Cách ứng dụng Tư duy Ngôn ngữ (Linguistic Thinking) để học tiếng Anh hiệu quả
Bên cạnh việc học từ vựng và ngữ pháp, rèn luyện Tư duy Ngôn ngữ cũng là một phương pháp để học tiếng Anh hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp bạn đọc về khái niệm Tư duy Ngôn ngữ – Linguistic Thinking, từ đó liên hệ đến vai trò của ngôn ngữ trong vài nền văn hóa khác nhau và phương pháp để học tiếng Anh hiệu quả nhờ vào cách tư duy này.
Tư duy Ngôn ngữ (Linguistic Thinking) là gì?
Định nghĩa Tư duy Ngôn ngữ
Mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là đề tài nghiên cứu đã được quan tâm từ lâu. Câu hỏi liệu rằng tư duy hình thành ngôn ngữ, hay ngôn ngữ định hình tư duy, vẫn đang được các nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời. Tuy nhiên, Linguistic Thinking được đề cập trong bài viết này là cách suy nghĩ, hình thành ý tưởng bằng ngôn ngữ mà bạn đang học.
Ví dụ, để hỗ trợ cho việc học tiếng Anh hiệu quả, tư duy ngôn ngữ có thể được rèn luyện bằng cách liên hệ sự vật, sự việc xung quanh đến những từ vựng, câu văn bằng tiếng Anh có ý nghĩa liên quan. Việc suy nghĩ bằng ngôn ngữ có thể dẫn đến nhiều sự khác biệt trong cách hình thành nhận định, quan điểm của người thực hành.
Sự khác biệt khi Tư duy ngôn ngữ.
Minh họa sự khác nhau về Linguistic Thinking trong các nền văn hóa
Mỗi ngôn ngữ gắn liền với đời sống văn hóa, xã hội và tư tưởng của một cộng đồng, một dân tộc nhất định. Chính vì điều này, việc hình thành tư duy ở mỗi ngôn ngữ sẽ thể hiện những góc nhìn khác nhau về cùng một sự vật, sự việc.
Một ví dụ cụ thể cho sự khác nhau về văn hóa được thể hiện qua ngôn ngữ chính là sự khác biệt trong cách đặt câu của những người sử dụng tiếng Anh và tiếng Nhật. Đối với tiếng Anh tiêu chuẩn, chủ ngữ là thành phần bắt buộc trong hầu hết các câu. Khi muốn diễn đạt ý ‘Tôi đi ăn ở ngoài tối hôm qua’, người nói tiếng Anh sẽ dùng câu ‘I ate out last night’ thay vì ‘Ate out last night’. Vai trò của chủ ngữ ‘I’ ở câu nói là không thể lược bỏ. Tuy nhiên, đối với tiếng Nhật, chủ ngữ là đại từ có thể được lược bỏ trong câu. Cụ thể, khi thuật lại cảm giác sau một ngày làm việc, người Nhật thường sẽ dùng câu:
昨日はとても疲れていたので、家に着くとすぐに寝ました。(Kinou wa totemo tsukarete itanode, uchi ni tsuku to sugu ni nemashita.) “Was exhausted yesterday, so went to bed right after got home.”, trong tiếng Việt có thể hiểu là “Hôm qua mệt quá, đi ngủ ngay khi về đến nhà.”
Khi câu thêm chủ ngữ, câu trên sẽ trở thành:
昨日は私はとても疲れていたので、私は家に着くとすぐに私は寝ました。
(Kinou wa watashi wa totemo tsukarete itanode, watashi wa uchi ni tsuku to watashi wa sugu ni nemashita.) “I was exhausted yesterday, so I went to bed right after I got home.”, có thể hiểu trong tiếng Việt nghĩa là “Hôm qua tôi mệt, nên tôi đi ngủ ngay khi tôi về đến nhà”.
