Những lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách khắc phục - Phần 7: Ngụy biện Song Đề Sai

Bài viết này sẽ phân tích và chỉ ra cách để nhận biết cũng như khắc phục lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2, phần 7: Ngụy biện Song Đề Sai
author
Trịnh Tuấn Thành
23/03/2022
nhung loi nguy bien trong ielts writing task 2 va cach khac phuc phan 7 nguy bien song de sai

Ngụy biện là những lỗi sai trong lập luận, xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động tranh biện và viết lách văn bản nghị luận. Các lỗi ngụy biện về bản chính là cách lập luận sai, bất hợp lý và thiếu thuyết phục. Các lỗi ngụy biện làm cho hiệu quả của lập luận giảm đi rất nhiều, khiến các lý lẽ và dẫn chứng người người tranh luận trở nên thiếu chặt chẽ và dễ bị bác bỏ. Các lỗi ngụy biện bắt nguồn chủ yếu từ tư duy hay thiên kiến sai lệch của người tranh luận hoặc người viết. Việc nhận biết và khắc phục các lỗi ngụy biện sẽ giúp cải thiện các lỗi sai trong tư duy và suy luận, đồng thời, nâng cao chất lượng và kết quả của lý lẽ và dẫn chứng trong phần tranh luận hoặc bài viết. Ở các bài viết trước, chúng ta đã đi sâu vào nghiên cứu biểu hiện và phương pháp điều chỉnh các lỗi ngụy biện thường gặp như: Ngụy biện Người Rơm (Straw Man Fallacy), Ngụy biện Cá Trích Đỏ, (Red Herring Fallacy) hay Ngụy biện Dốc Trượt (Slippery Slope Fallacy),… Tiếp nối loạt bài trước, bài viết này sẽ phân tích kỹ lưỡng một lỗi ngụy biện khác xuất hiện khá phổ biến trong bài viết Task 2: Ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy)

Key Takeaways:

Ngụy biện Song Đề Sai: Đánh giá vấn đề chỉ dựa trên hai hướng chính mà phớt lờ các hướng khác

Khắc phục:

1.  Xem xét kỹ số trường hợp có thể xảy ra của một vấn đề

2.  Tập trung vào hướng mà mình muốn chứng minh

Nguỵ biện song đề sai là gì?

Ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy) là một lỗi sai trong lập luận, thể hiện qua việc người viết khẳng định vấn đề A nào đấy chỉ có thể xảy ra theo hai khả năng là X và Y. Đồng thời, người viết phớt lờ hoàn toàn các tình huống khác có thể xảy ra với vấn đề A.

Cụ thể hơn, khi đánh giá một vấn đề A, người viết đưa ra hai tình huống giả định. Vấn đề A có thể xảy ra theo cách X hoặc cách Y. Sau đó, người viết sẽ lập luận để phản bác một trong hai cách X và Y. Ví dụ, người viết lập luận và chứng minh rằng nếu vấn đề A xảy ra theo cách X thì sẽ mang lại nhiều kết quả tiêu cực và ta không nên để cách X xảy ra. Do đó, vấn đề A nên xảy ra theo cách Y.

Tuy nhiên, điểm bất hợp lý cần chú ý ở đây là, vấn đề A không nhất thiết phải diễn ra theo hai trường hợp là X và Y mà có thể diễn ra theo một số tình huống khác. Người viết hoàn toàn không chứng minh được A chỉ có thể xảy ra theo hướng X hoặc hướng Y mà chỉ mặc nhiên công nhận điều đó rồi chứng minh tiếp. Vì người viết không xem xét các tình huống khác ngoài X và Y, lối lập luận theo kiểu trên là thiếu sót và đã mắc vào lỗi ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy).

Quan sát ví dụ sau:

Đề: Literature should be an optional subject in high schools. Do you agree or disagree with the statement?

Lập luận trong bài: From my perspective, I am strongly convinced that literature is expected to remain a compulsory subject as it is in high schools. When students are not required to study literature, their language ability can be seriously affected. For example, reading comprehension skills of students may significantly worsen without frequent exposure to literature texts at school. Furthermore, students that do not take literature classes may have weaker performance on writing and speaking tasks.

Phân tích đoạn văn trên, thoạt đầu, ta có thể thấy lập luận trong đoạn văn khá hợp lý. Tác giả bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến biến môn văn thành một môn học tự chọn trong đề bài. Các luận cứ được tác giả trình bày khá logic và dễ hiểu. Tác giả cho rằng, nếu ta biến môn văn thành môn học tự chọn, khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh (ví dụ như kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng nói hay viết lách) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Chính vì thế, ta không nên biến môn văn thành môn học tự chọn.

Tuy nhiên, dù luận điểm trông có vẻ khá rõ ràng và tương đối thuyết phục, đoạn văn trên vẫn mắc lỗi ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy) tương đối rõ ràng. Cần chú ý rằng, lỗi ngụy biện Song Đề Sai là một lỗi ngụy biện có tính chất hơi “ngầm”. Nói cách khác, lỗi ngụy biện này khá khó nhận biết, ta sẽ không thể tìm ra các dấu hiệu nổi bật của lỗi ngụy biện này một cách dễ dàng. Thông thường, ta chỉ nhận ra một đoạn văn mắc lỗi ngụy biện Song Đề Sai bằng cách phân tích kỹ luận cứ của đoạn văn đó.

Quan sát đoạn văn trên, ta có thể thấy đối với vấn đề A (việc học văn ở trường nên là bắt buộc hay tùy chọn), tác giả cho rằng có hai cách tiếp cận vấn đề này. Theo cách tiếp cận thứ nhất (hướng X), việc học văn là bắt buộc. Theo cách tiếp cận thứ hai (hướng Y), việc học văn là tùy chọn. Để nhận ra lỗi ngụy biện ở đây, phải đánh giá sự liên kết chặt chẽ giữa luận điểm và luận cứ của tác giả.

Ngay từ đầu đoạn văn, tác giả khẳng định rằng, việc học văn nên là bắt buộc. Tức là, theo quan điểm của tác giả, vấn đề A nên xảy ra theo hướng X. Tiếp theo, qua việc phân tích các lập luận, ta sẽ nhận ra mấu chốt của phép ngụy biện này. Ở luận cứ trong các câu sau, tác giả lại bàn về tác hại của việc biến môn văn thành một tùy chọn. Nói cách khác, tác giả đang đưa ra những mặt tiêu cực của hướng Y và muốn chứng minh rằng hướng Y là sai, vấn đề A không nên xảy ra theo hướng Y.

Cuối cùng, sau khi chứng minh thành công rằng vấn đề A không nên xảy ra theo hướng Y, tác giả kết luận rằng vấn đề A nên xảy ra theo hướng X, tức là việc học văn ở trường nên bị bắt buộc.

Ở đây, lỗi ngụy biện thể hiện rõ nhất tại chỗ “Vì vấn đề A không nên xảy ra theo hướng A (do mang lại tác động tiêu cực ở trong các luận cứ), vấn đề A nên xảy ra theo hướng X”. Rõ ràng, đây là một cách lập luận sai lầm. Tác giả chỉ tập trung vào các hai hướng X và Y mà không hề xét tới hướng khả dĩ khác.

Luận điểm trong đoạn văn chỉ xoay quanh hai tình huống chính:

  • Tình huống 1 (hướng X): học văn là bắt buộc, kỹ năng ngôn ngữ được phát triển

  • Tình huống 2 (hướng Y): học văn là tùy chọn, kỹ năng ngôn ngữ bị ảnh hưởng tiêu cực

Tuy nhiên, có một số tình huống mà tác giả đã không nghĩ tới. Ví dụ, ta có thể tích hợp kiến thức văn học vào các một học khác và đưa môn văn thành môn tự chọn. Khi này, việc học văn là tùy chọn nhưng kỹ năng ngôn ngữ vẫn có thể được phát triển. Từ đây sinh ra tình huống thứ ba (hướng Z) của vấn đề A. Ngoài ra, vẫn còn nhiều tình huống có thể xảy ra xung quanh vấn đề này. Ví dụ, thay vì biến văn học trở thành môn hoàn toàn bắt buộc ở tất cả các cấp hay hoàn toàn tự chọn, ta vẫn có thể xét tới nhiều tình huống xảy ra giữa hai thái cực này. Chẳng hạn, học văn nên là bắt buộc tại cấp học nhỏ như Tiểu học và trở thành môn tự chọn ở các cấp cao hơn hoặc việc học văn có thể trở nên xen kẽ giữa các học kỳ, học kỳ 1 là môn bắt buộc để dạy các kiến thức quan trọng, học kỳ 2 sẽ là môn tự chọn để học sinh được xây dựng định hướng học tập cho riêng bản thân. Từ đó, ta có tình huống thứ 4 (hướng T).

Qua sự phân tích trên, ta có thể thấy, khi vấn đề không nên xảy ra theo cách Y, nó cũng không nhất thiết phải xảy ra theo cách X. Nó hoàn toàn có thể xảy ra theo cách Z, cách T, … và nhiều cách khác nữa nếu ta phân tích sâu hơn.

nguy-bien-song-de-sai-01

Từ đây, ta có thể thấy được biểu hiện rõ ràng của lỗi ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy). Tác giả lập luận rằng một vấn đề chỉ có thể xảy ra theo hai cách và nếu vấn đề không thể xảy ra theo cách này, nó phải xảy ra theo cách kia. Tác giả hoàn toàn lãng quên hoặc phớt lờ một số tình huống khác có thể xảy ra bên cách hai cách ban đầu.

Đồng thời, ta cũng cần lưu ý rằng, lỗi ngụy biện trên còn có thể được biểu hiện dưới dạng mở rộng hơn của song đề. Tức là, với một vấn đề A, thay vì cho rằng vấn đề chỉ xảy ra theo hai, tác giả có thể khẳng định vấn đề sẽ xảy ra theo ba cách, bốn cách hoặc thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ cần tác giả vẫn còn để sót một hay một vài trường hợp có thể xảy ra hoặc tác giả không chứng minh được rằng vấn đề chỉ có thể xảy ra theo số cách mà mình khẳng định. Lập luận của tác giả vẫn mắc lỗi ngụy biện. Ở dạng mở rộng hơn, ngụy biện False Dichotomy có thể được gọi là False Alternatives Fallacy.

Cách khắc phục Nguỵ biện song đề sai

Để khắc phục lỗi ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy), người viết có thể áp dụng một số quy tắc đơn giản sau.

Quy tắc 1: Xem xét kỹ số trường hợp có thể xảy ra của một vấn đề

Như đã nói ở trên, tác giả sẽ mắc lỗi ngụy biện Song Đề Sai khi không phân tích hết các trường hợp có thể xảy ra của một vấn đề mà chỉ phân tích vào hai mặt chính (hai thái cực chính) của vấn đề. Rõ ràng, nếu vấn đề không thể xảy ra theo cách này, nó vẫn có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau chứ không nhất thiết phải xảy ra theo một cách. Vì thế người viết cần phần tích tất cả các hướng mà vấn đề có thể xảy ra.

Đồng thời, người viết cũng nên chứng minh rằng vấn đề chỉ có thể xảy ra theo số cách mà mình đã khẳng định. Nếu không, vấn đề vẫn có thể xảy ra theo cách khác mà người viết chưa nghĩ tới.

Tuy nhiên, ta có thể thấy, việc phân tích tất cả các tình huống khả dĩ của một vấn đề cũng như việc đưa ra con số cố định về số tình huống có thể xảy ra của một vấn đề là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và tốn rất nhiều thời gian cũng như ngôn từ. Hiển nhiên, ta khó lòng có thể thực hiện yêu cầu của quy tắc thứ nhất này trong bài thi IELTS Task 2, khi mà dung lượng và thời gian cho bài viết tương đối hạn hẹp. Do đó, người viết có thể tập trung áp dụng quy tắc thứ hai để khắc phục lỗi Ngụy biện Song Đề Sai trong bài viết của mình.

Quy tắc 2: Tập trung vào hướng mà mình muốn chứng minh

Quy tắc 2 vô cùng đơn giản và có thể áp dụng trong khi viết bài Task 2 của phần thi IELTS. Cụ thể, khi ta muốn chứng minh vấn đề A nên xảy ra theo hướng X, ta chỉ cần tập trung chứng minh điều đó!

Nói cách khác, khi phân tích vấn đề A, nếu người viết muốn chứng minh A nên xảy ra theo tình huống X, người viết chỉ cần đưa ra lý lẽ và dẫn chứng để giải thích tại sao A nên xảy ra theo hướng X. Đồng thời, người viết có thể phớt lờ các phướng án Y, Z, T,… khác mà vấn đề A có thể xảy ra.

Cần lưu ý ở đây là người viết nên đưa ra các luận cứ một cách logic và phù hợp, chứng minh A nên xảy ra theo cách X. Người viết không nên chứng minh vì hướng Y là sai hay hướng Z nào đó là không đúng nên A nên xảy ra theo hướng X.

Khi áp dụng quy tắc này, người viết cần tập trung rõ ràng vào việc chứng minh “A nên xảy ra theo cách X”, tất cả những gì liên quan tới các hướng khác nên bị loại bỏ, kể cả lập luận phủ định hay bác bỏ các hướng khác.

Như ở đoạn văn trong ví dụ, người viết có thể áp dụng quy tắc thứ hai để khắc phục lỗi ngụy biện Song Đề Sai. Người viết đồng tình với quan điểm môn Văn nên là môn bắt buộc. Vậy người viết cần đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng phù hợp để chứng minh “Văn nên là không bắt buộc” chứ không phải để chứng minh “Văn không nên là môn tự chọn”. Hầu hết chúng ta đều chỉ nghĩ về hai thái cực này khi nhắc tới chủ đề. Tuy nhiên, tư duy song đề thế này chính là mấu chốt dẫn tới lỗi Ngụy biện Song Đề Sai.

Lời giải đề xuất: From my perspective, literature should remain a compulsory subject as it has been. Firstly, it is undeniable that studying literature greatly contributes to the development of language using ability of students. Through reading or writing various essays, students may improve their language skills to a proficient level that may support them in future career. Secondly, learning literature provides students numerous opportunities to do research on excellent literary works, which nurtures and inspires many learners to become brilliant writers in the future.

Bài tập vận dụng cách khắc phục Nguỵ biện song đề sai

Bài 1

Đề: Students should be required to participate in extracurricular activities outside their schools. To what extent do you agree or disagree with the idea?

Lập luận trong bài: Personally, I believe that it should be mandatory for students to take part in extracurricular activities outside their schools. If students are not requested to join these beneficial activities, they may spend their time uselessly and ineffectively. For instance, nowadays, many students are seriously addicted to computer games that they invest most of their time and money in these games, ignoring their learning and even their health. Moreover, some other students may indulge themselves with different harmful entertainment such as smoking, consuming alcoholic products and engaging in physical conflicts.

Bài giải 1

Để đánh giá lỗi ngụy biện trong đoạn văn trên, ta cần so sánh sự tương đồng về nội dung giữa luận điểm và luận cứ của đoạn văn. Đoạn văn trên bàn về việc tham gia hoạt động ngoại khóa của học sinh, ta sẽ coi vấn đề này là vấn đề A. Từ đầu đoạn văn, tác giả đã đưa ra quan điểm rằng, học sinh nên bị bắt buộc tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài trường (hướng X). Vậy theo tác giả, vấn đề A nên xảy ra theo hướng X.

Tuy nhiên, khi phân tích các luận cứ, ta có thể thấy các luận cứ hoàn toàn xoay quanh tác hại của việc không bắt buộc học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa (hướng Y).

Rõ ràng, vấn đề A không nhất thiết cứ phải xảy ra theo hướng X (bắt buộc) hay hướng Y (tùy chọn). Có rất nhiều trường hợp ở giữa các thể xảy ra. Chẳng hạn, việc bắt buộc có thể áp dụng với một số đối tượng học sinh nào đó hoặc một độ tuổi nào đó và cho học sinh thuộc các nhóm khác được tùy chọn hoạt động.

Chính vì vậy, nếu A không xảy ra theo hướng Y, A cũng không nhất thiếu phải xảy ra theo hướng X. Để khắc phục lỗi ngụy biện trong đoạn văn trên, tác giả có thể áp dụng quy tắc thứ hai đã được nhắc tới ở phần khắc phục. Tác giả chỉ nên tập trung vào việc chứng minh A nên xảy ra theo hướng X chứ không cần phải chứng minh A nên xảy ra theo hướng Y.

nguy-bien-song-de-sai-02

Lời giải đề xuất: Personally, I believe that it should be mandatory for students to take part in extracurricular activities outside their schools. Firstly, these activities support students to gain precious experience. They may learn lots of valuable soft skills and widen their knowledge when taking these activities. Furthermore, students may have chances to interact with and befriend other people, widening their social network, which can be greatly beneficial for their study as well as their future jobs.

Bài 2

Đề: Teenagers should be banned from playing video games. To what extent do you agree or disagree?

Lập luận trong bài: It has been widely argued that adolescents should be prevented from playing video games on computers or mobile phones as these games may bring about detrimental effects on youngsters. Firstly, if teenagers are not banned from playing games, they could negatively affect players’ vision well-being. For instance, regular exposure to computer screens may increase the risk of having many negative conditions related to eyesight such as myopia or astigmatism. Additionally, allowing children to play computer games has been indicated to link with a higher risk of obesity or scoliosis.

Bài giải 2

Tương tự các đoạn văn ở trên, đoạn văn này cũng mắc lỗi ngụy biện Song Đề Sai khá rõ ràng. Đối với vấn đề A (trò chơi điện tử), tác giả muốn chứng minh rằng vấn đề A nên xảy ra theo hướng X (cấm trò chơi điện tử). Tuy nhiên, khi quan sát các luận cứ, ta có thể thấy các luận cứ đều đang chứng minh vấn đề A không nên xảy ra theo hướng Y (cho phép chơi trò chơi điện tử).

Rõ ràng, điều vô lý ở đây là, nếu vấn đề A không xảy ra theo hướng Y, nó cũng không nhất thiết phải xảy ra theo hướng X. Có rất nhiều tình huống khác có thể xảy ra, ví dụ như giới hạn độ tuổi, giới hạn thời lượng chơi hay thể loại game.

Để khắc phục lỗi ngụy biện ở đây, người viết nên tập trung về các lý do nên cấm trò chơi điện tử thay vì phân tích sang các chi tiết liên quan đến hướng cho phép chơi trò chơi điện tử.

nguy-bien-song-de-sai-03

Lời giải đề xuất: From my perspective, I am convinced that adolescents should be prevented from playing computer games. When online games are banned, teenagers will have more opportunities to spend their time on beneficial activities such as sports or joining charitable organizations. Furthermore, without the influence of video games, many youngsters are more likely to engage in direct or face-to-face interaction with other people instead of communicating via computer screens.

Tổng kết 

Qua sự phân tích trên, bài viết đã chỉ ra lỗi tư duy, điểm bất hợp lý của lỗi Ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy) cũng như cách nhận biết và khắc phục lỗi ngụy biện này. Các lỗi ngụy biện trong văn bản nghị luận tạo ra lỗ hổng trong lập luận và giảm đi hiệu quả thuyết phục của bài văn rất nhiều. Chính vì thế, trong tranh luận và viết lách, chúng ta luôn phải cẩn thận trong việc nhận biết và khắc phục các lỗi ngụy biện này.

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS, việc ôn luyện đúng và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tham khảo khóa học IELTS để đẩy nhanh quá trình học hiệu quả nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu