Banner background

Bí quyết duy trì động lực ôn thi IELTS dành cho trình độ trung cấp

Bài viết phân tích các nhóm động lực, vai trò và các yếu tố làm suy giảm động lực học của người học trình độ trung cấp. Qua đó, đưa ra giải pháp duy trì động lực học trong quá trình ôn thi IELTS.
bi quyet duy tri dong luc on thi ielts danh cho trinh do trung cap

Key takeaways

  1. Người học ở các trình độ có thể bị ảnh hưởng bởi cả ngoại động lực (extrinsic motivation) và nội động lực (Intrinsic motivation). Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nội động lực được xem là “đòn bẩy” mang tính quyết định hơn trong quá trình học nhưng trong nhiều trường hợp, người học hoàn toàn có thể biến ngoại động lực trở thành nội động lực trong quá trình luyện tập.

  2. Trong quá trình học, động lực của người học có thể bị ảnh hưởng bởi chính người học, giáo viên và những yếu tố ngoại cảnh,… Trong đó, tác động đến từ chính người học và giáo viên mang yếu tố quyết định.

  3. Các yếu tố gây xao nhãng và làm giảm động lực trong quá trình học hoàn toàn có thể được loại bỏ khi người học áp dụng các phương pháp khác nhau một cách hợp lí và khoa học.

Ngày nay, chứng chỉ IELTS đã và đang trở thành một phần tất yếu trong hệ thống giáo dục trong và ngoài nước. Qua các năm, số lượng thí sinh tham gia kì thi không những tăng nhanh về số lượng mà còn trẻ hóa về độ tuổi. Tuy nhiên, dù có sự tương đồng về độ tuổi, phương pháp học, thậm chí là mục tiêu,  động lực của mỗi thí sinh có thể rất khác nhau, từ đó dẫn đến kết quả khác nhau trong quá trình học.

Điều đáng chú ý là động lực của người học có thể thay đổi theo giai đoạn và trình độ tại thời điểm, đặc biệt đối với người học ở trình độ trung cấp. Theo British Council, sau một thời gian tiếp xúc và luyện tập, người học ở trình độ này đã nắm được phần lớn các kiến thức, thuật ngữ và quy tắc cần thiết, tuy nhiên, quá trình đánh giá trình độ và đánh giá sự tiến bộ gặp nhiều khó khăn. Từ đó, người học dễ bị mắc kẹt giữa cái cũ và cái mới dẫn đến sự chậm lại trong quá trình tiến bộ, khi đó, hầu hết các bạn bị giảm động lực học vì không nhận thấy được sự tiến bộ rõ rệt so với giai đoạn từ cơ bản lên trung cấp.

Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ tập trung làm rõ các yếu tố động lực, những tác nhân làm giảm động lực trong quá trình và gợi ý những giải pháp giúp người học ở trình độ trung cấp tái tạo và duy trình động lực trong quá trình ôn thi IELTS.

Yếu tố động lực

Nội động lực (Intrinsic motivation)

Nội động lực  là những tác động, động cơ xuất phát từ phía người học. Theo Ryan và Deci (2000), khi người học tự tìm thấy động lực cho chính mình, quá trình học sẽ trở nên ý nghĩa hơn, hứng thú hơn thay vì những áp lực phải gánh chịu từ các tác động bên ngoài.

Để hiểu rõ hơn về nội động lực, chúng ta cùng quan sát ví dụ dưới đây:

Bạn A là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, qua quá trình tiếp xúc với tiếng anh học thuật ở năm 1 và năm 2 Đại học, bạn cảm thấy khía cạnh này của ngôn ngữ thú vị và rất có ích cho quá trình nghiên cứu học tập của bạn trong tương lai. Vì thế, bạn quyết định bắt đầu tìm hiểu và tham gia học IELTS.

Bernaus và cộng sự (2008) cho rằng các học sinh có động cơ học tập mạnh mẽ sẽ đạt kết quả cao hơn những học sinh có động cơ học tập yếu. Bên cạnh đó, việc bắt đầu học tập bằng sự yêu thích, trí tò mò sẽ giúp người học có cái nhìn tích cực về những thử thách, chướng ngại trong quá trình học tập, bên cạnh đó, việc duy trì động lực học tập cũng dễ dàng hơn.

