Banner background

Spaced Repetition: Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng

Trên cơ sở cách thức hoạt động của trí nhớ, Ebbinghaus tiến hành thử nghiệm phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) bằng cách nhớ một danh sách các từ cho đến khi thuộc làu và không xem lại danh sách. Khi Ebbinghaus không còn nhớ từ nào trong danh sách nữa, ông học lại các từ này và so sánh với đường cong quên lãng của hai lần.
spaced repetition hoc tu vung bang phuong phap lap lai ngat quang

Trong quá trình học bất cứ ngoại ngữ nào, từ vựng luôn đóng một vai trò quan trọng. Người học sẽ không thể diễn đạt ý tưởng của họ nếu không có từ vựng và ngược lại, quá trình tiếp thu thông tin cũng bị cản trở nếu không có vốn từ vựng đủ nhiều. Không có một con số tiêu chuẩn cụ thể về số từ vựng mà một người cần học để đạt đến mức độ thành thạo trong tiếng Anh. Tuy nhiên theo tiến sĩ A.J Hoge, tác giả phương pháp Effortless English, con số ấy sẽ rơi vào khoảng 10,000 – một số lượng khổng lồ đối với người vừa bắt đầu học Tiếng Anh và đòi hỏi quá trình tích lũy dài lâu.

Do đó, việc nắm được bí quyết học từ vựng nhanh và hiệu quả sẽ quyết định trực tiếp đến sự tiến bộ trong quá trình học ngoại ngữ. Một trong những phương pháp học từ vựng có lịch sử phát triển lâu đời dựa trên những nghiên cứu về não bộ con người là “Spaced Repetition System” hay còn gọi là Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng). Trong bài nghiên cứu này, tác giả sẽ giới thiệu đến người đọc về phương pháp này cũng như hướng dẫn áp dụng hiệu quả vào quá trình học từ vựng.

Key takeaways:

  • Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced repetition) là kỹ thuật học và ôn tập từ vựng bằng cách tăng hoặc giảm thời gian giữa các lần ôn tập tiếng anh dựa trên độ khó của từ vựng (đối với việc ghi nhớ của người học)

  • Sự ứng dụng nguyên lý “Lặp lại ngắt quãng” được giáo sư Cecil Alec Mace đề cập đến lần đầu qua quyển “Tâm lý trong việc học” (Psychology of Study) vào năm 1932. 

  • Một số cách học từ vựng áp dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng: sử dụng Leitner System, sử dụng phần mềm hỗ trợ, viết vở, sử dụng mindmap, đặt câu hỏi và tưởng tượng.

Spaced Repetition là gì?

Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced repetition) là một kỹ thuật ghi nhớ liên quan đến việc xem xét và gợi nhớ lại thông tin ở các khoảng cách tối ưu cho đến khi thông tin được học ở mức đủ. Hay nói cách khác, người học càng cảm thấy khó khăn trong việc ghi nhớ từ vựng nào, thì thời gian giữa hai lần ôn tập từ vựng đó càng ngắn và ngược lại.

Ví dụ: 

  • Hôm nay (thứ 2), người học có một list từ vựng mới người học vừa ôn luyện. Ngay ngày mai (thứ 3), người học quyết định ôn tập lại list từ vựng này nhưng vẫn còn cảm thấy khó khăn trong việc ghi nhớ. Lúc này, nếu áp dụng phương pháp học tập ngắt quãng, người học sẽ phải tiếp tục yêu cầu người học ôn tập lại list từ vựng này ngày tiếp theo. 

  • Trong ngày tiếp theo (thứ 4), người học cảm thấy bản thân đã có thể ghi nhớ khá tốt được list từ vựng. Áp dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng, người học có thể dãn thời gian ôn tập lại list từ vựng này ra 2,3 ngày sau mới phải tiếp tục ôn lại. 

  • Cứ thế, người học càng cảm thấy list từ vựng dễ dàng bao nhiêu, thời gian giữa hai lần ôn tập càng có thể kéo dài bấy nhiêu.

Lịch sử ra đời và cơ sở khoa học của phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng)

Sự ứng dụng nguyên lý Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) được giáo sư Cecil Alec Mace đề cập đến lần đầu qua quyển “Tâm lý trong việc học” (Psychology of Study) vào năm 1932. Trong những năm sau đó, kỹ thuật này cũng được áp dụng trong nghiên cứu nhận thức con người và điều trị cho các bệnh nhân Ailzemer.

Tuy nhiên chỉ mãi đến năm 1985, người ta mới có cái nhìn toàn diện và khoa học về phương pháp này thông qua những nghiên cứu của nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức Hermann Ebbinghaus. Một trong những phát hiện quan trọng của Hermann Ebbinghaus là tìm ra quy luật của trí nhớ, theo đó trong điều kiện không có sự ôn tập hay gợi nhớ, hầu hết thông tin mà một người học được sẽ mất đi một vài ngày sau đó.

Hình bên dưới là Đường cong quên lãng được Ebbinghaus tổng hợp từ các thí nghiệm của ông. Có thể thấy, đường cong này đặc biệt dốc ở những ngày đầu tiên sau khi người học tiếp nhận thông tin, đồng nghĩa với việc lượng kiến thức còn đọng lại trong trí nhớ của họ suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, độ dốc của đường giảm dần và người học vẫn nhớ được một phần nhỏ thông tin.

The forgetting curve - Đường cong quên lãngĐường cong quên lãng (The forgetting curve).

Trên cơ sở cách thức hoạt động của trí nhớ, Ebbinghaus tiến hành thử nghiệm phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) bằng cách nhớ một danh sách các từ cho đến khi thuộc làu và không xem lại danh sách. Khi Ebbinghaus không còn nhớ từ nào trong danh sách nữa, ông học lại các từ này và so sánh với đường cong quên lãng của lần hai.

Kết quả là hiệu quả ghi nhớ trong lần thứ hai được cải thiện đáng kể. Biểu đồ bên dưới mô tả hiệu suất lưu trữ qua mỗi lần lặp lại thông tin. Như vậy, khi một người có ý thức ghi nhớ những kiến thức đã học bằng cách đều đặn ôn tập chúng trong nhiều lần, khả năng mà những kiến thức đó được đưa vào bộ nhớ dài hạn của họ tăng lên đáng kể. Cách tiếp cận này chính là phương pháp Spaced Repetition.

The forgetting curve 2Đường cong quên lãng của lần hai.

Hạn chế của phương pháp Spaced Repetition

Dù là một phương pháp dựa trên nhiều nghiên cứu và thực nghiệm, Spaced Repetition vẫn tồn tại một số hạn chế của riêng nó:

  • Phương pháp sẽ “gãy" và không hiệu quả nếu việc thực hành không đều đặn. Việc duy trì nhịp học đòi hỏi rất nhiều quyết tâm từ người học ngay từ ngày đầu và kéo dài cho đến ngày 30, ngày 90 hay thậm chí vài tháng sau đó.

  • Nếu chỉ dựa vào mặt chữ sẽ khó ứng dụng từ vựng vào những trường hợp và ngữ cảnh cụ thể.

  • Dễ mất động lực do thiếu công cụ hay bài tập thực tiễn có sẵn để luyện tập định kỳ.

Để có thể bù đắp thiếu sót cho phương pháp, việc kết hợp phương pháp linh hoạt và một chút sáng tạo sẽ biến việc học từ bớt nặng nhọc.

Khắc phục những hạn chế của Spaced Repetition

Hiểu được sự lặp đi lặp lại có phần đơn điệu của phương pháp và thiếu sự hiểu biết sâu về ngữ cảnh có thể làm cho việc ứng dụng khó khăn hơn, dưới đây là một số chiến thuật gợi ý cho người học:

  • Bước 1: Khi người học tiếp xúc với từ vựng mới, hãy bắt đầu bằng việc hiểu gốc từ (root word), các tiền tố (prefix) hoặc hậu tố (suffix) hay lịch sử của từ (etymology) nếu có thể và sau đó tìm hiểu ý nghĩa bằng tiếng Việt để nắm chắc hơn nghĩa của từ. Bước đầu tiên cũng chính là bước nền tảng, càng tìm hiểu kỹ thì việc nhớ càng lâu hơn. Người học có thể tham khảo một số các website hỗ trợ việc dò nguồn gốc của từ như https://www.etymonline.com/ hay giải thích từ vựng theo ngôn ngữ gần gũi, ít hàn lâm ở https://www.vocabulary.com/. Ngoài ra, người học cũng có thể ứng dụng app https://apps.ankiweb.net/ là website cung cấp công cụ thẻ từ (flashcards) vào quá trình học từ vựng.

  • Bước 2: Làm bài tập về nối từ vựng (matching exercises) với lời diễn giải hoặc hình ảnh tương ứng để tự kiểm tra việc nhớ ở bước 1 để khắc sâu nghĩa của từ vào bộ nhớ. Người học có thể khám phá các hoạt động online miễn phí ở (website https://www.baamboozle.com/games) để ôn bài thông qua hình ảnh.

  • Bước 3: Làm bài tập điền vào chỗ trống (gap filling) nhằm hiểu biết về ngữ cảnh chứa từ vựng. Ở bước này, người học có thể khám khá tính năng “Vocabulary lists” ở https://www.vocabulary.com/ để tự tạo danh sách từ cần học

    cho riêng mình và làm các bài tập liên quan.

Gap Filling

  • Bước 4: Ứng dụng từ vựng đã học vào trả lời câu hỏi trong IELTS Speaking. Người học hoàn toàn có thể tìm kiếm cho mình những bộ câu hỏi của các chủ đề trong bài thi Speaking 2023 tại đây. Sau đó, hãy thử ứng dụng các từ đã học vào trả lời và tham khảo lại các câu trả lời mẫu sẵn có để học thêm về cấu trúc và cách dùng từ.

  • Bước 5: Ứng dụng từ vựng đã học để viết đoạn văn ngắn hay bài viết (essay) trong IELTS Writing. Tương tự như ở bước 4, người học hãy tự tìm cho mình một chủ đề thích hợp và tập viết đoạn văn ngắn trước rồi sau đó phát triển thành một bài văn hoàn chỉnh. Sau cùng hãy tham khảo các bài viết mẫu để học hỏi cách dùng từ và phát triển họ từ như thế nào cho phù hợp.

Cơ sở cho việc kết hợp các bước trên đều dựa trên sự lặp đi lặp lại với độ khó tăng tiến dần. Việc đi từ dễ đến khó sẽ giúp cho não bộ làm quen dần với thông tin mới và một khi nắm vững chúng, việc thực hành chính là bước sau cùng để kiểm tra lại độ hiệu quả của cả quá trình trên.

Áp dụng hiệu quả phương pháp Spaced Repetition trong học từ vựng

Sử dụng flashcards (Leitner System)

Với tính hiệu quả cao mà phương pháp Spaced Repetition mang lại, một số nhà nghiên cứu đã phát triển cách áp dụng kỹ thuật này trong việc học nói chung và học ngoại ngữ nói riêng. Một trong số đó là Sebastian Leitner, người đã kết hợp lặp lại ngắt quãng và flashcards (thẻ ghi nhớ).

Hình dưới đây mô tả quá trình áp dụng Leitner System:

Kết hợp Spaced Repetition và FlashcardsLeitner System: kết hợp Spaced Repetition và Flashcards.

Theo đó, để chuẩn bị cho phương pháp này, người học cần có 5 chiếc hộp từ vựng đánh số từ 1 đến 5 cũng như các thẻ ghi nhớ với một mặt ghi từ và mặt còn lại chú thích ý nghĩa, phát âm, cách sử dụng,… của từ đó.

Người học xếp tất cả flashcard ghi từ vựng mới học vào hộp thứ nhất, mỗi khi trả lời đúng một flashcard thì di chuyển nó sang hộp thứ hai, nếu vẫn trả lời sai thì để nguyên từ đó trong hộp thứ nhất.

Lặp lại quá trình tương tự đối với các hộp tiếp theo. Ví dụ, ở hộp thứ hai, những flashcard trả lời đúng sẽ được di chuyển sang hộp thứ ba, những từ trả lời sai sẽ bị đưa về hộp thứ nhất. Cứ như thế cho đến khi tất cả các flashcard của người học đến được hộp thứ 5, đồng nghĩa với việc đã kết thúc chu kỳ ôn tập.

Với phương pháp này tất cả nội dung đã học sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi người học đã nhớ thông tin. Bên cạnh đó, ưu điểm của cách làm này là phân loại được từ vựng theo mức độ dễ – trung bình – khó để người học không học tràn lan mà chỉ phân bổ thời gian và công sức tập trung vào những từ vựng khó.

Tuy nhiên, phương pháp kết hợp giữa Spaced Repetition và thẻ ghi nhớ này cũng tồn tại một số bất lợi nhất định cho người học như:

  • Thẻ từ vựng được làm bằng tay nên bị giới hạn nội dung thông tin đưa vào thẻ. Chẳng hạn như, người học không thể thêm hình ảnh minh họa hay file âm thanh ghi lại phát âm cho từ đó… khó khăn cho việc tạo ấn tượng đối với từ vựng,

  • Bộ thẻ trở nên lộn xộn, khó quản lý khi lượng từ mới tăng lên đến hàng trăm, hàng nghìn từ.

  • Khó tìm được khoảng thời gian ôn tập hợp ý cho mỗi hộp từ vựng. Ví dụ, người học sẽ ôn lại hộp thứ 2 sau mỗi 3 ngày, hộp thứ 3 sau mỗi 5 ngày,… Như vậy, phải có một lịch trình cụ thể ghi chép lại thời gian nào cần ôn hộp nào, dễ gây bối rối, chán nản cho người học.

Sử dụng phần mềm Spaced Repetition trên thiết bị công nghệ

Để khắc phục những nhược điểm của một hệ thống học từ vựng thủ công nêu ra bên trên, giải pháp tối ưu là nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ. Hiện nay có nhiều ứng dụng thông minh trên điện thoại đã tích hợp phương pháp lặp lại ngắt quãng và flashcard nhằm hỗ trợ người học học ngoại ngữ. Một trong những phần mềm dễ sử dụng và hoàn toàn miễn phí là Anki. Dưới đây là giao diện của phần mềm học từ vựng này:

AnkiHình ảnh mô phỏng phần mềm Anki.

Mô phỏng phần mềm AnkiHình ảnh mô phỏng phần mềm Anki.

Ưu điểm của phần mềm Anki là kho lưu trữ gần như vô hạn, tiện lợi, dễ dùng, thay vì phải tạo ra hàng trăm flashcard bằng tay, người học có thể sử dụng các flashcard ảo để ôn tập từ vựng ở bất cứ đâu. Thứ hai, ứng dụng này cho phép người học thêm âm thanh và hình ảnh liên quan đến từ vựng nhằm nâng cao ấn tượng của người học đối với từ đó, khiến cho quá trình ghi nhớ dễ dàng hơn. Đặc biệt, hệ thống lặp lại ngắt quãng tích hợp trong Anki tính toán thời gian giữa các lần ôn tập  và sắp xếp sự xuất hiện của các thẻ một cách hợp lý để tiết kiệm tối đa thời gian người học phải dành ra cho việc ghi nhớ.

Kết hợp đồng thời các phương pháp học từ vựng khác

Từ những phân tích bên trên, có thể thấy Spaced Repetition - lặp lại ngắt quãng là một phương pháp học từ vựng khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như những cách học từ vựng khác, phương pháp này vẫn tồn tại khuyết điểm.

Người học cần phải nhớ rằng học tiếng Anh là quá trình tiếp nhận thông tin mới và không ngừng sử dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, phát âm,… để có thể thực sự chủ động nghe-nói-đọc-viết. Do đó, nếu chỉ lặp lại sự nhận biết từ vựng mà không kết hợp với những cách áp dụng từ vựng đó trong kỹ năng nói hoặc viết, thì học từ qua phương pháp lặp lại ngắt quãng cũng không khác nào học thuộc lòng.

Vì vậy, người học cần phải kết hơp học bằng lặp lại ngắt quãng với những phương pháp học từ vựng khác, chẳng hạn như học từ vựng qua ngữ cảnh, mới có thể tạo ra hiệu quả cao.

Ứng dụng Spaced Repetition vào học 15 từ vựng IELTS chủ đề lịch sử - History

Đối với mỗi lần học, người học nên tự giới hạn số lượng từ vựng từ 8 - 20 từ, không nên học quá nhiều cùng lúc vì sẽ làm giảm hiệu quả ghi nhớ. Dưới đây là danh sách 15 từ vựng chủ đề History (lịch sử). 

15 từ vựng IELTS chủ đề lịch sử - History

Người học hãy phân bổ lịch học phù hợp và tránh trường hợp học dồn vì việc nhớ sâu cần sự dàn trải nhất định. Dưới đây là các bài tập được thiết kế dựa trên phương pháp lặp lại ngắt quãng - Spaced Repetition cho các ngày 1, 3, 10, 30 và 90.

Ngày 1

Để dễ nhớ mặt chữ thì việc phân tích từ đóng vai trò quan trọng. Người học cần phân chia 15 từ trên thành 2 danh sách, một là từ dễ hiểu, dể nhớ và hai là nhóm từ chưa gặp bao giờ.

Có thể thấy, từ đầu tiên là ví dụ của từ thuộc nhóm 1 vì nation nghĩa là quốc gia. Từ đó có national (tính từ của nation) hero là anh hùng dân tộc

Từ vựng

Phân tích từ vựng

Ý nghĩa

national hero (n)

từ gốc là danh từ nation, nghĩa là quốc gia, dân tộc

anh hùng dân tộc

historical figure (n)

từ gốc là danh từ history (lịch sử), tính từ historical mang nghĩa ‘thuộc về lịch sử’; figure là những gì hiện hữu như con số, hình dáng, nhân vật

nhân vật lịch sử

milestone (n)

mile là đơn vị đo khoảng cách thay cho kilometer, stone là phiến đá

cột mốc

agent orange victims (n)

tiền tố ag- có nghĩa là chuyển động, việc phải được thực hiện ví dụ: agent (điệp viên, chất); agile (linh hoạt); agenda (đề mục được trình bày)

nạn nhân chất độc màu da cam

patriot (n)

từ gốc Hy Lạp patriotes nghĩa là người cùng quê

người yêu nước
(nhà ái quốc)

take place (v)

từ đồng nghĩa: happen, occur

xảy ra

sacrifice (v)

từ Pháp cổ sacrifise nghĩa là cho đi (mạng sống)

hy sinh

pay tribute (v)

từ Pháp cổ tribut nghĩa là vật cống nạp

trả lễ, tưởng nhớ

triumph over (v)

từ gốc La-tinh triumphus nghĩa là thành tựu, từ đồng nghĩa: win

chiến thắng

claim one's life (v)

claim nghĩa là tuyên bố chủ quyền, sự sở hữu

lấy đi mạng sống

historic relic (n)

gần giống với historical, historic nghĩa là ‘mang tính lịch sử’; tiền tố re- nghĩa là lùi về hoặc lặp lại

di tích/di vật lịch sử

docent (n)

từ gốc La-tinh docere nghĩa là ‘dạy'

hướng dẫn viên ở bảo tàng

lucrative (adj)

từ gốc La-tinh lucrum nghĩa là lợi nhuận, lòng tham

sinh lời

alien (adj)

nghĩa phổ biến: người ngoài hành tinh

lạ

meager/meagre (adj)

từ Pháp cổ maigre nghĩa là thiếu

ít ỏi

Ngày 3 

Người học hãy nối từ thích hợp trong bảng từ vựng trên với định nghĩa dưới đây với để kiểm tra lại việc nắm từ vựng ở ngày đầu tiên. 

Ví dụ: 1 - A (national hero: a person who fights for the freedom of his own country)

A. a person who fights for the freedom of his own country

B. being not enough

C. making an excessive amount money

D. to achieve a victory

E. a guide who leads museum tours

F. an object or a place of the past that has survived from the past

G. different or foreign

H. to kill a person

I. to show respect on a formal occasion

J. a person who did some important things for his/her own nation in the past

K. a person who loves his/her own country and will fight for it if necessary

L. to give up one’s privilege in order to help another person

M. an important event in the history of one’s life

N. to happen

O. people who suffer from a particular toxic chemical in wars

Đáp án:

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

J

M

O

K

N

L

I

D

H

F

E

C

G

B

Ngày 10

Sử dụng những từ đã học để điền vào chỗ trống thích hợp:

A. Tran Hung Dao is one of the most well - known ___________________________ in Vietnam. 

B. After the tour at The War Museum, David approached the _____________ for more information about his favorite ___________________.

C. Due to the __________________ budget, the government is raising funds in order to refurbish some important historic _____________ which have been threatened by termites.

D. Museums tend to be one of the first destinations that attract tourists who are curious about _____________ cultures.

E. September the 2nd is the _____________ that marks Vietnam’s declaration of independence which _____________ at Ba Dinh square and the fact that Vietnam has _____________ over many hardships during the war.

F. _____________________ have been suffering major health problems due to the exposure to a particular toxic chemical during wars.

G. On June 5, 1911, a young _____________ whose name was Nguyen Tat Thanh began his journey on a ship for national salvation. People nowadays still pay _____________ to him, who is also known as our beloved President Ho Chi Minh.

H. The war has _____________ thousands of innocent people’s _________.

I. Promoting a native culture is a way to create _____________ opportunities for local businesses.

Đáp án:

A. historical figures/national heroes 

B. docent; historical figures/national heroes

C. meager; relics 

D. alien

E. milestone; took place; triumphed 

F. Agent orange victims 

G. patriot; tribute 

H. claimed; lives

I. lucrative

Ngày 30

Người học có thể ứng dụng việc hiểu cách dùng từ vào bài nói Speaking bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • Is history your favorite subject in school?

  • What historical event do you find interesting?

  • What do you think we can learn by studying events of the past?

Tham khảo bài mẫu IELTS Speaking: Giải đề và bài mẫu IELTS Speaking chủ đề Lịch sử (History).

Ngày 90

Bắt tay vào viết là cách để nâng kiến thức lên trình độ cao hơn. Người học có thể bắt đầu bằng một đoạn văn ngắn và sau đó là một bài văn hoàn chỉnh (essay) theo những chủ đề tham khảo sau:

  • Some people think studying from the past offers no benefits to today’s life, while others believe that history is a valuable source of information for us. Discuss both views and give our own opinion.

  • It is more important for schoolchildren to learn about local history than world history. To what extent do you agree or disagree?

  • Many museums and historical sites are mainly visited by tourists but not local people. Why is this the case? What can be done to attract more local people to the museums?

Tổng kết

Trên đây là những phân tích của tác giả về học từ vựng bằng phương pháp Spaced Repetition (lặp lại ngắt quãng). Đây là một phương pháp khoa học dựa trên những nghiên cứu về quá trình ghi nhớ thông tin của con người. Có nhiều cách khác nhau để áp dụng kỹ thuật này chẳng hạn như sử dụng hệ thống Leitner hoặc các phần mềm lặp lại thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ, người học có thể chọn ra một cách học phù hợp với bản thân và đề ra chiến lược học hợp lý.

Như bất kỳ phương pháp học ngoại ngữ nào khác, sự kiên trì và kỷ luật là yếu tố đặc biệt quan trọng khi áp dụng Spaced Repetition, hy vọng phương pháp này sẽ giúp người học đạt được tiến bộ nhất định khi ghi nhớ từ vựng.

Tìm hiểu thêm: Phương pháp Active Recall là gì? Ứng dụng vào quá trình luyện thi IELTS.

Chu Minh Thùy & Nguyễn Thanh Thảo


Nguồn tham khảo:

Tamm, Sander. “Spaced Repetition: A Guide to the Technique - e-Student.” E, 12 Jan. 2023, https://e-student.org/spaced-repetition/. 

Đánh giá

4.5 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...