Mối quan hệ giữa Phong cách Nhận thức Phản xạ/Nhất thời và Kỹ năng Nói trong tiếng Anh
Nhắc đến quá trình tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai, những yếu tố cá nhân ở người học có tác động hết sức mạnh mẽ đến quá trình tiếp nhận ấy. Từ thế kỷ 20 đến hiện nay, nhiều nghiên cứu tập trung vào những phong cách nhận thức và tầm ảnh hưởng của chúng đến các kỹ năng ngôn ngữ vẫn đang được đào sâu và mở rộng.
Bài viết này góp phần hỗ trợ người học có góc nhìn chi tiết, đa chiều hơn với chính quá trình học tập thông qua việc nắm thông tin về phong cách nhận thức phản xạ và nhất thời, dưới góc độ người học kỹ năng nói. Từ đó, người học có thể phân tích và cải thiện quá trình học tập, luyện tập với kỹ năng này.
Key takeaways |
---|
|
Đọc thêm: Từ nhận thức của mỗi người đi đến lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả (Phần 1).
Phong cách nhận thức và Quá trình tiếp nhận ngôn ngữ
Phong cách nhận thức (Cognitive styles) là một thuật ngữ tâm lý học được đề xuất và sử dụng từ công trình của Allport (1937). Theo từ điển APA Dictionary of Psychology, thuật ngữ này là phương thức đặc trưng của một người liên quan đến nhận thức, suy nghĩ, ghi nhớ và giải quyết vấn đề. Các phong cách nhận thức có thể khác nhau về các yếu tố hoặc hoạt động ưa thích, chẳng hạn như làm việc nhóm so với làm việc cá nhân, hoạt động có cấu trúc hơn so với hoạt động ít xác định hơn hoặc mã hóa bằng hình ảnh so với bằng lời nói. Nói cách khác, nó mô tả cách các cá nhân suy nghĩ, nhận thức và ghi nhớ thông tin.
Phong cách nhận thức ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai bằng cách ảnh hưởng đến cách người học xử lý và tiếp thu thông tin ngôn ngữ mới. Nghiên cứu khoa học thần kinh và giáo dục cho thấy trí nhớ cảm giác (sensory memory), trí nhớ dài hạn (long-term memory), trí nhớ làm việc (working memory) và khả năng kiểm soát ức chế là một trong những kỹ năng nhận thức quan trọng trong quá trình này (Alloway et al., 2010; Mecklinger, 2010). Ví dụ, trí nhớ cảm giác giúp nhận biết các âm vị, trong khi trí nhớ dài hạn rất cần thiết để lưu trữ từ vựng và các quy tắc ngữ pháp. hỗ trợ khả năng hiểu, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi người học dựa vào dịch thuật.
Do đó, cải thiện những kỹ năng nhận thức này có thể đẩy nhanh tiến độ học ngôn ngữ, như đã được chứng minh trong các nghiên cứu với những người học tiếng Anh đã trải qua sự phát triển đáng kể về nhận thức và học tập sau khi đào tạo kỹ năng nhận thức.
Đọc thêm: Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ (Language acquisition) ứng dụng học ngoại ngữ hiệu quả.
Sơ lược về Phong cách nhận thức Phản xạ và Nhất thời
Nghiên cứu về tính phản xạ (reflectivity) và tính bốc đồng (impulsivity) trong nhận thức bắt đầu nở rộ vào đầu những năm 1960, đóng góp bởi nhiều nhà nghiên cứu (Chen, 2021). Xuyên suốt khoảng thời gian này, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra định nghĩa và cách giải thích hai thuật ngữ này. Trong đó, Brown (2000) đã định nghĩa phản xạ và bốc đồng như là mức độ mà, trong lĩnh vực nhận thức, một người có xu hướng đưa ra phán đoán nhanh chóng (bốc đồng) cho một câu trả lời của vấn đề hoặc quyết định chậm rãi hơn (phản xạ).
Như vậy, có thể thấy rằng người học mang phong cách nhận thức nhất thời (hoặc bốc đồng) có thể đưa ra phản ứng hoặc câu trả lời nhanh chóng cho một câu hỏi mà ít đặt nặng độ chính xác. Trong khi đó, người học mang phong cách nhận thức phản xạ là người đưa ra phản ứng hoặc câu trả lời chậm rãi cho các câu hỏi với sự tập trung nhiều hơn vào độ chính xác của câu trả lời (Yuniasari & Zainuddin, 2019).
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Phong cách nhận thức Phản xạ, Nhất thời và Kỹ năng Speaking
Ở mục này, tác giả trích dẫn, sử dụng kết quả nghiên cứu của Chen (2021) để phân tích, bình phẩm và mở rộng. Trong nghiên cứu này, Chen (2021) sử dụng Bài Kiểm Tra So Sánh Hình Ảnh Quen Thuộc 20 (Matching Familiar Figures Test 20 - MFFT20) kết hợp với các phương pháp nghiên cứu như quan sát, phỏng vấn, kiểm tra nói để từ đó đánh giá kỹ năng và khả năng nói của 80 học sinh tại Chongqing, từ đó đưa ra sự tương quan giữa mối quan hệ giữa phong cách nhận thức phản xạ, nhất thời và kỹ năng nói.
Nghiên cứu được sử dụng để điều tra tác động của phong cách nhận thức phản xạ và nhất thời đến khả năng nói tiếng Anh của học sinh kết hợp bốn công cụ nghiên cứu chính: Bài kiểm tra hình số quen thuộc 20 (MFFT20), quan sát, phỏng vấn và bài kiểm tra miệng. MFFT20 được sử dụng để phân loại học sinh thành các kiểu nhận thức phản xạ hoặc nhất thời dựa trên tốc độ và độ chính xác của chúng trong việc xác định các hình ảnh tương tự từ một bộ 20 hình ảnh. Sau đó, các phương pháp quan sát được áp dụng để đánh giá thành tích của học sinh trong các lớp học tiếng Anh nói, tập trung vào độ chính xác và lưu loát, để thiết lập mối liên hệ giữa phong cách nhận thức và trình độ ngôn ngữ nói. Các cuộc phỏng vấn với cả học sinh và giáo viên cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về nhận thức cá nhân về phong cách nhận thức và ảnh hưởng của nó đến khả năng nói, cũng như các phương pháp giảng dạy phù hợp với phong cách nhận thức. Cuối cùng, một bài kiểm tra miệng được thực hiện để đo lường định lượng trình độ tiếng Anh nói của học sinh thuộc các phong cách nhận thức khác nhau, làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa phong cách nhận thức và hiệu suất ngôn ngữ.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, Chen (2021) cho thấy 48 học sinh trong tổng số 80 với phong cách nhận thức phản xạ mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về các câu hỏi. Điều này cho thấy tiếng Anh nói của các học sinh này có xu hướng thiếu trôi chảy do quá trình suy nghĩ kéo dài. Tuy nhiên, các học sinh thể hiện độ chính xác cao trong việc trả lời các câu hỏi, cho thấy cách tiếp cận cẩn thận và cân nhắc.
Cụ thể, các em học sinh sở hữu phong cách nhận thức này chỉ giơ tay 10 lần trong lớp học, và các em cũng có tốc độ trả lời khá chậm trong khi đưa ra phần phản hồi của mình, nhưng chỉ có 16 lỗi được ghi nhận, chủ yếu liên quan đến kiến thức ngôn ngữ.
Trong khi đó, 32 học sinh còn lại với phong cách nhận thức nhất thời nhanh chóng trả lời các câu hỏi và bày tỏ ý tưởng của mình. Điều này giúp các học sinh thể hiện sự lưu loát cao và thời gian phản hồi nhanh bằng tiếng Anh trong khi nói. Mặc dù vậy cách tiếp cận có nhịp độ nhanh của các học sinh dẫn đến tỷ lệ lỗi cao hơn, khiến cho độ chính xác thấp hơn.
Mặc dù các em học sinh có phong cách nhận thức nhất thời giơ tay phát biểu đến tận 36 lần trong lớp (hơn gấp 3 lần so với nhóm học sinh ở trên) và diễn đạt lưu loát phần trả lời, các học sinh nhóm này mắc 50 lỗi trong khi nói (cao khoảng gấp 3 lần).
Như vậy, có thể thấy rằng hai phong cách nhận thức được đề cập và bàn luận ở đây có ảnh hưởng đáng kể và rõ rệt đến khả năng và kỹ năng nói ngoại ngữ của người học theo các hướng khác nhau. Mỗi phong cách nhận thức đều có các điểm mạnh, điểm yếu ảnh hưởng đến việc thể hiện kỹ năng nói của người học. Vì thế, dưới đây là một số chiến thuật mà người học nên nắm để có thể cải thiện kỹ năng nói một cách tốt nhất dựa trên nghiên cứu đã được trình bày.
Ứng dụng trong học tập
Người học có phong cách nhận thức phản xạ
Là người học có phong cách nhận thức phản xạ, điểm mạnh của người học nằm ở khả năng phân tích sâu sắc và chu đáo. Vì thế, người học nên đào sâu vào các chủ đề khiến gợi trí tò mò bằng cách thiết lập một kế hoạch học tiếng Anh bài bản, chi tiết; điều này có thể liên quan đến việc chia các chủ đề thành các phần nhỏ hơn, dễ quản lý hơn và khám phá từng phần một cách kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, khi tham gia thảo luận hoặc thuyết trình tiếng Anh, người học nên phân bổ thời gian để sắp xếp suy nghĩ và chuẩn bị quan điểm của mình. Sự chuẩn bị này đảm bảo rằng khi đóng góp, ý tưởng của mình sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng và có tác động. Tìm kiếm phản hồi chi tiết về công việc của mình và tìm kiếm, lắng nghe giải thích rõ ràng để hiểu sâu hơn.
Người học cũng có thể sử dụng các công cụ như bản đồ tư duy để kết nối các khái niệm khác nhau, nâng cao khả năng nắm bắt toàn diện của bạn về chủ đề. Vì bản chất phong cách nhận thức phản xạ cho phép người học nhìn thấy sự phức tạp và sắc thái, vì vậy người học cần tận dụng nó trong hành trình học tập của mình.
Người học với phong cách nhận thứ phản xạ cũng cần tận dụng các chiến thuật phát triển tính lưu loát trong kỹ năng nói. Một trong cách chiến thuật là luyện tập nói bấm thời gian, người học có thể luyện tập trả lời các câu hỏi trong khoảng thời gian ngắn, bắt buộc mình vừa tư duy sâu vừa đưa ra câu trả lời trong khoảng thời gian phù hợp và lưu loát hơn. Thủ thuật shadowing cũng là một chiến thuật hữu ích, người học có thể nghe người bản xứ nói tiếng Anh và bắt chước, bắt kịp theo tốc độ nói tiếng Anh của họ.
Người học có phong cách nhận thức nhất thời
Đối với người học có phong cách nhận thức nhất thời, tư duy nhanh nhạy và khả năng thích ứng nhanh chóng là điểm mạnh vô cùng lớn. Người học có thể tham gia vào các hoạt động thử thách khả năng tư duy của mình, chẳng hạn như tranh luận hoặc câu đố bằng tiếng Anh tính giờ, để giữ cho việc học năng động và thú vị.
Các hoạt động học tập mang tính hợp tác cũng có thể phát huy điểm mạnh của người học với phong cách nhận thức này; việc trao đổi ý tưởng đòi hỏi tư duy hoạt động mạnh trong môi trường nhóm có thể khơi dậy sự sáng tạo và nâng cao trải nghiệm học tập ngoại ngữ của mình.
Mặc dù tốc độ của người học với phong cách nhận thức nhất thời là một lợi thế, nhưng thỉnh thoảng thực hành nhiều hoạt động mang tính nhìn nhận lại hơn có thể cải thiện độ chính xác và chiều sâu hiểu biết của mình. Cân bằng bản chất bốc đồng với những khoảng dừng chiến lược để suy ngẫm có thể dẫn đến bộ kỹ năng toàn diện hơn. Thủ thuật “pause and think” có thể khá hữu ích, người học tập tạm dừng một chút trước khi trả lời câu hỏi hoặc trong khi trò chuyện. Việc tạm dừng một chút này cho phép mình nhanh chóng xem lại suy nghĩ của mình và sắp xếp câu trả lời mạch lạc hơn, giảm nguy cơ mắc lỗi. Bên cạnh đó, người học cần luyện tập ngữ pháp và từ vựng bằng cách kết hợp các bài tập có mục tiêu vào thói quen học tập của bạn để củng cố cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ vựng. Việc thực hành tập trung này có thể giúp củng cố sự hiểu biết của bạn và cải thiện độ chính xác khi nói một cách tự nhiên.
Đọc thêm: Luyện nói tiếng Anh theo chủ đề | Phương pháp nâng cao kỹ năng Nói.
Kết luận
Như vậy, bài viết này đã chỉ ra và phân tích mối quan hệ giữa phong cách nhận thức phản xạ, nhất thời và kỹ năng speaking dựa trên các kết quả nghiên cứu, từ đó đề xuất các hướng phát triển kỹ năng speaking cho người học. Việc hiểu rõ phong cách nhận thức của bản thân có vai trò hết sức quan trọng trong việc luyện tập, củng cố kỹ năng nói.
Tham khảo
Allport, G. W. (1937). Personality: A Psychological Interpretation. Holt.
Alloway, T. P., Banner, G., & Smith, P. (2010). Working memory and cognitive styles in adolescents’ attainment. British Journal of Educational Psychology, 80(4), 567–581. doi.org/10.1348/000709910x494566
Brown, H. D. (2000). Principles of Language Learning and Teaching (4th ed.). Addison Wesley Longman.
Chen, C. (2021). A study on the relationship between reflective-impulsive cognitive styles and oral proficiency of EFL learners. Theory and Practice in Language Studies, 11(7), 836–841. doi.org/10.17507/tpls.1107.10
Kagan, J., Rosman, B. L., Day, D. O., Albert, J. A., & Phillips, W. A. (1964). Information Processing in the Child: Significance of Analytic and Reflective Attitudes. The Psychological Monographs, 78(1), 1–37. doi.org/10.1037/h0093830
Mecklinger, A. (2010). The control of long-term memory: Brain systems and cognitive processes. Neuroscience & Biobehavioral Reviews, 34(7), 1055–1065. doi.org/10.1016/j.neubiorev.2009.11.020
Yuniasari, A., & Zainuddin, Z.-. (2019). The Impact of Cognitive (Reflectivity/Impulsivity) on Tertiary EFL Learners’ Syntactic Complexity in Descriptive Writing. Advances in Language and Literary Studies, 10(1), 86. doi.org/10.7575/aiac.alls.v.10n.1p.86
Bình luận - Hỏi đáp