Banner background

Ảnh hưởng của tuổi tác đến khả năng tiếp thu ngoại ngữ và ứng dụng trong việc học ngoại ngữ hiệu quả

Đặc điểm tuổi tác của các nhóm tuổi ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu ngoại ngữ, và đưa ra lời khuyên trong cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất.
anh huong cua tuoi tac den kha nang tiep thu ngoai ngu va ung dung trong viec hoc ngoai ngu hieu qua

Trong nhiều nghiên cứu, việc tiếp xúc, giáo dục một ngoại ngữ ở lứa tuổi trẻ em đã được chứng minh là một trong những yếu tố quan trọng dẫn trong việc học ngoại ngữ hiệu quả. Chính vì thế, ngày nay, đã có không ít bậc phụ huynh cho con em tiếp nhận sự giáo dục về ngoại ngữ càng sớm càng tốt, với mong muốn chúng sử dụng thuần thục ngoại ngữ này. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chứng minh rằng, dù là lứa tuổi trẻ em, thanh thiếu niên hay người lớn, mỗi lứa tuổi đều có những ưu điểm và bất lợi nhất định, và chính vì thế, việc học ngoại ngữ từ sớm, không hoàn toàn hứa hẹn sự thông thạo sau này trong việc sử dụng ngoại ngữ. Ngoài ra, người học ngoại ngữ lứa tuổi thanh thiếu niên, và người lớn hoàn toàn có thể đạt trình độ thông thạo trong ngôn ngữ nhờ các kĩ năng đặc thù của các lứa tuổi này. 

Bài viết dưới đây, vì vậy, sẽ phân tích đặc điểm tuổi tác của các nhóm tuổi ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu ngoại ngữ, và từ đó đưa ra các lời khuyên mà người học cần cân nhắc trong việc học ngoại ngữ hiệu quả nhất.

Đặc điểm tuổi tác ảnh hưởng khả năng tiếp thu ngoại ngữ

Giả thiết giai đoạn vàng (The critical period hypothesis)

Khái niệm

Giả thiết giai đoạn vàng (The critical period hypothesis), viết tắt là CPH, cho rằng mỗi loài động vật, bao gồm cả con người, đều được thiết lập trong gen để lĩnh hội một số loại kiến thức và kĩ năng nhất định tại một số khoảng thời gian cụ thể trong đời. Ngoài những ‘giai đoạn vàng’ này, việc lĩnh hội các loại kiến thức hoặc kĩ năng đó sẽ trở nên khó khăn, và đôi khi không thể thực hiện được ở nhiều cá thể. 

Giai đoạn vàng để học ngôn ngữ, thường được đề cập như một giai đoạn quan trọng để học ngoại ngữ. Chuyên gia tâm lý học nổi tiếng Patricia Kuhl đã chỉ ra rằng, trẻ em và thiếu nhi thường sẽ nhạy bén hơn trong việc tiếp thu một ngôn ngữ thứ 2 nào đó. Khả năng này được duy trì từ khi trẻ sinh ra cho đến khi 7 tuổi. Sau giai đoạn này, tiến trình này sẽ giảm dần và hiệu quả tiếp thu một ngôn ngữ khác sẽ bắt đầu chậm lại. 

hoc-ngoai-ngu-hieu-qua

‘Giai đoạn vàng’ này kết thúc xung quanh độ tuổi dậy thì, nhưng một số nhà khoa học cho rằng nó cũng có thể sớm hơn. Một số nghiên cứu còn cho rằng có rất nhiều giai đoạn vàng, liên quan đến các khía cạnh khác nhau của việc lĩnh hội một ngôn ngữ. Ví dụ, khả năng lĩnh hội đặc điểm phát âm của một ngôn ngữ sẽ xảy ra và kết thúc sớm hơn so với khả năng lĩnh hội từ vựng của ngôn ngữ đó.

Sự khác biệt về cách tiếp cận ngôn ngữ giữa người lớn và trẻ em

Sự thay đổi, phát triển về não bộ sẽ ảnh hưởng đến việc lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên, và việc phát triển ngôn ngữ thứ hai sau ‘giai đoạn vàng’, chính vì thế, sẽ không dựa trên cấu trúc sinh học bẩm sinh nữa. Vì vậy, người học lớn tuổi, sẽ học ngoại ngữ thông qua khả năng học tập thông thường, ‘chung chung’ của bản thân (general learning abilities) – thứ mà họ cũng dùng để lĩnh hội các kênh thông tin và kĩ năng khác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng các khả năng học tập chung chung này ở người học lớn tuổi ảnh hưởng đến việc học ngôn ngữ hiệu quả so với người bản xứ, điều mà năng lực bẩm sinh cho phép những đứa trẻ đạt được qua việc tận dụng ‘Giai đoạn vàng’.

Ảnh hưởng của giai đoạn vàng

Về mặt phát âm, rất nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa độ tuổi lĩnh hội và ngôn ngữ thứ hai đã đưa đến kết luận rằng: Người học lớn tuổi thường khó có thể phát âm với ngữ điệu tự nhiên, mang sắc thái như người bản xứ. Điều này do quá trình tiếp xúc lâu dài của người học lớn tuổi với ngôn ngữ mẹ đẻ đã hình thành nên các màu giọng riêng biệt. Trẻ em, ngược lại, thời gian ‘tắm’ trong một ngôn ngữ một cách tự nhiên và lâu dài khiến sự cảm thụ về âm thanh của chúng phần nào nhạy bén và linh hoạt hơn. 

Mark Patkowski (1980) đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa tuổi tác và sự lĩnh hội các khía cạnh của ngôn ngữ, và loại trừ khả năng phát âm. Câu hỏi chính trong nghiên cứu của Patkowski là: ‘Liệu rằng có sự khác biệt giữa người học trong độ tuổi dậy thì và người học sau độ tuổi đó hay không? Chi tiết nghiên cứu của ông như sau: Mỗi học sinh sẽ được đánh giá dựa trên một bài phỏng vấn trực tiếp, thời lượng tương đối dài. Vì để loại bỏ ảnh hưởng từ giọng (accent), các câu trả lời đều được ghi âm và gõ lại trên tư liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Người học trong độ tuổi 15 được đánh giá 4+ hoặc 5. Mức đánh giá của nhóm người học lớn tuổi hơn phân bố rải rác hơn, đa số dao động ở mức 3 và 4, một vài người được đánh giá 4+ và 5, và một số người là 2+. 

Ông đưa ra kết luận rằng: “Ngay cả khi đã lược bỏ yếu tố màu giọng (accent), chỉ những người bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai trước độ tuổi 15 mới có thể đạt được sự cảm thụ thành thạo hoàn toàn, tự nhiên như bản địa.“

Một số hạn chế của Giai đoạn vàng

Một quan điểm của thuyết ‘Giai đoạn vàng’ ảnh hưởng đến sự lĩnh hội ngôn ngữ đã được đề cập trong nghiên cứu của Vivian Cook (2008) như sau: Ông cho rằng việc đưa tiêu chí ‘y đúc người bản xứ’ để đánh giá sự thành công trong việc sử dụng ngoại ngữ là một điều không phù hợp. Chính vì thế, Cook phản biện rằng một người sử dụng ngoại ngữ thứ hai hay hai ngôn ngữ không nên được so sánh với người bản ngữ chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất, bởi vì điều nên được đánh giá là khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng lúc, khả năng sử dụng chính xác, chuyển đổi linh hoạt giữa các ngôn ngữ. 

Việc một số người học lớn tuổi lĩnh hội ngôn ngữ kém hơn trẻ em không chỉ hoàn toàn do họ học ngôn ngữ sau ‘Giai đoạn vàng’. Chúng ta cũng cần xét tới yếu tố hoàn cảnh của người học. Trẻ em hay người học nhỏ tuổi thường có nhiều thời gian hơn để chuyên chú cho việc học ngoại ngữ. Họ thường có nhiều cơ hội để nghe và sử dụng ngôn ngữ ở các môi trường mà ở đó, họ không phải chịu áp lực quá nặng nề để nói thật sự lưu loát và chính xác ngay từ khi bắt đầu.

hoc-ngoai-ngu-hieu-qua-lop-tieng-anh

Hơn thế nữa, sự không chính xác của trẻ em ở giai đoạn đầu của việc học ngoại ngữ hiệu quả thường được hoan nghênh, hoặc ít nhất là được chấp nhận. Người học lớn tuổi, ngược lại, thường phải đối mặt với các tình huống đòi hỏi việc sử dụng ngôn ngữ phức tạp do tính chất công việc của họ. Người lớn cũng thường cảm thấy dễ xấu hổ hơn bởi sự thiếu thông thạo một ngôn ngữ, và họ cũng cảm thấy ngại ngần hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ do sợ sai, hay mất mặt. Chính những cảm giác tiêu cực này, mà không phải là giả thiết Giai đoạn vàng, ảnh hưởng đến động lực và khả năng lĩnh hội ngôn ngữ thứ hai.

Khả năng cảm thụ ngữ pháp

Jacqueline Johnson và Elissa Newport (1989) tiến hành nghiên cứu về 46 người bản xứ Trung Quốc và Hàn Quốc, những người bắt đầu học tiếng Anh ở các lứa tuổi khác nhau. Tất cả đều là sinh viên của một trường đại học Mỹ và đã sống ở Mỹ ít nhất 3 năm. Nghiên cứu cũng bao gồm một nhóm 23 người bản địa nói tiếng Anh. Đối tượng nghiên cứu được yêu cầu đưa ra các đánh giá ngữ pháp của một số lượng lớn câu tiếng Anh. Các câu này kiểm tra 12 quy tắc hình thái và cú pháp tiếng Anh. Phân nửa số câu là đúng ngữ pháp, và phân nửa còn lại là sai. Kết quả nghiên cứu đưa ra kết rằng độ tuổi đến Mỹ là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công của bài kiểm tra. Nghiên cứu kết luận: “Người học đến Mỹ và bắt đầu học tiếng Anh sớm hơn đạt được các số điểm cao nhất trong bài đánh giá ngữ pháp. Những người đến Mỹ và học tiếng Anh sau đánh giá các câu trong bài ngữ pháp ít chính xác hơn và kết quả của họ cũng có sự dao động lớn hơn.

Robert Dekeyser (2000) tiến hành một nghiên cứu tương tự như báo cáo của Johnson và Newport, với đối tượng nghiên cứu là nhóm người quốc tịch Hungary nhập cư tới nước Mỹ. Ông cũng đưa ra mối quan hệ chặt chẽ giữa độ tuổi nhập cư và sự thể hiện trong phần đánh giá ngữ pháp. Như vậy, khoảng thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ sẽ góp phần khiến cho việc cảm thụ ngữ pháp của người học chính xác và tự nhiên như người bản xứ hơn. 

Tốc độ tiếp thu (Rate of learning)

hoc-ngoai-ngu-hieu-qua-rate-of-learning

Một số nghiên cứu cho rằng người học lớn tuổi sẽ có lợi thế trong tốc độ tiếp thu một ngôn ngữ. Người lớn tuổi được cho rằng tiếp thu nhanh hơn trong những giai đoạn đầu của một quá trình học một ngôn ngữ. Vào năm 1978, Catherine Snow và Marian Hoefnagel Hohle đã xuất bản một nghiên cứu về một nhóm người nói tiếng Anh, đang học tiếng Hà Lan như một ngôn ngữ thứ hai khi đang sống ở Hà Lan (the Netherlands). Đối tượng nghiên cứu bao gồm 3 nhóm tuổi: trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Ở các bài kiểm tra khi đối tượng nghiên cứu đã sinh hoạt và học tập ít hơn 1 năm, kết quả cho thấy thanh thiếu niên là những người học được đánh giá thành công nhất. Kêt quả của họ dường như dẫn trước các nhóm tuổi còn lại. Hơn thế nữa, nhóm tuổi người lớn, không phải trẻ em, là những người cao điểm thứ nhì. Hay nói cách khác, thanh thiếu niên và người lớn học nhanh hơn trẻ em trong một vài tháng đầu tiếp xúc với tiếng Hà Lan.

Cho đến thời điểm cuối năm, nhóm tuổi trẻ em bắt kịp, và vượt qua nhóm tuổi người lớn ở một vài thang đo. Tuy nhiên, nhóm tuổi thanh thiếu niên vẫn là nhóm tuổi giữ mức đánh giá cao nhất nói chung. Sự thật rằng nhóm tuổi trẻ em sẽ có thể bắt kịp và vượt qua nhóm tuổi người lớn nếu chúng tiếp tục có được cơ hội thích hợp để sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh điều kiện học tập và phát triển của các nhóm tuổi là như nhau, nghiên cứu cho thấy thanh niên và người lớn có thể đưa ra các sự tiến bộ đáng kể và nhanh chóng trong sự thông thạo ở ngôn ngữ thứ hai, ở ngữ cảnh mà họ dùng ngôn ngữ trong giao tiếp cá nhân, xã hội, chuyên nghiệp hay học thuật. Điều này là do việc hai nhóm tuổi này sở hữu và sử dụng tốt khả năng phản ánh có ý thức về bản chất của ngôn ngữ (metalinguistic knowleadge and awareness), kĩ năng ghi nhớ, cũng như kĩ năng giải quyết vấn đề.

Đọc thêm: Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với việc học

Ứng dụng trong việc học một ngoại ngữ tại môi trường giáo dục

Học ngoại ngữ sớm không hẳn là vượt trội

Việc học ngoại ngữ từ sớm sẽ không thật sự đem lại hiệu quả trong việc lĩnh hội ngôn ngữ nếu như kiến thức người học tiếp thu bị trùng lặp (1) và số giờ nhận được hướng dẫn bị dàn trải. (2)

(1) Ở các lớp giảng dạy ngoại ngữ (hay ngôn ngữ thứ hai), người học chỉ nhận được vài giờ hướng dẫn mỗi tuần. Những người có thời điểm bắt đầu chậm hơn (chẳng hạn khi 10, 11 hoặc 12 tuổi) thường đuổi kịp các những người học ngôn ngữ sớm hơn khi học phổ thông. Trong nghiên cứu của Clare Burstall (1975), học sinh có những nền tảng nhất định khi học ngôn ngữ hai sớm, đôi khi sẽ được xếp vào các lớp học ở trường cấp hai, nơi mà những học viên còn lại chưa từng có sự kiến thức về ngôn ngữ hai trước đó. Giáo viên ở các lớp đó thường có xu hướng dạy ở trình độ chung thấp hơn, và từ đó sự khác biệt giữa hai nhóm học sinh dần dần được thu hẹp và biến mất. 

(2) Bên cạnh đó, ở nhiều môi trường giáo dục, việc nhận được sự giảng dạy sớm không dẫn đến việc nhận được nhiều giờ giảng dạy hơn. Một nghiên cứu ở Quebec, dựa trên áp lực từ phụ huynh, độ tuổi mà sự giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai đã được giảm xuống từ 10 đến 6 tuổi, thế nhưng tổng số giờ học viên được hướng dẫn lại không tăng. Thay vào đó, tổng số phút dành cho việc hướng dẫn mỗi tuần lại dàn trải qua nhiều năm (Lightbown, 2012). Chính vì thế, sau nhiều năm đi học, những người học với sự khởi đầu sớm có thể sẽ cảm thấy thất vọng khi không có sự tiến bộ, và động lực của họ cũng dần thuyên giảm. Rõ ràng là:

hoc-ngoai-ngu-hieu-qua-do-tuoi

Học ngoại ngữ muộn không hẳn là bất lợi

Khi so sánh giữa người học ngoại ngữ sớm và người học muộn, tại Tây Ban Nha, dự án BAF (the Barcelona Age Factor) nghiên cứu về tác động về việc thay đổi lứa tuổi để bắt đầu giảng dạy tiếng Anh cho học sinh người Tây Ban Nha. Trong nghiên cứu, họ so sánh kết quả của học sinh bắt đầu học tiếng Anh ở các độ tuổi khác nhau. Họ nhìn vào sự cải thiện của học sinh sau 100, 416, 726 giờ được truyền đạt sự hướng dẫn. Kết quả cho thấy: Những học sinh mà bắt đầu học tiếng Anh muộn hơn (11, 14 và 18 tuổi trở lên) thể hiện tốt hơn ở hầu hết các tiêu chí hơn những người bắt đầu học tiếng Anh sớm (8 tuổi). Điều này đặc biệt đúng khi thang đo dựa trên khả năng nhận thức về ngôn ngữ (metalinguistic awareness) hay khả năng phân tích (analytic ability). Ở kĩ năng nghe, học sinh nhỏ tuổi có một số lợi thế hơn. Munoz cho rằng điều này là bởi vì người học nhỏ tuổi sử dụng cách tiếp cận ngầm và gián tiếp (implicit approach) và người học lớn tuổi sẽ lựa chọn cách tiếp cận trực tiếp hơn (explicit approach), dựa trên sự trưởng thành về nhận thức của họ. Cô chỉ ra rằng, khi việc dạy ngoại ngữ gói gọn trong một thời gian hạn chế, ‘người học nhỏ tuổi sẽ không có đủ thời gian để ‘tắm’ trong ngôn ngữ để được hưởng lợi ích đầy đủ của cách học implicit learning. (cách học gián tiếp để đạt được độ tự nhiên, thành thạo như bản xứ)

Một trong những thế mạnh của dự án BAF này là các nhà nghiên cứu có thể theo dõi sự phát triển của người học thông qua các năm. Điều này giúp họ xác nhận xem liệu rằng người học nhỏ tuổi có thể vượt qua các người học lớn tuổi trong môi trường giáo dục , giống như trong ngữ cảnh tự nhiên hay không. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra, mặc dù học sinh nhỏ tuổi sẽ bắt kịp tiến độ, người học lớn tuổi vẫn giữ thế đứng đầu qua các năm.

Luôn chú trọng mục tiêu khi học ngoại ngữ

Việc bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai sớm không hoàn toàn hứa hẹn việc học ngoại ngữ hiệu quả, và người học lớn tuổi, trong nhiều trường hợp, hoàn toàn có thể đạt được trình độ thông thạo cấp độ cao ở ngôn ngữ thứ hai.

Chính vì thế, việc quyết định về thời điểm thích hợp để học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục nên được dựa trên các mục tiêu thực tế và dựa trên ước tính thực tế về việc mất bao lâu để đạt được chúng. 

hoc-ngoai-ngu-hieu-qua-muc-tieu

Nếu mục tiêu của người học là đạt một số thành tích ngắn hạn

Trong môi trường giáo dục, việc đánh giá mục tiêu và nguồn lực hiện có cho sự phát triển ngôn ngữ thứ hai đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Như đã phân tích ở mục đầu tiên, nghiên cứu đã cho thấy quá trình tiến bộ của người học lớn tuổi và thanh niên thì nhanh hơn người học trẻ em, đặc biết là ở các giai đoạn đầu khi học. Kiến thức và kĩ năng mà người học lớn tuổi có thể lĩnh hội được trong một khoảng thời gian tương đối ngắn sẽ thỏa mãn nhu cầu của nhiều người học, mà mục tiêu của họ là dùng ngôn ngữ cho giao tiếp hàng ngày, vượt qua một bài kiểm tra ngôn ngữ, hay đọc các văn bản học thuật cho một khóa học, chứ không phải phát âm tự nhiên, mang âm hưởng như người bản xứ. 

Nếu mục tiêu của chương trình học là đạt được sự thuần thục như người bản xứ

Khi mục tiêu của việc học ngoại ngữ hiệu quả là sự thông thạo như người bản xứ, việc cho người học tiếp xúc và ‘tắm’ trong ngôn ngữ càng sớm càng tốt được cho là lý tưởng. Như ở mục 1, việc cho trẻ nhận được sự giảng dạy tiếng Anh trong giai đoạn vàng sẽ giúp chúng đạt được sự phát âm linh hoạt và nhạy bén nhất định, cũng như sự cảm thụ tốt về ngữ pháp tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cẩn thận sự tiếp xúc chuyên sâu quá sớm (early intensive exposure) của ngôn ngữ thứ hai sẽ dễ kéo theo sự mất mát hay phát triển không toàn diện về mặt ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ. Khi mục tiêu cuối cùng chỉ là khả năng giao tiếp cơ bản cho học viên, và ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn đóng vai trò quyết định và thiết thực cho trẻ trong cuộc đời, việc dạy ngôn ngữ thứ hai tốt hơn nên bắt đầu muộn hơn. 

Đọc thêm: Tiếng Latin và lợi ích của việc học ngôn ngữ Latin đối với người học tiếng Anh

Tổng kết

Tuổi tác chỉ là một trong những đặc trưng ảnh hưởng cách tiếp cận và cách học ngoại ngữ hiệu quả. Trẻ em có thể đạt được sự thuần thục như bản xứ, đặc biệt là ở kĩ năng phát âm hay cảm thụ ngữ pháp, nếu tận dụng ‘Giai đoạn vàng’ một cách hiệu quả. Tuy nhiên, người học lớn tuổi, nhờ vào khả năng nhận thức và phân tích của họ, hoàn toàn có thể trở nên thông thạo ở một ngôn ngữ thứ hai. Chính vì thế, cần xem xét nhiều yếu tố bao gồm chủ quan (như năng khiếu, động lực, mục tiêu của bản thân) hay khách quan (môi trường bên trong và bên ngoài lớp học), bên cạnh yếu tố tuổi tác trong cách ngoại ngữ hiệu quả.  

Đọc thêm: 4 sai lầm thường gặp khi học từ vựng tiếng Anh và phương pháp học hiệu quả

Trần Thị Tuyết Trâm

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...