Banner background

Ứng dụng Active Listening và Passive Listening trong việc học tiếng Anh hiệu quả

Bài viết giới thiệu về hai phương pháp Active Listening và Passive Listening, cách ứng dụng phương pháp vào các hoạt động trong việc học tiếng Anh và cách cải thiện để có đạt hiệu quả trong từng phương pháp.
ung dung active listening va passive listening trong viec hoc tieng anh hieu qua

Active Listening và Passive Listening là hai phương pháp được nhắc đến rất nhiều khi nói về việc cải thiện kỹ năng nghe trong việc học tiếng Anh, cụ thể là ở kĩ năng nghe. Thông qua bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu về hai phương pháp trên, cách ứng dụng phương pháp vào các hoạt động trong việc học tiếng Anh và cách cải thiện để có đạt hiệu quả trong từng phương pháp.

Key takeaways

1. Active Listening là lắng nghe một cách chủ động, đó là hoàn toàn tập trung vào những gì đang được nói và có sự phản hồi sau khi lắng nghe.

2. Passive listening là lắng nghe một cách thụ động, đó chính là người nghe không chú ý hoàn toàn đến nội dung đang được nói đến và không có sự phản hồi sau khi lắng nghe.

3. Ứng dụng phù hợp với hai phương pháp trên trong việc học tiếng Anh

  • Active Listening: Nghe để tìm đáp án cho một chi tiết của một đoạn hội thoại và nghe để tìm đại ý trong bài nghe

  • Passive Listening: Nghe để gợi nhớ kiến thức cũ và nghe để học cách phát âm

4. Cách cải thiện Active Listening: người nghe cần giữ được sự tập trung xuyên suốt bài nghe và dành thời gian để đọc phần transcript sau khi nghe. Cách cải thiện Passive Listening : người nghe nên dành một khoảng thời gian nhỏ tập trung vào bài nghe và cần luyện tập nghe thường xuyên.

Active Listening là gì?

Active Listening là lắng nghe một cách chủ động, đó là hoàn toàn tập trung vào những gì đang được nói thay vì chỉ 'nghe' thông điệp của người nói thoáng qua. Khi lắng nghe chủ động, người nghe cần tập trung sự chú ý của mình để hiểu đầy đủ những gì người khác đang nói. Trong vài trường hợp, người nghe sẽ phải đưa ra phản hồi khi người nói đã nói xong.

Sự chú ý của người nghe có thể được truyền tải đến người nói bằng cách sử dụng cả thông điệp bằng lời nói và những cử chỉ không lời như duy trì giao tiếp bằng mắt, gật đầu và mỉm cười. Bằng cách cung cấp 'phản hồi' này, người nói thường sẽ biết được người nghe đang chú tâm vào nội dung đang được nói đến do đó, giao tiếp sẽ dễ dàng và cởi mở hơn.

Passive Listening là gì? 

Passive listening là lắng nghe một cách thụ động, đó chính là người nghe không chú ý hoàn toàn đến nội dung đang được nói đến. Đây thường là giao tiếp khá đơn chiều với rất ít hoặc không có phản hồi được đưa ra về những gì đang được nói hoặc được lắng nghe. Nó đòi hỏi rất ít nỗ lực ngoài việc nghe những gì đang được nói và thậm chí sau đó, người nghe thụ động có thể bỏ lỡ các phần của cuộc trò chuyện vì họ không hoàn toàn chú ý. Thông thường, một người nghe thụ động thậm chí sẽ không gật đầu đồng ý, duy trì giao tiếp bằng mắt hoặc đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy họ đang lắng nghe. Điều này có nghĩa là người nghe có mặt thực tế, nhưng có thể không chú ý đến bài phát biểu của người nói do đó người nghe không tiếp thu được thông điệp cũng như không thể nhớ lại thông điệp đó trong tương lai.

Active Listening

Passive Listening

Định nghĩa

Lắng nghe một cách chủ động, đó là hoàn toàn tập trung vào những gì đang được nói.

Lắng nghe một cách thụ động, đó chính là người nghe không chú ý hoàn toàn đến nội dung đang được nói đến.

Quá trình giao tiếp

Có sự tương tác

Giao tiếp hai chiều

Không có sự tương tác

Giao tiếp một chiều

Quá trình nghe

Người nghe cần tập trung sự chú ý của mình để hiểu đầy đủ những gì người khác đang nói

Người nghe không chú ý hoàn toàn đến nội dung đang được nói đến

Phản hồi

Có sự phản hồi bằng cách sử dụng cả thông điệp bằng lời nói và những cử chỉ không lời

Không có sự phản hồi những gì đang được nói hoặc được lắng nghe

Active Listening và Passive Listening trong việc học tiếng Anh

Active Listening trong việc học tiếng Anh 

Active Listening là sự kết hợp giữa nghe hiểu và nghe từ đầu đến cuối. Khi áp dụng phương pháp nghe này, người nghe sẽ tập trung vào ngôn ngữ được nói ở cấp độ từ và câu để có thể hiểu chi tiết của đoạn nghe. Trong quá trình luyện tập, não của người nghe cần phải tập trung để tiếp nhận và hiểu rõ ràng các thông tin mà họ đang thu nạp. Việc tập trung khiến cho quá trình thu nạp và nắm bắt thông tin diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Vì vậy, Active Listening sẽ phù hợp cho các hoạt động sau:

  • Nghe để tìm đáp án cho một chi tiết của một đoạn hội thoại Tiếng Anh

Trong những bài tập nghe tiếng Anh, người nghe thường phải tìm đáp án cho một chi tiết được nhắc đến trong đoạn hội thoại. Và để có thể nắm bắt được phần thông tin này, người nghe phải ứng dụng Active Listening để có thể trả lời câu hỏi. Những dạng câu hỏi thường gặp ở dạng bài tập này có thể là trắc nghiệm, điền vào ô trống hoặc nối các thông tin thích hợp.

Ví dụ: Với đề bài sau, người nghe cần phải nghe từng chi tiết trong bài (tên và địa chỉ) để điền vào ô trống. active-listening-va-passive-listening-vi-du-de-thi

  • Nghe để tìm đại ý chung cả đoạn hội thoại tiếng Anh

Ở dạng bài tập này, người nghe sẽ phải nghe đoạn hội thoại từ đầu đến cuối để đúc kết được phần đại ý hoặc nội dung chính đoạn hội thoại đang muốn nói đến là gì. Với dạng câu hỏi này, người nghe phải chú ý tất cả các chi tiết trong đoạn hội thoại vừa nghe để có thể có đáp án cuối cùng. 

Ví dụ: Với đề bài trên, người nghe cần phải xác định được National Art Centre cung cấp dịch vụ chính là gì. Người nghe cần phải nghe kĩ tất cả chi tiết của bài để có thể chọn được đáp án cuối cùng.

active-listening-va-passive-listening-vi-du-de-thi-02

Passive Listening trong việc học tiếng Anh

Passive Listening là sự kết hợp của một hoạt động khác và hoạt động nghe. Do đó, người nghe có thể nghe một đoạn audio tiếng Anh nhưng người nghe vẫn làm được một hoạt động khác, chẳng hạn như đọc báo, dọn dẹp,... Phương pháp này không cần người nghe đặt trọng tâm vào phần chi tiết của bài nghe. Vì vậy, Passive Listening sẽ phù hợp với các hoạt động sau: 

  • Nghe để gợi nhớ kiến thức cũ

Đây là một phương pháp để giúp người nghe gợi nhớ lại một số kiến thức hoặc từ vựng đã từng học một thời gian trước đây nhưng hiện người nghe không còn sử dụng hoặc đã quên. Người nghe có thể nghe phần kiến thức này để não bộ có thể làm quen lại với phần thông tin cũ, giúp người nghe ghi nhớ lại kiến thức này một lần nữa.

Ví dụ: Người nghe có thể chọn một bài tập nghe đã làm để luyện tập Passive Listening. Bằng cách này, người nghe có thể gợi nhớ được phần thông tin cũ và nhớ lại được những lỗi sai cũ (nếu có).

  • Nghe để học cách phát âm của người bản xứ

Vì trong quá trình nghe thụ động, người nghe không chú tâm quá nhiều về chi tiết mà chỉ nghe đoạn audio mà thôi. Khi đơn giản chỉ nghe người bản xứ nói sẽ giúp người nghe làm quen với cách phát âm, ngữ điệu, tốc độ,… của người nói. Khi luyện tập nghe thụ động như vậy, người nghe sẽ dần làm quen với cách phát âm nói chung của tiếng Anh, từ đó có thể cải thiện kĩ năng nghe và nói của bản thân. 

Ví dụ: Người nghe có thể nghe những bài podcast hoặc video từ Tedtalk, Duolingo,... để có thể nghe cách người bản xứ nói. Từ đó, người nghe có thể làm quen và ‘bắt chước’’ cách nói và phát âm của họ.

Cách cải thiện Active Listening

Giữ được sự tập trung xuyên suốt bài nghe

Trong quá trình nghe, một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nhất cho người nghe có thể nói đến các sự phân tâm tác động lên người nghe.  Sự phân tâm có thể được chia thành 2 loại: sự phân tâm được tác động bới yếu tố ngoại cảnh và sự phân tâm được tác động bởi chính người nghe.

Những sự phân tâm được tác động từ bên ngoài thường xuất hiện dưới dạng tiếng ồn vật lý trong môi trường vật chất, có thể là những tiếng ồn, những âm thanh lạ,... Sự phân tâm từ chính người nghe thường là tiếng ồn về tâm lý và cảm xúc, có thể là cảm giác đói, khó chịu hoặc không thoải mái về thể chất,...  Những yếu tố vừa nêu trên có thể gây bất lợi cho việc lắng nghe hiệu quả bởi vì người nghe thay vì tập trung vào các thông tin trong bài nghe, người nghe lại để ý đến những sự phân tâm khác. 

Để có thể khắc phục được vấn đề này, khi luyện tập nghe, người nghe có thể lựa chọn môi trường học tập thoải mái và yên tĩnh để có thể làm bài, chẳng hạn như phòng học riêng hay thư viện. Ngoài ra, người nghe nên chuẩn bị cho mình một trạng thái tinh thần tốt để tránh bị xao nhãng do các yếu tố từ bản thân.

Đọc phần transcript sau khi nghe

Trong quá trình nghe, người nghe có thể gặp trở ngại về việc không nghe rõ được nội dung của đoạn audio. Đây có thể là do những tác động của sự phân tâm hoặc do người nghe chưa biết được phần kiến thức này. Nhưng dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa thì việc không nghe rõ được nội dung sẽ khiến phần làm bài của người nghe không đạt được hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình luyện tập nghe, người nghe nên dành thời gian để đọc lại phần transcript của bài nghe để nắm lại đại ý chung cũng như là đọc lại phần nội dung không nghe được rõ. Ngoài ra, sau khi đọc, người nghe nên nghe lại nội dung bài một lần nữa để có thể tiếp nhận lại phần thông tin này. Việc đọc được mặt chữ của một phần nội dung trước đó thường sẽ giúp người nghe nghe được phần nội dung lại tốt hơn.

Cách cải thiện Passive Listening

Dành một khoảng thời gian nhỏ tập trung vào bài nghe

Trong quá trình luyện nghe từ podcast hoặc video, người nghe cũng có thể làm một việc khác cùng lúc. Tuy nhiên, người nghe nên dành một ít thời gian ngắn (khoảng 1 tới 2 phút) để tập trung lắng nghe phần audio đó. Việc dành sự tập trung đột ngột để nghe sẽ giúp người nghe có thể thực sự lắng nghe nội dung và kiểm tra mạch nói trước đó của đoạn audio.

Luyện tập thường xuyên

Vì việc ứng dụng Passive Listening không gây ảnh hưởng gì đến những hoạt động còn lại của người nghe, vì vậy, người nghe hoàn toàn có thể tập trung làm các việc khác chẳng hạn như làm bài tập, dọn dẹp, nấu ăn,… Do đó, người nghe nên dành nhiều thời gian để luyện tập thường xuyên Passive Listening để có thể đạt được mục đích mong muốn.

Tổng kết

Bài viết trên đã giới thiệu về hai phương pháp ứng dụng trong kĩ năng nghe là Active Listening và Passive Listening, đồng thời cũng đưa ra những hoạt động có thể ứng dụng cho cả 2 phương pháp và cách cải thiện chúng. Active và Passive Listening là những phương pháp ứng dụng giúp người nghe có thể cải thiện kĩ năng nghe tiếng Anh. Tùy vào mục đích hướng đến, người nghe có thể chọn phương pháp nghe phù hợp. Do đó, người nghe cần thực sự xác định kĩ trước khi lựa chọn một phương pháp học tập. Đây có thể được xem là bước quan trọng nhất vì nó sẽ quyết định tốc độ, quá trình học ngoại ngữ của người nghe diễn ra nhanh hoặc chậm cũng như hiệu quả trong quá trình học.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...