Banner background

Phân tích âm tắc /p/, /t/, /k/ ở vị trí đầu, giữa và cuối ở các từ tiếng Anh

Việc phát âm chuẩn luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với người học trong việc giao tiếp tiếng Anh, cũng như phục vụ cho các kì thi (IELTS, TOEIC). Bài viết này sẽ phân tích sơ lược về IPA của phụ âm (vị trí, phương thức và sự hữu thanh/ vô thanh) và phân tích cách phát âm 3 âm tắc /p/, /t/, /k/ ở 3 vị trí khác nhau trong tiếng Anh, sau đó so sánh sự khác nhau với tiếng Việt.
phan tich am tac p t k o vi tri dau giua va cuoi o cac tu tieng anh

Key takeaways

  • Việc phát âm chuẩn luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với người học ngoại ngữ

  • Người học nắm được cách thức cấu âm, tính chất cũng như so sánh các âm với ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua việc nghiên cứu IPA

  • Bài viết này sẽ phân tích sơ lược về IPA của phụ âm (vị trí, phương thức và sự hữu thanh/ vô thanh)

  • Bài viết cũng sẽ phân tích cách phát âm 3 âm tắc /p/, /t/, /k/ ở 3 vị trí khác nhau trong tiếng Anh, sau đó so sánh với tiếng Việt

Sơ lược về IPA của phụ âm

IPA (International Phonetic Alphabet) là bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế cần được nắm vững khi phát âm tiếng Anh. Trong khi âm tiếng Việt được phát âm cố định ở cùng vị trí dựa theo chữ viết, thì phiên âm tiếng Anh không phụ thuộc hoàn toàn vào chữ viết, mà được quyết định bởi IPA.

Ví dụ: Âm /s/ và /∫/

Tiếng Việt:

  • xa, xéo, xinh - /s/

  • sai, sót, song - //

Tiếng Anh:

  • sorry, sacrifice - /s/

  • sure, sugar - /∫/

Có thể thấy ở tiếng Việt, phụ âm s ở vị trí đầu của các từ đều có cùng phát âm /s/, tuy nhiên cách phát âm phụ âm s ở tiếng Anh lại khác nhau dù đều cùng ở vị trí đầu của từ, thành /s/ hoặc /∫/.

Trong tiếng Anh, phụ âm (consonants) có tất cả 24 âm, và chúng được phân loại dựa trên 3 yếu tố: Vị trí phát âm, phương thức phát âmsự hữu thanh/ vô thanh.

Vị trí phát âm (Place of articulation)

Vị trí phát âm là vị trí và cách thức tiếp xúc của các bộ phận cấu âm (articulators) để tạo âm. Cụ thể, các bộ phận cấu âm bao gồm:

  • Mũi (Nose)

  • Môi trên (Upper lip)

  • Môi dưới (Lower lip)

  • Răng trên (Upper teeth)

  • Răng dưới (Lower teeth)

  • Lưỡi (Tongue)

  • Lợi sau răng trên (Alveolar ridge)

  • Vòm cứng (Hard palate)

  • Vòm mềm (Soft palate)

  • Cổ họng (Pharynx)

  • Thanh quản (Larynx)

image-alt(Trích từ English Phonetics and Phonology - Peter Roach)

Việc đặt hoặc cọ xát các bộ phận cấu âm ở các vị trí khác nhau sẽ dẫn đến các âm khác nhau.

  • Âm đôi môi (Bilabial): Phải có sự cọ xát giữa môi trên và môi dưới. Ví dụ: /p/, /b/, /m/, /w/

  • Âm môi-răng (Labiodental): Đặt răng trên chạm môi dưới. Ví dụ: /f/, /v/

  • Âm răng (Dental): Đưa đầu lưỡi chạm vào răng trên. Ví dụ: /θ/, /ð/

  • Âm lợi (Alveolar): Đưa lưỡi chạm vào lợi sau răng trên. Ví dụ: /t/, /d/, /s/, /z/, /n/, /l/

  • Âm sau lợi (Post-alveolar): Uốn lưỡi và đặt sâu vào vùng giữa lợi sau và vòm cứng. Ví dụ: /ʃ/, /ʒ/, /tʃ/, /dʒ/

  • Âm vòm cứng (Palatal): Đưa thân lưỡi chạm vào vòm cứng. Ví dụ: /j/

  • Âm vòm mềm (Velar): Đưa thân lưỡi chạm vào vòm mềm. Ví dụ: /k/, /g/, /ŋ/

  • Âm hầu (Glottal): Luồng khí phát ra do sự đóng một phần của 2 dây thanh quản. Ví dụ: /h/

Phương thức phát âm (Manner of articulation)

Phương thức cấu âm là cách thức đẩy hơi ra qua các bộ phận cấu âm để tạo các âm tương ứng.

  • Âm tắc (Plosive): Luồng hơi sẽ bị 2 bộ phận cấu âm chặn lại tại thanh quản, và sau đó được giải phóng ra, tạo thành một tiếng bật (plosion hay aspiration) do luồng hơi bị kìm nén. Ví dụ: /p/, /t/, /k/, /b/, /d/, /g/

  • Âm xát (Fricative): Luồng hơi sẽ thoát ra thông qua khe hẹp hình thành bởi bộ phận cấu âm, tạo ra âm xì có thể kéo dài liên tục. Ví dụ: /f/, /v/, /θ/, /ð/, /z/, /s/, /h/, /ʃ/, /ʒ/

  • Âm tắc xát (Affricate): Mang tính kết hợp giữa âm tắc và âm xát. Luồng hơi cũng sẽ bị chặn bởi 2 bộ phận cấu âm, nhưng thay vì bật ra hoàn toàn như âm tắc, luồng hơi sẽ thông qua khe nhỏ tạo thành âm bật chậm hơn. Ví dụ: /tʃ/, /dʒ/

  • Âm mũi (Nasal): Luồng hơi sẽ thoát thông qua khoang mũi, và vòm mềm được hạ xuống. Ví dụ: /m/, /n/, /ŋ/

  • Âm bên (Lateral): Đầu và thân lưỡi chạm vào lợi sau răng trên, và luồng hơi sẽ thoát ra từ 2 bên lưỡi. Ví dụ: /l/

  • Âm cận (Approximant): Các bộ phận cấu âm sẽ không thật sự cọ xát nhau, mà chỉ ở mức tiếp cận, để tạo âm. Cách mở đầu các âm cận có tính chất khá tương đồng với vài nguyên âm (vị trí đặt lưỡi, tính chất âm trượt). Ví dụ: /r/ - /ɜː/; /w/ - /uː/; /j/ - /iː/

Sự hữu thanh/ vô thanh (Voicing)

Bên cạnh vị trí và phương thức phát âm, các phụ âm tiếng Anh còn được phân loại dựa trên sự hữu thanh (voiced/ lenis) hoặc vô thanh (voiceless/ fortis). Cụ thể, khi phát âm phụ âm hữu thanh (voiced consonants), rung động sẽ xuất hiện tại thanh quản của người nói (có thể cảm nhận được bằng cách đặt tay tại cổ họng), còn đối với phụ âm vô thanh (voiceless consonant) thì điều này không xảy ra.

Tính chất của âm /p/, /t/, /k/

Như đã đề cập, cả 3 âm /p/, /t/, /k/ đều là âm tắc (khi phát âm sẽ có tiếng bật hơi) và đều là âm vô thanh (không có rung động ở thanh quản), nhưng lại khác nhau về vị trí phát âm.

  • Âm /p/ Audio icon : Là âm đôi môi (Bilabial), nên luồng hơi sẽ bị chặn lại bởi 2 môi trước khi được giải phóng ra.

  • Âm /t/ Audio icon: Là âm lợi (Alveolar), nên luồng hơi sẽ bị chặn lại bởi lưỡi và lợi sau răng trên trước khi đi ra ngoài.

  • Âm /k/ Audio icon: Là âm vòm mềm (Velar), nên luồng hơi sẽ bị chặn lại ở thân lưỡi và vòm mềm trước khi bật ra.

image-alt

Vị trí của /p/, /t/, /k/ trong các từ tiếng Anh

Trong tiếng Anh, các phụ âm sẽ xuất hiện ở ba vị trí cơ bản: Vị trí đầu (Initial position), vị trí giữa (Medial position) và vị trí cuối (Final position). Lưu ý, vị trí của các âm trong tiếng Anh được xác định dưới dạng IPA, chứ không dựa vào chữ viết.

Vị trí đầu

Vị trí đầu là vị trí của phụ âm bắt đầu cho một từ hoặc một âm tiết (syllable).

Ví dụ: /p/ trong từ pot - /pɒt/; /b/ trong từ bot - /bɒt/

Các phụ âm /p/, /t/, /k/ đều có thể xuất hiện ở vị trí đầu. Nhưng điều đặc biệt là khi phát âm 3 âm này ở vị trí đầu thì sẽ có luồng khí đi kèm, tạo thành tiếng bật hơi mạnh và luồng khí thoát ra đó khá tương đồng như khi phát âm /h/ nhưng tốc độ nhanh hơn. Do đó trong IPA, những âm này được gọi là aspirated consonants, đi kèm với kí hiệu “ʰ” sau phụ âm.

Ví dụ: /pʰ/ trong từ pot - /pʰɒt/; /kʰ/ trong từ cat - /kʰæt/Audio icon

Lưu ý, nếu các phụ âm /p/, /t/, /k/ đứng sau âm s (tạo thành sp, st, sk) thì mặc nhiên chúng sẽ trở thành unaspirated consonants, nghĩa là sẽ không còn bật hơi mạnh.

Ví dụ: /p/ trong từ speak - /spiːk/; /k/ trong từ skate - /skeit/Audio icon

Vị trí giữa

Vị trí giữa là vị trí của phụ âm nằm giữa ở các từ hoặc giữa 2 nguyên âm.

Ví dụ: /t/ trong từ butter - /ˈbʌtər/; /n/ trong manner - /ˈmænər/

Lưu ý, đối với các từ 2 âm tiết trở lên, nếu trọng âm (stress) rơi vào nguyên âm đầu tiên (preceeding vowel) thì phụ âm giữa 2 nguyên âm được xác định là ở vị trí cuối của âm tiết đó. Dẫn đến việc âm này là unaspirated consonants.

Ví dụ: /k/ trong từ echo - /ˈek.əʊ/; /p/ trong từ apple - /ˈæp.əl/Audio icon

Ngoài ra, nếu trọng âm rơi vào nguyên theo sau (following vowel) thì phụ âm giữa 2 nguyên âm được xác định là ở vị trí đầu của âm tiết sau (second syllable). Dẫn đến việc âm này là aspirated consonants.

Ví dụ: /pʰ/ trong từ apart - /əˈpʰɑːt/; /kʰ/ trong từ arcane - /ɑːˈkʰeɪn/Audio icon

Vị trí cuối

Vị trí cuối là vị trí của phụ âm theo sau nguyên âm, thường đứng cuối ở âm tiết.

Ví dụ: /t/ trong từ pot - /pʰɒt/; /k/ trong từ speak - /spiːk/Audio icon

Khi phát âm các phụ âm /p/, /t/, /k/ ở vị trí cuối vẫn sẽ xuất hiện âm bật nhưng với cường độ rất nhỏ (weak plosion).

image-alt

Ảnh hưởng của tiếng Việt

Sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ (mother tongue - L1) đối với phát âm là thách thức với hầu hết người học ngoại ngữ (foregin language - FL) nói chung. Sự ảnh hưởng đó bao gồm từ 2 nguyên nhân chính:

  • Âm xuất hiện ở cả 2 ngôn ngữ, nhưng cách phát âm lại khác nhau

  • Âm xuất hiện ở L1 nhưng lại không xuất hiện ở FL và ngược lại

Ở trường hợp /p/, /t/, /k/, có thể thấy cả 3 âm đều xuất hiện ở tiếng Việt. Tuy nhiên, do xuất hiện phụ âm giống nhau (shared consonants) ở 2 ngôn ngữ nên sẽ dẫn đến sự khác nhau trong việc phát âm.

/p/ và /b/

Trong tiếng Việt, âm /p/ xuất hiện khá phổ biến ở vị trí cuối (VD: lớp, chóp) nhưng lại xuất hiện rất ít ở vị trí đầu (trước nguyên âm) , ngoại trừ tên địa danh (VD: Pác Bó) hay một vài từ mượn (VD: pi-a-nô, pút đinh). Do không quen đọc vị trí đầu, người Việt thường có xu hướng đọc các từ tiếng Anh mở đầu bằng /p/ thành /b/, thay vì là /pʰ/ như đã đề cập. Việc nhầm lẫn này sẽ khiến người học không phân biệt được minimal pair - những cặp từ giống nhau về nguyên âm hoặc phụ âm, dẫn đến sai sót trong việc nghe hiểu lẫn phát âm trong tiếng Anh.

Ví dụ: pot - bot, pack - back

Ở vị trí cuối, âm /p/ sẽ có một âm bật nhỏ (weak plosion), nhưng điều này không xuất hiện trong tiếng Việt, dẫn đến người học thường hay bỏ sót âm này.

/t/ và /t’/

Âm /t/ xuất hiện phổ biến ở vị trí đầu và cuối trong tiếng Việt (VD: tốp, chặt) nên khá quen thuộc với người Việt. Tuy nhiên, âm /t/ ở ví trị đầu luôn được phát âm mà không có bật hơi (unaspirated), vì nếu âm /t/ bật hơi, nó sẽ trở thành âm th (/t’/) (VD: thanh, thi). Do thói quen đó, người Việt thường có xu hướng quên bật hơi để tạo thành âm /tʰ/ ở vị trí đầu. Ngoài ra, tương tự như âm /p/, người Việt cũng thường hay “bỏ quên” âm bật nhỏ của âm /t/ ở vị trí cuối.

/k/ và /χ/

Ngược lại với âm /p/, âm /k/ trong tiếng Việt xuất hiện chủ yếu ở vị trí đầu (VD: kiệt, kêu), và hầu như rất ít xuất hiện ở vị trí cuối, trừ một vài trường hợp rất đặc biệt (VD: Đắk Lắk, Đắk Nông). Ở vị trí đầu, âm /k/ được phát âm thành âm /c/ (VD: cất, con) mà không có bật hơi, vì nếu âm /k/ bật hơi, nó sẽ trở thành âm kh (/χ/) (VD: khiếp, không). Do vậy, việc phát âm /k/ ở vị trí đầu thành âm /c/ (thay vì âm /kʰ/) là lỗi sai thường thấy ở người Việt. Tương tự như 2 âm trên, người Việt cũng có xu hướng không phát âm âm bật nhỏ của âm /k/ ở vị trí cuối.

Luyện tập

image-altXác định các âm /p/, /t/, /k/ trong từ dưới đây là aspirated hay unaspirated. Điền A (aspirated) hoặc U (unaspirated) bên cạnh các từ.

  1. pair

  2. attach

  3. terror

  4. spoil

  5. kind

  6. zipper

  7. tie

  8. appear

  9. sky

  10. epic

Đáp án:

  1. A (/p/ ở vị trí đầu)

  2. A (/t/ ở vị trí đầu của âm tiết sau có nhấn âm)

  3. A (/t/ ở vị trí đầu)

  4. U (sp, st, sk không bật hơi)

  5. A (/k/ ở vị trí đầu)

  6. U (/p/ ở vị trí cuối của âm tiết đầu có nhấn âm)

  7. A (/t/ ở vị trí đầu)

  8. A (/p/ ở vị trí đầu của âm tiết sau có nhấn âm)

  9. U (sp, st, sk không bật hơi)

  10. U (/p/ ở vị trí cuối của âm tiết đầu có nhấn âm)

Tổng kết

Các âm /p/, /t/, /k/ đều là âm tắc, vô thanh nhưng vị trí phát âm lần lượt là âm đôi môi, âm lợi và âm vòm mềm. Ngoài ra, cả 3 âm đều đứng ở vị trí đầu, giữa và cuối ở tiếng Anh. Chúng sẽ trở thành aspirated consonants (âm có bật hơi) khi đứng ở vị trí đầu, và trở thành unaspirated consonants (âm không bật hơi) khi ở vị trí cuối của âm tiết được nhấn (stressed syllable). Ngoài ra, /p/, /t/, /k/ cũng trở thành unaspirated consonants khi theo sau âm s (tạo thành sp, st, sk). Để tránh bị nhầm lẫn với các âm tương đồng trong tiếng Việt, người học cần nắm vững tính chất của các âm đó ở các vị trí nhằm phát âm đúng.


Trích dẫn

Anderson, Catherine. “3.4 Aspirated Stops in English.” Essentials of Linguistics, McMaster University, 15 Mar. 2018, https://pressbooks.pub/essentialsoflinguistics/chapter/3-5-aspirated-stops-in-english/.

Rahman, Udoy. (PDF) Places of Articulation - Researchgate. https://www.researchgate.net/publication/346490318_Places_of_Articulation.

Roach, Peter. English Phonetics and Phonology: A Practical Course. 4th ed., Cambridge University Press.

“English Dictionary, Translations & Thesaurus.” Cambridge Dictionary, https://dictionary.cambridge.org/.

Baker, Ann. Ship or Sheep? An intermediate pronunciation course. 3rd ed., Cambridge University Press.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...