Thông tin và cách viết dạng bài luận phản ánh - Dạng bài luận phổ biến ở bậc đại học

Bài luận phản ánh (reflection paper) là dạng bài tập viết yêu cầu sinh viên phản ánh về kinh nghiệm và suy nghĩ của mình về một chủ đề, sự kiện hoặc vấn đề cụ thể. Các bài luận phản ánh được sử dụng rộng rãi trong các khóa học đại học tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Úc như một phương tiện để đánh giá quá trình học tập, trưởng thành và phát triển của sinh viên.
author
Nguyễn Dương Hoài Giang
11/04/2023
thong tin va cach viet dang bai luan phan anh dang bai luan pho bien o bac dai hoc

Dạng bài này thường được giao cho sinh viên nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau, bao gồm khuyến khích tư duy phản biện, thúc đẩy nhận thức về bản thân và thúc đẩy sự phát triển cá nhân thông qua việc khám phá những suy nghĩ và kinh nghiệm của sinh viên.

Key takeaways

  1. Bài luận phản ánh là văn bản học thuật yêu cầu người viết phân tích các trải nghiệm cá nhân, suy nghĩ và cảm xúc của mình liên quan đến một chủ đề hoặc sự kiện cụ thể.

  2. Bài luận phản ánh thường có hai dạng: phản ánh liên quan đến kinh nghiệm và phản ánh về tài liệu.

  3. Mục đích của bài luận phản ánh ở bậc đại học cho sinh viên: (1) khuyến khích tư duy phản biện, (2) thúc đẩy sự tự nhận thức, (3) tạo điều kiện phát triển cá nhân và nghề nghiệp, (4) phát triển kỹ năng viết, và (5) trân trọng các ý tưởng và quan niệm đối lập.

  4. Các bước tạo lập một bài luận phản ánh:

  • Bước 1: Chọn một chủ đề và tóm tắt tài liệu hoặc kinh nghiệm liên quan đến chủ đề

  • Bước 2:  Xem xét và phân tích tài liệu

  • Bước 3: Chọn các tư tưởng chính cho bài luận phản ánh

  • Bước 4: Tạo mối liên hệ giữa các ý kiến của người viết

  • Bước 5: Viết bài

  1. Cấu trúc của một bài luận phản ánh thường bao gồm phần giới thiệu trình bày chủ đề, các đoạn thân bài phân tích kinh nghiệm và ý kiến cá nhân, và phần kết luận tóm tắt các điểm chính và gợi ý những khía cạnh cần được nghiên cứu trong tương lai.

  2. Lưu ý khi viết bài luận phản ánh: chọn thông tin liên quan, sử dụng lối viết chuyên nghiệp, và không sa đà vào miêu tả trải nghiệm.

Định nghĩa bài luận phản ánh

Các bài luận phản ánh là những bài luận yêu cầu sinh viên phân tích trải nghiệm cá nhân như cảm xúc, thái độ, niềm tin và hành vi và đưa ra cách giải thích của bản thân về các sự kiện hoặc chủ đề đang được thảo luận.

Ngoài ra, sinh viên cần kết nối kinh nghiệm của mình với các lý thuyết, khái niệm và tài liệu học thuật, đồng thời sử dụng chúng để tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề.

Bên cạnh đó, dạng bài này yêu cầu sinh viên đánh giá tác động của trải nghiệm cá nhân về chủ đề hoặc trải nghiệm đối với sự phát triển cá nhân, học tập và nghề nghiệp của sinh viên. Loại bài này thường được chỉ định trong các khóa học như văn học, tâm lý học, xã hội học và giáo dục.

Theo đại học Trent (Canada), dạng bài này được chia thành hai loại: phản ánh liên quan đến kinh nghiệm và phản ánh về tài liệu.

image-alt

Phản ánh liên quan đến kinh nghiệm:

Đối với các chương trình đào tạo nghiệp vụ như kinh doanh, điều dưỡng, công tác xã hội, pháp y và giáo dục, phản ánh là một phần quan trọng trong việc tạo ra mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành.

Sinh viên có thể đánh giá một lý thuyết hoặc cách tiếp cận dựa trên những quan sát và thực hành của mình, đồng thời đánh giá kiến thức và kỹ năng của bản thân trong lĩnh vực chuyên môn.

Các khái niệm trừu tượng có thể trở nên cụ thể và thực tế đối với sinh viên khi được xem xét trong trải nghiệm của chính sinh viên và việc suy ngẫm về trải nghiệm cho phép sinh viên lập kế hoạch cải thiện bản thân.

Phản ánh về tài liệu:

Để khuyến khích việc đánh giá chu đáo và cân bằng với các bài đọc, nhiều khóa học liên ngành có thể yêu cầu sinh viên gửi bài luận phản ánh về học liệu hoặc bài đọc. Thông thường,  giáo viên sẽ chỉ ra cho sinh viên những gì họ mong đợi ở phần phản ánh nhưng mục đích chung là khơi gợi suy nghĩ của sinh viên về các ý tưởng được trình bày trong văn bản.

Từ đó, giáo viên sẽ xem xét những suy niệm và giả định của sinh viên có ảnh hưởng như thế nào đến cách diễn giải của sinh viên về ý tưởng được trình bày trong văn bản. Việc viết bài phản ánh tài liệu giúp sinh viên nhận ra, suy xét lại và có thể phá vỡ những giả định trước đây của sinh viên về chủ đề của bài đọc.

Một vài ví dụ về dạng bài phản ánh:

  • Hãy suy ngẫm về một kinh nghiệm cá nhân đã thách thức, mâu thuẫn với những hiểu biết, hoặc giả định của sinh viên về một vấn đề xã hội. Trong quá trình suy ngẫm, khám phá xem kinh nghiệm này đã ảnh hưởng như thế nào đến sự hiểu biết của sinh viên về vấn đề và sự phát triển cá nhân của người viết.

  • Hãy suy ngẫm về chuyến đi thực tế (a field trip) mà sinh viên tham gia như một phần của khóa học hoặc chương trình. Trong quá trình suy ngẫm, khám phá xem chuyến đi đã làm thế nào để tăng cường sự học tập và hiểu biết của sinh viên về tài liệu khóa học.

  • Hãy suy ngẫm về một khái niệm hoặc lý thuyết tâm lý học mà sinh viên cảm thấy yêu thích trong khóa học. Trong quá trình suy ngẫm, khám phá xem khái niệm hoặc lý thuyết đó áp dụng như thế nào vào cuộc sống và kinh nghiệm cá nhân của người viết.

image-alt

Tầm quan trọng của bài luận phản ánh

Theo các nhà nghiên cứu về phản ánh trong học tập, bài luận phản ánh được sử dụng như một công cụ để phát triển các kỹ năng sau đây của sinh viên.

Khuyến khích tư duy phản biện

Bài luận phản ánh được thiết kế để khuyến khích tư duy phản biện và đây là một trong những kỹ năng thiết yếu để thành công trong học tập và công việc. Bằng cách phản ánh kinh nghiệm và phân tích chúng khi so sánh với các khái niệm lý thuyết, sinh viên học cách đánh giá các quan điểm khác nhau và phát triển ý kiến ​​của riêng mình.

Thúc đẩy sự tự nhận thức

Bài luận phản ánh cũng nhằm thúc đẩy sự tự nhận thức, vì sinh viên được yêu cầu kiểm tra suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của bản thân về một chủ đề cụ thể. Thông qua quá trình này, sinh viên hiểu rõ hơn về bản thân và các giá trị của chính mình và những giá trị này có thể được áp dụng cho cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của sinh viên trong hiện tại hoặc tương lai.

Tạo điều kiện phát triển cá nhân và nghề nghiệp

Dạng bài viết này có thể tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp, vì chúng khuyến khích sinh viên suy nghĩ chín chắn về trải nghiệm của họ và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Bằng cách phản ánh kinh nghiệm của bản thân và phân tích chúng trong bối cảnh của các khái niệm lý thuyết, sinh viên có thể phát triển những hiểu biết và chiến lược mới để phát triển cá nhân và nghề nghiệp.

Phát triển kỹ năng viết

Bài luận phản ánh cũng tạo cơ hội cho sinh viên phát triển kỹ năng viết của mình bao gồm kỹ năng phân tích, phê bình, tổ chức ý tưởng và cách diễn đạt suy nghĩ rành mạch. Bằng cách viết về kinh nghiệm và suy nghĩ của mình, sinh viên có thể thực hành diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng và súc tích và kỹ năng này có giá trị trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Trân trọng các ý tưởng, quan niệm đối lập

Dạng bài viết này yêu cầu sinh viên thừa nhận rằng suy nghĩ của sinh viên được định hình bởi các giả định và ý tưởng định sẵn của bản thân. Khi ý thức được điều này, sinh viên nhận thấy rằng các giả định và ý tưởng định sẵn của các sinh viên khác đã định hình lối suy nghĩ của họ. Từ đó, sinh viên có thể trân trọng sự khác biệt giữa các ý tưởng và đánh giá cao ý tưởng của người khác. 

Các bước tạo lập một bài luận phản ánh

image-altĐại học Royal Holloway (UK) gợi ý các bước sau đây nhằm giúp người viết tổ chức các suy nghĩ và ý tưởng, đồng thời đảm bảo rằng người viết đang truyền đạt những suy nghĩ và hiểu biết của mình một cách hợp lý và mạch lạc.

Bước 1: Chọn một chủ đề và tóm tắt tài liệu hoặc kinh nghiệm liên quan đến chủ đề

Trước tiên người viết phải quyết định chủ đề mà mình muốn tìm hiểu. Sau đó, hãy viết một bản tóm tắt ngắn về những gì người viết đã học được từ trải nghiệm của mình với chủ đề này. Bản tóm tắt có thể bao gồm thông tin đáng nhớ hoặc trích dẫn cụ thể, hay những suy nghĩ và cảm xúc mà người viết có từ trước. Kế đến, hãy cho độc giả biết những yếu tố nêu trên trong bản tóm tắt có ảnh hưởng như thế nào đến nhận định người viết về chủ đề.

Ví dụ: Chủ đề được chọn “Lợi ích của hôn nhân”. Người viết có thể tạo bản tóm tắt như sau:

“Tôi từng nghĩ về những khía cạnh tiêu cực của hôn nhân. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các bài giảng của giáo sư Jordan Peterson trong một thời gian dài, tôi đã thay đổi hoàn toàn những định kiến về việc kết hôn. Sự thay đổi này tác động đến việc đặt mục tiêu xây dựng gia đình của tôi sau đó. Tôi đã kết hôn và nhận thấy được rõ rệt những lợi ích mà hôn nhân mang lại.”

Bước 2:  Xem xét và phân tích tài liệu

Khi người viết đã chọn một chủ đề, người viết cần xem xét và phân tích tài liệu liên quan đến chủ đề. Khi người viết nghiên cứu kỹ về ý nghĩa và tư tưởng được nêu ra trong tài liệu, người viết sẽ dần hình thành các nhóm ý tưởng chính cho bài luận của mình một cách mạch lạc.

Một số câu hỏi hay để tự hỏi mình khi xem xét và phân tích tài liệu là:

  • Tài liệu đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

  • Tôi đã học được gì?

  • Làm thế nào để tài liệu thu hút sự chú ý của người đọc?

  • Có câu hỏi nào hoặc có vấn đề quan trọng nào chưa được giải quyết?

  • Tài liệu sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ tương lai của tôi như thế nào?

Những câu hỏi này sẽ giúp đảm bảo rằng bài phản ánh của người viết có cấu trúc tốt và trôi chảy hơn.

Ví dụ: Người viết tiếp tục tìm hiểu các bài nghiên cứu hay bài giảng liên quan đến lợi ích của hôn nhân để dần hình thành các ý tưởng chính.

Bước 3: Chọn các tư tưởng chính cho bài luận phản ánh

Sau khi phân tích tài liệu, người viết có thể sử dụng những gì tìm được để chọn các tư tưởng chính (main ideas) cho bài luận của mình. Để đạt được điều này, người viết nên tìm ra những điểm chung và lập luận mà giúp người viết hình thành các quan điểm nổi bật thông qua sự phân tích của mình.

Việc chọn các tư tưởng chính là rất quan trọng vì nó thể hiện cốt lõi bài luận của người viết và cũng sẽ khiến bài luận hấp dẫn hơn với người đọc.

Ví dụ:

Các ý tưởng chính có thể được chọn bao gồm:

  • Những giả định tiêu cực về hôn nhân trong quá khứ.

  • Thay đổi nhận định 1: Hôn nhân giúp tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

  • Thay đổi nhận định 2: Hôn nhân giúp mỗi cá nhân hoàn thiện hơn trong tính cách.

  • Thay đổi nhận định 3: Hôn nhân giúp cá nhân đạt được sự hài lòng và cân bằng trong cuộc sống.

  • Nhận định mới: Tuy nhiên, hôn nhân không phải là con đường duy nhất dẫn đến một cuộc sống viên mãn cho mọi người. Mỗi cá nhân có thể tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau, cho dù họ có chọn kết hôn hay không.

Bước 4: Tạo mối liên hệ giữa các ý kiến của người viết

Để bài luận phản ánh của người viết có một cấu trúc mạch lạc, người viết nên tạo mối liên hệ giữa các ý kiến của bản thân. Từ đó, người viết có được một bản phác thảo rõ ràng về những gì cần đưa vào các đoạn thân bài và sẽ đảm bảo mức độ trôi chảy của bài luận.

Bước 5: Viết bài luận phản ánh

Một bài luận có ba phần: mở đầu, thân bài và kết luận. Người viết nên bày tỏ quan điểm một cách súc tích và sử dụng ngôn ngữ học thuật. Sau khi người viết đã viết bài phản ánh của mình, hãy xem lại và chỉnh sửa nó một cách cẩn thận. Người viết nên kiểm tra lỗi ngữ pháp, chính tả và dấu câu, đồng thời đảm bảo rằng bài luận được sắp xếp hợp lý.

image-alt

Cấu trúc của bài luận phản ánh

Đại học Royal Holloway (UK) đã trình bày một cấu trúc đơn cử cho bài luận phản ánh như sau:

Phần Giới thiệu

Phần giới thiệu sẽ chứa mục đích và chủ đề của bài luận. Người viết sẽ nêu luận điểm của bài báo và cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu sắc về lý do đằng sau sự lựa chọn chủ đề của người viết.

Mục đích chính của bài luận phản ánh là để thảo luận về suy nghĩ và ý kiến của bạn, vì vậy hãy chắc chắn rằng người viết trình bày rõ ràng cảm xúc của mình đối với chủ đề một cách chuyên nghiệp.

Trong phần giới thiệu, người viết có thể bao gồm một bản tóm tắt ngắn gọn về cuốn sách, bài báo hoặc kinh nghiệm mà người viết đang phân tích cũng như các tư tưởng chính mà người viết sẽ khám phá.

Phần Thân bài

Các đoạn thân bài là nơi người viết sẽ trình bày phân tích chuyên sâu về luận điểm của mình. Trong đó, người viết có thể bao gồm các trích dẫn và tham chiếu trực tiếp từ tài liệu lý thuyết, nêu ra ví dụ và các lập luận hỗ trợ.

Mỗi đoạn thân bài nên giới thiệu một ý mới và người viết nên bắt đầu mỗi đoạn văn bằng một câu chủ đề (topic sentence). Một trong những mô hình phổ biến thường được sử dụng trong các bài luận học thuật là Chu kỳ học tập phản xạ của tác giả Graham Gibbs. Trong mỗi đoạn thân bài, người viết có thể áp dụng mô hình này để triển khai ý tưởng và chức năng của các câu như sau:

image-alt

  • Mô tả một trải nghiệm: Điều gì đã xảy ra và xảy ra khi nào? Điều này về sau sẽ giúp theo dõi các trải nghiệm của người viết và nhìn lại chúng.

  • Người viết cảm thấy như thế nào về trải nghiệm? Đây là dữ liệu thô nên người viết phải viết ngay lập tức và trung thực. Vì khi nghĩ lại, người viết sẽ khó nhớ được phản ứng, cảm xúc ban đầu của mình.

  • Đánh giá trải nghiệm: Điều gì diễn ra tốt đẹp hoặc không tốt đẹp? Người viết có thể đưa ra lý do tại sao?

  • Phân tích trải nghiệm: Người viết có thể đặt trải nghiệm của mình trong bối cảnh rộng hơn không? Người viết đã từng có trải nghiệm tương tự trước đây chưa và so sánh chúng như thế nào? Có tài liệu nào có thể giúp người viết hiểu được trải nghiệm của mình không?

  • Người viết có thể rút ra kết luận gì? Các lựa chọn thay thế là gì? Người viết đã học được gì từ kinh nghiệm này?

  • Người viết sẽ làm gì khác đi vào lần tới? Sắp tới, người viết có thể rút ra được điều gì từ trải nghiệm này mà người viết có thể học hỏi và cải thiện trong tương lai không?

Phần Kết bài

Trong phần này, người viết nên tóm tắt các ý tưởng và quan điểm mà người viết đã mô tả trong các đoạn thân bài. Người viết nên mô tả những gì người viết đã học được thông qua việc phân tích kinh nghiệm hoặc phân tích văn bản và nêu lên những khía cạnh cần được nghiên cứu trong tương lai.

Người viết không được đưa ra những ý tưởng mới trong phần kết luận của bài luận phản ánh vì phần này chỉ nên được sử dụng để trình bày lại luận điểm ban đầu của người viết trong phần giới thiệu và thân bài. 

Lưu ý khi viết bài luận phản ánh

Chọn thông tin liên quan

Thông thường, các bài phản ánh dài từ 250 đến 800 từ và do độ dài ngắn nên điều quan trọng là chỉ bao gồm thông tin liên quan. Tránh sa đà vào những tiểu tiết không phù hợp và tóm tắt dài dòng để đảm bảo số từ được phân bổ.

Sử dụng lối viết chuyên nghiệp

Mặc dù người viết sẽ nói về những suy nghĩ và quan điểm của mình, nhưng việc viết một bài phản ánh đòi hỏi người viết phải sử dụng phong cách viết chuyên nghiệp phù hợp với môi trường học thuật.

image-alt

Không nên sa đà vào miêu tả trải nghiệm

Một sai lầm phổ biến mà sinh viên mắc phải khi viết bài phản ánh là tập trung quá nhiều vào việc mô tả trải nghiệm của họ. Người viết nên viết ở ngôi thứ nhất vì điều này giúp người viết tập trung vào suy nghĩ/cảm xúc/trải nghiệm của mình thay vì chỉ mô tả trải nghiệm đó. Người viết nên sử dụng các thuật ngữ sau để khắc phục vấn đề trên:

  • Tôi đã ngạc nhiên hay tôi đã rất phấn khích bởi…

  • Tôi đã bị xúc động bởi hoặc tôi cảm thấy…

  • Tôi tự hỏi /cần biết thêm về…

  • Tôi đã được nhắc nhở rằng…

  • Tôi bị thách thức bởi…

  • Điều quan trọng nhất là...

  • Điều này có thể là do...

  • Sau khi nghĩ về nó ...

  • Tôi đã học hoặc tôi đã khám phá ra…

  • Sau này tôi nhận ra...

  • Điều này giống như...

  • Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu...

  • Tôi vẫn không chắc chắn về...

  • Các bước tiếp theo của tôi là... 

Tổng kết

Viết một bài luận phản ánh là một nhiệm vụ quan trọng có thể giúp người viết phát triển kỹ năng tư duy phản biện, cải thiện khả năng viết và xác định các lĩnh vực cần phát triển. Thông qua bài viết trên, tác giả hy vọng người viết có thể hiểu được định nghĩa bài luận phản ánh, tầm quan trọng của bài luận phản ánh trong giáo dục đại học và phát triển cá nhân. Bằng cách làm theo hướng dẫn từng bước và cấu trúc bài được nêu trong bài viết này, người viết có thể viết một bài luận phản ánh hoàn chỉnh, thể hiện sự hiểu biết của bản thân về tài liệu và kết nối kinh nghiệm của chính mình với các khái niệm lý thuyết.


Tài liệu tham khảo

"How to Write a Reflection Paper - Academic Skills - Trent University." Trent University • Peterborough • Durham, Ontario, Canada - Trent University, www.trentu.ca/academicskills/how-guides/how-write-university/how-approach-any-assignment/how-write-reflection-paper.

"LibGuides: Reflective Practice Toolkit: Reflective Writing." Cambridge LibGuides - LibGuides at University of Cambridge Subject Libraries, 22 Aug. 2022, libguides.cam.ac.uk/reflectivepracticetoolkit/reflectivewriting.

"How to Write a Reflection Paper." Royal Holloway International Study Centre | Study Abroad in the UK, www.rhulisc.com/blog/how-to-write-a-reflection-paper.

"Reflective Practice." The University of Sheffield, www.sheffield.ac.uk/academic-skills/study-skills-online/reflective-practice#gibbs.

Gibbs, Graham. Learning by Doing: A Guide to Teaching and Learning Methods. Further Education Unit, Oxford Polytechnic, 1988.

Moon, Jennifer A. Reflection in Learning and Professional Development: Theory and Practice. Routledge, 2013.

Snyder, C. R. Positive Psychology: The Scientific and Practical Explorations of Human Strengths. Sage Publications, 2015.

Kember, David, John McKay, Keith Sinclair, and Felicia K. Y. Wong. "A four-category scheme for coding and assessing the level of reflection in written work." Assessment & Evaluation in Higher Education 33, no. 4 (2008): 369-379.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu