Banner background

Cải thiện phản xạ Speaking bằng Listen and Answer Mini Stories

Speaking là một kỹ năng quan trọng và cần thiết, bởi lẽ hầu hết các hoạt động thường ngày của chúng ta đều xoay quanh việc giao tiếp, tương tác và trao đổi thông tin với mọi người. Không những thế, Speaking còn là một kỹ năng bắt buộc trong bài thi IELTS.
cai thien phan xa speaking bang listen and answer mini stories

Tuy nhiên, mặc dù nhiều người học Tiếng Anh nói chung và thí sinh IELTS nói riêng có rất nhiều kiến thức về mặt từ vựng, ngữ pháp Tiếng Anh, nhưng khi luyện tập với kỹ năng Speaking, họ lại cảm thấy rất khó khăn và thiếu tự tin trong việc sản xuất ra ngôn ngữ nói.

Thậm chí khi học viên đang ngồi trong lớp học Speaking, họ cũng rất hiếm khi chủ động sử dụng Tiếng Anh để tương tác. Sau khi nắm bắt được nguyên nhân đằng sau của tình trạng trên, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu và hướng dẫn người học cách ứng dụng các mẩu truyện tiếng Anh nghe - trả lời để cải thiện kỹ năng và phản xạ Speaking.

Key takeaways

  1. Nguyên nhân chính gây mất động lực khi dùng kỹ năng Speaking: Thiếu đi tự tin. Điều này tới từ không khí thụ động của lớp học cũng như phương pháp dạy, khiến người học hình thành tâm lý sợ sai và chưa được khích lệ đủ nhiều để nói.

  2. Phương pháp Listen-and-answer Mini stories (Mẩu truyện Nghe-và-Trả-lời): Người học được nghe từng câu trong mẩu truyện, kèm theo nhiều câu hỏi cơ bản liên quan. Người học phản xạ nhanh với câu hỏi bằng cách trả lời.

  3. Lợi ích của Listen-and-answer Mini stories: Cải thiện phản xạ và sự trôi chảy (fluency) trong kỹ năng Speaking của người học, tăng khả năng nghe - hiểu và khuyến khích người học được luyện tập Speaking từ bước cơ bản nhất. Đồng thời, phương pháp này giúp người học hấp thụ được từ vựng cũng như ngữ pháp một cách vô thức.

Nguyên nhân chính khiến người học mất động lực khi nói Tiếng Anh

Theo như Pale và Wisrance (2021), có rất nhiều lý do ảnh hưởng tiêu cực đến động lực nói Tiếng Anh của người học. Một số có thể kể đến như: thời gian chuẩn bị cho bài nói, áp lực làm sao để khiến bài nói của mình trở nên hoàn hảo, nhiều lo âu nhưng lại thiếu đi sự khích lệ, động viên từ người dạy và cả người nghe, thiếu kiến thức về chủ đề cũng như thiếu vốn từ để diễn đạt, không đủ tập trung, sợ bị bắt lỗi sai và bị sửa sai, bị người nghe làm gián đoạn bài nói, v.v.

Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới kỹ năng này được cho là Sự tự tin của người nói (Pale & Wisrance, 2021). Nói cách khác, người học thường chưa sẵn sàng cho kỹ năng Speaking là do thiếu đi sự tự tin và động lực.

Đôi khi điều này đến từ chính bản thân người học, nhưng đôi khi cũng bắt nguồn từ cách vận hành lớp học và bài giảng, ví dụ như: việc giáo viên sửa lỗi học sinh quá nhiều lần và quá gay gắt có thể khiến họ cảm thấy sợ lỗi sai và sợ bị đánh giá (Jiang, 2007), hoặc việc tổ chức một lớp học thụ động sẽ không thúc đẩy học sinh sản xuất ra ngôn ngữ nói (Jiang, 2007).

Kết luận lại, yếu tố tâm lý và sự tự tin của người học là rất quan trọng đối với kỹ năng Speaking, vì thế, họ cần được truyền động lực liên tục để thúc đẩy ham muốn sản xuất ra ngôn ngữ nói (Speaking), thông qua các hoạt động phù hợp (Pale & Wisrance, 2021).

Xem thêm: Tại sao học nhiều những kỹ năng Speaking vẫn không tiến bộ?

Listen-and-Answer Mini stories là gì?

image-alt

Listen-and-Answer Mini stories được đề cập trong nguyên tắc thứ 7 của phương pháp Effortless English (phương pháp học Tiếng Anh hiệu quả và dễ dàng nhất), được đề xuất bởi giáo sư, tiến sĩ A.J Hoge.

Listen-and-Answer Mini stories là một cách tiếp cận kỹ năng Speaking mà trong đó, giáo viên sẽ chuẩn bị một mẩu truyện Tiếng Anh ngắn, phù hợp với trình độ, và nếu được, tính cách của người học và dùng nó để “hỏi” học sinh lần lượt từng câu một. Quy trình “hỏi” một mẩu truyện diễn ra như sau:

  • Giáo viên đọc một câu của mẩu truyện.

  • Giáo viên hỏi học sinh một số câu hỏi đơn giản và liên quan tới câu vừa đọc (câu hỏi Yes/ No, câu hỏi Wh-, câu hỏi mang tính dự đoán)

  • Học sinh nghe và trả lời câu hỏi dựa trên nội dung vừa được nghe. Nếu thông tin không có trong truyện, học sinh vẫn phải phản hồi lại hoặc trả lời bằng suy đoán.

  • Giáo viên tiếp tục đọc và lặp lại quy trình cho tới hết truyện.

image-alt

Ví dụ minh họa:

(Truyện mẫu)

The Hare & the Tortoise

A Hare was making fun of the Tortoise one day for being so slow.

"Do you ever get anywhere?" he asked with a mocking laugh.

"Yes," replied the Tortoise, "and I get there sooner than you think. I'll run you a race and prove it."

The Hare was much amused at the idea of running a race with the Tortoise, but for the fun of the thing he agreed. So the Fox, who had consented to act as judge, marked the distance and started the runners off.

The Hare was soon far out of sight, and to make the Tortoise feel very deeply how ridiculous it was for him to try a race with a Hare, he lay down beside the course to take a nap until the Tortoise should catch up.

The Tortoise meanwhile kept going slowly but steadily, and, after a time, passed the place where the Hare was sleeping. But the Hare slept on very peacefully; and when at last he did wake up, the Tortoise was near the goal. The Hare now ran his swiftest, but he could not overtake the Tortoise in time.

(Quy trình & câu hỏi mẫu)

T: A Hare was making fun of the Tortoise one day for being so slow. (Sentence 1)

T: Was there any hare in the story? (câu hỏi Yes/ No)

S: Yes/ Yes, there was/ Yes, there was a hare.

T: What was the Hare doing? (Wh- question)

S: Making fun of the Tortoise/ It was making fun of the Tortoise.

T: Why was the Hare making fun of the Tortoise? (câu hỏi Wh-)

S: Slow/ So slow/ It was so slow.

T: “Do you ever get anywhere?" he asked with a mocking laugh. (Sentence 2)

T: Did the Hare hug the Tortoise? (câu hỏi Yes/ No)

S: No/ No, it didn’t/ No, it didn’t hug. It asked the Tortoise.

T: What did the Tortoise answer? (câu hỏi dự đoán, vì không được đề cập trong Sentence 2)

S: I don’t know/ It didn’t mention/ Maybe the Tortoise said “Yes”/… (Học sinh có thể phản hồi hoặc dự đoán theo nhiều cách khác nhau)

Xem thêm: Phương pháp 5W1H trong IELTS Speaking Part 2

Lợi ích của Listen-and-answer Mini stories

Đầu tiên, hãy thử nhớ lại lớp học Tiếng Anh truyền thống của bạn, nơi mà giáo viên nói một câu, học sinh phải lặp lại theo giáo viên câu ấy. Đó là phương pháp Listen-and-Repeat (nghe và lặp lại).

Đáng buồn thay, sau khi lặp lại theo giáo viên rất nhiều lần, nhiều người học vẫn không thể chủ động nhớ được từ vựng ấy chỉ sau một vài ngày. Lý do là, khi người học lặp lại (repeat), người học chỉ đọc theo mà không cần suy nghĩ hay tư duy; kể cả khi họ không hiểu cụm từ nghĩa là gì, họ vẫn chỉ đơn giản là đọc theo.

Tuy nhiên, phương pháp Listen-and-Answer (nghe và trả lời) thì hoàn toàn khác. Vì người học được giao nhiệm vụ là phải trả lời những câu hỏi, họ sẽ trở nên tập trung vào nội dung của truyện hơn; nhờ đó, người học dần cải thiện khả năng nghe - hiểu.

Ngoài ra, phải trả lời những câu hỏi ngay lập tức cũng đồng nghĩa với việc nâng cấp tư duy bằng Tiếng Anh vì họ không có thời gian để dịch ý tưởng sang ngôn ngữ mẹ đẻ (Tiếng Việt).

Đồng thời, phương pháp này cũng tạo ra môi trường kích thích học viên sản xuất nói thật nhanh, bắt đầu từ những ý tưởng cơ bản, do đó tăng khả năng phản xạ khi nói và dần tự động hóa kỹ năng Speaking.

Đó là lý do vì sao Listen-and-Answer Mini stories sẽ là trợ thủ đắc lực của người học trong việc cải thiện phản xạ nghe - nói, khả năng nghe - hiểu, sự trôi chảy (fluency) khi nói và đặc biệt cách tư duy bằng Tiếng Anh.

Và rõ ràng, phương pháp này mang đến cho người học cơ hội được nói, được giao tiếp, được trả lời từ mức cơ bản đến nâng cao; đồng thời, người nói có quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ nói sao cho phù hợp với khả năng của mình nhất (được đề cập trong mục Một số lưu ý bên dưới) mà không bị người nghe phán xét, đánh giá hay cắt ngang lời nói.

Người học, ngoài tăng phản xạ nói, còn có thể từng bước điều chỉnh ngôn ngữ và tiếp thu ngữ pháp một cách chính xác, có thể thông qua câu trả lời của bạn bè, của giáo viên hoặc đáp án được hiện ra. Phương pháp này cũng phần nào giúp người học tiếp thu từ vựng và ngữ pháp một cách tự nhiên nhất mà không bắt buộc phải học thuộc lòng.

Một số lưu ý:

  • Chọn tài liệu: Giáo viên hoặc người học nên tiếp xúc với các mẩu truyện mang tính xác thực cao (authentic text), được viết bởi người bản ngữ, vì khi đó, cách hành văn và ngôn từ được sử dụng trong truyện sẽ có độ chính xác, tự nhiên và mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra, việc chọn các mẩu truyện có nội dung gây hứng thú và có nội dung phù hợp với trình độ của người đọc cũng rất quan trọng. Nội dung gây hứng thú là những mẩu truyện viết về những chủ đề mà người học quan tâm; trong khi đó, nội dung phù hợp với trình độ của người học là những tài liệu có nội dung (từ vựng, ngữ pháp, thuật ngữ,…) không quá khó hoặc quá dễ (lý tưởng nhất là chọn nội dung mà người học hiểu được 80%). Điều này khiến việc học trở nên dễ dàng hơn, dễ tiếp thu ngôn ngữ hơn; đồng thời, người học sẽ không bị chán với các nội dung họ đã biết, không bị nản với việc lặp đi lặp lại một phương pháp mà còn được tiếp thêm nhiều động lực học Speaking.

  • Câu trả lời của người học: Mặc dù người học nên được khuyến khích đưa ra câu trả lời với cấu trúc hoàn chỉnh nhất, nhưng nếu người học đang bước đầu làm quen với phản xạ Speaking, họ nên được tự do điều chỉnh nội dung câu trả lời. Các câu trả lời chỉ bao gồm “Yes” hoặc “No” hoặc một chữ là bước đầu để thúc đẩy người học tập nói mà không cảm thấy quá bị áp lực. Nhưng dần dần, người học vẫn nên chủ động mở rộng câu trả lời theo khả năng của mình.

  • Cách áp dụng: Listen-and-Answer Mini stories sẽ có hiệu quả tốt nhất khi được thực hành trên lớp như một hoạt động, có người hướng dẫn (giáo viên) và bạn bè và đặc biệt là nên được thực hành trên lớp liên tục (repetition). Khi làm như vậy, người học sẽ được luyện tập với mức độ tương tác cao, mô phỏng được phần nào kỹ năng Speaking được dùng trong giao tiếp thực tế, và đặc biệt là luyện tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên và bạn bè. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phương pháp Listen-and-Answer Mini stories không thể được áp dụng khi người học muốn tự học. Thực tế, phương pháp Listen-and-Answer Mini stories vẫn hiệu quả khi khi người học tự học và có sự chủ động trong kỹ năng Speaking. Bạn đọc có thể tham khảo một số website mô phỏng phương pháp Listen-and-Answer Mini stories phía bên dưới.

Luyện tập tại nhà

  1. Power English (Mini Story) by A. J. Hoge: https://youtu.be/lBkRTPONDf0

  2. Original Course (Main text & Mini Story) by A. J. Hoge: https://www.youtube.com/playlist?list=PLFBL2SLTjqjJaJN2c8mY16Px24DsYJN7L

Tổng kết

Như vậy, Listen-and-Answer Mini stories có thể được ứng dụng như một hoạt động trên lớp hoặc một phương pháp tự học. Bằng việc nghe và trả lời nhanh các câu hỏi liên quan tới mẩu truyện, người học sẽ cải thiện được phản xạ Speaking, kỹ năng nghe - hiểu; từ đó, người học xây dựng được sự tự tin nhất định trong giao tiếp, biết cách tư duy bằng Tiếng Anh và hấp thụ được từ vựng cũng như ngữ pháp một cách tự nhiên.


Trích dẫn tham khảo

Hoge, A. J. Effortless English: Learn to Speak English Like a Native. 2014.

Jianing, Xu. “Storytelling in the EFL Speaking Classroom” (2007). http://iteslj.org/Teachniques/Jianing-Storytelling.html

Pale, Erlinda Sonya, & Wisrance, Maria Wihelmina. "Analysis of Demotivating Factors Affecting Students’ Willingness to Speak English." Engl. Fr. Acad. J. Engl. Lang. Educ 5 (2021): 131.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...