Cách để tăng tần suất gặp lại các từ vựng IELTS Reading đã học
Key takeaways
Các giải pháp để học từ vựng IELTS Reading tốt hơn bằng cách tăng tần suất gặp lại các từ vựng đã học:
Lựa chọn nguồn đọc vừa sức
Lựa chọn từ vựng cốt lõi
Tạo liên kết sử dụng
Đọc lại các bài cũ và tìm đọc các bài mới cùng chủ đề
Vận dụng
Tự đánh giá và rút kinh nghiệm
Từ vựng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người học có thể làm tốt các câu hỏi trong phần thi IELTS Reading. Tuy nhiên, đôi khi việc học từ vựng lại rất khó khăn vì người học không có nhiều cơ hội gặp lại các từ vựng đã học, dần dần khiến người học bị quên các từ vựng đó. Do đó, bài viết này sẽ hướng dẫn các cách thức mà người học có thể áp dụng để tăng tần suất gặp lại các từ vựng IELTS Reading đã học một cách hiệu quả.
Giới thiệu về bài thi IELTS Reading
IELTS Reading là phần thi kiểm tra kỹ năng đọc của thí sinh với tổng thời gian thi là 60 phút, gồm 40 câu hỏi tương ứng với 3 bài đọc. IELTS Reading bao gồm 2 dạng thi, tùy thuộc vào lựa chọn của thí sinh:
Academic IELTS Reading: Gồm 3 đoạn văn, trích từ các sách, báo hoặc tạp chí, thường mang tính học thuật và chuyên môn cao, đòi hỏi thí sinh có kỹ năng phân tích và suy luận tốt. Dạng thi này chủ yếu dành cho các thí sinh để học đại học hoặc học sau đại học.
General IELTS Reading: Gồm 3 đoạn văn, thường trích từ các hướng dẫn hoặc quảng cáo, có mang tính gần gũi hơn với đời sống hàng ngày. Dạng thi này chủ yếu dành cho thí sinh để nhập cư, làm việc hoặc đào tạo nghề.
Phần thi IELTS Reading kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu như tìm ý chính, nắm bắt chi tiết cụ thể, suy luận và đánh giá lập luận. Thí sinh cần trả lời các loại câu hỏi như điền từ, nối thông tin, chọn đáp án đúng, hoặc xác định thông tin đúng/sai.
Vai trò của từ vựng trong xử lý phần thi IELTS Reading
“Without grammar, very little can be conveyed; without vocabulary, nothing can be conveyed.” - David Wilkins [4], nhà ngôn ngữ học người Anh. Câu này hàm ý rằng, trong giao tiếp, từ vựng đóng vai trò quan trọng hơn cả ngữ pháp, tức là không có từ vựng thì thông tin không thể được truyền tải một cách hiệu quả.
Đối với IELTS Reading, từ vựng đóng vai trò quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đọc hiểu thông tin của thí sinh. Vai trò của từ vựng trong IELTS Reading là sẽ giúp thí sinh:
Hiểu nội dung của bài đọc: Từ vựng là nền tảng căn bản giúp thí sinh có thể hiểu được ý nghĩa mà bài văn muốn truyền tải, từ đó giúp thí sinh có thể làm tốt các câu hỏi trong IELTS Reading
Nhận diện được các trường hợp paraphrase: IELTS Reading thường không dùng lại nguyên văn các từ vựng mà thay thế bằng các từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác. Do đó, để có thể xử lý tốt các câu hỏi trong IELTS Reading, người học cần phải nắm được nhiều từ vựng để nhận ra sự tương đồng giữa câu hỏi và nội dung trong bài.
Quản lý thời gian: Thời gian làm bài IELTS Reading khá hạn chế (60 phút), do đó khi có vốn từ vựng tốt, thí sinh có thể hoàn thành bài nhanh hơn, tiết kiệm thời gian để xử lý các câu hỏi khó.
Vấn đề ít gặp lại các từ vựng đã học trong IELTS Reading

Một vấn đề phổ biến mà nhiều người học IELTS gặp phải là họ ít khi gặp lại các từ vựng đã học trong phần IELTS Reading. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình ôn luyện và làm bài thi. Dưới đây là một số lý do của tình trạng này:
Khối lượng các từ vựng quá lớn: IELTS Reading có nội dung các bài đọc khá phức tạp và dài, đồng nghĩa với khối lượng các từ vựng mà người học cần phải xử lý là rất lớn. Do đó, nếu không có một cách xử lý các từ vựng hiệu quả và một chiến lược học tập tốt thì người học có thể cảm thấy quá tải và nản chí.
Sự đa dạng trong cách diễn đạt: Các văn bản trong IELTS Reading thường sử dụng nhiều cách diễn đạt và từ đồng nghĩa khác nhau để tránh lặp từ. Vì vậy, ngay cả khi từ vựng đã học xuất hiện, nó có thể được thay bằng cách diễn đạt mới mà thí sinh chưa quen.
Thiếu cơ hội thực hành: Nhiều người học rất chăm chỉ học từ vựng mỗi ngày nhưng lại không có các cơ hội để vận dụng các kiến thức đó vào thực tiễn các bài thi. Điều này khiến việc ghi nhớ và sử dụng các từ vựng trở nên khó khăn.
Cải thiện quá trình học từ vựng IELTS Reading bằng cách tăng tần suất gặp lại các từ vựng đã học
Lợi ích của việc tăng tần suất gặp lại các từ vựng đã học
Củng cố trí nhớ về từ vựng dài hạn: Việc thường xuyên gặp lại các từ vựng đã học sẽ giúp người học cải thiện trí nhớ về các từ vựng đó không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn, góp phần giúp người học vận dụng tốt hơn các từ vựng đó trong thực tiễn bài thi IELTS Reading.
Cải thiện nhận diện từ vựng và hiểu ngữ cảnh: Gặp lại các từ vựng ở nhiều trường hợp và ngữ cảnh khác nhau giúp người học hiểu rõ và nhận diện tốt hơn các từ vựng. Điều này đặc biệt hữu ích trong bài thi IELTS Reading khi mà thí sinh phải xử lý các bài đọc phức tạp với nhiều trường hợp các từ đồng nghĩa hoặc cấu trúc diễn đạt phức tạp.
Tăng sự tự tin cho thí sinh khi làm bài: Khi xây dựng một chiến lược từ vựng hiệu quả, thí sinh sẽ được trang bị kiến thức về từ vựng tốt hơn, từ đó tự tin hơn khi tham gia thi thật.
Nghiên cứu khoa học về hiệu quả

Lý thuyết Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ thứ 19, lần đầu nhắc tới bởi Nhà Tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus khi ông khám phá ra đường cong lãng quên ("forgetting curve"), cho thấy rằng thông tin bị quên dần theo thời gian nếu không được ôn lại. Ông đã tạo ra một danh sách học tập trên mẫu giấy và phát hiện ra mình có thể ghi nhớ các nội dung đó nhanh hơn nếu việc ôn tập được phân bổ và diễn ra ở các thời điểm khác nhau. Trên thực tế, điều này được áp dụng khá phổ biến. Ví dụ, một quảng cáo trên tivi sẽ chỉ xuất hiện một lần, sau đó các quảng cáo khác sẽ xuất hiện và sau một khoảng thời gian nhất định (khoảng 20 - 30 phút) thì quảng cáo ban đầu mới xuất hiện lại. Trong trường hợp này, người xem có khuynh hướng ghi nhớ tốt hơn và nhận diện tốt hơn nội dung và thương hiệu được quảng cáo [2].
Ở khía cạnh học tập và nghiên cứu, Spaced Repetition ngày càng được nghiên cứu sâu rộng hơn và đã chứng minh các hiệu quả nhất định cho người học và người nghiên cứu. Khi áp dụng Spaced Repetition, người học có thể ghi nhớ tốt hơn các kiến thức, trong khi những người học bình thường không áp dụng Spaced Repetition thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ như nhớ chậm hơn hoặc chỉ có thể nhớ các nội dung trong ngắn hạn [5].
Vậy, bằng cách tăng tần suất gặp lại các từ vựng IELTS Reading đã học, người học có thể tạo ra một môi trường vận dụng Spaced Repetition, cho phép họ có thể ôn tập lặp lại ngắt quãng các từ đã học và đã gặp trước đó. Điều này sẽ giúp người học cải thiện vốn từ và hoàn thành bài thi IELTS Reading tốt hơn.
Các bước để tăng tần suất gặp lại các từ vựng đã học trong IELTS Reading
Sau đây là các bước mà người học có thể áp dụng để tăng tần suất gặp lại các từ vựng đã học trong IELTS Reading:
1. Lựa chọn nguồn đọc vừa sức
Điều đầu tiên mà người học cần chú ý là lựa chọn nguồn bài đọc IELTS Reading phù hợp với trình độ bản thân. Người học IELTS, đặc biệt là những người học mới, thường có tâm lý mong muốn bản thân phải tiến bộ thật nhanh nên thường chọn các nguồn đọc có từ vựng và nội dung quá phức tạp, không vừa sức với trình độ thực tế. Ngược lại, đôi khi người học lại chọn các bài đọc có nội dung và từ vựng quá dễ, dẫn tới kết quả học không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, điều quan trọng đầu tiên người học cần lưu ý là lựa chọn nguồn đọc phù hợp và vừa sức với bản thân. Để làm được điều này, người học có thể vận dụng các cách sau:
Kiểm tra năng lực đầu vào của bản thân: Một trong những cách hiệu quả và chính xác nhất là người học nên thực hiện một bài kiểm tra đầu vào và dựa vào kết quả kiểm tra đó để xây dựng và lựa chọn các nguồn đọc phù hợp. Ngoài ra, việc kiểm tra trình độ đầu vào cũng giúp người học có thể xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn một cách hợp lý và hiệu quả. Ví dụ, nếu trình độ đầu vào là 5.0 thì người học có thể xác định lộ trình khoảng 6 tháng để đạt mục tiêu là 6.5.
Lựa chọn tài liệu phù hợp: Dựa trên kết quả đầu vào, người học có thể bắt đầu lựa chọn các nguồn tài liệu phù hợp với trình độ hiện tại. Ví dụ:
Band 5 - 6: Người học nên lựa chọn các nguồn bài báo, tạp chí hoặc sách có nội dung ngắn, từ vựng đơn giản với ít các từ vựng chuyên ngành để làm quen như TED-Ed, National Geographic, BBC Learning English, …
Band 7 trở lên: Người học có thể đọc các tin tức hoặc bài báo như The Washington Post hay The Guardian hoặc nghiên cứu các tạp chí có tính học thuật cao hơn.
Điều chỉnh độ khó của các bài đọc: Trong quá trình đọc, người học có thể đưa ra các đánh giá về độ khó của các tài liệu mà mình đang đọc. Nếu cảm thấy thoải mái và dễ dàng khi đọc các bài đọc ở một trình độ nhất định, người học có thể cân nhắc tăng dần độ khó với các bài đọc phức tạp hơn để thử thách bản thân. Ngược lại, nếu người cảm thấy chật vật khi đọc các bài đọc thì nên cân nhắc chuyển sang các nguồn đọc có trình độ thấp hơn.
2. Lựa chọn từ vựng cốt lõi

Khi bắt đầu đọc các bài IELTS Reading hay bất kỳ bài đọc nào, điều quan trọng mà người học cần lưu ý là cách ghi chú các từ vựng cần phải học. Ở giai đoạn này, việc lựa chọn từ vựng phù hợp sẽ quyết định sự thành công trong việc tiếp thu và ứng dụng từ vựng vào thực tế.
Chú ý đọc kỹ đoạn văn và lưu ý đến các chi tiết: Khi đọc một đoạn văn, người học cần lưu ý những từ vựng/cụm từ hoặc các chi tiết có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ý chính của đoạn văn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người học sẽ học tất cả các từ vựng trong bài đọc mà chỉ nên tập trung vào những từ quan trọng, ảnh hưởng đến việc hiểu nội dung chính. Những từ vựng này thường là từ khóa, cụm từ chuyên ngành hoặc những từ được lặp lại nhiều lần trong đoạn văn, giúp người đọc nắm bắt được ý nghĩa cốt lõi của bài đọc.
Chọn lọc từ vựng: Trong quá trình đọc, người học đánh dấu các từ vựng mới trong ngữ cảnh của bài văn. Cần đặc biệt lưu ý các từ vựng có vẻ quan trọng đến ý nghĩa của bài văn cũng như những từ vựng học thuật/chuyên ngành vì những từ vựng này có khuynh hướng xuất hiện thường xuyên trong các bài IELTS Reading.
Ghi chú các từ vựng: Sau khi đánh dấu các từ vựng và hoàn thành bài đọc, người học tổng hợp lại các từ vựng đã học bằng cách sử dụng sổ tay ghi chú hoặc các ứng dụng trên điện thoại. Với mỗi từ vựng, người học cần ghi chú cụ thể về nghĩa, kèm theo ít nhất một ví dụ để tạo ra ngữ cảnh. Ngoài ra, người học cũng có thể bổ sung các từ đồng nghĩa để giúp hiểu sâu hơn cách dùng của từ.
3. Tạo liên kết sử dụng
Đây là bước mà người học sẽ vận dụng từ vựng đã học một cách đơn giản để tạo ra sự liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn giao tiếp. Việc tạo ra liên kết sử dụng từ cũng giúp người học ghi nhớ tốt hơn các từ vựng đã học. Sau đây là một số bước mà người học có thể tham khảo:
Đặt câu đơn giản với từ vựng đã học: Khi học được các từ vựng/cụm từ mới, một trong những phương pháp đơn giản nhưng mang lại sự hiệu quả là đặt câu với các từ đã học. Ví dụ, người học đặt câu với từ accelerate (phát triển nhanh):
To accelerate economic growth, governments often implement policies to attract foreign investment. (Để tăng tốc tăng trưởng kinh tế, chính phủ thường áp dụng các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài.)
Vận dụng kết hợp các từ vựng đã học: Ngoài việc viết các câu với các từ vựng đơn lẻ đã học, người học cũng có thể viết một đoạn văn ngắn khoảng 3 - 5 câu vận dụng các từ/cụm từ đã học để kết hợp các từ đã học với nhau.
Đọc thêm: Tổng hợp chiến lược mở rộng từ vựng cá nhân hoá
4. Đọc lại các bài đọc cũ và đọc những bài viết mới cùng chủ đề

Sau khi đã nắm rõ nghĩa các từ vựng thông qua các phương pháp trên, người học sẽ cần tạo ra các điều kiện và cơ hội để gặp lại các từ vựng đã học nhằm kiểm tra lại độ thông hiểu. Theo đó, người học có thể vận dụng các cách sau:
Đọc lại các bài đọc đã học: Nhiều người học thường mang tâm lý chán nản khi đọc lại các bài đọc cũ vì cho rằng chúng không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, đây lại là một trong những cách hiệu quả và tối ưu nhất để kiểm tra lại một lần nữa độ thông hiểu của người học về ý nghĩa của từ, ngữ cảnh sử dụng hoặc mức độ vận dụng thực tế. Ngoài ra, không nhất thiết người học phải đọc lại thật kỹ cả bài đọc cũ mà chỉ cần đọc lướt hoặc sơ lược những đoạn chính để kiểm tra lại khả năng ghi nhớ của mình.
Đọc các bài viết mới cùng chủ đề: Ngoài việc đọc lại các bài viết đã đọc, người học còn có thể đọc các bài viết mới cùng chủ đề. Các cách mà người học có thể áp dụng cho phần này:
Tìm kiếm các bài viết liên quan cùng chuyên mục: Sau khi hoàn thành một bài đọc, người học có thể tìm kiếm các bài viết khác cùng chủ đề trên các trang web như BBC News, The Guardian, hoặc National Geographic. Ví dụ, nếu bài đọc ban đầu là về biến đổi khí hậu, người học có thể tìm thêm các bài viết về sự nóng lên toàn cầu, bảo tồn thiên nhiên, hoặc năng lượng tái tạo.
Tìm kiếm từ khóa có liên quan: Dựa trên các từ vựng đã ghi chú, người học có thể tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm như Google các từ khóa đó để tìm đọc các bài viết liên quan. Việc đọc các bài viết có chứa từ khóa như vậy sẽ giúp người học có cơ hội đọc các bài viết chứa các từ vựng cùng chủ đề đã học, giúp tăng tần suất gặp lại các từ vựng đó.
Tham gia các diễn đàn hoặc blog cùng chủ đề: Khi đọc một chủ đề mà mình thực sự quan tâm hoặc đam mê, tham gia vào một diễn đàn hoặc hội nhóm thảo luận về đề tài đó cũng là một cách hay giúp người học có thể gặp lại các từ vựng mà mình đã học. Người học có thể tham gia hội nhóm hoặc diễn đàn trên Facebook, X hoặc Quora, Reddit,…
Xem thêm: Các hoạt động sau khi đọc giúp người học tận dụng bài đọc để học từ vựng
5. Vận dụng
Ngoài việc ôn tập thường xuyên các từ vựng đã học, chủ động vận dụng các từ vựng đã học cũng là một trong những phương pháp hiệu quả để nâng cao khả năng ghi nhớ từ vựng của người học. Để thực hiện được điều này, người học có thể tham khảo các cách sau:
Tự làm bài kiểm tra và đánh giá: Để kiểm tra khả năng ghi nhớ các từ vựng đã học và năng lực vận dụng trong thực tiễn, người học có thể tự tạo ra một môi trường kiểm tra cho bản thân mình. Ví dụ, người học có thể tự chuẩn bị một bài test IELTS Reading gồm đủ 3 đoạn văn và 40 câu hỏi như thi thật, sau đó tiến hành làm bài trong thời gian 60 phút. Kết thúc bài kiểm tra, người học sẽ tra cứu các đáp án, tính điểm và rút ra những kinh nghiệm để khắc phục những vấn đề còn tồn đọng. Về ưu điểm, phương pháp tự kiểm tra tại nhà sẽ tiện lợi và tiết kiệm cho phần lớn người học. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của phương pháp vận dụng này là người học sẽ đôi khi không có đủ điều kiện môi trường hoặc tài liệu để kiểm tra, cũng như kết quả của bài kiểm tra có thể mang tính chủ quan.
Tham gia làm bài thi thử: Một cách khác mà người học có thể lựa chọn là tham gia các kì thi thử IELTS nhằm đánh giá khả năng vận dụng trong môi trường gần giống với thi thật. Người học sẽ tham gia làm một bài test đủ các kỹ năng như một bài thi thật và vận dụng các từ vựng đã học để giải quyết các câu hỏi, bao gồm kỹ năng Reading. Sau khi hoàn thành bài thi thử, người học xem xét số điểm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho kỳ thi thật. Nhìn chung, cách vận dụng này sẽ giúp người học làm quen với áp lực của phòng thi, cũng như mang lại cơ hội để thí sinh được đánh giá khách quan hơn. Tuy nhiên, việc tham gia thi thử sẽ tốn kém hơn về chi phí và thời gian của người học.
6. Tự đánh giá và cải thiện

Ngoài việc thực hành thường xuyên, một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình học từ vựng Tiếng Anh là thường xuyên đưa ra những đánh giá và nhận định về độ hiệu quả của phương pháp mà bản thân người học đã áp dụng.
Đánh giá hằng ngày: Sau mỗi ngày học, người học nên tiến hành đánh giá sơ lược về kiến thức đã học. Nội dung này bao gồm những phần như nguồn đọc đã thực sự phù hợp với trình độ bản thân hay chưa, hoặc việc ghi chú các từ vựng có những điểm nào cần điều chỉnh hay không. Việc đưa ra các đánh giá thường xuyên và kịp thời sẽ góp phần giúp quá trình học từ vựng của người học diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.
Đánh giá định kỳ hàng tháng: Ngoài các đánh giá thường xuyên hàng ngày, người học cũng cần phải đưa ra các nhận xét và đánh giá định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng. Điều này có thể bao gồm:
Đánh giá mức độ nhớ từ: Người học kiểm tra lại những từ vựng đã học để xác định bản thân đã ghi nhớ được bao nhiêu từ và tự đặt một số chỉ tiêu nhất định. Ví dụ: người học đưa ra mục tiêu là phải ghi nhớ 70% số từ đã học trong tháng đó → Nếu sau khi kiểm tra, người học nhận thấy bản thân ghi nhớ hơn 70% các từ vựng đó thì đạt yêu cầu. Ngược lại, nếu người học chỉ ghi nhớ khoảng 50% số từ đã học học thì nên cân nhắc điều chỉnh các chiến lược sao cho phù hợp.'
Đánh giá tần suất gặp lại các từ vựng đã học: Việc kiểm tra tần suất gặp lại từ vựng là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả học tập. Người học nên xem xét liệu các từ đã học có xuất hiện thường xuyên trong các bài đọc mới hay không, và mức độ thành thạo khi gặp lại các từ này. Nếu tần suất gặp lại từ vựng thấp, có thể người học cần điều chỉnh tài liệu hoặc phương pháp ôn tập để đảm bảo gặp lại từ đủ nhiều, giúp củng cố trí nhớ lâu dài.
Đánh giá khả năng vận dụng vào bài thi: Ngoài việc ghi nhớ từ vựng, người học cần đánh giá khả năng vận dụng các từ đã học vào bài thi IELTS, đặc biệt là phần Reading và Writing. Người học có thể thử làm các bài thi mẫu và xem liệu mình có thể nhận ra và hiểu rõ các từ vựng trong ngữ cảnh bài thi hay không. Đồng thời, kiểm tra khả năng sử dụng các từ vựng này khi viết luận để xem chúng có được vận dụng tự nhiên và chính xác hay không. Điều này giúp đánh giá mức độ ứng dụng của từ vựng vào thực tế và quá trình làm bài thi, từ đó cải thiện chiến lược học tập một cách hiệu quả.
Đọc tiếp: Tự đánh giá phản ánh trong bài thi IELTS Reading dành cho người học tự định hướng
Tổng kết
Xây dựng chiến lược học để tăng tần suất xuất hiện của các từ vựng IELTS Reading là một trong những phương pháp hiệu quả giúp người học có thể học từ vựng tốt hơn, từ đó cải thiện band điểm của kỹ năng IELTS Reading. Hy vọng thông qua bài viết này, người học có thể xây dựng cho bản thân các chiến lược học tập hiểu quả để ngày càng tiến bộ hơn trong tương lai.
Combo Ebook Understanding Vocab + IELTS Reading Techniques and Strategies chính là trợ thủ đắc lực nếu người học mong muốn cải thiện kỹ năng IELTS qua việc nắm bắt sâu sắc các chiến lược ôn thi. Bộ sản phẩm này cung cấp kiến thức chuyên sâu về từ vựng và các phương pháp đọc hiểu hiệu quả, giúp thí sinh tiếp cận bài thi với sự tự tin và khả năng làm bài chính xác hơn. Liên hệ Hotline 1900-2833 (nhánh số 1) hoặc chat tư vấn nhanh ở góc dưới màn hình để được giải đáp chi tiết.
Nguồn tham khảo
“The effectiveness of computer-based spaced repetition in foreign language vocabulary instruction: a double-blind study.” calico journal (online), 31/07/2016. files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1143520.pdf. Accessed 9 September 2024.
“Evidence of the Spacing Effect and Influences on Perceptions of Learning and Science Curricula.” Cureus, 12/01/2022. www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8759977/. Accessed 9 September 2024.
“How to… help your IELTS students improve their vocabulary.” Cambridge University Press & Assessment, 07/10/2021. www.cambridge.org/elt/blog/2021/10/08/help-ielts-students-improve-vocabulary/. Accessed 10 September 2024.
“Vocabulary learning: enhancing memory in the EFL classroom.” Cambridge University Press and Assessment, 01/03/2018. www.cambridge.org/elt/blog/2018/03/02/vocabulary-learning-enhancing-memory/. Accessed 6 September 2024.
“Spaced Repetition Promotes Efficient and Effective Learning: Policy Implications for Instruction.” Sage Journals, 31/12/2015. dx.doi.org/10.1177/2372732215624708. Accessed 24 September 2024.
Bình luận - Hỏi đáp