Vận dụng The Noticing Hypothesis đề cải thiện khả năng diễn đạt trong IELTS Writing Task 1
Key takeaways
Người học có thể cải thiện khả năng diễn đạt trong IELTS Writing Task 1 khi chủ động chú ý đến từ vựng và cấu trúc ngôn ngữ trong các tài liệu đầu vào. Việc áp dụng Noticing Hypothesis giúp người học không chỉ tiếp nhận ngôn ngữ một cách sâu sắc hơn mà còn tăng khả năng tái sử dụng linh hoạt trong bài viết học thuật.
Trong kỳ thi IELTS, Writing Task 1 yêu cầu thí sinh mô tả, so sánh và phân tích số liệu một cách ngắn gọn, logic và học thuật. Để đáp ứng yêu cầu này, người học không chỉ cần nắm vững kỹ năng đọc hiểu biểu đồ mà còn phải sở hữu vốn từ vựng và cấu trúc ngôn ngữ phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người học – đặc biệt là những người tự học – thường gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng diễn đạt một cách có hệ thống và hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Noticing Hypothesis (Giả thuyết về sự chú ý) do Richard Schmidt đề xuất mở ra một hướng tiếp cận đáng chú ý: ngôn ngữ chỉ có thể được tiếp thu khi người học thực sự chú ý đến nó trong đầu vào. Bài viết này sẽ trình bày cách vận dụng giả thuyết này vào việc nâng cao khả năng sử dụng từ vựng và cấu trúc trong IELTS Writing Task 1, đặc biệt dành cho người học theo hình thức tự học.
The Noticing Hypothesis là gì?
Giả thuyết về sự chú ý (Noticing Hypothesis) do Richard Schmidt đề xuất [1] [2]cho rằng ý thức nhận diện các đặc điểm cụ thể của ngôn ngữ là điều kiện thiết yếu cho việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai. Nói cách khác, người học phải chú ý đến một yếu tố ngôn ngữ trong đầu vào thì mới có khả năng nội tại hóa và tiếp thu được nó. Việc chú ý này không đồng nghĩa với quá trình tiếp thu, nhưng nó đánh dấu một ngưỡng nhận thức mà từ đó việc học mới trở nên khả thi.
Chẳng hạn, một người học tiếng Anh có thể nhiều lần bắt gặp thì hiện tại hoàn thành trong các câu như "I have lived here for five years", nhưng sẽ không thể nắm vững cách dùng thì này nếu không ý thức được sự khác biệt về hình thức và ý nghĩa so với thì quá khứ đơn.

Dựa trên các lý thuyết học tập trong tâm lý học, Schmidt [1]cho rằng việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai không thể diễn ra một cách tự động chỉ nhờ vào việc tiếp xúc với đầu vào, mà phải bắt đầu từ khi người học chủ động chú ý đến những hình thức ngôn ngữ cụ thể. Theo đó, “sự chú ý” đóng vai trò như một cánh cổng nhận thức mở ra quá trình học, phù hợp với quan điểm kiến tạo cho rằng người học là chủ thể tích cực trong việc xử lý và tổ chức thông tin.
Bổ sung cho góc nhìn này, Susan Gass [3] đã mô tả một quá trình xử lý đầu vào mà trong đó việc học được khơi nguồn khi người học bắt gặp một yếu tố ngôn ngữ đi ngược với kỳ vọng của họ, hoặc khi yếu tố đó lấp đầy một khoảng trống trong hệ thống liên ngôn ngữ (interlanguage) hiện tại.
Ví dụ, một người học có thể quen với cấu trúc “He go to school every day”, nhưng khi nghe người bản ngữ sử dụng “He goes to school every day”, họ sẽ nhận ra sự khác biệt trong việc chia động từ ở ngôi thứ ba số ít. Những khoảnh khắc như vậy—gợi lên sự mâu thuẫn nhận thức hoặc nhận diện khoảng trống kiến thức—sẽ thúc đẩy quá trình xử lý sâu hơn, kiểm tra giả thuyết và tái cấu trúc hệ thống ngôn ngữ nội tại. Cả Schmidt và Gass đều nhấn mạnh vai trò thiết yếu của nhận thức, kỳ vọng và sự sẵn sàng phát triển trong tiến trình học ngôn ngữ.
Chiến lược tự học dựa trên Noticing Hypothesis trong IELTS Writing Task 1
Vận dụng giả thuyết về sự chú ý (Noticing Hypothesis) vào quá trình luyện thi IELTS Writing Task 1 mang lại nhiều giá trị thực tiễn, đặc biệt trong việc nâng cao khả năng sử dụng từ vựng học thuật và cấu trúc câu đa dạng, chính xác.
Đối với người học tự học, việc chủ động tạo ra các điều kiện để noticing xảy ra là yếu tố then chốt trong việc nâng cao khả năng viết học thuật, đặc biệt trong phần IELTS Writing Task 1. Không có sự hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên, người học càng cần xây dựng cho mình một quy trình tiếp cận bài mẫu và văn bản học thuật có hệ thống, kết hợp giữa việc đọc hiểu, phân tích ngôn ngữ và thực hành tái tạo.
Dưới đây là một quy trình ba bước gợi ý dành cho người tự học, dựa trên nguyên lý của Noticing Hypothesis:
Trước khi đọc: Xác định mục tiêu chú ý ngôn ngữ
Trước khi bắt đầu đọc, người học cần đặt ra một câu hỏi định hướng, ví dụ:
Mình đang cần cải thiện khía cạnh nào?
Mình sẽ chú ý đến tiêu chí nào trong bài viết?
Việc có mục tiêu rõ ràng giúp người học đọc với sự tập trung và có định hướng về mặt ngôn ngữ, thay vì chỉ chú ý đến nội dung thông tin.
Trong khi đọc: Chú thích ngữ liệu và phân tích ngôn ngữ
Khi đang đọc bài mẫu, người học nên thực hiện các hành động chủ động để thúc đẩy noticing, chẳng hạn:
Gạch dưới các thông tin mục tiêu.
Chú thích bên lề về mục đích sử dụng ngôn ngữ, ví dụ: “câu này dùng để mô tả sự tương phản”, hoặc “dùng mệnh đề quan hệ để bổ sung thông tin số liệu”
Đánh dấu những cấu trúc chưa hiểu rõ hoàn toàn để tra cứu sau, ví dụ như cách dùng mạo từ, giới từ, hay cấu trúc so sánh
Việc phân tích tại chỗ sẽ biến quá trình đọc từ bị động sang chủ động, giúp ngôn ngữ đi vào trí nhớ dài hạn thông qua sự tương tác với đầu vào.
Sau khi đọc: Tái tạo và vận dụng có kiểm soát
Đây là giai đoạn người học cần biến những gì đã “notice” thành đầu ra (output), thông qua các hình thức luyện tập có định hướng:
Viết lại câu đã đọc bằng số liệu khác
Ví dụ, nếu câu gốc là:
“The number of tourists increased dramatically from 2010 to 2015.”
Người học có thể viết lại:
“The figure for local visitors rose significantly between 2012 and 2017.”Lập bảng cụm từ học thuật theo chức năng: mô tả xu hướng, so sánh, nhấn mạnh, trình bày số liệu cụ thể...
Tự viết đoạn mô tả ngắn (3–4 câu) cho một biểu đồ bất kỳ, cố gắng sử dụng ít nhất 2–3 cấu trúc hoặc cụm từ đã notice trong bài đọc trước đó.
Kỹ năng chuyển hóa đầu vào thành đầu ra là biểu hiện rõ rệt của việc tiếp thu thực sự. Mỗi lần viết lại là một lần hệ thống hóa lại tri thức ngôn ngữ.

Xem thêm: Tối ưu hóa việc tổng hợp thông tin trong IELTS Writing Task 1
Lựa chọn nguồn đọc hiệu quả: Kết hợp giữa đầu vào dễ hiểu và chiến lược chú ý ngôn ngữ
Việc lựa chọn tài liệu đầu vào phù hợp đóng vai trò quan trọng trong quá trình học viết học thuật, đặc biệt đối với người tự học. Theo lý thuyết Comprehensible Input do Stephen Krashen [4]đề xuất, việc học ngôn ngữ hiệu quả xảy ra khi người học tiếp xúc với đầu vào có mức độ khó hơi vượt nhẹ khả năng hiện tại của họ (i+1).
Nếu đầu vào quá dễ, người học sẽ không học được gì mới; ngược lại, nếu quá khó, họ sẽ mất phương hướng và không thể xử lý sâu nội dung cũng như ngôn ngữ. Do đó, đầu vào vừa sức và có tính học thuật là điều kiện nền tảng để noticing – tức là sự chú ý có chủ đích đến yếu tố ngôn ngữ – có thể xảy ra một cách hiệu quả.
Dưới đây là ba nhóm nguồn đọc (và nghe) mà người học có thể khai thác, kèm theo hướng dẫn cách sử dụng để tối đa hóa giá trị học thuật:
Các bài mẫu IELTS chính thống và có phân tích chất lượng cao
Đây là nguồn đầu vào đầu tiên và dễ tiếp cận nhất đối với người học. Tuy nhiên, không phải bài mẫu nào cũng có giá trị như nhau. Người học nên ưu tiên:
Các bài viết đã được chấm điểm theo tiêu chí IELTS cụ thể, kèm nhận xét của giám khảo
Bài viết sử dụng đa dạng cấu trúc ngữ pháp và từ vựng học thuật phù hợp với ngữ cảnh
Bài có lối tổ chức mạch lạc, logic và thể hiện rõ sự khách quan trong mô tả số liệu
Các báo cáo thống kê hoặc bài báo phân tích số liệu thực tế
Đây là loại văn bản giúp người học mở rộng vốn diễn đạt ngoài phạm vi bài thi IELTS, đồng thời tiếp xúc với lối viết mô tả mang tính khoa học và khách quan. Một số nguồn tiêu biểu:
The Guardian - Datablog
OECD Reports, World Bank Visualizations, hoặc Statista
Office for National Statistics (UK) – cung cấp văn bản mô tả biểu đồ rất gần với Task 1
Đặc điểm chung của các bài viết này là mô tả số liệu một cách tự nhiên, linh hoạt, đồng thời sử dụng từ vựng học thuật vừa tầm với người học ở trình độ trung cấp đến cao trung cấp (B1–B2+), phù hợp với định nghĩa comprehensible input.
Video học thuật có phụ đề – mở rộng đầu vào dạng nghe để hỗ trợ viết
Không nên giới hạn đầu vào ở văn bản đọc. Nhiều video học thuật ngắn về dữ liệu kinh tế, xã hội, hoặc khoa học phổ thông cũng có thể là nguồn đầu vào hữu ích, đặc biệt khi chúng có phụ đề tiếng Anh chuẩn. Một số kênh phù hợp:
TED-Ed: Có nhiều video về dữ liệu và mô tả xu hướng
BBC Learning English (English at Work, News Review)
Khan Academy (Economics & Statistics sections)

Xem thêm: Cách sử dụng Tham chiếu (Referencing) trong bài IELTS Writing Task 1
Áp dụng vào thực tế
Dựa trên lý thuyết về The Noticing Hypothesis, chiến lược gợi ý, và các nguồn đọc, người học có thể vận dụng vào quá trình học IELTS Writing Task 1 trong thực tế để cải thiện khả năng diễn đạt. Cụ thể, người học thể cải thiện từ vựng và cấu trúc câu từ việc đọc tài liệu và chú ý đến cách diễn đạt tự nhiên có trong tài liệu đó. Trong ví dụ này, tác giả sẽ sử dụng bài báo cáo về kết quả du lịch quốc tế của nước Úc [5]làm nguồn đọc.
Trước khi đọc
Người học cần xác định rằng mình sẽ chú ý đến cách tác giả dùng từ vựng và cấu trúc câu để mô tả số liệu khi báo cáo.
Trong khi đọc
Người học đọc và gạch chân các từ vựng và cấu trúc câu được tác giả sử dụng trong bài viết.

Trong đoạn này, người học có thể chú ý và học cụm ‘international visitation’ mang nghĩa ‘chuyến thăm quốc tế’ nhằm nói về việc khách du lịch từ các nước khác nhau đến Úc.
Sau khi đọc
Người học có thể vận dụng cụm từ và cấu trúc trong bài báo trên để áp dụng vào bài IELTS Writing Task 1[6] như sau:

‘International visitation from the UK to Australia increased, with the number of UK tourists rising to more than 1400000 in 2005.’ (‘Lượng du khách quốc tế từ Anh đến Úc đã tăng lên, với số lượng khách du lịch Anh tăng lên hơn 1400000 vào năm 2005.’)
Hoặc ‘International visitation from Japan to Australia decreased, with the number of Japanese travellers falling to 1,000,000 in 2005.’ (‘Lượng du khách quốc tế từ Nhật Bản đến Úc đã giảm, với số lượng du khách Nhật Bản giảm xuống còn 1.000.000 vào năm 2005.’)
Có thể thấy rằng việc xác định được điểm cần cải thiện và chú ý vào các đặc điểm ngôn ngữ đó khi tiếp xúc với tài liệu đầu vào giúp cho người học cải thiện được kiến thức ngôn ngữ của mình, cụ thể trong trường hợp này là từ vựng trong IELTS Writing Task 1. Việc này cũng có thể áp dụng với các kỹ năng khác như Speaking, hoặc IELTS Writing Task 2.
Tóm lại, việc vận dụng Noticing Hypothesis vào quá trình luyện viết IELTS Writing Task 1 không chỉ mang lại lợi ích về mặt nhận thức mà còn tạo điều kiện để người học phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách chủ động và bền vững. Thay vì tiếp xúc thụ động với đầu vào, người học cần chuyển hóa việc đọc trở thành một quá trình phân tích có mục tiêu, nơi mà từng từ vựng, từng cấu trúc câu đều được chú ý, xử lý và tái sử dụng có chọn lọc.
Sự kết hợp giữa đầu vào dễ hiểu (comprehensible input) và chiến lược chú ý ngôn ngữ chính là chìa khóa để cải thiện khả năng diễn đạt học thuật, đặc biệt trong việc mô tả số liệu và xu hướng. Trong bối cảnh tự học, đây là hướng tiếp cận thiết thực và khả thi, giúp người học xây dựng vốn ngôn ngữ học thuật phù hợp với yêu cầu của bài thi, từ đó từng bước tiến gần đến mục tiêu điểm số mong muốn trong kỹ năng viết.
Chinh phục IELTS không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực mà còn cần một phương pháp học tập đúng đắn. Hệ thống giáo dục ZIM mang đến các khóa học IELTS được thiết kế khoa học, giúp học viên phát triển đồng đều bốn kỹ năng và nâng cao tư duy ngôn ngữ. Với đội ngũ giảng viên tận tâm và tài liệu cập nhật theo xu hướng đề thi, người học có thể tối ưu hóa lộ trình ôn luyện và đạt kết quả mong muốn. Để được tư vấn chi tiết, liên hệ hotline 1900-2833 (nhánh số 1) hoặc truy cập Khóa học IELTS.
Nguồn tham khảo
“The role of consciousness in second language learning.” Oxford University Press, 31/05/1990. Accessed 18 April 2025.
“Attention. In P. Robinson (Ed.), Cognition and second language instruction (pp. 3–32).” Cambridge University Press, Accessed 16 December 2001.
“Integrating research areas: A framework for second language studies..” Oxford University Press, 31/05/1988. Accessed 18 April 2025.
“The Input Hypothesis: Issues and Implications.” Addison-Wesley Longman Ltd, 31/12/1984. Accessed 18 April 2025.
“International tourism results.” Australian Trade and Investment Commission, https://www.tra.gov.au/en/international/international-tourism-results. Accessed 18 April 2025.
“Bài mẫu IELTS Writing Task 1 và Task 2 ngày 18/01/2025.” ZIM Academy, 06/02/2025. https://zim.vn/bai-mau-ielts-writing-task-1-va-task-2-ngay-18012025. Accessed 18 April 2025.
Bình luận - Hỏi đáp