Những tiêu chí đảm bảo tính mạch lạc (Coherence) trong IELTS Writing (P.2)

Tính mạch lạc được thể hiện thông qua hai tiêu chí: Sự liền mạch về nội dung và cách tổ chức thông tin. Vậy làm thế nào để đáp ứng hai tiêu chí này và tránh lỗi mạch lạc khi viết?
author
ZIM Academy
09/12/2020
nhung tieu chi dam bao tinh mach lac coherence trong ielts writing p2

Như đã đề cập ở phần trước, tính mạch lạc (Coherence) là khái niệm được dùng để chỉ mức độ rõ ràng mà thông tin trong bài viết được truyền đạt đến người đọc. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc các tiêu chí đảm bảo tính mạch lạc trong bài thi IELTS Writing Task 2 nói riêng và các bài viết học thuật nói chung.

Đọc thêm: Những tiêu chí đảm bảo tính mạch lạc (Coherence) trong IELTS Writing (P.1)

Các tiêu chí đảm bảo tính mạch lạc

Thông qua việc phân tích tính mạch lạc ở từng cấp độ của một bài viết ở phần 1, ta có thể thấy sự rõ ràng này được biểu hiện thông qua hai tiêu chí:

Sự liền mạch về nội dung: sự tương quan giữa luận điểm chính và giữa các luận cứ, cách diễn đạt các ý tưởng, sự lựa chọn cấu trúc ngữ pháp và từ vựng để truyền tải thông điệp. Ở khía cạnh nội dung, người học có thể mắc các lỗi sau (Choi, 1988):

  • Không xác định rõ chủ đề hay luận điểm (Unspecified topic)

  • Lạc đề (Unjustified change of/ drift of topic)

  • Chứa thông tin không liên quan (Irrelevance)

Cách tổ chức thông tin: bố cục các đoạn văn, vị trí của các câu trong đoạn và thứ tự các ý được diễn đạt trong câu. Một số lỗi mạch lạc liên quan đến khía cạnh này là (Choi, 1988):

  • Phân chia đoạn không hợp lý (Misleading paragraph division)

  • Sắp xếp thông tin không hợp lý (Misleading ordering of material)

  • Đặt tiêu đề không hợp lý (Misleading headings)

Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu đến người đọc các cách để đáp ứng hai tiêu chí này và để tránh các lỗi về tính mạch lạc trong IELTS Writing.

tieu-chi-dam-bao-tinh-mach-lac

Cách phát triển nội dung mạch lạc

Theo định nghĩa ở trên, tiêu chí nội dung liên quan đến cách mà các ý được diễn đạt, phát triển và liên kết với nhau. Việc sử dụng cấu trúc ngữ pháp và từ vựng thích hợp (hay chính là tính liên kết – cohesion) là một phần của tiêu chí này, đây cũng là một công cụ để bổ trợ tính mạch lạc. Vì lẽ này, khả năng vận dụng từ vựng và ngữ pháp không hẳn sẽ đồng nghĩa với việc có thể xây dựng một nội dung liền mạch (Kuo, 1995). Thay vào đó, tiêu chí này sẽ được đảm bảo bằng cách thỏa mãn các yếu tố sau (Richards, 2010):

Tính hoàn chỉnh (Completedness)

Các ý tưởng được trình bày trong bài cần được triển khai đầy đủ thông qua các thao tác lập luận như: bình luận, phân tích, chứng minh… Trong dạng bài tiểu luận (essay), các ý tưởng có thể được chia thành các loại như sau:

  • Chủ đề (Topic): là ý kiến (opinion) hoặc một đề tài để bàn luận (subject of discussion) được cho ở phần đề bài. Toàn bộ bài viết được dùng để bình luận (argue) hoặc phân tích (discuss) về chủ đề này.

Đọc thêm: Câu chủ đề là gì? Cách viết câu chủ đề trong IELTS Writing Task 2

Ví dụ: Some people who have been in prison become good citizens later, and it is often argued that these are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime. To what extent do you agree or disagree?

Chủ để là một ý kiến cho rằng cựu tù nhân là những người thích hợp nhất để giáo dục thanh thiếu niên về việc phạm pháp. Bài viết cần phải bình luận về chủ đề này bằng việc đưa ra luận điểm và chứng minh cho luận điểm đó bằng những luận cứ.

  • Luận điểm (Thesis statement): là nhận định của tác giả về chủ đề bài viết. Với dạng bài bình luận, nhận định này có thể là ủng hộ, phản đối hoặc trung lập với ý kiến được nêu ra.

Ví dụ: I completely agree with the idea that allowing such people to speak to teenagers about their experiences is the best way to discourage them from breaking the law. Luận điểm của tác giả là ủng hộ với ý kiến đề cho.

Với dạng phân tích thì luận điểm là một hoặc nhiều nhận xét của tác giả về vấn đề nêu trong đề.

Ví dụ: People have different views about the role and function of museums. In my opinion, museums can and should be both entertaining and educational. Tác giả nhận xét rằng bảo tàng thì nên giữ cả hai vai trò là giáo dục và giải trí.

  • Luận cứ (Supporting idea): là những lập luận chứng minh cho luận điểm.

Ví dụ: Teenagers are more likely to accept advice from someone who can speak from experience. Căn cứ để tác giả ủng hộ ý kiến cựu tù nhân là những người thích hợp nhất để giáo dục thanh thiếu niên về việc phạm pháp.

Nếu những luận cứ là giả thiết của tác giả (như ví dụ trên), không phải là sự thật được chấp nhận rộng rãi, thì chúng cần được củng cố bởi các ví dụ, bằng chứng hoặc các luận cứ phụ khác (gọi chung là tiền đề – premise trong IELTS).

Một bài viết được xem là thỏa mãn tính hoàn chỉnh khi trình bày đầy đủ chủ đề, luận điểm và các luận cứ cần thiết.

cach-phat-trien-noi-dung-mach-lac

Tính cân bằng (Balance)

Yếu tố này đòi hỏi người viết cân đối về mức độ chi tiết khi triển khai từng ý tưởng, dù đó có là chủ đề, luận điểm hay luận cứ. Một bài viết sẽ mất đi tính cân bằng khi một hoặc nhiều ý có sức nặng khác hẳn các ý khác trong bài. Để hiểu hơn về yếu tố này, ta hãy cùng phân tích ví dụ sau:

Chủ đề – In the developed world, average life expectancy is increasing. What problems will this cause for individuals and society? Suggest some measures could be taken to reduce the impact of ageing populations.

Đề yêu cầu người viết trình bày luận điểm về 2 chủ đề: vấn đề gây ra bởi sự già hóa dân số và giải pháp để giảm tác động gây ra bởi sự già hóa dân số

Người viết trình bày các ý tưởng trong phần thân bài như sau:

tinh-mach-lac-trong-noi-dung-bai-viet

Nhìn một cách trực quan của dàn bài trên, ta không nên vội kết luận rằng các luận cứ của thân bài 1 là được triển khai một cách không cân bằng. Mặc dù luận cứ đầu tiên được diễn giải chi tiết hơn, nhưng tác giả đã nêu rõ đó là vấn đề chính (main issue). Vậy nên việc đi sâu vào lập luận để luận cứ đầu có sức nặng hơn là thỏa đáng. Thay vào đó, sự mất cân bằng nằm ở việc chủ đề thứ hai được triển khai ở phần thân bài 2. Ở đây chúng ta thấy ngoài việc liệt kê hai giải pháp, tác giả không hề tiến hành phân tích hay chứng minh cho ý tưởng của mình. Việc này không chỉ khiến cho độ dài của thân bài 2 ngắn hơn hẳn thân bài 1, mà nó còn khiến cho chủ đề thứ hai mất hẳn giá trị so với chủ đề thứ nhất. Bài viết này vì thế mà mất đi tính cân bằng và mạch lạc.

Đọc thêm: Phản ví dụ là gì? Ứng dụng để lập luận trong IELTS Writing task 2

Tính liên tục (Continuity)

Các lập luận, quan điểm cá nhân, ví dụ và dẫn chứng cần có liên kết chặt chẽ với nhau về mặt nội dung. Các ý mới cần liên quan đến ngữ cảnh, luận điểm và luận cứ đang được nhắc đến trong đoạn văn hoặc bài văn.

Ngoài ra, đối với các ý đã được nhắc đến thì cần có sự liên hệ lại ở các đoạn sau. Để thực hiện điều này, người học có thể vận dụng 3 phương pháp sau (Shukurova, 2017):

Ví dụ: It is true that ex-prisoners can become normal, productive members of society. I completely agree with the idea that allowing such people to speak to…  Từ “such people” là được dùng để nhắc lại từ khóa “ex-prisoners”.

Ví dụ: Reformed offenders can tell young people about how they became involved in crime, the dangers of a criminal lifestyle, and what life in prison is really like. They can also dispel any ideas… Đại từ “they” được dùng để thay thế cho “reformed offenders”

  • Dùng từ chuyển tiếp (Using transition signals) như: first, second, however, as mentioned, in conclusion,…

Ví dụ: One option would be for police officers to visit schools and talk to young people. This could be… A second option would be for school teachers to speak to their students… “One option” và “A second option” là các từ tác giả dùng để chuyển tiếp giữa các ý mới trong đoạn.

Điều quan trọng trong yếu tố này là bản thân các ý tưởng được trình bày trong bài viết phải liên quan với nhau về mặt nghĩa. Nếu không, các phương pháp được giới thiệu ở trên sẽ không có tác dụng và bài viết sẽ mất đi tính liên tục.

tinh-lien-tuc-trong-phat-trien-noi-dung

Cách xây dựng một bố cục mạch lạc

Một tiêu chí khác của tính mạch lạc chính là thứ tự mà thông tin được trình bày trong bài viết. Bố cục này cần được sắp xếp một cách hợp lý và có chủ đích. Sau đây là một số bố cục mà người học có thể áp dụng trong các bài luận văn thường gặp trong các kì thi năng lực ngôn ngữ.

Bố cục cho bài viết

Một bố cục thường được áp dụng trong luận văn sẽ bao gồm các phần sau:

  • Mở bài (Introduction): nêu chủ đề của bài viết, trình bày luận điểm chính (thesis statement)

  • Thân bài (Body): thân bài thường gồm nhiều đoạn văn trình bày nhiều luận cứ khác nhau để giải thích, chứng minh, bình luận về luận điểm chính. Các đoạn này thường có chung hai loại thông tin sau:

Bối cảnh (Background): cung cấp thêm kiến thức để người đọc hiểu rõ hơn những gì chuẩn bị hoặc đã được nhắc đến trong chủ đề, luận điểm hoặc luận cứ. Phần này sẽ không thường xuất hiện trong bài thi IELTS Writing Task 2 do các chủ đề được ra đều thuộc phạm trù kiến thức phổ thông, tức được hiểu bởi đại đa số mọi người – bao gồm người học và giám khảo.

Lập luận (Argument): trình bày luận điểm và các luận cứ liên quan (giả thuyết, ví dụ, dẫn chứng) để củng cố cho luận điểm chính.

  • Kết bài (Conclusion): tóm tắt và/hoặc một lần nữa khẳng định lại luận điểm chính của bài.

Đọc thêm: Hướng dẫn viết kết bài IELTS Writing Task 2 từ band 5 đến band 8

Bố cục cho đoạn văn

Đối với thể loại luận văn, có ba cách phổ biến để thiết kế bố cục cho một đoạn văn, bao gồm: diễn dịch, quy nạp và tổng-phân-hợp. Ba cách này tuy khác nhau về cách sắp xếp thông tin, nhưng chúng đều có chung một số thành phần là: Câu chủ đề đoạn (topic sentence) nêu luận điểm của người viết, luận cứ (supporting idea) chứng minh cho câu chủ đề, các luận cứ phụ (ví dụ, dẫn chứng,…) để củng cố cho các luận cứ chính. Sau đây là thứ tự của các thành phần này trong ba bố cục của đoạn văn:

  • Diễn dịch: Câu chủ đề đoạn, luận cứ 1, luận cứ phụ, luận cứ 2, ….

  • Quy nạp: Luận cứ 1, luận cứ phụ, luận cứ 2, …., câu chủ đề đoạn

  • Tổng – phân – hợp: Câu chủ đề đoạn, luận cứ 1, luận cứ phụ, luận cứ 2, …., nhắc lại luận điểm trong câu chủ đề đoạn

Bố cục cho câu văn

Một quy tắc thường được dùng trong các bài viết học thuật là quy tắc “given -before – new”, tức người viết sẽ trình bày thông tin đã sẵn biết trước khi giới thiệu thông tin mới. Cách sắp xếp này được dựa trên một giả thiết rằng con người ta sẽ tiếp thu tốt hơn khi kiến thức mới được giới thiệu chung với những gì thân thuộc (Kuo, 1995). Một trong những ứng dụng phổ biến của giả thiết này chính là phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai bằng cách liên hệ với ngôn ngữ mẹ đẻ. Bố cục theo quy tắc “given – before – new” vì thế mà được cho là khiến người đọc dễ theo dõi và tiếp thu thông tin mới hơn.  

Ví dụ: As people live longer and the populations of developed countries grow older, several related problems can be anticipated.

Trong câu trên, phần thông tin được gạch dưới đã được cung cấp trong đề bài và mở bài, và vậy nên phần thông tin mới là several related problems can be anticipated sẽ được xếp sau. Tuy nhiên, người học không nên tuân thủ theo quy tắc này một cách máy móc. Như bài viết đã nhấn mạnh rất nhiều lần xuyên suốt các phần, việc lựa cấu trúc câu và từ vựng nên phụ thuộc vào ngữ cảnh và ý đồ của người viết.

cach-xay-dung-bo-cuc-mach-lac

Tổng kết

Một bài viết IELTS Writing tốt là bài viết có thể truyền đạt thông điệp một cách đầy thuyết phục thông qua ngôn từ. Nói một cách khác, tính mạch lạc trong IELTS Writing cần được hiện diện xuyên suốt trong từng câu, từng đoạn và trong tổng thể bài viết. Để làm được điều này, người học cần đảm bảo hai tiêu chí là sự liền mạch về nội dung và cách tổ chức thông tin trong khi viết.

Nguyễn Thị Vân Trang

Tham khảo thêm khóa học luyện thi IELTS online tại ZIM Academy, học viên được hướng dẫn cụ thể, sửa lỗi sai chi tiết, theo sát tiến độ và hỗ trợ trong suốt quá trình học tập.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu