Cách khắc phục lỗi phát âm phổ biến trong tiếng Anh của người Việt Nam (P.1)

Một trong những rào cản khi phát âm tiếng Anh của người Việt Nam là sự khác biệt về ngữ điệu, những âm không có trong tiếng Việt.
author
ZIM Academy
01/11/2020
cach khac phuc loi phat am pho bien trong tieng anh cua nguoi viet nam p1

Để phát âm và nói thành thạo một ngôn ngữ luôn là một thử thách lớn cho tất cả người học, đặc biệt đối với tiếng Anh. Cụ thể, đối với người Việt học tiếng Anh, một trong những lý do lớn nhất tạo nên rào cản phát âm tiếng Anh cho người học là sự khác biệt về ngữ điệu, những âm tiết không có trong tiếng Việt. Bài viết sau đây sẽ phân tích sự khác nhau giữa phát âm trong tiếng Anh và tiếng Việt, các rào cản học sinh Việt thường gặp phải và một số hướng khắc phục.

Đọc thêm: Phân tích tiêu chí pronunciation trong IELTS Speaking và các lưu ý khi luyện phát âm.

Tổng quan về sự khác nhau giữa phát âm tiếng Anh và phát âm tiếng Việt

Lỗi về phát âm có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng trong giao tiếp và các tình huống xã hội. Có rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan hình thành nên những rào cản khiến người học Việt Nam không thể phát âm như người bản xứ như:

Loại hình ngôn ngữ

Bản chất của tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm (monosyllabic). Nói một cách đơn giản, một từ trong tiếng Việt chỉ được cấu thành một syllable (âm tiết) duy nhất. Từ trong tiếng Việt không bị biến đổi thành hình thái khác khi chuyển sang các mốc thời gian khác nhau.

Ví dụ:

  • cách đọc của từ “học sinh” được kết hợp bởi cách đọc của 2 âm “học” và “sinh”.

  • So sánh 2 câu: Hôm nay, tôi đi học, và Hôm qua, tôi đi học. Mặc dù biểu thị 2 mốc thời gian khác nhau nhưng động từ chính của câu “đi” không có sự thay đổi về hình thái và biến đổi cách đọc.

Khác với tiếng Việt, tiếng Anh là một ngôn ngữ đa âm (polysyllabic). Cách phát âm một từ trong tiếng Anh bao gồm nhiều syllables khác nhau. Cách đọc của từ trong tiếng Anh sẽ bị biến đổi theo hình thái ngữ pháp của câu.

Ví dụ:

  • từ “general” sẽ được phát âm thành 2 syllable là “gene” và “ral”.

  • So sánh 2 câu: At the moment, my mom is cleaning the house, và My mom cleans the house every day. Động từ chính của cả 2 câu là clean, đã bị thay đổi về hình thức và cách đọc khi chuyển sang 2 mốc thời gian khác nhau.

su-khac-biet-giua-phat-am-tieng-anh-va-tieng-viet

Thanh âm trong tiếng Việt và trọng âm trong tiếng Anh

Trong tiếng Việt không tồn tại khái niệm trọng âm của từ (word stress). Thay vào đó, tiếng Việt có 6 thanh âm (hay còn gọi là dấu), gồm: thanh bằng (không có dấu), sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng. Khi thay đổi dấu của một từ bất kì, từ này sẽ lập tức mang một nghĩa khác và có cách đọc khác.

Ví dụ: từ “hoa” (danh từ): cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm; khi thêm dấu huyền sẽ trở thành từ “hoà” (tính từ): công bằng, không bên nào thắng, không bên nào thua.

Trọng âm của từ trong tiếng Anh lại đóng một vai trò quan trọng. Trọng âm của từ là âm tiết được nói to hơn, cao hơn và kéo dài hơn trong từ đó. Trong một số từ, trọng âm quyết định nghĩa của từ. Một từ có hình thức viết giống nhau nhưng nhấn ở trọng âm khác nhau sẽ mang nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ: từ import có 2 âm tiết là /ɪm/ và /pɔːt/ nếu nhấn âm một /ɪm/ thì IMport sẽ ở dạng danh từ và có nghĩa là ảnh hưởng, hàng hóa nhập cảng; nhưng nếu nhấn âm hai /pɔːt/ thì imPORT sẽ ở dạng động từ và có nghĩa là nhập khẩu.

Âm vị

Quá trình phát âm của tất cả các ngôn ngữ nào đều được cấu thành từ phonemes (âm vị). Theo từ điển Cambridge, phonemes được định nghĩa là “one of the smallest units of speech that make word different from another” – đơn vị nhỏ nhất cấu trúc nên cách phát âm của một từ. Trong tiếng Việt, phonemes xuất hiện dưới 3 dạng chính: tones/tonemes (âm điệu – giọng điệu; ở đây chỉ sự biến âm bởi các thanh và các chữ cái có dấu); consonants (nguyên âm) và vowels (phụ âm). Ngược lại, phonemes của tiếng Anh chỉ bao gồm consonants và vowel.

am-vi-loi-phat-am

Phụ âm trong tiếng Anh và phụ âm trong tiếng Việt

  • Số lượng

Tiếng Anh: 24 phụ âm

Tiếng Việt: 30 phụ âm

  • Phân loại

Tiếng Anh – 3 loại:

Phụ âm vô thanh (8 phụ âm): /p/, /k/, /f/, /t/, /s/, /θ/, /ʃ/, /tʃ/.

Phụ âm hữu thanh (8 phụ âm): /b/, /d/, /g/, /dʒ/, /v/, /ð/, /z/, /ʒ/.

Phụ âm còn lại (8 phụ âm): /m/, /n/, /η/, /h/, /l/, /r/, /j/, /w/.

Tiếng Việt – 2 loại:

Phụ âm đầu (22 phụ âm): /b/, /f/ (ph), /v/, /m/, /t/, /d/ (đ), /th/ (th), /s/ (x), /z/ (d), /n/, /l/, /_/ (tr), /ʃ/ (s), /_/ (gi, r), /c/ (ch), /_/ (nh), /k/ (c, k, q), /γ/ (g), /χ/ (kh), /N/ (ng), /h/, /p/, /r/.

Phụ âm cuối (8 phụ âm): 6 phụ âm: /p/, /t/, /k/, /m/, /n/, /ŋ/ và 2 bán phụ âm (bán nguyên âm): /i/, /u/.

  • Vị trí trong từ

Tiếng Anh

Phụ âm đầu của từ có thể là một phụ âm đơn hoặc cụm phụ âm.

Nếu thêm một phụ âm ở giữa từ sẽ làm thay đổi nghĩa của từ.

Phụ âm cuối của từ tạo ra hiện tượng nối âm trong câu. Dễ gây ra nhầm lẫn cho người nghe nếu bỏ qua phụ âm cuối của từ.

Tiếng Việt

Phụ âm đầu là một phụ âm đơn.

Không có phụ âm ở vị trí giữa từ.

Phụ âm cuối không được phát âm, không gây ra hiện tượng nối âm trong câu.

  • Bộ phận phát âm

Tiếng Anh do cơ quan cấu âm: Dental (răng), Alveolar (phế nang), Palatal Alveolar (Phế nang và lưỡi).

Tiếng Việt phát âm dựa vào vào sự thay đổi của vị trí lưỡi: Flat (phẳng), Retroflex (cuốn lưỡi), Dorsal (mặt lưng lưỡi).

  • Cách thức phát âm

Tiếng Anh gồm: Stop (âm tắc, còn gọi là âm bật hơi), fricatives (âm xát), Affricatives (âm tắc-xát), Nasal (âm mũi), Lateral (âm bên), và Approximant (âm tiếp cận).

Tiếng Việt gồm: voice (hữu thanh), voiceless (vô thanh), lateral (rung cạnh lưỡi).

cach-thuc-phat-am

  • Vị trí phát âm

Tiếng Anh: Bilabial (âm đôi môi), Labio-Dental (âm lưỡi răng), Dental (âm răng-giữa răng), Alveolar (âm lợi), Palato Alveolar (âm gạc lợi), Palatal (âm gạc), Velar (âm vòm mềm), Glottal (âm hầu).

Tiếng Việt: Labial (âm môi), Alveolar (âm lợi), Retroflex (âm cuối lưỡi), Palatal (âm gạc), Velar (âm vòm mềm), Glottal (âm hầu).

Đọc thêm: Master your pronunciation – (Phần 1) Đọc Hiểu phát âm và phiên âm của 1 từ

Nguyên âm trong tiếng Anh và nguyên âm trong tiếng Việt

  • Tiếng Anh

Số lượng: 20 nguyên âm

Được chia thành 12 nguyên âm đơn: /i:/, /ɪ/, /e/, /æ/, /ə/, /ɜ:/, /ʌ/, /ɑ:/, /ɒ/, /ɔː/, /ʊ/, /uː/ và 8 nguyên âm đôi: Tận cùng là ə: /ɪə/, /eə/, /ʊə/, tận cùng là ɪ: /eɪ/, /aɪ/, /ɔɪ/, tận cùng là ʊ: /əʊ/, /aʊ/.

Nguyên âm dài được phân biệt với nguyên âm ngắn bằng dấu “:” sau mỗi nguyên âm. Nếu người học không chú ý phát âm đúng độ dài của các nguyên âm sẽ dễ gây ra hiểu lầm cho người nghe.

Cơ quan phát âm : Vị trí của lưỡi (tongue position), độ tròn môi (lip shade), độ căng cơ (muscle tense), độ dài của âm (length). 

  • Tiếng Việt

Số lượng: 56 nguyên âm

Được chia thành 3 loại, gồm: 

11 nguyên âm đơn: /a/, /ă/, /â/, /e/, /ê/, /o/, /ô/, /ơ/, /u/, /ư/, /i/ hoặc /y/.

32 nguyên âm đôi: /ai/, /ao/, /au/, /âu/, /ay/, /ây/, /eo/, /êu/, /ia/, /iê/ hoặc /yê/, /iu/, /oa/, /oă/, /oe/, /oi/, /ơi/, /oo/, /ôô/, /ua/, /uă/, /ưa/, /uê/, /ui/, /ươ/, /ưô/, /uo/, /ưi/, ưu/, /uơ/, /uy/.

13 nguyên âm ba: /iêu/ hoặc /yêu/, /oai/, /oao/, /oay/, /oeo/, /uao/, /uây/, /uôi/, /ươi/, /ươư/, /uya/, /uyê/, /uyu/.

Khác với tiếng Anh, trong tiếng Việt không có sự phân biệt rõ ràng giữa nguyên âm dài và nguyên âm ngắn.

Cơ quan phát âm: Vị trí của lưỡi (tongue position) và độ tròn môi (lip shade).

Những lỗi phát âm phổ biến của người Việt Nam

Tác giả Trần Ngọc Dụng (2005) cho rằng: “Âm vị học tiếng Việt có vẻ phức tạp hơn tiếng Anh, nhưng về lâu dài, hệ thống này trở nên đơn giản và dễ tiếp thu hơn tiếng Anh” (as cited in Nguyen, 2007). Về mặt ngữ âm, các âm của tiếng Việt được nhận xét là dễ dàng thành thạo hơn khi người học có nền tảng vững chắc khi phát âm các âm tiết, các thanh trong tiếng Việt. Đó cũng chính là lý do tại sao người Việt thường gặp rất nhiều trở ngại khi học các ngôn ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, …

Cách phát âm của người Việt được chia thành 2 loại chính là ngữ âm miền Nam và ngữ âm miền Bắc. Bài viết sẽ lấy ngữ âm miền Bắc làm đối tượng để so sánh vì ngữ âm của vùng này được xem là ngữ âm chính thức ở Việt Nam. Bài viết sẽ đề cập tới 3 lỗi sai phổ biến nhất của người Việt trong phát âm và nguồn gốc của chúng.

Lỗi sai về phụ âm

Không phát âm hoặc phát âm sai phụ âm cuối

Như đã phân tích ở phần tổng quan, lỗi không phát âm hoặc phát âm sai phụ âm cuối của người Việt chủ yếu là do số lượng phụ âm cuối trong tiếng Việt chỉ có 8 phụ âm, trong đó có 2 bán phụ âm. Người học Việt Nam thường không phát âm các âm: /f/, /θ/, /ð/, /z/ vì những âm này không có trong tiếng Việt. Mặc dù, người Việt có khả năng phát âm những âm vô thanh như /p/, /t/, /k/ ở vị trí cuối trong từ nhưng với thời lượng cực ngắn gây cản trở cho người bản ngữ khi giao tiếp với người Việt (Nguyen, 2015). Nguyen (2007) đưa ra kết luận về quá trình phát âm phụ âm cuối của đại đa số người học Việt Nam như sau:

  • Đầu tiên, người học chuyển những phụ âm cuối của từ trong tiếng Anh về một phụ âm quen thuộc trong tiếng Việt.

  • Tiếp theo, loại bỏ những âm, cụm âm khó phát âm.

  • Cuối cùng, lượt bỏ final clusters (những cụm phụ âm cuối từ, đứng liền kề nhau).

Quá trình này làm cho phát âm của người học bị Việt hoá, không giống như người bản xứ.

Ví dụ: want (v): muốn, có phiên âm là /wɑːnt/, đa số người học Việt Nam thường bỏ mất phụ âm /t/ ở cuối từ khiến từ want nghe rất giống từ one (n) /wʌn/: số 1

Một số từ trong tiếng Anh còn có cách phiên âm hầu như là tương tự, chỉ khác phụ âm cuối.

Ví dụ: like (v) /laɪk/: thích và life (n) /laɪf/: cuộc sống; có phiên âm gần như là tương tự nhau chỉ khác phụ âm cuối là /k/ và /f/. Nếu người học bỏ qua, không đọc phụ âm cuối, người nghe hoàn toàn có thể hiểu từ này theo 2 cách hiểu khác nhau.

Đọc thêm: Lỗi phát âm phổ biến của người Việt khi học tiếng Anh và cách khắc phục

Phân biệt giữa phụ âm hữu thanh (voiced) và âm vô thanh (voiceless)

Tiếng Việt không có sự phân chia rõ ràng giữa phụ âm vô thanh và phụ âm hữu thanh. Đối lập với tiếng Việt, phụ âm hữu thanh và phụ âm vô thanh đóng một vai trò rất quan trọng trong tiếng Anh. Việc phát âm sai phụ âm hữu thanh và âm vô thanh sẽ gây ra hiểu lầm nghiêm trọng về mặt ngữ nghĩa của từ.

Ví dụ: cap (n): mũ lưỡi trai được phiên âm là /kæp/ với /p/ là một phụ âm vô thanh, nếu người học phát âm từ này là /kæb/ với /b/ là một âm hữu thanh thì người bản xứ sẽ hiểu người học muốn nhắc đến từ cab (n): xe tắc xi.

phan-biet-phu-am-vo-thanh-va-huu-thanh

Nhầm lẫn giữa phụ âm /θ/ và /t/

Cả /θ/ và /t/ đều là 2 phụ âm vô thanh. Tuy nhiên, phụ âm /t/ là âm bật hơi (stop consonant) còn phụ âm /θ/ là âm xát (fricative consonant); người học Việt Nam có xu hướng sẽ phát âm là /t/ đối với tất cả các từ nào có phụ âm /θ/ vì trong tiếng Việt không tồn tại âm xát. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra là do trong tiếng Việt, có âm /th/ gần giống với âm xát /θ/ được người Việt Nam phát âm như âm /t/ nhưng gằn giọng hơn.

Ví dụ: phiên âm của của từ three (n): số 3 là /θriː/, nếu đọc từ này với phụ âm đầu là /t/, người bản xứ sẽ hiểu đây là từ tree (n) /triː/: cái cây.

Nhầm lẫn giữa phụ âm /s/ và /z/

Có 2 vấn đề đáng chú ý khi bàn về sự nhầm lẫn giữa âm /s/ và âm /z/:

Phụ âm /z/ là một trong những phụ âm thường được người học Việt Nam phát âm sai nhất (Nguyen, 2015). Giống như /θ/, /z/ là một âm tắc xát vô thanh, không có trong tiếng Việt. Thay vì đọc là /z/, người học sẽ tự chuyển sang âm /s/, dễ phát âm hơn và quen thuộc hơn.

Ví dụ: dream (n) /driːm/: giấc mơ, khi ở dạng số nhiều là dreams sẽ có phiên âm /dri:mz/ chứ không phải là /dri:ms/ như một số người học vẫn hay lầm tưởng.

Sự dư thừa âm /s/: m /s/ thường được sử dụng nhiều trong tiếng Anh, nhất là ở vị trí cuối của danh từ số nhiều, động từ trong thì hiện tại. Một số người học Việt Nam có hiện tượng lạm dụng âm /s/ này quá nhiều, trong cả các danh từ và tính từ không đếm được.

Ví dụ: money là danh từ không đếm được, khi người học muốn phát âm cụm từ a lot of money: có rất nhiều tiền, người học có thể mắc phải lỗi thêm “s” vào sau từ money, là a lot of moneys.

Đọc thêm: Prosody Pyramid là gì? Cách ứng dụng Prosody Pyramid vào việc học phát âm

Nhầm lẫn giữa các phụ âm /p/, /f/ và /b/

Không có từ nào trong tiếng Việt được bắt đầu bằng một âm vô thanh bật hơi như /p/. Do đó, khi gặp những từ trong tiếng Anh bắt đầu bằng âm /p/, người học sẽ tự đổi từ đó thành âm bật hơi hữu thanh /b/ hoặc âm xát hữu thanh /f/.

Ví dụ: từ pool (n) /puːl/ bắt đầu bằng âm /p/ và dễ bị nhầm lẫn với cách đọc của từ fool (n) /fuːl/: đồ ngốc, hoặc boll (n) /boʊl/: quả bông

Một số vấn đề phát âm xoay quanh phụ âm /s/

Theo một nghiên cứu của Nguyen (2007), phụ âm /s/ được thêm vào cuối các từ có dạng CVC (Consonant – Vowel – Consonant), thường xuyên bị bỏ qua.

Ví dụ: trong câu “Every morning, she sits at the back of the class”. Động từ sit (v) /sɪt/: ngồi, trong câu đang ở thì hiện tại đơn có dạng là sits, phát âm đúng là /sɪts/. Âm /s/ ở cuối từ sits ở câu này thường xuyên bị lược bỏ thành /sɪt/ trong quá trình giao tiếp của học sinh người Việt. Đặc biệt là đối với các học sinh đang bắt đầu học tiếng Anh.

Tương tự /s/, Nguyen (2007) cũng cho rằng, các từ kết thúc bằng phụ âm /t/ cũng thường bị bỏ qua như phụ âm /s/.

Ví dụ: trong câu “She always wants to have a beautiful doll.” Động từ want (v) /wɑːnt/ trong câu này cũng ở thì hiện tại đơn với dạng wants, có phát âm là /wɑːnts/ chứ không phải là /wan/.

Lỗi sai về nguyên âm

Từ bảng so sánh ở phần tổng quan, dễ dàng thấy được rằng sự đa dạng của hệ thống nguyên âm trong tiếng Việt. Số lượng diphthongs (nguyên âm đôi) và triphthongs (nguyên âm ba) trong tiếng Việt vượt trội hơn hẳn (tiếng Anh). Tuy nhiên, trong tiếng Việt chỉ có 11 nguyên âm đơn thuần tuý: a/, /ă/, /â/, /o/, /ô/, /ơ/, /e/, /ê/, /u/, /ư/, và /i/. Vị trí của các nguyên âm tiếng Việt trong một từ là không cố định, một số nguyên âm vẫn có nghĩa khi đứng riêng một mình. Việc học các nguyên âm đôi và nguyên âm ba của tiếng Việt cũng không khó vì nó là sự kết hợp qua lại của các nguyên âm đơn.

Vì tiếng Việt không có nguyên âm dài và nguyên âm ngắn nên việc phân biệt các cặp nguyên âm dài ngắn trong tiếng Anh trở nên vô cùng khó khăn. Người Việt chỉ phân biệt nguyên âm dài hay ngắn khi nó được kết hợp với các nguyên âm khác (Nguyen, 2015).

loi-sai-ve-nguyen-am

Nhầm lẫn giữa nguyên âm /i:/ và /ɪ/

Dựa theo kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh được tác giả Nguyễn Tiến Dũng (2015) chia sẻ lại, hầu như tất cả các học sinh của ông đều không thể phân biệt được cặp nguyên âm này.

Ví dụ: Các cặp từ hay bị phát âm sai:

  • need /ni:d/ (v): cần – knit /nɪt/ (v): đan

  • read /ri:d/ (v): đọc – rid /rɪd/ (v): phóng thích

  • leave /li:v/ (v): rời khỏi – live /lɪv/ (v): sống

  • seat /si:t/ (n): chỗ ngồi – sit /sɪt/ (v): ngồi

Nhầm lẫn giữa nguyên âm /ʊ/ và âm /uː/

Nguyên âm /ʊ/ được phát âm giống với nguyên âm /u/ trong tiếng Việt. Trong khi đó, nguyên âm /u:/ thì có cách phát âm tương tự nguyên âm /oo/. Trong tiếng Anh lại có rất nhiều từ được viết với dạng “oo” ở chính giữa và có thể được phát âm là /ʊ/ hoặc /u:/. Điều này gây ra sự bối rối cho người học Việt Nam khi nhìn vào dạng hình thái của từ và không biết phải phát âm theo âm nào mới đúng.

Ví dụ: từ good (adj): tốt, có cặp nguyên âm “oo” ở dạng hình thái nhưng lại được phiên âm là /ɡʊd/.

Nhầm lẫn giữa nguyên âm /e/ và /æ/

Sự nhầm lẫn giữa nguyên âm /e/ và nguyên âm /æ/ là lỗi sai nghiêm trọng nhất của học người học Việt khi học tiếng Anh. Hầu như tất cả các người học Việt Nam khi bắt đầu học tiếng Anh đều không thể phân biệt được sự khác biệt giữa 2 âm này (theo Avery và Ehrlich, 1992; as cited in Nguyen, 2015).

Ví dụ: cặp từ thường hay bị nhầm lẫn nhất trong cặp nguyên âm này là bed /bed/ (n): giường và bad /bæd/ (adj): xấu.

Đọc thêm: Các quy tắc nhấn trọng âm trong câu tiếng Anh (Sentence stress)

Xác định sai trọng âm của từ

Tác giả Luu (2019), cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xác định sai trọng âm của từ ở người học Việt Nam.

Thứ nhất, như đã phân tích ở phần tổng quan, tiếng Việt và tiếng Anh thuộc 2 loại hình ngôn ngữ khác nhau. Các từ trong tiếng Anh có thể là đơn âm hoặc đa âm trong khi các từ trong tiếng Việt đều là từ đơn âm. Thói quen của người học Việt khi nói tiếng Việt gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát âm tiếng Anh của họ. Điều này giải thích tại sao những người học càng lớn tuổi, họ càng khó tạo ra trọng âm từ chính xác hơn những người học ở độ tuổi khác.

Thứ hai, cách học tiếng Anh chủ yếu của học sinh Việt Nam là thông qua các bài học ở trường, nơi các giáo viên thường tập trung vào từ vựng và ngữ pháp nhằm giúp học sinh vượt qua kỳ thi THPT và kỳ thi vào đại học. Các kỳ thi này chỉ kiểm tra kiến ​​thức về ngữ pháp tiếng Anh hoặc kỹ năng đọc hiểu của học sinh, chứ không phải kỹ năng nghe hoặc nói của họ. Do đó, sinh viên Việt Nam không có cơ hội học nhiều về trọng âm của từ. Dẫn đến không thể tạo ra trọng âm chính xác hoặc chỉ ra được đâu là trọng âm trong các từ tiếng Anh.

Thứ ba, có vô số các quy tắc về trọng âm trong tiếng Anh, những quy tắc này làm cho người học tiếng Anh bị bối rối. Bên cạnh đó, mỗi quy tắc đều có một số ngoại lệ, làm cho việc xác định trọng âm trở nên khó khăn hơn.

Tổng kết

Vậy làm thế nào để khắc phục những khác biệt về phát âm giữa tiếng Anh và tiếng Việt, cũng như cải thiện khả năng phát âm cho người học tiếng Anh? Mời bạn đọc đón xem tiếp phần sau của series “Các lỗi phát âm phổ biến trong tiếng Anh của người Việt Nam và cách khắc phục“. 

Bùi Hoàng Phương Uyên

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS, việc ôn luyện đúng và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tham khảo khóa học IELTS để đẩy nhanh quá trình học hiệu quả nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu