PESTEL và áp dụng phát triển luận điểm cho IELTS Writing Task 2
Để gây ấn tượng với người đọc và giúp bài viết dễ hiểu, các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng tốt không phải là công cụ duy nhất của thí sinh. Thay vào đó, thí sinh nên có dàn ý bài viết chi tiết với phát triển luận điểm cho IELTS Writing Task 2. Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh khi thực hiện bài viết lại bỏ qua, hoặc chỉ dành một chút thời gian để quan tâm đến nó. Hậu quả chính là các luận điểm thường dài dòng, đôi khi còn chưa mạch lạc và thậm chí là lạc đề.
Đọc thêm: Định nghĩa và vai trò của luận điểm trong văn viết học thuật
Để khắc phục vấn đề trên, các thí sinh cần áp dụng một số công cụ phân tích để tổ chức tư duy và sắp xếp luận điểm, từ đó xây dựng lên một dàn ý làm xương sống của toàn bộ bài làm. Bài viết này sẽ giới thiệu tới các bạn cách phát triển luận điểm cho IELTS Writing Task 2 thông qua Khung phân tích PESTEL (PESTEL Analysis).
Khái niệm PESTEL
Một số lỗi sai khi xây dựng dàn ý
Các lỗi trong xây dựng dàn bài thường bao gồm 2 loại:
Các luận điểm (main idea) không ăn khớp với chủ đề (topic) của toàn bộ bài viết. Việc này nghĩa là luận điểm của bài chưa đủ tính thuyết phục hoặc không liên quan nhiều tới chủ đề.
Các ý bổ trợ trong đoạn (supporting idea) hoặc các ví dụ không có liên quan tới luận điểm cần chứng minh.
Ví dụ: What are the advantages of electronic books over paper books (Tạm dịch: Lợi ích của sách điện tử so với sách giấy)
Technological advances bring about more innovations in e-books
More e-books are published than ever
Với luận điểm thứ nhất ‘Công nghệ đem lại nhiều cải tiến cho sách điện tử’, việc này giúp cho sách điện tử tiện lợi hơn sách giấy nhiều -> luận điểm phù hợp.
Nhưng luận điểm thứ 2, ‘Ngày càng có nhiều sách điện tử hơn’, chưa có tính thuyết phục, vì nó là hệ quả của nhu cầu đọc sách tăng cao. Việc ngày càng có nhiều thiết bị đọc sách hơn chưa nói rõ lợi ích cho người đọc là gì. -> luận điểm không phù hợp.
Luận điểm ‘Technological advances bring about more innovations in e-books’, có phần giải thích như sau: ‘Nowadays, human has become more dependent on modern technology and can not survive without it. Thus, the ebook has become a necessity in our life.’
2 câu giải thích trên chỉ đang nói về sự thay đổi về vai trò của sách điện tử trong cuộc sống, chứ không nói chi tiết đến các ảnh hưởng tích cực của eBook do được cải tiến bởi công nghệ. -> Giải thích chưa đúng.
Đọc thêm: Lập luận IELTS Writing Task 2: Lỗi thường gặp và cách khắc phục
Cần làm gì để khắc phục hai vấn đề trên trong bài thi
Thứ nhất, các thông tin được đưa ra trong bài viết cần có sự liên kết với chủ đề chung, nhưng vẫn phải tách biệt để tránh bị trùng lặp (nghĩa là các luận điểm đều phải trả lời được câu hỏi của đề bài, nhưng không luận điểm nào được lặp với nhau).
Thứ hai, các luận điểm trong bài cần mang tính thuyết phục (nghĩa là chúng có tính chính xác ngoài đời thật) và các phần giải thích phải tư duy logic và dễ hiểu cho người đọc.
Để làm được hai điều này, người viết cần có các công cụ tư duy để giúp sắp xếp các kiến thức sẵn có, biến chúng thành luận điểm đưa vào bài. PESTEL là một trong số các công cụ có thể giúp thí sinh đạt được cả hai mục tiêu trên.
Các khái niệm trong PESTEL
PESTEL (Viết tắt cho Political-Economics-Social-Technological-Environmental-Legal) là một khung phân tích thường được áp dụng trong lĩnh vực Marketing và quản lý nhằm xác định các yếu tố xã hội bên ngoài có thể ảnh hưởng tới các cá thể, tập thể trong đó.
Trong IELTS Writing Task 2, các vấn đề xã hội được bàn đến đều có mối liên hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Khung phân tích PESTEL sẽ giúp người viết tìm ra các mối quan hệ trên và rút ra những luận điểm cần dùng cho bài viết.
Phân tích chi tiết các tiêu chí trong PESTEL
Political – chính trị: nói về các quan điểm vận hành quốc gia của chính phủ. Đây là các đường lối hoạt động của chính quyền, là các chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện các công tác trong xã hội. Có thể kể đến:
Mức độ ổn định chính trị
Khả năng lãnh đạo của chính phủ
Quan điểm lãnh đạo và đường lối phát triển
Ảnh hưởng từ các quốc gia khác
Economics – kinh tế: nói đến sự ảnh hưởng của nền kinh tế nói chung tới các cá nhân, tập đoàn và ngược lại, từng các hoạt động của cá nhân ảnh hưởng đến nền kinh tế thế nào. Một số điểm chính có thể kể đến:
Mức sống, mức thu nhập
Các chỉ số phát triển kinh tế (lạm phát, GDP, tỷ giá hối đoái, v.v)
Toàn cầu hoá
Xuất/nhập khẩu
Social – xã hội: bàn về quan điểm, lối sống, tiêu chuẩn đạo đức của người dân mỗi quốc gia trên thế giới, thường bao gồm:
Lối sống (văn hoá, truyền thống)
Tôn giáo
Cơ cấu dân số
Trình độ dân trí, giáo dục
Độ cởi mở về tư tưởng
Technological – công nghệ: bàn về các ảnh hưởng, hệ quả của công nghệ hiện đại lên các ngành nghề trong xã hội và ngược lại, các ngành nghề phát triển sẽ thúc đẩy công nghệ ra sao. Thường sẽ bao gồm công nghệ trong một số lĩnh vực nổi bật:
Công nghệ giao thông vận tải
Công nghệ thông tin
Công nghệ sản xuất hàng hoá, lắp ráp máy móc
Công nghệ y tế, sinh học
Environmental – môi trường: trong thời kỳ hiện đại, các vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Khía cạnh môi trường sẽ đánh giá ảnh hưởng từ các hoạt động của con người lên môi trường. Ngoài ra, nó còn bàn về ảnh hưởng của môi trường tới tất cả các hoạt động của loài người. Thời điểm hiện tại đang có một số vấn đề cấp bách như:
Ô nhiễm môi trường (rác thải, nước, đất, không khí,v.v)
Nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu
Mất đa dạng sinh thái, sinh vật tuyệt chủng
Legal – pháp luật: nói về các điều luật, luật lệ, quy định mà các tổ chức, cá nhân bắt buộc phải làm theo, sẽ khác với đường lối hoạt động của bộ máy chính quyền trong khía cạnh chính trị. Khía cạnh pháp luật thường được sử dụng trong bài luật để tìm ra các giải pháp đối với các vấn đề được đề cập đến.
Các bước áp dụng cụ thể khi áp dụng PESTEL
Bước 1: Xác định chủ đề chính (topic) cần đề cập tới trong bài
Ví dụ:
Từ khoá: Animal species, extinction -> Chủ đề của bài: vấn đề động vật tuyệt chủng.
Bước 2: Đọc yêu cầu của đề bài để xác định nhiệm vụ của bài viết
Đây chính là các câu hỏi yêu cầu thí sinh phân tích/có ý kiến theo chiều hướng nào.
Tiếp tục với ví dụ ở trên:
(…) What are the causes of this issue? What measures could be taken to resolve them? -> Đề bài yêu cầu tìm ra nguyên nhân khiến động vật tuyệt chủng và các biện pháp ngăn chặn.
Bước 3: Áp dụng PESTEL để tìm ra các luận điểm
Trong writing task 2, các dạng đề khác nhau sẽ cần có các luận điểm riêng. Tùy theo từng dạng bài (Ý kiến, Bàn luận vấn đề) mà chúng ta sẽ phân loại luận điểm thành các nhóm sau:
Các mặt lợi và hại của một vấn đề
Các ảnh hưởng của nó lên những đối tượng khác
Nguyên nhân gây ra vấn đề
Cách giải quyết của chúng
Tiếp tục với ví dụ, ta có bảng:
Sự tuyệt chủng của các loài động vật (dạng đề nguyên nhân và giải pháp)
Political
Nguyên nhân: Rất nhiều quốc gia hiện tại đặt lợi ích của các tập đoàn, lợi nhuận cao hơn sự quan trọng của tự nhiên -> Phá rừng, khai thác tràn lan
Giải pháp: Chính phủ cần phải thay đổi trong tâm quan điểm, từ phát triển nhanh, chớp nhoáng sang phát triển bền vững.
Economical
Nguyên nhân
Một số quốc gia vẫn còn nghèo nên phải tận dụng cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên như rừng tự nhiên -> môi trường sống mất dần
Các ngành kinh doanh sản phẩm từ động vật có lợi nhuận cao -> bị săn bắn quá mức. Số lượng cá thể giảm mạnh
Giải pháp
Đầu tư vào phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường (du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, v.v)
Nâng cao đời sống người dân để ngăn xu hướng săn bắn động vật để mưu sinh
Social
Nguyên nhân: Vẫn còn nhiều người chưa có ý thức bảo tồn động vật, sử dụng sản phẩm làm từ động vật hoang dã để làm biểu tượng địa vị -> bị săn bắn quá mức
Giải pháp: Giáo dục gia tăng nhận thức người dân
Technological
Nguyên nhân: Hoạt động của con người (giao thông vận tải, công nghệ thông tin, v.v) tạo ra nhiều rác thải gây hại tới động vật (rác thải nhựa, rác thải công nghệ như dây sạc, tai nghe giết chết động vật hoang dã)
Giải pháp:
Phát triển công nghệ thân thiện với môi trường
Gia tăng hoạt động 3R (reduce-reuse-recycle) để giảm lượng rác thải
Environmental
Nguyên nhân: Nóng lên toàn cầu phá huỷ môi trường sống của động vật hoang dã
Giải pháp:
Giảm thiểu lượng khí thải nhà kính.
Gia tăng đầu tư cho hoạt động bảo tồn động vật quý hiếm
Legal
Nguyên nhân: Luật pháp bảo vệ động vật vẫn chưa chặt chẽ và chưa được thi hành nghiêm
Giải pháp: Chính phủ cần điều chỉnh lại luật và dành nhiều tài nguyên cho việc thực thi luật pháp
Cần phải lưu ý, không phải vấn đề nào cũng sẽ có liên kết với cả 6 mặt. Nếu khía cạnh nào chúng ta không tìm được ý tưởng hoặc biết chắc chắn rằng chúng không liên quan với nhau thì có thể bỏ qua.
Bước 4: Viết dàn ý hoàn chỉnh
Lựa chọn các luận điểm dễ viết/phù hợp nhất để đưa vào trong bài luận. Người viết cần nhóm các luận điểm có một số chi tiết giống nhau để đưa vào bài. Việc này sẽ giúp bài viết có được cách giải thích rõ ràng hơn.
Với tất cả các bài trong writing task 2, mỗi đoạn body hoặc main idea chỉ nên lấy 2-3 luận điểm (supporting ideas) để bài viết có độ dài phù hợp cũng như là để vừa với thời gian viết bài 40 phút.
Tiếp tục phân tích ví dụ: Nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của động vật và giải pháp
Nguyên nhân:
Môi trường sống bị thu hẹp: Do các quốc gia tàn phá rừng và nóng lên toàn cầu (Nhóm luận điểm Economic – Political – Environmental với nhau vì chúng đều làm giảm môi trường sống của động vật)
Số lượng các cá thể của loài giảm mạnh: Do săn bắn trái phép, nhiều người vẫn sử dụng sản phẩm từ động vật; rác thải của con người giết chết các cá thể động vật (Tương tự như trên, nhóm luận điểm của Economic – Social – Technological với nhau)
Luật pháp chưa chặt chẽ
Giải pháp: (Các giải pháp cũng được nhóm như trong nguyên nhân)
Bảo vệ môi trường sống của động vật: Đầu tư vào bảo vệ môi trường; Phát triển kinh tế bền vững
Bảo vệ số lượng các loài động vật hoang dã: Nâng cao nhận thức, chất lượng sống cho người dân; Gia tăng công tác bảo tồn; Giảm thiểu lượng rác thải gây hại tới động vật; Ban hành và thực thi luật nghiêm khắc hơn
Lưu ý khi sử dụng PESTEL
PESTEL là phương pháp được sử dụng để thành lập dàn ý, vậy nên khi đi thi chỉ nên áp dụng trong tối đa 5 phút đầu giờ khi viết Task 2. Nếu mất thời gian quá nhiều vào phần này, thí sinh sẽ không có đủ thời gian để viết bài.
IELTS Writing Task 2 chỉ nên được viết trong tối đa 40 phút. Đôi khi thí sinh sẽ không có đủ thời gian để xử lý toàn bộ 6 khía cạnh phân tích. Thêm vào đó, không phải lúc nào thí sinh cũng có thể tìm ý tưởng cho toàn bộ 6 khía cạnh phân tích. Vì vậy, khi làm dàn ý thì người viết có thể chỉ tập chung vào những khía cạnh có liên quan trực tiếp tới vấn đề. Các khía cạnh không liên quan nhiều có thể bỏ qua để tiết kiệm thời gian.
Kết luận và lời khuyên cho việc tự học PESTEL ở nhà
Khi mới bắt đầu, thí sinh sẽ cảm thấy các khung tư duy như PESTEL mất rất lâu và không phù hợp với áp lực thời gian trong phòng thi. Nhưng khi luyện tập tại nhà, áp lực thời gian không phải vấn đề quá lớn. Trước mỗi bài viết luyện tập, thí sinh nên áp dụng các phương pháp tư duy như PESTEL thật kỹ càng. Việc phát triển luận điểm cho IELTS Writing Task 2 lúc đầu sẽ mất rất lâu, nhưng tiếp xúc nhiều sẽ giúp người học quen dần với chúng. Với đủ công sức và thời gian luyện tập, thí sinh sẽ có thể xử lý dàn ý với một tốc độ rất nhanh và hiệu quả, tiết kiệm thời gian khi làm bài.
Mặc dù bài thi IELTS là một công cụ chủ yếu được sử dụng để đánh giá khả năng ngôn ngữ hơn là khả năng tư duy, người học vẫn cần phải trang bị cho bản thân một số công cụ tư duy nhất định. Việc phát triển luận điểm cho IELTS Writing Task 2 không chỉ giúp tạo ra một bài viết ấn tượng hơn, mà còn có ích rất nhiều khi đọc hiểu về các vấn đề học thuật hay đưa ra cái nhìn rõ hơn về các vấn đề xã hội nằm ngoài bài thi.
Đọc thêm: 7 phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 (Phần I)
Phạm Hoàng Anh
Bình luận - Hỏi đáp