Banner background

Sử dụng Transcript đúng cách để ôn luyện các kỹ năng cho bài thi IELTS

Trong quá trình ôn luyện kỹ năng IELTS Listening, thí sinh chắc hẳn đã từng tận dụng phần transcript để kiểm tra đáp án của bài nghe. Tuy nhiên, lợi ích của transcript không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra đáp án mà thực chất, đây còn là một nguồn tài nguyên quý giá để thí sinh ôn luyện cả ba kỹ năng còn lại. Trong bài viết này, tác giả sẽ hướng dẫn thí sinh cách khai thác 7 nội dung từ transcript để tối ưu hoá quá trình ôn luyện IELTS.
su dung transcript dung cach de on luyen cac ky nang cho bai thi ielts

Key takeaways

7 nội dung và kỹ năng có thể được cải thiện thông qua việc học transcript:

  • Từ đồng nghĩa (Synonyms): Phù hợp cho Reading

  • Cụm từ (Collocations): Phù hợp cho Writing và Speaking

  • Cụm động từ (Phrasal verbs): Phù hợp cho Reading, Writing và Speaking

  • Từ vựng chủ đề (Topic vocabulary): Phù hợp cho Writing task 2 và Speaking part 3

  • Chunks of words: Phù hợp cho Speaking

  • Phép tham chiếu (Referencing): Phù hợp cho Writing và Speaking

  • Kỹ thuật nhại lại (Shadowing): Phù hợp cho Speaking

Transcript là gì?

Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, “transcript is a written or printed copy of words that have been spoken”. Theo tiếng Việt, đây được hiểu là một bản chép lại từ một bài nói, bài diễn thuyết, cuộc hội thoại nào đó.

Trong các đề luyện thi IELTS Listening, transcript thường sẽ xuất hiện ở phần đáp án cho mỗi section. Một vài sách như Cambridge còn giải thích và in đậm (hoặc gạch chân) cụ thể những từ khoá, câu, đoạn có chứa nội dung đáp án. Đây là một nguồn tài nguyên cực kỳ hữu ích mà thí sinh không nên bỏ qua.

image-alt

Lựa chọn transcript chất lượng

Để lựa chọn transcript chất lượng, thí sinh cần ôn luyện bằng những tài liệu hoặc website uy tín bám sát với format của đề thi IELTS. Phổ biến nhất trong số đó là bộ Cambridge 14-18 được nhiều thí sinh đánh giá là khá tương đồng với đề thi thật hiện tại về cả cấu trúc đề lẫn tốc độ đọc.

Ngoài ra, thí sinh cũng có thể tham khảo bộ đề thi mẫu được chính Hội đồng Anh British Council đăng tải ở mục Preparing for IELTS trên website chính thức.

Khi lựa chọn nguồn tài liệu luyện thi, thí sinh nên hạn chế hoặc ngưng ôn luyện những đề có đặc điểm sau:

  • Sai cấu trúc đề thi. Thí sinh có thể tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc bài thi IELTS 2024 tại đây.

  • Các câu hỏi không theo thứ tự (đối với những dạng bài bắt buộc theo thứ tự).

  • Chất lượng audio thấp dẫn đến quá trình luyện nghe gặp nhiều khó khăn.

  • Chất lượng hình ảnh thấp (đối với maps, process, …)

  • Tốc độ đọc quá nhanh, không tự nhiên và giọng đọc có phần máy móc, nghe như robot.

  • Transcript có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, …

Nếu ôn luyện ở những nguồn này trong một thời gian dài, tâm lý thí sinh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì tạo cảm giác quá khó so với đề thi thật. Ngoài ra, chiến lược làm bài của thí sinh cũng sẽ đi sai hướng. Cần lưu ý: Chất lượng hơn số lượng.

image-alt

Các nguồn tài nguyên quý giá từ transcript

Từ đồng nghĩa (Synonyms)

Kỹ năng cải thiện: Reading

Về căn bản, transcript cũng như một bài đọc IELTS nhưng với độ dài và độ học thuật thấp hơn. Ngoài ra, ngôn ngữ sử dụng trong transcript cũng thiên về văn nói nhiều hơn so với những bài đọc học thuật mà thí sinh thường thấy trong IELTS Reading. Tuy nhiên, điểm tương đồng giữa transcript và IELTS Reading đó là các đáp án thường là những từ đồng nghĩa hoặc đã được paraphrase lại so với câu hỏi.

Do đó, thí sinh có thể tận dụng đặc điểm này để trau dồi thêm vốn từ đồng nghĩa, từ đó cải thiện kỹ năng Reading của mình.

Xét ví dụ minh hoạ sau:

Questions 11-12 Which TWO activities that volunteers do are mentioned?

A. decorating

B. cleaning

C. delivering meals

D. shopping

E. childcare

(Test 3 - Section 2 - Cambridge IELTS 14 Academic)

Transcript: They might even do some (Q11) painting or wallpapering, perhaps alongside any members of the family who are able to do it. Or even do (Q12) some babysitting so that parents can go out for a while.

Dựa theo nội dung ở transcript, ta có thể thấy đáp án về 2 hoạt động được nhắc đến trong bài nghe là A. decoratingE. childcare. Ở đây, từ decorating (trang trí) đã được paraphrase thành painting (sơn)wallpapering (dán tường). Ngoài ra, từ childcare (trông trẻ) cũng có đồng nghĩa là babysitting.

Cụm từ (Collocations)

Kỹ năng cải thiện: Writing và Speaking

Một vài nội dung trong bài nghe có sử dụng cụm từ (collocations) để tăng tính diễn đạt trong câu, nhằm giúp lời nói tự nhiên hơn và trôi chảy hơn. Cụm từ (Collocations) là những cặp từ thường đi chung với nhau, ví dụ như go shopping, strike a balance, take a break, do yoga, make an appointment, …

IELTS Writing band descriptor của band 7 có xuất hiện dòng tiêu chí sau “uses less common lexical items with some awareness of style and collocation”. Điều này có nghĩa là thí sinh cần cho giám khảo thấy được khả năng kết hợp các từ với nhau (collocations) một cách chính xác và tự nhiên.

Do đó, việc sử dụng thuần thục collocations trong bài thi sẽ giúp nâng cao điểm tiêu chí Từ vựng (Lexical Resources) của thí sinh. Khi kiểm tra đáp án bằng transcript, thí sinh cần xác định và học những cụm từ này để có thể ứng dụng cho các kỹ năng productive như Speaking và Writing.

Cụ thể, thí sinh có thể bắt gặp những cụm từ sau trong transcript:

image-alt

Trong transcript trên, có 3 cụm từ đáng giá gồm:

  • have idea of N (biết về điều gì đó)

  • provide insight into N (cung cấp thông tin về)

  • give a speech (phát biểu).

Cụm động từ (Phrasal verbs)

Kỹ năng cải thiện: Reading, Writing và Speaking

Cụm động từ (Phrasal verbs) là một nhóm các từ đóng vai trò như một động từ, bao gồm 1 động từ kết hợp với 1 giới từ và/hoặc 1 trạng từ. Ví dụ cụ thể bao gồm look for (tìm kiếm), set up (thiết lập, chuẩn bị), take away (mang đi), make up (làm hoà), go back on (thất hứa), …

Cụm động từ không chỉ quan trọng trong tiếng Anh học thuật mà còn cả trong cuộc sống hằng ngày. Cụm động từ rất phổ biến trong những cuộc hội thoại thông thường vì giúp lời nói tự nhiên, trôi chảy và mang tính diễn đạt cao hơn. Ví dụ, thay vì nói “What’s happening here?”, chúng ta có thể nói “What’s going on here?”. Hoặc, “You went back on your promise!” thay cho “You didn’t keep your promise!”.

Tuy phổ biến là thế, nhưng đây là một nội dung khá khó nhằn với một vài thí sinh bởi số lượng lớn, sự đa dạng về ngữ nghĩa và tính bất quy tắc của chúng. Để luyện tập cụm động từ nhiều hơn, thí sinh nên tìm đọc trong những đoạn transcript vì đó là nguồn tài nguyên dồi dào để tiếp nạp và ghi nhớ những từ vựng này.

Ví dụ, trong đoạn transcript sau, thí sinh có thể bắt gặp một vài cụm động từ phổ biến:

image-alt

Những cụm động từ đắt giá trong transcript trên gồm:

  • go into something (bắt đầu dấn thân vào một công việc nào đó)

  • set up (thành lập)

  • carry out (thực hiện)

  • go on (diễn ra)

  • come in (đến, đi vào, …)

  • find out (phát hiện, tìm ra)

  • get on (có mối quan hệ tốt với)

Từ vựng chủ đề (Topic vocabulary)

Kỹ năng cải thiện: Writing task 2 và Speaking

Từ vựng chủ đề là những từ vựng thường được dùng cho một chủ đề nhất định. Ví dụ, chủ đề Giáo dục (Education), thường có những từ vựng chủ đề như: higher education (bậc học cao hơn), bookworm (mọt sách), independent learning (tự học), international qualification (bằng cấp quốc tế), …

Càng về sau, tính học thuật trong bài nghe càng tăng. Đặc biệt, trong section 3 và 4 thí sinh sẽ được nghe về những đoạn hội thoại và độc thoại trong đó có chứa những từ vựng chủ đề đắt giá. Việc ghi chú và ghi nhớ những từ này sẽ giúp ích cho thí sinh trong quá trình triển khai ý tưởng và tăng điểm tiêu chí Lexical Resources, đặc biệt là trong Writing task 2 và Speaking part 3.

Ví dụ, trong đoạn transcript sau, thí sinh có thể học được nhiều từ vựng về chủ đề Nature (Thiên nhiên) như:

image-alt

Chunks of words

Kỹ năng cải thiện: Speaking

Những từ thường xuyên đi cùng với nhau và tạo thành một cụm từ thường dùng trong tiếng Anh được gọi là Chunk of words. Và chunking có nghĩa là phương pháp dùng các mẫu câu, cụm từ hoặc cách diễn đạt thông qua ngữ cảnh thay vì một từ riêng lẻ.

Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật chunking và xem các ví dụ minh hoạ, thí sinh có thể tham khảo bài viết: Chunking là gì và ứng dụng trong IELTS Speaking

Trong transcript, chunks of words thường xuất hiện ở những đoạn hội thoại có 2 người nói trở lên. Ngoài ghi chú những cụm từ này, thí sinh nên tập đọc theo audio để trau dồi kỹ năng sử dụng chunking trong bài nói, từ đó tăng điểm tiêu chí phát âm.

Ví dụ:

image-alt

Những chunks of words thí sinh có thể ghi chú được từ transcript trên gồm:

  • I’m sorry to hear that.

  • It’s OK.

  • I’m over it

  • It’s much better to

  • It’s going to be good

  • I agree

  • because of that

  • You know

  • I’d imagine

Phép tham chiếu (Referencing)

Kỹ năng cải thiện: Writing và Speaking

Trong phần thi Writing và Speaking, tiêu chí Coherence and Cohesion được xem là một phần khó lấy điểm với nhiều thí sinh. Phần lớn vấn đề mà thí sinh gặp phải là hình thành những câu văn hoặc câu nói rời rạc và thiếu tính liên kết, từ đó khiến người đọc và người nghe khó nắm bắt được thông tin một cách hiệu quả. Trong tiêu chí này, có một khía cạnh mà thí sinh có thể luyện tập để cải thiện điểm số của mình, đó là sử dụng Phép tham chiếu (Referencing).

Về căn bản, tham chiếu là khi người học đề cập đến một đối tượng đã được nêu trước đó mà không lặp lại các từ tương tự. Xét ví dụ sau:

Joanne is the only girl in the group to win the first prize in the competition. She is very proud of this.

Trong câu trên, người viết sử dụng phép tham chiếu “she” để thế cho “Joanne” và “this” để thế cho cả cụm “to win the first prize in the competition” nhằm tránh lặp từ.

Khi kiểm tra đáp án bài nghe bằng transcript, thí sinh hãy thường xuyên gạch chân những phép tham chiếu và ghi chú lại để quen thuộc với kỹ thuật này. Ví dụ, trong đoạn transcript sau, những từ tham chiếu nhau sẽ có cùng một màu:

image-alt

Kỹ thuật nhại lại (Shadowing)

Kỹ năng cải thiện: Speaking

Kỹ thuật nhại lại (Shadowing) là phương pháp luyện nói tiếng Anh bằng cách bắt chước về mặt phát âm, độ nhấn nhá và ngữ điệu của người bản xứ. Đây là một trong những kỹ thuật thực hành ngoại ngữ phổ biến và được chứng minh là có hiệu quả tốt. Phần transcript là một tài nguyên đắt giá để luyện shadowing vì đây được xem như một “kịch bản” được viết sẵn, và thí sinh chính là những “diễn viên lồng tiếng”.

Về căn bản, những gì thí sinh cần làm khi luyện tập Shadowing là mở audio cùng transcript của bài nghe và “nhại lại” lời thoại của từng nhân vật theo đúng tông giọng, cách ngắt âm và ngữ điệu. Để tăng hiệu quả, thí sinh cũng có thể tự ghi âm lại bài nói của mình và tự đánh giá hoặc nhờ bạn bè, giáo viên nhận xét giúp.

Thí sinh có thể tham khảo 5 bước luyện tập shadowing tại nhà như sau:

image-alt

Hãy cùng luyện tập shadowing với đoạn video sau: https://youtu.be/DPkk0lfOrlc?t=99. Thí sinh bật phụ đề trên video để thấy transcript.

image-alt

Luyện tập

Xác định và ghi chú lại Từ đồng nghĩa, Cụm từ, Cụm động từ, Chunks of words, Phép tham chiếu và Từ vựng chủ đề trong đoạn transcript sau:

image-alt

Đáp án

Từ đồng nghĩa (Synonyms):

  • exercise = to work out (v): tập thể dục

  • reduce = decrease (v): giảm

  • join = participate (v): tham gia

Cụm từ (Collocations)

  • decrease/reduce the risk of something: giảm nguy cơ xảy ra điều gì đó

  • release chemicals: tiết ra các hoá chất

  • sharpen one’s focus: tăng khả năng tập trung

  • improve one’s mood: cải thiện tâm trạng

  • join a team: tham gia vào nhóm

  • establish a habit: hình thành thói quen

  • give help: giúp đỡ

  • accept help: nhận sự giúp đỡ

Cụm động từ (Phrasal verbs)

  • clear out something from something: loại bỏ cái gì đó ra khỏi cái gì đó

  • work out: tập thể dục

  • turn out: hoá ra

Từ vựng chủ đề Sức khoẻ (Health) và Cơ thể con người (Human body)

  • bone (n): xương

  • artery (n): động mạch

  • stroke (n): cơn đột quỵ

  • blood pressure (n): huyết áp

  • diabetes (n): bệnh béo phì

  • hormone (n): hóoc-môn

  • nervous system (n): hệ thần kinh

  • psychological (adj): thuộc về tâm lý

  • communal (adj): chung, thuộc cộng đồng

  • commitment (n): sự cam kết, sự ràng buộc

  • depression (n): bệnh trầm cảm

Chunks of words

  • here’s where it gets interesting: đây mới là phần thú vị

  • it turns out that: hoá ra là

  • studies show that: nghiên cứu chỉ ra rằng

  • for instance, …: ví dụ

  • in addition, …: ngoài ra

Phép tham chiếu (Referencing)

Các phép tham chiếu được đánh dấu cùng màu như sau:

image-alt

Sau khi xác định được 6 nguồn tài nguyên nói trên, thí sinh đừng quên luyện tập kỹ thuật nhại lại (Shadowing) theo đoạn audio có trong link để cải thiện kỹ năng Speaking của mình.

Tổng kết

Như vậy, bên cạnh việc kiểm tra đáp án Listening, thí sinh không nên bỏ qua phần transcript vì đây là nguồn tài nguyên quý giá cho giai đoạn ôn luyện IELTS. Khi tận dụng triệt để những tài liệu này, thí sinh sẽ thu nạp được một lượng kiến thức khổng lồ, qua đó có thể nâng cao điểm thi IELTS của cả bốn kỹ năng trong tương lai.


Tài liệu tham khảo

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...