Banner background

Từ nhận thức của mỗi người đi đến lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả (Phần 1)

Định nghĩa các kiểu nhận thức và cách học ngoại ngữ hiệu quả, giải thích tầm quan trọng của việc sở hữu cách học phù hợp, và phân tích 2 khía cạnh của nhận thức: Kiểu tiếp nhận thông tin.
tu nhan thuc cua moi nguoi di den lua chon cach hoc ngoai ngu hieu qua phan 1

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, mỗi người có một kiểu nhận thức khác nhau, một cách suy nghĩ khác nhau, và tương ứng với đó là các chiến thuật học ngôn ngữ phù hợp (Oxford, 1990). Loạt bài viết “Từ nhận thức của mỗi người đi đến lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả"sẽ giúp người đọc hiểu được bản thân thuộc kiểu nhận thức gì, và từ đó đưa ra các gợi ý về cách học ngoại ngữ phù hợp nhất với từng kiểu nhận thức, thông qua các ví dụ cụ thể trong bài thi IELTS. Bài viết sau đây sẽ mở đầu series bằng việc định nghĩa các kiểu nhận thức và cách học, giải thích tầm quan trọng của việc sở hữu một cách học ngoại ngữ hiệu quả, và phân tích khía cạnh đầu tiên trong 6 khía cạnh của nhận thức: Kiểu tiếp nhận thông tin

Key Takeaways

  1. Kiểu nhận thức (cognitive styles): cấu trúc tâm lý quyết định cách mỗi người thường sắp xếp và xử lý thông tin. Có 6 yếu tố cấu thành nên kiểu nhận thức của mỗi người, mỗi yếu tố gồm 2 nhóm đối lập.

  2. Chiến thuật học (learning strategies): các hành động, kế hoạch, thói quen cụ thể mà người học lựa chọn một cách có chủ ý để tiếp nhận, lưu trữ và sử dụng thông tin hiệu quả và dễ dàng hơn. 

  3. Mỗi kiểu nhận thức sẽ có các chiến thuật học ngôn ngữ phù hợp tương ứng.Kiểu tiếp nhận thông tin: gồm 2 nhóm là Bao quát (Global) và Cụ thể (Particular). Người thuộc nhóm Bao quát tiếp cận và hiểu thông tin một cách tổng thể, người thuộc nhóm Cụ thể chú ý hơn vào từng chi tiết, một cách tuần tự.


Tầm quan trọng của việc lựa cách học ngoại ngữ hiệu quả phù hợp với kiểu nhận thức 

Các nghiên cứu cho thấy, các cách học (learning styles), hay cụ thể hơn là kiểu nhận thức (cognitive styles), ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn cách học ngôn ngữ. Khi biết về các kiểu nhận thức, người học có thể lựa chọn các cách học tập phù hợp với bản thân để trở nên độc lập, tự tin và thành công hơn, đặc biệt là trong quá trình học ngôn ngữ. Bên cạnh đó, giáo viên sau khi biết về các phong cách học khác nhau có thể điều chỉnh phương pháp dạy sao cho phù hợp nhất với nhận thức và tính cách của người học.

Tuy nhiên, có nhiều người học biết kiểu nhận thức của bản thân, hoặc có biết nhưng không sử dụng đúng cách học tương ứng, dẫn đến các khó khăn trong quá trình học ngôn ngữ. Ngoài việc giới thiệu về các kiểu nhận thức và chiến lược học khác nhau, tác giả bài viết cũng mong muốn thay đổi cái nhìn của người đọc đối với khả năng học tập của bản thân để hiểu rằng, các khó khăn, thất bại trong quá trình học không phải do bản thân người học không đủ giỏi, mà có thể chỉ là do chưa tìm được cách học ngoại ngữ hiệu quả.

Định nghĩa kiểu nhận thức và cách học ngoại ngữ hiệu quả

Kiểu nhận thức (Cognitive styles)

Kiểu nhận thức được định nghĩa là “cấu trúc tâm lý quyết định cách mỗi người thường sắp xếp và xử lý thông tin” (Brown and Brailsford, 2006, p. 327). Kiểu nhận thức là một phần quan trọng cấu thành nên phong cách học tập (learning style) và “có ảnh hưởng lớn tới việc học ngôn ngữ thứ 2” (Tang, 2009, pp. 129-130). Loạt bài viết sẽ tập trung phân tích 6 yếu tố cấu thành nên kiểu nhận thức của mỗi người, gồm: Kiểu tiếp nhận thông tin, Kiểu xử lý thông tin, Kiểu ghi nhớ thông tin, Kiểu tiếp cận quy tắc ngôn ngữ, Kiểu xử lý nhiều dữ liệu đầu vào, Kiểu tốc độ xử lý thông tin. Với mỗi yếu tố, người học sẽ thuộc 1 trong 2 nhóm. Nhìn chung kiểu nhận thức của mỗi người sẽ được phân loại như sau (Phân tích cụ thể của từng yếu tố sẽ được đưa ra ở các phần sau của bài viết):

tu-nhan-thuc-cua-moi-nguoi-di-den-lua-chon-cach-hoc-ngoai-ngu-hieu-qua-p-1-cu-the

Cách học ngoại ngữ hiệu quả

Nếu kiểu nhận thức là các đặc điểm tự nhiên mà người học không thể quyết định, thì các cách học ngoại ngữ hiệu quả là các hành động, kế hoạch, thói quen cụ thể mà người học lựa chọn một cách có chủ ý để tiếp nhận, lưu trữ và sử dụng thông tin hiệu quả và dễ dàng hơn (Macaro, 2006, p. 324). 

Trong quyển sách “Language learning strategies”, Oxford (1990) đã phân loại 62 chiến lược thành hai nhóm: Nhóm chiến lược trực tiếp (direct strategies) và nhóm chiến lược gián tiếp (indirect strategies), trong mỗi nhóm có ba nhóm nhỏ. Cụ thể: 

  1. Nhóm chiến lược trực tiếp: Liên quan đến quá trình suy nghĩ, chia làm ba nhóm nhỏ sau: 

  2. Nhóm chiến lược ghi nhớ (memory strategies): Được dùng để ghi nhớ kiến thức ngoại ngữ mới và khơi gợi lại kiến thức cũ. Ví dụ: các kĩ thuật như nhóm thông tin, sử dụng hình ảnh sinh động hay các thủ thuật ghi nhớ như Lâu đài trí nhớ...

  3. Nhóm chiến lược nhận thức (cognitive strategies): Trong việc học ngôn ngữ, đây là chiến lược được sử dụng nhiều nhất bởi chức năng chuyển hóa ngôn ngữ đích (target language). Ví dụ các chiến lược nhận thức gồm: luyện tập, phân tích, tóm tắt...

  4. Nhóm chiến lược đối phó (compensation strategies): Được sử dụng để đối phó với các tình huống vượt quá khả năng của người học ngôn ngữ về mặt ngữ pháp hoặc từ vựng. Ví dụ: đoán mò theo cảm tính.

  5. Nhóm chiến lược gián tiếp: gồm những thủ thuật phụ giúp và củng cố mạnh mẽ nhóm chiến lược trực tiếp. Có ba nhóm nhỏ sau: 

  6. Nhóm chiến lược siêu nhận thức (metacognitive strategies): Giúp người học lên kế hoạch, tự quản lý và tự đánh giá tiến trình học tập. Ví dụ: tập trung chú ý nghe giảng, lên kế hoạch học tập cụ thể hàng tuần, viết nhật ký sau mỗi buổi học...

  7. Nhóm chiến lược kiểm soát tình cảm/cảm xúc (affective strategies): Được dùng trong việc giúp người học kiểm soát các cảm xúc ảnh hưởng đến quá trình học tập. Ví dụ: thiền định để giảm lo âu, nói chuyện với gương để tự động viên bản thân, tâm sự với người thân...

  8. Nhóm chiến lược giao tiếp xã hội (social strategies): Là chiến lược giúp giải quyết vấn đề về học ngôn ngữ bằng cách giao tiếp với người khác. Ví dụ: học theo cặp/nhóm.

Trong loạt bài viết này, nhóm chiến lược nhận thức sẽ được tập trung giới thiệu và khai thác, vì đây là nhóm được chứng minh có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình học ngôn ngữ (Oxford, 1990). Vì vậy, phần lớn các chiến lược học được khuyến nghị ở phần sau của bài viết phần lớn sẽ thuộc nhóm chiến lược nhận thức, trừ khi được ghi rõ là các chiến lược khác.

Phần tiếp theo của bài viết sẽ lần lượt phân tích 6 yếu tố cấu thành nên kiểu nhận thức, và đưa ra các ví dụ cụ thể về cách áp dụng các chiến lược học tương ứng với mỗi kiểu nhận thức, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị cho bài thi IELTS.

Đọc thêm: Ảnh hưởng của tính cách cá nhân (personality) đến việc học ngoại ngữ.

Kiểu tiếp nhận thông tin: Bao quát hay Cụ thể (Global vs. Particular)

Phân loại

Bao quát (Global)

Những người tiếp nhận thông tin theo cách Bao quát thường hướng đến việc hiểu ý chính và có thể thoải mái giao tiếp kể cả khi không hiểu tất cả các khái niệm và từ ngữ được dùng. Những người thuộc nhóm này thường hiểu được cấu trúc tổng thể, ý nghĩa tổng quát của một văn bản, nhưng thường không nắm được từng chi tiết cụ thể hay diễn đạt một cách logic, có trình tự câu trả lời của mình. Bước đầu khi đối mặt với một vấn đề, những người thuộc nhóm này thường cảm thấy mông lung và khó hiểu, do họ thường thu nạp kiến thức một cách ngẫu nhiên và không có trình tự, và sau đó bỗng nhiên hiểu ra một khi họ đã xâu chuỗi mọi thông tin lại với nhau.

Cụ thể (Particular) 

Những người tiếp nhận thông tin theo cách Cụ thể cần các ví dụ chi tiết và cần hiểu từng từ một để có thể hiểu trọn vẹn toàn bộ nội dung. Họ nắm bắt được cấu trúc tổng thể hay thông điệp chung chậm hơn nhóm Bao quát, và sẽ cảm thấy hơi “khó chịu” nếu chưa nắm được ngọn ngành từng chi tiết. Họ thường đi theo từng bước một để tuần tự giải quyết được một bài toán, một vấn đề, và thường đọc tới đâu, hiểu tới đó.

Cách học ngoại ngữ hiệu quả tương ứng

Với những người thuộc nhóm Bao quát:

Trong quá trình học tập nói chung, những người tiếp nhận thông tin theo kiểu Bao quát sẽ thích và hợp làm việc với sơ đồ tư duy hơn là danh sách các gạch đầu dòng, và sẽ dễ dàng thu nạp thông tin hơn nếu ngay từ ban đầu được giáo viên cung cấp bức tranh toàn cảnh và chỉ rõ sự liên hệ giữa kiến thức mới các kiến thức đã học, cũng như vị trí của bài học hiện tại trong tổng quan cả chương trình, rồi sau đó mới đi vào từ chi tiết. 

Trong quá trình làm bài IELTS, sẽ có một số dạng bài là điểm mạnh của những người tiếp nhận thông tin theo cách Bao quát, ví dụ như các dạng Matching Headings (nối tiêu đề) và Summary Completion (điền vào tóm tắt) trong bài Reading. Nhưng đồng thời, họ sẽ thường gặp khó khăn khi làm các dạng bài Reading như Matching Information (nối thông tin), Information Identification (xác định thông tin) và diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng và thuyết phục trong bài thi Writing, đặc biệt là với các dạng như Quy trình (Task 1), Nguyên nhân - Vấn đề - Giải pháp (Task 2)...

Do đó, trong bài thi IELTS, cách học ngoại ngữ hiệu quả phù hợp với những người thuộc nhóm Bao quát sẽ là luôn đọc lướt qua một lượt các thông tin cho sẵn và gạch chân các keyword để nắm được chủ đề chính (đối với bài thi Reading và Listening) và sử dụng các phương pháp, kỹ thuật lập luận và trình bày trong Writing như cấu trúc đoạn văn P.I.E để trình bày và sắp xếp các ý tưởng theo cách tuần tự, logic và rõ ràng hơn. 

Với những người thuộc nhóm Cụ thể:

Trong quá trình học tập, những người tiếp nhận thông tin theo cách Cụ thể, tuần tự từng chi tiết sẽ hợp làm việc với các thông tin được liệt kê rõ ràng bằng bảng biểu, ghi chép chi tiết theo trình tự học.

Trong quá trình làm bài IELTS, những dạng bài là điểm yếu của nhóm Bao quát sẽ là điểm mạnh của nhóm Cụ thể, và ngược lại. Những người tiếp nhận thông tin theo cách Cụ thể sẽ có xu hướng làm tốt các dạng Matching Information (nối thông tin), Information Identification (xác định thông tin) và gặp khó khăn hơn với các dạng Matching Headings (nối tiêu đề) và Summary Completion (điền vào tóm tắt) trong bài Reading. Ngoài ra, họ cũng sẽ gặp khó khăn hơn nhóm Bao quát trong việc nắm bắt được các xu hướng (trend) trong bài Writing Task 1 hay viết các câu chủ đề trong bài Writing Task 2.

Do đó, trong bài thi IELTS, cách học ngoại ngữ hiệu quả phù hợp với những người thuộc nhóm Cụ thể sẽ là tự phác họa ra một biểu đồ các thông tin chính của từng đoạn văn theo trình tự, xác định câu chủ đề và tập viết tóm tắt ý chính cho từng đoạn văn bản (đối với bài Reading), luyện tập tìm điểm tương đồng để viết overview trong Writing Task 1 và tập viết các câu chủ đề trong Writing Task 2.

Lời kết

Bài viết trên đã mở đầu cho loạt bài viết giúp người đọc lựa chọn cácg học ngôn ngữ phù hợp với kiểu nhận thức của bản thân. Bài viết bắt đầu bằng việc giải thích tầm quan trọng của cách học phù hợp trong quá trình học ngôn ngữ. Sau đó, các kiểu nhận thức và cách học đã được bước đầu định nghĩa và giới thiệu. Phần cuối của bài viết đã phân tích và so sánh điểm mạnh và yếu của 2 kiểu tiếp nhận thông tin là Bao quát và Cụ thể, cũng như đưa ra các gợi ý về phương hướng học phù hợp và hiệu quả nhất với từng nhóm trong quá trình ôn luyện IELTS.

Các bài viết tiếp theo trong loạt bài sẽ tiếp tục phân tích 5 yếu tố còn lại cấu thành nên Kiểu nhận thức của mỗi người.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...