Kỹ thuật “Show, don’t tell” trong bài luận cá nhân (Personal Statement)

“Show, don’t tell” là kĩ thuật mà tác giả trình bày và mô tả hành động, lời nói, cảm xúc, suy nghĩ của mình để đưa người đọc vào câu chuyện, giống như họ đang trực tiếp trải nghiệm câu chuyện đó.
author
ZIM Academy
23/01/2021
ky thuat show dont tell trong bai luan ca nhan personal statement

Personal Statement (hay còn gọi là Bài luận cá nhân) là một phần rất quan trọng trong hồ sơ xét tuyển của các trường đại học tại Mỹ và các nước Châu Âu. Hội đồng tuyển sinh (Admission Committee) sẽ dựa vào những trải nghiệm mà thí sinh thể hiện trong bài luận để nhìn nhận về con người của thí sinh, qua đó xem xét mức độ phù hợp của thí sinh với trường. Một trong những lời khuyên phổ biến nhất cho một bài luận thuyết phục là “Show, don’t tell”. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích kỹ thuật Show, don’t tell là gì cũng như ví dụ minh họa cho việc ứng dụng kỹ thuật Show, don’t tell trong bài luận cá nhân.

Khái quát về “Show, don’t tell”

“Show, don’t tell” là gì?

Phân biệt “tell” (kể) và “show” (bày tỏ).

Hãy cùng xem xét ví dụ ở cấp độ đơn giản của hai khái niệm “kể” và “bày tỏ” này dưới đây:

Ví dụ:

Tell: Tôi là người kỷ luật.

Show: Chưa bao giờ tôi vi phạm nội quy của nhà trường. Tôi luôn đúng giờ trong các cuộc hẹn. Hàng ngày tôi đều duy trì thói quen tập thể dục và ăn uống theo chế độ.

Nhận xét:

Tell là hình thức kể, đưa ra một nội dung/luận điểm không kèm theo thông tin chứng minh.

Show là hình thức diễn tả, đưa ra thông tin chi tiết để thể hiện một ý tưởng/nội dung/luận điểm.

Từ sự khác biệt trên, có thể kết luận: “Show, don’t tell” là kĩ thuật mà tác giả trình bày và mô tả hành động, lời nói, cảm xúc, suy nghĩ của mình để đưa người đọc vào câu chuyện, giống như họ đang trực tiếp trải nghiệm câu chuyện đó. Khi viết bài luận cá nhân, nhiệm vụ của thí sinh chính là định hình bản thân mình và truyền tải bản thể đó tới cho Hội đồng Tuyển sinh thông qua những trải nghiệm của bản thân mình. Nói ngắn gọn, thay vì kể, thí sinh cần tìm cách diễn tả ý tưởng một các chi tiết, cụ thể.

show-tell-la-gi-trong-personal-statement

Vai trò của “Show, don’t tell” trong bài luận cá nhân

Cùng phân tích lại ví dụ trên để thấy vai trò của kĩ thuật “Show, don’t tell”:

Với ví dụ đầu tiên, khi một thí sinh đặt ra những câu thuộc dạng “kể” như sau: “Tôi là người kỷ luật.” mà không có giải thích cho những câu hỏi như: kỷ luật ở đâu (tất cả mọi nơi hay chỉ ở những nơi quan trọng), ở mức độ nào (tính kỷ luật cao hay rất cao), bằng chứng cho sự kỷ luật đó là gì, thì ắt hẳn người đọc khó mà hình dung ra được sự kỷ luật của thí sinh đó một cách rõ ràng và ngoài ra cũng không có sự tin cậy đối với luận điểm đó. Tuy nhiên khi áp dụng cách “diễn tả” thông tin, những câu hỏi thắc mắc ấy sẽ được giải đáp. Ngoài ra, ngay cả khi người viết không nói rằng mình kỉ luật, thông qua những đặc điểm được miêu tả đó, người đọc có thể suy ra được phần nào đặc điểm của người viết.

Chung quy lại, “show, don’t tell” có những vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc triển khai nội dung, mà trong cả việc xây dựng độ thuyết phục và sự tinh tế của bài viết. Thiếu đi khả năng diễn tả tốt, bài viết sẽ khó để đạt được độ sâu và chân thực cần thiết để khiến thí sinh trở nên đặc biệt trong mắt nhà tuyển sinh.

Đọc thêm: Common Application – Cánh cửa vào trường đại học Mỹ

Thực hành kỹ thuật “Show, don’t tell” trong bài luận cá nhân

Bước 1: Xác định ý tưởng cần truyền đạt

Hãy bắt đầu bằng việc đưa ra một vấn đề, sự việc — một luận điểm chính để triển khai mà qua đó người đọc có thể hiểu thêm về bản thân người viết.

Đây là phần mà thí sinh cần đến “tell”. Tuy nhiên, mục đích của việc kể ở bước này chỉ là để giúp xác định được mục tiêu viết của mình, tránh lan man hay lạc đề. Trong khi đó, thí sinh cần hạn chế đưa các chi tiết kể đơn thuần vào bài viết.

Ví dụ:

Luận điểm bắt đầu bài viết của một thí sinh là: “Tôi là người gọn gàng và cẩn thận”.
(Từ đây, bài viết sẽ đi thêm sâu vào triển khai ý tưởng này ở các ví dụ của các phần tiếp sau. Ngoài ra, bạn đọc có thể tập lấy những ví dụ tương tự, và tập triển khai theo từng bước giống như trong bài. Bài tập này, dù đơn giản, nếu được luyện thành thục sẽ giúp nhanh chóng tìm được cách “show, don’t tell” tinh tế hơn khi viết).

Bước 2: Mô tả chi tiết

Ở phần này, thứ quan trọng nhất chính là sự chi tiết. Hãy thử đào sâu thêm về các ý tưởng mà mình muốn triển khai. Để phát triển những ý đó một cách cụ thể và rõ ràng hơn, thí sinh nên tự đặt câu hỏi cho mình. Năm câu hỏi đơn giản nhất mà các thí sinh vẫn thường sử dụng đó là: Who? When? Where? What? Why? (5 Ws) (Có thể dễ dàng nhận ra rằng bộ câu hỏi 5 Ws xuất hiện ở rất nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau, bởi đây là những thông tin cơ bản gắn liền với hầu hết các sự kiện giúp người ta cụ thể hóa vấn đề.)

mo-ta-chi-tiet-voi-cau-hoi-5w

Suy từ bộ câu hỏi 5 Ws đó, các nội dung người học/ thí sinh có thể tập trung mô tả bao gồm:

  • Các hoạt động

  • Các sự việc, sự vật

  • Trạng thái, cảm giác

  • Đoạn hội thoại

Nhớ rằng, “show, don’t tell” là cố gắng đưa người đọc vào được trong câu chuyện, vậy nên bất cứ chi tiết nào giúp người đọc mường tượng ra viễn cảnh của câu chuyện đều có thể được cân nhắc đưa vào (cả bên ngoài những yếu tố trên).

Gợi ý: sau mỗi đoạn văn viết ra, thí sinh nên đọc lại đoạn văn và thử đặt mình vào vị trí của một người chưa từng trải qua câu chuyện đó, thử xem rằng bản thân mình cảm nhận được câu chuyện nhiều đến đâu. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình, thử tạo ra một đoạn phim ngắn trong đầu về sự việc, hiện tượng mình muốn thể hiện, và sử dụng ngôn từ để mô tả lại nó.

Ví dụ áp dụng:

Tiếp tục với ví dụ về “sự ngăn nắp” ở trên, người đó có thể “show” như sau:

Đối với “gọn gàng”: mô tả về căn phòng của mình (sự vật): tủ dép luôn gọn gàng, phòng ốc sạch sẽ; mô tả về phong cách làm việc (hoạt động): luôn có thời gian biểu chi tiết và đầy đủ. (Lưu ý rằng, bạn đọc vẫn còn có thể làm sâu hơn vấn đề bằng cách tiếp tục mô tả những sự vật, hoạt động này).

Tương tự đối với “cẩn thận”: mô tả thói quen dọn dẹp: nhặt từng sợi tóc rụng trong phòng, lau cửa kính cho đến khi không còn vết bẩn nào, các đồ vật phải để thẳng hàng, ngay ngắn (hoạt động).

Lưu ý: Mức độ cụ thể cần được điều chỉnh linh hoạt. Đôi khi trong bài viết cần xác định show kỹ ở những phần quan trọng, show ít hơn ở những phần kém quan trọng hơn. Thêm càng nhiều thông tin thì câu càng cụ thể và ngược lại. Việc thay đổi linh hoạt sẽ giúp bài không bị nặng nề và dễ nhìn nhận ý tưởng lớn hơn.

Bước 3: Suy ngẫm

Đây là bước hoàn thành một bài luận được “bày tỏ” trọn vẹn. Ở bước này, kỹ năng nhìn nhận và rút ra bài học về vấn đề, sự việc được đề cập đến trong bài là yếu tố quyết định để bài viết có sức thuyết phục và được các nhà tuyển sinh đánh giá cao. Kỹ năng này cho phép người viết thể hiện được tầm quan trọng của vấn đề được nhắc tới trong bài, đồng thời cho thấy được khả năng biết nhìn nhận bản thân, rút ra bài học từ những trải nghiệm và hành động để trở nên tốt hơn. Đây chính là mục tiêu của bài luận Personal Statement.

Ở bước này, người học có thể chia sẻ về bài học, suy nghĩ, cách tư duy để chứng minh cho sự trưởng thành, hoặc thay đổi của bản thân trong mối quan hệ với sự việc. Câu hỏi gợi ý sẽ là: “Điều này/trải nghiệm/sự việc này ảnh hưởng đến bản thân bạn thế nào?”

thuc-hanh-ky-thuat-show-dont-tell

Ví dụ:

  • “Tell”: Chuyến đi từ thiện rất có ý nghĩa với tôi.

  • “Show”: Suốt chuyến đi, khi thấy được những số phận còn kém may mắn để tôi nhận ra mình đã sống quá dễ chịu và đầy đủ mà quên đi may mắn của bản thân mình.

Nhận xét: Cùng là nói rằng “chuyến đi có ý nghĩa với tôi”, nhưng ví dụ “show” không hề nêu trực tiếp điều đó mà thể hiện bằng những suy nghĩ của tác giả.

Ví dụ áp dụng:

  • Phát triển và bổ trợ thêm cho “chuyến đi từ thiện ý nghĩa”:

Sau chuyến đi, tôi bỏ bớt những mong cầu về những thứ xa xôi và dành nhiều sự chú ý hơn cho những thứ tôi đang có. (một sự thay đổi)

  • Tiếp tục cụ thể hơn vào ý tưởng này:

Thay vì liên tục mua thêm những cuốn sách mới và chất đống ở nhà, tôi tìm lại, đọc nốt những cuốn sách còn đang dở, đọc lại những cuốn sách cũ và suy ngẫm về chúng. Tôi gom những món đồ cũ còn dùng được để quyên góp cho người nghèo. vv (hành động)

Lưu ý:

Không phải suy ngẫm nào đưa vào cũng là yếu tố tốt. Việc đưa ra suy ngẫm không hợp lý sẽ dễ bị biến thành sáo rỗng và rập khuôn. Để tránh điều này, có thể bổ trợ cho suy ngẫm trên bằng những hành động cụ thể, những thay đổi mà suy ngẫm ấy tác động đến bản thân mình.

Việc có một kỹ năng suy ngẫm tốt rất quan trọng vì đây là phần quyết định ý nghĩa của những điều người viết muốn show và đã show ở trong bài. Nếu không có được phần tổng kết tốt cho những trải nghiệm ở trên thì việc mô tả dù hay cũng không tạo nên một bài viết giá trị.

Đọc thêm: Statement of Purpose – Cách viết một bài Statement of Purpose (SOP) hoàn chỉnh (P.1)

Ví dụ bài luận cá nhân áp dụng kỹ thuật Show, don’t tell

Dưới đây, bài viết xin được trích dẫn và phân tích một bài luận cá nhân hoàn chỉnh của tác giả Sandra (nguồn The Harvard Crimson) để giúp bạn đọc thấy rõ được quá trình triển khai ba bước trên:

Bước 1: Xác định ý tưởng

Ý tưởng lớn của toàn bài là niềm đam mê đặc biệt của tác giả với Ngôn ngữ Latin. Như vậy, có thể đưa ra câu chủ đề ngắn gọn là: “Tôi có một niềm đam mê đặc biệt với tiếng Latin.” (Bạn đọc có thể đọc bài và nhận thấy rằng, tác giả không hề đưa câu văn này hoặc tương tự trực tiếp vào bài.)

Bước 2: Mô tả chi tiết

Trong bài, những yếu tố mà tác giả đã sử dụng để mô tả đam mê của mình bao gồm:

mo-ta-chi-tiet-trong-bai-personal-statement

Các sự việc, hoạt động

Trong bài có phần tác giả đưa ra rằng mình tham gia lớp tiếng Latin, dịch văn bản “Livy’s Ab Urbe condita”, và sau đó là ngồi học tại “ Harvard’s Boylston Hall” 6 tiếng 1 tuần để đọc các tác phẩm văn học Rome.

Các câu hội thoại

“Ut Italiam laeti Latiumque petamus”

“Sandra, would you mind reading the next few lines and translating them for us?”

Các hành động, cử chỉ khi học, dịch tiếng Latin

Tác giả mô tả rất cụ thể các thao tác của mình khi dịch thuật:

“After fumbling through a few words and mistaking a verb for a noun, I finished the first sentence. I skimmed the second line, looking for the main verb. Singular. I searched for a singular noun and pieced the two together. Then, I noticed an accusative and added it as a direct object.”

(Tạm dịch: Sau khi lần mò vài từ và nhầm một động từ với một danh từ, tôi đã hoàn thành câu đầu tiên. Tôi đọc lướt dòng thứ hai, tìm kiếm động từ chính. Số ít. Tôi tìm kiếm một danh từ số ít và ghép chúng lại với nhau. Sau đó, tôi nhận thấy một Đối cách và thêm nó vào làm tân ngữ.)

Cảm giác, suy nghĩ khi đối diện với những khó khăn trong lúc học, dịch Tiếng Latin.

“As I continued, a burst of exhilaration shot through my body. My eyes darted across the page, finding a verb, a noun, and objects. I reached the end of the passage and grinned, relief pulsing in my veins.”

(Tạm dịch: Khi tôi tiếp tục, một niềm vui sướng bùng lên trong cơ thể tôi. Mắt tôi đảo khắp trang, tìm một động từ, một danh từ và các đối tượng. Tôi đi đến cuối văn bản và cười toe toét, cảm giác nhẹ nhõm đang trào dâng trong huyết quản.)

Nhận xét: Qua toàn bộ những chi tiết điểm trên, bài viết cho thấy một khả năng thu hút người đọc và câu chuyện rất mạnh mẽ. Người đọc không chỉ hiểu được đầy đủ tác giả đang làm gì, trải qua những cảm xúc ra sao mà họ dường như còn được trực tiếp trải nghiệm quá trình đó, cảm nhận sự nhiệt huyết của tác giả với ngôn ngữ Latin và công việc dịch thuật. Lợi ích của việc mô tả tường tận các chi tiết xoay quanh ý tưởng chính không chỉ dừng lại ở chỗ nó khiến cho người đọc thực sự bị cuốn vào câu chuyện mà còn tạo ra sự độc đáo khó có thể sao chép cho tác giả. Đồng thời, việc mô tả chi tiết này giúp hội đồng tuyển sinh thấy được rằng thí sinh thực sự hiểu công việc của mình một cách sâu sắc, và thí sinh này có tố chất để học và làm những điều lớn lao hơn trong tương lai.

Bước 3: Suy ngẫm

Ở phần sau của bài, tác giả đưa vào các suy ngẫm về Tiếng Latin và niềm đam mê của mình như sau:

Tầm quan trọng của Tiếng Latin

“The Romance languages of French, Spanish, and Italian all have Latin origins. Without Latin, I would not be able to write this essay!”

(Tạm dịch: Các ngôn ngữ Romance của Pháp, Tây Ban Nha và Ý đều có nguồn gốc Latin. Nếu không có tiếng Latin, tôi sẽ không thể viết bài luận này!)

Mục đích tác giả học tiếng Latin (giá trị mà niềm đam mê của tác giả mang đến cho xã hội).

“I study Latin for its rewarding return, incredible precision, intellectual challenge, rich history and culture, and deep influence on our world. I study Latin to show others how beautiful it is, to encourage the world that it should be valued. I study Latin to lead our society…)

(Tạm dịch: Tôi học tiếng Latin vì lợi ích và độ chính xác đáng kinh ngạc, vì sự thách thức đầy trí tuệ, vì lịch sử và văn hóa phong phú, cũng như ảnh hưởng sâu sắc của nó đến thế giới của chúng ta. Tôi học tiếng Latin để cho người khác thấy nó đẹp như thế nào, để khuyến khích thế giới rằng nó nên được trân trọng. Tôi học tiếng Latin để dẫn dắt xã hội của chúng ta…”

Nhận xét: Như đã đề cập đến ở phần hướng dẫn, ở trong bài, tác giả cũng tự trả lời các câu hỏi: “Tầm quan trọng của tiếng Latin với bản thân mình, với xã hội là gì?”, “Niềm đam mê của bản thân với ngôn ngữ Latin đem lại giá trị gì cho cộng đồng, cho thế giới?”. Chỉ khi trả lời được những câu hỏi hỏi lớn này, tác giả mới làm cho người đọc thấy được ý nghĩa đằng sau câu chuyện của mình. Nếu không, ngay cả khi công việc dịch thuật và niềm đam mê Latin được mô tả chân thực và lôi cuốn nhất có thể, bài viết cũng khó lòng thuyết phục được Hội đồng tuyển sinh, bởi điều họ quan tâm hơn cả là cá nhân đó sẽ đóng góp cho xã hội thế nào ở trường đại học và sau khi tốt nghiệp. Trong bài, tác giả đã hoàn thành công đoạn này một cách thuyết phục.

Trên đây là toàn bộ phần phân tích về bài luận cá nhân của tác giả Sandra. Bạn đọc có thể tham khảo và tự phát triển dàn ý cho bản thân mình dựa trên những gợi ý và ví dụ đã có.

Đọc thêm: Tiếp cận và mở đầu bài luận cá nhân apply du học Mỹ

Tổng kết

Như vậy “Show, don’t tell” là một kỹ thuật hữu ích mà các thí sinh khi viết luận cần để tâm bởi tính thiết thực của nó. Việc thuần thục “show” và “tell” không chỉ tạo ra những bài luận cá nhân thuyết phục mà còn dẫn dắt người học đến với thế giới của tác giả. Một ấn tượng sâu sắc như vậy sẽ là một điểm cộng lớn trong quá trình xét duyệt hồ sơ của thí sinh.  

Phạm Tuấn Minh

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu