Những lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách khắc phục - Phần 1: Ngụy biện Người Rơm
Bài viết Task 2 trong phần thi Writing thường được coi là một thử thách khó nhằn và mang tính quyết định đối với kết quả của kỳ thi IELTS. Task 2 chiếm 2/3 tổng số điểm của kỹ năng Writing và đánh giá khả năng ngôn ngữ của thí sinh bằng yêu cầu viết một văn bản có tính tranh biện (Argumentative Essay). Trong quá trình tranh luận hay viết bài, nếu không cẩn thận, người tranh luận rất dễ mắc phải các lỗi ngụy biện (Fallacy). Việc mắc các lỗi ngụy biện trong Task 2 khiến bài văn giảm đi tính thuyết phục, ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu chí Task Response cũng như điểm số của toàn bài thi. Do đó, việc nhận biết và khắc phục được các lỗi ngụy biện trong tư duy và lập luận mang lại lợi ích rất lớn cho bài thi IELTS. Có rất nhiều lỗi ngụy biện thường xảy ra trong quá trình tranh luận, một số ví dụ tiêu biểu như: Ngụy biện Công Kích Cá Nhân (Ad Hominem Fallacy), Ngụy biện Cá Trích Đỏ (Red Herring Fallacy) hay Ngụy biện Xem Ai Đang Nói (Tu Quoque Fallacy),… Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 đầu tiên là Ngụy biện Người Rơm (Straw Man Fallacy).
Key Takeaways:
Ngụy biện Người Rơm (Straw Man Fallacy): Xuyên tạc, đánh đồng vấn đề được đặt ra với một vấn đề khác
Khắc phục: Xác định rõ đối tượng và vấn đề có trong đề bài. Tập trung phân tích ý nghĩa, mặt lợi, mặt hại và đưa ra lý lẽ hay ví dụ liên quan trực tiếp tới vấn đề
Ngụy biện Người Rơm (Straw Man Fallacy) là gì?
Ngụy biện người rơm (Straw Man Fallacy) là một phép ngụy biện khi lập luận, trong đó người viết đánh đồng hay xuyên tạc vấn đề được đặt ra bằng một vấn đề khác.
Xét ví dụ sau:
Đề: Abortion is a fundamental right of a woman. To what extent do you agree or disagree?
Lập luận trong bài viết: I would strongly argue against the legalisation of abortion as abortion is clearly murdering. It is absolutely sinful to violate the right to live of children and our society will be harmfully affected if that kind of murdering is morally accepted.
Ở ví dụ trên, có thể thấy tác giả đã đánh đồng việc phá thai và việc giết người trong khi đây hoàn toàn là hai vấn đề khác nhau và vẫn còn tồn tại rất nhiều tranh cãi. Tác giả không đưa ra lý lẽ thỏa đáng để giải thích rằng phá thai là giết người mà lại mặc nhiên công nhận và đồng nhất hai vấn đề độc lập trên. Ta có thể thấy, những lý lẽ mà tác giả đưa ra ở câu thứ hai đều là lý lẽ để phản đối việc giết người.
Tuy nhiên, vì tác giả không chứng minh được phá thai đồng nghĩa với giết người, cho nên việc giết người và những lý lẽ phản bác việc giết người ở trên là hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chính của bài viết (Phá thai). Từ đó, ta có thể đưa tới kết luận rằng những lập luận ở trên là vô nghĩa và không có tính thuyết phục.
Ví dụ trên cho ta thấy được cấu trúc cơ bản của một phép ngụy biện người rơm. Trong đó, tác giả sẽ đánh đồng một vấn đề A đang được tranh cãi (Phá thai) với một vấn đề B đơn giản hơn (Giết người) và từ đó đưa ra các quan điểm của mình đối với vấn đề B. Rõ ràng, điều này là không hợp lý về mặt logic khi vấn đề A và vấn đề B không hề giống nhau.
Tác giả chỉ biến đổi vấn đề A thành vấn đề B để dễ dàng hơn cho việc lập luận của bản thân. Như trong ví dụ trên ta thấy, việc phá thai vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong khi việc giết người thì hiển nhiên là sai và dễ dàng chứng minh hơn rất nhiều.
Sơ đồ mô tả cấu trúc của phép ngụy biện người rơm:
Ở sơ đồ trên, ta có thể thấy điểm bất hợp lý từ lối suy luận này nằm ở mũi tên thứ 1, từ A biến đổi sang B. Bởi rõ ràng khi chưa thể chứng minh A là B, thì vấn đề B và những lập luận thể hiện quan điểm của tác giả với vấn đề B sẽ chẳng hề liên quan gì tới vấn đề A cả.
Cách khắc phục lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2
Để tránh mắc phải lỗi ngụy biện người rơm, người viết cần tỉnh táo và hiểu rõ được bản chất của vấn đề đang được tranh luận. Tránh tuyệt đối việc đánh đồng vấn đề này với vấn đề khác mà không đưa ra sự giải thích rõ ràng nào. Đồng thời, người viết nên tập trung vào bản chất của vấn đề, khai thác rõ ràng ý nghĩa, mặt lợi và mặt hại của vấn đề chứ không nên suy diễn sang các vấn đề không liên quan khác.
Như ở ví dụ trên, thay vì đánh đồng việc “phá thai” và việc “giết người”, người viết nên tập trung vào những tác hại mà việc “phá thai” có thể gây ra về mặt sức khỏe, tâm lý và kinh tế của người đi phá thai. Khi đó, những lý lẽ và dẫn chứng của người viết sẽ tập trung hẳn vào việc phá thai, là vấn đề chính của đề bài chứ không bị lạc sang vấn đề không liên quan.
Bài giải đề xuất: I would strongly argue against the legalisation of abortion as I believe abortion badly affects a woman’s physical and mental health. Abortion has been indicated with scientific data to cause a higher infertility rate in women. Furthermore, women are able to suffer from social and religious pressures after receiving abortion treatment, which may result in a higher risk of getting mental illness.
Bài tập về lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2
Trong các đoạn văn sau đây, đoạn văn nào có chứa lỗi ngụy biện người rơm? Hãy phân tích lỗi ngụy biện đó và đề xuất cách khắc phục.
a. Đề: To succeed in business, one needs to know math. To what extent do you agree or disagree?
Lập luận trong bài: Mathematics is not instrumental in becoming successful in business. There are many people who are excellent in Mathematics but fail to perform well in practical business world. For instance, it is not uncommon to observe students at universities with firm backbone knowledge in math but lack many essential social skills. These students are apparently not suitable to become businessmen.
b. Đề: Online education at home is more convenient for students. To what extent do you agree or disagree?
Lập luận trong bài: Studying online at home evidently makes students spend less time interacting face-to-face with teachers and other students than off-campus learning. Less time of direct interaction may result in the reduction of the educational quality and negative effects on academic outcomes. Furthermore, high exposure to computers with inadequate time of real-life meeting has been indicated to shorten attention span and harmfully affect our health.
c. Đề: Death penalty should be abolished. What is your opinion about the problem?
Lập luận trong bài: The universal practice of capital punishment can be regarded as a vigorous violation of humanitarian values. Law is created in defense of human rights and is widely considered as the support for social well-being. So how can death penalty, which obviously abuses human rights, even exist in our law so blatantly?
Giải thích
Phân tích:
Thoạt nhìn, có thể thấy đoạn văn vẫn đang đi đúng chủ đề, sử dụng ví dụ liên quan đến toán học và kinh doanh. Tuy nhiên, tác giả của đoạn văn trên mắc phải lỗi ngụy biện người rơm. Ta hãy cùng xem xét kỹ hơn hơn vấn đề được nhắc tới trong đề và vấn đề được phân tích trong bài.
Trước hết, mệnh đề được nhắc tới trong đề là để thành công trong kinh doanh, người kinh doanh cần có kiến thức toán. Nói cách khác, nếu một người thành công trong kinh doanh, người đó sẽ giỏi toán. Tuy nhiên, trong phần lập luận, tác giả đã đánh đồng việc “Người giỏi kinh doanh phải giỏi toán” (vấn đề gốc) với việc “Người giỏi toán phải giỏi kinh doanh” (vấn đề thay thế). Trong khi luận điểm của câu đầu tiên thể hiện rằng tác giả muốn phản bác vấn đề gốc, các luận cứ mà tác giả đưa ra trong các câu sau đều có ý nghĩa phản bác lại vấn đề thay thế. Rõ ràng, vấn đề gốc và vấn đề thay thế hoàn toàn không liên quan vì thế những luận cứ dùng để phản bác vấn đề thay thế hoàn toàn vô nghĩa khi xét tới vấn đề gốc.
Nói cách khác, đề bài nhắc tới hai đối tượng là người giỏi toán và người giỏi kinh doanh. Theo đề bài, nếu một người giỏi kinh doanh, người đó phải giỏi toán. Nếu coi người giỏi kinh doanh và người giỏi toán là hai tập hợp thì theo đề bài, người giỏi kinh doanh sẽ là tập hợp con của người giỏi toán nhưng người giỏi toán không nhất thiết phải là người giỏi kinh doanh. Tuy nhiên trong phần lập luận, tác giả hiểu sai quan điểm trong đề bài thành nếu một người giỏi toán thì họ sẽ giỏi kinh doanh. Quan sát sơ đồ sau:
Rõ ràng, mệnh đề đề bài nhắc tới và mệnh đề tác giả đem ra tranh luận hoàn toàn khác nhau. Tác giả đã sử dụng phép ngụy biện người rơm để xuyên tạc mệnh đề đề bài thành một mệnh đề khác. Ví dụ mà tác giả đưa ra trong bài hoàn toàn để tranh luận cho mệnh đề mới và không hề liên quan đến mệnh đề gốc. Chính vì thế, toàn bộ lý lẽ và dẫn chứng trong đoạn văn trên là hoàn toàn vô nghĩa.
Khắc phục:
Quy tắc cơ bản để khắc phục lỗi ngụy biện người rơm đó là xác định rõ ràng vấn đề mình đang tranh luận và tập trung vào bản chất của vấn đề. Như ở trong đoạn văn trên, nếu người viết muốn thể hiện quan điểm đối lập với ý kiến trong đề bài, người viết cần đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng để chứng minh rằng một người vẫn có thể thành công trong kinh doanh dù không giỏi toán. Việc hiểu rõ đề bài có ý nghĩa rất quan trọng khi thi, bởi nếu người viết phân tích một vấn đề hoàn toàn không liên quan tới yêu cầu, bài viết sẽ bị lạc đề và điểm số tiêu chí Task Response sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Lời giải đề xuất:
From my perspective, one can still be successful in business notwithstanding lacking mathematical knowledge. In a business organisation, jobs that require mathematical skills such as accounting or market analysis can easily be supported by a great number of well-qualified employees. Entrepreneurs and business owners are expected to have strong leadership and organising skills while learning abstract mathematical concepts are not likely to bring many practical values.
Phân tích:
Ở câu này, khi phân tích kỹ cấu trúc đoạn văn ta sẽ thấy cho rằng việc học online tại nhà sẽ đồng nghĩa với việc dành ít thời gian hơn tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn trong lớp. Tiếp đó, tác giả đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng để thể hiện việc dành ít thời gian tương tác trực tiếp trên lớp là có hại. Tuy có cấu trúc khá tương tự với câu trúc của một số đoạn văn mắc lỗi ở đã được nhắc tới ở trên nhưng đoạn văn này không hề có phép ngụy biện người rơm.
Cần phải hiểu rõ ràng, mấu chốt của phép ngụy biện người rơm nằm ở việc đánh đồng một cách bất hợp lý giữa sự việc ban đầu và một sự việc thay thế được nêu ra. Ở đây, tác giả đồng nhất việc “học online tại nhà” và việc “dành ít thời gian học trực tiếp trên lớp”. Hai vấn đề này hiển nhiên là giống nhau cho nên người viết hoàn toàn có quyền thay thế vấn đề này bằng vấn đề kia. Vì vấn đề A giống với vấn đề B cho nên những luận cứ dùng cho vẫn đề B cũng có ý nghĩa tranh biện khi xét tới vấn đề A. Đoạn văn trên hoàn toàn hợp lý về mặt logic và không cần chỉnh sửa.
Phân tích
Ở đoạn văn này, ta có thể thấy phép ngụy biện người rơm được sử dụng khá lộ liễu. Tác giả đã xuyên tạc vấn đề ban đầu (án tử hình) thành một vấn đề thay thế (sự xâm phạm các giá trị nhân đạo). Sau đó, tác giả đưa ra các luận cứ để phản đối việc xâm phạm các giá trị nhân đạo. Tuy nhiên, sự phi logic cần được quan sát kỹ ở đây là tác giả không hề chứng minh được việc thi hành án tử hình đồng nghĩa với việc xâm phạm các quyền con người. Tác giả đã mặc nhiên công nhận hai vấn đề trên là giống nhau. Đây chính là thủ thuật ngụy biện người rơm mà khi tranh luận hay viết lách chúng ta cần tỉnh táo nhận ra. Vì tác giả không thể chứng minh “án tử hình” đồng nghĩa với “vi phạm giá trị nhân đạo” nên các lý lẽ và dẫn chứng được đưa ra để phản đối “vi phạm giá trị nhân đạo” hoàn toàn không liên quan đến chủ đề của bài viết và do đó vô nghĩa về mặt lý luận.
Khắc phục:
Người viết cần ý thức rõ, vấn đề chính được đem ra bàn luận ở đây là việc thi hành án tử hình. Do đó, tất cả các luận điểm, lý lẽ và dẫn chứng đều phải tập trung xung quanh vấn đề chính. Vấn đề chính ở đây rất rõ ràng và cụ thể vì thế dẫn dắt vẫn đề chính sang vấn đề khác khiến phần lập luận giảm đi tính thuyết phục và cách diễn đạt câu văn trở nên rất miễn cưỡng.
Ở đoạn văn trên, thay vì đánh đồng việc thực thi án tử hình với việc vi phạm giá trị nhân quyền thì người viết có thể biến việc vi phạm giá trị nhân quyền thành một lý do hay một luận điểm con để phản bác việc sử dụng án tử hình. Người viết cần đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng phù hợp để chứng minh quan điểm trên. Khi đó, nếu luận điểm đã chứng minh việc thi hành án tử hình sẽ gây ra vấn đề vi phạm nhân quyền, người viết hoàn toàn có thể mở rộng ý tưởng theo hướng này mà không phạm phải lỗi ngụy biện (vì vấn đề A đã được chứng minh là giống với vấn đề B).
Tuy nhiên, nếu cảm thấy chứng minh án tử hình đồng nghĩa với xâm phạm nhân quyền quá khó (trên thực tế, việc này vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi trên toàn thế giới) và không có thời gian để chứng minh trong bài IELTS, ta có thể bỏ qua hướng phát triển này. Thay vào đó, bài viết có thể tập trung vào một số tác hại của án tử như hậu quả khi thi hành án tử oan, sự lạm dụng khó kiểm soát hay ảnh hưởng tiêu cực của án tử lên tâm lý cộng đồng,...
Lời giải đề xuất:
The practice of capital punishment is able to cause detrimental effects on society. It is observable that wrongful conviction is not rare in practice. If a person is locked in jail and is later declared innocent, he or she will receive financial and mental support from the authority. By contrast, if prisoners are sentenced to death in a miscarriage of justice, they will be catastrophically punished for the crimes they have not committed. That situation is evidently an atrocity committed by our law.
Tổng kết
Trên đây là cách nhận biết và khắc phục lỗi ngụy biện người rơm phổ biến trong lập luận bài viết Task 2. Lỗi ngụy biện người rơm (straw man fallacy) rất phổ biến trong lý luận, từ hùng biện trực tiếp đến trong văn bản tranh luận. Ngụy biện người rơm chủ yếu xuất phát từ trong tư duy của người tranh luận, dẫn dắt từ vấn đề này sang vấn đề khác một cách vội vàng và không rõ ràng, lập lờ giữa hai khái niệm có vài nét tương đồng.
Để tránh được lỗi ngụy biện người rơm, người viết cần hiểu rõ bản chất vấn đề mình đang bàn luận, sử dụng tư duy phản biện và góc nhìn đa chiều để đánh giá vấn đề. Một bài viết Task 2 có tính tranh luận tốt, cấu trúc rõ ràng, cách lập luận khéo léo và thuyết phục sẽ giúp người đọc thể hiện rõ ràng được quan điểm của bản thân cũng như kỹ năng ngôn ngữ thành thạo trong bài thi IELTS và đem lại những kết quả tốt như mong đợi.
Các bài viết tiếp theo trong series “Những lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách khắc phục” sẽ đi sâu vào phân tích thêm một số lỗi ngụy biện mà thí sinh thường mắc phải khi viết Task 2 như Ngụy biện Dốc Trượt ( Slippery Slope Fallacy) hay Ngụy biện So Sánh Ẩu (Weak Analogy Fallacy),… Các lỗi ngụy biện làm cho bài văn giảm đi tính hợp lý về mặt logic, luận cứ trở nên thiếu tính thuyết phục và dễ dàng bị bác bỏ hơn. Chính vì thế, việc nhận biết và khắc phục lỗi ngụy biện trong tranh luận sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình tư duy, hùng biện và viết lách cũng như hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập, thi cử và công việc.
Bình luận - Hỏi đáp