7 phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 (Phần I)
Lập luận là hệ thống lí lẽ, dẫn chứng được dùng để củng cố cho quan điểm, ý kiến của người nói/người viết trong giao tiếp bằng văn bản và lời nói. Bên cạnh những dẫn chứng, lí lẽ thực tế và phù hợp, các phương pháp lập luận cũng cần được sử dụng linh hoạt để đưa đối tượng người nghe/ đọc đến một kết luận thuyết phục. Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ giới thiệu 7 phương pháp lập luận, được viết tắt là GASCAP/T, và tính ứng dụng của chúng trong IELTS Writing Task 2.
Tổng quan
Về GASCAP/T
Ban đầu, sáu phương pháp lập luận hiệu quả trong giao tiếp văn bản bao gồm GASCAP; về sau, do được sử dụng rộng rãi, phương pháp sử dụng Testimony đã được thêm vào và hoàn thiện bộ bảy phương pháp lập luận hiệu quả GASCAP/T. Cụ thể hơn, GASCAP/T là viết tắt của:
Generalisation – Phương pháp Khái quát hoá/Tổng quan hoá: Từ một đơn vị nhỏ hơn đi đến kết luận về tập mẫu. Nếu A mang đặc trưng X + A là một phần tử đại diện tập B → B mang đặc trưng X.
Analogy – Phương pháp Loại suy/Phép tương đương: So sánh hai chủ thể, sự vật hiện tượng có tính chất tương đương để đi đến kết luận. Nếu A và B nhiều điểm tương đồng + A mang đặc trưng X → B mang đặc trưng X.
Sign – Phương pháp dấu hiệu: Dựa vào một số dẫn chứng tiêu biểu làm dấu hiệu để đưa ra kết luận. Nếu A là dấu hiệu của X + A xảy ra → X khả năng cao xảy ra.
Causal Argument – Quan hệ nhân quả: Nếu A và X xảy ra đồng thời → A có thể là nguyên nhân gây ra X. Loại lập luận này đặc biệt cần xác định rõ sợi dây giữa tiền đề và kết luận, tránh nhầm lẫn tương quan (correlation) và nhân quả (causation).
Authority – Nguồn đáng tin cậy: Nếu như thông tin đến từ một nguồn đáng tin cậy, kết luận từ đó sẽ đáng tin và nên được chấp thuận.
Principle – Luận điểm nguyên tắc: Lập luận dựa trên hệ giá trị và nguyên tắc được đa số mặc nhiên chấp thuận và nên tuân theo trước khi thực hiện bất cứ hành động nào. Ví dụ, con người cần có quyền tự do.
Testimony – Sử dụng chứng cứ: Người lập luận dựa vào kinh nghiệm cá nhân của bản thân — những gì bản thân đã chứng kiến, trải nghiệm — để đưa ra kết luận về một hiện tượng lớn hơn phạm trù cá nhân.
Liên hệ IELTS Writing Task 2
IELTS Writing Task 2 yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm bản thân về một vấn đề xã hội trong ít nhất 250 từ. Để bài viết có tính thuyết phục cao, bên cạnh khả năng ngôn ngữ và diễn đạt thành thạo, người viết cần đưa ra được những luận điểm và lập luận chứng minh chắc chắn để quan điểm có tính thuyết phục. Xét về tiêu chí chấm điểm, ứng dụng tốt các phương pháp lập luận trong IELTS Writing sẽ giúp thí sinh cải thiện điểm cho tiêu chí Task Achievement và Coherence & Cohesion.
Xem thêm: 4 tiêu chí chấm điểm IELTS Writing
Chi tiết phương pháp lập luận trong IELTS Writing
Generalisation – Phương pháp khái quát hoá
Khái niệm
Phương pháp khái quát hoá dựa trên một sự vật, hiện tượng, tập mẫu đơn lẻ để đưa ra kết luận về tập hợp nhóm sự vật, hiện tượng chung. Đây là một hình thức lập luận kiểu quy nạp, khi kết luận về một tập hợp dựa hoàn toàn trên các quan sát về phần tử của tập hợp đó.
Ví dụ 1: Câu lạc bộ bóng đá này có nhiều cầu thủ giỏi, vì thế câu lạc bộ đó tốt.
Ở ví dụ trên, câu lạc bộ bóng đá là tập mẫu gồm phần tử là các cầu thủ. Vì vậy, nếu số nhiều của các phần tử — nhiều cầu thủ bóng đá — mang đặc tính tốt, tập mẫu — câu lạc bộ bóng đá — được khái quát hoá mang đặc tính tốt.
Đánh giá
Phương pháp khái quát hoá tiêu biểu cho lập luận quy nạp, đồng nghĩa với tính thuyết phục và chính xác của kết luận về tập mẫu dựa trên số lượng và chất lượng của các phần tử. Ví dụ, người lập luận đến một giải đấu tennis và hỏi tất cả nam khán giả ở đó rằng “Môn thể thao yêu thích của bạn là gì?” Người lập luận nhận được phần lớn câu trả lời là Tennis và từ đó đưa ra kết luận rằng Đàn ông đều yêu thích Tennis. Rõ ràng, việc lựa chọn tập mẫu nhỏ và không mang tính đại diện cho tập mẫu lớn Đàn ông — vì khán giả đã yêu thích Tennis mới đi xem Tennis — khiến kết luận thiên lệch (biased). Một kết luận hợp lí hơn có thể là Đàn ông xem Tennis vì họ yêu thích Tennis. Vậy, phương pháp lập luận khái quát hoá giúp người lập luận đi đến kết luận một cách nhanh chóng, nhưng đồng thời tính hợp lí của lập luận sẽ phụ thuộc nhiều vào tập mẫu người lập luận chọn để đưa ra kết luận.
(Tham khảo thêm bài viết về 7 phương pháp luận và cách vận dụng trọng IELTS Wtiring task 2)
Ứng dụng
Khái quát hoá được sử dụng một cách rộng rãi trong IELTS Writing Task 2. Xét đề bài mẫu sau:
“People are having more and more sugar-based drinks. What are the reasons? What are the solutions to make people drink less?”
Một trong những lí do thí sinh có thể đưa ra trong bài viết là người trẻ hiện nay đang có những công việc vô cùng khắc nghiệt (demanding) và đòi hỏi công suất làm việc cao. Do đó, họ cần những thức uống giúp tăng cường sự tập trung và gia tăng sức khoẻ trí não, và những thức uống có đường (sugar-based drink) giúp đáp ứng nhu cầu này. Tập mẫu những người trẻ hiện nay đã được người viết khái quát hoá từ quan sát của người viết về người trẻ xung quanh họ. Từ đây, ảnh hưởng của đồ uống có đường được khái quát lên những người trẻ hiện nay nói chung, làm tăng sức nặng của luận điểm. Sự khái quát hoá này hoàn toàn được chấp nhận trong bài thi IELTS khi thí sinh chỉ có khoảng thời gian và công cụ giới hạn để thu thập thông tin. Một ví dụ về lập luận hoàn chỉnh:
In dealing with severe daily stress from demanding jobs, the young need drinks that boost their mental alertness to maintain a high working productivity level. Therefore, sugar-based drinks have established themselves a sufficient choice for many.
Analogy – Phương pháp loại suy/sự tương tự
Khái niệm
Phương pháp loại suy sử dụng sự tương đồng giữa hai chủ thể, sự vật, hiện tượng để đưa ra kết luận về một chủ thể, sự vật, hiện tượng dựa trên đặc trưng của đối tượng còn lại. Lập luận loại suy là một dạng đặc biệt của lập luận quy nạp (Inductive reasoning) khi kết luận được dự đoán và khái quát dựa trên sự quan sát, đánh giá tương đồng của hai phần tử ban đầu.
Ví dụ 2:
Trò chơi điện tử có tính chất gây nghiện như ma tuý. Ban đầu người chơi thử ở liều nhẹ, về sau càng dành nhiều hơn thời gian và của cải hơn cho chúng. Có nhiều người chơi đến mức độ bỏ ăn bỏ uống, không chăm lo bản thân, gây ra những hậu quả lâu dài về thể chất và tinh thần. Do những hậu quả vô giá nhãn tiền, ma tuý đã bị cấm, và trò chơi điện tử cũng nên bị như vậy.
Người lập luận đã sử dụng phép loại suy giữa trò chơi điện tử và ma tuý, rằng chúng có tính chất gây nghiện như nhau. Vì vậy, nếu ma tuý đã bị cấm, trò chơi điện tử, do mang những tính chất và hậu quả tương đồng, cũng nên bị cấm.
Đánh giá
Vì là một thể của suy luận quy nạp, phương pháp loại suy có thể đưa người lập luận đến những kết luận đáng tin nếu sợi dây nối giữa hai chủ thể được mang ra so sánh tương đương ban đầu đủ mạnh và hợp lí với người đọc/người nghe. Người lập luận càng chỉ ra được sự giống nhau giữa hai sự vật, hiện tượng thì kết luận càng thuyết phục.
Ứng dụng
Trong IELTS Writing Task 2, loại suy là một công cụ hiệu quả để khắc họa tầm ảnh hưởng của một hiện tượng, sự vật bằng cách so sánh với một hiện tượng thứ hai có những tính chất tương đương. Xét đề mẫu sau:
“Some people regard video games as harmless fun, or even as a useful educational tool. Others, however, believe that video games are having an adverse effect on the people who play them. In your opinion, do the drawbacks of video games outweigh the benefits?”
Thí sinh có thể đưa ra luận điểm về trò chơi điện tử (video games) mang lại nhiều hậu quả (drawbacks) vì nó có tính chất như chất kích thích (drugs). Sau khi giải thích điểm tương đồng về tính chất gây nghiện (addictive nature) của cả hai chủ thể, thí sinh có thể đi đến kết luận rằng trò chơi điện tử cũng có hại như thuốc, và hậu quả mang lại là khôn lường. Ví dụ mẫu như sau:
Gaming is just as addictive as taking drugs. Online game players pull all-nighters to fight, complete simulated missions, and save the virtual world. The ranking and the rewarding system encourage them to keep playing until they are physically unable to. Just as drugs bring adverse psychological effects such as hallucinations and phantasm besides long-term physical consequences, gaming could lead to the same sequelae for those addicted to it.
Sign – Phương pháp sử dụng dấu hiệu
Khái niệm
Sign (Tạm dịch: Phương pháp sử dụng dấu hiệu) là phương pháp lập luận dựa trên tiền đề là một chỉ báo, dấu hiệu cho một kết luận phổ biến. Tiền đề của lập luận, chẳng hạn là biển báo “đường một chiều”, sẽ báo hiệu cho kết luận, như ý nghĩa người trên đường không được đi ngược chiều.
Ví dụ 3:
Bạn A có điểm IELTS 8.0; điểm IELTS cao là dấu hiệu cho khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tốt. Vậy, bạn A có khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tốt.
Bạn B có điểm SAT 1590/1600; điểm SAT cao là dấu hiệu cho khả năng hoàn thành tốt chương trình đại học. Vậy, bạn B sẽ có điểm trung bình môn (GPA) cao khi học đại học.
Người lập luận đã dùng SAT và IELTS là dấu hiệu để dự đoán khả năng thành công học thuật ở bậc đại học của bạn B và khả năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo của bạn A.
Đánh giá
Độ đáng tin cậy và thuyết phục của lập luận từ phương pháp sử dụng dấu hiệu phụ thuộc vào độ chặt chẽ giữa dấu hiệu và kết luận rút ra. Xét hai ví dụ nêu trên, SAT có thực sự là dấu hiệu cho khả năng học thuật ở bậc đại học và IELTS có là thang đo đáng tin cậy cho khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt? Nếu như có các nghiên cứu chỉ ra điểm SAT cao KHÔNG đánh giá được khả năng thành công ở bậc đại học, độ thuyết phục của kết luận về dự đoán thành công bạn B khi lên đại học sẽ không còn tính thuyết phục cao.
Ứng dụng
Trong IELTS Writing Task 2, sử dụng dấu hiệu là phương pháp hiệu quả trong việc đi đến suy đoán, kết luận nhanh chóng mà vẫn thuyết phục do liên kết giữa dấu hiệu và kết luận thường phổ biến và dễ chấp nhận. Xét đề mẫu sau:
“ It is better for college students to live in schools than live at home with their parents.
Do you agree or disagree?”
Người lập luận đưa ra quan điểm đồng ý rằng sinh viên nên ở trường thay vì ở nhà với cha mẹ vì ở trường sẽ giúp sinh viên tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, trở nên năng nổ hơn, và từ đó có nhiều hơn kĩ năng mềm và có một công việc tốt hơn sau này. Người lập luận đã đi từ việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá là dấu hiệu của sự năng nổ, và năng nổ là dấu hiệu mà các nhà tuyển dụng muốn thấy để giúp những sinh viên có công việc tốt sau này. Lập luận ví dụ như sau:
Staying on campus allows students to participate in many extramural and intramural clubs and organizations at school. These extra and co-curricular activities enable students to become more dynamic, sharpen their soft skills, and familiarise themselves with demands and pressure. The experiences gained from these early exposures to working environments would be a competitive edge for students in fulfilling their career prospects.
Tổng kết
Như vậy, bài viết đã giới thiệu đến người đọc 3 phương pháp lập luận trong IELTS Writing. Trong phần tiếp theo, tác giả sẽ tiếp tục giới thiệu đến người đọc các phương pháp lập luận còn lại và ứng dụng của chúng trong IELTS Writing Task 2.
Xem thêm: Các hình thức lập luận ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 (P.1)
Nguyễn Quốc Hưng
Tham khảo thêm khóa học IELTS cấp tốc tại ZIM, giúp học viên tăng tốc ôn luyện nhanh cách làm bài, nắm vững kiến thức để đạt điểm mục tiêu trong thời gian ngắn.
Bình luận - Hỏi đáp