Banner background

C1 Advanced (CAE) Listening: Cấu trúc bài thi và chiến lược làm bài

Bài viết giới thiệu về cấu trúc bài thi C1 Advanced (CAE) Listening, cách tính điểm mỗi phần và chiến lược làm bài đối với mỗi dạng đề.
c1 advanced cae listening cau truc bai thi va chien luoc lam bai

Bài thi C1 Advanced (CAE) Listening đòi hỏi sự linh hoạt và hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ tiếng Anh. Với các dạng bài đa dạng và nội dung phong phú, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và áp dụng chiến lược phù hợp là chìa khóa để thành công trong kỳ thi này. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến người học các dạng bài phổ biến trong phần Listening của kỳ thi CAE và chia sẻ các chiến lược hiệu quả để giúp người học đạt kết quả tốt hơn.

Key takeaways

Cấu trúc bài thi C1 Advanced (CAE) Listening:

  • Part 1: Multiple choice

  • Part 2: Sentence completion

  • Part 3: Multiple choice

  • Part 4: Multiple matching

Cách làm các dạng bài trong mỗi phần:

  • Trước khi nghe

  • Trong khi nghe

  • Sau khi nghe

  • Một số lưu ý khi làm bài

Một số tài liệu luyện C1 Advanced (CAE) Listening:

  • Certificate in Advanced English (Cambridge)

  • Advanced Trainer – Six Practice Tests (Cambridge)

  • Cambridge English: Advanced Practice Tests (Oxford)

Tổng quan về bài thi C1 Advanced (CAE) Listening

Bài thi C1 Advanced (CAE) Listening giúp đánh giá kỹ năng nghe của thí sinh trong thực tế, bao gồm khả năng nghe ý chính và nghe thông tin cụ thể cũng như khả năng suy luận trong lúc nghe. Các bài nghe mô phỏng nhiều ngữ cảnh khác nhau như buổi phỏng vấn, chương trình radio, bài diễn thuyết, hay các cuộc trò chuyện thường ngày.

Cấu trúc bài thi C1 Advanced (CAE) Listening

Bài thi C1 Advanced (CAE) Listening kéo dài trong khoảng 40 phút, bao gồm 4 phần với tổng số câu hỏi là 30. Cụ thể, mỗi phần có cấu trúc và nội dung như sau:

Phần thi

Số câu hỏi

Dạng câu hỏi

Format bài nghe

Kỹ năng được đánh giá

Part 1

6

Multiple choice (trắc nghiệm A, B, C)

3 đoạn hội thoại ngắn, mỗi đoạn tương ứng với 2 câu hỏi

Nghe về cảm giác, thái độ, ý kiến, mục đích, chức năng, thỏa thuận, tiến trình hành động, ý chính, chi tiết

Part 2

8

Sentence completion (hoàn thành câu)

1 bài đơn thoại dài khoảng 3 phút

Nghe về những thông tin cụ thể và các quan điểm

Part 3

6

Multiple choice (trắc nghiệm A, B, C, D)

1 đoạn hội thoại giữa 2 hoặc nhiều người dài khoảng 4 phút

Nghe về thái độ, ý kiến, thoả thuận, ý chính, cảm xúc, mục đích của người nói, chức năng và chi tiết

Part 4

10

Multiple matching (nối thông tin-người nói)

5 đoạn đơn thoại của 5 người khác nhau, mỗi bài dài khoảng 30 giây

Nghe về ý chính, thái độ, ý kiến, luận điểm chính, mục đích và cảm xúc của người nói; diễn giải ngữ cảnh

Cách tính điểm C1 Advanced (CAE) Listening

Mỗi câu hỏi trong bài thi C1 Advanced (CAE) Listening đều được tính 1 điểm khi thí sinh trả lời đúng. Như vậy, với 30 câu hỏi, thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa là 30. Điểm bài thi này được quy đổi theo thang điểm Cambridge và Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR) như sau:

Điểm bài thi

Điểm theo thang Cambridge

Phân loại trình độ theo CEFR

26

200

C2

18

180

C1

13

160

B2

11

142

-

Chiến thuật chinh phục bài thi C1 Advanced (CAE) Listening

Part 1 (Multiple choice)

Đặc điểm dạng bài: Thí sinh nghe 3 đoạn hội thoại ngắn, mỗi đoạn hội thoại tương ứng 2 câu hỏi trắc nghiệm. Các câu hỏi và 3 phương án A, B, C đều được thể hiện trên đề thi. Thí sinh cần chọn ra câu trả lời phù hợp nhất với nội dung bài nghe.

Part 1 (Multiple choice)

Phương pháp làm bài:

  • Bước 1: Trước khi nghe

    • Đọc kỹ câu giới thiệu để nắm được chủ đề và ngữ cảnh của đoạn hội thoại.

    • Đọc kỹ và gạch chân các từ khoá trong các câu hỏi và 3 phương án A, B, C.

    • Chú ý những điểm khác biệt giữa 3 phương án để có thể loại trừ các đáp án nhanh hơn.

  • Bước 2: Trong khi nghe

    • Chú ý nghe các từ khoá, những từ này có thể giống với từ khoá trên đề hoặc được paraphrase.

    • Nghe các thông tin xoay quanh từ khoá đó và so sánh với các phương án.

    • Chú ý các từ ngữ, thông tin và cách diễn đạt “bẫy” trong bài nghe.

  • Bước 3: Sau khi nghe

    • Đọc lại câu hỏi và đáp án đã chọn để xác nhận đúng với thông tin đã nghe.

    • Kiểm tra mỗi câu hỏi đều đã được trả lời.

Một số lưu ý:

  • Trình tự thông tin được nhắc đến trong bài nghe tương ứng với trình tự thông tin/câu hỏi trên đề thi.

  • Dạng bài trắc nghiệm thường đánh lạc hướng thí sinh bằng nhiều dạng bẫy khác nhau như các từ phủ định hay người nói sửa lại thông tin vừa đưa ra. Vì vậy, cần tránh việc chọn đáp án ngay khi nghe thấy một từ khoá. Thay vào đó, thí sinh cần kết hợp kỹ năng nghe ý chính và suy luận để hiểu cả câu hoặc cả đoạn hội thoại bên cạnh việc tập trung nghe các chi tiết.

Part 2 (Sentence completion)

Đặc điểm dạng bài: Thí sinh nghe một bài đơn thoại để trả lời 8 câu hỏi điền từ. Nội dung của bài nghe này được tóm tắt thông qua 8 câu trên đề thi, trong đó mỗi câu sẽ có một thông tin bị bỏ trống. Thí sinh cần điền một từ hoặc cụm từ ngắn vào các ô trống để hoàn chỉnh các câu sao cho phù hợp với nội dung bài nghe.

Part 2 (Sentence completion)

Phương pháp làm bài:

  • Bước 1: Trước khi nghe

    • Đọc kỹ đề để nắm chủ đề và ngữ cảnh của bài nghe.

    • Đọc kỹ và gạch chân các từ khoá của mỗi câu.

    • Dự đoán loại từ và nội dung cần điền ở mỗi ô trống.

  • Bước 2: Trong khi nghe

    • Chú ý nghe các từ khoá, những từ này có thể giống với từ khoá trên đề hoặc được paraphrase.

    • Nghe các thông tin xoay quanh từ khoá đó để tìm đáp án.

    • Điền đáp án là từ hoặc cụm từ nghe được trong bài nghe mà không cần paraphrase hay biến đổi.

  • Bước 3: Sau khi nghe

    • Kiểm tra chính tả và ngữ pháp của các đáp án.

    • Kiểm tra các ô trống đều đã được điền đầy đủ.

Một số lưu ý:

  • Các lỗi thường gặp ở dạng bài này là từ số ít/số nhiều và thì động từ. Để tránh những lỗi này, thí sinh cần dự đoán loại từ cụ thể trước khi nghe và lắng nghe kỹ các âm cuối của từ.

  • Đối với một số nội dung, người nói có thể giới thiệu một từ/cụm từ mang tính tổng quát và liệt kê nhiều ví dụ khác nhau. Thông thường, thí sinh cần chọn từ mang ý nghĩa tổng quát cho câu trả lời.

  • Mặc dù đề bài không giới hạn số từ đáp án không chứa những cụm từ quá dài. Bên cạnh đó, thí sinh nên điền đúng từ mình nghe được thay vì paraphrase cũng như tránh điền những từ trùng lặp với thông tin đã có sẵn trong câu.

Part 3 (Multiple choice)

Đặc điểm dạng bài: Thí sinh nghe một đoạn hội thoại giữa 2 hoặc nhiều người để trả lời 6 câu hỏi trắc nghiệm. Các câu hỏi và 4 phương án A, B, C, D đều được thể hiện trên đề thi. Thí sinh cần chọn ra câu trả lời phù hợp nhất với nội dung bài nghe.

Part 3 (Multiple choice)

Phương pháp làm bài:

  • Bước 1: Trước khi nghe

    • Đọc kỹ đề để nắm được chủ đề và ngữ cảnh của đoạn hội thoại.

    • Đọc kỹ và gạch chân các từ khoá trong các câu hỏi và 4 phương án A, B, C, D.

    • Chú ý những điểm khác biệt giữa 4 phương án để có thể loại trừ các đáp án nhanh hơn.

  • Bước 2: Trong khi nghe

    • Chú ý nghe các từ khoá, những từ này có thể giống với từ khoá trên đề hoặc được paraphrase.

    • Nghe các thông tin xoay quanh từ khoá đó và so sánh với các phương án.

    • Chú ý các từ ngữ, thông tin và cách diễn đạt “bẫy” trong bài nghe.

  • Bước 3: Sau khi nghe

    • Đọc lại câu hỏi và đáp án đã chọn để xác nhận đúng với thông tin mình đã nghe.

    • Kiểm tra mỗi câu hỏi đều đã được trả lời.

Một số lưu ý:

  • Tương tự với Part 1, khi làm dạng bài trắc nghiệm ở Part 3, thí sinh cũng cần lưu ý về paraphrase và bẫy trong bài nghe.

  • Mặc dù cùng thuộc dạng trắc nghiệm nhưng bài nghe ở Part 3 có độ dài và độ khó cao hơn Part 1. Vì vậy, thí sinh cần vận dụng kỹ năng nghe ý chính và suy luận nhiều hơn.

  • Bài nghe Part 3 khá dài. Để tránh mất tập trung hoặc bỏ lỡ thông tin, thí sinh nên chú ý đến tiến trình bài nghe bằng cách theo dõi các từ khoá ở mỗi câu hỏi.

Part 4 (Multiple matching)

Đặc điểm dạng bài: Thí sinh nghe 5 đoạn đơn thoại của 5 người khác nhau để trả lời 10 câu hỏi dạng nối. 10 câu hỏi này được chia thành 2 phần riêng. Ở mỗi phần, thí sinh được yêu cầu nối 5 trong số 8 thông tin cho sẵn với mỗi người nói tương ứng. Thí sinh cần phải làm song song cả 2 phần này trong lúc nghe.

Part 4 (Multiple matching)

Phương pháp làm bài:

  • Bước 1: Trước khi nghe

    • Đọc kỹ đề để nắm được chủ đề và ngữ cảnh của đoạn hội thoại.

    • Đọc kỹ yêu cầu của mỗi task để xác định nội dung thông tin cần nghe.

    • Đọc kỹ và gạch chân các từ khoá trong các phương án.

    • Xác định những điểm khác biệt giữa các phương án để có thể loại trừ các đáp án nhanh hơn.

  • Bước 2: Trong khi nghe

    • Làm cả 2 task cùng lúc trong khi nghe (thí sinh cần phải xác định 2 loại thông tin tương ứng với mỗi người nói).

    • Chú ý nghe các từ khoá, những từ này có thể giống với từ khoá trên đề hoặc được paraphrase.

    • So sánh nội dung bài nói của mỗi người với các từ khoá trong các phương án.

    • Chú ý các từ ngữ, thông tin và cách diễn đạt “bẫy” trong bài nghe.

  • Bước 3: Sau khi nghe

    • Kiểm tra mỗi câu hỏi đều đã có 1 đáp án và các đáp án này không được trùng nhau.

Một số lưu ý:

  • Trong mỗi đoạn đơn thoại, người nói có thể nhắc đến nhiều từ khoá có trong các phương án khác nhau. Thí sinh cần vận dụng kỹ năng nghe ý chính và suy luận để xác định chính xác luận điểm của mỗi người nói.

  • Nếu đã bỏ lỡ thông tin hoặc chưa thể xác định đáp án phù hợp nhất với một người nói, thí sinh có thể ghi lại một vài đáp án mình nghi ngờ và tập trung nghe các nội dung tiếp theo. Sau khi đã hoàn thành những câu khác, thí sinh có thể dùng phép loại trừ để tìm ra đáp án có khả năng đúng cao nhất.

Gợi ý một số tài liệu luyện C1 Advanced (CAE) Listening hiệu quả

Certificate in Advanced English

  • Nhà xuất bản: Cambridge University Press.

  • Nội dung: Bộ sách bao gồm 6 quyển, mỗi quyển có 4 bài test được thiết kế theo đúng format CAE. Đối với phần Listening, sách cung cấp đáp án và audio script giúp người học dễ dàng tự kiểm tra sau khi làm bài.

  • Đối tượng phù hợp: Những người đã nắm vững cách làm bài C1 Advanced (CAE) Listening và có nhu cầu luyện đề.

Advanced Trainer – Six Practice Tests

  • Nhà xuất bản: Cambridge University Press.

  • Nội dung: Sách bao gồm 6 bài test. Ở 2 bài test đầu tiên, tác giả đưa ra các hướng dẫn cụ thể và các mẹo làm bài cho từng dạng đề, đồng thời cung cấp một số bài luyện tập khác hỗ trợ người học làm bài tốt hơn. 4 bài test sau đó được thiết kế theo đúng format bài thi CAE. Đối với phần Listening, sách cung cấp cả đáp án, audio script và giải thích chi tiết giúp người học dễ dàng đối chiếu và xác định lỗi sai sau khi làm bài.

  • Đối tượng phù hợp: Những người mới bắt đầu học CAE hoặc có mong muốn cải thiện chiến lược làm bài C1 Advanced (CAE) Listening hiệu quả hơn.

Cambridge English: Advanced Practice Tests

  • Nhà xuất bản: Oxford University Press.

  • Nội dung: Sách bao gồm 4 bài test được thiết kế theo đúng format CAE. Đối với phần Listening, sách cung cấp đáp án và audio script giúp người học dễ dàng tự kiểm tra sau khi làm bài.

  • Đối tượng phù hợp: Những người đã nắm vững cách làm bài C1 Advanced (CAE) Listening và có nhu cầu luyện đề.

Tổng kết

Bài viết trên đã giới thiệu về cấu trúc bài thi C1 Advanced (CAE) Listening, phương pháp làm mỗi dạng bài cũng như chia sẻ một số nguồn tài liệu luyện thi C1 Advanced (CAE) Listening. Hy vọng những thông tin này có thể hỗ trợ người học ôn luyện kỹ năng Listening hiệu quả hơn và đạt kết quả tốt trong kỳ thi CAE. Trong quá trình học, người học có thể tham gia trao đổi với bạn học và giảng viên tại diễn đàn ZIM Helper để được hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của mình.

Đọc thêm: Chứng chỉ Cambridge: Các cấp độ & Lợi ích của chứng chỉ.


Nguồn tham khảo

“C1 Advanced Exam Format.” Cambridge University Press and Assessment, https://www.cambridgeenglish.org/exams-and-tests/advanced/exam-format/. Accessed 16 Mar. 2024.

“C1 Advanced – Information for Candidates.” Cambridge University Press and Assessment, 2024.

“The Cambridge English Scale Explained.” Cambridge University Press and Assessment, Nov. 2023.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...