Key takeaways |
---|
|
Định nghĩa sự trôi chảy (fluency)
Fluency (độ trôi chảy) trong ngôn ngữ nói được định nghĩa là khả năng giao tiếp một cách tự nhiên và liền mạch, không có quá nhiều ngập ngừng hay gián đoạn. Theo Richards, Platt và Weber (1995), fluency là "những đặc điểm làm cho lời nói có chất lượng tự nhiên và bình thường, bao gồm việc sử dụng ngắt nghỉ, nhịp điệu, ngữ điệu, trọng âm, tốc độ nói và việc sử dụng các từ đệm và gián đoạn như người bản xứ" (Richards, Platt & Weber, 1995, p. 108).
Bailey (2005) cho rằng fluency là "khả năng nói một cách trôi chảy, tự tin và với tốc độ phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng ngôn ngữ bản xứ " (Bailey, 2005, p. 5). Điều này nhấn mạnh rằng fluency không chỉ là nói trôi chảy mà còn phải tự tin và nói với tốc độ phù hợp với người bản xứ.
Theo Hedge (1993), fluency được xem là "khả năng kết nối các đơn vị ngôn ngữ một cách dễ dàng, không bị căng thẳng, không chậm chạp hay do dự quá mức" (Hedge, 1993).
Tóm lại, trôi chảy (fluency) trong ngôn ngữ nói là khả năng giao tiếp một cách mạch lạc, tự nhiên và hiệu quả, mà không bị gián đoạn bởi những ngập ngừng hay do dự không cần thiết.
Phân biệt giữa sự trôi chảy và độ chính xác (fluency vs. accuracy)
Sự trôi chảy (Fluency)
Sự trôi chảy liên quan đến khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và liên tục mà không gặp nhiều khó khăn hay gián đoạn. Các đặc điểm chính của sự trôi chảy bao gồm:
Tốc độ nói: Người nói có thể nói nhanh và mạch lạc.
Độ tự nhiên: Lời nói nghe tự nhiên và không bị ngập ngừng hay lặp lại nhiều lần.
Dòng suy nghĩ mạch lạc: Ý tưởng được trình bày rõ ràng và dễ hiểu.
Khả năng xử lý ngữ pháp cơ bản: Mặc dù có thể mắc một số lỗi ngữ pháp nhỏ, nhưng chúng không làm gián đoạn dòng suy nghĩ và giao tiếp. Người nói có thể sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên mà không quá lo lắng về lỗi sai.
Khả năng ứng biến: Người nói có thể ứng biến và duy trì cuộc trò chuyện mà không cần dừng lại để suy nghĩ quá nhiều.
Sự trôi chảy thường được ưu tiên trong các tình huống giao tiếp hàng ngày, nơi mục tiêu chính là truyền đạt ý tưởng và thông tin một cách hiệu quả.
Độ chính xác (Accuracy)
Độ chính xác liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ đúng theo các quy tắc ngữ pháp, từ vựng và phát âm. Các đặc điểm chính của độ chính xác bao gồm:
Ngữ pháp chính xác: Sử dụng các cấu trúc ngữ pháp đúng đắn và phù hợp với ngữ cảnh.
Từ vựng đúng: Chọn từ ngữ thích hợp và chính xác để truyền đạt ý nghĩa.
Phát âm chuẩn: Phát âm đúng các âm và giọng điệu của ngôn ngữ.
Độ chính xác thường được chú trọng trong các tình huống yêu cầu tính chính xác cao như diễn thuyết học thuật, báo cáo, hoặc phát biểu chính thức.
Cân bằng giữa sự trôi chảy và độ chính xác
Trong quá trình học ngôn ngữ, cả sự trôi chảy và độ chính xác đều quan trọng và cần được phát triển đồng đều. Tuy nhiên, tùy vào mục tiêu cụ thể và ngữ cảnh giao tiếp, người học có thể ưu tiên một yếu tố hơn yếu tố kia. Ví dụ:
Giao tiếp hàng ngày: Ưu tiên sự trôi chảy để đảm bảo giao tiếp hiệu quả và tự nhiên.
Diễn thuyết học thuật hoặc báo cáo: Ưu tiên độ chính xác để đảm bảo tính chính xác và chuyên nghiệp.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự trôi chảy trong kỹ năng nói tiếng Anh
Các yếu tố tâm lý ảnh hưởng độ trôi chảy
Sự tự tin (Confidence)
Ảnh hưởng tích cực: Người học có mức độ tự tin cao thường cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Anh, không sợ mắc lỗi và dễ dàng thể hiện ý tưởng của mình. "Sự tự tin có thể làm giảm căng thẳng và giúp người học nói trôi chảy hơn" (Brown, 2007).
Ảnh hưởng tiêu cực: Thiếu tự tin có thể làm người học lo lắng, sợ mắc lỗi, dẫn đến nói chậm hoặc không dám nói. "Người học thiếu tự tin thường ngại giao tiếp, làm giảm độ trôi chảy" (Horwitz, Horwitz & Cope, 1986).
Sự lo lắng (Anxiety)
Ảnh hưởng tiêu cực: Sự lo lắng, đặc biệt là lo lắng trong giao tiếp (communication anxiety), có thể làm người học cảm thấy căng thẳng, mất tập trung, và ngập ngừng khi nói. Điều này làm giảm độ trôi chảy và làm cho giao tiếp trở nên khó khăn hơn.
Động lực (Motivation)
Ảnh hưởng tích cực: Động lực học tập mạnh mẽ có thể thúc đẩy người học cố gắng hơn trong việc cải thiện kỹ năng nói của mình. Những người có động lực cao thường kiên trì luyện tập và tham gia vào các hoạt động giao tiếp nhiều hơn. Động lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thành công trong việc học ngôn ngữ.
Ảnh hưởng tiêu cực: Thiếu động lực có thể dẫn đến sự lơ là, ít tham gia vào các hoạt động giao tiếp và giảm sự cố gắng trong việc cải thiện độ trôi chảy.
Thái độ đối với ngôn ngữ và văn hóa (Attitudes towards the language and culture)
Ảnh hưởng tích cực: Thái độ tích cực đối với ngôn ngữ và văn hóa Anh có thể giúp người học cảm thấy thích thú và hứng thú hơn khi học và sử dụng tiếng Anh.
Ảnh hưởng tiêu cực: Thái độ tiêu cực hoặc thiếu quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Anh có thể làm giảm hứng thú học tập, dẫn đến ít luyện tập và sử dụng tiếng Anh và ảnh hưởng đến độ trôi chảy.
Cảm xúc và tâm trạng (Emotions and mood)
Ảnh hưởng tích cực: Tâm trạng thoải mái, vui vẻ có thể làm người học cảm thấy tự nhiên hơn khi nói và sử dụng tiếng Anh. Tâm trạng tích cực có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp trôi chảy
Ảnh hưởng tiêu cực: Tâm trạng căng thẳng, buồn bã hoặc lo lắng có thể làm người học khó tập trung và giảm độ trôi chảy trong giao tiếp. Cảm xúc tiêu cực có thể làm giảm khả năng tập trung và độ trôi chảy.
Trải nghiệm trước đây (Previous experiences)
Ảnh hưởng tích cực: Những trải nghiệm học tập tích cực trước đây có thể giúp người học cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi sử dụng tiếng Anh.
Ảnh hưởng tiêu cực: Những trải nghiệm học tập tiêu cực, chẳng hạn như bị chê cười hay bị phê bình, có thể làm người học cảm thấy lo lắng và ngại giao tiếp. "Trải nghiệm tiêu cực có thể gây ra sự lo lắng và cản trở độ trôi chảy" (Horwitz, 2001).
Yếu tố hiệu suất (Performance factors) ảnh hưởng độ trôi chảy
Độ trôi chảy (fluency) trong việc nói một ngôn ngữ không chỉ phụ thuộc vào kiến thức ngôn ngữ mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hiệu suất (performance factors). Những yếu tố này bao gồm thời gian chuẩn bị (planning time), áp lực thời gian (time pressure), mức độ hỗ trợ (amount of support), và các yếu tố môi trường khác. Dưới đây là những yếu tố hiệu suất chính và cách chúng ảnh hưởng đến độ trôi chảy khi nói ngôn ngữ.
Thời gian chuẩn bị (Planning Time)
Thời gian chuẩn bị là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ trôi chảy. Khi người học có đủ thời gian để chuẩn bị trước khi nói, họ có thể tổ chức ý tưởng và chọn lựa từ ngữ phù hợp, từ đó nói một cách mạch lạc và tự tin hơn. Nghiên cứu của Patanasorn (2010) việc cung cấp cho người học thêm thời gian chuẩn bị trước khi thực hiện nhiệm vụ giúp họ sản xuất ngôn ngữ trôi chảy và phức tạp hơn" .
Ví dụ trong phần thi IELTS Speaking, thí sinh thường có một khoảng thời gian ngắn 1 phút để chuẩn bị cho phần 2, nơi họ phải nói liên tục trong 2 phút về một chủ đề cho trước. Nếu thí sinh tận dụng tốt thời gian này để lên kế hoạch và sắp xếp ý tưởng, họ sẽ nói trôi chảy hơn.
Áp lực thời gian (Time Pressure)
Áp lực thời gian có thể làm giảm độ trôi chảy của người nói. Khi phải hoàn thành một nhiệm vụ trong thời gian ngắn, người học có thể cảm thấy căng thẳng và mắc lỗi nhiều hơn. Trong kỳ thi IELTS Speaking, áp lực về thời gian và việc phải nói liên tục có thể làm thí sinh lo lắng, dẫn đến việc nói ngập ngừng và mắc nhiều lỗi
Mức độ hỗ trợ (Amount of Support)
Mức độ hỗ trợ từ giáo viên và bạn học cũng ảnh hưởng đến độ trôi chảy. Khi người học nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên hoặc bạn học, họ cảm thấy tự tin hơn và ít mắc lỗi hơn. Nghiên cứu của Nation & Newton (2009) chỉ ra rằng sự hỗ trợ làm giảm độ khó của nhiệm vụ nói, giúp người học thực hiện nhiệm vụ một cách trôi chảy hơn. Ví dụ, trong các lớp luyện thi IELTS, sự hỗ trợ và phản hồi từ giáo viên giúp thí sinh nhận biết và sửa chữa các lỗi sai, từ đó cải thiện khả năng nói của mình, hoặc các bạn cùng lớp hỗ trợ nhau trong việc lên ý tưởng và từ vựng cũng giúp độ trôi chảy cải thiện
Các yếu tố môi trường (Environmental Factors)
Các yếu tố môi trường như không gian lớp học, thiết bị hỗ trợ, và bầu không khí học tập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến độ trôi chảy. Một môi trường học tập thoải mái, được trang bị tốt và không có quá nhiều phiền nhiễu sẽ giúp người học tập trung và nói trôi chảy hơn. Ngược lại môi trường có nhiều tiếng ồn và các yếu tố gây xao nhãng cũng làm độ trôi chảy của người học giảm đi đáng kể.
Giải pháp cải thiện độ trôi chảy (fluency) trong tiếng Anh
Giải pháp cho các yếu tố tâm lí
1. Tăng cường sự tự tin:
Hoạt động giao tiếp thực tế: Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, các buổi thảo luận nhóm, hoặc các lớp học thêm để thực hành nói chuyện với người khác. Điều này giúp người học có thể trải nghiệm qua các tình huống thực tế, từ đó tăng sự tự tin khi gặp các tình huống tương tự trong tương lai.
2. Giảm sự lo lắng:
Kỹ thuật thư giãn: Áp dụng các kỹ thuật như thở sâu, thiền, và tập thể dục nhẹ trước khi tham gia vào các hoạt động nói tiếng Anh, điều này sẽ giúp điều hoà tinh thần và giảm áp lực khi nói.
Môi trường học tập thoải mái: Tạo ra một môi trường không áp lực, nơi mà người học cảm thấy an toàn khi thực hành và không sợ mắc lỗi, từ đó người học có thể bớt lo lắng và mạnh dạn thể hiện lời nói của mình.
Sử dụng các ứng dụng và công cụ hỗ trợ.
Các ứng dụng học tiếng Anh như Duolingo hay các công cụ luyện nói như ELSA Speak có thể giúp người học cải thiện sự trôi chảy qua các bài tập luyện nói, phát âm và từ vựng. Các ứng dụng này cung cấp các bài tập thực hành đa dạng và phản hồi chi tiết giúp người học nhận biết và sửa chữa lỗi sai. Ngoài ra khi dùng công cụ hỗ trợ người học sẽ giảm tâm lí lo sợ mắc lỗi sai như nói chuyện với người trực tiếp, từ đó có thể tự tin và nói trôi chảy hơn.
3. Tăng động lực học tập:
Đặt mục tiêu rõ ràng: Người học nên thiết lập các mục tiêu cụ thể và khả thi, ví dụ như học một số lượng từ vựng mới mỗi tuần hoặc tham gia vào một số buổi thảo luận mỗi tháng. Tham khảo phương pháp S.M.A.R.T để thiết lập mục tiêu tại đây
Thưởng cho bản thân: Tự thưởng khi đạt được các mục tiêu nhỏ sẽ giúp duy trì động lực và sự hứng thú trong học tập.
4. Cải thiện thái độ đối với ngôn ngữ và văn hóa:
Khám phá văn hóa: Tìm hiểu về văn hóa và phong tục của các quốc gia nói tiếng Anh thông qua phim ảnh, âm nhạc, và sách báo để tạo thêm hứng thú học tập.
Tham gia các hoạt động liên văn hóa: Tham gia các sự kiện giao lưu văn hóa để thực hành tiếng Anh và hiểu thêm về văn hóa của người bản ngữ.
5. Quản lý cảm xúc và tâm trạng:
Tâm trạng tích cực: Tạo điều kiện để giữ tâm trạng thoải mái và vui vẻ trước khi học, chẳng hạn như nghe nhạc yêu thích hoặc tham gia hoạt động thể thao yêu thích của mình xen lẫn với các giờ học tiếng anh căng thẳng để có thể giữ cân bằng về cảm xúc.
Hỗ trợ tinh thần: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ với bạn bè, gia đình và giáo viên để có nơi chia sẻ và nhận được lời khuyên, giúp giảm bớt căng thẳng và giữ vững tâm trạng khi nói
6. Trải nghiệm trước đây:
Phân tích trải nghiệm tích cực và tiêu cực: Nhìn lại các trải nghiệm học tập trước đây, xác định điều gì đã làm tốt và điều gì cần cải thiện để điều chỉnh phương pháp học tập hiện tại.
Sử dụng kinh nghiệm: Áp dụng những chiến lược đã thành công trong quá khứ để tăng cường độ trôi chảy trong hiện tại. Tham khảo các chiến lược để tự chủ trong việc học ngôn ngữ tại đây
Giải pháp các yếu tố hiệu xuất (Performance factors)
1. Thời gian chuẩn bị (Planning Time):
Giải pháp: Cung cấp đủ thời gian chuẩn bị trước khi nói để người học có thể tổ chức ý tưởng và chọn lựa từ ngữ phù hợp.
Ví dụ: Trong phần thi IELTS Speaking, thí sinh có 1 phút chuẩn bị cho phần 2. Thí sinh có thể viết ra các ý chính và sắp xếp chúng theo thứ tự logic.
Cách thực hiện: Khi thực hành ở nhà với các bài tập nói ngắn hạn, người học bắt đầu với thời gian chuẩn bị dài khoảng 5-7 phút và giảm dần theo đúng thời gian quy định để tăng kỹ năng tổ chức ý tưởng nhanh chóng.
Lưu ý:
Chủ động lập kế hoạch: Trước khi bắt đầu nói, hãy dành vài phút để suy nghĩ về các điểm chính và sắp xếp ý tưởng của người học theo thứ tự logic.
Sử dụng từ khóa: Ghi chú các từ khóa và cụm từ quan trọng để giúp người học nhớ các điểm cần nói.
Thực hành với đồng hồ: Bắt đầu với thời gian chuẩn bị dài hơn và giảm dần để cải thiện khả năng tổ chức nhanh chóng.
2. Áp lực thời gian (Time Pressure):
Giải pháp: Giảm bớt áp lực thời gian hoặc làm quen với việc nói dưới áp lực thời gian thông qua các bài tập thực hành.
Ví dụ: Thực hiện các bài nói ngắn với thời gian giới hạn, như trả lời các câu hỏi ngắn trong vòng 30 giây đến 1 phút sau đó t
ăng dần độ phức tạp của câu hỏi và giảm thời gian cho các bài tập nói, giúp người học quen dần với việc nói nhanh và chính xác dưới áp lực thời gian.
3. Mức độ hỗ trợ (Amount of Support):
Giải pháp: Tăng cường sự hỗ trợ từ giáo viên và người học học để người học cảm thấy tự tin hơn khi nói.
Ví dụ: Trong các lớp luyện thi IELTS, người học có thể yêu cầu giáo viên cung cấp phản hồi chi tiết về bài nói của mình , chỉ ra các lỗi sai và cách sửa chữa.
Ngoài ra: Tạo nhóm học tập nhỏ, nơi các thành viên có thể thảo luận và phản hồi cho nhau về các bài nói, điều này cũng giúp cải thiện kỹ năng nói và tự tin hơn.
4. Các yếu tố môi trường (Environmental Factors):
Giải pháp: Tạo một môi trường học tập thoải mái, không có yếu tố gây xao nhãng, và được trang bị tốt.
Ví dụ: Sử dụng phòng học yên tĩnh, có đủ ánh sáng và trang thiết bị hỗ trợ như máy ghi âm, Internet.
Thiết lập không gian học tập tại nhà với ít phiền nhiễu, sử dụng tai nghe để luyện nghe và nói, và thực hành nói trước gương hoặc ghi âm để tự đánh giá và cải thiện.
Tổng kết
Đạt được sự trôi chảy (fluency) trong kỹ năng nói tiếng Anh là mục tiêu quan trọng nhưng đầy thử thách đối với nhiều người học. Trong phần 1 này tác giả có đề cập các yếu tố ảnh hưởng đến sự trôi chảy bao gồm yếu tố tâm lý ( affective factor) như : lo lắng (anxiety), tự tin (self-confidence), động lực (motivation) và thái độ (attitude); yếu tố hiệu suất ( performance factor) như: thời gian chuẩn bị (planning time), áp lực thời gian (time pressure) và mức độ hỗ trợ (amount of support). Để cải thiện sự trôi chảy, người học cần luyện tập đều đặn, tham gia các lớp học và câu lạc bộ tiếng Anh, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ, thực hành trong ngữ cảnh thực tế, tạo môi trường học tập tích cực, tham gia các hoạt động tăng cường độ trôi chảy (fluency) và nhận phản hồi tích cực. Phần 2 tác giả sẽ cung cấp thêm một số yếu tố gây ảnh hưởng đến độ trôi chảy của người học cũng như giải pháp cho các yếu tố đó.
Work Cited
Gardner, R. C., and W. E. Lambert. Attitudes and Motivation in Second Language Learning. Newbury House Publishers, 1972.
Gardner, R. C., et al. "Attitudes and Motivation." Research Bulletin 15, Dept. of Psychology, Univ. of Western Ontario, 1979.
Horwitz, Elaine K., Michael B. Horwitz, and Joann Cope. "Foreign Language Classroom Anxiety." The Modern Language Journal, vol. 70, no. 2, Summer 1986, pp. 125-132. Blackwell Publishing on behalf of the National Federation of Modern Language Teachers Associations. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/327317.
Ibarrola Hidalgo, Laura Zaro. "Procedural Repetition." Procedural Repetition in Task-Based Interaction among Young EFL Learners. Universidad de Navarra, 2017.
Lightbown, Patsy M., and Nina Spada. How Languages are Learned. 3rd ed., Oxford University Press, 2006.
Patanasorn, Chomraj. Effects of Procedural, Content, and Task Repetition on Accuracy and Fluency in an EFL Context. Unpublished doctoral dissertation, Northern Arizona University, 2012.
Sheir, Awatef Ali, Rajaa Hassan Abdallah, and Abdel Rehim Saad El Din El-Hilaly. "Personality Types as Predictors of Oral Fluency." Educational Sciences Journal, vol. 23, no. 3, 2015, pp. 25-57.