Hypernym là gì và ứng dụng trong việc học từ vựng cho IELTS Listening

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu khái niệm hypernym, ứng dụng của nhóm từ này trong bài thi IELTS Listening cũng như phương pháp học nhằm giúp người học cải thiện được hiệu quả tăng cường từ vựng cho kỹ năng này.
author
ZIM Academy
04/05/2021
hypernym la gi va ung dung trong viec hoc tu vung cho ielts listening

Từ vựng – một bộ phận quan trọng của bất kỳ ngôn ngữ nào nói chung và tiếng Anh nói riêng – được tạo nên từ rất nhiều thành phần khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu khái niệm “hypernym”, ứng dụng của nhóm từ này trong bài thi IELTS Listening cũng như phương pháp học từ vựng nhằm giúp người học cải thiện được hiệu quả tăng cường từ vựng cho kỹ năng này.

Hypernym là gì?

Theo Wikipedia, hypernym (thượng vị) là một thuật ngữ trong ngôn ngữ học dùng để chỉ một từ hay cụm từ có trường nghĩa bao hàm nhiều từ khác, được gọi là “hyponym” (hạ vị). Thuật ngữ “hypernym” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: hupér mang nghĩa “over” (trên) và ónoma mang nghĩa “name” (tên gọi).

Các từ cùng là hạ vị của một thượng vị được gọi là “co-hyponym” (đồng hạ vị). Thượng vị là từ/cụm từ có giới hạn nghĩa bao quát và trái lại, hạ vị là các từ/cụm từ có giới hạn ý nghĩa chi tiết, cụ thể hơn. 

Ví dụ:

  • “flower” (hoa) là thượng vị của “rose” (hoa hồng), “orchid” (hoa lan), “sunflower” (hoa hướng dương); hay nói cách khác, “rose”, “orchid”, “sunflower” là các đồng hạ vị của “flower”.

  • “color” (màu sắc) là thượng vị của “pink” (màu hồng), “yellow” (màu vàng), “red” (màu đỏ); hay nói cách khác, “pink”, “yellow”, “red” là các đồng hạ vị của “color” (màu sắc).

  • “furniture” (nội thất) là thượng vị của “table” (bàn), “sofa” (ghế sofa), “shelf” (kệ, giá đỡ); hay nói cách khác, “table”, “sofa”, “shelf” là các đồng hạ vị của “furniture”.

Giữa các thượng vị và hạ vị có tồn tại mối quan hệ bắc cầu phân cấp, nghĩa là nếu X là thượng vị của Y, đồng thời Y lại là thượng vị của Z thì X cũng là thượng vị của Z.

Ví dụ: “color” là thượng vị của “red”, đồng thời “red” lại là thượng vị của “crimson”, “scarlet”, “mahogany” … Do vậy, “color” cũng là thượng vị của ba sắc thái màu đỏ này.

hypernym-vi-du

Vai trò của thượng vị – hạ vị trong quá trình sản xuất ngôn ngữ chủ yếu là giúp người học kết nối và giải thích từ vựng. 

Ví dụ: 

  • Khi muốn giải thích từ “cutlery” (dụng cụ ăn uống), người học có thể liệt kê các hạ vị tương ứng ra để người nghe hiểu nghĩa, như: “spoon” (muỗng), “knife” (dao), “fork” (nĩa).

  • Khi muốn giải thích từ “amphibian” (động vật lưỡng cư), người học có thể liệt kê các hạ vị tương ứng ra để người nghe hiểu nghĩa, như: “frog” (ếch), “toad” (cóc).

  • Khi muốn giải thích từ “Hinduism” (Đạo Hindu), người học có thể định nghĩa chung bằng cách nói “This is a religion”.

  • Khi muốn giải thích từ “sculpture” (điêu khắc), người học có thể định nghĩa chung bằng cách nói “This is a kind of art”.

Xem thêm: Hyponym là gì và ứng dụng trong việc học từ vựng 

Ứng dụng của “hypernym” trong IELTS Listening

Trong bài thi IELTS Listening, thượng vị – hạ vị được ứng dụng theo hai hướng chính: paraphrase và đưa ra định nghĩa của một từ/cụm từ.

Trước tiên, kỹ năng nhận diện paraphrase vô cùng cần thiết cho các thí sinh, bởi dữ liệu thí sinh nhận được trong đề thi sẽ được diễn đạt lại khác đi so với thông tin trong đoạn audio. Một trong những cách paraphrase thường thấy chính là sử dụng các thượng vị – hạ vị của một từ/cụm từ. Điều này nghĩa là, từ khóa trong dữ liệu đề bài cho sẵn (cả câu hỏi và đáp án) có thể là một thượng vị, và thông tin tương ứng về từ khóa đó mà thí sinh nghe được sẽ là hạ vị và ngược lại.

Ví dụ 1: Dạng Multiple Choice

1 What do they decide to organise first?

A. a place to stay

B. their airfares

C. car hire

Câu hỏi trên yêu cầu thí sinh nhận diện được vấn đề mà hai người nói đã quyết định giải quyết đầu tiên. Ở đáp án C – “car hire” (thuê xe ô tô) có từ khóa “car” (xe ô tô). 

Đối chiếu với phần script tương ứng với vùng thông tin cho câu hỏi này:

hypernym-cau-hoi-1

Có thể thấy, trong audio, người nói A sử dụng từ “transport” (phương tiện di chuyển) để đề cập vấn đề thuê xe trong đáp án C. Từ “transport” chính là thượng vị của “car”.

Phân tích script kỹ hơn, một ứng dụng khác còn có: thượng vị “accommodation” (loại hình lưu trú) – hạ vị “hotel” (khách sạn)

Ví dụ 2: dạng Completion

hypernym-cau-hoi-2

Đáp án câu hỏi 23: H – “processed foods”.

Đối chiếu với phần script tương ứng với vùng thông tin cho câu hỏi này:

hypernym-cau-hoi-3

Có thể thấy, trong audio, người nói A sử dụng các từ “fruit” (trái cây), “butter” (bơ) và “meat” (thịt) khi đưa ra lời giải thích cho mối lo ngại của chính phủ trong những năm 1930. Từ “food” là thượng vị của 3 từ nêu trên. 

Ví dụ 3: dạng Matching features

 

hypernym-cau-hoi-3

Đáp án câu hỏi 20: E – “It may be closed in bad weather”.

Đối chiếu với phần script tương ứng với vùng thông tin cho câu hỏi này:

hypernym-cau-hoi-4

Có thể thấy, trong audio, người nói có sử dụng các từ “snowing” (tuyết rơi) và “windy” (nhiều gió) khi đưa ra mô tả về đối tượng Loser’s Trail. Từ “weather” (thời tiết) trong đáp án E là thượng vị của 2 từ nêu trên. 

Như vậy, trong bài thi IELTS Listening, việc ứng dụng thượng vị – hạ vị để paraphrase xuất hiện ở nhiều dạng câu hỏi khác nhau. 

Bên cạnh paraphrase, ứng dụng của thượng vị – hạ vị còn thường xuất hiện ở IELTS Listening Part 3 và 4. Part 3 được thiết kế dưới dạng một bài thảo luận trong khi Part 4 lại là một bài giảng về một chủ đề mang tính học thuật, do vậy một số thuật ngữ có thể được giải thích hay cụ thể hóa bằng cách sử dụng thượng vị – hạ vị. Trong một vài trường hợp khác, người nói còn liệt kê và thuyết minh về các đối tượng cùng loại hay có cùng một số đặc điểm, tính chất và đây cũng là lúc thượng vị – hạ vị hữu dụng.

Ví dụ 4:

hypernym-cau-hoi-5

Nhờ câu đầu tiên, có thể nhận ra bài giảng sẽ xoay quanh đối tượng chính là “animals” (động vật). Sau đó, người nói đã nhắc đến đối tượng “crow” bằng cách định nghĩa đây là “one species” (một loài sinh vật, hay có thể hiểu, chính là một loài động vật). Như vậy, nếu chưa biết trước nghĩa của từ “crow”, thí sinh vẫn có thể có ý niệm rằng đây là một loài động vật. “animal” hay “species” ở đây là thượng vị của “crow” (con quạ).

Bên cạnh đó, người nói tiếp tục sử dụng thượng vị “mammals” và hai hạ vị “mice” và “gophers” khi bàn về nghiên cứu của các nhà sinh học. Do đó, nếu “mammal” hay “gopher” là từ xa lạ, người học vẫn có thể dựa vào từ thông dụng hơn – “mice” – để nắm đại ý bài nghe.

Nhằm hoàn thành bài thi IELTS Listening tốt hơn cũng như tăng vốn từ vựng nói chung, người học có thể tham khảo các phương pháp học ở mục tiếp theo của bài viết.

Xem thêm: Nghĩa chuyển (Polysemy) và ứng dụng trong việc học từ vựng hiệu quả

Phương pháp cải thiện từ vựng cho IELTS Listening 

Theo nhà nghiên cứu Marianne Celce Murcia (2006), một trong những phương pháp hiệu quả để tiếp thu từ vựng mới chính là tạo sự liên kết giữa từ mới này với một hay nhiều từ khác đã tồn tại sẵn trong vốn từ của người học.

Có thể thấy, các thượng vị và hạ vị có mối quan hệ bao hàm lẫn nhau về nghĩa, do đó việc học nhóm từ này hoàn toàn có thể tạo ra sự liên kết nêu trên. Nếu người học đã biết một thượng vị có nghĩa bao quát, họ có thể ghi nhớ các hạ vị.

Ngược lại, nếu người học muốn tiếp thu một từ mới là một hạ vị, họ có thể tìm hiểu thượng vị của từ đó là gì và kiểm tra liệu bản thân đã biết thượng vị đó chưa. Nhờ đó, người học sẽ tăng cường được vốn từ vựng của mình một cách có hệ thống.

Để cải thiện vốn từ vựng nói riêng dùng cho bài thi IELTS Listening, người học có thể tham khảo hướng gợi ý sau:

Bước 1: Nhận diện các thượng vị – hạ vị trong bài nghe

Như cách tác giả đưa ra ví dụ ở trên, sau khi hoàn thành một bài nghe IELTS Listening, người học nên rà soát và nhận diện các thượng vị – hạ vị được sử dụng. Chúng có thể là paraphrase hoặc có thể là từ trong định nghĩa, ví dụ.

Bước 2: Tổng hợp và mở rộng thêm hệ thống thượng vị – hạ vị về chủ đề tương ứng

Mỗi bài nghe sẽ xoay quanh một chủ đề nhất định. Người học nên tổng hợp các từ vừa nhận diện được và đồng thời, tra cứu thêm để mở rộng hệ thống từ vựng về chủ đề tương ứng đó. 

Ví dụ, sau khi làm bài nghe ở ví dụ 4 phía trên, người học có được một số từ khóa như “animals”, “creatures”, “crow”, “mammals”, “mice”, “gophers”. Từ đó, người học có thể tìm hiểu sâu hơn về các lớp, bộ, họ, chi, loài động vật khác nhau và hoàn thiện được thành một sơ đồ hệ thống về động vật có xương sống (vertebrates) ví dụ như sau:

hypernym-animals

Không chỉ vậy, người học còn có thể chủ động xây dựng sơ đồ theo ý tưởng của bản thân mà các từ vựng trong đó có thể sau này sẽ xuất hiện ở các bài nghe về chủ đề tương tự hay liên quan.
Ví dụ, sau khi làm bài nghe về chủ đề chung “plants” (thực vật), người học chọn ra 3 từ khóa “rose” (hoa hồng), “mint” (màu xanh bạc hà) và “taiga” (rừng cây lá kim). Từ đây, người học có thể tự mình nghĩ ra và chia tách chúng theo các thượng vị – hạ vị tương ứng, như “rose” sẽ ứng với các loại “flowers’ (hoa),”mint” sẽ ứng với các sắc thái “green” (màu xanh) và “taiga” sẽ ứng với các loại hình “forest” (rừng) – tất cả đều có sự liên quan đến đối tượng “plants”. Nếu sau này gặp phải chủ đề về “forests” hay “flowers”, khả năng cao là người học đã sở hữu vốn từ vựng đã đủ rộng và linh hoạt để xử lý bài.

hypernym-plants

Người học cũng nên chú ý, như đã nhắc đến ở mục II, thượng vị – hạ vị được ứng dụng vào IELTS Listening theo hai hướng chính. Do vậy, xét về kỹ năng làm bài nghe, người học cũng nên quan sát cách thức xây dựng dữ liệu cũng như ngôn ngữ hữu dụng để có thể phản ứng tốt hơn. 

Ví dụ:

  • [hạ vị] which is/are a kind/type/sort of [thượng vị].

  • [hạ vị], which is/are a kind/type/sort of [thượng vị], …

  • [thượng vị], such as/for instance/for example [>= 2 đồng hạ vị], …

  • [thượng vị], you know / I mean … [hạ vị] or [hạ vị], …

Xem thêm: 4 sai lầm thường gặp khi học từ vựng tiếng Anh và phương pháp học hiệu quả

Tổng kết

Bài viết trên đã giới thiệu khái niệm thượng vị – hạ vị kèm theo ứng dụng vào việc xây dựng đề bài thi IELTS Listening để giúp người học có được ý niệm tổng quan và nhận ra tầm quan trọng của bộ phận từ này. Từ đó, tác giả đã gợi ý phương pháp học cũng như một số chú ý để hoàn thành bài thi hiệu quả hơn. Người học nên có sự chủ động tiếp thu và vận dụng vào thực tế để thu được kết quả tốt nhất.

Phạm Trần Thảo Vy

Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, việc làm, tốt nghiệp. Tham khảo trung tâm luyện thi IELTS online tại ZIM để tối ưu hóa việc học, đảm bảo kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu