Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 5: Cơ sở dữ liệu uy tín
Như đã đề cập ở phần trước, việc lựa chọn tạp chí khoa học để đăng bài báo của mình lên là vô cùng quan trọng. Nếu chọn sai tạp chí, rất có thể danh tiếng của nhà khoa học sẽ bị ảnh hưởng, và có thể ảnh hưởng tới cả túi tiền của các học giả nữa. Tuy nhiên, khái niệm về “uy tín” sẽ rất là khó đánh giá, vì nó sẽ phụ thuộc vào quan điểm và cách đánh giá khác nhau, nhất là đối với các nhà khoa học trẻ khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn và đánh giá cơ sở dữ liệu chất lượng. Do đó bài viết sẽ cung cấp cho người đọc kiến thức về hai nguồn cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay, và cách để lựa chọn ra được tạp chí khoa học phù hợp với định hướng nghiên cứu của mình.
Xem các phần trước:
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 1: Văn bản khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 2: Các cấu trúc văn bản khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 3: Bài báo khoa học sơ cấp
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 4: Tạp chí khoa học
Key takeaways |
---|
|
Cơ sở dữ liệu uy tín
Hiện nay cộng đồng khoa học quy ước rằng, hầu hết các tạp chí khoa học uy tín là các tạp chí được chỉ mục (index) ở trên danh mục cơ sở dữ liệu Scopus và danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science Core Collection (WoS). Nói một cách đơn giản, WoS và ISI như hai quyển sách khổng lồ, trong đó chứa một kho dữ liệu rất lớn, bao gồm các văn bản khoa học như bài báo khoa học, sách, tạp chí, tài liệu hội nghị,… Do đó, những tạp chí nào có tên ở một trong hai quyển sách này thì sẽ được quy ước là những tạp chí khoa học uy tín.
Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS)
Lịch sử của cơ sở dữ liệu WoS
Năm 1956, Eugene Garfield sáng tạo và thành lập nên danh mục cơ sở dữ liệu này dưới sự quản lý của viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information – ISI). Thời điểm này, danh mục chứa các tạp chí khoa học uy tín có tên là SCI (Science Citation Index) và SCIE (Science Citation Index Expanded). Các tạp chí ở trong SCI đều giống trong SCIE, tuy nhiên điểm khác biệt ở đây là SCI chỉ bao gồm các tạp chí khoa học lưu dưới dạng đĩa DVD, đĩa CD do chưa có dữ liệu trực tuyến. Tuy ISI bị đổi chủ sở hữu và được công ty Clarivate Analytics mua lại năm 2016 đổi tên thành Web of Science (WoS), hai danh mục SCI và SCIE vẫn được giữ nguyên. Tới năm 2019, do tất cả các tạp chí đã có dữ liệu online, SCI đã bị loại bỏ để tránh sự nhầm lẫn và WoS chỉ giữ lại danh mục SCIE.
Nội dung của cơ sở dữ liệu WoS
Văn bản khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS
Hiện nay, WoS là một cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa hơn 34,651 tạp chí, sách, kỷ yếu hội thảo, bản quyền nghiên cứu và các dữ liệu khác. Do vậy, số lượng văn bản khoa học được lưu trữ trong WoS rơi vào khoảng hơn 217 triệu bản. Lĩnh vực nghiên cứu phổ biến trong WoS bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật, khoa học máy tính,… Ngoài ra nó cũng có cả những nội dung về khoa học y sinh (biomedical sciences), khoa học xã hội (social sciences), nghệ thuật nhân văn (arts and humanities). Nội dung trong WoS sẽ được cập nhật liên tục, tuỳ từng nội dung mà có thể tiến hành hàng tuần hoặc hàng tháng.
Tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS
Cho tới thời điểm hiện nay, WoS là một “quyển sách” khổng lồ, bao gồm gần 25,000 tạp chí của hơn 250 ngành khoa học khác nhau. WoS được chia thành nhiều phần nhỏ, bao gồm danh mục chính (Web of Science Core collection) và các danh mục khác. Trong core collection, chúng ta có các “chương” để về danh sách các tạp chí khoa học, tài liệu hội nghị, sách tham khảo,…
Ban đầu, SCIE chỉ bao gồm các tạp chí về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, sau đó WoS đã mở rộng cơ sở dữ liệu của mình để tạp thêm nhiều cơ sở dữ liệu con khác bên cạnh SCIE. Dưới đây là các “chương” ở trong core collection:
Science Citation Index Expanded (SCIE): hơn 9.200 tạp chí của 178 ngành khoa học, xuất bản từ 1990 đến nay.
Social Sciences Citation Index (SSCI): hơn 3.400 tạp chí của 58 ngành khoa học xã hội, xuất bản từ 1900 đến nay.
Arts & Humanities Citation Index (AHCI hay A&HCI): hơn 1.800 tạp chí của 28 ngành nhân văn và nghệ thuật, xuất bản từ 1975.
Bên cạnh đó, cũng có một danh mục gọi là “danh mục dự bị”, đây là danh mục của các tạp chí khoa học ở mọi lĩnh vực nhưng chưa đủ điều kiện để được xếp ở trong ba danh mục uy tín ở trên.
Emerging Sources Citation Index (ESCI): hơn 7.800 tạp chí của 254 ngành khoa học từ năm 2005 tới nay.
Ngoài các “chương” về tạp chí khoa học, WoS core collection cũng dành ra các chương để sưu tầm danh sách các kỷ yếu hội nghị khoa học (Conference proceedings citation), sách (book citation) và dữ liệu về các phản ứng hoá học (Current Chemical Reactions and Index Chemicus) uy tín.
Conference Proceedings Citation Index (CPCI): bao gồm các kỷ yếu hội nghị của 256 lĩnh vực khác nhau từ năm 1990 tới nay.
Book Citation Index (BKCI): Bao gồm các đầu sách về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội từ năm 2005 tới nay.
Current Chemical Reactions and Index Chemicus: bao gồm cấu trúc hoá học và phản ứng hoá học của mọi hợp chất, với công cụ tìm kiếm bằng cách tự vẽ công thức.
Còn đối với các danh mục khác ngoài danh mục chính, người đọc có thể tìm hiểu tại website của Clarivate do nội dung bài viết chỉ xoay quanh danh mục về tạp chí khoa học
Như vậy, để kiểm tra tạp chí khoa học đang nhắm tới có phải uy tín hay không, các nhà khoa học có thể truy cập vào website của Clarivate để tìm kiếm. Nếu như không hiển thị kết quả thì nghĩa là tạp chí đó không bao gồm trong danh sách của WoS.
Tiêu chí đánh giá của cơ sở dữ liệu WoS
Như đã đề cập ở phần 4 của chuỗi bài viết, Impact factor (IF) là một tiêu chí đánh giá mức độ danh giá của tạp chí khoa học dựa trên lượt trích dẫn theo thời gian. Hàng năm, WoS sẽ đưa ra báo cáo “Journal citation reports (JCR)”, bao gồm IF và các chỉ số đánh giá khác của tạp chí trong danh mục SCIE và SSCI.
IF là tần suất số bài báo trung bình trong một tạp chí được trích dẫn trong một năm. Ví dụ, để tính IF của tạp chí X trong năm 2024, ta sẽ tính như sau:
IF(2024) =(Tổng lượt trích dẫn các bài báo trong năm 2022 và 2023)/(Tổng số bài báo xuất bản trong năm 2022 và 2023)
Sau khi có một danh sách về chỉ số IF của các tạp chí, người ta sẽ bắt đầu tiến hành tính các điểm tứ phân vị (quartile) Q1, Q2, Q3 và Q4 để phân hạng nó. Nếu một tạp chí khoa học có điểm IF nằm trong khoảng tứ phân vị thứ 1 (Q1), chúng ta có thể kết luận rằng tạp chí này tốt hơn 75% các tạp chí khác ở trong danh mục.
Tuy nhiên, để so sánh hai bài báo trong cùng một khoảng tứ phân vị, chúng ta sẽ sử dụng chỉ số “IF Percentile”. Chỉ số này cũng được tính dựa trên IF. Khi thấy một tạp chí khoa học có IF percentile là 80, ta có thể hiểu rằng tạp chí đó tốt hơn 80% các tạp chí khác ở trong danh mục đó. Như vậy, cùng trong một khoảng tứ phân vị, tạp chí khoa học nào có IF Percentile lớn hơn thì sẽ được coi là tốt hơn.
Cơ sở dữ liệu Scopus
Lịch sử của cơ sở dữ liệu Scopus
Năm 2004, nhà xuất bản Elsevier của Hà Lan đã cho ra mắt Scopus, một cơ sở dữ liệu khổng lồ về văn bản khoa học. Tương tự WoS, dữ liệu của Scopus cũng rất đa dạng, từ các tạp chí khoa học cho tới kỷ yếu hội nghị, sách,…
Nội dung của cơ sở dữ liệu Scopus
Văn bản và tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus
Tính tới năm 2024, cơ sở dữ liệu Scopus bao gồm hơn 94 triệu văn bản khoa học thuộc 29 nghìn đầu mục khác nhau (tạp chí khoa học, sách, kỷ yếu hội nghị,…) từ những năm 1970. Khác với WoS, Scopus không chia thành các “chương” bé hơn, nó gộp chung tất cả các ngành nghề vào một dữ liệu tổng. Nó này bao gồm 4 lĩnh vực chính được chia thành 27 chuyên ngành và hơn 300 phân nhánh nhỏ hơn. Bốn lĩnh vực chính của Scopus bao gồm:
- Khoa học xã hội (Social sciences): Chiếm tổng số 44%, bao gồm hơn 12,700 đầu mục về nghệ thuật và nhân văn, kinh doanh, quản lý và kế toán, lý thuyết quyết định (decision sciences), khoa học xã hội,…
- Khoa học sức khoẻ (Health sciences): Chiếm 26% tổng số đầu mục, bao gồm hơn 7500 tạp chí và sách các loại về y học, điều dưỡng, nha khoa, chuyên gia sức khoẻ,…
- Khoa học vật lý (Physical sciences): Chiếm 33%, gồm hơn 9600 đầu mục về kỹ thuật hoá học, hoá học, khoa học máy tính, môi trường, toán học,…
- Khoa học đời sống (Life sciences): Chiếm 19%, bao gồm 5400 đầu mục về khoa học nông nghiệp và sinh học, khoa học hoá sinh; gen và sinh học phân tử, miễn dịch và vi sinh, dược lý, bào chế và độc chất,..
Tiêu chí đánh giá của cơ sở dữ liệu Scopus
Tuy nhiên, về cách xác định mức độ uy tín thì Scopus cũng tính dựa trên lượt trích dẫn theo năm, nhưng họ gọi chỉ số đó là CiteScore. Ví dụ, để tính CiteScore của tạp chí Y trong năm 2024, ta sẽ tính như sau:
CiteScore(2024) =(Tổng lượt trích dẫn các bài báo từ năm 2021 tới 2024)/(Tổng số bài báo xuất bản từ năm 2021 tới 2024)
Do cùng một bản chất nên để xếp hạng các tạp chí, người ta cũng sử dụng khoảng tứ phân vị (4 vùng Q1, Q2, Q3 và Q4) cũng như Percentile để đánh giá. Một đặc điểm rất tiện của Scopus đó là người dùng có thể truy cập để xem chỉ số này miễn phí, trong khi đó với WoS thì cần phải đăng ký trả phí.
Cơ sở dữ liệu SCImago Journal & Ranking
Đây là cơ sở dữ liệu do nhóm nghiên cứu Schimago sáng tạo để xếp hạng các tạp chí theo mức độ danh giá và xếp hạng lượt xuất bản theo các quốc gia trên thế giới. Dữ liệu trong SCImago được lấy từ Scopus.
Trong SCImago, các tạp chí khoa học được xếp hạng bởi chỉ số riêng đó là SJR, giá trị này càng lớn thì mức độ uy tín của tạp chí càng cao. Khoảng tứ phân vị Q cũng được sử dụng để phân loại giá trị SJR, do đó ta cũng thấy 4 giá trị từ Q1 tới Q4 trên bảng xếp hạng của SCImago. Tạp chí nào trong khoảng Q1 thì có nghĩa là nó danh giá hơn 75% so với tổng số các tạp chí khoa học ở trong cơ sở dữ liệu này.
Tạp chí săn mồi
Lợi dụng niềm tin của các nhà khoa học, tạp chí săn mồi là những tạp chí được tạo ra bởi mục đích ăn tiền của các tác giả. Như đã đề cập ở phần trước, tạp chí mở (Open access) thường yêu cầu tác giả trả phí để được đăng bài. Dựa vào điều này, một số nhà xuất bản đã thu tiền của các nhà khoa học mà không đưa bản thảo qua bình duyệt, chỉnh sửa mà trực tiếp công bố luôn. Tệ hơn nữa là trường hợp các nhà khoa học đã đóng phí nhưng không có một văn bản khoa học nào được công bố. Nếu đăng bài báo trên tạp chí săn mồi thì danh tiếng và sự nghiệp của nhà khoa học sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, do đó việc nhận biết và tránh xuất bản trên các tạp chí săn mồi là điều mà nhà nghiên cứu nào cũng cần lưu tâm đến.
Có khá nhiều cách để nhận biết tạp chí săn mồi. Đa số là các tạp chí này thường đánh bóng bản thân quá mức, luôn nhận mình là tạp chí hàng đầu về lĩnh vực nào đó. Ngoài ra, các tạp chí săn mồi thường email cho các nhà khoa học trẻ để mời xuất bản bài báo. Điều này đặc biệt phổ biến khi học giả vừa xuất bản một ấn phẩm của mình trong cộng đồng khoa học, các con thú săn mồi bằng một cách nào đó thu thập được email của tác giả và sau đó liên tục gửi thư chúc mừng và mời đăng trên tạp chí của họ. Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu trẻ cần cẩn thận khi thấy có một tạp chí hứa hẹn quá trình xuất bản rất “màu hồng”, ví dụ như thời gian công bố chỉ trong vòng một tuần, đây là điều bất khả thi vì quá trình chỉnh sửa cũng như bình duyệt rất tốn thời gian. Một cách nữa để nhận biết tạp chí săn mồi đó là trên website của tạp chí có khá nhiều lỗi chính tả, lỗi đánh máy cũng như cung cấp các chỉ số giả ví dụ như impact index).
Bộ công cụ Think – check – submit cũng là một giải pháp rất hữu ích khi đưa các tiêu chí trước khi lựa chọn một tạp chí để xuất bản bài báo. Hiện nay, cộng đồng khoa học thường sử dụng danh sách của Beall để phát hiện xem tạp chí mình định đăng có phải là tạp chí săn mồi hay không. Danh sách này thường xuyên được cập nhật, do đó các nhà khoa học có thể yên tâm tra cứu những tạp chí dù mới chỉ có tuổi đời rất trẻ.
Các bước lựa chọn tạp chí khoa học từ cơ sở dữ liệu uy tín
Bước 1: Xác định tiêu chí cứng và tiêu chí mềm
Như đã giới thiệu ở phần trước, khi lựa chọn tạp chí khoa học cần rất nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Việc xác định rõ hai tiêu chí này là rất cần thiết để có thể lựa chọn được một tạp chí khoa học phù hợp với định hướng bài báo của mình.
Bước 2: Xây dựng danh mục tạp chí từ nguồn tài liệu tham khảo
Trước và trong khi bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học, các học giả thường đã có trong tay danh sách những tài liệu tham khảo. Mọi người thường chuẩn bị chúng cho mục đích tổng quan tài liệu, học hỏi các định hướng nghiên cứu của các học giả khác. Tuy nhiên, mọi người thường quên để ý xem bài báo đó được xuất bản ở tạp chí nào. Thông thường, khi các nhà nghiên cứu trẻ nộp bản thảo cho tạp chí đã từng xuất bản bài báo với cùng định hướng nghiên cứu của mình sẽ có tỉ lệ được chấp thuận cao hơn.
Bước 3: Xây dựng danh mục tạp chí
Bước cuối cùng sau khi có một danh sách các tạp chí khoa học, các học giả cần đặt ra những câu hỏi để xếp hạng chúng và tìm ra tạp chí phù hợp nhất với bài báo của mình.
Câu hỏi 1: Đây có phải tạp chí săn mồi hay không?
Để trả lời câu hỏi này, người đọc có thể đọc lại đoạn trên của bài viết về tạp chí săn mồi, trong đó có sẵn các công cụ để xác định xem đây có phải tạp chí dởm hay không? Nếu câu trả lời là có, thì chắc chắn các nhà khoa học nên loại ngay.
Câu hỏi 2: Tạp chí đã từng có công bố nào cùng hướng với hướng nghiên cứu của mình chưa?
Câu trả lời cho câu hỏi này để ở dạng “Yes/No”. Nếu câu trả lời là “No” thì các nhà khoa học phải thực sự cân nhắc xem có nên để tạp chí ở trong danh sách này hay không vì khả năng bị từ chối xuất bản là rất cao.
Câu hỏi 3: Mục tiêu của tạp chí (Aims) và nội dung của các bài báo khoa học được công bố gần đây trên tạp chí có phù hợp với nội dung chính trong bài mình định triển khai hay không?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học cần xác định mục tiêu trong nghiên cứu của mình trước, sau đó tìm kiếm các bài báo được xuất bản trên tạp chí đó mà cùng hướng với mục tiêu của mình. Sau đó, câu trả lời nên được trả lời dưới dạng “Yes/No/Uncertain”.
Câu hỏi 4: Mức độ danh giá của tạp chí khoa học này được đánh giá theo tiêu chí gì?
Đánh giá dựa trên việc tạp chí có được chỉ mục trên Scopus/WoS/SCImago hay không, và sau đó ta cần trích dữ liệu về Impact factor/CiteScore/SJR/Percentile, phân loại tạp chí theo khoảng tứ phân vị để điền vào câu trả lời.
Câu hỏi 5: Thời gian để công bố một bài báo khoa học là bao nhiêu lâu?
Câu hỏi này dựa vào dữ liệu công bố trên website và tra cứu dữ liệu về thời gian ở được ghi trong bài báo được công bố trước đó, ví dụ như “Received: 4 October 2023; Accepted for publication: 18 January 2024; Published: 3 February 2024”. Tuỳ vào tiêu chí về thời gian của mình mà có thể đánh giá kết quả, ví dụ như “Ít hơn 3 tháng = nhanh; từ 3 – 6 tháng = trung bình; lâu hơn 6 tháng = chậm”.
Câu hỏi 6: Phí đăng bài trên tạp chí khoa học này là bao nhiêu?
Hãy kiểm tra xem đây là tạp chí mở (Open access) hay tạp chí đóng. Nếu là tạp chí mở (Open access) thì xem phí để đăng bài được tính như nào, có phù hợp với kinh phí dự trù hay không? Nhà xuất bản có hỗ trợ giảm thiểu chi phí đăng bài (fee waiver) hay không?
Sau khi trả lời xong câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu có thể lưu trữ thông tin dưới dạng file Excel như dưới đây để có thể tiện lưu trữ và đánh giá, cũng như chọn ra tạp chí phù hợp nhất để đăng bài.
Tên tạp chí | Công bố được xuất bản gần đây trên tạp chí giống với hướng nghiên cứu của mình | Mức độ phù hợp về mục tiêu của tạp chí với nghiên cứu của mình | Mức độ danh giá của tạp chí | Thời gian để xuất bản | Chi phí xuất bản |
---|---|---|---|---|---|
Tổng kết
Như vậy, bài viết đã cung cấp cho người đọc các cơ sở dữ liệu uy tín và cách thức để lựa chọn tạp chí khoa học phù hợp với nghiên cứu của mình. Scopus và Web of science được cộng đồng khoa học đánh giá có mức độ uy tín cao, do đó đa số các tạp chí và bài báo khoa học có mặt trong hai cơ sở dữ liệu này đều đáng tin cậy. Để xếp hạng mức độ danh giá của các tạp chí, các nhà có thể tra cứu các chỉ số như Impact factor (WoS), CiteScore (Scopus), SJR (SCImago) cũng như khoảng tứ phân vị của các chỉ số này. Tạp chí săn mồi thường có chiêu trò rất tinh vi để dụ dỗ, do đó các nhà khoa học trẻ cần tỉnh táo và có chiến lược tìm kiếm tạp chí khoa học phù hợp nhất.
Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 6: Các giai đoạn khi viết bài báo khoa học.
Tài liệu tham khảo
Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015. Print.
“Libguides: Resources for Librarians: Web of Science Coverage Details.” Web of Science Coverage Details - Resources for Librarians - LibGuides at Clarivate Analytics, clarivate.libguides.com/librarianresources/coverage. Accessed 21 Mar. 2024.
“Scopus: Abstract and Citation Database: Elsevier.” Www.Elsevier.Com, Elsevier, www.elsevier.com/products/scopus. Accessed 21 Mar. 2024.
Cargill, Margaret, and Patrick O'Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley Blackwell, 2021. Print.
SCImago, (2024). SJR — SCImago Journal & Country Rank. Retrieved March 13, 2024, from http://www.scimagojr.com
Beall, Jeffrey. "Scholarly Open‐Access Publishing." A Guide to the Scientific Career: Virtues, Communication, Research and Academic Writing (2019): 377-388. cơ sở dữ liệu
Bình luận - Hỏi đáp