Banner background

Nâng cao khả năng lập luận trong IELTS Writing task 2 bằng phương pháp trích dẫn nguồn (Appeal to Authority)

Hướng dẫn người đọc hạn chế các lỗi lập luận ngụy biện mà người viết có thể gặp phải khi áp dụng kĩ năng này vào bài thi IELTS Writing Task 2: “Appeal to authority” (dùng nguồn đáng tin hay sự uy tín)
nang cao kha nang lap luan trong ielts writing task 2 bang phuong phap trich dan nguon appeal to authority

Mặc dù là một bài thi năng lực ngôn ngữ, IELTS đánh giá không chỉ khả năng sử dụng tiếng Anh mà còn khả năng diễn đạt ý tưởng của thí sinh. Để có một bài văn tốt, người viết cần phải xây dựng lập luận của mình vững vàng, chắc chắn. Điều này đòi hỏi người viết phải có kĩ năng tư duy tốt, xây dựng được các lập luận hợp lệ và hợp lý. Người thi IELTS ngày nay có thể tiếp cận được với nhiều cách lập luận khác nhau thông qua Internet. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều thí sinh chưa tiếp cận được hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các phương pháp lập luận này, từ đó dẫn đến việc không thể áp dụng vào bài viết của mình, cụ thể hơn là bài thi IELTS Writing. Điều này một phần xuất phát từ việc các kĩ năng này thường được trình bày theo công thức “định nghĩa – ví dụ” chứ chưa đào sâu vào các thành phần như điểm yếu hay cách khắc phục. Để giải quyết vấn đề trên, bài viết sau sẽ cùng thảo luận với người đọc một phương pháp có thể sử dụng để tăng cường khả năng lập luận. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ hướng dẫn người đọc hạn chế các lỗi lập luận ngụy biện mà người viết có thể gặp phải khi áp dụng kĩ năng này vào bài thi IELTS Writing Task 2. Nó được gọi là “Appeal to authority” (dùng nguồn đáng tin hay sự uy tín).

Đọc thêm: Các hình thức ngụy biện thường gặp trong tư duy Logic (Phần 1)

Key takeaways

1.   Phương pháp “Appeal to authority” (trích dẫn nguồn) là công cụ hỗ trợ người học trong quá trình lập luận, giúp người viết tạo ra các lập luận hợp lệ và hợp lý. Các nguồn có thể trích dẫn:

  1. Sách, báo, nghiên cứu khoa học, …

  2. Ý kiến của các chuyên gia

  3. Kinh nghiệm và kiến thức của bản thân

2.   Lập luận ngụy biện (Logical fallacy), người viết có thể rơi vào bẫy ngụy biện trong các trường hợp:

  1. “Nguồn” không cùng lĩnh vực với nhận định

  2. “Nguồn” ẩn danh

  3. “Nguồn” theo số đông

  4. “Nguồn” theo truyền thống

3.   Tính ứng dụng: Người viết nên đảm bảo 1 lập luận thỏa mãn cả 3 tiêu chí sau:

  1. “Nguồn” phải là một chuyên gia trong lĩnh vực được thảo luận

  2. “Nguồn” và nhận định phải liên quan đến nhau

  3. Có nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực đồng ý với nhận định     

Đối với IELTS Writing Task 2: Người viết chỉ nên lựa chọn sử dụng “nguồn trích dẫn” là bản thân mình

Phương pháp “Appeal to authority”

Định nghĩa lập luận

Lập luận, nói dễ hiểu hơn, là đưa ra lý do cho một quan điểm, góc nhìn nào đó. Khi lập luận, người ta sẽ liên kết các luận điểm để tạo thành một khối liên kết, sử dụng để chứng minh cho một luận điểm khác (Allen, 2004). Như vậy, có thể thấy có 2 thành phần riêng biệt trong quá trình lập luận, các luận điểm đóng vai trò là lý do (premise) để hỗ trợ cho một luận điểm đóng vai trò là kết luận (conclusion):

  1. (1) Tiền đề: là những ví dụ, bằng chứng, giả thuyết hoặc niềm tin mà người lập luận cho là đúng, sử dụng để thuyết phục người khác cho kết luận của mình. Thông thường, sẽ có nhiều tiền đề để hỗ trợ cho một kết luận, tuy nhiên, đôi khi cũng chỉ cần một tiền đề là đủ để đi đến kết luận.

