Kỹ năng phản biện – Giải pháp cải thiện hiệu quả teamwork cho sinh viên – Phần 1
Nếu bạn từng xem bộ phim World War Z, hẳn sẽ có một chi tiết mà nhiều người lưu ý, nhân vật của Brad Pitt đã hỏi một người Israel rằng vì sao chỉ có dân tộc này biết được đại dịch xác sống mà cả thế giới thì không.
Người Israel ấy trả lời: “Đó là nhờ quy tắc của chúng tôi. Nếu trong 10 người Israel mà 9 người đầu có cùng kết luận, người còn lại buộc phải cho rằng 9 người kia sai.” Thật vậy, văn hóa phản biện là một một trong những chìa khóa tạo nên sự thành công của dân tộc Israel nói riêng và người Do Thái nói chung.
Trong quyển sách nổi tiếng “Quốc gia khởi nghiệp” văn hóa phản biện cũng được nhắc đến như một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước Israel. Nơi mà học sinh được khuyến khích tranh luận với giáo viên. Nhân viên được phép tranh luận với giám đốc.
Một thường dân có quyền nêu ý kiến với các cán bộ cấp cao của chính phủ. Họ luôn nuôi dưỡng tinh thần không bao giờ hài lòng với giải pháp hiện có, người ta tin rằng khi một cá nhân được phép nói lên ý kiến của mình dựa trên quá trình suy luận và đánh giá của họ vì mục tiêu chung sẽ kích thích việc giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đa chiều và sáng tạo.
Trong cuộc sống ngày nay, tinh thần phản biện hay kỹ năng phản biện được xem là một trong những năng lực quan trọng nhất của người lao động mà các doanh nghiệp lớn quan tâm. Trong bộ kỹ năng thế kỷ 21 hay nhóm kỹ năng 4Cs, kỹ năng phản biện trải qua nhiều cuộc nghiên cứu lớn và được chính phủ Hoa Kỳ và Diễn Đàn Kinh Tế thừa nhận là kỹ năng không thể thiếu của người trẻ.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về kỹ năng phản biện và cách để xây dựng tinh thần phản biện trong làm việc nhóm. Qua đó giúp cải thiện hiệu quả trong teamwork, thúc đẩy tinh thần sáng tạo không ngừng và liên tục đổi mới.
Kỹ năng phản biện là gì?
Tư duy phản biện hay kỹ năng phản biện là việc chúng ta không dễ dàng đồng ý ngay với bất kỳ một nhận định hay lập luận nào. Sự đồng thuận hay phản biện đều được ra dựa trên quá trình con người tự tư duy, đánh giá về vấn đề và được nêu ra để thể cùng tranh luận về chủ đề chung trong tập thể.
Tư duy phản biện đi cùng với thái độ phản biện khi được thiết lập trong tập thể và được nâng cao sẽ trở thành văn hóa phản biện. Trong quá trình phát triển của nhân loại, chúng ta có thể thấy được chính những bộ óc không chấp nhận ngay những tư duy và lỗi suy nghĩ vốn có chính là những cái tên tạo nên những bước đột phá của nhân loại.
Thế kỷ 16, Galileo công khai ủng hộ thuyết Nhật tâm của nhà thiên văn học Ba Lan, Nicolaus Copernicus. Ông phá vỡ niềm tin cố hữu về việc Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và bị thần quyền ép phải rút lại học thuyết và giam lỏng cả phần đời còn lại.
Charles Darwin lần đầu công bố Thuyết tiến hóa, cũng bị cộng đồng khoa học tẩy chay dữ dội. Albert Einstein, bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 20, cũng vấp phải không ít tư tưởng cố hữu khi đưa ra Thuyết tương đối… Có thể nói trong mọi thời kỳ, tư duy phản biện và tinh thần phản biện luôn là động lực tạo nên những bước nhảy vọt lớn của loài người.
Một người chỉ ra sai sót của bạn chưa chắc đã là kẻ thù của bạn; một người luôn luôn ca ngợi bạn chưa hẳn đã là bạn của bạn – Ngạn ngữ Do Thái
Tinh thần phản biện của người trẻ Việt
Một giáo sư đến từ Arizona, Mỹ, từng có bài báo phân tích về tinh thần phản biện trong sinh viên Việt Nam. Trong đó, ông nêu ra điểm yếu của sinh viên Việt là không biết cách thể hiện chính kiến.
Nếu nó không phạm nghiêm trọng đến lợi ích của mình, họ sẽ không thể hiện chính kiến của mình. Trong những công việc khó, họ thường đi theo số đông, không có ý định tự xem xét ý kiến chung đó là đúng hay sai và ngại trở thành nhân tố khác biệt trong tập thể.
Người trẻ hiếm khi nuôi dưỡng tư duy không hài lòng với các giải pháp có sẵn, luôn thách thức tính đúng đắn của vấn đề bằng tư duy phân tích của mình. Xa hơn, chúng ta khó được nhiều thành tựu ở các ngành hoặc các nền văn hóa đòi hỏi khắt khe về tư duy phản biện.
Có thể bỏ qua một nghìn lời nói nhưng không thể bỏ qua một lời góp ý – Ngạn ngữ Ả Rập
Lợi ích của việc phản biện
Kích thích sự sáng tạo
Tư duy phản biện khuyến khích mỗi người nhìn một sự việc theo nhiều góc nhìn. Thúc đẩy mỗi cá nhân tự tư duy và đánh giá về mọi ý kiến chứ không dễ dàng chấp nhận những tư tưởng và ý kiến có sẵn. Từ “Critical – phản biện” được hiểu theo nghĩa thiên về yếu tố “suy xét” trong tư duy. Tuy nhiên, trong văn hóa Việt Nam từ phản biện thường bị hiểu nhầm theo nghĩa chống đối, phản bác, thiếu đi sự đánh giá và suy xét một cách khách quan và công khai.
Chúng ta thường lệch lạc thiên về AI ĐÚNG hơn CÁI GÌ ĐÚNG, chúng ta tấn công người còn lại, phản biện vào con người thay vì công việc. Vấn đề là việc đưa ra quan điểm thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thiếu khách quan như chức vị, vai vế và thiếu đi sự đánh giá và phân tích do đó, các ý kiến khác biệt dễ dàng bị bác bỏ từ đó dẫn đến tư duy lối mòn thiếu sự đột phá.
Tư duy phản biện khuyến khích mỗi cá nhân tự suy xét và đánh giá vấn đề theo tư duy của mình, đưa ra góc nhìn của riêng mình về vấn đề đó. Từ đó, vấn đề được xem xét, suy luận từ nhiều góc nhìn hơn tạo cơ hội phát hiện những điểm mới và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn.
Nâng cao hiệu quả công việc
Cạnh tranh và phản biện thúc đẩy tinh thần phát triển không ngừng nghỉ trong làm việc. Chính việc “mổ xẻ” vấn đề một cách đa chiều, và không chấp nhận những giải pháp có sẵn là tiền đề tạo ra những giải pháp sáng tạo, không ngừng nâng cấp và cải tiến tạo nên những giá trị mới cho tập thể.
Việc cá nhân được phép và được khuyến khích nói lên chính kiến của mình cũng tạo nên nguồn cảm hứng chung để mỗi thành viên đều không ngừng học hỏi và phát triển. Môi trường làm việc cho phép phản biện thể hiện sự tiến bộ và văn minh. Tôn trọng sự khác biệt cũng như tôn trọng những suy nghĩ khác biệt giúp tập thể có đánh giá toàn diện hơn về vấn đề, tạo ra hiệu quả mạnh mẽ hơn trong công việc.
Nâng cao tinh thần đoàn kết
Phản biện đúng cách sẽ kích thích sự giao tiếp giữa các thành viên trong làm việc nhóm và giữa leader với thành viên. Thông qua phản biện, và lắng nghe ý kiến của người khác, mỗi người được thể hiện bản thân và năng lực của mình từ đó gia tăng sự thấu hiểu và kết nối trong teamwork. Có thể thấy văn hóa phản biện khi được xây dựng một cách đúng đắn, sẽ hỗ trợ cho quá trình làm việc nhóm được hiệu quả và gắn kết hơn.
Tạm kết
Như vậy, trong phần 1, bài viết đã giới thiệu đến người đọc kỹ năng phản biện và những lợi ích của phản biện trong làm việc nhóm. Trong phần 2 của chủ đề Kỹ năng phản biện, bài viết sẽ tiếp tục giới thiệu các thông tin về nuôi dưỡng tinh thần phản biện trong teamwork, giúp người đọc xây dựng và duy trì được văn hóa phản biện lâu dài cho đội nhóm của mình.
Bình luận - Hỏi đáp