Banner background

Vì sao chép từ vựng nhiều lần không hiệu quả? Gợi ý giải pháp thay thế

Bài viết phân tích nguyên nhân chép từ vựng không hiệu quả, đồng thời đề xuất phương pháp tiếp cận mới giúp học sinh học từ vựng hiệu quả hơn.
vi sao chep tu vung nhieu lan khong hieu qua goi y giai phap thay the

Key takeaways

Chép từ nhiều lần không hiệu quả trong ghi nhớ từ vựng lâu dài. Thay vào đó, áp dụng phương pháp đặt câu giúp cải thiện khả năng ghi nhớ.

  • Giải pháp thay thế tối ưu: Đặt câu với từ mới học.

  • Đổi cách học: Tạo câu hỏi, câu phủ định, hoặc liên hệ cá nhân với từ vựng.

Trong hành trình học tiếng Anh, không ít người học đã từng kiên nhẫn chép đi chép lại một từ vựng mới với hy vọng rằng sự lặp lại máy móc này sẽ giúp họ ghi nhớ từ lâu dài. Phương pháp này đã được sử dụng từ lâu, nhưng liệu nó có thực sự hiệu quả? Nhiều người học chia sẻ rằng, dù tốn không ít thời gian và công sức, họ vẫn nhanh chóng quên từ vựng sau đó. Một số khác lại cho rằng việc chép từ lặp đi lặp lại khiến họ cảm thấy nhàm chán, mất dần động lực học tập. Vậy, liệu đây có phải là một chiến lược học tập tối ưu? Nếu không, chúng ta có thể thay thế nó bằng những phương pháp nào hiệu quả hơn? Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá câu trả lời.

Cách học từ vựng cũ

Từ vựng đóng vai trò quan trọng khi học tập, đặc biệt là trong các kì thi chứng chỉ. Chẳng hạn như kì thi IELTS, khi từ vựng chiếm 25% số điểm cho cả kỹ năng Nói và Viết [1]. Một số người học, với hy vọng rằng viết từ vựng nhiều lần thì sẽ giúp nhớ từ lâu, thường sẽ ghi chép copy một từ nhiều lần (khoảng 2 đến 3 dòng tập) mỗi khi học một từ vựng mới. Ví dụ khi học từ retaliate, người học sẽ ghi từ này nhiều lần thành 2 dòng. Không dừng lại ở đó, một số người học còn tiếp tục sao chép lại từ này ở những ngày tiếp theo. Đây là một kiểu học được sử dụng nhằm ghi nhớ từ vựng lâu.

Cách học từ vựng cũ

Tuy nhiên, cách học này được chứng minh rằng không hiệu quả (nguyên nhân sẽ được trình bày ở mục sau). Cách học này không những không giúp người học ghi nhớ được từ vựng, mà nó còn làm giảm động lực học tập. Đây là một vấn đề không nhỏ khi quá trình học tập tiếng Anh, đặc biệt là khoảng thời gian ban đầu, sẽ khó khăn khi người học tiếp cận với ngôn ngữ mới. 

Nguyên nhân khiến cách tiếp cận này không hiệu quả

Trước hết, việc lặp lại một cách máy móc, dù bằng lời nói hay chữ viết, đều không đòi hỏi sự chú ý. Trong khi đó, để quá trình học tập thực sự diễn ra, người học cần phải chú ý đến nội dung cần ghi nhớ [2]. Ví dụ, khi học từ mới "retaliate", một số người học chỉ đơn thuần viết lại từ này hàng chục lần vào vở mà không thực sự để tâm đến nghĩa hay cách dùng của nó. Họ có thể vừa viết vừa nghĩ đến việc khác hoặc làm theo thói quen máy móc, mà không chủ động kết nối từ này với ngữ cảnh cụ thể hay trải nghiệm cá nhân. Kết quả là, dù đã lặp đi lặp lại nhiều lần, họ vẫn dễ dàng quên mất từ vựng này chỉ sau một thời gian ngắn, bởi quá trình học không thực sự huy động sự chú ý cần thiết để ghi nhớ lâu dài. Đã có nghiên cứu khoa học chứng minh được rằng chúng ta gần như không thể lưu giữ được gì, hoặc chỉ lưu giữ rất ít, thông qua việc học tập ở mức độ vô thức hoặc không nhận biết [3]. Do đó, có thể hiểu rằng nếu người học chỉ chép từ nhiều lần một cách vô thức thì khó có thể ghi nhớ được ý nghĩa của từ. Việc này làm giảm hiệu quả rất đáng kể khi học từ vựng.

Khi chúng ta chú ý đến một từ hay một thông tin mới, không chỉ đơn thuần chú ý đến hình thức bề ngoài (như cách viết, cách phát âm), mà còn phải tập trung vào ý nghĩa mà từ đó hoặc thông tin đó truyền tải [2]. Nếu sự chú ý chỉ dừng lại ở bề mặt mà không chạm đến tầng ý nghĩa, thì quá trình học sẽ kém hiệu quả và khả năng ghi nhớ sẽ thấp. Ví dụ, khi học từ "retaliate", nếu người học chỉ chú ý tới cách viết đúng chính tả mà không quan tâm đến ý nghĩa của từ (là "trả đũa" hay "phản công"), thì việc ghi nhớ sẽ rất hời hợt và dễ quên. Ngược lại, nếu người học vừa đọc từ "retaliate", người học tìm hiểu ý nghĩa của từ, đặc biệt là khi từ này được trình bày trong 1 ngữ cảnh 2 tổ chức đang trả đũa nhau, hoặc tự đặt câu như "After being criticized, she retaliated with a strong argument", thì sự chú ý đã được hướng vào việc hiểu rõ ý nghĩa. Quá trình này giúp từ vựng được ghi nhớ sâu hơn và lâu bền hơn trong trí nhớ.

Cuối cùng, việc lặp đi lặp lại một cách máy móc, chẳng hạn như ghi chép một từ vựng mới nhiều lần mà không có sự thay đổi hay tương tác ý nghĩa, có thể dẫn đến sự nhàm chán [2], giám đi sự hứng thú trong học tập. Đây là một trạng thái mà có lẽ không người học nào muốn đối mặt khi học, đặc biệt là học ngôn ngữ.

Giải pháp thay thế

Nhận thấy rằng việc ghi chép một từ vựng mới nhiều lần theo cách truyền thống không mang lại hiệu quả cao trong việc ghi nhớ và sử dụng từ, người học cần chuyển sang một phương pháp tiếp cận chủ động và sâu sắc hơn. Một trong những hướng tiếp cận hiệu quả là đặt câu với từ vựng sau khi đã hiểu rõ nghĩa và cách sử dụng của nó trong ngữ cảnh. Cách làm này không chỉ giúp người học củng cố kiến thức về nghĩa và cách dùng của từ, mà còn tạo cơ hội để vận dụng từ vào thực tế giao tiếp, từ đó tăng khả năng ghi nhớ lâu dài.

  • Đặt một câu phủ định với từ mới học.

  • Đặt một câu hỏi với từ mới học.

  • Đặt một câu với 02 từ mới học.

  • Đặt một câu phát biểu sai mới 01 từ mới học.

  • Đặt một câu về bản thân với 01 từ mới học.

  • Viết một câu chuyện ngắn với các từ mới học.

Thông qua những hoạt động như vậy, Thực hiện một trong số các hoạt động này sẽ làm cho việc học từ vựng không còn là một chuỗi thao tác đơn điệu mà trở thành một tiến trình tương tác phong phú giữa người học và ngôn ngữ.

Giải pháp thay thế

Giải pháp thay thế ở đây là hướng người học tạo một câu, qua đó tạo ra một ngữ cảnh nhất định cho các từ vừa được học. Thay vì chỉ sao chép đơn thuần 01 từ, người học đặt một câu hoàn chỉnh với đầy đủ ngữ cảnh cho từ vựng. Hoạt động này có thể được làm một mình hoặc cả nhóm, đặc biệt là khi các thành viên nhóm cùng nhau tạo ra một câu chuyện với các từ đã học.

Tham khảo thêm:

Lợi ích

Mặc dù hướng tiếp cận này có thể yêu cầu người học viết nhiều hơn trong một số tình huống nhất định, nó mang lại nhiều lợi ích cả ngắn hạn và dài hạn cho người học. Lợi ích không chỉ dừng lại ở việc giúp nhớ từ nhiều hơn mà còn giúp cải thiện các kỹ năng khác.

Giúp người học nhớ từ tốt hơn

Khi đặt câu, người học đã vô tình tạo ra ngữ cảnh xung quanh từ mới. Ngữ cảnh ở đây được định nghĩa là “the parts of a discourse that surround a word or passage and can throw light on its meaning.” [4]. Ta có thể tạm hiểu một cách ngắn gọn là là những câu, những ý xung quanh sẽ giúp người học hiểu đúng ý nghĩa. Các nghiên cứu đã được thực hiện và đã có thể kết luận rằng ngữ cảnh giúp người học học nhớ từ tốt hơn. 

Cụ thể, người học học từ vựng trong ngữ cảnh sẽ nhớ từ lâu hơn và tốt hơn so với học vẹt. Ví dụ, người học mà học từ trong ngữ cảnh (ví dụ: học từ trong câu chuyện, đoạn hội thoại) nhớ từ lâu hơn và tốt hơn. Trong khi đó người học mà chỉ học vẹt (ví dụ: chép đi chép lại từ mà không gắn vào ngữ cảnh) thì nhớ kém hơn [5].

Kết quả cho thấy việc dạy từ vựng trong ngữ cảnh (với mức độ ngữ cảnh khác nhau: không có, ít và nhiều) ảnh hưởng rất lớn đến việc học và ghi nhớ từ vựng của những người học tiếng Anh trình độ trung cấp cao. Những người học trong điều kiện có nhiều hoặc ít ngữ cảnh đã học và nhớ từ tốt hơn một chút so với những người học từ vựng hoàn toàn không có ngữ cảnh [6]. Điều này cho thấy rằng việc hiểu và ghi nhớ nghĩa của từ sẽ dễ dàng hơn nhiều khi từ đó được đặt trong ngữ cảnh.Nếu học từ kèm theo câu chuyện, ví dụ, tình huống (tức là có ngữ cảnh), người học sẽ dễ nhớ từ hơn. Ngay cả khi ngữ cảnh chỉ ít thôi (không phải lúc nào cũng đầy đủ), thì việc học cũng hiệu quả hơn so với việc chỉ học mỗi từ đơn lẻ, không liên quan tới câu hay tình huống nào. Điều này chứng minh rằng ngữ cảnh giúp từ vựng có ý nghĩa rõ ràng hơn, và nhờ đó chúng ta cũng ghi nhớ dễ hơn và lâu hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã chứng minh được rằng việc tăng cường sự đa dạng ngữ cảnh giúp cải thiện khả năng nhớ lại và nhận diện từ vựng, đồng thời nâng cao khả năng ghép từ với nghĩa của nó mà không làm giảm khả năng hiểu nội dung [7].

Tăng cường thời gian sử dụng kỹ năng tư duy bậc cao

Hướng tiếp cận này đòi hỏi người học phải suy nghĩ sự liên kết giữa các khái niệm khi đặt câu, hoặc đôi khi phải đánh giá một sự thật, và đặc biệt là khả năng sáng tạo. Đây là các kỹ năng tư duy bậc cao quan trọng. Đây là bộ kỹ năng rất quan trọng trong việc học cũng như trong cuộc sống mà người học cần có [8].

Lợi ích

Mang tinh cá nhân hoá

Hướng tiếp cận này giúp người học cá nhân hoá được việc học của mình. Điều này là bởi vì khi đặt các câu ví dụ, người học có thể liên kết các ví dụ với sở thích, trải nghiệm, hoặc tính cách của chính mình. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng việc liên kết thông tin với bản thân (self-referencing) giúp cải thiện trí nhớ chung cũng như trí nhớ chi tiết (về nguồn thông tin), và điều này đúng ở mọi lứa tuổi [9]. Những người học gắn thông tin mới với chính mình (ví dụ: liên hệ với trải nghiệm cá nhân hoặc suy nghĩ cá nhân) sẽ nhớ thông tin đó lâu hơn so với những người chỉ học thông thường, không có sự liên kết cá nhân [10].

Ví dụ, khi học từ vựng tiếng Anh, một người học gặp từ mới "persevere" (kiên trì). Nếu chỉ học bằng cách đọc định nghĩa: "persevere means to continue despite difficulties" mà không liên hệ gì đến bản thân, người học có thể nhanh chóng quên nghĩa của từ sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu người học áp dụng self-referencing bằng cách liên kết từ này với trải nghiệm cá nhân, "I persevered in learning English for a year even though I wanted to give up many times", thì từ "persevere" không chỉ gắn liền với một trải nghiệm có ý nghĩa mà còn dễ dàng được lưu giữ trong trí nhớ lâu dài.

Ứng dụng hướng tiếp cận trên vào việc học từ vựng cho IELTS Speaking

Việc nhận thức rằng ghi chép từ vựng nhiều lần một cách đơn thuần là không hiệu quả đã mở ra những hướng tiếp cận mới cho người học tiếng Anh, đặc biệt trong việc chuẩn bị cho kỹ năng Speaking của kỳ thi IELTS. Từ vựng đóng vai trò quan trọng trong kỹ năng IELTS Speaking. Do đó, việc học từ vựng cần phải được tối ưu hoá để phần nào có thể cải thiện được kết quả phân thi nói.

Một hướng tiếp cận hiệu quả là thay vì viết lại từ mới nhiều lần, người học nên đặt câu với từ vựng đó sau khi đã hiểu ý nghĩa và cách sử dụng. Việc đặt câu không chỉ giúp người học chú ý vào ngữ nghĩa của từ mà còn tạo ra một ngữ cảnh cụ thể, qua đó tăng cường khả năng ghi nhớ và vận dụng từ vựng linh hoạt trong bài thi Speaking.

Ví dụ minh hoạ chi tiết:

Từ vựng mới: resilient (adj) – kiên cường, nhanh chóng phục hồi sau khó khăn

1. Đặt một câu phủ định với từ mới học.

She is not resilient enough to handle continuous failures.

(Cô ấy không đủ kiên cường để đối mặt với những thất bại liên tiếp.)

2. Đặt một câu hỏi với từ mới học:

How can we become more resilient in the face of adversity?

(Làm thế nào chúng ta có thể trở nên kiên cường hơn khi đối mặt với nghịch cảnh?)

3. Đặt một câu với hai từ mới học:

(Giả sử học thêm từ "setback" – thất bại, trở ngại.)

Despite the major setback, the team remained resilient and continued to work hard.

(Mặc dù gặp thất bại lớn, đội vẫn giữ vững sự kiên cường và tiếp tục làm việc chăm chỉ.)

4. Đặt một câu phát biểu sai với từ mới học:

A resilient person gives up easily when things get tough.

(Một người kiên cường dễ dàng bỏ cuộc khi mọi việc trở nên khó khăn.)

➔ [Câu này sai với nghĩa của resilient, vì người kiên cường không dễ dàng bỏ cuộc.]

5. Đặt một câu về bản thân với từ mới học:

I believe I am resilient because I always find a way to overcome challenges in my studies.

(Tôi tin rằng mình là một người kiên cường vì tôi luôn tìm ra cách vượt qua những thử thách trong việc học.)

6. Viết một câu chuyện ngắn với các từ mới học:

(Từ mới: resilient, setback, persevere)

Last year, I faced a major setback when I failed an important exam. At first, I was devastated, but soon I reminded myself to stay resilient. I made a detailed plan, studied harder, and persevered. Eventually, I passed the exam with an excellent grade.

(Năm ngoái, tôi đã gặp một thất bại lớn khi trượt một kỳ thi quan trọng. Ban đầu, tôi rất suy sụp, nhưng sau đó tôi tự nhắc mình phải kiên cường. Tôi lập ra một kế hoạch chi tiết, học chăm chỉ hơn và kiên trì. Cuối cùng, tôi đã vượt qua kỳ thi với điểm số xuất sắc.)

Đọc thêm:

Phương pháp học từ vựng tối ưu trong bài thi IELTS Listening (Phần 1)

Học từ vựng IELTS Listening bằng phương pháp bối cảnh hóa

Lưu ý

Để hướng tiếp cận này hiệu quả, người học cần lưu ý một số điểm sau:

Khi học từ vựng mới, người học cần phải nhớ học cả các ngữ sử dụng từ vựng này. Việc đặt câu đòi hỏi người học phải hiểu rõ cách sử dụng từ vựng này (ví dụ như loại từ, các giới từ đi kèm, các loại động từ theo các thì, v.v.). Nếu không hiểu rõ cách sử dụng từ vựng trong thực tế, người học rất dễ mắc lỗi khi tự đặt câu, và điều này có thể hình thành những thói quen ngôn ngữ sai lệch khó sửa về sau.

Lưu ý

Bên cạnh đó, thay vì chỉ luyện tập một cách cá nhân, người học được khuyến khích tham gia các hoạt động nhóm nhỏ để cùng thực hành. Việc hợp tác với các bạn học khác trong việc đặt câu hoặc sáng tác câu chuyện ngắn không chỉ giúp tăng cường tính tương tác và tạo động lực học tập, mà còn cho phép người học trao đổi và chỉnh sửa lỗi cho nhau, từ đó nâng cao độ chính xác và sự linh hoạt trong việc sử dụng từ vựng.

Ngoài ra, để đảm bảo tiến bộ bền vững, người học nên thường xuyên ôn tập các câu đã đặt trước đó, chủ động đa dạng hoá ngữ cảnh sử dụng cho cùng một từ, và lắng nghe phản hồi từ bạn bè hoặc giáo viên để hoàn thiện hơn về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa và phát âm. Việc duy trì sự nhất quán trong thực hành và tinh chỉnh dần dần cách sử dụng từ vựng sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao kỹ năng nói, đặc biệt trong bối cảnh kỳ thi IELTS Speaking, nơi đòi hỏi sự chính xác, tự nhiên và linh hoạt ngôn ngữ cao.

Tổng kết

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc chép từ vựng nhiều lần một cách máy móc không phải là phương pháp học từ hiệu quả. Phương pháp này không đòi hỏi sự chú ý sâu sắc, không hướng người học đến việc xử lý ý nghĩa của từ, và dễ gây ra sự nhàm chán, từ đó làm giảm khả năng ghi nhớ từ vựng trong dài hạn. Các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học ngôn ngữ và ngôn ngữ học ứng dụng đã chứng minh rằng học từ vựng trong ngữ cảnh – thông qua việc đặt câu và sáng tạo tình huống sử dụng từ – giúp người học ghi nhớ từ lâu hơn, chính xác hơn và vận dụng linh hoạt hơn.

Nếu người học mong muốn nâng cao kỹ năng IELTS với lộ trình học tập cá nhân hóa, Hệ thống giáo dục ZIM cung cấp các khóa học luyện thi IELTS cam kết đầu ra 4 kỹ năng, giúp tiết kiệm đến 80% thời gian tự học. Để được tư vấn chi tiết, liên hệ hotline 1900-2833 (nhánh số 1) hoặc truy cập Khóa học IELTS.

Tham vấn chuyên môn
Nguyễn Tiến ThànhNguyễn Tiến Thành
GV
Điểm thi IELTS gần nhất: 8.5 - 3 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh - Đã tham gia thi IELTS 4 lần (với số điểm lần lượt 7.0, 8.0, 8.0, 8.5) - Hiện tại đang là Educator và Testing and Assessment Manager tại ZIM Academy - Phấn đấu trở thành một nhà giáo dục có tầm nhìn, có phương pháp cụ thể cho từng đối tượng học viên, giúp học viên đạt được mục tiêu của mình đề ra trong thời gian ngắn nhất. Ưu tiên mục tiêu phát triển tổng thể con người, nâng cao trình độ lẫn nhận thức, tư duy của người học. Việc học cần gắn liền với các tiêu chuẩn, nghiên cứu để tạo được hiệu quả tốt nhất.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...