  2. (2) Kết luận: là nhận xét được rút ra khi kết hợp các tiền đề với nhau.

image-alt


Sau đây là một ví dụ của lập luận:

  1. Tiền đề 1: Protecting the natural environment will benefit the economy

  2. Tiền đề 2: Environmental protection improves the quality of life for all Australians

  3. Tiền đề 3: If Australia’s natural environment is looked after, then other countries might follow our example.

=> Kết luận: Australia’s natural environment should be protected.

Nguồn: Smart thinking: Skills for critical understanding and writing

Như vậy, một lập luận luôn được củng cố bằng các tiền đề. Trong hầu hết các trường hợp, các tiền đề sẽ dễ dàng chấp nhận hơn kết luận. Vì vậy, để tạo ra một lập luận mang tính thuyết phục cao, người viết cần có khả năng xây dựng các tiền đề chắc chắn, có sự liên kết chặt chẽ để hỗ trợ cho kết luận.

Phương pháp “Appeal to authority”

Có nhiều cách để xây dựng tiền đề, thông thường, người viết có thể phối hợp nhiều tiền đề (dependent clause) để đi đến một kết luận (như ví dụ trên). Trong các tiền đề đó, người viết có thể sử dụng các nguồn đáng tin để đi đến kết luận của mình.

  1. Tiền đề: A (authority) khẳng định B là đúng.

  2. Kết luận: B.

Như vậy, phương pháp dùng nguồn đáng tin (appeal to authority) trích dẫn quan điểm của một hoặc nhiều người có thẩm quyền hoặc chuyên môn (như chính phủ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, …) và dựa vào uy tín của những người đó để đưa ra quan điểm bản thân và thuyết phục người nghe/người đọc.

Để làm rõ hơn tại sao phương pháp này lại tạo ra được sự thuyết phục cao hơn, người đọc có thể xem xét các ví dụ sau, được trích từ sách Smart thinking: Skills for critical understanding and writing của tác giả Allen (2004):

  1. a) “Gender and sexual definitions [have] become the focus of intense cultural negotiation” (Gledhill 1992, p. 201).

  2. b) Australian history is marked by considerable conflict and tension over the competing interests of labour and capital (see Rickard 1992).

  3. c) According to Dr Jane Long, who has studied this topic in detail, poor women in nineteenth-century England were, by and large, worse off than poor men.

  4. d) In my twenty years' experience as a High Court judge, I have come across few cases as complex as this one.

  5. e) I look back on my childhood and recall that I was always encouraged to ask 'why?' by my parents.

  6. f) The experiments I have conducted show that many cleaning products induce allergic reactions in humans

Nguồn: Smart thinking: Skills for critical understanding and writing

Ví dụ a và b thường được sử dụng trong các bài nghiên cứu khoa học. Các tiền đề thường được dẫn nguồn từ một bài viết, chương, hoặc sách của một tác giả khác. Việc dẫn nguồn này có thể thể hiện gián tiếp (tóm tắc ý chính của tác giả, giống như ví dụ b hoặc trực tiếp (trích dẫn nguyên văn một luận điểm của tác giả, giống ví dụ a). Cách dẫn nguồn như thế này không chỉ công nhận nguồn của thông tin, mà còn giúp tăng sự hợp lệ cho lập luận. Đây là một điều kiện bắt buộc trong các nghiên cứu khoa học vì nó đảm bảo được tính khách quan của các lập luận trong bài văn.

Ví dụ c và d tương đối giống nhau. Chúng đều sử dụng một ý kiến của chuyên gia để ủng hộ cho quan điểm của mình, nhưng không có một nguồn cụ thể nào để kiểm tra. Ví dụ c được dẫn nguồn từ một tiến sĩ đã nghiên cứu về chủ đề được thảo luận một cách chi tiết. Ví dụ d được dẫn nguồn không phải từ một nghiên cứu, mà từ kinh nghiệm cá nhân của người viết. Cả 2 ví dụ đều cho thấy được sự liên quan giữa vấn đề được thảo luận và nguồn trích dẫn, vì vậy, chúng đều giúp hỗ trợ xây dựng quan điểm.

Ví dụ e sử dụng một trong cách trích dẫn nguồn rất phổ biến, sử dụng kinh nghiệm bản thân để nói về cuộc sống của chính mình. Một người thường sẽ là chuyên gia trên cuộc đời của họ. Ví dụ f sử dụng kinh nghiệm đã qua kiểm chứng một cách khoa học của bản thân để chứng minh cho quan điểm. Đây là một phương pháp cũng rất hay được sử dụng trong các nghiên cứu khoa học.

Từ các ví dụ trên, có thể thấy có 3 nguồn thông tin chính mà người học có thể trích dẫn:

image-alt

Lập luận ngụy biện (Logical fallacy)

Appeal to authority có thể xem là một phương pháp hữu hiệu để tạo ra một lập luận vững vàng, có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, đây cũng là một phương pháp có thể được liệt kê vào “lập luận ngụy biện” (logical fallacy) vì nó dựa hoàn toàn trên nhận định của người khác chứ không phải sự thật. Sau đây, trích dẫn từ Cline (2021), bài viết sẽ trình bày một vài lỗi lập luận ngụy biện khi sử dụng phương pháp này:

Appeal to Unqualified Authority

Khi “nguồn” thuộc một lĩnh vực chuyên môn khác với nhận định được đưa ra, lập luận này được xem là ngụy biện.

Ví dụ: Many scientists have said that Ronaldo is the best football player in the world. Therefore, Ronaldo is the greatest footballer in the world.

Người lập luận ở ví dụ trên đã trích dẫn từ nguồn không phù hợp và không đáng tin cậy. Các nhà khoa học có thể có uy tín trong chuyên ngành khoa học mà họ đảm nhiệm, nhưng không có uy tín và kiến thức chuyên môn về bóng đá. Do đó, kết luận “Ronaldo là một cầu thủ hay nhất trên thế giới” là không đáng tin cậy.

Appeal to Anonymous Authority

Khi nguồn trích dẫn không được chỉ tên cụ thể, ví dụ như chỉ đưa ra các nguồn chung chung như “các chuyên gia đã nói” hoặc “nhiều nhà sử học nhận định rằng”. Điều này khiến lập luận trở nên không có giá trị vì người đọc không thể kiểm tra được độ chính xác của nó của nó.

Ví dụ: Environmental experts have stated that global warming does not cause any serious problems. Therefore, we should not worry too much about the environment.

Ở đây, người đọc không biết được những “chuyên gia về môi trường” được nhắc đến trong câu văn là ai, liệu họ có đủ thẩm quyền và chuyên môn để kết luận vấn đề được nhắc đến trong câu văn hay không. Khi đọc câu văn trên, chưa nhận định đến tính hợp lệ của quan điểm, người đọc sẽ có cảm giác rằng những “chuyên gia” này chỉ được thêm vào bởi vì họ đồng ý với quan điểm của người viết.

Appeal to Numbers

Về cơ bản, hình thức lập luận ngụy biện trên cho rằng nếu một kết luận được nhiều người ủng hộ và tin vào thì nó sẽ là kết luận đúng. Đây được coi là hình thức ngụy biện do không phải ý kiến của số đông lúc nào cũng là sự thật, và không phải những ai đi ngược lại đám đông cũng sai. Lỗi lập luận này có thể hiểu như sau:

Nhận định X được nhiều người đồng ý nhất. Vì vậy, X là chính xác.

Ví dụ: In addition, the majority of school students think that math is not beneficial and uninteresting to learn. Therefore, we should remove math from the school curriculum.

Ví dụ trên đang mắc phải lỗi lập luận nguỵ biện dựa dẫm vào ý kiến đám đông. Người viết không thể chỉ dựa vào ý kiến của các học sinh để đi đến kết luận rằng toán học là không cần thiết vì đây chỉ là ý kiến chủ quan, chưa đủ cơ sở để đi đến kết luận.

Appeal to Tradition

Hình thức lập luận ngụy biện này dựa vào một niềm tin, truyền thống, thói quen, nguyên lí được mặc nhiên là đúng và cần tuân thủ để làm tiền đề cho kết luận đưa ra.

Ví dụ: It's standard practice to pay men more than women so the economy must continue to run in this way.

Mặc dù sự thật đúng là lương của đàn ông thường được trả cao hơn phụ nữ trong một thời gian dài, không có lý do gì thuyết phục để tiếp tục thực hiện chế độ lương này. Lập luận trên chỉ đơn giản cho rằng các phương pháp truyền thống nên được tiếp tục mà không đưa ra được lí do, giải thích tại sao điều này lại nên xảy ra.


image-alt


Tính ứng dụng

Đối với khả năng lập luận

Qua các ví dụ trên, sử dụng nguồn trích dẫn có thể tạo ra những lập luận rất đáng tin cậy, nhưng cũng có thể khiến người viết rơi vào bẫy lập luận ngụy biện. Để có được một lập luận tốt, các tiền đề phải đến từ một nguồn thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, ví dụ như bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng đưa ra các lời khuyên về chế độ ăn uống cho người bệnh. Vì vậy, khi tiếp nhận một thông tin được dẫn từ một nguồn nào đó, người học phải xác định được uy tín của nguồn được dẫn, từ đó có thể xác định là lập luận này có là ngụy biện hay không. Cline (2021) gợi ý một vài tiêu chuẩn mà một tiền đề phải đáp ứng để có thể gọi là đáng tin cậy:


image-alt

Ví dụ:

=> Kết luận: The use of pesticides negatively impacted the natural environment.

Để chứng minh kết luận trên, người học có thể sử dụng các tiền đề sau:

  1. Tiền đề 1: Carson, who is a well-known environmentalist, described a lot of devastating effects of pesticides on the environment in 1962.

  2. Tiền đề 2: Some of the pesticides which had been listed in the study were banned by medical companies later.

Tiền đề 1 đã thỏa mãn được 2 tiêu chí đầu tiên, khi một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường có một nhận định về các tác hại của thuốc trừ sâu lên môi trường. Trong khí đó, tiền đề 2 đã thỏa mãn được tiêu chí thứ 2 khi đề cập đến nghiên cứu ở tiền đề 1 đã được chấp nhận bởi nhiều nhà khoa học khác. Vì vậy, lập luận trên là hợp lệ và hợp lý, đủ sức thuyết phục và cơ sở để đi đến kết luận.

Đối với IELTS Writing Task 2

Như người đọc có thể thấy phía trên, sử dụng phương pháp lập luận dùng nguồn đáng tin là một trong những cách lập luận hiệu quả, đặc biệt là khi người học có thể nhận định được độ tin cậy của thông tin đó. Tuy nhiên, phương pháp này lại chứng tỏ có nhiều vấn đề khi được áp dụng vào IELTS Writing Task 2.

Ví dụ: According to a recent report from Oxford University, around 60% of prisoners reoffend after being released.Therefore, prison is not a good method to deter crime.

Mặc dù ví dụ trên giống như một câu 'kiểu học thuật', nhưng trong điều kiện phòng thi, nó có 2 vấn đề sau:

  1. Vì thí sinh không có quyền truy cập vào nghiên cứu trong bài kiểm tra của mình, các số liệu thống kê như thế này luôn có vẻ là “giả mạo” đối với người chấm thi. Hầu hết giám khảo, những người có kinh nghiệm và kĩ năng giảng dạy cao, đều đã đọc qua nhiều các nghiên cứu học thuật. Vì vậy, những nghiên cứu “giả” mà thí sinh tự tạo ra sẽ làm cho giám khảo cảm thấy rất khó chịu.

  2. Số liệu thống kê không thực sự phù hợp với phong cách viết mà giám khảo mong đợi. Họ đang mong đợi một bài luận dựa trên ý kiến, không phải một bài tập dựa trên nghiên cứu.

Vì vậy, bài viết có lời khuyên tương đồng với giảng viên Hiếu (2020), có thể nói rằng phương pháp “Appeal to authority” chỉ có thể được xem như là một phương pháp giúp để tư duy, không phù hợp với IELTS Writing Task 2. Thí sinh nên loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nghiên cứu hay những câu văn thuộc các trường hợp lập luận ngụy biện trên.

Tuy nhiên, có một nguồn mà thí sinh có thể sử dụng, và thậm chí được khuyến khích sử dụng trong bài thi IELTS Writing Task 2, bản thân của mình.Xem xét đề bài sau:

image-alt

Nguồn: Cambridge IELTS 16

Có thể thấy trong đề bài trên, đề bài yêu cầu rất rõ ràng thí sinh phải “Give reasons for your answer and include any relevant example from your own knowledge and experience”. Vì vậy, việc trích nguồn từ các kinh nghiệm và kiến thức của bản thân mình là hoàn toàn phù hợp đối với bài thi IELTS. Để làm rõ hơn cách để áp dụng Appeal to Authority vào bài viết, hãy cùng xem xét ví dụ sau, được viết từ một cựu giám khảo IELTS nổi tiếng – Simon (2020):

Many high street shops have gone out of business in recent years. Why do you think this has happened? Is it a positive or negative development?

Furthermore, it is impossible for traditional bricks-and-mortar stores to compete with the range of choice that can be found online. For example, I recently used the website Amazon to buy some fairly rare academic textbooks that were not stocked at my local bookshop. As a customer, the fact that I can find any product imaginable online makes it almost pointless for me to make a trip to my local high street.

Nguồn: IELTS Simon

Có thể phân tích ví dụ trên như sau:

  1. Tiền đề 1: Tôi mua sách trên Amazon khi chúng không có ở những cửa hàng sách địa phương.

  2. Tiền đề 2: Tôi có thể tìm được tất cả các mặt hàng trên mạng mà không cần phải đi đến các cửa hàng địa phương.

=> Kết luận: Các cửa hàng truyền thống không thể cạnh tranh lại các cửa hàng trực tuyến.

Để xem xét độ tin cậy và chính xác của lập luận trên, có thể sử dụng các tiêu chí đã đề cập ở phần trước

  1. “Nguồn” là một chuyên gia trong lĩnh vực kiến thức đang được xem xét.

Trong trường hợp này, người viết là người mua hàng. Lĩnh vực này không cần phải cần quá nhiều kiến thức hay chuyên môn mà ai cũng có thể trở thành một chuyên gia (nếu mua hàng nhiều). Vì vậy, có thể xem người viết là một chuyên gia trong lĩnh vực mua hàng.

  1. Tuyên bố, nhận định của “nguồn” phải liên quan đến lĩnh vực làm chuyên môn của họ.

Nhận định của người viết cũng liên quan đến việc mua bán hàng hóa, giữa các cửa hàng truyền thống và các gian hàng trên mạng.

  1. Có sự thống nhất giữa các chuyên gia trong lĩnh vực kiến thức đang xem xét.

Mặc dù không thể hiện rõ có sự thống nhất giữa nhiều người với nhau hay không, nhưng việc mua hàng online đã trở nên rất phổ biến và hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng hàng hóa được mua trên mạng thì phong phú và dồi dào hơn các cửa hàng truyền thống.

Lập luận này là hợp lệ và hợp lý vì nó thỏa mãn cả 3 tiêu chí trên. Từ ví dụ trên, có thể rút ra được rằng phương pháp trích dẫn nguồn là hoàn toàn phù hợp với IELTS Writing Task 2 nếu người viết lập luận bằng cách trích dẫn nguồn từ bản thân mình và lập luận đó có thể thỏa mãn được các tiêu chí được đề ra ở phần khả năng lập luận.

Tổng kết

“Appeal to authority”, vì mang tính thuyết phục cao, là một trong các phương pháp lập luận phổ biến, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, như quảng cáo, chính trị, … Tuy nhiên, người sử dụng phương pháp lập luận này cũng rất dễ rơi vào bẫy lập luận ngụy biện nếu không cẩn thận trong quá trình tư duy của mình.

Bài viết trên đã giới thiệu cho người đọc chi tiết cách lập luận bằng phương pháp trích dẫn nguồn, phân loại một vài bẫy lập luận ngụy biện mà người học có thể rơi vào khi sử dụng phương pháp này. Cuối cùng, bài viết cũng chỉ rõ ra cách áp dụng của phương pháp này vào quá trình lập luận của người học cũng như vào bài thi IELTS Writing Task 2.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...