Banner background

Chiến thuật tối ưu hoá việc học từ vựng qua ngữ cảnh

Bài viết đi sâu khám phá vai trò của ngữ cảnh trong việc học từ vựng, đồng thời đề xuất các phương pháp nhằm tối ưu hoá quá trình này.
chien thuat toi uu hoa viec hoc tu vung qua ngu canh

Từ vựng luôn là một trong những thành tố quan trọng nhất của việc học ngôn ngữ. Tuy nhiên, quá trình học từ vựng lại không hề dễ dàng khi phần lớn người học gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và áp dụng từ vựng. Cùng với với việc nhận thấy tầm quan trọng của ngữ cảnh trong việc định hình ý nghĩa của từ, bài viết đi sâu khám phá vai trò của ngữ cảnh trong việc học từ vựng, đồng thời đề xuất các phương pháp nhằm tối ưu hoá quá trình này.

Key takeaways

  • Ngữ cảnh đề cập đến đa dạng các yếu tố thuộc về điều kiện, bối cảnh, hoàn cảnh chi phối đến cách định nghĩa và diễn giải một từ

  • Học qua ngữ cảnh là một phương pháp học tập chú trọng vào mục tiêu xây dựng năng lực áp dụng kiến thức mới của người học vào thực tiễn, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các từ vựng đã học cho các mục đích khác nhau trong cuộc sống

  • Việc học từ vựng qua ngữ cảnh giúp người học ghi nhớ từ lâu hơn; tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn; vận dụng từ trong thực tế hiệu quả; nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ mục tiêu; và duy trì, tăng cường động lực học tập

  • Phương pháp tối ưu hoá việc học từ vựng qua ngữ cảnh chú trọng đến:

    • Phương pháp 1: Tìm hiểu từ vựng trong các ngữ cảnh khác nhau

    • Phương pháp 2: Tạo ra các ngữ cảnh học từ vựng đa dạng

    • Phương pháp 3: Kết hợp từ vựng với ngữ cảnh thực tế và tưởng tượng

  • Khi áp dụng các phương pháp tối ưu hoá việc học từ vựng qua ngữ cảnh, cần lưu ý đảm bảo tính đa dạng, duy trì nhận thức về tính cá nhân hoá, duy trì sự tương tác, và liên tục phản tư, phản hồi trong quá trình học.

“Ngữ cảnh” là gì?

“Ngữ cảnh" (context) đề cập đến các điều kiện, bối cảnh hoặc hoàn cảnh mà một sự kiện, tình huống, hoặc hành động xảy ra, từ đó ảnh hưởng đến cách mà chúng được diễn giải và được hiểu. Trong ngôn ngữ, ngữ cảnh giúp cung cấp thông tin bổ sung về ý nghĩa của từ, cụm từ, hoặc câu.

Trên thực tế, việc định nghĩa một từ cũng chịu sự phụ thuộc đáng kể vào bối cảnh mà từ đó được đặt trong. Theo đó, ý nghĩa của từ có thể thay đổi theo các bối cảnh khác nhau.

Ví dụ: danh từ “bank”

Ngữ cảnh 1: After months of careful planning and saving, she finally went to the bank to apply for a loan, hoping to secure enough funds to start a small bakery she had dreamed of.

(Sau nhiều tháng lên kế hoạch và tiết kiệm cẩn thận, cuối cùng cô đã đến ngân hàng để xin vay vốn, với hy vọng có đủ tiền để mở một tiệm bánh nhỏ mà cô hằng mơ ước.)

Ngữ cảnh 2: As the sun dipped below the horizon, they sat together on the grassy bank of the river, watching the calm water flow past while listening to the soothing sounds of nature all around them.

(Khi mặt trời lặn xuống đường chân trời, họ ngồi bên nhau trên bờ sông đầy cỏ, ngắm nhìn dòng nước êm đềm trôi qua trong khi lắng nghe những âm thanh êm dịu của thiên nhiên xung quanh.)

“Ngữ cảnh” là gì?Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý rằng “ngữ cảnh không chỉ là mối liên quan định vị trong văn bản, không gian, thời gian giao tiếp mà còn bao gồm cả những mối quan hệ với chủ thể, người tiếp nhận, với vốn tri thức nền, ý kiến, mục đích,… Tổng thể các nhân tố này tạo thành bức tranh đa dạng về ngữ cảnh” (V.Đ.Quang, T.T.H. Anh) [1]

Thế nào là “học qua ngữ cảnh"?

“Học qua ngữ cảnh" (contextualized learning) là một phương pháp học tập trong đó việc học chỉ diễn ra khi người học có thể xử lý các thông tin mới thông qua “khung tham chiếu" của chính mình, tức là những kinh nghiệm, kiến thức, giá trị, niềm tin và quan điểm mà mỗi người mang theo trong quá trình học [2].

Ví dụ, khi học một khái niệm mới, người học sẽ liên hệ nó với những gì mà họ đã biết trước đây, những trải nghiệm trong cuộc sống, hoặc những giá trị mà mình tin tưởng. Quá trình này giúp người học dễ dàng hiểu và tiếp thu kiến thức hơn, vì những thông tin mới đã được kết nối với những gì đã có trong nhận thức. 

Bên cạnh đó, phương pháp này cũng tăng khả năng áp dụng kiến thức mới vào thực tế và liên tục giúp người học không ngừng tích lũy vốn hiểu biết của mình. Cùng với những chuyển biến của kiến thức khi đưa vào các ngữ cảnh khác nhau, việc học qua ngữ cảnh cũng giúp khơi dậy sự quan tâm, tò mò, và động lực của người học. 

Thế nào là “học qua ngữ cảnh"?

Tầm quan trọng của việc học từ vựng qua ngữ cảnh

Xây dựng và duy trì trí nhớ dài hạn về từ vựng:  Các ngữ cảnh cụ thể cung cấp một bức tranh rõ ràng và sinh động về cách từ vựng được sử dụng. Việc gắn từ vựng với các tình huống và trải nghiệm thực tế giúp củng cố trí nhớ lâu dài, vì các liên kết cảm xúc và ý nghĩa tạo ra bởi ngữ cảnh sẽ làm cho từ vựng không chỉ là một mảnh ghép rời rạc mà là một phần của trải nghiệm tổng thể mà bạn có thể dễ dàng gọi lại khi cần.

Nâng cao khả năng tiếp thu ngôn ngữ: Ngoài ra, học từ vựng qua ngữ cảnh còn giúp người học tiếp thu một cách tự nhiên những cấu trúc ngữ pháp và cách sắp xếp từ trong câu. Thay vì học các từ riêng lẻ, khi từ vựng được học trong ngữ cảnh cụ thể, người học dễ dàng hình dung và áp dụng từ vào các tình huống khác nhau. Điều này giúp tăng khả năng phản xạ trong giao tiếp, làm cho quá trình học ngoại ngữ trở nên hiệu quả và thực tiễn hơn.

Nâng cao khả năng vận dụng ngôn ngữ trong thực tế: Học từ vựng qua ngữ cảnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện khả năng ngôn ngữ của người học. Khi học một từ trong ngữ cảnh cụ thể, chúng ta không chỉ hiểu nghĩa của từ đó mà còn nắm được cách sử dụng từ trong câu, ngữ điệu, sắc thái ý nghĩa và sự phù hợp với các tình huống giao tiếp. Điều này giúp người học không chỉ nhớ từ lâu hơn mà còn biết cách vận dụng từ ngữ một cách linh hoạt và tự nhiên hơn trong thực tế.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp và sự hiểu biết về ngôn ngữ: Việc học từ vựng qua ngữ cảnh còn giúp người học hiểu rõ hơn về văn hóa và tư duy của ngôn ngữ mục tiêu. Ngữ cảnh không chỉ là các câu văn mà còn chứa đựng những yếu tố văn hóa, phong cách nói chuyện và cách tư duy của người bản ngữ. Nhờ đó, người học có thể tránh được việc sử dụng từ ngữ không phù hợp hoặc không chính xác, giúp nâng cao khả năng giao tiếp và hiểu biết về ngôn ngữ.

Xây dựng, duy trì và tăng cường động lực học tập: Học từ vựng qua ngữ cảnh còn làm tăng hứng thú và động lực học tập. Khi người học thấy từ vựng được sử dụng trong các câu chuyện, tình huống cụ thể, họ sẽ cảm thấy dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn. Thay vì phải học từ một cách khô khan, việc tiếp xúc với ngôn ngữ qua các tình huống thực tế sẽ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa từ vựng và trải nghiệm cá nhân, từ đó giúp việc học trở nên thú vị và hiệu quả.

Đọc thêm: Tầm quan trọng của ngữ cảnh trong việc học ngôn ngữ

Phương pháp tối ưu hóa việc học từ vựng qua ngữ cảnh

Phương pháp 1: Tìm hiểu từ vựng trong các ngữ cảnh khác nhau

Việc tìm hiểu từ vựng trong các ngữ cảnh khác nhau giúp phát triển một cái nhìn toàn diện và linh hoạt về từ đó. Khi tiếp xúc với một từ trong nhiều tình huống và bối cảnh khác nhau, người học không chỉ học được nghĩa cơ bản của từ mà còn hiểu rõ hơn về cách từ đó có thể được sử dụng và biến đổi.

Việc thu nạp các ý nghĩa khác nhau của một từ dựa trên bối cảnh có thể được tiến hành qua:

Từ điển, đặc biệt là các từ điển đơn ngữ Anh-Anh: Các từ điển này cung cấp định nghĩa chi tiết và ví dụ minh họa về cách từ được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Khi tra cứu từ, người học không chỉ nhận được nghĩa cơ bản mà còn có thể xem các ví dụ cụ thể cho thấy từ đó được áp dụng trong các tình huống khác nhau. Điều này giúp hiểu rõ hơn về các sắc thái và ứng dụng của từ.

Đặc biệt, đối với các từ điển đơn ngữ, việc diễn giải nghĩa của từ được thực hiện bằng chính ngôn ngữ đó, khiến ý nghĩa của từ sát với nghĩa gốc nhất có thể, thay vì qua một “bộ lọc” chịu sự tác động của những yếu tố chủ quan khác thuộc về người dịch (năng lực, khả năng diễn giải, quan điểm về từ,...) trong các từ điển song ngữ. 

Các tài liệu đọc: Viêc đọc các tài liệu đa dạng như sách, bài báo, và tạp chí cũng là một cách hiệu quả để tìm hiểu các ý nghĩa khác nhau của từ theo ngữ cảnh. Khi gặp từ mới trong các loại văn bản khác nhau, người học có thể thấy cách chúng được sử dụng trong đa dạng tình huống và lĩnh vực, từ văn học đến khoa học, từ tin tức đến văn hóa. Từ đó, người học có thể nắm được nhiều cách sử dụng khác nhau và hiểu rõ hơn về các sắc thái của từ.

Video, phim ảnh, podcast, âm nhạc, chương trình giải trí: Các loại hình giải trí cung cấp cách tiếp cận sinh động về từ trong bối cảnh thực tế. Khi xem phim hoặc video, bạn có thể quan sát cách từ được sử dụng trong các tình huống cụ thể và giao tiếp hàng ngày, giúp bạn hiểu rõ hơn về các sắc thái của từ. Nghe podcast và âm nhạc cũng mang lại ví dụ về cách từ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện và bài hát, trong khi chương trình giải trí thường thể hiện từ vựng trong các ngữ cảnh vui nhộn hoặc kịch tính, làm phong phú thêm khả năng nhận diện và áp dụng từ.

Phương pháp 1: Tìm hiểu từ vựng trong các ngữ cảnh khác nhau

Phương pháp 2: Tạo ra các ngữ cảnh học từ vựng đa dạng

Sử dụng hình ảnh, video, âm thanh để minh họa cho từ vựng: Việc sử dụng hình ảnh, video và âm thanh để minh họa cho từ vựng giúp người học không chỉ tiếp cận từ qua văn bản mà còn thông qua các giác quan khác. Hình ảnh và âm thanh kết hợp sẽ giúp người học dễ dàng liên kết từ vựng với bối cảnh thực tế, giúp ghi nhớ từ lâu hơn và sâu sắc hơn.

Sáng tạo các tình huống, câu chuyện có chứa từ vựng cần học: Hay vì học các từ ngữ riêng lẻ, việc đưa chúng vào trong những câu chuyện hoặc tình huống cụ thể sẽ giúp người học hiểu rõ cách sử dụng từ trong ngữ cảnh thực tế. Điều này không chỉ làm cho từ vựng dễ nhớ hơn mà còn giúp người học hiểu rõ cách ứng dụng từ trong cuộc sống hàng ngày.

Tạo dựng và/hoặc tham gia vào các hoạt động giao tiếp thực tế hoặc mô phỏng giao tiếp để áp dụng từ vựng đã học: Các buổi thực hành giao tiếp, đóng vai hoặc thảo luận nhóm là những cơ hội tuyệt vời để người học sử dụng từ vựng một cách tự nhiên và hiệu quả. Những hoạt động này không chỉ giúp cải thiện khả năng nhớ từ mà còn tăng cường kỹ năng giao tiếp, giúp người học tự tin sử dụng từ trong các tình huống thực tế.

