Banner background

Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 3: Bài báo khoa học sơ cấp

Bài báo khoa học có rất nhiều loại khác nhau, do đó bài viết sẽ giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của bài báo khoa học sơ cấp.
nhung dieu can biet khi viet bai bao khoa hoc phan 3 bai bao khoa hoc so cap

Văn bản khoa học tồn tại ở dưới rất nhiều dạng khác nhau, và trong một dự án nghiên cứu, có rất nhiều kiểu văn bản khoa học được sử dụng. Bài báo khoa học sơ cấp là một trong số đó. Tuy nhiên, trên các tạp chí khoa học, người đọc có thể bắt gặp những kiểu bài báo với tiêu đề như original research, systematic reviews, hay commentaries. Điều này sẽ kiến cho các nhà khoa học, đặc biệt là người mới bắt đầu, cảm thấy khó khăn trong việc tìm và trích dẫn các tài liệu tham khảo. Do đó, bài viết này sẽ cung cấp tới người đọc các loại văn bản khoa học, dạng bài báo khoa học phổ biến nhất hiện nay, cũng như tính chất và cấu trúc của chúng.

Xem các phần trước:

Key takeaways

  • Văn bản khoa học được chia làm các loại: Bài báo khoa học sơ cấp (original articles), bài báo khoa học thứ cấp (review articles), bài báo đặc biệt (special articles), nguồn tài liệu cấp ba (tertiary literature) và tài liệu xám (gray literature).

  • Bài báo khoa học gồm 3 loại chính: Bài báo khoa học sơ cấp, bài báo khoa học thứ cấp và dạng bài báo khác. Tuy nhiên bài báo khoa học sơ cấp là khởi đầu của mọi nhà nghiên cứu trẻ, do đó nó sẽ là đối tượng chính của chuỗi bài viết này.

  • Một bài báo khoa học sơ cấp có cần đảm bảo được tính nguyên gốc (originality), tính tái sản xuất (reproducibility) và tính sẵn có (availability).

  • Cấu trúc IMRAD là cấu trúc của văn bản khoa học phổ biến nhất được sử dụng trong bài báo khoa học.

Các loại văn bản khoa học

Định nghĩa về “bài báo khoa học” mà mọi người thường sử dụng là để chỉ một bài viết về nghiên cứu có ý tưởng và thực hiện bởi chính tác giả. Tuy nhiên thực chất bài báo khoa học có khá nhiều loại, và “bài báo khoa học” mà được nhắc tới ở trên gọi là “bài báo khoa học sơ cấp”. Dưới đây là phân loại các dạng của văn bản khoa học, và bài báo khoa học thường thấy trong nghiên cứu khoa học (José Florencio):

  • Bài báo khoa học sơ cấp (Primary or original research articles): Bao gồm các nghiên cứu quan sát (observational study), nghiên cứu can thiệp (experimental study) và nghiên cứu lý thuyết (theoretical article). Các dạng bài báo khoa học này đều xuất hiện trong các tạp chí khoa học, thường viết theo cấu trúc IMRAD.

  • Bài báo khoa học thứ cấp (Secondary or review articles): Bao gồm các bài báo tổng quan tường thuật (narrative review/literature review), bài báo tổng quan hệ thống (systematic review) và bài báo phân tích meta (meta-analysis). Xuất hiện trong các tạp chí khoa học, các bài báo này sử dụng những kiến thức khoa học đã được công bố để tổng hợp, phân tích, đánh giá để đưa ra một khía cạnh mới về chủ đề nghiên cứu. Phân loại về bài báo khoa học thứ cấp đã được nhắc tới ở bài viết: Cách viết Literature review đơn giản và hay nhất.

  • Bài báo đặc biệt (Special articles): Đầu tiên là “letters/correspondence”, nó xuất hiện trong các tạp chí khoa học, đây là những bình luận khoa học, những phiên giải bổ sung về bài báo sơ cấp đã được công bố trên tạp chí. Tiếp theo là “short communication”, dạng này xuất hiện trong các tạp chí khoa học để những bản tóm tắt ngắn gọn về kết quả sơ bộ hoặc kết quả nghiên cứu ban đầu chưa sẵn sàng để trình bày đầy đủ. “Editorials/opinion” là bài viết dạng đánh giá ngắn hoặc phê bình một bài báo sơ cấp được đăng trên cùng 1 tạp chí. Ngoài ra, “commentaries” là bài báo ngắn nêu kinh nghiệm cá nhân của tác giả với một chủ đề cụ thể trong khi đó “pictorial essay” là một bài luận bằng hình ảnh là một loại bài viết mang tính giáo dục nhằm mục đích cung cấp những miêu tả bằng văn bản và hình ảnh về một vấn đề thời sự. Bên cạnh đó, các tạp chí khác nhau cũng đôi lúc có xuất bản những dạng bài báo đặc biệt khác, tuỳ vào yêu cầu của tổng biên tập.

  • Nguồn tài liệu cấp ba (Tertiary literature): Những tài liệu này bao gồm Sách giáo khoa, sổ tay, sách hướng dẫn; các bài báo xuất bản thương mại (Trade or professional publication articles) và bách khoa toàn thư (Encyclopedias). Đây là những tài liệu được xây dựng dựa trên các kiến thức đã có từ lâu, và kết hợp với cả nguồn tài liệu thứ cấp. Tuy nhiên, những tài liệu này không được coi là bài báo khoa học và do đó không được đăng trên các tạp chí khoa học.

  • Tài liệu xám (Gray literature): bao gồm bài báo cáo hội nghị (conference proceedings), báo cáo áp phích (posters presentations), báo cáo tóm tắt (abstracts) và các văn bản của chính phủ (Government reports). Những tài liệu này được ban hành bởi các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan chính phủ, chính quyền quốc tế, quốc gia và địa phương hoặc các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài kênh phân phối và xuất bài báo học thuật truyền thống. Tương tự nguồn tài liệu cấp ba, những văn bản này không được coi là bài báo khoa học và sẽ không được xuất hiện trong các tạp chí khoa học.

image-altNhư vậy, bài báo khoa học sẽ gồm ba loại chính đó là bài báo khoa học sơ cấp, bài báo khoa học thứ cấp và các dạng bài báo đặc biệt. Nguồn tài liệu cấp và tài liệu xám chưa được coi là những kiểu của bài báo khoa học. Do bài báo khoa học sơ cấp là khởi đầu của mọi sinh viên và người mới bắt đầu học tập, làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. nên nó sẽ là đối tượng chính được nói đến trong chuỗi bài viết này.

Mini task: Phân biệt các dạng bài báo khoa học sau:

Bài 1: https://www.dovepress.com/natural-language-processing-for-radiation-oncology-personalizing-treat-peer-reviewed-fulltext-article-PGPM.

Bài 2: https://www.dovepress.com/pharmacogenomic-analysis-of-cyp3a53-and-tacrolimus-trough-concentratio-peer-reviewed-fulltext-article-PGPM

Bài 3: https://bmcgeriatr.biomedcentral.com/articles/10.1186/1471-2318-11-79

Bài báo khoa học sơ cấp (primary article/publication)

Theo Hội đồng của các biên tập khoa học Council of Science Editors (CSE), một bài báo khoa học sơ cấp là là bài báo đầu tiên chứa đủ thông tin để cho phép các đồng nghiệp (peers) đánh giá được các quan sát, lặp lại các thí nghiệm và đánh giá các quá trình phát triển tri thức (intellectual process). Ngoài ra, bài báo bắt buộc phải được đón nhận lâu dài và luôn có sẵn cho cộng đồng khoa học, và có sẵn để các dịch vụ truy xuất thông tin (Medline, Pubmed, Biological Abstracts,…) truy cập dữ liệu (Council).

Như vậy, bài báo khoa học sơ cấp là một:

  • Công bố đầu tiên về kết quả của một nghiên cứu gốc (Tính nguyên gốc - Originality).

  • Công bố mà các đồng nghiệp (peers) có thể lặp lại các thí nghiệm và kiểm chứng lại kết quả của nghiên cứu (Tính tái sản xuất – Reproducibility).

  • Công bố mà cộng đồng khoa học luôn luôn có thể tiếp cận được ở các tạp chí hoặc nguồn dữ liệu (Tính sẵn có - Availability).

Tính nguyên gốc - Originality

Một trong những đạo đức trong nghiên cứu khoa học (ethics in scienctific research) là tính nguyên gốc (originality). Việc sao chép nội dung bài báo, hình ảnh và số liệu từ một bài báo khoa học đã được công bố để phục vụ cho ấn phẩm của mình bị coi là ấn phẩm sao chép (duplicate publication). Những ấn phẩm sao chép này có thể bị coi là hành vi tự đạo văn (self-plagiarism) và điều này bị cấm ở trong các tạp chí có bình duyệt (peer-reviewed journals).

Hoặc đơn giản nếu một tác giả gửi bài báo khoa học của mình đi nhiều tạp chí khác nhau để tăng cơ hội được xuất bản cũng bị coi là một hành động vi phạm đạo đức khoa học nghiêm trọng (Honeyman-Buck). Do đó, trước khi nộp bài báo, các tạp chí luôn yêu cầu các xác giả xác nhận rằng “Bản thảo chưa từng được nộp cho các tạp chí nào để xuất bản” (This manuscipt has not been submitted to any other journal for publication). Do đó, một bài báo khoa học hợp lệ trước hết là phải đảm bảo được tính nguyên gốc (originality) của nghiên cứu.

Tính tái sản xuất (Reproducibility)

Như đã đề cập ở bài trước, tính tái sản xuất là một điều vô cùng quan trọng trong bài báo khoa học. Nội dung trong bài báo khoa học cần trình bày một cách đầy đủ để đồng nghiệp (peers) có thể tự đánh giá các quan sát, lặp lại thí nghiệm, và đánh giá quá trình trí tuệ (intellectual proceses) được đề cập trong bài. Và do đó, cấu trúc IMRAD thường được sử dụng trong khi viết bài báo khoa học. Mục đích ở đây rất đơn giản, đó chính là để kiểm tra xem liệu tác giả có cố tình sửa đổi số liệu hay không. Do đó, hầu hết các bài báo khoa học hợp lệ đều được đăng ở tạp chí có bình duyệt (peer-review journals).

Hai ví dụ dưới đây thể hiện rất rõ tính tái sản xuất khi viết một bài báo khoa học :

  • Không mô tả chi tiết, gây sự bối rối cho người đọc:

“Descriptive statistics were expressed as proportions or as the means (± SD) or medians with the corresponding ranges. Statistical differences in patient characteristics in phases one and two were analyzed by R software for Windows version 2.6.2.”

Dịch tiếng Việt: “Các thống kê mô tả được biểu thị dưới dạng tỷ lệ hoặc dưới dạng giá trị trung bình (± SD) hoặc trung vị với phạm vi tương ứng. Sự khác biệt trong thống kê về đặc điểm của bệnh nhân ở giai đoạn một và hai được phân tích bằng phần mềm R dành cho Windows phiên bản 2.6.2.”

  • Mô tả chi tiết, người đọc có thể đánh giá lại kết quả nghiên cứu:

“Descriptive statistics were expressed as proportions or as the means (± SD) or medians with the corresponding ranges. The Chi-squared test and the Student’s t-test were used to identify statistical differences in patient characteristics in phases one and two. All statistical analyses were performed using R for Windows version 2.6.2” (Moura et al.).

Dịch tiếng Việt: “Các thống kê mô tả được biểu thị dưới dạng tỷ lệ hoặc dưới dạng giá trị trung bình (± SD) hoặc trung vị với phạm vi tương ứng. Các test Chi bình phương và Student’s t-test được sử dụng để xác định sự khác biệt trong thống kê về đặc điểm của bệnh nhân trong giai đoạn một và hai. Tất cả các phân tích thống kê được thực hiện bằng R cho Windows phiên bản 2.6.2”.

Chú thích: SD, Standard deviation - Độ lệch chuẩn

Ở ví dụ bên dưới, tác giả đã mô tả rõ các test (Chi-squared test, Student’s t test) được sử dụng trong quá trình phân tích số liệu. Bởi vì cùng một bộ dữ liệu, nếu dùng test khác nhau thì kết quả thu được sẽ khác nhau. Do đó, việc trình bày rõ số liệu được phân tích như nào là rất quan trọng, đặc biệt là với các nghiên cứu về dịch tễ.

Tính sẵn có (Availability)

Một quá trình truyền thông khoa học không thể hoàn thành khi tín hiệu không được phát hiện bởi người nhận. Do đó, các bài báo khoa học khi xuất bản phải được biết đến và có thể dễ dàng truy xuất thông tin bởi cộng đồng khoa học. Các bài báo khoa học có thể được in thành các bản cứng, số hoá (digitalized) thành các bài báo khoa học điện tử - hình thức phổ biến nhất hiện nay để có thể tiếp cận với cộng đồng khoa học mà không có rào cản nào. Ngoài ra, bài báo khoa học phải xuất hiện ở các cơ sở dữ liệu như MEDLINE, Biological abstracts…

Nói cách khác, các cơ sở dữ liệu này là nơi tổng hợp lại các bài báo khoa học về một hoặc một số lĩnh vực để các nhà khoa học có thể tiếp cận dễ dàng hơn với kiến thức khoa học. Phương pháp tìm nguồn thông tin tốt và đáng tin cậy (nguồn Websites và Internet) đã được giới thiệu qua, tuy nhiên dưới đây là các trang web chứa đựng các thông tin về các văn bản khoa học.

  • Wiley online library: Đây là cơ sở dữ liệu rất lớn bao gồm các tạp chí và sách từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học kĩ thuật, khoa học xã hội cho tới nghệ thuật

  • PubMed: PubMed là nguồn dữ liệu miễn phí cung cấp các bài báo khoa học về lĩnh vực thuốc và sức khoẻ cũng như các lĩnh vực liên quan như khoa học đời sống, khoa học hành vi, hoá học,

  • Cochrane Library: Cochrane library là cơ sở dữ liệu cung cấp bằng chứng khoa học cho các bác sĩ và các nhân viên y tế khác. Nó bao gồm các bài tổng quan hệ thống (systematic reviews) giúp nhân viên y tế có thể đưa ra được quyết định trong khi thực hành lâm sàng

  • IEEE Xplore: IEEE Xplore là cơ sở dữ liệu cung cấp bài báo khoa học về lĩnh vực kĩ thuật điện tử, khoa học máy tính và các lĩnh vực khoa học khác.

  • SciFinder: SciFinder là cơ sở dữ liệu cung cấp mọi thông tin cần thiết về hợp chất hoá học như cấu trúc, tính chất, và phản ứng hoá học. Do đó, cơ sở này rất phù hợp với người làm việc trong lĩnh vực hoá học, dược học, kĩ thuật hoá dược và các lĩnh vực liên quan tới khoa học sức khoẻ khác.

  • Science Direct : Đây là cơ sở dữ liệu bao gồm các bài báo khoa học từ hơn 2500 tạp chí có bình duyệt và 11000 đầu sách. Cơ sở này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như khoa học sức khoẻ, khoa học đời sống, khoa học vật lý và kĩ thuật. Ngoài ra nó có một phần dữ liệu về khoa học xã hội và kinh doanh.

  • Westlaw: Cơ sở dữ liệu Westlaw cung hơn 40.000 cơ sở dữ liệu luật về các, bài viết, các luật lệ, tạp chí luật, luận văn, biểu mẫu pháp lý của Hoa kỳ và nhiều nước trên thế giới.

  • AEA: Đây là cơ sở dữ liệu cung cấp các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế.

  • ERIC: Đây là cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm các nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, được tài trợ bởi Viện khoa học giáo dục của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. Trong cơ sở này, các dữ liệu bao gồm bài báo khoa học, sách, báo cáo hội nghị,… và nhiều văn bản khoa học khác.

Cấu trúc của một bài báo

Khác với các kiểu hành văn thông thường, văn bản khoa học chú trọng vào cấu trúc nội dung hơn là những ngôn ngữ hoa mỹ, bay bổng. Do đó, bài báo khoa học cũng tuân theo văn phong này, và IMRAD là cấu trúc thường thấy nhất.

Như đã được đề cập ở phần 2 của chuỗi bài viết, IMRAD đã được các nhà khoa học sử dụng khi viết bài báo khoa học từ khoảng thế kỉ 19 cho tới ngày nay. Nó là cấu trúc phổ biến nhất vì có thể cung cấp các kiến thức khoa học với theo tư duy “Vấn đề - Giải pháp” (Problem – Solution). Cấu trúc IMRAD có thể áp dụng với đa số các bài báo trong lĩnh vực khác nhau như hoá học (chemistry), khảo cổ học (archaeology), kinh tế học (economics), tội phạm học (crime), ngôn ngữ học (linguistics),…

Tuy nhiên, với mỗi ngành nghề khác nhau thì các nhà khoa học nên tìm những nguồn tài liệu sát với lĩnh vực của mình nhất để có thể chuẩn bị nội dung bài báo khoa học một cách tốt nhất. Dưới đây là một số sách về các lĩnh vực nhất định mà mọi người có thể tìm đọc:

  • Toán học (Mathematics): A Primer of Mathematical Writing: Being a Disquisition on Having Your Ideas Recorded, Typeset, Published, Read, and Appreciated của tác giả Steven G. Krantz (1997); Handbook of Writing for the Mathematical Sciences của Nicholas J. Higham (2019).

  • Tội phạm học (Criminology): Criminological Research for Beginners: A Student's Guide của Laura Caulfield and Jane Hill (2014).

  • Ngôn ngữ học (linguistics): Writing essays in English language and Linguistics của Neil (2012); How to Write a Lot: A Practical Guide to Productive Academic Writing của Paul J. Silva (2007); Genre Analysis: English in academic and research settings của John Swales (1990).

  • Kĩ thuật (Engineering): How To Write & Publish Engineering Papers and Reports của Michaelson (1990); A guide to writing as an engineer của Beer and McMurrey (2014)

  • Kinh tế (Economics): The Student's Guide to Writing Economics của Robert H. Neugeboren (2005); Economical Writing của Deirdre N. McCloskey (1999).

  • Khoa học sức khoẻ (Medical science): Writing, Reading, and Understanding in Modern Health Sciences của Milos Jenicek (2014); Writing and Publishing in Medicine của Huth (1999); Medical writing: A guide for clinicians, educators and researchers của Taylor (2011).

  • Pháp luật (Legal research): Legal Writing in Plain English của Bryan A. Garner (2013); Academic Legal Writing: Law Review Articles, Student Notes, Seminar Papers, and Getting on Law Review của Eugene Volokh (2010).

  • Môi trường (environment): Writing in the Environmental Sciences: A Seven-Step Guide của L. Michelle Baker (2017).

Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 4: Tạp chí khoa học

Tổng kết

Như vậy, bài viết đã tổng hợp kiến thức về bài báo khoa học. Bài báo khoa học sẽ gồm ba loại chính, tuy nhiên cụm từ “bài báo khoa học” mà chúng ta hay nhắc tới là bài báo khoa học sơ cấp. Nó cần đảm bảo được tính nguyên gốc, tính tái sản xuất và tính sẵn có. Bên cạnh đó, việc sử dụng cấu trúc IMRAD trong bài báo khoa học và vô cùng quan trọng bởi vì nó sẽ giúp cho người đọc và tổng biên tập dễ dàng tiếp cận hơn với nội dung bài viết. Hy vọng bài viết này sẽ làm rõ được thắc mắc của người đọc về một bài báo khoa học.

Tài liệu tham khảo

  • Honeyman-Buck, J. "Redundant Publication-How to Avoid Duplication." J Digit Imaging 29.1 (2016): 1-2. Print.

  • Moura, C. S., et al. "Evaluation of Drug-Drug Interaction Screening Software Combined with Pharmacist Intervention." Int J Clin Pharm 34.4 (2012): 547-52. Print.

  • Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015. Print.

  • Lapeña, José Florencio F., and Wilfred CG Peh. "Various Types of Scientific Articles." A Guide to the Scientific Career: Virtues, Communication, Research and Academic Writing (2019): 351-355.

  • Council of Biology Editors. "Proposed definition of a primary publication." Newsletter, Council of Biology Editors (1968): 1-2.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...