Ngoại động lực (Extrinsic motivation)

Bên cạnh sự hứng thú, ham thích tìm tòi, hầu hết người học IELTS ngày nay cũng bị thuyết phục bởi những lợi ích mà chứng chỉ này mang lại, ví dụ: cơ hội việc làm tại các công ty, tập đoàn lớn; học bổng đại học, cao học ở môi trường quốc tế, được trọng dụng ở các vị trí cao,... Lúc này, người học nhận động lực từ các phần thưởng, lợi ích hoặc áp lực ngoại cảnh, ta gọi đó là ngoại động lực.

Ngoại động lực giúp người học có cái nhìn thực tiễn, đích đến rõ ràng cho quá trình học tập của mình. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng, những động cơ từ bên ngoài hầu hết mang tính chất tạm thời, dễ thay đổi theo điều kiện đời sống, nhu cầu cá nhân. (Amabile, 1996). Điều này tuy đúng nhưng chưa đủ. Có rất nhiều người học nhận định được tầm quan trọng của tiếng Anh trong đời sống nhưng không xác định được mục tiêu rõ ràng cho việc học từ đó dễ nản chí, bỏ cuộc giữa chừng, đặc biệt là đối tượng người lớn, người đi làm. Trong trường hợp này, những ảnh hưởng khách quan từ bên ngoài có thể được tiếp nhận và tạo động lực cho người học (Beth H, 2015)

Ngoại động lực (Extrinsic motivation)

Nguồn: Knilt

Vai trò của động lực trong quá trình ôn thi IELTS

Một quá trình học hiệu quả cần được thúc đẩy bởi cả động cơ bên trong lẫn bên ngoài, đặc biệt đối với một khía cạnh tiếng Anh học thuật như trong bài thi IELTS. Việc xác định được mục tiêu rõ ràng và động lực thực tiễn sẽ giúp người học điều chỉnh được hành vi, cường độ, và sự bền bỉ của quá trình học (Hằng B., 2017).

Đầu tiên, động cơ đúng sẽ cho người học lối đi đúng. Khi xác định được đích đến của bản thân, người học có thể lựa chọn và điều chỉnh lộ trình học của mình phù hợp với nhu cầu đầu ra. Bên cạnh đó, đối với những mục tiêu khác nhau, thời gian và công sức đầu tư vào việc học cũng khác nhau. Ví dụ, hai bạn A và B có năng lực giống nhau nhưng bạn A mong muốn đạt được 8.0 IELTS, bạn B chỉ cần 6.5, vì thế, thời gian học của hai bạn sẽ khác nhau và lộ trình học cũng khác nhau.

Cụ thể, trong quá trình học IELTS, động lực đóng vai trò định hướng và thúc đẩy. Đối với tính chất của bài thi IELTS, mỗi người học sẽ có một mục tiêu band điểm khác nhau để phù hợp với nhu cầu cá nhân. Vì thế, việc xác định mục tiêu cá nhân giúp người học thấy được đích đến rõ ràng hơn và việc nắm rõ được động cơ học tập cũng góp phần sẽ giúp việc học đạt hiệu quả toàn diện hơn bởi khi đó, người học biết được những yêu cầu, điểm cần cải thiện và phần kiến thức cần đạt được. Điều này giúp việc học IELTS trở nên cá nhân hóa, người học tránh sự lạc lối trong lượng kiến thức ngôn ngữ khổng lồ.

Những yếu tố làm suy giảm động lực trong quá trình ôn thi của học sinh trình độ trung cấp

Học sinh ở trình độ trung cấp có những đặc điểm nổi trội về mặt kiến thức và kĩ năng. Theo CEFR, học sinh ở trình độ trung cấp (B1-B2) đã có khả năng nắm bắt thông tin từ những bài đọc, bài viết có nội dung chuyên sâu, có thể giao tiếp với người bản xứ về các chủ đề thông dụng trong đời sống  và có khả năng viết những bài luận ngắn, có nội dung chuyên môn.

Tuy nhiên, người học ở giai đoạn thường “mắc kẹt” giữa kiến thức cơ bản và nâng cao, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong thực tế có rất nhiều bạn thí sinh bị kẹt ở band 6.0 - 6.5 ở hai kỹ năng Writing và Speaking. Điều này có thể được lý giải bởi những yếu tố sau đây:

  1. Nguyên nhân đến từ chính người học: Người học ở trình độ này có thể có xu hướng hài lòng về lượng kiến thức hiện có. Bởi đặc điểm có lợi trong quá trình học, người học cảm thấy việc cập nhật từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và cách viết mới không thực sự cần thiết vì họ đã và đang có thể giao tiếp thoải mái với vốn kiến thức hiện có.

  2. Nguyên nhân đến từ giáo viên: Giáo viên chưa làm rõ đường dây liên kết giữa nhu cầu người học và bài giảng. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận và theo dõi học sinh không phù hợp cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của học sinh trong quá trình học.

  3. Nguyên nhân khác: Cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy,…

Những yếu tố làm suy giảm động lực trong quá trình ôn thi của học sinh trình độ trung cấp

Bí quyết duy trì động lực trong quá trình ôn thi IELTS

Tìm hiểu rõ điểm mạnh, yếu của bản thân dựa trên tiêu chí chấm điểm

Như đã đề cập ở trên, người học ở giai đoạn này thường đã có nền tảng kiến thức rất tốt về từ vựng và kiến thức. Lúc này, để có thể nâng cao trình độ, người học cần có một quá trình soi chiếu (reflection) nghiêm túc và kỹ lưỡng, tập trung phân tích tư duy xây dựng bài viết thay vì chú trọng đến các lỗi nhỏ.

Để thực hiện điều này, người học cần hiểu kỹ những các mục trong band descriptor và thường xuyên so sánh, đánh giá sản phẩm của mình để nhận ra những thiếu sót cần bổ sung.

Tạo thống kê so sánh quá trình

Ở giai đoạn trung cấp đến cao cấp, quá trình tiến bộ có thể chậm hoặc khó nhận thấy hơn giai đoạn cơ bản đến trung cấp. Vì thế, người học cần cho bản thân thấy được quá trình tiến bộ của chính mình bằng cách thường xuyên cập nhật nhật ký bài làm. Trong nhật ký này, ngoài ghi nhận sự thay đổi của điểm số, người học có thể ghi chú những điểm mình đã cải thiện hoặc những điểm cần tìm hiểu thêm.

Làm việc cùng đội, nhóm với sự hướng dẫn của giáo viên

Đã có rất nhiều nghiên cứu về phương pháp học tập và giảng dạy khẳng định tầm quan trọng của việc học theo nhóm. Khi học theo nhóm, người học dễ dàng duy trì động lực nhờ vào sự tác động tích cực từ bạn bè, những người có cùng mục tiêu, ngoài ra, việc trao đổi và tìm hiểu kiến thức để chia sẻ diễn ra tự chủ và thú vị hơn. 

Tăng sự tiếp xúc với ngôn ngữ bằng nhiều hình thức khác nhau

Chúng ta vốn biết rằng, ngôn ngữ có thể được phát triển bằng nhiều cách khác nhau. Trong quá trình ôn luyện IELTS, người học không nhất thiết phải liên tục giải đề, làm kiểm tra, mà thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể gia tăng sự tiếp xúc với ngôn ngữ để làm quen với các đặc điểm khác nhau của ngôn ngữ như phát âm, từ vựng và thậm chí là tìm hiểu về văn hóa thông qua phim ảnh, các bài báo trên các trang mạng lớn uy tín như New York times hoặc những bài chia sẻ trên các diễn đàn như Ted Talk. Thông qua việc gia tăng sự tiếp xúc ngôn ngữ một cách tự nhiên, người học sẽ nhận thấy quá trình học tập trở nên thú vị hơn và việc duy trì động lực cũng trở nên dễ dàng hơn.

Bí quyết duy trì động lực trong quá trình ôn thi IELTS

Tổng kết

Trong quá trình ôn thi IELTS, người học, đặc biệt là người học ở trình độ trung cấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và việc duy trì động lực ôn thi IELTS, dù là ngoại động lực hay nội động lực đều có thể gặp nhiều thách thức từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, người học cần nắm rõ động cơ, lý do bắt đầu và có một lộ trình cụ thể để tạo điều kiện và môi trường cho sự phát triển trong quá trình học.


Tài liệu tham khảo:

English Profile - Home. www.englishprofile.org/images/pdf/GuideToCEFR.pdf. Accessed 22 Mar. 2023.

Hennessey, Beth, et al. "Extrinsic and intrinsic motivation." Wiley encyclopedia of management, 3rd ed., vol. 2, John Wiley & Sons, 2015, pp. 1-4.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (5 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...