Phương pháp 2: Tạo ra các ngữ cảnh học từ vựng đa dạng

Phương pháp 3: Kết hợp từ vựng với ngữ cảnh thực tế và tưởng tượng

Liên kết từ vựng với các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống: Quá trình này tập trung vào việc kết nối từ mới với những tình huống hoặc địa điểm mà bạn đã trải nghiệm trong thực tế. Mục tiêu là tạo ra một sự liên kết giữa từ vựng và những kỷ niệm, tình huống cụ thể mà bạn đã quen thuộc, giúp não bộ dễ dàng nhớ từ thông qua sự kết nối với những gì bạn đã trải qua.

Sử dụng các kỹ thuật liên tưởng để ghi nhớ từ vựng: Liên tưởng nhấn mạnh việc tạo ra hình ảnh hoặc câu chuyện sinh động liên quan đến từ mới để làm cho việc học trở nên hấp dẫn hơn. Mục tiêu là tạo ra những hình ảnh hoặc tình huống tưởng tượng giúp từ vựng trở nên rõ ràng và dễ nhớ hơn thông qua sự sáng tạo, không nhất thiết phải liên quan đến trải nghiệm thực tế của bạn.

Phương pháp 3: Kết hợp từ vựng với ngữ cảnh thực tế và tưởng tượng

Một số lưu ý khi áp dụng các phương pháp tối ưu việc học từ vựng qua ngữ cảnh

Đảm bảo tính đa dạng: Khi áp dụng các phương pháp nhằm tối ưu hóa việc học từ vựng qua ngữ cảnh, việc đảm bảo độ đa dạng là rất quan trọng. Cung cấp nhiều ngữ cảnh khác nhau giúp tránh sự nhàm chán và giữ cho quá trình học tập luôn thú vị. Sự đa dạng này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về các sắc thái của từ mà còn làm cho việc ghi nhớ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Nhận thức về tính cá nhân hóa: Mỗi người có đặc tính và khả năng tiếp nhận thông tin khác nhau, vì vậy việc điều chỉnh phương pháp học tập cho phù hợp với từng cá nhân sẽ giúp đảm bảo và nâng cao hiệu quả học tập. Nếu học tốt hơn qua đọc sách, hãy tìm các ngữ cảnh từ vựng trong văn bản. Nếu học tốt hơn qua âm thanh, hãy sử dụng podcast hoặc âm nhạc. Điều chỉnh phương pháp học cho phù hợp với phong cách cá nhân giúp tăng cường hiệu quả tiếp thu và giữ động lực học tập.

Duy trì sự tương tác: Đây cũng là một yếu tố không thể thiếu vì nó giúp tăng cường sự hứng thú và tham gia của người học. Thay vì chỉ đọc hoặc nghe thông tin một cách thụ động, người học được khuyến khích nên chủ động tạo dựng và/hoặc tham gia vào các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm, trò chơi từ vựng, hoặc các bài tập thực hành. Từ đó người học không chỉ có thể rèn luyện kỹ năng sử dụng từ mà còn có thể ghi nhớ từ lâu hơn.

Biến quá trình học thành một tiến trình tiếp diễn, liên tục phản tư và phản hồi:  Điều này có nghĩa là không chỉ học từ vựng mới và áp dụng chúng vào ngữ cảnh cụ thể, mà còn phải liên tục đánh giá cách thức và hiệu quả của việc sử dụng từ vựng đó. Đồng thời, việc phản hồi từ người khác hoặc công cụ học tập cũng giúp người nhận ra những sai sót và điều chỉnh phù hợp. Cuối cùng, việc học từ vựng diễn ra càng lâu dài, thì người học càng tích lũy được vốn từ lớn và càng đến gần hơn ngôn ngữ mục tiêu của mình. 

Một số lưu ý khi áp dụng các phương pháp tối ưu việc học từ vựng qua ngữ cảnhXem thêm:

Tổng kết

Như vậy, học từ vựng qua ngữ cảnh có đóng góp đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình thu nạp từ mới và áp dụng từ vựng. Các phương pháp tối ưu hoá việc học từ vựng qua ngữ cảnh chú trọng vào việc trang bị cho người học những hiểu biết khác nhau về từ dựa trên các bối cảnh khác nhau và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa từ và những trải nghiệm thực tế của người học. Quá trình này phải đảm bảo được độ đa dạng, song song với việc tôn trọng những đặc tính riêng của người học, đồng thời đề cao vai trò của sự tương tác và phản tư, phản hồi liên tục. 

Anh Ngữ ZIM áp dụng phương pháp học từ vựng qua ngữ cảnh trong các khóa luyện thi tiếng Anh, giúp thí sinh nâng cao kỹ năng một cách hiệu quả. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp học IELTS tối ưu, hãy tham khảo ngay các khóa học IELTS tại Anh Ngữ ZIM.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
Giáo viên
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...