Đối với câu thứ 2, những người nói tiếng Anh sẽ xem đó như là một câu nói bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên, đối với người Nhật, họ sẽ có xu hướng xem câu thứ 2 là một cách nói dông dài và có các đại từ (“I”) được lặp lại một cách không cần thiết. Vậy nên, họ thường lược bỏ chủ ngữ trong câu khi giao tiếp.
Đặc trưng của 2 ngôn ngữ này thể hiện nét văn hóa của 2 dân tộc. Cụ thể, vệc sử dụng đại từ nhân xưng “I” (tôi) hoặc “you” (bạn) thể hiện sự phân biệt rạch ròi giữa cá nhân người nói và những đối tượng khác. Đó là việc những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, hoặc thường sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, sẽ chuộng chủ nghĩa cá nhân (individualism). Trong khi những người Nhật Bản sẽ tôn thờ chủ nghĩa tập thể (collectivism). Điều này cũng thể hiện mức độ trung thành giữa người lao động và người sử dụng lao động ở Nhật Bản.
Cách ứng dụng Linguistic Thinking để học tiếng Anh hiệu quả
Lợi ích của việc luyện tập Tư duy Ngôn ngữ trong việc học tiếng Anh
Bài viết này sẽ đề cập đến việc hình thành ý tưởng bằng ngôn ngữ bạn đang học, cụ thể là tiếng Anh. Thông thường, đối với những học viên ở trình độ Cơ bản (Beginners), học viên có xu hướng suy nghĩ một câu nói bằng tiếng Việt, sau đó mới tìm kiếm những từ, cụm từ và cấu trúc ngữ pháp phù hợp để chuyển sang tiếng Anh. Chính vì quá trình này, các học viên ở trình độ Cơ bản vẫn còn gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ mới, cũng như hình thành câu nói một cách rõ ràng.
Còn với các bạn ở trình độ Trung cấp (Intermediate), đây là lúc các bạn bắt đầu luyện tập Linguistic Thinking qua việc liên hệ những từ ngữ có liên quan đến sự vật, sự việc trong cuộc sống. Quá trình chuyển câu từ tiếng Việt sang tiếng Anh sẽ trở nên nhanh hơn, và thậm chí các bạn dần hình thành khả năng diễn đạt tiếng Anh mà không cần nghĩa đến nghĩa tiếng Việt trước đó.
Khi đạt đến trình độ Nâng cao (Advanced), học viên đã luyện tập tư duy ngôn ngữ đủ nhiều để có thể diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Anh như một phản xạ tự nhiên. Lúc này, các câu từ sẽ dẫn mắc ít lỗi ngữ pháp và học viên diễn đạt ý tưởng hiệu quả hơn.
Tóm lại, bằng việc chăm chỉ luyện tập Linguistic Thinking, học viên sẽ có thể:
Lợi ích của Linguistic Thinking
(1) đẩy nhanh quá trình luyện tập tiếng Anh để đạt đến mức độ nói và viết lưu loát và
(2) diễn đạt ý tưởng tự nhiên như người bản xứ.
Tuy nhiên, tùy vào điểm khởi đầu mà học viên cần chọn ra các phương pháp luyện tập Linguistic Thinking phù hợp.
Các phương pháp Linguistic Thinking phổ biến
Suy nghĩ từng từ đơn lẻ
Đây là cách tư duy đơn giản và dễ thực hiện nhất, phù hợp cho học viên mới bắt đầu học ngoại ngữ, không chỉ riêng tiếng Anh. Để thực hiện phương pháp tư duy này, học viên cần liên tưởng đến các từ, cụm từ chỉ các sự vật, sự việc diễn ra xung quanh. Có 3 hình thức mà học viên có thể dùng để luyện tập kiểu tư duy này mỗi ngày:
Dùng điện thoại làm công cụ hỗ trợ: Về hình thức này, bằng việc thiết lập màn hình khóa với dòng chữ “Think in English!” hoặc những lời động viên có nội dung tương tự, học viên sẽ dùng điện thoại như một lời nhắc nhở bản thân cần kiên trì với phương pháp này để đạt hiệu quả nhất định. Ngoài ra, học viên có thể thiết lập ảnh khóa màn hình mỗi tuần bằng 1 danh sách từ mới để tiện cho việc học từ vựng.
Biến việc học thành một trò chơi: Hình thức này sẽ giúp học viên cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn khi học tiếng Anh. Bằng việc ghi lại một số điểm nhất định, ví dụ 1 điểm = 5 phút suy nghĩ các từ/cụm từ tiếng Anh, khi đạt đến điểm số 50, học viên sẽ tự thưởng cho bản thân một món ăn yêu thích lâu ngày chưa ăn, hay tự mua một món đồ yêu thích.
Dán giấy ghi chú lên đồ vật: Dù là một cách truyền thống, hình thức này vẫn được khuyến khích sử dụng vì nó mang lại hiệu quả nhất định. Việc dán giấy ghi chú lên những đồ vật tương ứng, ví dụ “table” (cái bàn), “refrigerator” (tủ lạnh) hoặc “wardrobe” (tủ quần áo) sẽ giúp học viên ghi nhớ từ vựng tốt hơn mỗi khi nhìn thấy đồ vật tương ứng.
Mô tả từ vựng chưa được học
Hình thức này phù hợp với những học viên đang ở trình độ Trung cấp (Intermediate), khi đã có khả năng diễn đạt câu tương đối nhưng vốn từ còn hạn chế. Có cách để thực hành phương pháp này như sau:
Miêu tả đặc tính của sự vật, sự việc: Trong tiếng Anh sẽ có một vài từ/cụm từ để chỉ chính xác sự vật, sự việc nào đó. Tuy nhiên, trong lúc nói, nếu học viên chưa từng nhìn thấy từ đó bằng tiếng Anh, hoặc chỉ lướt qua vài lần nên không nhớ nghĩa ngay, học viên có thể dùng những từ có sẵn để miêu tả đặc điểm của sự vật, sự việc muốn đề cập. Ví dụ, trong lúc diễn đạt, học viên muốn nhắc đến từ “ký túc xá” nhưng không nhớ từ “dormitory” trong câu “I live in a dormitory”, học viên có thể miêu tả từ đó bằng cách diễn giải nghĩa của từ bằng cụm “the place prepared by university for students from remote places to live during academic years”. Một ví dụ khác về tính từ, đó là khi học viên muốn đề cập đến một việc làm nhàm chán, lặp đi lặp lại nhưng không biết từ “monotonous” trong cụm “monotonous activity” học viên có thể thay thế tính từ bằng cách diễn giải “an activity repeating many times”. Bằng việc diễn giải đặc tính của từ, học viên có thể luyện tập nói một cách tự nhiên với vốn từ còn hạn chế. Tuy nhiên, học viên nên tìm hiểu những từ vựng diễn đạt chính xác ý tưởng để cải thiện cho những lần nói hoặc viết về sau.
Dùng từ trái nghĩa: Sẽ có không ít trường hợp học viên không biết 1 từ nhưng từ trái nghĩa với nó lại xuất hiện trong đầu. Tận dụng điều này, học viên có thể sử dụng từ trái nghĩa để diễn đạt ý tưởng muốn truyền tải. Ví dụ, khi muốn miêu tả một người là “kiêu ngạo”, nhưng học viên không nhớ từ “arrogant” và chỉ biết từ “khiêm tốn” là “humble”, học viên có thể thay thế từ “arrogant” bằng cụm “not humble at all” để tạo thành câu “He/She is not humble at all”, nghĩa là “Anh/Cô ấy chẳng khiêm tốn tí nào”. Như vậy, người nghe sẽ ngầm hiểu đối tượng bạn đang nhắc đến có tính kiêu ngạo. Hình thức này sẽ giúp học viên dùng ít từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ hơn so với cách phía trên.
Đưa ra ví dụ/hệ quả khi có/không có sự hiện diện của sự vật, sự việc: Đối với cách này, học viên có thể dùng những từ vựng sẵn có để diễn đạt sự vật, sự việc mình muốn đề cập bằng cách miêu tả hệ quả khi thiếu đi sự vật, sự việc đó. Ví dụ, khi nghĩ đến từ “lò sưởi” trong câu “Gần nhà tôi có một cửa hàng bán lò sưởi” nhưng người học chưa biết từ “heater” trong tiếng Anh, học viên có thể đề cập đến đồ vật bằng cách miêu tả “an important thing that if people don’t have it, they in will get cold in winter”. Bằng cách này, học viên có thể hạn chế việc ngập ngừng trong mạch nói khi chợt bắt gặp những từ nằm ngoài vốn từ sẵn có của mình.
Suy nghĩ từng câu đơn
Gần giống với hình thức “Suy nghĩ từng từ đơn lẻ”, phương pháp này đòi hỏi học viên đặt 1-2 câu, từ cấu trúc cơ bản đến nâng cao, để miêu tả bất cứ chủ đề gì nảy ra trong đầu. Ví dụ, khi vừa thưởng thức một bữa ăn ngon, học viên có thể suy nghĩ đến câu “What a delicious meal!” để thể hiện cảm giác của bản thân với bữa ăn. Bên cạnh đó, học viên có thể đặt một vài câu phức tạp hơn, ví dụ một câu với cấu trúc Nguyên nhân – Kết quả như “I do not feel satisfied with the trip because it’s under my expectation”. Bằng cách đặt ra những câu đơn lẻ, học viên có thể hình thành ý tưởng để thực hành các phương pháp tiếp theo.
Miêu tả hoạt động trong ngày
Hình thức này phù hợp với học viên đang ở mọi trình độ, từ Cơ bản (Beginners) đến Trung cấp (Intermediate) và thậm chí là Nâng cao (Advanced). Đối với học viên đang ở trình độ cơ bản, thì hiện tại đơn nên được sử dụng để miêu tả các hoạt động thường ngày. Ví dụ như câu “My children go to school at 6:30 everyday” hoặc “I like this morning because it is not rainy”.
Việc bắt đầu bằng những cấu trúc câu đơn giản sẽ giúp học viên từng bước rèn luyện kỹ năng tiếng Anh của bản thân. Đối với học viên ở trình độ Trung cấp (Intermediate), học viên có thể dùng nhiều cấu trúc ngữ pháp và từ vựng khó hơn, bao gồm thì hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, quá khứ đơn, và một số cụm động từ hoặc thành ngữ quen thuộc. Đối với các học viên ở trình độ Nâng cao, học viên cũng có thể sử dụng cách này để rèn luyện kỹ năng nói và viết, nhưng ở mức độ chính xác và chi tiết hơn. Ví dụ, ở trình độ cơ bản, học viên chỉ miêu tả đơn giản là “It’s rainy”, trong khi ở trình độ nâng cao, học viên có thể phân biệt được “drizzle” (mưa phùn), “hail” (mưa đá) hoặc “storm” (bão) khi kể lại một ngày mưa. Vậy nên, với mỗi trình độ, Linguistic Thinking của học viên đều có thể được rèn luyện bằng việc tường thuật lại những sự vật, sự việc diễn ra mỗi ngày.
Tự tạo các cuộc hội thoại
Cách này có thể được hiểu như học viên độc thoại với bản thân. Một lưu ý khi dùng cách này đó là người học chỉ nên dùng khi ở một mình, hoặc nếu ở chỗ đông người thì chỉ suy nghĩ trong đầu để không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hình thức này đòi hỏi người học tạo ra một cuộc hội thoại bằng cách tự đặt những câu hỏi, sau đó suy nghĩ ngay câu trả lời tương ứng. Cách rèn luyện Linguistic Thinking này còn giúp học viên rèn luyện khả năng phản xạ tốt hơn khi đối mặt với những cuộc hội thoại ngoài thực tế.
Ghi chú/ Sử dụng từ điển Anh-Anh
Mỗi ngày, có thể học viên sẽ bắt gặp rất nhiều từ vựng mới, nhưng số lượng từ được khuyến khích ghi lại bởi học viên chỉ dao động từ 5-10 từ để đảm bảo học viên có thể duy trì phương pháp học lâu dài. Hình thức học này sẽ mang lại hiệu quả đối với học viên ở trình độ Nâng cao (Advanced).
Tuy nhiên, học viên ở trình độ Trung cấp (Intermediate) cũng có thể bắt đầu tập làm quen với việc sử dụng từ điển Anh-Anh để bổ trợ cho Linguistic Thinking, đẩy nhanh quá trình thành thạo tiếng Anh của bản thân.Về phần định nghĩa, học viên nên ghi theo định nghĩa Anh-Anh của từ, hoặc giải thích bằng từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu người học có thể vừa viết ra nhiều từ vựng mà vẫn duy trì đều đặn tiến độ đối với cách học này. Một vài từ điển Anh-Anh online mà học viên có thể sử dụng bao gồm từ điển của Oxford hoặc Cambridge.
Các bước thực hiện cho trình độ từng học viên
Tùy thuộc vào trình độ học viên, người học nên lựa chọn việc rèn luyện Linguistic Thinking theo các phương pháp phù hợp. Những hình thức luyện tập trên có thể được phân loại để áp dụng cho các học viên như sau:
Các bước thực hiện cho trình độ từng học viên
Học viên ở trình độ Cơ bản (Beginners)
Ở trình độ này, học viên mới bắt đầu học tiếng Anh nên vốn từ vựng còn hạn chế và chỉ có khả năng diễn đạt các câu đơn với cấu trúc đơn giản. Học viên nên bắt đầu rèn luyện Linguistic Thinking bằng phương pháp “Suy nghĩ từng từ đơn lẻ” để trau dồi vốn từ. Sau đó, học viên có thể luyện tập phương pháp “Suy nghĩ từng câu đơn” dựa vào những cấu trúc ngữ pháp cơ bản.
Học viên ở trình độ Trung cấp (Intermediate)
Khi đạt đến trình độ này, học viên đã có vốn từ vựng đáng kể, đủ để tham gia vào các cuộc hội thoại cơ bản hằng ngày nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành câu với cấu trúc phức tạp và còn tồn tại hạn chế về mặt từ vựng. Vì vậy, phương pháp tư duy “Mô tả từ vựng chưa được học” sẽ phù hợp với học viên ở trình độ này. Bên cạnh đó, học viên cũng nên thường xuyên luyện tập phương pháp “Miêu tả hoạt động trong ngày” và “Tự tạo các cuộc hội thoại” để mài giũa đồng thời khả năng diễn đạt mạch lạc và phản xạ một cách tự nhiên khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngoài ra, học viên ở trình độ này nên bắt đầu làm quen với phương pháp “Ghi chú/ Sử dụng từ điển Anh-Anh” để tăng cường vốn từ.
Học viên ở trình độ Nâng cao (Advanced)
Ở trình độ này, học viên đã có vốn từ đáng kể, đủ để miêu tả chính xác hầu hết các chủ đề. Vậy nên, đối với các từ vựng học thuật nâng cao, học viên nên sử dụng phương pháp “Ghi chú/ Sử dụng từ điển Anh-Anh” để tăng cường vốn tiếng Anh của bản thân. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu của bản thân mà học viên ở trình độ này có thể tự lựa chọn các phương pháp còn lại để phát triển Linguistic Thinking của mình.
Tổng kết
Tóm lại, mỗi ngôn ngữ khác nhau sẽ chứa đựng những truyền tải thông điệp khác nhau của các nền văn hóa. Việc lựa chọn và rèn luyện Linguistic Thinking một cách đúng đắn sẽ giúp học viên tiết kiệm thời gian cho quá trình học tiếng Anh hiệu quả. Đồng thời, các phương pháp Tư duy Ngôn ngữ được đề cập ở trên cũng có thể mở rộng và áp dụng trong việc học bất kỳ ngôn ngữ nào.
Phùng Thị Anh Thy
Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp