Học từ vựng qua đọc sách có phải là cách tốt nhất?

Bài viết giúp người đọc tổng hợp một số dữ liệu liên quan từ các nghiên cứu trên toàn cầu về việc học từ vựng qua đọc sách.
author
Phạm Duy Anh
16/10/2021
hoc tu vung qua doc sach co phai la cach tot nhat

Từ vựng là đơn vị cấu thành nên một ngôn ngữ. Do vậy, nếu không có từ vựng, việc giao tiếp sẽ gặp rất nhiều khó khăn hay có thể coi là bất khả thi. Để giao tiếp thành công, người học cần có một vốn từ lớn. Do vậy, nâng cao vốn từ luôn là mục tiêu được đề ra ưu tiên khi bắt đầu học bất kì ngôn ngữ nào. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới về cách để xây dựng một bộ từ vựng cho cá nhân người học, và bài viết hôm nay sẽ giúp người đọc tổng hợp một số dữ liệu liên quan từ các nghiên cứu trên toàn cầu về việc học từ vựng qua đọc sách.

Key takeaways

Học từ vựng qua đọc sách còn được gọi là học từ vựng một cách tự nhiên (Incidental Language Acquisition)

Học từ vựng bằng việc đọc sách giúp kích thích tư duy và phân tích; ghi nhớ từ vựng lâu hơn

Ứng dụng của học từ vựng tự nhiên thông qua đọc sách có thể liên hệ tới phương pháp học từ vựng qua ngữ cảnh

Hạn chế lên phương pháp học từ vựng bằng việc đọc sách là khối lượng từ vựng lớn và thiếu động lực đọc

Đối tượng phù hợp với phương pháp:

  1. Đối tượng học sinh phổ thông đang học và làm quen ngôn ngữ thứ nhất

  2. Du học sinh có vốn từ tương đối đang học và làm quen ngôn ngữ thứ hai 

Đối tượng không phù hợp với phương pháp

  1. Đối tượng học ngôn ngữ thứ 2 có vốn từ vựng yếu

  2. Đối tượng có kiến thức nền yếu liên quan đến chủ đề

Phương pháp học từ vựng qua đọc sách

Quá trình học từ vựng thường bao gồm 2 hướng chính: học từ vựng có chủ đích (Intentional Word Learning) (thông qua dạy – học) và học từ vựng một cách tự nhiên (Incidental Word Learning)

Theo Richards & Schmitt (2002), học từ vựng tự nhiên (ILA) là học không có chủ đích sẵn và không nhận thức được việc học đang diễn ra.

Theo Nagy, Herman, & Anderson (1985), học từ vựng một cách tự nhiên (incidental word learning), hay việc không nhận thức được việc học từ vựng đang diễn ra trong quá trình đọc sách, có thể được coi là yếu tố chính đóng góp vào xây dựng vốn từ vựng trong suốt các năm đi học.

Như vậy, quan điểm “Liệu đọc sách là cách tốt nhất để học từ vựng” mà bài viết đang thảo luận sẽ nhằm hướng đến việc học ngôn ngữ một cách tự nhiên, hay còn gọi là “Incidental Language Acquisition”.

Từ đó, có thể suy ra quá trình học từ vựng bằng việc đọc sách là nỗ lực giải nghĩa và hiểu được công dụng của một từ dựa vào bối cảnh và các từ vựng xung quanh. Quy trình này thúc đẩy quá trình hiểu sâu và tăng hiêu quả vận dụng của từ vựng.

Đọc thêm: Học từ vựng tiếng Anh bằng phương pháp truy hồi kiến thức

Ưu điểm và ứng dụng của học từ vựng qua đọc sách

Ưu điểm

Kích thích tư duy phân tích

Học từ vựng một cách tự nhiên (ILA) thông qua đọc sách cho phép người đọc tham gia vào quá trình giải nghĩa từ nhờ vào các thông tin có trong bài đọc. Người đọc sẽ cố gắng hiểu và luận ra nghĩa của từ vựng qua phân tích.

Ví dụ: Xét từ “housewarming” có nghĩa là “tiệc tân gia”

Nếu chỉ được dạy hay tra nghĩa của “housewarming” là “tiệc tân gia”, người đọc sẽ dễ quên nghĩa của từ sau một thời gian ngắn do chỉ biết nghĩa bề nổi và không để lại ấn tượng sâu.

Ngược lại, trong một văn bản, nếu bên cạnh “housewarming” (tiệc tân gia) còn có các từ khóa như “house” (nhà ở), “invite” (mời rủ), “celebrate” (tổ chức, liên hoan), người đọc sẽ hiểu sâu cụ thể “tiệc tân gia” là hoạt động gì và trong đó bao gồm những hoạt động nào.

Xét từ “recommend” có nghĩa là “đề bạt”

Tương tự với từ “housewarming”, nếu chỉ biết qua nghĩa của từ “recommend” là “đề bạt”, người đọc sẽ dễ lãng quên do không có gì để liên hệ.

Tuy nhiên, trong một email hay một thông báo hành chính, nếu bên cạnh từ “recommend” là “tên một đồng nghiệp” (his name) và “vị trí quản lí” (managerial post), sẽ dễ dàng luận ra đối tượng đồng nghiệp trên đang được “đề bạt” làm quản lí.

Giúp ghi nhớ từ vựng lâu hơn

Theo Hulstijin and Laufer (2001), từ vựng thu thập được trong quá trình học tự nhiên (ILA) sẽ được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn (vùng chứa thông tin vĩnh viễn trong não bộ). Người đọc sẽ dễ dàng sử dụng hơn trong tương lai khi đã nắm rõ cách dùng nhờ vào việc phân tích.

Ví dụ: Xét từ “housewarming” (tiệc tân gia) phía trên, sau khi hiểu được nghĩa của từ, mỗi khi tiếp xúc với các bối cảnh tương tự như “nhà ở”, “mời rủ”, hay “tổ chức, liên hoan”, người đọc sẽ gợi nhớ lại từ “tiệc tân gia”

Tương tự, với từ “recommend” (đề bạt), mỗi khi tiếp xúc với tình huống tương tự ở nơi làm việc, người đọc sẽ gợi nhớ lại từ “đề bạt”.

hoc-tu-vung-qua-doc-sach-co-phai-la-cach-tot-nhat-loi-ich

Ứng dụng của phương pháp học từ vựng tự nhiên qua đọc sách (ILA)

Ứng dụng của ILA được thể hiện rõ nhất thông qua phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh (contextual clues)

Trong hướng dẫn học từ vựng theo ngữ cảnh, học sinh nhận được một số gợi ý và nhờ đó luận ra nghĩa của một từ mới.

Các gợi ý có thể bao gồm:

  1. Bề ngoài

  2. Mùi hương

  3. Hương vị

  4. Cảm nhận

  5. Âm thanh

Ví dụ: Với một món ăn quen thuộc như “ice cream” (kem), gợi ý có thể bao gồm các từ như sau giúp người đọc suy ra được đối tượng:

  1. Nhỏ gọn

  2. Thơm

  3. Lạnh, buốt răng

  4. Ngọt

  5. Mùa hè

Để ứng dụng được phương pháp học từ vựng tự nhiên, bài viết muốn đề xuất với người đọc các bước như sau:

  1. Chuẩn bị một số lượng từ vựng vừa phải để học (5 – 10 từ)

  2. Các từ chuẩn bị cần có cùng gốc từ hoặc cùng tiền tố để thu hẹp phạm vi học và dễ liên hệ

  3. Tạo ra một bối cảnh hay một câu chuyện gồm các từ cần học trong đó, từ đó xây dựng nền tảng ghi nhớ.

Ví dụ: Xây dựng bối cảnh cho từ như sau:

“Due to the economic crisis in 2008, many people could not make ends meet because they lost their job. The country’s unemployment rate rose from 4.1% to nearly 20% as employers were sacking their employees to save cost”

“Do khủng hoảng kinh tế vào năm 2008, nhiều người đã không thể trang trải cuộc sống của bản thân do họ mất việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp của quốc gia tăng từ 4.1% lên gần 20% khi mà các chủ doanh nghiệp đang sa thải nhân viên của họ để tiết kiệm chi phí”

Xét từ “unemployment” (thất nghiệp) có các từ cùng gốc “employ” như là “employer” (nhà tuyển dụng), và “employee” (người làm thuê):

  1. Từ “unemployment” có thể suy ra được nghĩa từ việc “lost their job” (mất việc), “economic crisis” (khủng khoảng kinh tế), “4.1% to nearly 20%” (tỉ lệ “unemployment” từ việc “lost their job” tăng từ 4.1% lên gần 20%).

  2. Từ “employers” đang “sacking” (sa thải) “employees” để tiết kiệm chi phí, luận ra “employers” là chủ còn “employees” là nhân viên.

Các hạn chế của phương pháp học từ vựng qua đọc sách

Khối lượng từ vựng lớn

Theo Shefelbine (1990), học sinh có vốn từ kém sẽ thấy khó để giải nghĩa từ nếu chỉ dựa vào các từ xung quanh.

Cụ thể, học sinh có vốn từ kém sẽ gặp phải nhiều từ mới trong văn bản, và dù có nỗ lực giải nghĩa các từ mới xung quanh dựa vào gốc từ hay tiền tố, học sinh vẫn sẽ cảm thấy kết quả thu được mơ hồ và không rõ ràng.

Ví dụ: xét từ “disappoint” (gây thất vọng)

Nếu không biết nghĩa từ “disappoint” nhưng biết gốc từ “appoint” có nghĩa là “bổ nhiệm vị trí công việc”, người đọc có thể hiểu nhầm sang đây là hành động “giáng chức” do có tiền tố “dis” mang nghĩa phủ định và tiêu cực ở đầu. Từ đó, nghĩa câu sẽ càng mơ hồ và không rõ ràng.

Theo Anderson & Freebody (1983), có đến gần 50% học sinh khối 5 sẽ không biết từ 30 – 59 từ trên 1000 từ bắt gặp trong văn bản, và con số này có thể lên tới 1 triệu từ tính trên cả năm. Trong trường hợp văn bản được sử dụng nằm ở trình độ cao hơn trình độ của người đọc, số từ vựng không biết sẽ còn hơn rất nhiều.

Việc có quá nhiều từ mới trong một đoạn văn bản sẽ gây cản trở đến quá trình hiểu văn bản nói chung và học từ vựng nói riêng. 

Thiếu động lực và hứng thú đọc

Theo Grabe (2009), động lực đóng vai trò quan trọng trong thực hành đọc và tăng cường khả năng đọc hiểu

Hiện nay, văn hóa đọc đang dần bị lu mờ khi có sự xuất hiện của các loại công cụ học tập khác sáng tạo hơn và đề cao sự thoải mái cũng như tính giải trí hơn, ví dụ như Internet. Từ đó, động lực ngồi vào bàn học và cầm một cuốn sách để nghiền ngẫm dường như là không nhiều khi kiến thức trong sách có thể được cho là khô khan và dễ gây mệt mỏi, chán nản

Hơn nữa, người đọc sách đơn thuần chỉ để cho vui thay vì phân tích sâu sẽ không thể thu lượm được nhiều từ vựng. Nếu người đọc không có hứng thú với đề tài họ đang đọc, việc đọc có thể thất bại và ảnh hưởng đến mục tiêu là học từ vựng một cách tự nhiên.

Theo Klauer (1984), việc thiếu đi tính phân tích sâu vào văn bản cũng như hứng thú dành cho văn bản là trở ngại rất lớn với việc đọc hiểu, từ đó làm giảm khối lượng từ vựng thu thập được qua quá trình đọc

hoc-tu-vung-qua-doc-sach-co-phai-la-cach-tot-nhat-kho-khan

Có nên học từ vựng qua đọc sách?

Một số đối tượng phù hợp

Đối tượng học sinh phổ thông đang học và thực hành ngôn ngữ thứ nhất

Theo Golden, Nation, & Read (1990), vốn từ vựng mà học sinh phổ thông có trước khi học đại học rơi vào khoảng 20,000 từ, điều có có nghĩa cứ mỗi năm thì vốn từ sẽ bổ sung thêm xấp xỉ 1,000 từ.

Theo Nagy & Anderson (1984), vốn từ vựng được cho là tăng xấp xỉ 3,000 từ mỗi năm trong khoảng từ năm thứ 3 đến năm thứ 12 đi học. Tuy nhiên, lượng từ được dạy và học trên lớp chỉ tính là hàng trăm chứ không lên con số hàng nghìn. Nếu con người biết nhiều từ hơn là được dạy, số từ vựng đó phải tới thông qua đọc sách.

Theo Laudauer & Dumais (1997), trung bình mỗi ngày, một học sinh lớp 7 tại Mĩ sẽ biết thêm từ 10 – 15 từ. Sự bổ sung về vốn từ này hẳn đến từ việc đọc sách bởi từ vựng sử dụng trong hội thoại vốn đã rất quen thuộc và nắm vững rồi.

Như vậy, đối với các hoc sinh phổ thông đang học và thực hành ngôn ngữ thứ nhất, phương pháp học từ vựng bằng đọc sách được coi là một phương pháp hiệu quả để gia tăng vốn từ.

Du học sinh có vốn từ tương đối đang học và làm quen ngôn ngữ thứ 2.

Trong một nghiên cứu của Milton & Meara (1995), khối lượng từ vựng tiếng Anh của du học sinh đã tăng đáng kể sau một thời gian dành ra ở Anh Quốc. Cụ thể, vốn từ vựng tăng khoảng hơn 1300 từ trong 6 tháng, và điều đó tương đương xấp xỉ 2500 từ mỗi năm. Du học sinh cần nắm vững kiến thức tiêng Anh để đạt đủ điều kiện đi du học, nên khả năng cao là du học sinh đã biết phần lớn từ vựng tiếng Anh trong giao tiếp thông thường trước khi ra nước ngoài. Như vậy, khối từ vựng được gia tăng đa phần sẽ tới từ việc đọc sách.

Từ nghiên cứu trên, người học ngoại ngữ thực sự có thể trau dồi thêm vốn từ thông qua đọc hiểu một cách tập trung.

Đọc thêm: Cách học từ vựng tiếng Anh hiệu quả qua việc đọc báo song ngữ

Một số đối tượng không phù hợp

Vốn từ vựng có tầm quan trọng lớn với sự đọc hiểu. Mối quan hệ giữa đọc hiểu và vốn từ vựng được hiểu là mối quan hệ song hành. Cụ thể, vốn từ vựng tốt thúc đẩy các kĩ năng đọc hiểu lên tầm cao, và việc đọc sách giúp làm tăng vốn từ vựng.

hoc-tu-vung-qua-doc-sach-co-phai-la-cach-tot-nhat-cach

Do vây, một số đối tượng không phù hợp với phương pháp học từ vựng qua đọc sách sẽ nằm trong 2 nhóm sau:

Đối tượng học ngôn ngữ thứ 2 có vốn từ vựng yếu

Vốn từ vựng có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đọc hiểu và khả năng học từ mới bởi người học ngôn ngữ thứ 2 sẽ không hiểu thông điệp mà câu văn muốn truyền tải do quá nhiều từ mới.

Xét trong phương pháp học từ vựng tự nhiên từ việc đọc sách, không hiểu nội dung văn bản sẽ là một trở ngại lớn để trích xuất được nghĩa từ chính xác bởi nghĩa của từ sẽ mơ hồ.

Theo Laufer (1989), người học cần biết tối thiểu 95% số từ trong văn bản để dễ dàng suy ra được nghĩa của từ mới trong đó và đọc hiệu quả. Trong một nghiên cứu Laufer tiến hành bao gồm 100 học sinh học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, người tham gia nghiên cứu được yêu cầu làm 2 bài kiểm tra, kiểm tra đọc hiểu và kiểm tra từ vựng, nhằm tìm ra mối liên quan giữa vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu. Thông qua bài kiểm tra, Laufer thấy rằng những học sinh có điểm đọc hiểu cao cũng có số điểm từ vựng gần tương đối

Như vậy, có thể kết luận rằng vốn từ vựng khá và tốt sẽ cung cấp thông tin cần thiết giúp người đọc đoán được nghĩa từ mới xuất hiện trong bài. Với đối tượng có vốn từ vựng yếu, học từ vựng của ngôn ngữ thứ 2 một cách tự nhiên qua đọc sách sẽ là một trở ngại.

Đối tượng thiếu kiến thức nền về chủ đề cần đọc

Trang bị kiến thức nền về chủ đề cần đọc là một yếu tố quan trọng nếu người đọc muốn hướng đến hiệu quả đọc hiểu và khối lượng từ vựng thu thập được cao.

Cụ thể, kiến thức nền cho phép người đọc tạo liên hệ và luận ra nghĩa của từ. Điều này giúp quá trình đoán nghĩa và học từ vựng tự nhiên qua đọc sách trở nên dễ dàng hơn

Ví dụ: Khi người đọc bắt gặp một câu như “baseball players hit the ball out of the park” (cầu thủ bóng chày đánh bóng ra ngoài sân), người có kiến thức tối thiểu về môn bóng chày sẽ hiểu là quả bóng được đánh ra ngoài bằng cây chày, hay còn gọi là “bat” dù trong bài không thực sự đề cập. Vậy nên, khi một câu như “the bat broke” (cây chày gãy do cú đánh quá mạnh) xuất hiện trong câu tiếp, người đọc sẽ luận ra “bat” chính là cây chày.

Tuy nhiên, với người có kiến thức nền yếu liên quan đến chủ đề đang đọc, cụ thể trong ví dụ đây là bóng chày, thì người đọc đó có thể hiểu nhầm rằng việc cây chày gãy là hành vi ăn mừng chiến thắng của cầu thủ, hoặc “bat” là “con dơi”.

Ví dụ trên đã thể hiện rõ tầm ảnh hưởng của kiến thức nền với khả năng đọc hiểu và quá trình học từ vựng. Một người sẽ chỉ biết mỗi nghĩa từ “bat” là “con dơi” nếu như không trang bị thêm cho bản thân kiến thức nền cần thiết. Và như vậy, lượng kiến thức về từ vựng thu vào sẽ thu hẹp lại.

Như vậy, phương pháp học từ vựng thông qua đọc sách nên được nhìn nhận thế nào?

Về bản chất, phương pháp học từ vựng thông qua đọc sách là một phương pháp có mang lại hiệu quả. Chứng minh cho điều này nằm ở các nghiên cứu chỉ ra lượng từ vựng mà học sinh thu được trong các năm đi học nhờ việc đọc sách. Từ những cấp học đầu tiên, trẻ em được làm quen với hướng dẫn đọc tập trung vào từ vựng, và trẻ em đã biết đến những từ vựng này trong giao tiếp hàng ngày. Lên đến các cấp cao hơn, trong khi vốn từ vựng trong giao tiếp được coi là đủ, từ mới sẽ được thu thập chủ yếu qua các kênh đọc, gồm sách vở và tài liệu in.

Tuy nhiên, khối lượng từ vựng lớn là một vấn đề đáng lưu tâm với những người đi theo phương pháp học từ vựng tự nhiên bằng việc đọc sách. Nếu không trải qua một thời gian tích lũy kiến thức đủ lâu, người học theo phương pháp học từ vựng qua đọc sách có thể cảm thấy choáng ngợp trước lượng kiến thức khổng lồ và dễ cảm thấy chán nản. Tương tự, việc thiếu động lực để cầm lên quyển sách và đọc cũng là một trở ngại khi văn hóa đọc chưa thực sự được coi trọng một cách đúng đắn. Hiếm có ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn từ các loại hình giải trí hay các phương pháp học hiện đại và đa dạng để ngồi vào bàn và chạm tay vào một trong những phương pháp truyền thống cũng như hiệu quả nhất, đó là đọc sách.

Vì vậy, hãy nhìn nhận phương pháp học từ vựng thông qua đọc sách như bao phương pháp khác: được áp dụng cho đối tượng và mục tiêu học nhất định. Nếu người học là người cần trau dồi thêm về ngôn ngữ thứ nhất hay đã có vốn từ vựng khá đầy đủ của ngôn ngữ thứ 2 đang theo học thì phương pháp này là phù hợp. Ngược lại, với những ai có kiến thức nền yếu và vốn từ vựng ngôn ngữ thứ 2 kém thì nên cân nhắc phương pháp khác hiệu quả hơn

Chốt lại, để đọc sách và học từ vựng được hiệu quả, nên chọn những cuốn sách tiệm cận với trình độ bản thân để loại bỏ tối đa trở ngại khi đọc, đồng thời nên trang bị cho bản thân một tâm thế sẵn sàng đào sâu vào văn bản.

Đọc thêm: Giải pháp cho vấn đề quên từ vựng đã học

Tổng kết

Bài viết đã trình bày quan điểm của tác giả về phường pháp học từ vựng qua đọc sách. Tóm lại, phương pháp được coi là tốt nhất khi phương pháp đó phù hợp với mọi đối tượng. Thông qua bài viết trên, ý kiến trong đề bài nên được bác bỏ. Hy vọng qua bài viết này, người đọc sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về phương pháp học từ vựng qua đọc sách và tự tìm ra cho mình phương pháp phù hợp nhất với nhu cầu học ngôn ngữ của mình.


Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu