Các lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách khắc phục - Phần 4: Ngụy biện Khái quát hóa vội vã
Bên cạnh các lỗi ngụy biện đã phân tích ở loạt bài trước như Ngụy biện Người Rơm (Straw Man Fallacy), Ngụy biện Dốc Trượt (Slippery Slope Fallacy) và Ngụy biện So Sánh Ẩu (Weak Analogy Fallacy), một lỗi ngụy biện khác cũng rất phổ biến trong lập luận bài viết IELTS Task Writing Task 2 đó Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã (Hasty Generalization).
Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã (Hasty Generalization) bắt nguồn từ tư duy của người viết, dựa trên định kiến cá nhân hay góc nhìn chủ quan đối với một tập thể, đánh đồng các thành viên trong tập thể với một đặc tính tổng quát chung mà không đưa ra giải thích phù hợp. Trong tiếng Việt, ta có thể nôm na so sánh lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã với một thành ngữ thường dùng là “Vơ đũa cả nắm”. Với đặc tính này, lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã trở thành một luận cứ không có giá trị và tạo ra một lỗ hổng trong lập luận, ảnh hưởng xấu đến ý nghĩa logic và hiệu quả thuyết phục của phép lập luận. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích và chỉ ra cách nhận biết cũng như khắc phục lỗi ngụy biện trên.
Key takeaways:
1. Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã: khẳng định tất cả thành viên của một nhóm đều đối tượng đều mang đặc điểm X mà không đưa ra giải thích phù hợp.
2. Khắc phục: Cẩn thận khi đánh giá “Tất cả/ Hầu hết các thành viên trong nhóm A đều mang đặc điểm X” và thay thế các mệnh đề “Tất cả…”, “Hầu hết..” thành “Một vài…”
Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã là gì?
Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã (Hasty Generalization Fallacy) là một lỗi sai trong lập luận, thể hiện qua việc khẳng định tất cả hay hầu hết các thành viên của một nhóm đối tượng đều mang một đặc điểm X nào đấy mà không đưa ra các lý giải phù hợp.
Xét ví dụ sau:
Đề: Some people regard video games as harmless fun, or even as a useful educational tool. Others, however, believe that videos games are having an adverse effect on the people who play them. In your opinion, do the drawbacks of video games outweigh the benefits?
Lập luận trong bài: Video games are able to cause detrimental effects on teenagers. Nowadays, all adolescents are seriously addicted to computer games and ignore other important physical and social activities. Frequent exposure to computers with less time engaging in outdoors activities such sports or clubs has been indicated to increase the risk of getting into unhealthy conditions such as obesity, insomnia or scoliosis. Additionally, teenagers may lose numerous opportunities to interact with and befriend other people in real-life situations, which may negatively affect their mental and social life.
Phân tích: Thoạt nhìn, ta có thể thấy lập luận trong đoạn văn trên rất ổn. Các lý lẽ và dẫn chứng đưa ra đều rất hợp lý. Tác giả nêu ra một số tác hại của trò chơi điện từ lên thanh thiếu niên (về sức khỏe và các mối quan hệ xã hội) và có đưa ra các ví dụ minh họa cũng như giải thích rõ ràng.
Tuy nhiên, lỗi sai của đoạn văn nằm ở câu “Nowadays, adolescents are seriously addicted to computer games and ignore other important physical and social activities.” Câu văn này mắc lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã trong lập luận. Ở câu văn trên, tác giả khẳng định rằng, ngày nay, “thanh thiếu niên bị nghiện trò chơi điện máy tính một cách nghiêm trọng. Đây là một cách diễn đạt có tính ngụy biện và hoàn toàn không hợp lý bởi không phải tất cả thanh thiếu niên đều nghiện game. Trong khi một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay bị nghiện game khá nặng và gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng, ta không thể khẳng định tất cả thanh thiếu niên đều bị nghiện game.
Tác giả đã đánh đồng tất cả các thành viên trong một nhóm đối tượng (thanh thiếu niên) với đặc điểm X (bị nghiện game) mà không đưa là một lý giải phù hợp nào để chứng minh quan điểm trên. Hiển nhiên quan điểm trên là sai, sai cả trên mặt lý luận lẫn trên mặt thực tiễn. Rõ ràng, ta không thể đánh đồng tất cả các thành viên trong một nhóm đối tượng với một đặc điểm chung nào đây, việc “vơ đũa cả nắm này” hoàn toàn vô nghĩa về mặt lý luận.
Khắc phục: Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã (Hasty Generalization) chủ yếu bắt nguồn từ tư duy của người viết, thể hiện định kiến cá nhân hay quan điểm chủ quan của bản thân về một nhóm đối tượng nào đó. Người viết cần nhìn một vấn đề từ nhiều khía cạnh, đưa ra đánh giá khách quan và chú ý tới tính tuyệt đối – tương đối của vấn đề.
Cách khắc phục lỗi nguỵ biện Khái Quát Hóa Vội Vã trong IELTS Writing Task 2
Để khắc phục lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã, người viết có thể áp dụng 2 quy tắc hữu ích sau khi viết:
Cẩn thận khi đưa ra đánh giá “Tất cả/ Hầu hết các thành viên trong nhóm A đều mang đặc điểm X”:
Người viết cần ý thức được rõ ràng, những mệnh đề có tính tuyệt đối cao như mệnh đề trên thường gây nhiều tranh cãi và khó chứng minh. Ví dụ, nếu ta nói “Tất cả trẻ mẫu giáo đều không biết nghe lời” hay “Hầu hết vận động viên đều chạy rất nhanh”, các mệnh đề trên đều gây ra nhiều tranh cãi và rất khó chứng minh.
Các mệnh đề “Tất cả thành viên trong nhóm A đều mang đặc điểm X” thường chỉ đúng với những sự thật hiển nhiên. Chẳng hạn như các mệnh đề “Tất cả con người rồi sẽ phải chết”, “Tất cả học sinh đều phải học tập” là các mệnh đề có dạng “Tất cả …” và đều đúng nhưng các mệnh đề này đều nói về những sự thật hiển nhiên. Trong thực tế, rất ít khi ta đem những sự thật hiển nhiên như ra tranh biện hay thảo luận, do đó các mệnh đề trên hầu như không có nhiều giá trị về mặt lý luận.
Các mệnh đề “Tất cả…” mà không chỉ sự thật hiển nhiên thường sẽ sai hoặc gây ra rất nhiều tranh cãi và khó chứng minh. Ví dụ, “Tất cả người hút thuốc lá đều sẽ mắc ung thư phổi” hay “Tất cả bác sĩ đều tốt bụng”, các mệnh đề này hoặc là sai trên thực tế hoặc rất khó để tìm luận cứ chứng minh phù hợp.
Đối với mệnh đề “Hầu hết các thành viên trong nhóm A đều mang đặc điểm X” cũng là một mệnh đề rất khó chứng minh và không có giá trị nhiều về mặt lý luận. Từ khóa “Hầu hết” khiến cho mệnh đề trở nên khó chứng minh bởi thường không có luận cứ cụ thể để chứng minh mức độ hầu hết. Hầu hết là bao nhiêu phần trăm? Hầu hết là nhiều hay ít ở mức độ nào?
Do đó, trong tranh luận hay viết bài nghị luận, ta cần thận trọng mỗi khi sử dụng các mệnh đề trên. Đồng thời, người viết cần ý thức rõ là ta không thể chỉ đưa ra mệnh đề mà không đưa các lý giải phù hợp để giải thích (và các lý giải cho dạng mệnh đề này cũng rất khó để thực hiện). Trừ các mệnh đề chỉ sự thật hiển nhiên thì sẽ không cần giải thích quá nhiều (nhưng các mệnh đề này không có nhiều giá trị).
Thay all, almost, most,… thành some, several,…:
Quy tắc 2 là một giải pháp hữu hiệu để tránh lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã mà không tốn quá nhiều công sức giải thích. Ta có thể thay thế các cum từ như “tất cả”, “hầu hết”,… thành các cụm từ có tính chất tương đối cao hơn “một số”, “một vài”,… bởi các mệnh đề tương đối thường có tính chính xác cao hơn và ít gây tranh cãi hơn các mệnh đề tương đối.
Ví dụ, nếu ta nói “Một số trẻ mẫu giáo không biết nghe lời”, điều này sẽ hợp lý hơn “Tất cả trẻ mẫu giáo không nghe lời” và ta cũng không cần đưa ra quá nhiều luận cứ chứng minh cho mệnh đề “Một số …” (bởi đây là sự thật hiển nhiên được công nhận trong xã hội).
Ở đoạn văn đầu bài, ta có thể áp dụng quy tắc số 2, thêm từ some hoặc several vào mệnh đề “Nowadays, adolescents are seriously addicted to computer games and ignore other important physical and social activities”. Từ đó, tính chất ngụy biện của lập luận sẽ dễ dàng được giải quyết.
Bài tập vận dụng cách khắc phục lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã trong IELTS Task Writing Task 2
Nhận biết các lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã trong các đoạn văn sau và đề xuất cách khắc phục
Bài 1:
Đề: Some people who have been in prison become good citizens later, and it is often argued that these are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime.
To what extent do you agree or disagree?
Lập luận trong bài: As ex-prisoners are undeniably violent and irritable, it would be unreasonable and ineffective to let them deliver talks on crimes. For instance, ex-convicts may get angry or behave impolitely towards adolescents in several situations such as the teenage being distracted or unresponsive. Furthermore, youngsters nowadays are as stubborn as a mule and are reluctant to listen to educational speech. What would be the outcomes of these talks if the speakers do not possess proper skills to speak and listeners are not likely to listen?
Bài giải 1:
Phân tích: Phân tích đoạn văn trên, ta có thể thấy đoạn văn đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng khá gây tranh cãi. Các lập luận trong đoạn văn tuy được tổ chức theo trật tự rõ ràng nhưng ý nghĩa của các luận cứ không thuyết phục và giá trị về mặt lý luận không cao. Xem xét kỹ lập luận trong đoạn, ta có thể thấy đoạn văn mắc lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã khá rõ ràng.
Lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã thứ nhất xuất hiện trong câu “As ex-prisoners are undeniably violent and irritable, it would be unreasonable and ineffective to let them deliver talks on crimes”. Câu này bất hợp lý ở chỗ tác giả đánh đồng tất cả đối tượng trong một nhóm (cựu tù nhân) với nhau và cho rằng tất cả đều mang đặc điểm X và Y (bạo lực và nóng nảy). Rõ ràng, đây là một quan điểm sai lầm. Lỗi ngụy biện này bắt nguồn định kiến xã hội và góc nhìn phiến diện của tác giả. Ta chỉ nên đưa ra một khẳng định và không giải thích gì thêm nếu thông tin đó là sự thật hiển nhiên. Thông tin trong câu văn trên có thể gây ra khá nhiều tranh cãi và hoàn toàn không phải một sự thật hiển nhiên (common knowledge).
Khi viết lách và tranh luận, ta cần phải nhìn một vấn đề trên nhiều góc độ, dùng tư duy phản biện để tiếp cận và xem xét vấn đề. Quan điểm một chiều hay định kiến cá nhân là rào cản lớn đối với tư duy phản biện (critical thinking) và lập luận thuyết phục.
Bên cạnh đó, đoạn văn trên còn mắc lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã ở câu “Furthermore, youngsters nowadays are as stubborn as a mule and are reluctant to listen to educational speech”. Trong câu này, tác giả cũng đánh đồng tất cả thanh thiếu niên với nhau và cho rằng họ đều bướng bỉnh và không sẵn lòng nghe những bài nói.
Tương tự ở trên, đây hoàn toàn là định kiến cá nhân của tác giả, thể hiện một góc nhìn phiến diện, dùng một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên để đại diện cho toàn bộ nhóm đối tượng.
Để khắc phục lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã trong đoạn văn trên, ta có thể xem xét thay thế một số luận cứ và điều chỉnh diễn đạt ở một số để giảm tính tuyệt đối và tính tương đối của các mệnh đề, cũng như thể hiện ra một cách tiếp cận khách quan hơn đối với vấn đề.
Ví dụ, thay vì khẳng định tất cả cựu tù nhân đều bạo lực và nóng nảy (điều hoàn toàn không phù hợp về mặt lý luận lẫn trong thực tiễn), ta có thể bàn về việc các cựu tù binh không được đào tạo nhiều về nghiệp vụ sư phạm, thiếu kỹ năng giảng dạy, không hiểu được tâm lý thanh thiếu niên,… để phản đối việc cho cựu tù binh dạy thanh thiếu niên.
Đồng thời, đối với sự khái quát hóa vội vã ở thanh thiếu niên, ta có thể áp dụng quy tắc khắc phục số 2: Thay tất cả bằng một số. Rõ ràng, việc khẳng định tất cả các thiếu niên đều bướng bỉnh và không chịu nghe bài giảng là rất hợp lý. Tuy nhiên, việc “một vài thanh thiếu niên bướng bỉnh và không muốn nghe bài giảng” thì hợp lý hơn nhiều. Trên thực tế, việc một số thanh thiếu niên bướng bỉnh hay không tập trung học hành là một tình trạng tương đối phổ biến ở độ tuổi này, ta có thể đưa ra mệnh đề này trực tiếp mà không cần giải thích thêm quá nhiều.
Lời giải đề xuất: It is arguable that letting ex-convicts educate teenagers on the dangers of crimes is not likely to bring about positive outcomes. Firstly, it is observable that most ex-prisoners are not well-qualified teachers and may lack essential pedagogic skills to effectively deliver lessons. They may face many difficulties in grasping the attention and assessing the ability of students. Furthermore, there may be situations in which some youngsters are not willing to listen to these talks or may disrespectfully argue with their teachers. Evidently, unqualified teachers seem to be unsuitable and unable to handle these issues.
Bài 2:
Đề: Outdoor activities should become a part of school’s curriculum for children. To what extent do you agree or disagree?
Lập luận trong bài: All outdoor activities are completely beneficial for children’s well-being. Spending time engaging in these activities will reduce the risk of obesity or myopia and significantly improve our physical health. Furthermore, lots of research has indicated that participating in the activities is helpful in avoiding stress or depression of students and enhance academic performances.
Bài giải 2:
Phân tích: Đoạn văn dường như đưa ra các lập luận khá thận trọng và tương đối hợp lý, tác giả đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng khá thuyết phục về lợi ích của hoạt động người trời với sự phát triển của trẻ em.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ, ta thấy đoạn văn vẫn mắc lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã khá rõ ràng và mắc ở ngay câu đầu tiên. Tác giả cho rằng “Tất cả các hoạt động ngoài trời đều có lợi cho sự phát triển của trẻ”. Đây là một lý lẽ đầy tính ngụy biện. Ta cần ý thức rõ ràng, trong khi nhiều hoạt động ngoài trời rất có lợi, không phải hoạt động nào cũng hoàn toàn có lợi. Nếu không được kiểm soát tốt, trẻ em có thể tham gia vào một số trò chơi bạo lực hoặc thậm chí nguy hiểm ngoài trời. Ví dụ, một hoạt động bơi lợi nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn tới đuối nước. Ở một số vùng nông thôn, hằng năm, tình trạng trẻ em bị đuối nước ở các sông, hồ tự nhiên không phải là hiếm. Trẻ em có thể bị lạc khi đi xa và gặp nhiều nguy hiểm. Thậm chí, trẻ có thể tham gia vào các hành vi xô xát, bạo lực và đối mặt với nguy cơ chấn thương khi tham gia một số môn thể thao không phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi.
Rõ ràng, việc khẳng định tất cả các hoạt động ngoại khóa đều hoàn toàn có lợi là sai. Để tránh lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã, ở đoạn văn trên, tác giả có thể áp dụng quy tắc thứ 2, thay tất cả bằng một số. Nếu người viết cho rằng “Một số hoạt động ngoài trời rất có ích cho sự phát triển của trẻ”, điều này sẽ thuyết phục hơn rất nhiều. Đồng thời, người viết cũng nên nêu cụ thể ra một số hoạt động an toàn và có lợi như đi dã ngoại với gia đình, đi bơi ở hồ bơi (an toàn vì có người theo dõi và cứu hộ).
Lời giải đề xuất: There are several outdoor activities which are very beneficial for children’s well-being such as playing football, going picnic with family and visiting the swimming pool. Spending time engaging in these activities will reduce the risk of obesity or myopia and significantly improve our physical health. Furthermore, lots of research has indicated that participating in the activities is helpful in avoiding stress or depression of students and enhance academic performances.
Bài 3:
Đề: The older generations tend to have very traditional ideas about how people should live, think and behave. However, some people believe that these ideas are not helpful in preparing younger generations for modern life. To what extent do you agree or disagree with this view?
Lập luận trong bài: It is recognisable that some traditional ideas of the old may stall young people’s development. The elderly are mostly very bigoted and prejudiced against current values. They adhere to old-fashioned beliefs regarding mentality and behaviours which are no longer suitable in our modern world. For example, while young people are in favour of individualism, many old people would argue against this lifestyle……
Bài giải 3:
Phân tích: Ở đoạn văn trên, ta có thể thấy lỗi ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã xuất hiện khá rõ ràng cũng như các lập luận được trình bày khá vụng về. Tác giả khẳng định rằng, hầu hết người già đều có định kiến với các giá trị hiện đại nhưng lại không đưa ra lý lẽ phù hợp nào để giải thích việc này. Đồng thời, đoạn văn cũng không thể hiện một lý lẽ phù hợp nào để chứng minh một số quan điểm của người già là không phù hợp mà chỉ tập trung “chê bai” tư tưởng cũ. Đây là một đoạn văn gần như vô giá trị về mặt lý luận.
Để khắc phục lỗi ngụy biện trên, người viết cần hạn chế các mệnh đề tuyệt đối theo dạng “Tất cả …” hay “ Hầu hết …”, sử dụng các mệnh đề tương đối và đưa ra minh họa rõ ràng hơn cho luận điểm.
Lời giải khắc phục: Nowadays, several traditional ideas of the elderly, regarding mindset and lifestyle, may seem to be unsuitable for young people to follow. A typical illustration of this generation gap can be observed in marriage. While some old people regard marriages as necessary in our life and have negative views of people getting married late, a number of young people are likely to focus on their careers and decide to settle down much later than in the past. The view of tattoos can be also be recognised as the difference in mindset between generations. Although tattoos are becoming increasingly popular among the young, some old people still discriminate people with tattoos.
Tổng kết
Ngụy biện Khái Quát Hóa Vội Vã (Hasty Generalization Fallacy) xuất hiện khá phổ biến trong bài viết Task 2, thường bắt nguồn từ góc nhìn một chiều và định kiến cá nhân của người viết. Để tránh lỗi ngụy biện này, người viết cần luyện tập cách nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ, đưa ra đánh giá khách qua và tránh đưa định kiến cá nhân vào phần lập luận.
Bình luận - Hỏi đáp