Banner background

Phân biệt các từ đồng nghĩa chủ đề Crime và ứng dụng trong IELTS Writing

Bài viết phân biệt sắc thái nghĩa, đặc điểm ngữ pháp và ngữ cảnh sử dụng của các từ đồng nghĩa chủ đề Crime (Tội phạm) trong IELTS Writing Task 2.
 phan biet cac tu dong nghia chu de crime va ung dung trong ielts writing

Tiêu chí chấm điểm vốn từ vựng (Lexical Resources) trong bài thi IELTS Writing Task 2 bao gồm các yếu tố: phạm vi, độ chính xác, tính linh hoạt, khả năng kiểm soát ngôn ngữ và sự tự nhiên trong lời văn. Nhằm đáp ứng các yêu cầu về phạm vi từ vựng và tính linh hoạt, thí sinh thường sử dụng công cụ "diễn đạt lại" (paraphrase) ý tưởng bằng cách thay thế các từ sẵn có bằng các từ đồng nghĩa/gần nghĩa. Tuy nhiên, bản thân các từ gần nghĩa/đồng nghĩa có ý nghĩa tương đương nhưng khác biệt ở một số khía cạnh như sắc thái, văn cảnh và cách kết hợp từ (collocation). Vì vậy, người viết cần phân biệt được các từ đồng nghĩa để có thể sử dụng sao cho tương thích với ngữ cảnh và nhu cầu diễn đạt. Bài viết sau đây sẽ phân biệt nét nghĩa, sắc thái, đặc điểm ngữ pháp và phân tích cách dùng của một số cặp danh từ, động từ đồng nghĩa chủ đề Crime (Tội phạm) trong IELTS Writing Task 2. 

Xu hướng ra đề chủ đề Crime

Đầu tiên, bài viết sẽ điểm qua các hiện tượng, vấn đề thường được đưa ra bàn luận trong đề bài Crime, phân tích xu hướng ra đề kèm theo các đề bài tham khảo, từ đó giúp người đọc hình dung rõ ràng hơn về tính ứng dụng của các cặp từ gần nghĩa được nêu trong bài viết.

 tu-dong-nghia-chu-de-crime-crime

Đọc thêm: 32 Từ vựng IELTS Writing Task 2 chủ đề Crime phổ biến

Các hiện tượng thường được đề cập trong đề bài

Hiện tượng tỉ lệ tội phạm gia tăng/sụt giảm ở các địa phương, lứa tuổi và nền tảng khác nhau - cụ thể là ở thành phố, ở tuổi vị thành niên và trên mạng Internet - thường xuất hiện trong đề bài IELTS Writing Task 2. Hiện tượng tái phạm ngay sau khi mãn hạn tù và được trả tự do cũng là một đề tài thường gặp.

Một số đề bài trình bày về các mức án phạt và loại hình phạt cho tội phạm với tính chất khác nhau, ví dụ như: lao động phục vụ cộng đồng không lương (unpaid community work), bản án tử hình (death penalty),.. hoặc bàn về tính khả thi của việc thiết lập khung hình phạt cố định cho tất cả các loại tội phạm.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng thường được yêu cầu đánh giá các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hành vi phạm tội (crime prevention measures) như: sử dụng công nghệ tân tiến trong công tác điều tra, tăng cường lực lượng cảnh sát tuần tra, nghiêm cấm sử dụng rượu bia, lắp đặt hệ thống máy quay an ninh,...

Lực lượng phòng chống tội phạm cũng được bàn đến, với những câu hỏi cụ thể như: nữ giới có nên tham gia vào lực lượng phòng chống tội phạm, hoặc, trách nhiệm ngăn ngừa hành vi trái pháp luật để bảo vệ người dân thuộc về chính phủ hay mỗi người trong xã hội.

Dạng câu hỏi thường gặp

Đề bài trong chủ đề Crime thường có định dạng như sau: (1) đề cập tới một vấn đề nêu trên và yêu cầu thí sinh xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp (Cause & Solution) hoặc (2) trình bày quan điểm liên quan một hiện tượng và yêu cầu thí sinh phân tích, đánh giá và bày tỏ sự tán thành hoặc bất đồng với góc nhìn đó. (Opinion & Discussion)

Một ví dụ về đề bài: Many crimes are often related to the consumption of alcohol. Some people think that the best way to reduce the crime rate is to ban alcohol. Do you think this is an effective measure against crime? What other solutions can you suggest?

(Nhiều hành vi phạm tội liên quan tới hiện tượng sử dụng đồ uống có cồn. Một số người cho rằng cách tốt nhất để giảm tỉ lệ tội phạm là cấm tiêu thụ bia rượu. Bạn có nghĩ rằng đây là một biện pháp hữu hiệu để chống lại tội phạm? Bạn có thể đề xuất các giải pháp nào khác?)

Đề bài trên đưa ra ý kiến rằng cấm sử dụng bia rượu là giải pháp tối ưu nhằm giảm thiệu tỉ lệ phạm tội do tác động của đồ uống có cồn và yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình và đưa ra giải pháp thay thế. Có thể thấy, đề bài kết hợp 2 loại câu hỏi là Opinion và Solution.

Phân biệt các cặp từ đồng nghĩa

Offense – crime – misdemeanour - felony

Offense (danh từ đếm được) có nghĩa là một hành vi phạm pháp.

Crime được định nghĩa là (1) (danh từ không đếm được) tình trạng tội phạm hoặc (2) (danh từ đếm được) một hành vi phạm pháp.

Lưu ý: Như vậy, danh từ crime chỉ đồng nghĩa với danh từ offense khi nó được dùng ở dạng đếm được. Nếu muốn đề cập tới hiện trạng các hoạt động phạm pháp nói chung ở địa phương nào đó, với tính chất nào đó, người viết cần dùng danh từ crime ở dạng không đếm được.

Ví dụ:

  1. (1) In recent years, the city has observed a rise in street crime. (Trong những năm gần đây, thành phố đã nhận thấy sự gia tăng tình trạng tội phạm đường phố.)

  2. (2) The crime occurred last night when the police officer was changing shift. (Vụ án xảy ra đêm qua khi viên cảnh sát đang thay ca trực.)

Misdemeanour được định nghĩa bởi từ điển Oxford là (1) một hành vi xấu, không thể chấp nhận, tuy nhiên không quá nghiêm trọng. Bên cạnh nét nghĩa đó, hệ thống pháp luật của Mỹ còn định nghĩa misdemeanor là (2) tội phạm ít nghiêm trọng, với khung hinh phạt thấp hơn so với trọng tội. Một số ví dụ cho loại hình tội phạm này là: gây mất trật tự, an ninh công cộng, xâm phạm tài sản của người khác, trộm cắp vặt (petty theft), móc túi (pickpocketing), ...

Lưu ý: Về việc sử dụng các tính từ để bổ nghĩa, bản thân danh từ misdemeanour đã mang sắc thái nghĩa “ít nghiêm trọng”- vì vậy người viết không thể sử dụng các tính từ chỉ mức độ như: extreme, great, ... với danh từ này. Người viết có thể lựa chọn các tính từ khác chỉ tần suất (ví dụ: frequent, recurrent, ...) hoặc tính chất của sự việc (ví dụ: common).

Ví dụ:

  1. (1) Playing pranks on teachers is a common misdemeanor among elementary schoolchildren. (Chơi khăm giáo viên là một hành vi sai trái phổ biến ở học sinh tiểu học.)

  2. (2) He was fined for a misdemeanour. In particular, he was slightly speeding. (Anh ấy bị phạt vì một tội ít nghiêm trọng. Cụ thể, anh ấy đã chạy xe hơi quá tốc độ.)

Felony được định nghĩa là trọng tội, là từ trái nghĩa với misdemeanour. Theo luật pháp Mỹ, felony là những hành vi phạm tội được gán cho khung hình phạt từ một năm tù trở lên, với mức án cao nhất là tử hình. Bách khoa toàn thư Brittanica bổ sung rằng hậu quả thông thường của một bản án cho felony đó là người chịu án bị tước đi một số quyền công dân như: quyền sở hữu súng đạn, quyền bẩu cử và quyền nắm giữ chức vụ công. Một số ví dụ cho felony có thể kể đến: trộm cướp, bắt cóc, phóng hỏa, ... Có thể thấy, so với misdemeanour, những hành vi được coi là trọng tội thường gây ra tổn hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.

Ví dụ: That man committed arson and was sentenced to 15 years in prison for this felony. (Người đàn ông đã phạm phải tội phóng hỏa và bị kết án từ 15 năm vì trọng tội này. )

Như vậy, cả 4 danh từ đồng nghĩa chủ đề Crime nêu trên đều miêu tả hành vi phạm pháp, tuy nhiên crime – offense chỉ hành động trái với pháp luật nói chung, còn cặp danh từ misdemeanour – felony hàm chứa sắc thái về mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Criminal – offender - delinquent

Criminal (danh từ đếm được) được định nghĩa bởi từ điển Cambridge là tội phạm. Offender có nghĩa là một người có tội – tức người này đã được chứng minh trong quá trình xét xử dựa trên các bằng chứng xác đáng là có tội hoặc đã thừa nhận tội danh của mình trước tòa.  

Lưu ý: Như vậy, điểm khác biệt đầu tiên giữa 2 danh từ chỉ người có hành vi phạm pháp là sự chứng minh hoặc thừa nhận tội danh. Bên cạnh đó, từ offender (người mang tội) mang sắc thái trang trọng hơn so với criminal (tội phạm).

Ví dụ:

 tu-dong-nghia-chu-de-crime-police

  1. The police is searching for the criminal who robbed the bank this morning. (Cảnh sát đang tìm kiếm tên tội phạm đã cướp nhà băng sáng nay.)

  2. A first-time offender is likely to receive only a warning rather than a serious punishment. (Người phạm tội lần đầu thì có khả năng chỉ nhận cảnh cáo thay vì một án phạt nặng.)

Delinquent (danh từ đếm được) dùng để chỉ một người trẻ tuổi có hành vi vi phạm pháp luật. Người viết cần lưu ý rằng: tương tự như criminal và offender, delinquent cũng có nghĩa là cá nhân phạm tội nhưng từ này có nét nghĩa về lứa tuổi – trong khi đó 2 từ còn lại chỉ người phạm pháp nói chung. Cụm danh từ thường gặp với danh từ này là juvenile delinquent chỉ những người trẻ phạm tội nhưng chưa đến độ tuổi trưởng thành mà luật pháp của quốc gia đó quy định. 

Ví dụ: Juvenile delinquents normally receive less severe punishments than adult offenders. (Những tội phạm vị thành niên thường nhận án phạt ít nghiêm khắc hơn những người trưởng thành mang tội).

Law – regulation – rule

Law có các định nghĩa như sau (1) (danh từ đếm được) một điều luật thường là do chính phủ ban hành với mục đích đảm bảo trật tự vận hành của xã hội hoặc (2) (danh từ không đếm được) toàn bộ hệ thống pháp luật của một quốc gia, cộng đồng nào đó.

Ví dụ:

  1. (1) The government recently passed a law on marriage. (Chính phủ gần đây đã thông qua một điều luật về hôn nhân.)

  2. (2) The law forbids drinking under the influence due to its enormous threat to human lives. (Pháp luật cấm lái xe khi sử dụng rượu bia do sự đe dọa đến tính mạng con người rất lớn.)

Rule (danh từ đếm được) được định nghĩa là một nguyên tắc, quy luật về khuôn khổ và giới hạn hành động trong một tình huống nào đó. Dựa vào rule (nguyên tắc), con người có thể biết rằng trong trường hợp nguyên tắc đó áp dụng, họ được phép hoặc không được phép làm những điều gì.

Ví dụ:

  1. The rules of chess state that white always moves first. (Luật của cờ vua là quân trắng luôn đi trước.)

  2. Regulation (danh từ đếm được, thường dùng ở dạng số nhiều) được định nghĩa là một quy định chính thức do cơ quan nhà nước thiết lập để điều hành, kiểm soát một hoạt động nào đó.

Ví dụ: Industrial waste must be treated according to government regulations on environmental

protection. (Chất thải công nghiệp phải được xử lý theo quy định của Chính phủ về bảo vệ môi trường.)

Dựa trên định nghĩa, người đọc có thể thấy rule và regulation đều là những văn bản chỉ ra những hành động được phép và không được phép thực hiện trong một tình huống nào đó. Tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản nằm ở đối tượng thiết lập nên rule (quy tắc) và regulation (quy định). Quy tắc có thể được tạo nên bởi bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào, ví dụ: quy tắc ăn mặc nơi làm việc được lập ra bởi bộ phận quản lý, quy tắc của một trò chơi nào đó được tạo ra bởi người sáng tạo nên trò chơi ấy, ... Tuy nhiên, quy định chỉ có thể được xác lập bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và hành vi không tuân thủ những quy định này có thể dẫn tới hậu quả về pháp lý, người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (law).

Để phân biệt danh từ law, có thể hiểu rằng: hệ thống pháp luật hoàn chỉnh của một quốc gia hay cộng đồng (the law) được cấu thành bởi các quy định (regulation) và điều luật (law) ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Prevent - deter – discourage

Prevent có nghĩa là ngăn chặn ai đó điều gí đó, hoặc ngăn ngừa một sự việc nào đó xảy ra.

Deter được từ điển Oxford định nghĩa là khiến ai đó quyết định không thực hiện hành động nào đó bằng cách làm cho họ hiểu về những khó khăn hay hậu quả của hành động đó.

Discourage nghĩa là cố gắng ngăn chặn ai đó thực hiện hành động nào đó bằng cách gây khó khăn cho họ hoặc thể hiện thái độ không đồng tình, không khuyến khích.

Có thể thấy, 3 động từ trên đều mang nghĩa ngăn cản người khác làm điều gì đó, tuy nhiên prevent mang nét nghĩa chung nhất, còn deter và discourage làm rõ phương thức phòng tránh. Bên cạnh đó, deter có thể là phương thức ngăn chặn triệt để hơn, hướng đến sự thay đổi nhận thức của người khác, khiến bản thân họ tự giác không thực hiện hành động nào đó vì hiểu ra những rủi ro và hậu quả của nó. Mặt khác, discourage không tác động vào thái độ và nhận thức của người khác mà chỉ đơn thuần cản trở họ thực hiện hành động nào đó.

Ví dụ:

  1. The city is installing more surveillance cameras on the main streets to prevent crimes. (Thành phố đang lắp đặt thêm nhiều máy quay giám sát trên các tuyến phố chính để ngăn chặn tội phạm.)

  2. Educating the general public about 5K principles is an effective measure to deter people from going out, which can lower the risk of spreading COVID-19. (Giáo dục công chúng về các nguyên tắc 5K là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn mọi người ra ngoàiđường, điều này có thể làm giảm nguy cơ lây lan COVID-19.)

  3. The presence of police forces on the streets discourages people from going out in the middle of the COVID-19 outbreak. (Sự hiện diện của lực lượng cảnh sát trên đường phố ngăn người dân ra ngoài trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19. )

 tu-dong-nghia-chu-de-crime-covid-19

Rehabilitation – reform

Rehabilitation (danh từ không đếm được) được định nghĩa là quá trình hỗ trợ tù nhân sau khi ra tù xây dựng cuộc sống bình thường, có ích để tái hòa nhập cộng đồng. Các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (rehabilitation programs) bao gồm những hoạt động như hướng nghiệp, dạy nghề, trị liệu tâm lý, ...

Reform (danh từ không đếm được) được định nghĩa là sự cải cách của một hệ thống, tổ chức nào đó để nâng cao hiệu quả hoạt động hoặc khắc phục những hạn chế. Trong chủ đề Crime, danh từ reform thường được sử dụng trong cụm danh từ prison reform program, tức là các chương trình cải tạo nhà tù nhằm đem lại điều kiện sống tốt hơn cho tù nhân. Nằm trong khuôn khổ của những chương trình này là các hoạt động giáo dục, dạy nghề, dạy kỹ năng sống cho tù nhân, các công trình phụ trong khuôn viên trại giam đảm bảo an toàn và vệ sinh cho người tù. hoặc tăng cường hệ thống an ninh để bảo vệ tù nhân khỏi bạo lực, ...

Điều khác biệt giữa cặp từ đồng nghĩa chủ đề Crimerehabilitation program và reform program chính là đối tượng mà từng chương trình nhắm đến, lần lượt là: tù nhân đã được trả tự do và phạm nhân đang thi hành án phạt tù. Bên cạnh đó, việc xây dựng và tổ chức các chương trình giúp tái hòa nhập cộng đồng là một phần trong chiến dịch cải tạo nhà tù.

Ví dụ:

  1. By participating in the rehabilitation program, mentally ill prisoners can receive therapy. (Bằng cách tham gia vào chương trinh tái hòa nhập, các phạm nhân có bệnh tâm lý có thể được trị liệu.)

  2. Organizing soft skills training courses for prisoners is a great initiative in the prison reform campaign.(Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho phạm nhân là một sáng kiến tuyệt vời trong chiến dịch cảitạo nhà tù.)

Tổng kêt

Bài viết trên đã phân tích xu hướng ra đề trong chủ đề Crime thông qua việc tổng hợp các vấn đề thường được bàn đến như hiện trạng tỉ lệ tội phạm gia tăng, các biện pháp phòng tránh tội phạm và những loại hình phạt khác nhau. Bên cạnh đó, thông thường, thí sinh sẽ được yêu cầu phân tích, đánh giá một quan điểm về một trong các vấn đề nêu trên và đề xuất giải pháp phù hợp. Đồng thời, bài viết cũng liệt kê một số cặp danh từ và động từ đồng nghĩa chủ đề Crime thường được dùng sai và phân tích sự khác biệt trong nét nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của chúng. Để ghi nhớ cách dùng chính xác các từ vựng này, người đọc nên tham khảo một số phương pháp học ghi nhớ từ mới như Spaced Repetition và Mnemonics hoặc phương pháp học từ mới theo ngữ cảnh.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...