark trong viec hoc ielts

Trong quá trình học tiếng Anh nói chung, học IELTS nói riêng, việc xác định cho mình phương pháp học tập phù hợp là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức mà còn biến quá trình học tập thành một trải nghiệm tích cực và vui vẻ, nhiều cảm hứng hơn.

Tuy nhiên, phần lớn người học thường gặp khó khăn trong việc tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Một trong những lý do là bởi người học chưa hiểu rõ phong cách học tập của riêng mình để từ đó thiết kế cách học hiệu quả nhất. Do đó, người học dễ gặp tình trạng dù đầu tư rất nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả không như ý, dẫn đến hiện tượng chán nản, mất động lực trong học tập, đồng thời lãng phí nỗ lực của bản thân.

Xuất phát từ thực tế trên, bài viết này giới thiệu đến người học kỹ thuật xác định phong cách học tập cá nhân dựa trên mô hình VARK, đồng thời gợi ý một số phương pháp học IELTS phù hợp với từng phong cách. Từ đó, người học có thể áp dụng mô hình vào chính quá trình học của mình để nâng cao hiệu quả và sự tiến bộ một cách tối đa.

Key takeaways

  • Tên gọi mô hình VARK là chữ viết tắt của bốn từ: Visual (Thị giác), Aural (Nghe và Nói), Read/Write (Đọc/Viết) và Kinesthetic (Trải nghiệm), dựa trên cách một người học tiếp nhận thông tin qua các giác quan của mình.

  • Người học theo phong cách Thị giác (V) học tốt nhất khi có hình ảnh, số liệu và video minh hoạ.

  • Người học theo phong cách Nghe và Nói (A) học tốt nhất khi nghe thông tin và tự mình nói câu trả lời.

  • Người học theo phong cách Đọc/Viết (R) tiếp nhận thông tin hiệu quả khi đọc các loại tài liệu.

  • Người học theo phong cách trải nghiệm (K) lại thích những trải nghiệm trực tiếp, ứng dụng kiến thức vào thực tế và sử dụng các mô hình minh hoạ.

  • Người học IELTS ở tất cả các trình độ đều có thể sử dụng mô hình VARK nhằm tìm ra phong cách học tập của bản thân bằng cách truy cập trang web chính thức của VARK Learning theo đường link: https://vark-learn.com/the-vark-questionnaire/ và thực hiện một bài trắc nghiệm.

  • Phong cách học tập cá nhân của mỗi người có thể là sự kết hợp của nhiều phong cách nhỏ khác nhau. Vì vậy, người học có thể vận dụng đa dạng những cách học được gợi ý để đạt hiệu quả cao nhất trong học tập.

Mô hình VARK là gì?

Mô hình phong cách học tập VARK được Neil Fleming giới thiệu vào năm 2006, với VARK là chữ viết tắt của bốn từ: Visual (Thị giác), Aural (Nghe và Nói), Read/Write (Đọc/Viết) và Kinesthetic (Trải nghiệm), dựa trên cách một người học tiếp nhận thông tin qua các giác quan của mình (Prithishkumar và Michael, p.1).

Cụ thể, người học theo phong cách Thị giác (V) học tốt nhất khi có hình ảnh, số liệu và video minh hoạ. Đồng trời, khi ghi chép hoặc trình bày, họ cũng thường dùng những ký hiệu như mũi tên, lưu đồ, biểu đồ, hình vẽ v.v. để tổ chức và biểu thị thông tin (“Are You a Visual, Auditory, Reading/Writing, or Tactile Learner?”).

Người học theo phong cách Nghe và Nói (A) lại đặc biệt thích nghe thông tin và tự mình nói câu trả lời hơn là ghi chú, đồng thời những hoạt động khiến người học theo phong cách Nghe và Nói hứng thú là thảo luận nhóm, các buổi toạ đàm (seminars), và nghe những đoạn ghi âm. Ngoài ra họ có thể ghi nhớ tốt hơn khi đọc thông tin thành tiếng hoặc đọc thầm (“Are You a Visual, Auditory, Reading/Writing, or Tactile Learner?”).

Người học theo phong cách Đọc/Viết (R) tiếp nhận thông tin hiệu quả khi đọc các loại tài liệu như ghi chú của giáo viên, đề cương học tập và giáo trình. Bên cạnh đó, họ cũng rất yêu thích việc ghi chú (“Are You a Visual, Auditory, Reading/Writing, or Tactile Learner?”).

Trong khi đó, người học theo phong cách trải nghiệm (K) lại thích những trải nghiệm trực tiếp, ứng dụng kiến thức vào thực tế và sử dụng các mô hình minh hoạ. Họ tiếp nhận thông tin tốt nhất khi được chạm vào, di chuyển, hay tương tác vào môi trường xung quanh thay vì chỉ đơn thuần nghe giảng. Do đó, nhóm này thường khá thụ động trong môi trường lớp học truyền thống (“Are You a Visual, Auditory, Reading/Writing, or Tactile Learner?”).

image-alt

Đối tượng sử dụng mô hình VARK

Người học IELTS ở tất cả các trình độ đều có thể sử dụng mô hình VARK nhằm tìm ra phong cách học tập của bản thân. Tuy nhiên, mô hình này đặc biệt hữu ích với người mới bắt đầu học IELTS bởi nó giúp họ định hướng quá trình học cũng như xây dựng phương pháp học tập phù hợp và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do người học phải thực hiện một bài trắc nghiệm bằng tiếng Anh để tìm ra phong cách học tập cá nhân nên họ cần có khả năng đọc hiểu tiếng Anh cơ bản.

Cách xác định phong cách học tập cá nhân theo mô hình VARK

Để xác định phong các học tập cá nhân theo mô hình VARK, người học truy cập trang web chính thức của VARK Learning theo đường link: https://vark-learn.com/the-vark-questionnaire/ và thực hiện một bài trắc nghiệm. Dựa trên câu trả lời của người học, hệ thống sẽ xác định phong cách học tập tương ứng.

Bài trắc nghiệm bao gồm 16 câu hỏi khác nhau. Với mỗi câu hỏi, người học có thể chọn lựa nhiều đáp án phù hợp với bản thân.

image-alt

Ví dụ, trong câu hỏi “Trong quá trình học tập, tôi:”, người học có các lựa chọn:

  • Sử dụng ví dụ và các ứng dụng trong thực tế

  • Nhìn thấy khuôn mẫu của các sự việc

  • Thích thảo luận

  • Đọc sách, các bài nghiên cứu và tài liệu học tập

Người học sẽ chọn những đáp án nào mô tả đúng nhất về mình.

Sau khi hoàn thành bài trắc nghiệm, hệ thống sẽ cung cấp phong cách học tập chủ đạo và điểm số cho từng phong cách học tập riêng lẻ. Phong cách học tập chủ đạo có thể là sự kết hợp của nhiều phong cách khác nhau. 

Ví dụ, trong hình dưới, phong cách học tập chủ đạo được thể hiện bên cột trái là tổng hợp của 3 phong cách: VRK (Thị giác, Đọc/Viết, và Trải nghiệm). Đồng thời, bảng bên phải cung cấp điểm số chi tiết cho từng phong cách học (điểm càng cao thì càng chiếm ưu thế), giúp người học hình dung mình có những phong cách nào nổi trội.

image-alt

Gợi ý một số cách học IELTS dựa trên mô hình VARK

Một số cách học IELTS phù hợp với phong cách Thị giác

image-alt

Với đặc thù tiếp thu kiến thức hiệu quả thông qua hình ảnh, người học theo phong cách Thị giác có thể vận dụng các phương pháp sau khi học IELTS:

  • Lựa chọn giáo trình có nhiều hình ảnh, bảng biểu minh hoạ, đặc biệt là đối với kỹ năng Writing Task 1. Do bản chất Writing Task 1 yêu cầu người học miêu tả số liệu trên biểu đồ nên việc học thông qua các hình ảnh, biểu đồ minh hoạ sẽ giúp người học dễ hình dung và hiểu cách phân tích thông tin trên biểu đồ hơn.

  • Sử dụng bút dạ quang để tô màu hoặc bút nhiều màu để ghi chú các ý và từ vựng quan trọng khi luyện tập kỹ năng Reading, Listening. Việc dùng nhiều màu sắc khác nhau để đánh dấu thông tin giúp người học theo phong cách Thị giác ghi nhớ lâu hơn và phân biệt các thông tin một cách dễ dàng. Đồng thời, nó cũng giúp người học tổ chức thông tin rõ ràng khi đọc hoặc nghe các bài đọc/nghe dài và phức tạp.

  • Ghi chú từ vựng và các điểm ngữ pháp mới dưới hình thức bảng hoặc sơ đồ tư duy. Ví dụ, khi học từ vựng, người học có thể vẽ một bảng gồm 3 cột: Từ tiếng Anh; Nghĩa tiếng Việt; Câu ví dụ. Tương tự, một điểm ngữ pháp mới có thể được trình bày trong bảng với 3 cột: Điểm ngữ pháp, Cách dùng, Câu ví dụ. Khi chia thông tin thành các cột trong bảng, người học sẽ tiếp thu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

  • Lên ý tưởng cho câu trả lời Speaking bằng sơ đồ tư duy. Người học có thể vẽ một sơ đồ tư duy với câu trả lời trực tiếp làm trung tâm và các câu trả lời mở rộng nằm ở các nhánh xung quanh. Người học có thể tham khảo sơ đồ ví dụ sau (là câu trả lời cho câu hỏi: “Bạn có thích xem phim không?), trong đó “Tôi thích xem phim” là câu trả lời trực tiếp, các nhánh xung quanh là thông tin mở rộng:

image-alt

Một số cách học IELTS phù hợp với phong cách Nghe và Nói

image-alt

Vì người học theo phong cách Nghe và Nói tiếp thu thông tin tốt nhất khi nghe nên họ phù hợp với một số phương pháp học như:

  • Nghe các video diễn thuyết bằng tiếng Anh từ những nguồn uy tín như TED Talks, CNN Student News, Breaking news English,... để học từ vựng và cách diễn đạt. Việc học từ vựng dưới hình thức nghe sẽ tạo nhiều hứng thú hơn cho người học theo phong cách Nghe và Nói so với phương pháp đọc và ghi chép truyền thống. Không chỉ vậy, người học có thể ứng dụng thêm phương pháp shadowing (tham khảo thêm tại đây) để cải thiện phát âm và ngữ điệu của mình

  • Nghe podcast hàng ngày để làm quen với ngữ điệu và phát âm của người bản xứ, đồng thời cập nhật thêm kiến thức xã hội/kiến thức nền phục vụ cho việc lên ý tưởng cho câu trả lời Speaking. Người học nên đa dạng hoá các chủ đề của podcast để tiếp thu kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

  • Thảo luận các câu hỏi Speaking với bạn bè, thầy cô hay những người học khác. Việc tương tác tạo điều kiện cho người học nghe và nói tiếng Anh nhiều hơn, tăng mức độ hứng thú cũng như động lực học tập. Trong quá trình đó, bản thân người học có thể bổ sung thêm kiến thức, mở rộng góc nhìn cũng như học hỏi thêm từ vựng mới nhằm cải thiện câu trả lời của mình.

  • Luyện nói thành tiếng thường xuyên để cải thiện khả năng trình bày, diễn đạt thông tin cũng như bày tỏ ý kiến của mình. Ngoài ra, người học có thể luyện nghe và tóm tắt ý của từng đoạn thông tin ngắn từ những nguồn uy tín như bộ đề Cambridge IELTS Practice Listening Tests, Ted Talks,...

  • Tự ghi âm lại câu trả lời Speaking, sau đó nghe lại để nhận định mình cần cải thiện những gì (ví dụ: phát âm còn sai từ nào, ngữ điệu đã tự nhiên chưa,...). Ngoài ra, người học có thể nhờ bạn bè, thầy cô nghe đoạn ghi âm và đưa ra nhận xét khách quan, từ đó khắc phục những điểm chưa tốt trong bài nói của mình.

Một số cách học IELTS phù hợp với phong cách Đọc/Viết

image-alt

  • Đọc sách, báo tiếng Anh để nâng cao khả năng đọc hiểu (reading comprehension) cũng như tiếp thu thêm những từ vựng và kiến thức xã hội mới. Một số trang báo uy tín bằng tiếng Anh gồm có: Newsweek, The New York Times, The Economist, The New Yorker.

  • Viết lại các ghi chú trong những buổi học để việc ôn tập kiến thức hiệu quả hơn, do người học theo phong cách Đọc/Viết tiếp nhận và ghi nhớ thông tin tốt nhất dưới hình thức văn bản. Đồng thời, người học có thể trình bày các ý trong phần ghi chú bằng những gạch đầu dòng để dễ theo dõi thông tin.

  • Ghi chú từ vựng mới vào một cuốn sổ/file văn bản riêng. Người học có thể tham khảo thêm cách học từ vựng từ một bài luận mẫu và trình bày ghi chú từ vựng ở đây.

  • Viết tóm tắt nội dung/kiến thức sau mỗi bài học trên lớp. Việc này giúp người học hồi tưởng và củng cố bài học, từ đó ghi nhớ tốt hơn.

  • Thường xuyên đọc lại ghi chú và tóm tắt bài học. Do đặc trưng người học theo phong cách Đọc/Viết tiếp nhận thông tin tốt nhất khi đọc và viết nên việc đọc lại ghi chú và tóm tắt giúp họ khắc sâu kiến thức và tiết kiệm thời gian hơn so với đọc lại toàn bộ tài liệu học tập.

  • Trình bày suy nghĩ của mình về một vấn đề trong Writing Task 2 bằng tiếng Anh, qua đó rèn luyện khả năng tư duy cũng như diễn đạt quan điểm của mình. Người học không nhất thiết phải viết một bài luận mà chỉ cần viết ra những suy nghĩ của mình về vấn đề được nêu trong đề bài.

Một số cách học IELTS phù hợp với phong cách Trải nghiệm

image-alt

  • Sử dụng những ví dụ/sự việc có thật mà bản thân đã trải qua hoặc chứng kiến vào câu trả lời Speaking. Do người học theo phong cách Trải nghiệm thường cảm thấy hứng thú với những gì liên quan đến trải nghiệm của chính bản thân nên cách học này sẽ kích thích ý tưởng cũng như tạo động lực cho họ khi học Speaking.

  • Đặt câu ví dụ với mỗi từ vựng/cụm từ mới học được. Điều này giúp người học chủ động vận dụng từ mới, biến nó thành “của mình”, từ đó tạo cảm hứng và giúp họ ghi nhớ, sử dụng từ hiệu quả hơn.

  • Học từ vựng mới qua các podcast hội thoại trong tình huống thực tế từ một số nguồn như All Ears English, RealLife English. Nhờ có bối cảnh thực tế, gần gũi với đời sống, người học sẽ có cảm giác được trải nghiệm một cuộc trò chuyện thực sự, nhờ vậy quá trình học từ diễn ra tự nhiên và nhanh chóng hơn.

  • Xem và học các cách diễn đạt bằng tiếng Anh trong các bộ phim Anh-Mỹ. Do ngôn ngữ trong phim thường gắn với bối cảnh đời sống thực tế nên người học có thể tiếp thu các cách diễn đạt của người bản ngữ dễ dàng hơn. Đồng thời, những trải nghiệm thị giác, thính giác khi xem phim cũng kích thích, tạo cảm hứng, giúp việc học nhẹ nhàng và vui vẻ hơn.

Một số lưu ý khi vận dụng mô hình VARK

  • Phong cách học tập cá nhân của mỗi người có thể là sự kết hợp của nhiều phong cách nhỏ khác nhau. Vì vậy, người học có thể linh hoạt vận dụng đa dạng những cách học được gợi ý để đạt hiệu quả cao nhất trong học tập, tránh việc chỉ dựa vào một phong cách duy nhất một cách máy móc.

  • Kết quả của bài trắc nghiệm có thể khác nhau tuỳ vào tâm lý, điều kiện khách quan lúc thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo độ chính xác, người học nên thực hiện bài trắc nghiệm ít nhất hai lần vào các thời điểm khác nhau và so sánh kết quả để đưa ra kết luận chính xác nhất về phong cách học tập của mình.

  • Chỉ nên xem kết quả bài trắc nghiệm là một nguồn tham khảo. Người học cần tự mình khám phá, thử nghiệm và xác nhận những cách học phù hợp nhất đối với mình. Cách học phù hợp là cách học giúp người học cảm thấy thoải mái, vui vẻ, có động lực và tiếp thu thông tin nhanh, ghi nhớ dài lâu.

  • Những cách học nêu trong bài viết chỉ là gợi ý. Người học cần điều chỉnh hoặc thậm chí bổ sung những cách học khá dựa trên trình độ, hoàn cảnh, điều kiện học tập và đặc biệt nhất là phong cách học tập cá nhân của bản thân.

Tổng kết

Bài viết đã giới thiệu khái niệm mô hình VARK về phong cách học tập cũng như cách xác định phong cách học tập cá nhân, đồng thời gợi ý một số cách học IELTS phù hợp với các phong cách tương ứng của mô hình này. Tác giả hy vọng bài viết sẽ góp phần giúp người học tìm ra phong cách và phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân thông qua mô hình VARK để quá trình học tập được thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Trích dẫn nguồn tham khảo

“Are You a Visual, Auditory, Reading/Writing, or Tactile Learner?” Verywell Mind, 24 Sept. 2019, www.verywellmind.com/vark-learning-styles-2795156.

English Learning Styles and VARK Questionnaire. 4 Oct. 2013, kuzina.me/blog/2013/10/04/english-learning-styles-vark-questionnaire/?lang=en.

Prithishkumar, IJ, and SA Michael. “Understanding Your Student: Using the VARK Model.” Journal of Postgraduate Medicine, vol. 60, no. 2, Medknow, 2014, p. 183. https://doi.org/10.4103/0022-3859.132337.

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS, việc ôn luyện đúng và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tham khảo khóa học IELTS để đẩy nhanh quá trình học hiệu quả nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu