Banner background

Phonics là gì? Giới thiệu khái quát và ứng dụng của phương pháp

Phonics là một trong những phương pháp thường gặp khi nhắc tới học tiếng Anh căn bản, đặc biệt là kỹ năng nói và giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều người học vẫn còn khá lạ lẫm với phương pháp này và còn nhiều thắc mắc về nó. Do đó, bài viết dưới đây sẽ giải đáp Phonics là gì, giới thiệu định nghĩa, cách dùng, ưu - nhược điểm và điểm khác biệt nhằm giúp người đọc có một hình dung cụ thể và khách quan nhất về phương pháp này.
phonics la gi gioi thieu khai quat va ung dung cua phuong phap

Key takeaways

  • Phonics là gì? - Gọi là phương pháp ngữ âm, là một phương pháp dạy phát âm qua những âm thanh mà từ ngữ biểu thị

  • Phonics là một hệ thống ngữ âm đã được hệ thống và chuẩn hóa, có quy ước rõ ràng và khoa học, giúp người học có thể phát triển và luyện phát âm một cách chuẩn xác

  • Hệ thống ngữ âm Phonics bao gồm hai thành tố chính là 20 nguyên âm và 24 phụ âm

  • Phonics có cả các ưu và nhược điểm cụ thể, song đây vẫn là một phương pháp học và luyện phát âm hiệu quả, phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới

  • So với các phương pháp học phát âm truyền thống, cách học này sẽ khoa học, chính xác và chủ động hơn cho người học

  • Phương pháp này có thể áp dụng cho người học tiếng Anh nói chung, đặc biệt là người mới bắt đầu, trình độ sơ cấp như trẻ nhỏ hoặc người mất gốc

Phương pháp Phonics là gì?

Định nghĩa: Phonics, hay còn gọi là phương pháp ngữ âm, là một phương pháp dạy phát âm qua những âm thanh mà từ ngữ biểu thị.

Cụ thể, phương pháp nãy sẽ quy ước các âm thanh trong tiếng Anh thành các ký tự cụ thể, có nguyên tắc và cách đọc rõ ràng. Nhờ đó, người học có thể dễ dàng ghi nhớ và tái tạo âm thanh khi nghe người khác nói thông qua việc sử dụng các ký tự đã quy ước này và ngược lại, có thể đọc và nói khi nhìn thấy ký tự đó.

Để dễ dàng hiểu Phonics là gì, một ví dụ là người học có thể nắm được chữ u trong “full” đọc là /ʊ/, trong khi u trong “duck” đọc là /ʌ/. Nhờ đó, chỉ cần nhìn phiên âm của từ vựng theo phương pháp Phonics, người học có thể dễ dàng phát âm chính xác từ vựng đó dựa trên cách đánh vần đã quy ước mà không cần nghe đọc mẫu.

Đây cũng là một phương pháp học rất phổ biến không chỉ ở các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Úc, Mỹ, Singapore,… mà còn là trên hầu hết các quốc giá khác trên thế giới. Hệ thống ngữ âm Phonics do đó cũng đã được chuẩn hóa và được coi là một quy chuẩn quốc tế.

Điều này có nghĩa rằng, cho dù đang ở Việt Nam, Mỹ hay Anh, thì người học vẫn có thể phát âm chính xác từ vựng thông qua phiên âm của từ vựng đó.

Trọng âm là gì? Cách đánh trọng âm trong tiếng Anh

Các yếu tố cơ bản của Phonics

Hệ thống ngữ âm Phonics bao gồm hai thành tố chính, là nguyên âm và phụ âm.

Nguyên âm

Các nguyên âm trong tiếng Anh được chia thành hai loại chính, bao gồm nguyên âm đôi và nguyên âm đơn.

Dưới đây là 12 nguyên âm đơn trong hệ thống Phonics của tiếng Anh:

bảng phonics

Tương tự, dưới đây là 8 nguyên âm đôi trong tiếng Anh:

tiếng anh phonics

Phụ âm

Ngoài các nguyên âm, hệ thống Phonics cũng bao gồm 24 phụ âm dưới đây:

phương pháp phonics

Ưu và nhược điểm của việc học Phonics

Ưu điểm

  • Hệ thống ngữ âm Phonics tương đối đơn giản, dễ hiểu, với các âm thanh riêng biệt được chia theo nhóm nguyên âm và phụ âm, giúp người học dễ dàng học tập, ghi nhớ và ứng dụng

  • Việc học Phonics giúp thí sinh nhanh chóng xây dựng được kỹ năng nghe, nói và phát âm chính xác, đồng thời có thể ghi nhớ và tái tạo âm thanh khi nghe, và phát âm chuẩn xác khi đọc phiên âm

  • Phương pháp này cũng đã được chuẩn hóa và có quy tắc rõ ràng, giúp người người đọc xác định rõ và có thể sử dụng linh hoạt trong hầu hết các hệ thống giáo dục tiếng Anh theo quy chuẩn

  • Hệ thống Phonics giúp người học có nền tảng tốt để tự học, tự hiểu, tự ghi nhớ và thực hành phát âm chuẩn xác một cách độc lập mà không cần phụ thuộc vào phát âm mẫu hay các quy tắc “tiếng bồi” thiếu chính xác

Nhược điểm

  • Phonics tiếng Anh có tới 20 nguyên âm và 24 phụ âm, tương đối nhiều so với các ngôn ngữ khác, dễ gây ra khó khăn với người học đến từ các nước không nói tiếng Anh

  • Hệ thống ngữ âm này cũng bao gồm nhiều âm có sự tương đồng / khác biệt không nhiều, dễ gây nhầm lẫn, bối rối cho người học, đặc biệt là người mới bắt đầu

  • Người học phonics cũng cần một khoảng thời gian tương đối để hoàn toàn nắm rõ và xây dựng thói quen phát âm dựa trên phiên âm, cần kiên trì và luyện tập đều đặn

  • Có một số trường hợp đặc biệt không tuân theo quy tắc phát âm thông thường, có thể gay ra bối rối hoặc lỗi sai cho người học

Sự khác biệt của phương pháp Phonics là gì?

Sự khác biệt của phương pháp Phonics

Ngoài Phonics, các phương pháp học truyền thống như học nhại hay học “tiếng bồi” đều có những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc học nhại - nghe phát âm mẫu và nhại lại, phát âm theo - dễ gây thói quen thụ động, phụ thuộc vào các giọng đọc mẫu.

Về lâu về dài, người đọc không thể tự học từ mới vớ cách phát âm chuẩn xác mà không có phát âm mẫu, đồng thời dễ phát âm sai nếu không có người kiểm duyệt hoặc chỉnh sửa mà chỉ tự nhại theo giọng đọc mẫu.

Với phương pháp còn lại, thường được biết đến là học “tiếng bồi”, có thể hiểu là tìm cách phiên âm tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ để dễ dàng học theo. Ví dụ, “father” được phiên âm là “pha-dờ”, hay “done” được viết là “đăn”, và tương tự.

Cách học phát âm này cũng tương đối phổ biến, đặc biệt ở người học mất gốc hoặc thí sinh lớn tuổi, do được phiên âm thành tiếng Việt nên dễ dàng đọc và nhại theo.

Tuy nhiên, cách học này không thật sự hiệu quả do hầu hết các phiên âm sang tiếng Việt đều sẽ không mô phỏng được chính xác âm tiết đó trong tiếng Anh, đồng thời thường bỏ quên các yếu tố quan trọng như âm gió, âm đuôi, trọng âm, v.v.

Cách đọc này cũng không có một quy chuẩn chung, nên dễ khiến người học phát âm sai lệch, gây hiểu lầm trong giao tiếp.

Trong khi đó, Phonics là một hệ thống ngữ âm đã được hệ thống và chuẩn hóa, có quy ước rõ ràng và khoa học, giúp người học có thể phát triển và luyện phát âm một cách chuẩn xác, hiệu quả.

Từng âm thanh, âm tiết được quy ước một cách cụ thể như /ʊ/, /a/, /e/, /f/, /ʌ/,…, và được áp dụng một cách có quy tắc, do đó người học không cần nhại lại theo giọng đọc mẫu, đồng thời nắm được các trường hợp có phát âm đặc biệt.

Không những vậy, người dùng Phonics còn có thể chủ động biết cách phát âm từ mới dựa trên phiên âm của nó, đồng thời tự hình dung ra cách phát âm khi nghe được từ vựng. Do đó, cách học này sẽ khoa học, chính xác và chủ động hơn cho người học.

Khi nào nên học Phonics?

Phương pháp Phonics thường được dạy cho trẻ mới vào tiểu học ở các quốc gia nói tiếng Anh, như một tiền đề để trẻ có thể chủ động luyện tập cách phát âm chính xác, đồng thời xây dựng thói quen đọc từ theo phát âm.

Tuy nhiên, rộng rãi hơn, phương pháp này có thể áp dụng cho người học tiếng Anh nói chung, đặc biệt là người mới bắt đầu, trình độ sơ cấp. Khi đó, việc nắm rõ và luyện tập thuần thục Phonics sẽ giúp người học xây dựng một nền tảng tốt để học từ vựng chính xác, đồng thời có bộ kỹ năng nghe - nói và phát âm chắc chắn, hiệu quả.

Tổng kết

Phát âm là một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là tiền đề để người học xây dựng và phát triển kỹ năng nghe nói một cách toàn diện. Để có thể nghe hiểu, nói tốt, việc phát âm thành thạo là không thể thiếu. Phonics, hay còn gọi là phương pháp ngữ âm, là một trong những nội dung căn bản và thường gặp khi bắt đầu học tiếng Anh. Thông qua bài viết này, người đọc có thể tự giải đáp thắc mắc Phonics là gì, đồng thời năm rõ hệ thống, phương pháp, ưu và nhược điểm của nó, từ đó có thể vận dụng và học tập một cách hiệu quả nhất.

Tài liệu tham khảo

https://literacytrust.org.uk/information/what-is-literacy/what-phonics/

https://readingeggs.com.au/about/phonics/

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...