Key takeaways |
---|
|
Lỗi thường gặp trong phần bàn luận
Hầu hết các phần bàn luận trong các bản thảo khoa học đều quá dài và lòng vòng. Một lý do là các tác giả thường viết theo phương pháp "squid technique": họ nghi ngờ về kết quả nghiên cứu của mình và tin rằng còn nhiều điều bí ẩn cần khám phá. Ngoài ra, văn phong dài dòng cũng làm bài viết trở nên lê thê. Ví dụ, thay vì viết "I found that…" hay "We conclude that…", nhiều nhà khoa học lại viết thành "It was found in the present investigation that…"
Bên cạnh đó các tác giả nên đề cập lại mục đích chính của nghiên cứu hoặc tóm tắt những điểm chính thay vì chỉ nhắc lại toàn bộ kết quả nghiên cứu. Những hiện tượng, mối quan hệ và sự khái quát hóa mà kết quả nghiên cứu đem lại nên được thảo luận chi tiết. Một phần bàn luận tốt là khi tác giả thảo luận, đưa ra ý kiến về một vấn đề nào đó thay vì chỉ mô tả lại kết quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng động từ và thì không phù hợp trong phần bàn luận cũng làm một lỗi thường gặp. Nhìn chung, việc chọn lựa từ và chọn thì cần phải phù hợp và tương đồng với kết quả nghiên cứu cũng như với thông điệp của tác giả.
Ý nghĩa của phần bàn luận
Mục đích của phần bàn luận là chỉ ra mối quan hệ giữa các hiện tượng quan sát được và thảo luận về chúng. Nếu chỉ dựa vào phần kết quả của bài báo khoa học thì mối quan hệ đó chưa thực sự chính xác. Tác giả Gastel đã có một ví dụ hài hước để minh họa vấn đề này (Gastel and Day). Một nhà khoa học đã huấn luyện thành công một con bọ chét nhảy theo hiệu lệnh. Mỗi lần ông hô “nhảy” thì con bọ hoàn toàn làm theo hiệu lệnh.
Tuy nhiên, nhà khoa học này muốn tìm hiểu xem cơ quan thính giác của con bọ chét nằm ở đâu. Ông tiến hành thí nghiệm bằng cách lần lượt loại bỏ từng chân của con bọ, và mỗi lần bỏ đi một chân thì ông thấy con bọ nhảy ngắn hơn. Cuối cùng, khi đã loại bỏ hết các chân, con bọ không nhảy được nữa khi nghe hiệu lệnh. Nếu chỉ dựa vào kết quả thí nghiệm, nhà khoa học này có thể kết luận rằng “Khi ta loại bỏ chân của con bọ thì nó không thể nghe được nữa”. Đây là ví dụ cho thấy sự cần thiết của phần bàn luận để làm rõ và tránh các hiểu lầm.
Phần bàn luận thường được coi là phần quan trọng nhất và khó viết nhất trong bài báo khoa học. Người viết cần giải thích ý nghĩa của những phát hiện và cách chúng liên quan đến câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong phần giới thiệu. Việc diễn giải các phát hiện này cần được trình bày và thảo luận một cách khách quan, đánh giá tầm quan trọng và tính phù hợp của nghiên cứu bằng cách so sánh với các nghiên cứu trước đây. Một phần bàn luận tốt là khi tác giả không chỉ mô tả lại kết quả mà còn đưa ra những nhận định, đánh giá và so sánh các phát hiện của mình với các nghiên cứu khác. Điều này giúp tạo ra một bức tranh toàn diện và sâu sắc về vấn đề nghiên cứu, đồng thời chỉ ra được điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu hiện tại. Cuối cùng, phần bàn luận cũng nên đề xuất những hướng nghiên cứu trong tương lai và ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu, từ đó làm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình trong bối cảnh khoa học rộng hơn.
Đoạn văn dài gây khó khăn cho việc thu hút sự chú ý hoặc tập trung của người đọc; các đoạn văn ngắn có thể hiệu quả hơn bằng cách đi thẳng vào vấn đề và truyền tải thông điệp chính xác. Trong suốt toàn bộ bài viết, bao gồm cả phần thảo luận, hãy sử dụng giọng chủ động nếu có thể, mặc dù truyền thống sử dụng giọng bị động. Ngoài ra, tốt hơn là sử dụng cùng thì động từ và quan điểm đã được sử dụng khi nêu câu hỏi nghiên cứu. Linh hồn của phần bàn luận là cung cấp tính khách quan trong cách tiếp cận nghiên cứu và những phát hiện của nó. Nội dung phần thảo luận chính là lý do khiến nhà nghiên cứu hứng thú theo đuổi nghiên cứu ngay từ đầu. Việc ghi chép trong quá trình nghiên cứu và đánh giá lại chúng theo thời gian có thể hữu ích khi viết phần thảo luận cuối cùng. Một số quy tắc quan trọng cần xem xét khi tổ chức phần này bao gồm: duy trì sự trôi chảy, logic và tính đơn giản trong cú pháp.
Những điểm cần lưu ý khi viết phần bàn luận
Trong bài báo khoa học, phần phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu nên tương đồng với nhau, tương tự như phần đặt vấn đề và phần bàn luận. Các tác giả cần làm rõ nghiên cứu này có vai trò như thế nào trong việc lấp đầy khoảng trống nghiên cứu đã nêu ở phần đặt vấn đề. Ngoài ra, câu hỏi nghiên cứu được đặt ra ở phần đặt vấn đề cũng cần phải được trả lời chặt chẽ trong phần bàn luận.
Phần bàn luận trong bài báo khoa học tập trung vào việc giải thích và đánh giá ý nghĩa của những phát hiện nghiên cứu, đồng thời trả lời các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong phần giới thiệu. Phần này không chỉ đơn thuần là nhắc lại kết quả, mà còn đưa ra những phân tích sâu sắc về chúng trong bối cảnh vấn đề nghiên cứu. Do đó việc sắp xếp các luận điểm cũng như luận cứ trong phần này là điều rất quan trọng.
Phần đặt vấn đề thường đi từ tổng quát đến chi tiết, trong khi phần bàn luận đi từ chi tiết đến tổng quát. Đầu tiên, tác giả nên đề cập đến các kết quả chính của nghiên cứu, sau đó so sánh với các kết quả khác đã được công bố trước đây và cuối cùng là đưa ra khuyến nghị áp dụng. Một số bài báo có thể đưa ra thêm các câu hỏi nghiên cứu trong tương lai cần được giải quyết. Tuy nhiên, các tác giả không nên nhắc lại toàn bộ các tài liệu tham khảo đã được trích dẫn ở phần đặt vấn đề để tránh lặp lại thông tin.
Nhìn chung, phần bàn luận được tổ chức theo cấu trúc kim tự tháp ngược, trái ngược với phần giới thiệu theo cấu trúc kim tự tháp truyền thống. Cùng nhau, chúng tạo thành một dạng hình đồng hồ cát, trong đó phần giới thiệu đặt ra câu hỏi và phần thảo luận mô tả kết quả nghiên cứu để trả lời câu hỏi đó. Trên thực tế, phần giới thiệu và thảo luận bổ sung lẫn nhau: những gì được trình bày trong phần thảo luận thể hiện động lực của nhà nghiên cứu trong việc đề xuất giả thuyết và thực hiện nghiên cứu.
Cấu trúc của phần bàn luận
Các tác giả cần để tâm tới xem tạp chí mục tiêu có yêu cầu cụ thể của phần bàn luận hay không. Ví dụ như một số tạp chí yêu cầu viết chung phần kết quả và phần bàn luận, còn một số tạp chí khác có thể lại yêu cầu viết phần bàn luận chung với kết luận. Nhưng thông thường các tạp chí sẽ tách riêng phần bàn luận ra khỏi các phần khác. Bên cạnh đó, các tác giả cần xem tạp chí có yêu cầu phần bàn luận cần có thêm các đề mục nhỏ hay không? Còn nếu không thì liệu tác giả có cần phải thêm vào bản thảo của mình để giúp cho các nhà khoa học khác dễ theo dõi nội dung mình muốn truyền tải hay không?
Thông thường, trong phần bàn luận sẽ có hai nội dung chính, đó là bàn luận về kết quả nghiên cứu và bàn luận về điểm mạnh cũng hạn chế của nghiên cứu.
Bàn luận về kết quả nghiên cứu
Các tác giả nên bắt đầu phần bàn luận bằng cách nêu rõ những kết quả chính và nổi bật nhất của nghiên cứu. Điều này bao gồm tất cả các phát hiện quan trọng, các kết quả không như mong đợi, và những ngoại lệ hay điểm chưa rõ ràng. Sau khi đưa ra những kết quả này, các tác giả nên so sánh và đánh giá chúng với các nghiên cứu trước đây, có thể trích dẫn tài liệu tham khảo để củng cố cho phân tích của mình.
Điều quan trọng là tác giả phải giải thích tại sao những phát hiện này lại quan trọng và chúng đóng góp như thế nào vào việc trả lời câu hỏi nghiên cứu. Không nên phóng đại tầm quan trọng của kết quả mà cần duy trì sự trung thực và liêm chính trong học thuật. Những kết quả bất lợi hoặc không như mong đợi cũng cần được trình bày một cách minh bạch, vì chúng có thể củng cố tính khách quan và giá trị của nghiên cứu.
Việc liên kết các phát hiện với nhau và đưa ra những giải thích hợp lý giúp người đọc hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các kết quả. Khi so sánh dữ liệu và kết quả với các nghiên cứu trước đó, cần nêu rõ những điểm tương đồng và khác biệt một cách chi tiết và khách quan. Nếu có sự không tương thích với các nghiên cứu trước đây, tác giả cần giải thích lý do một cách thuyết phục, nhưng không nên tấn công trí tuệ các nghiên cứu khác.
Cuối cùng, tác giả cần nêu rõ sự đóng góp của các phát hiện cho lĩnh vực nghiên cứu. Ví dụ, trong một bài báo y khoa, việc nhấn mạnh cách dữ liệu thu được có thể cải thiện chăm sóc bệnh nhân, đánh giá chẩn đoán, hoặc phát triển phương pháp điều trị mới sẽ làm tăng giá trị của nghiên cứu.
Bàn luận về điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu
Không có nghiên cứu nào là hoàn hảo, do đó, phần bàn luận cần nêu rõ các điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu. Việc trung thực về các hạn chế giúp người đọc có cái nhìn khách quan hơn và đánh giá cao tính minh bạch của tác giả. Các hạn chế có thể bao gồm những yếu tố như thiết kế nghiên cứu, phương pháp đo lường, hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến tính khái quát của kết quả.
Ngoài ra, tác giả cũng nên đề cập đến các phương pháp thay thế có thể được sử dụng để trả lời câu hỏi nghiên cứu, và đánh giá nghiêm túc các lựa chọn đã được áp dụng. Việc này không chỉ giúp nâng cao giá trị của nghiên cứu mà còn mở ra hướng nghiên cứu cho tương lai. Cuối cùng, các tác giả nên kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các điểm yếu có thể có của nghiên cứu từ góc độ một độc giả độc lập trước khi bài viết được gửi đi. Điều này giúp giảm thiểu khả năng bị phản biện tiêu cực từ các biên tập viên và người đánh giá.
Ngữ pháp sử dụng trong phần bàn luận
Ở những phần trước của bài viết, cấu trúc và ngữ pháp sử dụng trong các bài báo khoa học đã được hướng dẫn một cách chi tiết. Việc lựa chọn sử dụng từ ngữ trong phần bàn luận sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc truyền tải ý nghĩa của thông tin muốn truyền tải. Trong mệnh đề quan hệ “that”, có hai cách giúp cho tác giả thể hiện được thông điệp của mình, cách 1 là lựa chọn từ ngữ và thì cho động từ chính. Còn cách 2 đó chính là lựa chọn thì cho động từ trong mệnh đề “that”.
Ví dụ 1: “Our study results demonstrate that rosuvastatin increases the risk of renal impairment.” (Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng rosuvastatin làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.)
Thành phần của câu trong ví dụ 1:
Đối tượng của động từ chính: Our study results.
Động từ chính: demonstrate.
Mệnh đề “that” và đối tượng của mệnh đề “that”: that rosuvastatin.
Động từ trong mệnh đề “that”: increases.
Phần còn lại của câu: the risk of renal impairment.
Trong ví dụ này, động từ chính được chia ở thì hiện tại đơn nên nó mang ý nghĩa rằng đây là một sự thật luôn đúng, một câu khẳng định rất mạnh. Và bản thân động từ chính “demonstrate” cũng là một động từ mạnh. Ở mệnh đề “that”, động từ được chia ở thì hiện tại đơn. Như vậy, ví dụ 1 cho thấy tác giả rất tự tin vào kết quả nghiên cứu của mình khi đã có một câu luận điểm mạnh như này.
Ví dụ 2: “Our study results indicate that rosuvastatin will increase the risk of renal impairment.” (Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng rosuvastatin sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.)
Thành phần của câu trong ví dụ 2:
Đối tượng của động từ chính: Our study results.
Động từ chính: indicate.
Mệnh đề “that” và đối tượng của mệnh đề “that”: that rosuvastatin.
Động từ trong mệnh đề “that”: will increase.
Phần còn lại của câu: the risk of renal impairment.
Mức độ mạnh của luận điểm trong ví dụ 2 cũng tương tự với ví dụ 1. Động từ chính “indicate” cũng là một động từ mạnh giống như “demonstrate”, và mệnh đề chính sử dụng thì hiện tại đơn. Trong mệnh đề quan hệ “that”, tác giả sử dụng thì tương lai đơn để thể hiện sự dự đoán chắc chắn về kết quả.
Tóm lại, nếu các tác giả sử dụng thì hiện tại đơn hoặc tương lai đơn, cùng với các động từ mạnh thì người đọc sẽ biết được rằng những thông tin trong bài báo là một lời khẳng định chắc nịch.
Ví dụ 3: “Our study results appear that rosuvastatin increases the risk of renal impairment.” (Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thể hiện rằng rosuvastatin làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.)
Thành phần của câu trong ví dụ 3:
Đối tượng của động từ chính: Our study results.
Động từ chính: appear.
Mệnh đề “that” và đối tượng của mệnh đề “that”: that rosuvastatin.
Động từ trong mệnh đề “that”: increases.
Phần còn lại của câu: the risk of renal impairment.
Trong ví dụ này, tác giả sử dụng động từ chính là “appear”. Đây không phải là một động từ mạnh, tuy nhiên mệnh đề “that” tác giả vẫn sử dụng thì hiện tại đơn để hiện mức độ mạnh của bằng chứng. Do đó, người đọc có thể hiểu rằng tác giả rất tin tưởng với dữ liệu của mình, tuy nhiên vẫn còn một chút e dè khi kết luận về mối quan hệ giữa đối tượng nghiên cứu và kết quả đầu ra.
Ví dụ 4: “Our study results suggest that rosuvastatin may increase the risk of renal impairment.” (Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng rosuvastatin có thể làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.)
Thành phần của câu trong ví dụ 4:
Đối tượng của động từ chính: Our study results.
Động từ chính: suggest.
Mệnh đề “that” và đối tượng của mệnh đề “that”: that rosuvastatin.
Động từ trong mệnh đề “that”: may increase.
Phần còn lại của câu: the risk of renal impairment.
Trong ví dụ 4, động từ chính “suggest” là một động từ yếu. Nó thể hiện sự không chắc chắn của người viết về một vấn đề gì đó. Ngoài ra, trong mệnh đề “that”, tác giả đã sử dụng trợ động từ “may” để làm giảm mức độ mạnh của câu khẳng định này. Do vậy, ví dụ 4 là một kết luận cho thấy sự không chắc chắn của tác giả về mối quan hệ giữa thuốc rosuvastatin và khả năng gây suy giảm chức thận của nó.
Cũng phải nhắc lại rằng, các ví dụ trên đều có thể áp dụng trong tuỳ hoàn cảnh của nghiên cứu. Tác giả cần lựa chọn những động từ và thì phù hợp khi nói về các kết quả nghiên cứu của mình. Đây chính là điểm chính trong phần bàn luận.
Ngoài sử dụng mệnh đề “that”, các tác giả có thể sử dụng thêm noun phrase (cụm danh từ) để thay đổi đa dạng cấu trúc khi viết bài báo khoa học. Ví dụ như trong câu “Previous studies have indicated a positive relationship between rosuvastatin usage and the occurance of acute kidney disease”. Đối tượng của động từ chính “indicated” là một cụm danh từ “a positive relationship between rosuvastatin usage and the occurance of acute kidney disease”. Trong cách sử dụng này thì các tác giả sẽ không cần phải chú ý tới thì được sử dụng trong mệnh đề “that”.
Xem bài viết trước:
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 3: Bài báo khoa học sơ cấp
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 4: Tạp chí khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 5: Cơ sở dữ liệu uy tín
Kết luận
Như vậy, bài viết đã chỉ ra những điều cần biết khi viết phần bàn luận trong bài báo khoa học. Một phần bàn luận tốt là khi tác giả thảo luận, so sánh cũng như đưa ra những khuyến nghị từ kết quả nghiên cứu của mình, thay vì nhắc lại nó. Một trong những cách có thể giúp tác giả truyền tải chính xác thông điệp của mình tới người đọc là lựa chọn động từ cũng như thì một cách phù hợp.
Tài liệu tham khảo
Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015.
Cargill, Margaret, and Patrick O'Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley Blackwell, 2021.
Cömert, Ayhan, and Eyyub S. Al‐Beyati. “Writing the discussion section for original research articles.” A Guide to the Scientific Career, 18 Oct. 2019, pp. 523–526, https://doi.org/10.1002/9781118907283.ch57
Bình luận - Hỏi đáp